Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (466): Ngô Thế Vinh (10)


VÒNG ĐAI XANH (KỲ 4)

CHƯƠNG CHÍN

     -  Đây là đêm cuối cùng tôi ở Việt Nam.

     -  Ông chấm dứt nhiệm vụ ở đây rồi sao? Người Thượng và cao nguyên đang cần sao ông lại bỏ đi?

     -  Không phải, sau hơn một năm tôi trở lại làm việc tại Mỹ.

     -  Hy vọng gặp lại ông.

     -  Ồ không, tôi muốn trả lại cho dân tộc Việt Nam một xứ sở hòa bình.

     Tôi cười nói với tướng Hunting rằng dầu sao tôi cũng muốn ông trở lại nhưng lần này với tư cách một du khách. Hunting bảo ông rất lấy làm buồn phải đi khỏi Việt Nam. Mấy chục năm trong quân ngũ, từng sống trong nhiều nước, không nơi nào khi ra đi khiến tôi quyến luyến bằng nơi đây: một xứ sở tan nát và kiệt lực với một dân tộc còn nguyên lòng dũng cảm và gan dạ chiến đấu. Câu nói từ cửa miệng một tướng lãnh như Hunting không mang vẻ ngoại giao trước những người bạn như tôi và Davis. Khác với cái vẻ mảnh khảnh hơi thiếu da thịt của Davis, Hunting to lớn với giọng nói khỏe và khuôn mặt vạm vỡ. Tôi nói:

     - Khi nghe ông bất chợt phải đổi đi, những người Thượng có vẻ nuối tiếc mất đi một ân nhân của họ. Một nhân sĩ Thượng tiên đoán một cách lo sợ rằng sẽ có một điềm gì chẳng lành xảy ra trên cao nguyên. Sự thật có gì bất thường không trong chuyện ông trở về Mỹ. Nay Ry nói là ông đổi tới vùng An Khê mới hơn một năm.

     - Thời gian hơn một năm đó đủ làm già đi một phần đời người. Không có gì gọi là bất thường trong đời sống quân ngũ, chỉ có kỷ luật và mệnh lệnh của thượng cấp. Duy chỉ tiếc có một điều là chương trình Dân sự vụ đi sâu vào các buôn sóc phải bỏ lại dở dang và không chắc gì sẽ được tiếp tục như ý chúng tôi muốn.

     Tuy không nói rõ ra nhưng tôi hiểu những khó khăn nội bộ mà tướng Hunting phải đương đầu: một Tacelosky lì lợm và những biệt đội lính Mũ Xanh vô kỷ luật chiến đấu như một loại mercenaires đầy dũng cảm, trên cao nữa tôi không thể không nghĩ tới bác sĩ Ross. Davis thì vẫn có giọng hài hước đầy vẻ Á đông cố hữu:

     - Có tướng Mỹ nào như Hunting được một lúc cả ba huy chương: một ngôi sao bạc, một chương mỹ bội tinh lại thêm một kim khánh của tổng thống Hàn Quốc. Sự trở về làm việc ở tòa lầu Năm góc được coi như một vinh thăng kiểu tướng Westy.

     - Tướng đánh trận mà được đưa về ngồi văn phòng cũng như cho về hưu chẳng thích thú gì. Bận rộn mệt nhọc ở trên đó tôi không phải nghĩ ngợi, xuống Sài Gòn để nay mai lên đường về Mỹ tôi mới chợt nghĩ tới là dầu sao cũng đã hơn năm mươi tuổi rồi. Davis nhỉ, vậy đã gần 25 năm kể từ ngày Đệ nhị Thế chiến: hai chúng ta có thể nâng ly mừng cho tình bạn vừa được hai mươi tuổi. Cả ông nhà báo nữa, cùng nâng ly mừng cho chúng tôi.

     Tôi nốc cạn ly rượu chợt nghĩ tới hình ảnh của Nhất Linh, con voi già nằm trong sở thú, đó cũng là hình ảnh của Hunting khi trở về tòa lầu Năm góc. Bất chợt tướng Hunting trở lại vấn đề cao nguyên, ông quay sang hỏi tôi và Davis:

     - Theo các anh thì mối mâu thuẫn Kinh Thượng có thật là trầm trọng đến độ được mô tả như là không thể hòa giải được theo quan điểm của một số người Mỹ như Tacelosky hay không?

