Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (469): Ngô Thế Vinh (13)

VÒNG ĐAI XANH (KỲ 7)

CHƯƠNG MƯỜI BẢY

Tôi không bỏ lỡ dịp để gặp và tìm hiểu thêm về tướng Thuyết khi được biết cái viễn tượng sẽ trở về cao nguyên của ông. Sau vụ chỉnh lý, như một người hùng tướng Thuyết trở lại Đà Nẵng, ở đó ông đã đi thêm một bước nữa và thành công: các đội DSCĐ tại mấy trại LLĐB gần Đà Nẵng trên hình thức đã bị đồng hóa vào lực lượng Nghĩa quân mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về tiếp vận do áp lực của bộ Tư lệnh Mỹ. Ở lần gặp gỡ trong Sài Gòn, tướng Thuyết đã không dấu nổi vẻ kiêu hãnh sung sướng khi tôi nhắc lại dư luận cho rằng ông là một yếu tố cần thiết cho sự ổn định cao nguyên. Chính ông cũng bày tỏ sự tha thiết và ước muốn trở lên đó khi vùng địa đầu này có người thay thế và ông cũng tỏ vẻ buồn rầu về cái sự thể không thể thay thế được của mình. Người Mỹ cũng thấy ông là người duy nhất ở giai đoạn hiện tại có thể giữ vững miền Trung và hậu thuẫn lớn nhất mà ông có được là thái độ hòa hoãn của Phật giáo. Từ Sài Gòn đã có tin đồn mấy hôm trước Huế trở lại rục rịch. Tôi theo chân phái đoàn chánh phủ ra Huế trong nỗi e ngại chờ đợi đó. Dù vậy tôi vẫn tin theo nhận định của bác sĩ Ross, là Huế khó có những dao động trở lại sau ngày ra đi của nhà sư Pháp Viên, linh hồn của mọi cuộc tranh đấu. Không phải lần thứ nhất tới Huế nhưng thành phố đó sau này đã có một cái gì đổi khác. Từ cửa sổ máy bay nhìn xuống, Huế như một ốc đảo cô quạnh giữa một dải Trường sơn đầy sỏi đá. Vài ngọn núi đất râát thấp và dải sông Hương trắng nước chảy lặng lờ. Nơi mấy trăm năm ngự trị của cả một triều đại với sự nghiệp không mấy lẫy lừng ở đó. Mang tiếng là kinh đô nhưng lại rất bất tiện về địa thế, khó khăn về giao thông. Tóm lại ngoài cái di tích của lịch sử thì đó là một thành phố không có tương lai, không có giá trị về chiến lược, không khả năng về kinh tế nhưng bởi nhiều tự ái người ta khoác thêm cho nó chiếc áo gấm văn hóa. Các đại học mọc lên như nấm, thành phố chỉ gồm những công chức và sinh viên. Số sinh viên gia tăng đông đảo và ứ đọng với sự học của họ ngay nơi quê nhà. Văn hóa là một trách nhiệm mỏi mệt và quá lâu dài trong khi chiến tranh làm họ hết kiên nhẫn. Từ văn hóa thầm lặng chuyển qua cách mạng sống động chỉ còn là một bước ngắn, những bước từ giảng đường trầm tĩnh xuống những con phố huyên náo để la hét với nhiều vẻ đấu tranh và ít phần trách nhiệm cũng từ đó.

Chiếc Cessna hạ êm ru trên một nửa phi đạo nhỏ hẹp. Che lấp ở phía xa ngăn cách với thành phố là bức tường thành phủ xám rêu phong. Xe đưa chúng tôi ra khỏi giới hạn khu quân sự, sau đó tôi tự đi bộ về khu sinh hoạt của thành phố. Sự vắng lặng thật sâu thẳm, ngào ngạt gió từ hồ đưa lên hương thơm của những bông sen, lẫn với mùi trầm hương của nơi am thanh cảnh vắng. Cũng như cái triết lý nhu hòa của đạo Phật, cái vắng lặng thâm u của Huế không phải là quê hương thích nghi của những quá khích tranh đấu. Hình như có một sự khác biệt rất xa giữa thực trạng ở đây và các tin tức thổi phồng trên báo chí. Qua những tuần gọi là tranh đấu, Huế vẫn có một khuôn mặt sinh hoạt bình thường ngoại trừ những biểu ngữ khẩu hiệu đã treo dán rải rác, các chữ bãi khóa bãi thị kẻ sơn còn lưu vết trên nền tường. Các cô nữ sinh Đồng Khánh đã lại tóc thề áo dài trắng tới trường đi học. Ở một ngã tư người cảnh sát chờ mong có xe cộ chạy qua để làm nhiệm vụ chỉ đường. Nơi bến Tòa Khâm trước khu Đại học, các tàu há mồm của Mỹ đang đổ lên bến chồng chất những thực phẩm và đạn dược, đám trẻ con xúm quanh đùa giỡn với mấy anh lính Thủy quân Lục chiến Mỹ. Dấu vết của những ngày mà báo chí mệnh danh là máu lửa chỉ có vậy. Công việc đầu tiên của tôi là tới bưu điện gửi một điện tín về tòa báo và tôi cũng gặp Vy ở đó. Một khuôn mặt cố hữu của các cuộc tranh đấu. Hắn gầy và xanh xao hơn xưa sau khi được thả ra. Vẫn cái khuôn mặt nhiều khổ sở, đôi mắt sáng và thoáng vẻ buồn rầu, hắn đón tôi với rất nhiều vồn vã. Vy đoán có lẽ tôi vừa ra với phái đoàn ông Tướng, tôi chỉ cười và hỏi thăm về Đại hội sẽ khai diễn vào ngày mai. Vy dạy học ở Khải Định cùng một lúc hắn vẫn kéo dài cuộc sống sinh viên với một luận án tiến sĩ về Hát Bội còn dở dang. Tuy rất ít làm thơ nhưng thực sự hắn là một thi sĩ. Một bài thơ của hắn đã được phổ thành một bản tâm ca với thật nhiều rung động. Bản chất ham tranh đấu với một tâm hồn lai láng nghệ sĩ nên hắn quan niệm cách mạng với nhiều vẻ lãng mạn tiền chiến hơn là khả năng thích nghi với thực tại.

- Anh nghĩ sao về ông tướng Thuyết?

Vy bất chợt hỏi tôi và đó cũng là câu hỏi mà tôi muốn được biết từ phía những người tranh đấu. Không rõ hắn dò hỏi tôi với một đích nào, tôi chỉ trả lời một nửa câu hỏi và phần sau thì đưa tới một nghi vấn khác:

- Tôi cũng chỉ biết ít về tướng Thuyết khi ông còn tại chức trên cao nguyên, về quân sự có lẽ ông là một vị tướng tài ba nhưng còn ở địa hạt khác thì tôi không rõ lắm. Cứ như lối giải quyết vấn đề các sắc dân Thượng và người Mỹ thì ông có vẻ là tay cứng rắn và hơi thiếu chánh trị. Nhưng sau này tôi nghe nói ông Tướng đã có thêm nhiều cố vấn?

