Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 1 tháng 2, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (471): Ngô Thế Vinh (15)

Bách Khoa: Đàm thoại với Ngô Thế Vinh từ Vòng đai xanh đến Mặt trận ở Sài Gòn

image

Tạp chí Bách Khoa số 370, ngày 01 tháng 6 năm 1972 từ trang 77-80 [tư liệu Phạm Lệ Hương]

L.T.S. Nhà văn Ngô Thế Vinh, tác giả truyện dài "Vòng Đai Xanh" vừa nhận được giải thưởng bộ môn Văn trong Giải Văn học Nghệ thuật toàn quốc 1971 trước Tết, thì sau Tết lại nhận được trát gọi ra Tòa về bài "Mặt Trận Ở Sài gòn" trên tạp chí Trình Bày số 34, có "luận điệu phương hại trật tự công cộng và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu của quân đội." Nếu giải Văn trao cho Vòng Đai Xanh không gây dư luận sôi nổi như giải Thơ thì trái lại vụ án Ngô Thế Vinh đã là đề tài cho rất nhiều anh em cầm bút trên các nhật báo cũng như tuần báo, tạp chí, trên báo dân sự cũng như báo quân đội và dư luận đã nhất trí bênh vực nhà văn quân đội mà ngày lĩnh giải thưởng văn chương vẫn còn lận đận hành quân ở Cao nguyên. Do đó mà có cuộc đàm thoại sau đây để độc giả Bách Khoa biết rõ tác phẩm trúng giải Vòng Đai Xanh đã được thai nghén hình thành ra sao, và tác giả VĐX đã quan niệm vụ án của anh thế nào.

Cũng xin ghi lại: Ngô Thế Vinh sinh năm 1941 ở Thanh Hóa, Anh đã là Chủ bút báo Tình Thương, cơ quan tranh đấu văn hóa xã hội của Sinh viên Y khoa 63-66. Tốt nghiệp Y khoa năm 1968, anh gia nhập Quân y phục vụ tại Lực Lượng Đặc Biệt và đã giữ chức vụ Y sĩ trưởng Liên đoàn 81 Biệt Cách Nhảy Dù. Tác phẩm đã xuất bản: những tiểu thuyết Mây Bão (1963), Bóng Đêm (1964), Gió Mùa (1965) và Vòng Đai Xanh (1970).

clip_image006

Từ phải: Anh Chủ nhiệm Lê Ngộ Châu và Ngô Thế Vinh tại toà soạn Báo Bách Khoa, 160 Phan Đình Phùng, Sài Gòn [hình chụp của Chị Lê Ngộ Châu 11.1999]

BÁCH KHOA : Cuốn "Vòng Đai Xanh" của anh đã được giải thưởng Văn học Nghệ thuật toàn quốc 71. Xin anh cho biết hoàn cảnh nào đã gợi ý cho anh viết tác phẩm trên?

NGÔ THẾ VINH: Trong khoảng thời gian 63-66 cùng các bạn hữu ở trường Đại học Y khoa chủ trương tờ Tình Thương, chúng tôi có dịp đề cập tới nhiều vấn đề, từ những sinh hoạt giới hạn trong vòng thành Đại học tới cả các biến cố sôi bỏng của đất nước. Vấn đề "Nổi dậy" của người Thượng và Cao nguyên là một trong những biến cố được chú ý ở giai đoạn đó. Từ năm 1957, người ta đã nghe thấy những tin đồn về một "Phong trào Thượng tự trị". Tiếp theo là các vụ nổi dậy chính thức bộc phát vào những năm sau. Sau mỗi vụ tàn sát của người Thượng, vấn đề Cao nguyên được đặt ra sôi nổi rồi cũng lại rơi vào quên lãng. Nhưng cho đến biến cố tháng 12- 65, cả một âm mưu Tổng nổi dậy của người Thượng tại khắp các tỉnh Cao nguyên của Phong trào đòi tự trị FULRO, cùng với những vụ thảm sát người Kinh, hiểm họa đe dọa Cao nguyên đã trở thành một sự thực. Lại thêm những lời tuyên bố úp mở của một số nhà lãnh đạo Việt nam lúc đó về "những hành động vô ý thức của những tay sai ngoại bang", sự đả kích gần xa của báo chí về một thứ "Thực dân Mới", khiến cho mọi người cảm thấy một điều gì thiếu minh bạch đằng sau những biến cố đó. Nói trắng ra, thái độ lúng túng của chính quyền thời đó về vấn đề này càng làm cho người dân tin rằng đã có bàn tay và áp lực từ phía người Mỹ, nhất là khi mà các thành phần nổi dậy lại thường phát xuất từ các trại Lực Lượng Đặc Biệt và Dân Sự Chiến Đấu Thượng, huấn luyện và trợ cấp trực tiếp bởi người Mỹ. Đó là những lý do của các chuyến đi của tôi lên Cao nguyên với tư cách một nhà báo sinh viên. Và một số báo Tình Thương đặc biệt về phong trào FULRO và vấn đề chủ quyền Việt Nam được hình thành sau đó. (1) Phải nói là tôi bị xúc động sâu xa bởi những chuyến đi này, khi ý thức được rằng cả người Thượng lẫn người Kinh chỉ là nạn nhân của một âm mưu lớn lao.