     Câu trả lời ở vị trí tôi không thể coi là nhận định khách quan, tôi nhường phần Davis có tiếng nói:

     - Mâu thuẫn đó không phải là không có, nhưng không rõ rệt như trắng với đen mà là giữa những màu xám. Tuyệt nhiên không có mặc cảm kỳ thị về chúng tộc đúng nghĩa như người Đức với dân Do Thái, như sự thù hằn đen trắng ở Mỹ. Bằng chứng là chẳng bao giờ có trong lịch sử ở đây một chiến dịch diệt chủng như Hitler diệt dân Do Thái hay một phong trào kiểu như 3K ở Mỹ. Có một điều kỳ lạ là sự dễ dàng chung sống giữa các sắc dân, giữa các tôn giáo qua mấy ngàn năm trên lục địa Á châu này: hiện tượng Tam giáo ở Việt Nam là một bằng chứng. Theo tôi nguyên nhân tấn thảm kịch dai dẳng ở cao nguyên không bắt nguồn từ một mâu thuẫn chủng tộc mà là sự bất bình đẳng về quyền lợi và cơ hội tiến bộ giữa Kinh Thượng. Có điều là sự cách biệt đó sắc nét hơn giữa sự nghèo khó ở thôn quê và trong thành thị nhưng chúng cùng đối tượng cho một phương thức giải quyết, đó là một cuộc cách mạng về công bằng xã hội. Cả cuộc chiến tranh hiện tại cũng vậy nữa, nó sẽ đương nhiên tắt lịm dần dần khi những nguyên nhân đấu tranh không còn nữa.

     Tôi không ngờ Davis lại đưa ra một nhận định bình tĩnh và sáng suốt như vậy, điều đó đòi hỏi ở anh một kiến thức Á châu uyên bác. Tôi chắc rằng không có một người Mỹ thứ hai nào có thể đưa ra những ý kiến tương tự. Để mô tả tính cách phồn tạp của nhiều sắc dân ở đây, tôi kể cho Hunting và Davis nghe cái truyền thuyết trăm trứng sinh ra trăm họ từ thời bà Âu Cơ để tạo ra Bách Việt và tồn tại tới ngày nay. Tôi nói thêm:

     -  Họ như sống trên một giải đất định mệnh với nỗi ám ảnh lịch sử truyền kiếp là sự bành trướng thôn tính về phía nam của một nước Trung Hoa, bởi vậy họ đã sống khá hòa hợp và đoàn kết để có một lịch sử hơn bốn ngàn năm cho đến ngày nay.

     Góp thêm vào ý kiến của tôi, Davis nói với tướng Hunting:

     - Mà trong bốn ngàn năm đó có hơn một ngàn năm họ phải sống dưới ách đô hộ của Trung Hoa vậy mà vẫn không bị đồng hóa và còn nguyên vẹn một quốc gia Việt Nam ngày nay. Với một bài học lịch sử như thế theo tôi người ta đã lầm, trong đó có một số người Mỹ khi khai thác một số mâu thuẫn nhỏ để mong tạo nên một chia lìa lịch sử ở quốc gia đang suy yếu này, chúng ta tới đây để giải quyết một cuộc chiến tranh, cũng chính chúng ta manh nha gieo mầm cho một cuộc chiến tranh mới. Đã đến lúc chấm dứt cái thực tế ảo tưởng đó.

     Hunting vẫn chưa hiểu được những uẩn khúc đằng sau các rắc rối về chánh trị trên cao nguyên, ông Tướng còn có những thắc mắc:

     - Nhưng phải có một nguyên nhân sâu sa nào để khiến những người  Mỹ đó hành động như vậy. Theo chỗ tôi biết, thì những năm trước  năm 54, cao nguyên vốn là chốn mai phục trường kỳ của du kích quân cộng sản và là một sa trường đẫm máu của liên quân Việt Pháp và kể từ ngày tái phát cuộc chiến tranh, chốn đó là mối quan tâm đầu tiên của giới quân sự Mỹ. Hơn sáu mươi trại LLĐB kiên cố được thiết lập không ngoài mục đích nắm vững bàn đạp cao nguyên và khóa trái mọi cửa ngõ xâm nhập những vòng đai biên giới. Phải công nhận là chính những người lính Mũ Xanh đầu tiên từ Fort Bragg đã có công đầu trong việc thiết lập một hệ thống phòng thủ hữu hiệu đầu tiên trên cao nguyên. Và theo chỗ tôi biết thì cho tới nay mối giao hảo giữa họ và những người Thượng khá tốt đẹp và đầm ấm. Và có điều lạ là không phải chỉ ở Việt Nam, bọn lính Mũ Xanh đó đã thành công với nhiều sắc dân thiểu số bán khai ở cả những quốc gia khác.

