Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 9 tháng 2, 2018

Tản mạn quanh CÂU ĐỐI TẾT năm Con Chó (Mậu Tuất 2018)

Hà Sĩ Phu

clip_image002

1/ Thả hồn theo chiếc “Lò cừ” và bức tranh vân cẩu

Không biết các bạn thế nào, chứ tôi sợ Tết lắm. Cả tháng nay bạn bè đã hỏi “Có câu đối Tết chưa?”, tôi ậm ừ xin khất nhưng đêm cứ nằm xuống là lo. Lo cái năm Tuất, năm Con Chó này sao đến bây giờ vẫn chưa nảy ra một ý gì cho Câu đối cả?

clip_image004

Nực cười thay, nghĩ đến cái gì thì cái ấy hiện ra.

Đang thiu thiu ngủ thì lờ mờ hiện ra một bác “Cẩu” mang kính trắng, trông đạo mạo dễ sợ, nhe nanh hỏi: Nhà ngươi định đón ta bằng Câu đối gì đây? Hình như tôi lúng túng: Dạ thưa… đồng chí (xin lỗi, tôi quen miệng), nếu chưa nghĩ được câu gì đích đáng thì chắc cũng đành viết đại mấy câu “mừng đảng mừng xuân” để chào đón thôi…

Bác Cẩu vừa đi khuất thì cụ Bút Tre chỉ vào mặt như ra lệnh:

Câu đối Tết phải đàng hoàng!

Cũng là nhiệm vụ Cách màng giao cho!

Dạ, thưa đồng chí Bút Tre quả thực em đang rất bí ạ!

Bút Tre cười: Đến ông Tổng Bí mà người ta cũng không chịu bí nữa là, bí không dẫn độ được Xuân Thanh thì bắt cóc, bí không bắt được Vũ Nhôm về thì mua bằng 10 tỷ đô la…, cứ phải liều, phải mạnh tay mới gỡ được thế bí, chứ nhát như cậu thì cứ bí suốt đời? Thế cậu định làm Câu đối chữ Việt hay chữ Nho?

Dạ, năm nay nhà em làm tiếng Việt thôi, bí mà xoay sang cái vốn cổ chữ Nho của mình e bị hiểu lầm như những kẻ cứ bí là nhờ cậy thằng Tàu vào để nó đồng hóa nước mình thì buồn lắm bác ạ!

Tưởng đối đáp với Bút Tre thế là xong, chẳng ngờ từ phía sau một cụ già, khăn chữ nhân áo năm cúc, lại hiện ra, ôn tồn bảo:

- Thôi, này anh Phu, lão mách nước cho. Lão là đồng hương Thuận Thành với anh đây, nên lão hỏi thật:

clip_image006Thế anh không biết chuyện Cái lò của Tổng Bí thư đang làm nóng cả xứ An Nam này à? Cứ xoáy vào đấy là ra nhiều ý hay đấy. Cũng nói để anh biết: Chính anh Trọng hồi nhỏ đã từng học ở trường Phổ thông mang tên mỗ gia này đấy. Khi nhóm lò không biết anh ấy có nhớ đến cái “lò cừ” của lão già này không?

Tôi từ tốn đáp “Thưa cụ vâng, cháu cũng đã nghĩ đến cái lò của anh Tổng, nhưng Câu đối năm Tuất thì cái lò phải làm sao dính vào Con Chó cơ ạ !”. Ông Cụ không thèm trả lời chỉ ung dung cất giọng ngâm rất sảng khoái, vừa ngâm vừa lui vào trong:

Lò cừ …nung nấu (ư…a…cái) sự… đời

Bức tranh vân cẩu (í… í ) vẽ người… tang (ư…ư…) thương…

Thôi chết, hóa ra cụ già quắc thước này là Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều giời ạ, cụ chính người làng Liễu Ngạn huyện Siêu Loại Thuận Thành Bắc Ninh của tôi.

Vâng, đa tạ cụ, câu thơ của cụ vừa có Cái Lò lại vừa có Con Cẩu, trúng ý cháu rồi. Ai ngờ giữa Con Chó và Cái Lò vốn đã có duyên nợ từ xưa.