Vy như tán đồng một phần ý kiến của tôi nhưng hắn vẫn đưa ra những nghi vấn mâu thuẫn về tướng Thuyết:

- Khá hơn bọn kia là ổng có vẻ có tinh thần quốc gia yêu nước biết yêu thích cách mạng, dân chúng và cả các thầy ở đây chập nhận ông một phần cũng vì lẽ đó. Phải cái ông Tướng còn quá nhiều do dự lừng khừng đối với bọn trung ương, cái dè dặt phải có của chúng tôi cũng vì vậy. Hiện thời đám sinh viên cũng có rất nhiều cảm tình với ông Tướng và chắc anh cũng đã biết ngày mai tướng Thuyết được mời đọc diễn văn trước Đại hội.

Trên đường đi tới đài phát thanh, Vy đã một lần chắp tay kính cẩn cúi rạp người thi lễ với một nhà sư già ngồi trên một xích lô đi qua. Tôi quay ra hỏi Vy về nhà sư Pháp Viên:

- Về thượng tọa Pháp Viên, có đúng phần nào không những dư luận nói về ông qua báo chí?

- Cũng không hẳn là sai, mỗi người chỉ bắt được một hai chi tiết rồi cố gắng thổi phồng lên, coi đó như là cá tính của thầy. Sự thật thầy vẫn chỉ là một thiền sư với một tâm hồn lai láng nghệ sĩ.

Vy có những nhận định riêng về nhà sư. Ông có sức mạnh trong quần chúng nhưng lại từ chối đám đông và ưa một nếp sống cô đơn trầm tĩnh. Rất giỏi về thần học và cổ ngữ nhưng ông cũng lại ham mê đánh cờ hoặc ngồi thảo những nét bút tự tuyệt tác. Xuất thân tu hành nhưng ông lại quá thiết tha với đời, ông có những nhận định sắc bén về thời cuộc và ý kiến của ông thường có ảnh hưởng tới chánh giới nhất là với phe tranh đấu.

- Đủ hạng người, kể cả ông Tướng đều mong gặp thầy để xin được hậu thuẫn nhưng ít khi có ai được toại nguyện, bản chất thầy vốn phóng khoáng và không ưa như vậy.

Vy dẫn tôi vào phía trong Đài phát thanh. Đủ các lãnh tụ sinh viên và thành phần Ủy ban tranh đấu đang làm việc rộn rịp ở đó. Trên một chiếc bàn vuông dài, bừa bãi những tài liệu và báo chí. Mọi tư tưởng được tự do phóng thả: tư bản luận, chủ nghĩa Mác xít, tinh thần quốc gia dân tộc, triết lý Phật giáo. Những điều vừa tìm thấy ở sách vở, cả những suy tư và khám phá mới đều được nói ra. Đài phát thanh bấy lâu vẫn bị chủ lực sinh viên chi phối nắm giữ. Không khí làm việc thật hứng khởi và đầy vẻ cách mạng. Những bài viết ra đều rất ít sửa chữa và đem phát thanh ngay: những ý kiến trái ngược nhau trên cùng một quan điểm cũng bởi tại chỗ đó. Làm sao Sài Gòn có thể phán quyết về họ khi không cùng ở trong những điều kiện sinh hoạt như thế. Và đây cũng là một trường hợp trong rất nhiều trường hợp khó xử của tướng Thuyết. Tôi đặt vấn đề đó ra với Vy, có lẽ hắn cũng ý thức được những khó khăn, hắn đưa ra một quan điểm chiết trung:

- Vấn đề cho cả hai phía là đừng bao giờ đẩy nhau vào sát chân tường, chính tôi cũng đã nói với các anh em trong Ủy ban nhưng phần lớn họ thì quá trẻ và quá nhiều hăng hái, thật khó mà bảo họ đừng tiến tới.

Tôi ở lại nói chuyện với bọn họ đến xế chiều, sau đó Vy rủ tôi xuống tắm dưới sông Hương. Buổi tối về nhà Vy, cùng với tôi có một nhạc sĩ nổi danh về dân ca. Căn nhà cổ xưa ba gian nhoi giữa một vườn cỏ hoang mọc tới gối. Trong nhà đã tối thui ngay từ chạng vạng, không có điện không có những tiện nghi tối thiểu của một xã hội văn minh. Ngoài những sách vở, Vy như đã không sống trong cái thời đại của mình. Tôi không thể hiểu được cái mức độ ẩn nhẫn để hắn có thể sống trong cái tịch mịch của côn trùng và cỏ cây bên một dòng sông phẳng lặng như tờ. Mới chín giờ mà tưởng như đã rất khuya, hai chúng tôi nói chuyện tới gần bốn giờ rưỡi sáng. Ở phần của giấc ngủ còn lại tôi nghe xa gần như trong giấc mơ tiếng ếch nhái và những cơn sóng nhỏ do một chiếc thuyền nào đó vừa đi qua vỗ róc rách vào những tảng đá trong bờ.

Buổi sáng hôm sau tại đại hí viện, tướng Thuyết đã đọc một bài diễn văn tuyệt tác trước một đại hội đông đảo sinh viên. Bài diễn văn đã phải ngắt đi nhiều lần bằng những tràng pháo tay rung chuyển cả nhà hát lớn. Với đề tài triết lý hai cuộc cách mạng, ông Tướng đã thành công trong mục đích khích động máu nóng của tuổi trẻ và giải quyết được những mâu thuẫn nội tại giữa những khó khăn éo le của thực tế. Sự xuất hiện của ông Tướng sẽ thật hoàn hảo đúng như dự liệu của nhà văn nếu không có những bộ sắc phục của đám Cảnh sát Dã chiến bố trí quanh nhà hát lớn. Đang từ những phút cảm tình hoan hô chuyển ngay sang cái không khí công kích căng thẳng là điều không ai có thể ngờ. Ông Tướng giận dữ, đám sinh viên phẫn uất, cả hai bên đều bị tự ái tổn thương khó mà cứu vãn và ngay sau đó Đại hội bị giải tán trước con mắt buồn rầu của nhà văn và nhất là ông Giáo sư. Ông Tướng thì lên trực thăng bỏ ngay vào Đà Nẵng, không biết những ngày sắp tới sẽ thế nào. Tôi gặp lại ông Hoàng Thái Trung ở đó. Như một con thoi ông phải dạy cùng một lúc cả ba đại học, hiện tại thì ông đang ở tuần lễ thứ hai ngoài Huế. Khi nhắc tới bàn diễn văn của ông Tướng, ông Trung bày tỏ sự khâm phục đối với ngòi bút đượm sinh khí và đầy lửa của nhà văn và cũng lại tỏ ý hoài nghi về vai trò chánh trị tương lai của tướng Thuyết:

- Làm sao anh biết bài diễn văn là của nhà văn?