     Davis thoáng nhếch mép cười, cái cười của một người biết quá nhiều và thông hiểu mọi sự với những uẩn khúc sâu xa nhất:

     - Phải rồi họ được đào tạo để đương đầu với một cuộc chiến tranh vô quy ước nhưng cũng không vì lẽ đó mà họ hỗ trợ cho một cuộc vận động ngây thơ biến cao nguyên thành một tiểu bang của Hiệp Chủng quốc. Phải không biết một tí gì về Á châu mới tin tưởng được một cách ngây ngô như vậy. Khi tổng thống Kennedy khai sanh ra họ với ước mong đó là những chiến sĩ dũng cảm của tự do và giải phóng thì ngược lại tại hầu hết các quốc gia đều không mấy chập nhận và nhìn họ qua hình ảnh của những tay phá hoại và các chuyên viên khuynh đảo.

     Có lẽ Davis là người duy nhất bất mãn với vai trò Mỹ trong chiến cuộc Việt Nam. Không khí đối thoại hăng hái tới độ hơi căng thẳng, không thích hợp cho một bữa ăn đưa tiễn. Để làm nhẹ không khí tôi bảo đùa nếu quả thật người Mỹ nhúng tay vào nhiều thứ cho đến độ mọi biến cố hay dở ở đây đều được giải thích như những công trình của CIA thì nước Mỹ quá mạnh và các ông đáng nên kiêu hãnh.

     Davis thì không chia xẻ lối hài hước đó, anh nói:

     - Đó mới là nguy hại cho thanh danh nước Mỹ và chính sức mạnh của chúng ta sẽ bị cô lập với thế giới. Trở lại vấn đề Việt Nam, điển hình là vụ cao nguyên, tôi đã viết nhiều lần là đã tới lúc Hoa Thịnh Đốn phải lựa chọn dứt khoát giữa những ảo tưởng quyền lợi nhất thời và đồng minh của họ. Dù bộ Ngoại giao Mỹ có thanh minh bao nhiêu đi nữa, ai cũng hiểu rằng Hoa Thịnh Đốn tuy không chính thức nhưng đã hỗ trợ ngầm hay cố tình làm ngơ cho một số người Mỹ công khai dày xéo chủ quyền của quốc gia này trong khi chúng ta cần sát cánh với họ chiến đấu. Về bên đó ở vị trí anh, anh phải nói cho cấp lãnh đạo bên đó biết rằng dù đương đầu với cuộc chiến tranh vô quy ước, nước Mỹ cũng không thể từ bỏ những qui ước sơ đẳng đối với đồng minh của mình. Chẳng còn bao lâu nữa chúng ta đã bước chân sang đầu thế kỷ 21, đã qua rồi thời kỳ thuộc địa vàng son của người Da Trắng và Thái Bình Dương cũng chấm dứt luôn những bước Tây tiến không mỏi mệt của một số người Mỹ...

     Davis bỗng ngưng nói và hình như thấy được cái căng thẳng của câu chuyện, anh xuống giọng trầm tĩnh:

     - Bây giờ là thời kỳ của những bước nhảy vọt chinh phục không gian, chúng ta phải biết sống với thời đại của mình.

     Hunting có vẻ bị ảnh hưởng thấm thía những câu nói của nhà báo Davis. Trái với bản chất lạnh lùng ít nói, giữa những bạn thân Davis lại hăng hái bày tỏ:

      - Lịch sử cận đại Việt Nam đã hơn một lần chứng minh điều này: một Nam Kỳ thuộc Pháp là một giấc mơ không thể được dù nước Pháp lúc đó có đủ tất cả điều kiện chủ quan và khách quan thuận lợi. Cũng như người Pháp, điều người Mỹ cố tâm làm trên cao nguyên sẽ chẳng đi tới đâu mà kết quả chỉ để lại một vết nhơ trong lịch sử mối bang giao của hai nước Việt Mỹ, và là một kinh nghiệm đắng cay cho những người bạn đồng minh khác. Giả thiết lấy chống cộng làm cứu cánh thì cứu cánh đó cũng không thể biện minh cho những phương tiện chúng ta đang sử dụng ở đây. Tôi cũng không tin là hơn sáu mươi trại LLĐB dù là kiên cố mà đủ sức khóa chặt biên giới, vì nếu vậy thì làm gì có những trận đánh khốc liệt Mùa Mưa mà chính anh phải nhọc công chống đỡ. Theo tôi chính mối bất hòa Kinh Thượng bị lợi dụng khai thác làm cho hệ thống phòng thủ cao nguyên suy yếu và chính đối phương được thủ lợi hơn ai hết.