Như anh biết, chế độ kiểm duyệt thời đó đã giới hạn tối đa mọi phổ biến trên báo chí và do đó tôi có ý định viết một cuốn sách, không phải là tiểu thuyết, sưu khảo về vấn đề Cao nguyên.

BK: Rồi tại sao từ cuốn sưu khảo dự định viết lại trở thành cuốn tiểu thuyết mà khung cảnh là Cao nguyên?

NTV: Ra đến số 30, tờ Tình Thương bị Nội các Chiến Tranh đóng cửa. Không có những bận rộn về báo chí, tôi đã có thì giờ để khởi viết những chương đầu tiên của cuốn sách và tiếp tục thu thập thêm tài liệu, tiếp xúc với các giới chức liên hệ kể cả những người Thượng.

Phải ghi nhận ở đây là kiểm duyệt là mối ám ảnh thường xuyên mỗi khi tôi cầm bút. Và cũng thật khó để mà có thể giữ nguyên hứng khởi và cả kiên nhẫn nữa để hoàn thành một cuốn sách khi không thấy tương lai có thể xuất bản.

Bởi vậy sau một thời gian gián đoạn, tôi phải tìm cách vượt qua khó khăn này bằng một lực chọn hình thức tiểu thuyết cho cuốn sách.

BK: Và anh đã viết và cho xuất bản cuốn "Vòng Đai Xanh" trong những trường hợp nào ?

NTV: Có lẽ do bởi mối duyên với người Thượng, nên khi vừa tốt nghiệp Y khoa, gia nhập quân đội, tôi đã tình nguyện chọn binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt, với địa bàn hoạt động là vùng Cao nguyên chung đụng rất nhiều với các sắc dân thiểu số. Tôi đã viết tiếp được một số chương của Vòng Đai Xanh trong giai đoạn này.

Nhưng ý định xuất bản Vòng Đai Xanh chỉ thật mãnh liệt khi tôi có trong tay cuốn Green Beret của Robin Moore, một cuốn sách Best seller trong nhiều tuần và nổ như một trái bom trên đất Mỹ, với nội dung ca ngợi những chiến sĩ Mũ xanh LLĐB Hoa kỳ, còn lại là sự xuyên tạc và hạ giá người Việt cùng với sự kỳ thị tệ hại của các sắc dân Kinh Thượng ở Cao nguyên. Đối lại với Green Beret, Vòng Đai Xanh sẽ là một "lối nhìn Việt Nam" về vấn đề Cao nguyên, cùng với thực chất và huyền thoại De Oppresso Liber của những người lính LLĐB Mũ Xanh Hoa kỳ lúc nào cũng tự nhận là anh hùng giải phóng các dân tộc bị trị. Họ quan niệm đang làm một cuộc giải phóng cho những người Thượng bị áp bức ở Cao nguyên...

BK: Việc xuất bản Vòng Đai Xanh gặp khó khăn gì không và tại sao anh lại chọn nhà xuất bản Thái Độ để cho ra đời tác phẩm của anh ?