- Có bài diễn văn nào ông Tướng đọc mà không phải của ông ta, vả lại văn là người, cái bút pháp đặc nhựa lôi cuốn ấy chẳng thể không phải của nhà văn.

Ông Trung hỏi tôi về những cuộc biểu tình ở Sài Gòn. Ông cũng hỏi thăm về tình trạng của nhà sư Pháp Viên với nhiều nỗi lo ngại. Tôi bảo đó cũng là mối quan tâm lớn của tướng Thuyết, đang có vận động cho nhà sư được thả ra và không biết là ngày nào. Ông Trung nhắc tới dự định làm báo ở Huế và hỏi tôi:

- Khi nào anh mới định ra nhận dạy ngoài này? Có lẽ anh em mình tính chuyện ra lại một tờ báo.

- Tôi cũng chưa hứa chắc với bên Mỹ Thuật nhưng có thể là sau Tết.

Tôi cũng thích được ra đây đổi một không khí yên tĩnh và hy vọng vẽ trở lại.

- Có lẽ tất cả phải đi lại từ bước đầu.

Tôi nói với ông Trung về dự định viết một cuốn sách khảo cứu cao nguyên mà quan điểm đưa ra là người Thượng người Kinh có cùng một nguồn gốc. Đó là điều rất trái ý với ông Mục sư. Ông Trung tỏ vẻ tán đồng và có những khuyến khích:

- Vấn đề này được tôi tham khảo với nhiều công phu tìm kiếm, khi phải giảng dạy cho sinh viên ở Văn khoa, tôi cố gắng đưa ra phổ biến những quan niệm mới như thế.

Tôi lại nhắc tới đề nghị của một tờ báo sinh viên về việc thiết lập một viện nghiên cứu các sắc tộc và một phân khoa Nhân Chủng trực thuộc Viện Đại học. Tôi nói:

- Với sự hướng dẫn của giáo sư, sự góp công nghiên cứu của lớp người trẻ hăng hái ở đại học là điều quá cần thiết. Hy vọng năm mười năm sau khi cần tìm biết về vấn đề nhân chủng, khu đại học Nhân văn có thể cung cấp những cuốn sách giá trị do chính người Việt Nam viết.

Ông Trung có vẻ rất quan tâm tới đề nghị này và cũng cho biết bao nhiêu khó khăn đặt ra sau đó. Sáng kiến không thể khởi đầu từ ông khi mà chánh quyền và cả những đồng nghiệp đã cô lập ông, coi ông như thành phần trí thức thiên tả và đối lập. Điều mà ông có thể làm là những cố gắng cá nhân vùng vẫy.

Buổi tối về nhà ông Trung và ở lại trong cư xá giáo sư đại học trên Bến Ngự. Từ một lầu ba căn phòng có một cửa trông ra sông. Bên kia cầu dốc Nam Giao như chìm sâu vào bóng đêm âm u. Tiếng côn trùng rên rỉ đều đều, tiếng cạp muỗi của những con ễnh ương dưới sông chỉ gợi nỗi nhớ của những trang lịch sử ảm đạm buồn rầu. Làm sao người ta có thể nung chí trong sự nẫu nà như vậy để mà trở thành phi thường như bộ óc của nhà sư Pháp Viên. Tôi cũng liên tưởng tới cái vẻ hứng chịu của những người đàn ông Huế qua lối nhìn cay đắng của Nguyện. Lúc này thì tôi đang nghĩ và nhớ tới Nguyện với thiết tha và hy vọng. Một mai tôi ra đây, ở một căn phòng như vậy, liệu con sơn ca có nghỉ cánh bay để sống những ngày giờ hạnh phúc. Trong óc tôi lại hiện rõ khuôn mặt rạng rỡ của Nguyện nổi bật trên một nền thật tăm tối. Với không khí này tôi hy vọng vẽ trở lại. Ở một căn phòng đầy sách báo bừa bãi tôi hỏi ông Trung:

- Sao anh không đem chị theo, có bàn tay người đàn bà đời sống cũng trở nên dễ chịu.

- Thì dĩ nhiên rồi nhưng phải cái tôi dạy nhiều nơi, chỗ ở ngoài này cũng chưa nhất định, nhà tôi lại bận con nhỏ nên cũng muốn thu xếp ở luôn trong đó. Nếu đời sống có nhiều ân hận thì phải kể trong đó chuyện tôi lấy vợ sớm.

Câu chuyện của ông Trung khiến tôi có cảm tưởng anh sống trong một cảnh gia đình không có hạnh phúc. Tôn trọng đời sống riêng tư của ông, tôi không nói ra những thắc mắc. Vừa rót dòng cà phê nóng vào từng chiếc ly sứ trắng, ông Trung nói:

- Trí tuệ tôi lúc này bị ngưng trệ, ngòi bút đuổi chạy một cách khó khăn. Nhìn lại những gì đã viết tôi chỉ thấy co quắp buồn chán, lẽ ra tôi phải biết sớm hơn để ngừng lại ở đó. Tất cả vấn đề phải duyệt xét lại, xét lại từ đầu để tìm ra những đường hướng mới.

Dưới con mắt của đám sinh viên trẻ, ông Trung được coi như thần tượng, một trí thức dấn thân, chữ của ông Trung. Vậy mà ông cũng có những nỗi băn khoăn thất vọng. Ông Trung cô đơn trong sự yêu mến của nhiều người khác. Đôi mắt sáng và buồn của ông soi qua một làn kính trắng dày, trông ông Trung trơ trọi như một ảnh tượng đẫm nết bơ vơ trong một không gian bạc màu. Tôi muốn kéo ông ra khỏi cái vũng nhiều buồn thảm khi nói tới đám nhà báo sinh viên vẫn thường chỉ trích ông. Đi vào nhận định, ông Trung luôn luôn giữ nguyên phong độ sắc bén:

- Tôi đã nói là tất cả vấn đề phải duyệt xét lại, xét lại từ đầu. Tôi tự thấy có trách nhiệm là đã gây một sức đề kháng và chống đối tiêu cực trong quần chúng. Cái lối chống đối để khỏi phải xây dựng đó chính là một trở ngại cho những mục tiêu xây xựng quốc gia. Tôi đã tới thăm tòa soạn của họ, biết rõ cái không khí sinh hoạt dân chủ phóng túng của những cây bút tài tử này và hiểu rõ họ có thể đi tới đâu. Tôi thì vẫn thích những tay nhà báo này, tôi có ý nghĩ họ như một chất men cho những sinh hoạt quốc gia.