     Tướng Hunting cười hòa dịu, ông nói:

     - Thảo nào anh vẫn bị một số người Mỹ cho anh là Á đông hóa, mà có phải vậy không Davis?

     - Cũng như anh, Hunting bị coi là quá nhân đạo đối với sách lược của một trận chiến tranh đã trở thành vô quy ước. Rồi tôi tự hỏi nhân đạo có phải là điều đáng cho chúng ta ân hận không?

     Đột ngột Hunting hỏi bao giờ Davis đổi sang Bureau Paris, Davis bảo:

     - Cũng như anh, tôi luyến tiếc chẳng muốn rời khỏi Việt Nam mặc dầu Paris là chỗ mà nhiều người mong ước.

     Davis nói tiếp rằng nếu không có những thay đổi lớn lao trong đời sống, anh sẽ tiếp tục ở đây, sống với cái vận thăng trầm của của bán đảo đông nam lục địa Á châu này. Thực sự những năm khó khăn ở đây đối với tôi là một chuỗi ngày hạnh phúc.

     - Hạnh phúc đó trọn vẹn nếu anh chịu lấy thêm một cô vợ Á châu thật xinh xắn. Nhà tôi vẫn hỏi đến bao giờ thì Davis mới chịu chấm dứt cuộc đời độc thân ấy.  

     Mỗi lần nói tới chuyện đàn bà là Davis mất hết vẻ tự nhiên và bối rối, tôi cũng chợt nghĩ tới Phương Nghi và khúc rẽ tương lai cuộc đời Davis.

    - Bức họa mà anh gửi cho chắc chắn Marcolina sẽ thật quý giá, nàng rất sành về hội họa và tôi biết là nàng thích.

     Đó là bức tranh Thanh Thoát và cũng là đầu mối tương giao giữa tôi và Davis. Hunting có vẻ thích thú khi biết tôi là tác giả bức họa đó và ông cũng thật ngạc nhiên khi biết tôi đã ngưng vẽ để bước sang nghề báo. Davis nói:

     - Anh bảo với Marcolina rằng tôi gửi biếu nàng bức tranh nhiều kỷ niệm mà tôi quý nhất và tôi cảm ơn nàng sự săn sóc với bà mẹ già cô độc của tôi bên ấy.

     Davis cũng nhờ Hunting chuyển về hai cuộn băng mới, đó là lối thư tín giữa hai mẹ con Davis. Tôi hẹn với Davis khi ra Huế nếu vẽ trở lại được, tôi sẽ gửi tặng anh một bức tranh khác để lấp vào khoảng tường trống. Hunting cũng bảo đùa nếu vợ chồng ông trở qua Việt Nam với tư cách du khách thì ông mong được tới thăm tôi ở một xưởng vẽ hơn là trong một tòa báo.    

CHƯƠNG MƯỜI

     Tôi không ngờ Nguyện đi đã mang theo tất cả niềm vui và may mắn của nhiều ngày. Ngoài những phút bận rộn, phần còn lại của một ngày trĩu nặng những mong ngóng. Cả tòa báo sáng nay hoang vắng, mới gặp mặt tôi ông chủ nhiệm đã lên tiếng ngầy ngà. Mặc dầu cảm thông với nỗi khổ tâm của ông vì đứa con mới tốt nghiệp ở Pháp xong lại quyết định về ngoài kia; tôi cũng không tránh được những ý nghĩ bực bội. Dưới nhà in lại mới bị cúp điện, thêm một lý do để gặp ai ông cũng la hét. Sự bình thản tha thứ của tôi được ông coi như khiêu khích. Ông khó chịu hỏi tôi:

     - Sao gần một tuần nay anh biến đâu? Lên hoài cao nguyên làm chi, cái Đại hội Thượng vụ mà anh thấy cũng cần đi lắm sao? Anh phải có một chọn lựa, hoặc một nhà khảo cổ hoặc một nhà báo.