Được lời như cởi tấm lòng, tôi sung sướng như bắt được vàng. Thế là ý tứ được khơi nguồn cứ chảy tuồn tuột.

Giờ đây chính cái lò của bác Tổng cũng đã thoắt biến “Vân” thành “cẩu”, kẻ vừa lên mây chưa nóng ghế thoắt đã bị người ta lôi xuống, dùng xích sắt xích lại và dắt đi như dắt con cẩu, thế thì tang thương thật thưa cụ Nguyễn Gia Thiều!

Nhưng Tạo hóa chính là cái “lò cừ” nung nấu sự đời, cả những sự đời ở tầm rất vĩ mô như sự ra đời và kết thúc chủ nghĩa Cộng sản, trong đó cũng toàn những “lò” và “lò”! (thời Đức Quốc xã Hitler cũng toàn những lò nọ lò kia, sao Tạo hóa sinh ra lắm thứ lò như vậy, từ khi con người biết dùng lửa nấu ăn và sưởi ấm thì cũng nung nấu bao nhiêu thứ lò để “hỏa táng” lẫn nhau?).

Cộng sản Việt Nam cũng khởi nguồn từ “cái lò đun”! Thì anh Ba đã chẳng xuất dương từ công việc đun lò dưới con tàu Đô đốc Latouche-Tréville sang Pháp đó sao? Người cha đẻ của con đường ảo tưởng Việt Nam cũng đã từng muốn nhóm lò đốt sạch cả củi khô củi tươi của dãy Trường Sơn hùng vĩ để mua lấy chiến thắng trong giấc mộng Thiên đường Cộng sản, khiến cho đàn dân Việt (buộc phải) nô nức nướng hết tài sản và con cái của mình mà lao theo cái lò mơ vĩ đại ấy.

Ngờ đâu “duyên ngỡ may cớ sao lại rủi” (*), số phận dân tôi chẳng khác nào số phận nàng cung nữ ngày xưa. Nàng cung nữ tài sắc tuyệt trần được vua vời đã tưởng như “mả táng hàm rồng”, dân tôi cũng được phỉnh là đi vào con đường Cộng sản là đứng vào những dân tộc tiên phong đón đầu nhân loại, được lịch sử chọn làm điểm tựa, làm người người lính đi đầu là hạnh phúc nhất thế gian, đến mức khoái trí lên, dám coi cả cái loài người thuộc thế giới tư bản “đang giãy chết” tuyệt vời ngày nay chỉ là bọn “chưa thành người”, chỉ đáng cho ta cầm xẻng đào đất chôn đi cho khuất để nhường ngay địa cầu cho Thiên đường Cộng sản chúng tôi, thì nay, sau ngót thế kỷ nướng hết của hết người để nhóm lò nấu nung khát vọng, và giữa lúc diễn biến của chủ nghĩa chỉ ngày càng xấu đi thì chính người dẫn đầu lại bảo cái viễn cảnh tươi đẹp kia phải kiên nhẫn chờ khoảng… một thế kỷ nữa sẽ tốt, đừng có nóng ruột!

Ôi chao, biết nói làm sao, chỉ biết dân tôi quá đồng cảm và thương cho nàng cung nữ lắm, “bừng con mắt dậy thấy mình tay không” (1) phải không hỡi nàng?

Vâng, “Phong trần đến cả sơn khê, tang thương đến cả hoa kia cỏ này” (1)! Nhưng tang thương nào cũng không sánh được nỗi tang thương của cả một dân tộc vốn ngàn năm phong nhã, gái lịch trai thanh, giỏi toán vào loại nhất nhì thế giới, giặc phương Bắc đô hộ tới một nghìn năm mà không đồng hóa nổi, nhưng lại bị một thứ “Dân túy” trá hình buông lời xiểm nịnh như ngửa bàn tay cho ngồi, nên đã chui vào hầm lò tiên cảnh mà lạc đường trần thế, như Lưu Nguyễn lên tiên rồi lạc lối về. Một khi chủ nghĩa Dân túy cầm quyền đã yên vị, đã nắm thật chắc cái ngai vàng, lúc ấy cái bàn tay đã ngửa ra cho dân ngồi ngày trước nay mới từ từ nắm lại, từ từ bóp lại… một cách rất “của dân do dân và vì dân”, thì bức tranh vân cẩu tày đình này mới thật tang thương. Vậy hãy nguôi bớt nỗi tang thương riêng của mình đi, hỡi nàng cung nữ!

