Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 4 tháng 3, 2018

Nhân đọc “Con đường sách Sài Gòn . . .” của Ngô Thế Vinh, nghĩ về tính lương thiện cần thiết của tri thức

T.Vấn

clip_image002

Địa điểm First News và Trí Việt (cùng với NXB Hồng Đức) giới thiệu ấn bản Việt ngữ “Điệp Viên Hoàn Hảo – X6”

(ảnh: Ngô Thế Vinh)

Từ nhà sách đến đường sách. . .

Nhà sách (như nhà sách Khai Trí trước đây) vốn là một nơi chứa sách, kho tàng tri thức của nhân loại, được trân trọng theo tinh thần “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy” truyền thống Việt Nam. Thế nên, nói đến sách, người ít học, người cả đời không được cầm lấy quyển sách, trân quý sách đã đành. Mà những người có học, người viết sách, càng phải trân quý sách hơn nữa, vì chính mình đã tự mang trong mình thiên chức làm giàu có thêm kho tàng tri thức của nhân loại, một thiên chức không phải ai cũng có thể hoàn thành được.

Từ nhà sách, ra tới đường sách, thì ý nghĩa trên lại càng to lớn và cao quý gấp bội.

Đã mấy năm nay, tôi chưa có dịp về thăm nhà, nhưng có nghe nói về con đường sách trong bài ghi chép của nhà văn Ngô Thế Vinh. Theo lời kể của những người bạn ở Sài Gòn, thì đó quả là một không gian lý tưởng cho những người yêu sách, nhất là cho giới trẻ muốn nhìn thế giới qua lăng kính sách, người thầy tinh thông kiến thức khắp đông tây kim cổ. Nhờ đọc bài của ông, tôi mới biết thêm một số chi tiết “thiếu trân quý” sách vở chữ nghĩa của những người chủ trương. Như câu chuyện tấm bảng to cao hơn đầu người gắn ở đầu đường sách ghi câu nói của Gandhi, mà nhà văn và nhóm bạn bè của ông đã truy tìm ra tác giả đích thực của câu trích ấy (không phải Gandhi) một cách nhanh chóng, dễ dàng và chính xác.

Nhà văn Ngô Thế Vinh và nhóm bạn bè của ông cho rằng, với mọi phương tiện sẵn có hiện nay thì việc tìm xem câu nói trên của ai để ghi cho đúng không có gì khó khăn. Có thể người ta ghi tác giả câu nói là Gandhi với một mục đích (tùy tiện) nào đó.

Đường sách thành phố, theo nhà văn Ngô Thế Vinh, chỉ là “con đường nhỏ chiều dài 144 m, lòng đường 8 m, hai bên vỉa hè rộng 6 m, với thiết kế một bên là 20 gian hàng sách, một bên là café sách và khu triển lãm.”, nhưng theo chị Huyền Chiêu trích dẫn lại từ báo Thể Thao và Văn Hóa cho biết “ Đường Sách Nguyễn Văn Bình sau 2 năm thành lập đã bán được 1,2 triệu quyển sách, doanh thu 67 tỷ đồng, thu hút hơn 4 triệu lượt khách”.

Những chi tiết trên cho thấy tầm ảnh hưởng thật đáng kể của con đường sách Nguyễn Văn Bình, nơi hàng ngày những nam thanh nữ tú của Sài Gòn đến để tìm hiểu, học hỏi văn hóa dân tộc, văn hóa thế giới qua những trang sách trân trọng giới thiệu và xiển dương mọi điều cao quý nhất của nhân loại: tri thức, tình yêu, sự lương thiện, phẩm giá làm người, v.v. Nhiều nhà văn, nhà khảo cứu, Việt Nam và ngoại quốc, trong nước và ngoài nước, đã đến đây để tự giới thiệu những tác phẩm của mình với công chúng yêu sách thành phố, trong đó có cả “các học giả người nước ngoài như GS Larry Berman cũng chọn Đường Sách để giới thiệu bản dịch cuốn The Perfect Spy / Điệp Viên Hoàn Hảo mà ông là tác giả.”