     Chưa bao giờ ông nói với tôi như vậy. Tôi đi lại phía cửa sổ yên lặng nhìn xuống những đoàn xe cộ dưới mặt đường, ở phía bên kia là một dãy thùng phuy trắng ngăn riêng một khu cao ốc, chỉ có bóng dáng những người Mỹ. Tôi vẫn còn hứng khởi để làm báo trong những điều kiện hiện tại, tôi cũng chưa có một chọn lựa dứt khoát khác. Nhận ra dạy trường Mỹ thuật ngoài Huế chỉ do một ngẫu hứng hơn là một dự định đứng đắn. Như không có một định mệnh, tôi tự do dàn trải đời sống tương lai của mình. Khi thấy khuôn mặt ông bắt đầu dịu xuống, tôi tìm cách gợi chuyện lại. Tôi hỏi ông chủ nhiệm về một phái đoàn báo chí được mời đi viếng thăm Hàn Quốc, như chợt nhớ ra ông bảo tôi:

     - Chẳng thà mất thì giờ cho những chuyến đi như vậy. Nếu muốn tôi sẽ đề nghị anh vào phái đoàn, theo tôi sau chiến tranh Cao Ly tàn phá, kinh nghiệm mười năm tái thiết của họ là điều chúng ta nên nghiên cứu và quan tâm. Chiến tranh Việt Nam rồi cũng phải chấm dứt. Sửa soạn đón nhận hòa bình trong tình trạng một đất nước chiến tranh là thái độ sáng suốt cần thiết.

     Với tôi, ông chủ nhiệm đối xử chân tình, tôi biết ông cũng không cấm cản tôi ở những chuyến đi cao nguyên sau đó. Tôi không thể dứt khoát với tờ báo nhỏ hẹp này để nhận lời làm việc với Davis cũng vì thế. Rồi ông chủ nhiệm lấy từ ngăn kéo đưa cho tôi một phong thư:

     - Hôm kia có ông Trung tá tới đây kiếm anh, để lại gói đó nói là của ông Tướng gửi biếu trước khi trở ra Trung. Mà sao anh có vẻ thân với tướng Thuyết quá vậy?

     - Cũng không phải là thân, tôi thường gặp và ăn cơm với ông ta vài lần. Cảm tình sâu đậm của ông ta nếu có cũng bởi thanh danh uy tín của tờ báo.

     Ông chủ nhiệm tỏ vẻ cảm kích vì sự chân thật của câu nói. Tướng Thuyết tặng tôi hai cuốn tiểu luận bản đặc biệt vừa mới in xong. Chiến Thắng Mùa Mưa đề cập tới những trận đánh lớn trên cao nguyên; Triết Lý Hai Cuộc Cách Mạng là suy tư của riêng ông về sự cần thiết cách mạng trong tương lai; và một bức hình màu thật đẹp chân dung ông Tướng với lời đề tặng. Cầm những cuốn sách trong tay, ông chủ nhiệm tỏ vẻ ngạc nhiên:

     - Không ngờ ông Tướng mà cũng viết sách, vậy mà chưa bao giờ tôi nghe ai nói.

     Chỉ cần đọc những giòng chữ mở đầu tôi biết đó phải là ngôn từ phù thủy của nhà văn, ông đã tìm lại được sự hăng say làm việc dưới trướng của ông Tướng. Tôi nói:

     - Tôi để ông chủ nhiệm đọc trước. Xem ra tướng Thuyết dành nhiều cảm tình cho báo chí vậy mà không hiểu sao các nhà báo Mỹ lại cay ghét ông đến như vậy. Tôi chưa thấy một bài báo Mỹ nào khi đề cập tới giới tướng lãnh Việt Nam mà có lời khen ngợi ông, đến nỗi tôi cảm tưởng là có cả một chiến dịch báo chí bôi nhọ ông nhất là các sự việc liên quan tới một chánh sách cứng rắn ở cao nguyên.

     Tôi cũng kể lại cho ông chủ nghiệm nghe trong một chuyến lên Pleiku, tướng Thuyết đã gửi tặng tôi một số tiền khá lớn và rồi tất cả những nỗi khó khăn để chối từ sau đó. Tướng Thuyết bảo đó là hảo ý thường xuyên của ông đối với nhà báo lên đây. Tôi nói tiếp:

     - Tôi vẫn quan niệm độc lập báo chí khởi từ sự độc lập tài chánh. Tôi muốn ngòi bút được tự do trong vấn đề phán xét và khen chê ông ta, ở bất cứ trường hợp nào tôi cũng sẽ không cảm thấy là mình đã không “fairplay” với ông Tướng.

     Ông chủ nhiệm ngả lưng ra sau ghế, hạ thấp gọng kính xuống, nói giọng nhỏ nhẹ với tôi:

- Tôi hoàn toàn đồng ý thái độ cư xử độc lập của anh, tôi không bao giờ tiếc đã đặt để ở anh nhiều sự tin cậy. Hơn bốn mươi năm trong nghề báo, tôi tự hào đã giữ được mình trong sạch đến ngày nay, ngay cả bây giờ không thiếu gì những cám dỗ khi mà người ta hứa bỏ tiền ra không thêm một điều kiện nào để mở rộng tờ báo, tôi vẫn cương quyết từ chối.