Ông Trung bảo:

- Nhận đối thoại với họ là không biết sẽ đưa mình tới đâu, nhiều khi tôi cũng thấy rát mạt vì họ chỉ trích nhưng tôi hiểu họ thêm hơn sau đó. Vả lại né tránh theo tôi cũng là một khuyết điểm lớn của giới đàn anh, như con đà điểu chúi đầu xuống cát nhưng rồi vẫn phải đối đầu với mọi sự thật.

Những giọt cà phê đã bắt đầu nguội lạnh và để lại một dư vị đắng trên đầu lưỡi. Giọng ông Trung lúc nào cũng giữ được vẻ tha thiết, ông nói với họ mà như độc thoại với nội tâm của chính mình và ông thì cũng đang tìm kiếm loay hoay như chính bọn nó. Lập trường của ông đã có những dấu hiệu thay đổi và nghiêng về một lựa chọn. Ông Trung có vẻ hết kiên nhẫn, sức mạnh ông là ở tư tưởng ngòi bút mà xem ra sau này ông lại tin vào hiệu quả của hành động. Cũng như Kux nhận định, sức mạnh Phật giáo không ở nơi khí giới bạo động mà xem ra đám môn đồ lại muốn đi tới cái đích đó.

Có vợ chồng ông giáo sư luật khoa sang chơi, tôi đã có lần gặp ông trong nhóm cố vấn ông Tướng. Chúng tôi nói đủ mọi chuyện đến thật khuya. Khi vào giường ngủ mỗi thớ thịt đều tê mỏi, tâm hồn cũng tê mỏi, tôi không còn muốn làm thêm một cử động nào nữa. Buổi sáng tôi trở dậy rất sớm khi bầu trời còn đầy sương. Lao xao những tiếng động trên mặt sông và dưới bến. Của những người đàn bà gồng gánh đi chợ, của những cô gái Huế xuống sông gánh nước. Từ cửa sổ nhìn xuống những lá cây ướt rũ sương, dưới bến những người con gái áo trắng đang ngồi giặt vui vẻ nói chuyện hay se sẽ cất lên tiếng hát. Phía Từ Đàm xa xa vẳng lại tiếng chuông chùa ru êm ả những đám mây và làm bặt cả những tiếng chim ca hót. Có lẽ Nguyện sẽ nghe tôi ra sống ở đây ít lâu, trong cái u tịch của thế giới lăng tẩm này để tìm lại không khí cho hội họa và hạnh phúc.

CHƯƠNG MƯỜI TÁM

Tôi xuống phi trường Phú Bài để chờ chuyến bay vô Đà Nẵng. Cũng chuyến bay đó chở Đức Tăng Thống từ Sài Gòn ra Huế. Vị giáo chủ này có vẻ kiệt sức và già nua khi người ta phải đỡ dìu ông lên xe trước đông đảo Phật tử cúi rạp đầu thi lễ trên bước đường ông đi qua. Cờ Phật giáo treo ngợp phòng khánh tiết phi cảng, đoàn xe nghênh rước kéo dài hàng cây số với cờ xí chở phái đoàn Tăng Thống đi vào thành phố. Mặc dù già yếu bệnh hoạn, Tăng Thống ra Huế lúc này là một trấn an cho tinh thần đang dao động của Phật tử. Trong đám xe tôi nhận thấy xe chánh phủ và quân đội, tất cả đều cắm cờ ngũ sắc rực rỡ của Phật giáo. Và ở lúc này tôi đang nghĩ tới cái thế lưỡng nan của tướng Thuyết khi vừa phải thỏa hiệp vừa thi hành lệnh giành lại quyền kiểm soát về trung ương. Tôi bị vây bọc bởi cái ý nghĩ đó trong suốt chuyến bay đi Đà Nẵng. Sau những rắc rối với đám sinh viên Huế, tôi cũng muốn gặp lại tướng Thuyết ở Đà Nẵng cùng là thăm viếng một số trại Dân sự Chiến đấu Thượng vừa cải tuyển. Xem ra cao nguyên với những thung lũng xanh và núi cao trùng điệp, đầy nắng vàng và bát ngát hương thơm của hoa cỏ dại hấp dẫn tôi nhiều hơn giấc ngủ của những biến động trong thành phố.

Nhà văn cho biết tướng Thuyết lại vừa tức tốc trở lại Sài Gòn, không có dấu hiệu gì nghiêm trọng nhưng có rạn nứt của trung ương mà sự hàn gắn phải nhờ tới ông. Không có mặt ông Tướng, nhà văn cũng không thiếu vẻ bận rộn nhưng ông cũng chu đáo sắp đặt cho tôi nhiều cuộc thăm viếng sau đó.

Suốt một ngày di chuyển từ những ngọn đồi khô héo vùng Lệ Mỹ đến bãi cát nóng Chu Lai, tôi bị say nắng và thấm mệt. Với thói quen, tôi sẽ vào bàn viết ngay buổi tối để tránh những ngưng đọng lười biếng sau đó. Chưa lúc nào tôi cảm thấy khó khăn như hiện giờ, bỗng chốc tôi bị mất cái khả năng liên hệ với thực tại. Có bao nhiêu điều phải viết, tôi sẽ cầm bút bắt đầu bằng hình ảnh nào, Chu Lai hay vùng nước mắt của người Mỹ, khuôn mặt căng thịt đỏ hồng của viên trung tá Clark hay nước da chì tái của một bác nông dân. Chỉ biết sau vài tháng bộ mặt đồng quê đã có rất nhiều biến đổi, từ những tàn cây xơ xác với những thửa ruộng đọng úng bùn lầy di sang những bãi cát nóng bỏng hun nóng hai mặt tôn: chỉ những cây xương rồng hay cỏ gai mới có thể mọc và sống ở đó. Ông Giáo sư tới kiếm tôi và cho biết có thể tướng Thuyết sẽ trở ra buổi chiều, ông ngỏ ý mời tôi đi ăn tối nhưng trước đó như một phép xã giao ông muốn cùng tôi ra ngoài phi trường đón ông Tướng. Vì nghề nghiệp tôi cũng muốn gặp lại ông Tướng nhất là sau chuyến đi Sài Gòn, chắc sẽ có nhiều tin mới.