Mối tình duyên của nàng với đức vua chí tôn nào có khác gì tình duyên của dân tôi với cái chủ nghĩa nhân văn ảo tưởng. Lúc phẫn uất quá nàng đã căm giận cuộc tình duyên khốn kiếp ấy như sau:

Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ,
Xe thế này có dở dang không?
Giang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!
(1)

Nhưng nhi nữ ơi, chân yếu tay mềm “đạp” làm sao được cho khổ thân khi sào huyệt của bọn cầm quyền là tường đồng vách sắt?

Tuyệt vọng, cuối cùng nàng chỉ “muốn kêu một tiếng cho dài kẻo căm”! (1). Tiếng kêu ấy quả là dài, dài xuyên mấy thế kỷ vọng đến tận làng Đồng Tâm, đến vùng biển Hà Tĩnh ngày nay. Bởi chế độ phong kiến còn kéo dài hơn tiếng kêu của người cung nữ, vì chủ nghĩa phong kiến biết hóa thân thành cái gọi là “Chủ nghĩa Xã hội”, nhưng chẳng qua chỉ là một thứ “phong kiến biến tướng” mà chất Dân túy mị dân cứ ngày càng đậm thêm.

Phong kiến biến tướng, phong kiến một vua thành phong kiến nhiều vua tức vua tập thể, rồi vua tập thể lại thanh trừng nhau để sắp trở về vua cá nhân, cứ diễn biến lòng vòng trong đêm dài tranh giành và phân phối quyền lực.

Mối tơ duyên của dân lành với các chủ thuyết cầm quyền độc tôn là thứ dây “tơ hồng” oan nghiệt mà nàng cung nữ kia “giang tay muốn dứt” nhưng nào có dứt được. Tơ hồng tiếng Hán là “xích thằng”, nhiều khi đã thành cái “thằng” cầm “xích”, nó cầm tù nạn nhân của những mối tơ duyên áp đặt một chiều cấm được ly hôn.

Qua bao chặng đường phức tạp, đến hôm nay người Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản lại nổi hứng nhóm lò, lại cái lò đun, có người tin tâm linh thì bảo đó là một “điềm”. Điềm gì vậy, cái lò cũ của anh Ba ngày trước đã khai sinh, chẳng lẽ cái lò mới này là điềm “đang sống chuyển sang từ trần” như giọng thơ Bút Tre?

Được cụ Nguyễn Gia Thiều báo mộng và gợi hứng, miên man theo bức tranh “vân cẩu tang thương” mà cái “lò cừ” của Tạo hóa đã nấu, đã nung cả một giai đoạn Thiên đường ảo trên đất nước này, nên trong tôi phút chốc đã vụt hiện ra một Câu đối Tết cho năm Con Chó Mậu Tuất 2018 này như sau:

- Xưa anh Ba đun bếp dưới tàu,

mồi Cộng sản bén vào, rồi… bốc hỏa!

- Nay bác Tổng nhóm lò trên ghế,

gió Thiên đường /triều/ quạt mạnh, sẽ… ra tro!

Viết xong câu đối, đọc cho một bạn tôi nghe, bạn hỏi “Cái gì sẽ ra tro hả anh, hình như sự ra tro còn ẩn chủ từ, và cái ý “vân cẩu” chưa vào được Câu đối?”. Tôi bật cười: “Đun lò thì phải ra tro thôi, những tro bụi thì lại trở về tro bụi; từ chỗ “bốc hỏa” ngùn ngụt đến chỗ “ra tro” lạnh tanh vô hồn chẳng phải là chuyện vân cẩu quá rồi hay sao?”.