     Thật rất khác với nhận định của nhà văn cố vấn của tướng Thuyết, thì ở xứ mình sống lâu trong nghề báo cũng không đến nỗi phải bồi bút để vinh thân hoặc trở nên cay đắng. Trải qua nhiều cuộc thăng trầm, ông chủ nhiệm vẫn là con người nhiều lý tưởng bảo thủ. Với một ký giả theo cái ý nghĩa tự do như tôi, dù có vui đến đâu, ông chủ nhiệm cũng tìm ra ít nhất một khuyết điểm để kìm hãm chỉ trích:

     - Phải cái anh nghệ sĩ quá, điều đó chẳng phải là tôi không thích nhưng khi đã bước chân vào nghề báo thì cũng phải chấp nhận kỷ luật của nó và khi thích nghi được anh có hy vọng sẽ trở nên rất khá.

     Theo quan điểm của ông chủ nhiệm thì cái khá trong con người tôi lúc nào cũng ở phía tương lai, cũng như sự nghiệp hội họa thì tác phẩm lớn là ở trong sự hình thành và cuốn sách lớn tạo bởi những giòng chữ chưa viết. Tôi mỉm cười nhìn ông chủ nhiệm lụ khụ như một vị sư già và thích thú với những suy diễn đó. Khi ông chủ nhiệm đi khỏi, tôi bắt đầu với công việc thường nhật. Soạn đống thư ngổn ngang của độc giả, tôi tìm ra dấu những con tem Takashi Oka gửi từ Bureau bên Paris, người Á châu mà lại là người Nhật mới có lối cư xử nhiều cẩn trọng như vậy. Bức thư chỉ gồm những trao đổi xã giao và ước mong duy trì mối liên hệ và tình bằng hữu. Số thư còn lại là công việc phân loại của cô thư ký. Sách báo gửi tới cũng thật nhiều, tôi không có thì giờ đọc hết, đọc một cách đứng đắn. Cuốn sách 500 trang của Đỗ nhờ tôi làm bìa, được gởi tặng với lời lẽ thật vuốt ve: là cuốn sách ưng ý nhất về hình thức của tác giả. Lại thêm một số báo đặc biệt của sinh viên nói về chủ quyền Việt Nam trên cao nguyên, họ đưa ra những nhận định quá khích mạnh bạo và còn nguyên sự trong sáng. Với chủ đề cao nguyên, “một cỗ xe với ba tên xà ích”, họ tấn công và mạt sát người Mỹ. Tội nghiệp là tướng Thuyết cũng không tránh được mũi dùi đó. Xem ra hai kẻ thù vẫn  có thể bị coi là đối nghịch với một thành phần thứ ba. Họ chỉ là những sinh viên mà khả năng duy nhất chỉ là sự đối kháng. Tôi có ý định sẽ gặp gỡ những nhà báo tài tử này để nói chuyện với họ, biết đâu sẽ có thêm vô số những ý kiến mới. Chẳng hạn đề nghị của họ lập thêm một phân khoa Nhân chủng, trực thuộc viện Đại học, hỗ trợ cho công việc nghiên cứu của bộ Thượng vụ. Chỉ có những sinh viên trẻ này mới hy vọng đem lại một sinh khí mới cho cao nguyên. Một lần nữa tướng Thuyết đã có lý khi muốn đầu tư vào lớp người trẻ.

     Đồng hồ tay chỉ sáu giờ năm phút, như thường lệ tôi mở đài để nghe bản tin vắn tắt buổi chiều. Có lẽ đồng hồ nhanh nhiều phút, bây giờ mới là giữa phần nhạc chuyển mục. Lại một bản đàn mà mỗi nốt nhạc là một nụ hôn quấn quýt, gợi nhớ kỷ niệm những ngày đầu tiên chung sống với Nguyện. Đó là những ngày thực sự êm đềm sống bên một người đàn bà. Tôi chưa có một dự định gì về tương lai nhưng có lẽ Nguyện sẽ là người đàn bà tôi có thể cưới làm vợ. Với nếp sống hiện tại, một người vợ cổ điển ngoan và hiền thục là điều khó có thể chấp nhận.