. . . Đến bản Việt ngữ tác phẩm The Perfect Spy của Larry Berman

Bản dịch sang tiếng Việt tác phẩm biên khảo The Perfect Spy của GS Berman đã có ngay sau khi bản tiếng Anh phát hành tại Hoa Kỳ (2007). Bản dịch đề tên dịch giả là Nguyễn Đại Phượng, nhà xuất bản Thông Tấn 2007. Tháng 1 năm 2016, GS Berman đến Việt Nam để giới thiệu bản dịch của dịch giả Đỗ Hùng được cho là “Ấn bản Mới” (hàm nghĩa là khác với ấn bản cũ?). Bìa sách ghi nhà xuất bản Hồng Đức 2013 (có in logo của First News và Trí Việt). Hai dịch giả này có phải là một người hay không thì tôi không biết, nhưng đọc lướt qua hai bản dịch thấy văn phong và nội dung có chỗ giống hệt nhau. Bản Nguyễn Đại Phượng (cũ) có tên sách “Điệp Viên Hoàn Hảo”. Bản Đỗ Hùng (mới) có tên sách “Điệp Viên Hoàn Hảo – X6”.

Điều đáng nói ở đây là những sai sót, cắt xén (một cách lươn lẹo) ở cả hai bản dịch (chương Mở Đầu). Bản Đỗ Hùng có sửa lại vài sai sót ngô nghê của bản Nguyễn Đại Phượng, nhưng vẫn giữ cái cắt xén lươn lẹo của bản cũ. Có chỗ lời dịch không rõ ràng, suôn sẻ như bản cũ.

Những chỗ sai sót, cắt xén dưới đây được tìm thấy chỉ ở 19 trang (bản Anh ngữ) của phần Mở Đầu (Prologue). Thú thật, tôi không đọc tiếp những phần tiếp theo của cả hai bản dịch, vì trước hết, tôi không có nhu cầu đọc bản dịch. Thứ nữa, tôi không có đủ thì giờ và sự can đảm chịu bị tra tấn tiếp tục.

Cắt Xén:

1.

clip_image004

Dưới đây là phần trích hai bản Việt ngữ:

“Thật trớ trêu, khi cuộc chiến tranh đã chấm dứt và Việt Nam không còn bị chia cắt nữa, thì lại có một số người trong cơ quan công an Việt Nam tin rằng quan hệ của Phạm Xuân Ẩn với người của tình báo Mỹ và CIO vẫn còn quá thân thiết. Và rằng, người Anh hùng tình báo của họ tồn tại được lâu như vậy là vì đã làm việc cho các bên khác nhau nên rất có thể Phạm Xuân Ẩn là một điệp viên đồng thời cho cả ba cơ quan tình báo. Sự rắc rối đối với Phạm Xuân Ẩn bắt nguồn từ việc ông luôn dùng những lời lẽ thân thiết để nói về những người bạn của mình từng làm việc cho CIA và CIO.” (Bản Cũ)

“Thật trớ trêu, sau khi chiến tranh kết thúc và Việt Nam không còn chia cắt nữa, có một vài người trong cơ quan công an Việt Nam lại cho rằng quan hệ giữa Ẩn với người Mỹ và tình báo Nam Việt Nam vẫn còn quá gần gũi. Có lẽ cho rằng người anh hùng của họ đã tồn tại được lâu như vậy là nhờ ông làm việc cho tất cả các bên, tức là ông hoàn toàn có thể là một điệp viên ba mang, ông Ẩn cũng làm cho tình hình thêm rắc rối khi luôn nói tốt về rất nhiều người bạn trong CIA và CIO.” (Bản Mới)

Cả hai bản dịch đều lươn lẹo ở chỗ cố tình bỏ sót câu cuối (gạch dưới màu đỏ trong hình): nhưng lại nặng lời chỉ trích khi nói về những ước mơ của ông mà cách mạng không hề thỏa mãn.

2.

clip_image006

Dưới đây là phần trích hai bản Việt ngữ:

“Cả Phạm Xuân Ẩn và Lê Khanh đều hiểu rõ những mất mát của nhau; mối quan hệ giữa hai người này là minh chứng cho sự hoà hợp giữa những người yêu nước ở hai bên chiến tuyến.” (Bản Cũ)

“Cả hai người đều hiểu rõ những mất mát của nhau; và tình bạn giữa họ là minh chứng cho sự hòa giải giữa những người Việt ở hai bờ chiến tuyến.” (Bản Mới)

Bản dịch cũ tuy bỏ mất chữ “người Việt” nhưng vẫn giữ lại được “người yêu nước”.