2/ Nội bộ “Đảng ta” tự phải đánh nhau thôi

Trước cục diện “nhóm lò” thiêu nhau nhiều người bình luận rằng khởi đầu chủ yếu là phe đảng đốt phe chính phủ. Trận chiến “ta lại đánh ta” như lời Tổng Bí thư Phú Trọng vừa nói xin thưa đã được HSP tiên đoán từ hơn 20 năm trước, bởi có gì lạ đâu, nó xuất phát rất đúng qui trình ngay từ cái nguyên tắc khôn vặt lai căng “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”!

Trong bài “Chia tay Ý thức hệ” (1995) tôi đã viết rằng “Liệu nội bộ Đảng có đoàn kết được với nhau trong đường lối nhị nguyên "Làm kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa" này không? Và tôi tự giải đáp thế này: Bây giờ không bao cấp nữa, anh nào làm anh ấy ăn. Vậy bộ phận Đảng làm Kinh tế thị trường ắt có ăn lớn. Còn bộ phận chính trị, tuyên huấn chuyên lo về cái định hướng Xã hội chủ nghĩa thì chắc thiệt thòi hơn, cái lẽ “công bằng” (thực chất là tranh giành quyền lợi với nhau – Hà Sĩ Phu nói rõ thêm) chắc sẽ phải đặt ra”. Mâu thuẫn nội bộ là chuyện thông thường, ở tổ chức nào cũng có, nhưng một khi mâu thuẫn thuộc về căn bản, đã được tiền định từ nguyên lý thì chỉ có kết cục là tan vỡ hoặc biến dạng.

Kiên trì cái “định hướng” một trăm năm nữa chưa biết có hay không ấy tiêu biểu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tiến sĩ xây dựng đảng là người có học nên nói câu nào ra cũng thành khuôn vàng thước ngọc gợi hứng văn chương, để Hà Sĩ Phu làm CÂU ĐỐI. Xin kể vài ví dụ:

* Tổng Bí thư đã nhắc đến một nguyên lý kinh điển là quyền lực phải được hạn chế, giám sát, nếu không sẽ rất nguy hiểm, nên “phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế”. Nhưng “nhốt quyền lực” sao được khi Hiến pháp đã xác định Đảng Cộng sản phải giữ độc quyền lãnh đạo, không có một đảng nào được phép hình thành để chia quyền. Kết quả là Quốc hội, mang tiếng là nơi tập trung quyền lực cao nhất của nhân dân, nơi tạo ra “cái lồng” pháp luật thì cũng chỉ là nơi “cụ thể hóa, triển khai cương lĩnh, nghị quyết của Đảng” mà đứng đầu là Bộ Chính trị, đứng đầu Bộ Chính trị là Tổng Bí thư theo đúng nguyên tắc dân chủ tập trung. Nên gợi hứng để tôi có câu đối:

- Chống đa nguyên để đảng độc quyền, độc quyền ấy sinh Vua Tập thể!

- Nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, cơ chế nào nhốt Tổng Bí thư?

* Tổng Bí thư nói: “Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội Đảng được không?”. À ra vận mệnh đất nước ra sao không quan trọng bằng việc ngồi bàn đại hội đảng! Chẳng trách Tàu Cộng gây đủ mọi chuyện trên vùng Biển Đông của ta mà Tổng Bí thư bảo “tình hình Biển Đông không có gì mới”!

- Ngoài Biển Đông chẳng mới gì đâu, dẫu Bắc thuộc cũng ngàn năm như cũ!

- Muốn Đại hội ngồi yên để họp, với Thiên triều phải một mực im re!

* Tổng Bí thư nói “Chống tham nhũng là ta đánh ta”. Tuyệt vời, quá chính xác nhưng phải hiểu “ta” đây là Đảng Cộng sản, là “Đảng ta” chứ không phải nước ta hay nhân dân ta đâu vì nhân dân đâu có thể tham nhũng hay đánh tham nhũng? Ngay danh xưng “Đảng ta” cũng là một sáng tạo thần kỳ, đậm đà bản sắc, xin luận bàn vào một dịp khác, ở đây chỉ xin tặng một Câu đối:

- TA độc quyền nên TA tham nhũng, tham nhũng rồi TA lại đánh TA, để TA

trọn gói độc quyền tham nhũng!