     Ngay phần mở đầu của bản tin ngắn năm phút, như một luồng điện giật, tôi bàng hoàng khi nghe tin cộng sản tấn công dân làng tỵ nạn từ ấp Dakto. Ngót sáu trăm dân làng bị thảm sát mà đài Mỹ mệnh danh là một lối trả thù Việt Nam - Vietnam Vengeance, đó là một tổn hại về dân sự cao nhất trong năm kể từ ngày khai diễn những trận địa chiến. Tắt máy tôi vội vã lái xe tới tìm Davis, nhưng tòa báo đóng kín. Trở lại tòa soạn, rời một vòng cầu thang tối, bước vào một văn phòng im vắng chỉ còn cô thư ký ngồi đó. Tôi điện thoại đi khắp nơi với hy vọng có thể gặp Davis nhưng đều không thành tựu. Chỉ còn cách là đúng hẹn gặp Davis ở bữa ăn trong Cercle buổi tối.

     Tôi tới chỗ hẹn sớm. Mọi người đang còn quần banh ở dưới sân buổi chiều. Một người đàn bà đẹp ngồi trong đám trẻ đùa chơi dưới mặt nước, ánh mắt vui và mơ mộng. Tôi cũng khó chịu phải gặp lại viên trung tá Tacelosky với bộ râu con kiến và một cô gái Á châu khác của hắn. Đặc trách về cao nguyên nhưng hắn lại có mặt thường xuyên ở Sài Gòn. Vẻ mặt dầy cộm lúc nào cũng bình thản bên ly rượu và khói thuốc khiến tôi tự hỏi về những phút làm việc của hắn. Tacelosky nhận ra tôi dễ dàng và khi nghe tôi nói về vụ thảm sát, vẻ mặt hắn lạnh như tiền và không để lộ một cảm xúc. Hắn nói:

     - Có vụ đó nữa hả, có lẽ ông nhà báo Davis biết nhiều hơn tôi, sao anh không tìm gặp chính ngay ông ấy.

     Hắn cư xử với tôi lịch sự, Tacelosky kéo ghế mời tôi ngồi:

     - Dùng với tôi một cognac soda chứ?

     Tôi thán phục trước trí nhớ phi thường của hắn, chỉ một thói quen không đâu sau một lần gặp gỡ cũng được hắn ghi nhận. Vào nghề báo tôi đã quen với những phút chịu đựng ngay cả với người đối thoại không mấy ưa mình. Lúc này tôi hiểu rằng không phải vô tình tên của tướng Thuyết được Tacelosky nhắc đến, hắn bảo đùa:

     - Sống với một nền dân chủ không ngờ các anh vẫn còn lại những ông quan của đời vua nhà Nguyễn.

     Tôi mỉm cười phụ họa như tán thưởng sự so sánh bóng bảy của hắn. Trong lòng tôi nao núng với những phút chờ đợi Davis. Và kết quả là Davis lỡ hẹn, điều đó thật hiếm. Tôi trở ra xe và đi tới văn phòng Davis, không ngờ phải chứng kiến một tấn thảm kịch sau đó. Bằng một giọng đầy nước mắt, Davis bảo:

     - Hơn sáu trăm dân làng tị nạn không còn một ai nguyên vẹn sống sót. Đó là một vụ trả thù dã man nhất từ hai phía. Vì không quyến dụ được theo chúng, cộng sản huy động toàn lực tiêu diệt trung tâm định cư này. Chúng dùng lựu đạn ném vào từng nhà, sử dụng cả súng phun lửa để thiêu cả đàn bà trẻ con chui trốn dưới hầm, nói tóm lại cảnh tượng chỉ còn là đống than củi với mấy trăm cái xác.

     Tôi thắc mắc về sự bảo vệ của phía quân chánh phủ, Davis cho biết:

     - Như anh biết an ninh ở trên đó chia từng khu vực, hoặc Việt hoặc Mỹ. Khu tị nạn thuộc vùng trách nhiệm của một trại LLĐB Mỹ, cộng sản không dễ gì tràn ngập một cứ điểm kiên cố như vậy. Có thể là một kế hoạch bỏ rơi của Tacelosky để chứng tỏ sự bất lực của quân chánh phủ với bọn Thượng tranh đấu khác. Nếu quả đúng như vậy thì dã man hết sức.