NTV: Với kinh nghiệm từ ba cuốn sách trước về những khó khăn của Kiểm Duyệt, để Vòng Đai Xanh có thể được chấp thuận ra mắt, tôi đã phải tự cắt xén đi gần một nửa số trang của cuốn sách. Đó gần như một sự phá hỏng tác phẩm với mục đích để được xuất bản. Bởi vì như tôi đã trình bày với anh, tôi thiết tha mong muốn cho Vòng Đai Xanh ra đời được khá sớm để kịp đối lại với Green Beret của Robin Moore. Nhưng sở Kiểm Duyệt vẫn làm khó dễ, vẫn cấm đoán. Thoạt tiên anh Thế Nguyên chủ trương nhà Trình Bày, nhận xuất bản. Sau anh chịu thua kiểm duyệt. Anh Thế Uyên chủ trương nhà Thái Độ lại nhảy vào vòng tranh đấu và anh kiên nhẫn làm đơn từ lên xuống mãi, rồi sau cùng thì kiểm duyệt nhượng bộ, Thế Uyên thành công và Vòng Đai Xanh được ra đời sau những hậu thuẫn nhiệt thành của các anh em cầm bút trên báo chí.

BK: Tại sao anh có ý kiến gửi Vòng Đai Xanh dự giải Văn học Nghệ thuật 71 và xin anh cho biết cảm tưởng khi trúng giải.

NTV: Sống với người Thượng và Cao nguyên tôi không ngừng nghĩ tới tương lai Vùng Đất Hứa này, tương lai đó ra sao là do mức độ quan tâm của nhiều người. Từ một cuốn sách bị cấm đoán cho tới khi VĐX được xuất bản, việc tham dự giải văn chương đối với tôi là một cách thế bày tỏ thái độ. Sự kiện VĐX được chọn, hay chính quan điểm VĐX được công khai chấp nhận, đối với tôi là một dấu hiệu khích lệ trong một hoàn cảnh nhiều thách đố như hiện tại.

BK: Hôm phát giải anh cũng không có mặt ở Dinh Độc Lập?

NTV: Trước Tết, sau cuộc hành quân vượt biên ở Krek, tôi theo đơn vị trở lại Sài gòn để rồi sau đó lại trở lên Cao nguyên vì tình hình được coi là khẩn trương lúc đó. Có nhiều dấu hiệu của một cuộc tổng tấn công của Cộng Sản Bắc Việt trên khắp lãnh thổ, nhất là ở Cao nguyên vào dịp Tết, điều mà Hà nội gọi là “cú đấm then chốt” để tạo một “dấu ngoặc lịch sử”; trong sự căng thẳng chờ đợi đó, tôi nhận được công điện từ hậu cứ báo tin về kết quả của giải thưởng văn chương. Vì nhu cầu hành quân, tôi đã không về Sài gòn và quyết định ở lại đơn vị. Cũng như cách đấy gần một năm, tôi đã không thể về Sài gòn để dự buổi ra mắt cuốn VĐX do nhà xuất bản Thái Độ tổ chức.

BK: Gần đây anh vừa bị ra tòa về một bài báo trên tập san Trình Bầy?

NTV: Dứt cuộc hành quân kéo dài gần hai tháng, trở lại Sài Gòn, tôi được anh Thế Nguyên cho biết tin bị truy tố vì một bài viết ở Trình Bầy số 34, mà theo anh, ngoài Chủ nhiệm, bộ Nội Vụ còn truy tố đích danh tác giả. Tuy là một vụ án truy tố theo quy chế báo chí, điều 28, nhưng tôi quan niệm ngay tính cách văn nghệ của vụ án này, liên quan tới nhà văn và quyền phát biểu trong sáng tác. Đó là lý do tôi quyết định sẽ ra Tòa chứ không chấp nhận một bản án khuyết tịch như ý kiến một số bạn hữu khác.

BK: Anh có thể cho biết qua nội dung bài báo mà anh bị truy tố không?

NTV: Đó là bài "Mặt Trận Ở Sài gòn" một bút ký ngắn ghi lại cuộc hành trình ý thức của một người lính chấp nhận cuộc hy sinh chiến đấu gian khổ hiện tại, đồng thời cũng có những mơ ước về một xã hội tốt đẹp hơn trong tương lai. Chỉ với nội dung đó mà tôi bị truy tố dùng báo chí phổ biến luận điệu phương hại trật tự công công và làm suy giảm kỷ luật, tinh thần chiến đấu của quân đội, một tập thể mà chính tôi là một thành phần trong đó!

BK: Vụ án diễn tiến ra sao?