- NÓ chuyên chính thì NÓ nội xâm, nội xâm đấy nhưng NÓ toan trừ NÓ, cho NÓ

một mình chuyên chính nội xâm!

(Trước đây nhiều thủ lĩnh chuyên chính độc tài cũng dùng chữ Nội xâm để chỉ bọn tham nhũng mà không hiểu chính mình mới là Nội xâm. Vì Nội xâm là làm mất nước từ bên trong, mà dân là gốc của nước, độc tài làm nhân dân mất quyền làm chủ đất nước mình, dân vẫn bị mất nước mặc dù chưa có ngoại xâm Vậy những tập đoàn hay tổ chức độc tài chuyên chính làm cho nhân dân mất quyền làm chủ đất nước, chính họ mới đúng là giặc nội xâm, tham nhũng chỉ là một thuộc tính đương nhiên của bọn nội xâm độc tài chuyên chính đó. Hiểu rộng ra, Nội xâm là tất cả những gì làm suy yếu đất nước thì một chính thể chuyên chính tất nhiên cũng nằm trong số đó) (2).

3/ Năm Chó, hoa càng “cho sắc” (Thư giãn cùng vế xuất đối của Lý Toét

Lý Toét - Xã Xệ rủ nhau đi hội hoa xuân, thoạt vào Vườn Bích Câu uống cà phê, thấy ngay cái biển “Cấm câu” bên hồ cá, Lý Toét đã phì cười “Bích câu mà lại cấm câu?”.

Cái hứng chơi chữ nổi lên, Lý Toét bảo: Hoa thì luôn cho sắc cho hương để người đời thưởng thức nhưng “Sang năm Chó chắc Hoa càng cho sắc” đấy ông nhỉ? Xã Xệ hiểu ngay:

- Ừ, cho sắc chó. Nhưng chữ Hoa của ông chắc phải viết hoa chứ gì, đúng là thằng Tàu ngày càng ép mình, chuyện nhân sự thế nào chẳng có bàn tay thằng Tàu. Tôi còn nhớ hồi Hồ Cẩm Đào đang là thủ lĩnh bên Tàu, bên ta còn quyền ông Lê Đức Anh thì Hà Sĩ Phu đi hội hoa cũng bật ra vế đối “AnhĐào của xứ Hoa, mê mẩn vì Đào cho sắc đấy”, cũng có mấy chữ mà người đọc tự phải viết hoa.

Vườn hoa của các nghệ nhân quả là đẹp. Hoa hồng tự nhiên chỉ có ba màu đỏ, hồng và trắng. Hoa hồng bạch tưởng đã sang nhưng bây giờ đủ cả đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím, chẳng thiếu màu gì. Lý Toét say sưa nhận xét:

- Con người càng biết chơi hoa, quý trọng hoa, trân trọng hoa thì hoa càng cho hương, cho sắc, hoa lại càng sang, đúng không?

Thế rồi, trầm ngâm một lúc, Lý Toét mới ngâm nga:

- Có vế xuất đối rồi đây “Xứ này thành xứ của Hoa, Hoa cho sắc đã sang, Hoa được Trọng, Hoa càng cho sắc nữa!”, ông đối đi!

- Rắc rối và đa nghĩa thế làm sao mà đối được (theo giọng đọc của Lý Toét, Xệ đã biết những chữ nào phải viết hoa), vậy phải nhờ Hà Sĩ Phu đưa lên mục Câu đối Tết nhờ các đối sĩ cao thủ đối giúp cho!

4/ Thư giãn với mấy vần thơ Bảo Sinh

Năm Con Chó mà quên một nhân vật liên quan vô cùng mật thiết đến đời sống anh Cẩu thì thật thiếu sót: nhà thơ dân gian có giọng Bút Tre Nguyễn Bảo Sinh – Hà Nội.