Trời về chiều, từng cụm mây tái dần trên cao. Ngoài xa sân bay từng hai chiếc phản lực Phantom phụt lửa trên phi đạo, cùng một lúc cất cánh ném lại phía sau những âm thanh nổ bùng xé rít. Các phi cơ quân sự, những trực thăng xám thay phiên lên xuống tạo nên cả một vùng tiếng động huyên náo. Chuyến Caravelle từ Sài Gòn lẽ ra phải tới từ bốn giờ. Mọi người nôn nóng chờ đợi. Vài ký giả ngoại quốc nhăn nhó, để tranh thủ thời gian họ ngồi viết bài ngay trong quán giải khát. Trên mặt bàn đá thấp, những ly chai nước ngọt và rượu. Cùng ngồi với tôi có ba người: một giáo sư đại học luật khoa, một nhà văn nhà báo lão thành và một đại thương gia tiếng tăm người Huế. Câu chuyện đang xoay quanh những giao động sau vụ hội thảo và thái độ của tướng Thuyết. Vì tất cả đều ít nhiều liên hệ mật thiết với ông Tướng. Họ là những người của thời cuộc, bắt đầu hăng hái hoạt động sau cách mạng mà vai trò quân đội với cách mạng là điều kiện thiết yếu của một tình trạng quá hỗn mang. Đó cũng là lý do giới trí thức đầu tư nặng vào các tướng lãnh. Ông giáo sư bảo:

- Nói thật với các anh, bản thân tôi chẳng phải là cách mạng nhưng tôi rất khoái có cách mạng và đó là lý do tôi phải giúp bọn trẻ đi tới.

Lời nói ông giáo sư đượm vẻ thành thật. Cách mạng vốn đòi hỏi nhiều gian khổ mà giáo sư thì vẫn muốn sống ở xã hội trên cao nên sự dấn thân của ông mang một sắc thái xót thương cúi xuống. Đến lượt ông đại thương gia lên tiếng:

- Tôi ngán chánh trị lắm, quen với ông Tướng là tình bạn vậy thôi chứ tôi không có ham muốn chi hết.

Cũng để chứng tỏ cái ngán chánh trị, ông say sưa kể lại những hành hạ tù đày mà ông phải chịu trong suốt chín năm dưới chế độ cũ. Hồi đó ông bị kết tội kinh tài cho ngoài kia nhưng ông bảo thật sự ông làm kinh tài cho cách mạng. Ông nói:

- Cứ nghĩ tới lúc bị tụi mật vụ torturé mà tởn, may mà không bị nó thủ tiêu. Bây giờ sống mà nghĩ lại cũng thú.

Cái thú nhất là ông ở trong số những người được hưởng công ơn của cách mạng không ít. Tuy không có vẻ gì là đói thuốc, nhà văn vẫn tỏ ra ít nói. Thật khó mà phủ nhận rằng văn chương của ông thừa chất nhựa lôi cuốn. Nhà văn bảo ông chỉ có thể giống họ về chủ trương nhưng ông khác hẳn mọi người ở đường lối đi tới của cách mạng. Tác phẩm khiến ông nổi tiếng nhưng hùng biện biến ông trở thành một lý thuyết gia. Ông bảo:

- Khi mình nói chống là ngụ ý mình muốn bênh một cái gì. Nói trắng ra dưới thời ông Diệm mình nói chống cộng tức là muốn bênh chế độ ông ta. Bây giờ thì hết rồi, từ ông Thủ tướng tới cậu sinh viên đều nói theo hứng mình. Hết sắt rồi đến máu, nói chống cộng mà cũng lại y như cộng sản thì tranh đấu cái nỗi gì.

Cách mạng phải có lửa phải được hâm nóng, xem ra ông vẫn rầu rầu đầu tư vào cách mạng với tấm lòng nguội lạnh. Người ta bảo ông thuộc lớp người già nhưng ông tự cho mình không đứng vào lớp tuổi bị đào thải, ông vẫn muốn sát cánh với bọn trẻ đi tới. Ông có cả một kho kinh nghiệm với kháng chiến chống Pháp và cộng sản. Ông cả quyết:

- Lý thuyết cộng sản không còn đúng nữa, đến lúc này điều đó khỏi cần chứng minh, nhưng cuộc tranh đấu hiện tại vẫn cần phải có một cái gì, không phải chỉ có nói chống mà có được chánh nghĩa. Tôi muốn nói đã tới lúc phải trở về quê hương riêng của chúng ta.

Người lớn tuổi giống nhau ở chỗ thích nói về quá khứ mình. Riêng nhà văn khác bạn hữu ở chỗ đó. Ông giống bọn trẻ ở chỗ thích nghĩ và bàn tới tương lai. Tôi mải nhìn những khuôn mặt nôn nóng chớ đợi và tưởng tới nỗi vui mừng khi thấy mấy người ra tận sân đón bắt tay cho được ông Tướng. Biết nhà văn muốn hướng cuộc đối thoại về mình, tôi cũng chỉ bày tỏ một cách lơ đãng:

- Đúng Mác-Lê không còn sống để biết rằng mình sai, một thế giới đại đồng chỉ có trong ảo tưởng. Cuộc chiến đấu nào cũng phải hướng về quê hương. Làm gì có một chủ nghĩa quốc tế, chỉ có cộng sản Trung Hoa hay Nga Xô, trở về quê hương đó chính là biên cương quốc gia.

Nghe tôi nói nhà văn dẫy nẩy lên vì một nhận định rất sai ý mình:

- Không, đâu có phải vậy. Điều mà tôi muốn nói là sự trở về một quê hương tế bào, ở đó chỉ có những nhà sinh lý và ống kính của họ mới có thẩm quyền quyết đoán nhất.

Câu nói khiến tôi hiểu rằng người đối thoại trước mặt không chỉ là một nhà văn mà còn là một tay rất sành về khoa sinh lý nữa. Phải công nhận là ở ngôn ngữ ông có một vẻ phù thủy thu hút và tôi cũng hiểu tại sao nhà văn rất được lòng tin và sự khâm phục của ông Tướng. Ông lại xuống giọng tha thiết:

- Tham vọng của tôi lớn lắm, cố gắng không phải chỉ để giải quyết giai đoạn những vấn đề nhỏ bé của quốc gia mà cho cả tương lai nhân loại.

Đang bay bổng trên những tham vọng, nhà văn chợt tỉnh táo, giọng ông trầm xuống tụt hẫng:

- Nói vậy chứ việc quốc gia đã là một cái gì quá lớn vượt khỏi tầm tay. Mình chỉ còn đủ sức nói chứ không còn đủ sức làm, Cố gắng lắm mới có được một tờ báo để nói thì cũng lại bị đóng cửa nốt.