NTV: Như anh biết vụ án đã được đem ra xét xử sáng ngày 18-5-72 sau hai lần bị đình hoãn. Các luật sư Vũ Văn Huyền, Mai Văn Lễ và Đinh Thạch Bích đã biện hộ theo chiều hướng một vụ án văn nghệ chứ không phải một vi phạm báo chí. Về việc tách rời một câu một đoạn ra khỏi một bài hay một tác phẩm để buộc tội, luật sư Huyền có đem cuốn Vòng Đai Xanh ra tòa trích ngay một đoạn đầu đọc lên và nói rằng nếu tách ra riêng đoạn đó thì không phải là phát giải Văn học Nghệ thuật cho tác giả mà có thể lại truy tố tác giả thật nặng nề là khác nữa. Phải xét sự nhất trí của lập luận toàn bài hay toàn tác phẩm chứ không thể cắt rời một mảnh mà phê phán được. Tuy nhiên phán quyết của ông Chánh án Nguyễn Huân Trình vẫn là xác nhận tội trạng của tác giả bài "Mặt Trận Ở Sài gòn" và phạt án treo 100.000 đồng tiền vạ, và cùng bồi thường 1 đồng bạch danh dự cho bộ Nội Vụ.

Đây là vụ án có tính cách tượng trưng và để tránh một tiền lệ cho nhà văn có thể bị truy tố ra tòa bất cứ lúc nào về những phát biểu trong sáng tác của họ, nên tôi quyết định kháng án lên Tòa Thượng Thẩm.

BK: Sau cùng xin anh cho biết dư luận báo chí và các hội đoàn văn nghệ về vụ án của anh.

NTV: Mặc dù vụ án xảy ra giữa một tình hình sôi bỏng của chiến cuộc, như anh thấy, đã có một hậu thuẫn khá tốt đẹp trên dư luận báo chí, kể cả những tờ báo đại diện cho khuynh hướng của quân đội. Và tôi nghĩ rằng một dư luận báo chí như vậy sẽ có tác dụng ngăn chặn những vụ án tương tự xảy ra trong tương lai. Riêng đối với Hội Bút Việt, sự im lặng của Hội cho đến hôm nay là một sự kiện đáng phàn nàn. Ngoài những cuộc tiếp xúc riêng tư với các cấp lãnh đạo của chánh quyền, tôi nghĩ một khuyến cáo chính thức của Hội với Nhà Nước là một sự cần thiết. Phải chăng đó là một thái độ không làm chính trị như linh mục Thanh Lãng đã xác nhận, đúng với Hiến chương của Văn Bút Quốc tế, chính trị ở đây phải hiểu bao gồm cả những phát biểu của nhà văn trong sáng tác tự do của họ. Một lý lẽ thứ hai để giải thích sự không lên tiếng của Bút Việt là vụ án chưa xử hay bản án chưa thành hình, trong khi tiếng nói đó có thể ngăn chận lại vụ án. Không lẽ ban Chấp hành của một Hội Nhà văn lại tự giới hạn trong cái quyền đi xin nhà nước gia ân tha cho những văn nghệ sĩ đã bị án tù tội chứ không phải là ngăn chận những sai lầm của chính quyền trong quyết tâm bảo vệ nhân quyền, với văn nghệ sĩ là quyền tự do được thể hiện trong các sáng tác phẩm của họ. (2)

Dù trong hoàn cảnh nào, tôi vẫn không ngừng tin tưởng rằng trong tương lai Miền Nam vẫn có một chỗ đứng xứng đáng cho nhân phẩm và trí tuệ để có thể giữ vững cuộc chiến đấu.

BÁCH KHOA CCCLXX

[Số 370 ngày 01.06.1972]

_________

(1) Tình Thương số 25, 1965.

(2) Sau khi có bản án của Tòa Sơ Thẩm Sài gòn, trong phiên họp Ban Chấp hành ngày 24-5-72 vừa qua, Hội Bút Việt đã quyết định lên tiếng về vụ án Ngô Thế Vinh và một bản tuyên bố đã được phổ biến ngày 25-5 phản đối bản án xử các nhà văn Ngô Thế Vinh và Thế Nguyên "là một trường hợp xâm phạm đến tự do tư tưởng và ngôn luận" và "tố cáo trước dư luận trong nước và quốc tế, cùng kêu gọi các vị có thẩm quyền xét xử tại Tòa Thượng thẩm hãy sáng suốt duyệt xét nội vụ để tiêu hủy bản án."

(Ghi chú của Tòa soạn Bách Khoa.)

(3) Ghi chú của Ngô Thế Vinh: cuộc đàm thoại do Anh Lê Ngộ Châu, Chủ Nhiệm báo Bách Khoa thực hiện tại Toà soạn ngày 01.06.1972