Ông Bảo Sinh sống bằng nghề nuôi chó mèo cảnh, nuôi gà chọi, nhưng yêu thương chúng đến mức lập bệnh viện chó mèo, hotel chó mèo và cả nghĩa trang chó mèo nữa.

Thơ Bảo Sinh có giọng Bút Tre nhưng cao thủ và “ác hiểm” hơn nhiều. “Ác hiểm” bởi ông tỏ ra rất vô tư, sảng khoái, nhìn mọi thứ trên đời với nhãn quan đùa nghịch, trêu cợt, thấy tất cả chỉ là những nghịch lý, ngộ nghĩnh đáng để cười mà thôi.

Chính vì có kiểu “vô chính trị” như thế cho nên khi những dòng thơ bất chợt chạm vào những nghịch lý chính trị-xã hội thì trở nên thú vị và rất đáng tin cậy. Tin cậy vì người làm thơ tỏ ra không cố ý nhằm chính trị gì hết, không nhằm khen hay chê, chỉ như người khách qua đường nhìn thấy ngộ nghĩnh quá thì nói chơi cho vui, nói xong rồi thản nhiên bỏ đi, nhưng người nghe thì nhiều khi càng ngẫm càng thấm tận gan ruột. Bảo Sinh chỉ nói quy luật chung ở đời, nói thói đời, còn ai động lòng là việc của họ, thế mà nhiều người cứ phải “động lòng” mà không dám nói ra.

clip_image008Xin lấy hai ví dụ về hai trường hợp như thế.

Bảo Sinh viết:

Nếu ai ai cũng khỏa thân

Thì đứa mặc quần là đứa khiêu dâm!”

Nghe như chuyện tào lao, chuyện cười là thế, nhưng trận cười ấy cho biết vấn đề đánh giá Chính hay Tà trên đời chẳng qua ở chỗ lấy cái gì làm chuẩn, lấy chuẩn sai thì sự phán xét sẽ lộn ngược. Vâng, chẳng hạn nếu lấy cái nghịch lý, cái dối trá, phản dân chủ, phản quốc làm dường cột thì tất cả những giá trị của chân lý, của sự thật, của dân chủ, của ái quốc sẽ bị cầm tù. Quy luật chính trị ấy cũng giống như chuyện vua cởi truồng hay cởi truồng tập thể ngoài đường thôi mà.

Chẳng nói đâu xa, vụ đội bóng U 23 Việt Nam vừa rồi, mới đoạt giải Á quân (vì không trực tiếp gặp Thái Lan và Hàn Quốc), tuy mừng rỡ là đúng nhưng phấn khích đến phát điên, cởi truồng tồng ngồng trước bàn dân thiên hạ, lại có người coi đó là cuộc biểu dương lòng yêu nước, và đe mọi quân thù “hãy biết khiếp sợ trước lòng yêu nước của thanh niên Việt Nam” (!) (yêu nước bằng cách cởi truồng thì “khiếp” thật, nhưng các kẻ thù, kẻ bán nước và kẻ cướp nước, thì chúng chẳng sợ kiểu yêu nước ấy đâu, mà còn khuyến khích nữa đấy). Coi việc làm ấy là rực sáng của lòng yêu nước, chẳng trách nguy cơ Bắc thuộc lẫn sự thua kém toàn diện của người Việt hiện nay chẳng đáng quan tâm (thế giới đánh giá năng suất lao động của Việt Nam thua xa cả Lào và Campuchia) và việc rủ nhau đến trước tượng Lý Thái Tổ để trang nghiêm kỷ niệm các chiến sĩ bỏ mình vì Tổ quốc để bảo vệ Hoàng Sa thì bị coi là phản động!

Bóng đá mới đạt Á quân một lần chứ tội ăn cắp thì Việt Nam ta đã đạt vị thế Quán quân thế giới từ lâu, một cách vững chắc! Nếu yêu nước hãy biết đau lòng.