Nhà văn ngưng nói, yên lặng cay đắng không một dáng điệu phản kháng tưởng như sức lực ông sau một lần cố góp tàn hơi đã bị tiêu tùng hết. Ông là một mẫu người rất lạ, có đủ cay đắng của một người già và thừa những nông nổi ngây thơ của bọn trẻ. Ông đã sống dưới nhiều màu cờ, trải qua tất cả những nỗi vinh nhục thăng trầm trong nghề báo. Ngay sau cách mạng, chính ông là người thành khẩn thú tội về khoảng thời gian đánh đĩ ngòi bút cùng những lời tri ân quân đội đảo chánh đã cho nhà báo cơ hội trở lại làm người. Ông hơn bạn hữu đồng niên ở đức tính nói thật đó, mà nói thật lại chính là sức mạnh của ngòi bút. Có lẽ vậy mà nhà nước ngán tìm mọi cách đóng cửa báo ông. Ông bảo miền Trung xứ Huế mới thật sự là quê hương của cách mạng và báo chí. Điều đó giải thích được lý do ông bỏ bê cả gia đình ra nằm thổi khói ở một xứ mưa dầm với chức cố vấn vô vị và những tháng ngày chờ đợi nhạt nhẽo. Vẻ trẻ trung của ông vẫn được coi như chiếc cầu nối liền hai thế hệ mới cũ: đã có một gián đoạn giữa tuổi trẻ và thế hệ đi trước, để lại một khoảng trống, một chia lìa lịch sử.

Chuyến bay Caravelle đã đáp xuống. Ông giáo sư cũng trở lại bàn cho biết ông Tướng tối nay cũng chưa ra, Đại hội còn kéo dài mấy hôm nữa. Bốn người ra xe trở về thành phố, tôi xuống ngồi băng sau với nhà văn. Câu chuyện cải tổ vẫn được hai người ngồi trên nhắc đến. Nhà văn nói cho tôi nghe các nhận định về thời thế và các ngôi sao chánh trị. Hướng về phía Giáo sư ông bảo:

- Các tay chánh trị quốc gia đều như vậy cả, như ông Giáo sư thích nói chuyện tranh đấu giải phóng nhưng bằng cách nào. Ngay chính ông cũng chưa có một quan niệm quốc gia phù hợp với thời đại và dân tộc; ông tranh đấu với rất nhiều lập trường và chẳng có một chủ trương nào nhất định. Cái nguy cho chính Giáo sư là ngay nơi sự ưa thay đổi đó.

Từ bất cứ câu chuyện nào, nhà văn cũng tìm cách xoay ra nói về mình:

- Riêng tôi khi ở tù ra chẳng những không tin mà còn ghê tởm chánh trị nữa. Theo tôi, chỉ có cách mạng, một cuộc cách mạng tận gốc rễ.

Trái với bản chất lạnh lùng ít nói, tối nay nhà văn thổ lộ tâm sự quá mức. Đụng đến vấn đề gì ông cũng mở tung ra trước mắt tôi một chân trời mù tăm bát ngát. Ngôn ngữ của ông có một vẻ gì dẻo quánh mê hoặc. Tôi nghĩ đó là tất cả gia tài của ông đã thu hoạch bằng những năm sống ở ngoài kia . Ông là thứ bóng tối dày đặc và tỏa trùm. Giữa ông và hiện tại đời sống có mâu thuẫn và khoảng cách kỳ cục hết sức.

Chỉ một ngày hôm sau, Giáo sư đến cho tôi biết tướng Thuyết vừa trở ra. Buổi tối có ông thương gia mở tiệc khoản đãi. Số người được mời rất giới hạn và thu hẹp, toàn những thành phần thân cận của ông Tướng. Giáo sư bảo nếu tôi muốn ông có thể dẫn tôi tới. Tôi nhận lời dù đã vô cùng thấm mệt sau thêm một ngày di chuyển. Ở đó vẫn là những đài các sa hoa của Sài Gòn đem vào một căn phòng lớn của khách sạn Trung ương. Ánh đèn nến vàng ấm, ly thủy tinh trong ngấn rượu, những bông hồng nở lớn trên những chiếc khăn trắng muốt.

Ngoài mấy chuyến gặp vội vã, bây giờ tối mới lại thấy tận mắt dung nhan ông Tướng, một nhân vật được coi như có ảnh hưởng chính yếu trên các biến động cao nguyên. Dáng dấp cao lớn nhưng có vẻ dễ thương và ít nghiêm khắc hơn người ta tưởng. Vầng trán thấp với một hốc đạn đào sâu, một khuôn mặt lắm góc cạnh , rất nhiều cứ chỉ và luôn thay đổi. Đặc biệt ông có một hàm răng rất đều trắng, miệng cười rộng toác rất dễ gây thiện cảm. Hướng về phía Giáo sư, ông Tướng nói:

- Sao ông Giáo sư, nghe tụi nó lại tính làm reo nữa có phải vậy không? Tụi sinh viên của ông ngoài đó phá quá mà.

Giáo sư phải hết lòng thanh minh và cho rằng mọi xách động bây giờ hết còn lý do. Giáo sư bảo:

- Tôi đã có lần nói với ông Tướng là trong sinh viên có mất tên thiên cộng, chắc ông Tướng còn biết nhiều hơn tôi. Muốn yên ông Tướng phải ra lệnh tom hết mấy tụi nó.

Tôi ngạc nhiên khi nghe ông Giáo sư có lời yêu cầu ông Tướng bắt giam sinh viên mình. Ông Tướng thì đắc ý cười toác:

- Cái đó anh Giáo khỏi lo. Tụi Mọi khát máu dã man tôi còn trị được dễ dàng thì đáng kể gì mấy chuyện này. Bắt hay không chỉ còn là vấn đề thời gian, vả lại hiện giờ tôi chưa muốn gây xúc động trong tâm lý quần chúng.

Ngưng một lúc rồi bằng dáng điệu bày tỏ ông Tướng tiếp:

- Ở quan điểm chánh quyền khi phải tuyên bố với báo chí, lúc nào tôi cũng chống lại mọi xách động xáo trộn, nhưng cùng một lúc tôi tự đặt cho mình bổn phận của một công dân tha thiết với tự do dân chủ nên không lý gì tôi lại đàn áp không để tụi nó tranh đấu. Vả lại trước kia tôi cũng đã từng là sinh viên tranh đấu hăng hái có khi còn hơn anh em.

Ông Tướng hôm nay để lộ nhiều vui vẻ, giọng ông đầy trìu mến khi ông ôn lại quá khứ đấu tranh của mình, nhất là những ngày khó khăn nguy ngập trên cao nguyên. Rồi bất chợt giọng ông trở nên cứng rắn khi trở về hiện tại:

- Ông Giáo sư cũng nói giùm là tôi rất dễ với anh em nhưng một khi đã để cộng sản lợi dụng thì tôi không có nương tay. Đó là tôi đã báo trước, không những phong trào đã bị đập tan mà tôi còn lôi một vài tên ra bắn làm gương.