Bản mới tệ hơn, thiếu lương thiện hơn khi giữ chữ “người Việt” nhưng lại bỏ chữ quan trọng hơn, nói lên quan điểm của tác giả (Larry Berman) và cả nhân vật chính (Phạm Xuân Ẩn): “người yêu nước” (hàm ý những người Việt yêu nước ở cả hai bên chiến tuyến).

Những chỗ lươn lẹo như hai thí dụ trên có thể còn nữa trong suốt tập sách mà nguyên tác Anh ngữ dầy gần 300 trang. Có thể đã có bàn tay kiểm duyệt nhúng vào, hay có sự chỉ đạo từ đâu đó gởi đến người dịch, nhưng với độc giả tôn trọng sự thật thì chỉ biết kẻ trách nhiệm là người ký tên trong bản dịch. Và càng mỉa mai hơn nữa, ở ấn bản mới còn có thêm bài tựa phần chuyển ngữ tiếng Việt ký tên “nhà sử học Dương Trung Quốc” với nhan đề: Hãy Viết Sự Thật.

Còn những chỗ sai sót ngô nghê thì tôi chỉ dẫn ra vài đoạn tiêu biểu, chẳng hạn:

- Nguyên tác: This small book tells you about the lucky revolutionary of Vietnam because luck is better than skill.

Bản Cũ dịch: Đây là cuốn sách nhỏ cho ông biết cách mạng Việt Nam đem lại may mắn vì sự may mắn tốt hơn những kỹ năng"

Bản Mới đã sửa được sự sai sót ngô nghê của Bản cũ: Cuốn sách nhỏ này cho ông biết về một người cách mạng đầy may mắn của Việt Nam bởi vận may luôn quan trọng hơn kỹ năng.

-Nguyên tác: His dreams for the revolution turned out to be naïve and idealistic,

Bản cũ (ngô nghê đến mức khó tin): Những điều ông mơ ước về cách mạng trở thành vấn đề lý tưởng,

Bản Mới khá hơn nhiều: Những giấc mơ cách mạng của ông rốt cuộc có vẻ ngây thơ và đầy lý tưởng,

-Nguyên tác: You need to be indifferent to pain and pleasure.

Bản cũ (hết sức ngô nghê, cẩu thả - nhìn gà hóa cuốc, nhìn indifferent tưởng different): Bạn cần phải khác biệt để được đớn đau và vui sướng

Bản mới khá hơn một chút: Chớ để tâm tới đớn đau và khoái lạc

Đó mới chỉ là những điều tôi nhác thấy khi vừa lướt qua hai bản dịch tiếng Việt vì tò mò xem họ làm ăn ra sao và cũng chỉ ở chương Mở Đầu. Trọn bộ quyển sách còn tới 8 chương nữa. Chính tác giả, GS Larry Berman, đã phải thừa nhận rằng câu chuyện thực sự mà Phạm Xuân Ẩn và ông trao đổi với nhau chỉ có ở nguyên tác (Anh ngữ) chứ không xuất hiện ở bản chuyển ngữ (tiếng Việt).

Một mất mười ngờ, liệu ai còn tin được tính chính xác, tính lương thiện và sự nghiêm túc ở 8 chương còn lại của cả hai bản Việt ngữ. Vậy mà người ta vẫn chọn Đường Sách, một không gian nghiêm túc, trong sáng của tri thức, làm nơi giới thiệu quyển sách chứa đựng những điều ngược lại với tôn chỉ Đường Sách.

Tôi không làm việc này như một kẻ vạch lá tìm sâu. Tôi tin rằng ai cũng có quyền nói lên quan điểm riêng của mình về bất cứ vấn đề gì, nhưng không được quyền cắt xén, xuyên tạc ý tưởng người khác một cách bất lương (như những trích dẫn ở trên) để bênh vực cho quan điểm riêng của mình. Tôi làm việc này để đáp ứng một lời kêu gọi rất nhân bản, rất trí thức của nhà văn Ngô Thế Vinh: “Đường Sách là một khoảng xanh tĩnh lặng, một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại mà đã hơn một lần muốn trở lại và cả rất yêu mến. Nhưng cũng mong sao, mọi người cố giữ cho nơi đây vẫn là một khoảng không gian xanh tinh khiết, không có những cơn gió độc mang tới những hạt giống xấu, để mãi mãi nơi đây là thửa vườn gieo trồng những hạt giống tốt của tâm hồn.”. Tôi cho rằng mình đang nhổ đi vài ngọn cỏ dại cần phải được nhổ.