Việc hừng hực chống tham nhũng hiện nay cũng vậy. Chống “quốc nạn tham nhũng” là việc rất quan trọng và hợp lòng dân, nhưng nếu không chống cái “cơ chế độc quyền lãnh đạo” là gốc sinh tham nhũng, lại thu hút cả xã hội vào việc ấy, làm mờ đi cái quốc nạn Bắc thuộc là quốc nạn quan trọng hơn thì cần xem lại! (Thậm chí nhiều người còn bảo: Nếu ai có công chống được sự xâm lăng của Tàu thì dù có tội tham nhũng nhân dân cũng sẵn lòng tha cho. Dẹp mâu thuẫn nội bộ để có sức mạnh chống ngoại xâm mới là mục tiêu số 1, nhà Trần trước đây đã nêu cao tấm gương như thế. Nếu buộc phải trừng trị lúc này thì hãy trừng trị kẻ nội ứng cho Tàu).

Bảo Sinh viết:

Tự do sướng nhất trên đời
TỰ LỪA lại sướng hơn mười tự do!

Con người được tự mình hành động theo ý mình, không bị “mỗi chữ mỗi lời không tự chủ, để cho người dắt tựa trâu bò” thì sướng đã đành, nhưng trong những cái “tự” thì “tự lừa” mới là sướng nhất.

Trong sự tuyên truyền ảo tưởng Cộng sản thì chỉ những người đầu sỏ mới có ý thức cố tình lừa bịp dối trá, còn phần đông những tín đồ đi theo thì lúc đầu nói những điều ảo tưởng ấy một cách chân thành và tự hào - tự sướng thật sự, vì đã bị trải qua một công đoạntự lừa”. Người bị “tự lừa” lâm vào một giấc thôi miên do bị ám thị và tự kỷ ám thị, trong đầu tự lầm rầm câu thần chú “Chủ nghĩa Cộng sản là Thiên đường tươi đẹp, giải phóng cả loài người thành một đại gia đình thân yêu, với anh cả Liên Xô và chị Hiền Trung Quốc, mọi sản phẩm cứ tuôn ra như nước, được làm việc tùy theo năng lực nhưng cứ hưởng thụ thoải mái theo nhu cầu”. Trời ơi, sướng thế thì đốt cả dãy Trường Sơn chứ đốt hết cả lịch sử cha ông đi mà được như thế cũng còn rẻ. Cho nên tôi bảo số đông người Cộng sản là “dân túy trá hình” hay Dân túy tự túy vì cứ tưởng mình đang theo một “chủ nghĩa Xã hội khoa học” (ở đại học chúng tôi được học môn học có tên như vậy) nên đem nó tuyên truyền cho dân hiểu chứ có biết đâu cái điều mình tin đã là Dân túy trăm phần trăm, nó phi khoa học và phi thực tế, chẳng ai làm được, dù có nới rộng lời hẹn đến một thế kỷ nữa cũng không có thật đâu, nhưng người nhẹ dạ nghe mà mơ thì sướng, thì muốn bay lên.

Nhà thơ Tố Hữu làm những câu thơ có cánh như điên như say thì lúc đầu là do ông ấy bị “tự lừa” nên thấy trong lòng lâng lâng thật, chân thành thật, có dối trá chăng là ở giai đoạn sau, khi đã có chức có quyền và đã thấy thực tế, “nhà càng lộng gió thơ càng nhạt”, thế thôi.

Thường thì sự giả dối lộ liễu không mê hoặc được ai, nhưng khi con người bị ám thị hay tự kỷ ám thị, lâm vào thôi miên, tự sướng đến run lên thì do trái tim rung động thật nên lời thơ hay lời nói có “công năng” truyền cảm, thậm chí gây được thôi miên cho nhiều người khác, tạo cơn lên đồng tập thể xẻ núi ngăn sông. Quy luật thôi miên cho biết người có thần kinh yếu, người duy cảm thì dễ bị thôi miên. Ta hiểu lòng “chân thành” lúc đó và sức mạnh nhất thời đó, nhưng không nhầm lẫn rung động chân thành đáng thương có tính chất mê sảng ấy với chân lý khách quan.