Ông Tướng có tất cả ưu điểm của con nhà võ. Vóc dáng bề thế, cử chỉ nóng nảy và bất chợt. Ông là một trong những tướng trẻ có công lớn với cách mạng và hiện tại bị bao vây bởi một lô cố vấn, không kể những cố vấn quân sự Mỹ. Đa số gồm trí thức nhà báo, giáo sư đại học và cả những chuyên viên. Tất cả đều tự nhận là quân sư có hạng, tự nguyện tìm tới ông Tướng với những tâm sự và hoài bão rất khác. Và rõ rệt là ông Tướng có những tiến bộ trông thấy. Từ một quân nhân ít học, ông đã có thể nói chuyện về chủ nghĩa và cách mạng một cách khá trơn tru. Ông nhất thiết gán cho quân đội một sứ mạng lịch sử trong hai cuộc cách mạng tương lai. Ông cũng để tâm tới cả địa hạt văn hóa. Trong một môi trường gặp gỡ chọn lọc, ông lạm bàn tới cả vấn đề con người qua các biểu hiện trí thức thời đại kiểu Sartre và Camus. Riêng Camus vẫn được ông Tướng thích nhất. Cái lý lẽ của sự thích thú đó có nhiều điều rất giống với quan điểm của nhà văn, bạn rất thân với ông Tướng. Tối nay ông Tướng chịu uống rượu và nói nhiều. Những người lạ mặt nghiễm nhiên được ông Tướng coi như bạn thân nên ông có những cử chỉ hòa mình dễ dãi. Được dịp tôi gợi chuyện hỏi ông Tướng về chiến tranh và cách mạng. Ông nhắc nhiều tới Nasser, hăng hái bàn về hai cuộc cách mạng cần thiết trong hiện tại. Đi sâu vào lý luận lập trường, ông Tướng có vẻ lúng túng rõ rệt. Khi thì ông quả quyết về sự cần thiết xuất hiện một người hùng - strongman. Khi thì ông ngả về hàng ngũ thanh niên sinh viên và tán tụng cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ. Theo giải thích của nhà văn lão thành thì ở ông Tướng chẳng có gì là kỳ cục mâu thuẫn:

- Cách mạng toàn diện là chủ trương duy nhất và hiển nhiên có rất nhiều con đường đi tới đích đó.

Ngay cả với nhà văn tôi cũng không rõ cách thế đi tới của ông thế nào nhưng ở ngòi bút của ông vẫn để lộ ra những bối rối mâu thuẫn. Ông là chiến sĩ cao niên với ba bốn mươi năm tranh đấu cho tự do dân chủ, kể cả tự do báo chí. Vậy mà cũng chính ông kêu đòi sự xuất hiện của một nhà độc tài và cũng chính ông thảo sẵn một kế hoạch trơn tru để đóng cửa hàng loạt báo và thắt chặt tự do báo chí. Cũng như ông Giáo sư đã từng sát cánh với sinh viên tranh đấu chống độc tài, xây dựng tự do dân chủ và bênh vực nền tự trị đại học nhưng cũng chính ông lại kêu gọi ông Tướng bắt bớ các sinh viên chống đối, những thành phần bất đồng ý kiến với mình. Và lúc này thì tôi hiểu cái bối rối khó khăn của ông Tướng: có nhiều cố vấn đã là một điều khó mà ông Tướng có được, nhưng chính ông lại thiếu cái sâu sắc để lựa chọn. Bởi vậy, ông Tướng yêu nước trong những chủ trương mâu thuẫn cuồng nhiệt. Từ chỗ một nhà quân sự có tài, khỏe như voi và sức làm việc như trâu, người ta kỳ vọng ở ông nhiều hơn nữa. Ông không có bản lãnh về chánh trị, thời cuộc xô đẩy ông vào những vai trò không thích hợp, ở đó người ta thấy ông thật chới với. Bằng một giọng đầy thân mật và tin cậy hướng về phía Giáo sư, ông Tướng bảo:

- Chánh phủ Sài Gòn muốn cải tổ và trong đó có dò ý tôi, nếu thật như vậy thì tôi có ý định mời anh Giáo sư gánh bộ Thanh Niên.

Câu chuyện tuy nói nhỏ vẫn khiến ông thương gia và nhà văn bắt nghe, cả hai đều lộ vẻ ngạc nhiên. Còn Giáo sư sau một phút giằn xúc động, ông cố giữ giọng nói thật lạnh nhạt:

- Thú thật với ông Tướng tôi chỉ thích nghề dạy học và chẳng bao giờ muốn xa bọn sinh viên, vả lại nếu tôi đi thì trường Luật khoa còn gì? Tôi vốn không ham chánh trị, bất đắc dĩ phải tham dự vậy thôi, tôi cũng nghĩ lúc này chẳng thể làm được gì bởi vậy cùng lắm mà tôi nhận chỉ khi nào ông Tướng chịu lên làm Thủ tướng.

Sự ban ơn được đền đáp quá khéo và kết quả là ông Tướng vô cùng khoái trá. Ông lại xuống giọng đầy tin cậy và thân ái:

- Tụi Mỹ cũng thấy trong đó là bê bối nên có ý dò tôi. Nói thật chính tụi nó ngán và chẳng ưa gì tôi sau những vố thua đau ở cao nguyên nhưng tụi nó cũng hiểu vai trò tôi là cần thiết nên mới có thái độ ve vãn. Riêng tôi đồng ý với anh Giáo sư là chưa đúng lúc, cứ mặc tụi nó trong đó tranh xé nhau ít lâu nữa đến lúc tôi mà ra tay cũng chẳng mấy chốc.

Ông thương gia chỉ cười cười, nhà văn thì yên lặng gật gù tỏ vẻ tán đồng hết sức. Vừa lúc đám hầu bàn khệ nệ bưng đặt vào giữa bàn một con heo sữa bốc thơm màu vàng ngậy. Viên quản lý Tàu lai bước theo bặp bẹ những gì nghe không rõ, ông thương gia quay sang bảo tôi:

- Chú đó là quản lý, chú lại vừa trúng thầu coi hết các câu lạc bộ phi cảng kể cả Tân Sơn Nhất nên chú ấy đang vui và biết ơn ông Tướng lắm.

Ông thương gia còn nói thêm:

- Bếp thượng thặng đấy nhá, lùng hết Sài Gòn cũng không tìm được chỗ nào ăn ngon hơn.