Và cũng để cảnh cáo những ai còn nghĩ mình có thể lập lờ đánh lận con đen trong phạm vi sách vở. Hãy cẩn thận! Sự tiếp cận với khoa học kỹ thuật, với văn hóa thế giới ngày nay đã trở thành phổ quát, kể cả với người ở trong nước. Không sớm thì muộn, mọi ngón đòn bất lương* cỡ nào trong lãnh vực tri thức cũng đều sẽ bị vô hiệu hóa và trở thành phản tác dụng.

T.Vấn

Chú thích:

*Nói đến sự bất lương trong dịch thuật, thì thí dụ dưới đây là một sự bất lương tiêu biểu nhất của những kẻ đem chút vốn liếng ngoại ngữ đi phục vụ chế độ (hay chỉ để kiếm ăn). Trích đoạn dưới đây từ tác phẩm nguyên gốc Anh ngữ “Day of the Dead” của Marshall Brement (1932-2009), NXB Moyer Bell 2006, bản tiếng Việt ghi của Bạch Phương, NXB Thanh Niên 2011 với nhan đề Ngày Tàn Ngụy Chúa”.

Day Of The Dead là một tác phẩm tiểu thuyết của nhà ngoại giao chuyên nghiệp kỳ cựu Marshall Brement. Ông đã từng làm việc trong Tòa Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn (1973-1974). Tác phẩm dùng thể loại tiểu thuyết để nói về sự có mặt của người Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam vào thời điểm những năm tháng cuối cùng của chính phủ Ngô Đình Diệm, dẫn đến việc hai anh em ông Diệm và Nhu bị nhóm tướng lãnh làm đảo chánh sát hại vào ngày 2-11-1963. Theo văn hóa phương Tây, thời gian từ 31-10 đến 2-11 hàng năm được gọi là Day of the dead (Ngày của người chết).

Ngay từ cái cách dịch tên tác phẩm (Ngày Tàn Ngụy Chúa) cũng đã cho chúng ta thấy ý đồ chính trị hóa một tác phẩm tiểu thuyết của một người ngoại quốc.

Dưới đây là phần phóng ảnh đoạn văn đầu tiên của chương đầu tiên trong số 53 chương của tập sách:

clip_image008

Bản dịch của Bạch Phương:

Mùa hè năm 1962, không người Mỹ nào nhận nhiệm vụ tới Sài Gòn mà trong lòng anh ta không cảm thấy cắn rứt bởi sự đan xen giữa những nỗi ám ảnh bị tấn công với những viễn cảnh cho sự nghiệp của mình, cho dù đối phương của họ lúc bấy giờ đã rất cương quyết, nhưng vẫn chưa thật sự bắt đầu tấn công trực tiếp vào những người Mỹ như anh ta. Phần lớn những vụ tàn sát, giết tróc, đâm chém hay mổ bụng ... ở miền Nam Việt Nam đều được thực hiện bởi sự chỉ đạo trực tiếp từ các quan chức Chính quyền Việt Nam Cộng hòa. (Ngày Tàn Ngụy Chúa – NXB Thanh Niên 2011)

Bản dịch của T.Vấn:

Vào giữa năm 1962, không môt ai khi biết mình sẽ được phái đến Sài Gòn mà không ít nhất có lần rảnh rỗi chạnh nghĩ đến nhiệm vụ sắp tới với cảm giác nhói lên một sự sợ hãi. Dù rằng đối phương, tuy thô bạo và độc ác, vẫn chưa có ý định chọn mục tiêu là người Mỹ. Phần lớn những vụ ám sát – bằng súng, bằng dao, mổ bụng moi ruột – đều nhắm vào các viên chức trong chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ở những nơi hoang vu hẻo lánh, chứ không phải ở ngay thủ đô. (T.Vấn)

Độc giả sẽ tự mình nhìn thấy sự hoán đổi vị trí của các viên chức chính quyền VNCH, từ nạn nhân (trong nguyên tác Anh ngữ) đến thủ phạm (trong bản dịch Việt ngữ của Bạch Phương).

Chỉ với một trang sách thôi mà đã thế, ai tin được nội dung bản dịch của hơn 430 trang còn lại trong nguyên tác?

**Tất cả những trích dẫn trong bài đều được tác giả dùng kỹ thuật embedded link nơi các trích dẫn được sử dụng để tránh những rườm rà khiến độc giả khó theo dõi được nội dung chính của bài.