Cơn tự sướng do ám thị ấy tất nhiên rồi cũng sẽ mau chóng tan đi trước thực tế của thế giới khách quan. Nhưng nực cười là một số người tuy thâm tâm bên trong đã tỉnh nhưng bên ngoài vẫn cố tự lừa rằng “mình là trang nam nhi minh mẫn và dũng mãnh thế này mà lừa được mình à, không bao giờ!”. Thái độ phê phán hiện tại nhưng tôn vinh quá khứ phải chăng là lại là một kiểu “tự lừa thứ phát” rất khôn ngoan vì, như Bảo Sinh tổng kết “tự lừa còn sướng hơn mười tự do”, tự lừa như thế thì được đủ mọi thứ, vừa được yên vừa được tự hào là kẻ luôn tiên phong, chứ cứ đòi tự do thật sự hay cứ truy vấn tận gốc như các vị thì chỉ có đi tù.

Tự lừa để tự sướng vốn là một trò thủ dâm, nhưng trong chính trị cũng có trò thủ dâm như thế. Trong chính trị tự sướng cá nhân (tự thôi miên) thường chỉ tự vừa lòng chốc lát, nhưng tự lừa (hoặc giả vờ tự lừa) đến mức đủ “công năng” gây rung động, gây thôi miên cưỡng bức cho cả đám đông thì sẽ được tung hô, rồi sung sướng thật sự như vua chúa, mà Mao Trạch Đông hoặc cha con họ Kim bên Triều Tiên là những ví dụ quá điển hình. Có những người không sướng được đến mức như thế, hoặc khi nhân dân thức tỉnh thì kẻ đi gây thôi miên thiên hạ sẽ bị thiên hạ cho đi đời nhà ma như Nicolae Ceaușescu bên Roumanie!

TỰ LỪA cũng không “sướng hơn mười tự do” mãi được đâu, nhà thơ Bảo Sinh nhỉ?

5/ Một số vế mời đối

Xuất đối 1: Chú “tham quyền” đánh chú “tham tiền”, hai đứa sinh đôi sao chẳng xét tình huynh với đệ!

Xuất đối 2: Xin tí “lửa nhóm lò” thui thịt Chó!

Hoặc : Xin tí “lửa nhóm lò” thui Chó… Việt!

(Như trên đã nói, anh Cẩu và cái lò vốn có duyên nợ từ lâu. Tạo hóa cũng thâm, cho năm Con Chó xuất hiện đúng lúc nước ta đang có lửa rừng rực. Dân nhậu Cầy tơ hãy chuẩn bị rơm rác cho đủ rồi đến xin lửa nơi cái lò của bác Tổng, lửa ấy mà thui là tuyệt lắm, toàn thân chó bị thui không sót vùng cấm nào đâu).

Tại sao lại chỉ thui chó Việt? Vì chó Nhật thường nuôi làm cảnh, chó Tây tức berger thường nuôi để giữ nhà hoặc đi săn, chỉ có chó ta tức chó Việt Nam, chó ăn bẩn “không từ một thứ gì”, mới thích hợp làm thịt để chế biến 7 món “Cờ tây”.

Xuất đối 3: Phấp phới bay hình tượng búa liềm, sao búa khổ mà liềm cũng khổ?

Xuất đối 4: Phú nghĩa là giàu, dù trọng dù khinh, định hướng một tay anh Phú Trọng!

Xuất đối 5: Nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, cơ chế nào nhốt Tổng Bí thư?

(hoặc: Nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, cơ chế nào nhốt đảng độc tôn?)

Xuất đối 6: Xứ này thành xứ của Hoa, Hoa cho sắc đã sang, Hoa được Trọng, Hoa càng cho sắc nữa!

(Lý Toét xin chú thích: “sang” có thể là sang trọng, sắc hoa sang trọng)

H.S.P.

Tết Mậu Tuất 2018

(1) Những câu thơ in nghiêng có dấu * trong bài này đều là thơ trong tập Cung oán ngâm khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều.

(2) Ý này đã được viết trong đoạn “Mất nước là gì” của bài “Dân tộc phải hồi sinh”.