Các món ăn dọn theo lối Tàu, sự sang trọng nhất cũng chỉ đến thế, bào ngư rồi lại đến yến vây. Mọi người khởi sự nhập tiệc. Những miếng da nghe vỡ ròn trong miệng các thực khách. Đột ngột ông Tướng nhắm về phía ông Ủy viên Giao thông:

- Sao ông Ủy viên, trong đó định bỏ miền Trung chết đói hay sao? Số gạo tháng trước năm ngàn bao chưa thấy ra một phần ba, gạo tồn kho cũng sắp cạn hết, có cái gì bê bối trong đó?

Ông Ủy viên rất trẻ cũng là người của ông Tướng, ông cho biết mọi điều hành đều xong suốt từ trung ương, hơn nữa với miền Trung là ông phải quan tâm đặc biệt. Vậy mà khi ra đây chính ông cũng ngạc nhiên về sự trục trặc đó. Theo ông có lẽ đó là hậu quả dắt dây của vụ Thủy Cước. Ông Tướng dằn giọng đe dọa:

- Trong số các ông phải đem ra bắn vài tên là êm ngay. Lại ăn cắp chớ có gì đâu. Tôi hẹn với ông Ủy viên kể từ ngày vô, câu chuyện phải giải quyết trước cuối tháng, nếu không thì cả đám lôi thôi to với tôi a.

Ông Tướng tỏ vẻ kiêu hãnh một cách buồn rầu về cái sự thể bận rộn không thể thay thế được của mình:

- Ngoài này hết lụt tỵ nạn rồi chiến dịch Về làng, lại còn vấn đề tôn giáo chẳng có ra làm sao. Làm việc chết xác mà vẫn thấy trong đó bê bối tôi cũng bắt đầu chán. Thêm vào đó, kể từ ngày tôi đi khỏi cao nguyên, tụi Mọi lại muốn làm loạn ở trên đó.

Bao vây bởi một lô cố vấn mà xem ra ông Tướng vẫn đơn độc. Báo chí vẫn gọi đùa ông là người hùng của cô phòng. Cái sự thể ông Tướng còn độc thân tới ngày nay là cả một bí mật và kích thích nhiều đầu óc tưởng tượng. Rượu khiến ông Tướng trở lại trầm tĩnh và muốn thổ lộ:

- Suốt mười bảy tháng nay tôi chỉ ao ước có một ngày nào đó thật rảnh rỗi, tới được một bãi biển vắng ngồi uống một ly bia thật lạnh, khỏi phải để tâm lo nghĩ một chuyện gì. Vậy mà cho mãi tới hôm nay điều đó vẫn chỉ là những mơ ước.

Ông Tướng hôm nay lại có vẻ thi sĩ, hết cả dáng vẻ hung hăng của thường ngày chỉ biết chửi và ra những khẩu lệnh bắn. Ông Bác sĩ già vẫn ngồi im lặng từ nãy, ông chọn đúng lúc để gây phấn khởi cho ông Tướng:

- Kế hoạch tỵ nạn Vùng mình chu đáo lắm ông Tướng à. Mặc dầu gặp chuyện tiếp tế rất bê bối nhưng được cái tôi đã quen xoay sở với bọn Mỹ nên ông Tướng cũng khỏi lo.

Bị kéo trở về thực tại, ông Tướng hăng hái ngay với chức vụ của mình:

- Thật vậy sao ông Bác sĩ? Đó là một kế hoạch rất lớn nên tụi Mỹ đề nghị lập hẳn một Bộ ở trung ương, Bác sĩ làm sao công việc được trơn tru như hồi lụt là hay quá rồi, tôi không đòi hỏi phải làm hơn.

Ông Bác sĩ cười khà khà nói đắc ý:

- Tôi bảo đảm mà, ông Tướng khỏi lo. Dân quê thấy công việc định cư của mình chu đáo nên ào ào kéo về. Chính tụi Mỹ cũng ngạc nhiên hỏi tôi. Có ông Trung tá kể là hành quân tới đâu dân chúng ùa hết ra xin theo đông quá đỗi. Công việc di dân còn mệt hơn đánh Việt cộng nữa.

Phải chi tôi chưa được biết rõ ông Bác sĩ, tôi sẽ đem lòng khâm phục ông là thế nào. Nhưng sự thật đều trái ngược. Tôi phải dằn lòng để không nói với ông Tướng rằng đám dân tỵ nạn đang bị nung nóng trên những bãi cát và đang được nuôi sống bởi những đống rác của đám lính Mỹ. Tôi cũng không thể nói trắng ra cái tâm trạng tuyệt vọng của người dân quê phải bám lấy từng gót giày của người lính Mỹ chỉ vì họ muốn được sống sót trước khi làng ấp họ trở thành những vùng oanh kích tự do.

Vẫn cái giọng ướt nhệt của ông Bác sĩ:

- Cứ đà này chỉ độ nửa tháng nữa số người kéo về sẽ vượt khả năng chu cấp của chánh phủ, dù có sự đóng góp tận tình của quân đội Mỹ. Cuộc chiến thắng nhân tâm lại trở thành tai họa cho phía mình, trong khi chúng ta không thể ném trả họ về tay địch một lần nữa. Bởi vậy tôi đang táo bạo dự thảo một kế hoạch để trình lên ông Tướng. Tôi nghĩ kỹ rồi, là phải để người dân trở về làng, góp sức vào công cuộc tự bảo vệ thôn xóm của họ với sự giúp đỡ hỗ trợ của trung ương.

Ông Tướng tỏ ra rất vui về một mặt trận nhân tâm vừa mới đắc thắng. Ông lại càng vui hơn trước sự lo xa chu đáo của ông Bác sĩ. Riêng tôi thì thất vọng với cái hiệu năng cứu lụt mà ông Tướng coi như một cái đích. Ông Tướng lại bận nói chuyện riêng với ông Giáo sư, còn ông thương gia thì trở lại nói rất tương đắc với ông Bác sĩ:

- Lập bộ Tỵ nạn thì chức Ủy viên vào tay anh chứ còn ai vô đấy nữa.

Nhà văn lại chậm rãi đưa mắt điểm khắp các khuôn mặt candidat của ông Tướng. Ông hơi nhếch một bên mép cười khẩy với vẻ cao thượng của một triết gia. Khi liếc mắt nhìn sang ông Tướng, nét mặt ông như được an nghỉ dịu xuống. Rượu mạnh đổ thừa thãi khiến tôi hơi say, những khuôn mặt trước tôi bị phóng lớn xô đẩy và nhuốm vẻ mơ mộng. Tôi chợt nhớ tới Nguyện, con chim nhỏ trốn tuyết, nghĩ tới bức tranh nàng tôi sẽ vẽ là một người đàn bà khỏa thân ủ trên cái ấm áp của một tấm thảm hồng.