     Tôi nghĩ với ai chứ Tacelosky, hắn có thể hành động như vậy, thí sáu trăm sinh mạng chỉ để chứng tỏ một điều: hạnh phúc và an ninh của người Thượng chỉ có thể bảo đảm hữu hiệu bởi những người lính Mũ Xanh Mỹ. Không kìm hãm được tình cảm, Davis đã khóc mùi mẫn khi đưa ra những tấm hình với cảnh đổ nát và hàng đống những xác chết. Tấm hình người mẹ tay còn ôm con, cả hai bị súng phun lửa thiêu thành than. Căn phòng bỗng trở nên lạnh lẽo, bộ cung nỏ chỉ còn là một vệt xẫm trên nền tường trắng muốt, dấu vết kỷ niệm của mấy trăm cuộc sống tang thương. Ánh mắt tôi được đôi chút nghỉ ngơi ở những tảng màu trắng và xanh trên một tấm bản đồ phóng lớn. Trên bàn máy chữ, Davis đã viết những giòng đầu tiên về tấn thảm kịch còn vấy máu. - Đó là sự vỡ mộng của người Thượng về hy vọng tồn tại sau những hình thức trả đũa dã man nhất của các phe tham chiến ở cao nguyên. Rồi Davis tự đặt câu hỏi: - Vậy thì họ muốn toàn thế giới nghĩ gì về những vụ đổ máu bẩn thỉu đó?

     Chính những người như tướng Thuyết, Tacelosky và Mặt trận Giải phóng Tây nguyên phải trả lời. Tôi thì chỉ quan tâm tới những dữ kiện, và tôi có ý định sẽ trở lên cao nguyên ngày mai để đào sâu tấn thảm kịch ở những giờ phút chót.   

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

     What do they expect the world to think of this?

     Câu hỏi của Davis được trả lời bằng những xúc động và kinh hoàng của toàn thế giới. Và báo chí ngoại quốc mệnh danh đó là một “lối trả thù Việt Nam”. Riêng tại cao nguyên thì đó là những ngày tang tóc nhất của thiểu số các sắc dân Thượng đang sống trong một chuỗi những đen tối với niềm hy vọng chỉ là tồn tại. Phe Thượng ly khai lợi dụng tấn thảm kịch như một yếu tố để xách động. Ngay các nhân sĩ thỏa hiệp và ôn hòa nhất như Y Ksor, Nay Ry cũng tìm cách liên lạc vận động gửi một kháng thư lên chánh phủ với rất nhiều chữ ký để đòi quyền sinh sống và được bảo vệ trên mảnh đất sở hữu của mình. Còn đối với những người lính Mũ Xanh thì việc thí sáu trăm sinh mạng là một chứng tỏ đắc thắng của họ. Hậu thuẫn vững chắc của bọn này là những đơn vị Dân sự Chiến đấu Thượng và một lũ những thông ngôn. Nay Ry đã làm một so sánh số phận người Thượng như vuông vải, mỗi phe nắm một góc, níu kéo giành giật sao cho được phần hơn về phía mình.

     Khi tôi tới nơi, nghĩa là hai hôm sau biến cố, khu định cư vẫn như một vùng chiến địa nồng nặc mùi tử khí. Tất cả đều cháy thiêu trụi với những miếng tôn cong queo. Mặc dù số xác chết đã được thu dọn và chôn chung vào một hố lớn, mùi hôi thối vẫn còn phảng phất đâu đó. Tôi nghĩ tới một cảnh tượng Guernica nhưng với những màu sắc thật dữ dội và buồn thảm trên sự đổ nát. Người ta vẫn cố tìm ra những tiếng vang thoát ra từ đống xác chết đó. Các dòng chữ sơn đỏ lòe loẹt trên những tấm vải xô trắng kết án cộng sản và kêu gọi tình đoàn kết Kinh Thượng trong ý nghĩa cộng đồng đồng tiến, tất cả đều được phiên dịch ra tiếng Mỹ. Viên sĩ quan cấp úy hướng dẫn tôi đến địa điểm tỵ nạn nói:

     - Ngay đêm đó, bọn Thượng ly khai mò về treo cờ ba màu của quốc gia Đông Sơn, rải truyền đơn lên án cộng sản và cả chánh phủ đồng lõa âm mưu tiêu diệt dân tộc Thượng. Tụi nó cũng yêu cầu Mỹ duyệt lại chánh sách viện trợ cho Việt Nam, họ kêu gọi cả sự can thiệp của Liên Hiệp quốc qua ngả Nam Vang với hậu thuẫn hùng hậu của Đại hội Các Sắc dân Đông Dương, một tổ chức con đẻ của bọn Pháp.

     Viên Đại úy có một khuôn mặt vạm vỡ của con nhà võ, nói giọng Bùi Chu và có lẽ là một tay công giáo quá khích. Hắn đưa cho tôi xem những truyền đơn và tiếp theo là một vài nhận xét:

     - Đấy ông nhà báo coi, từ chất giấy tới kỹ thuật ấn loát không thể không nghĩ tới  gốc gác của những bàn tay và vật liệu của phòng Thông tin USIS.

     Ở đám những người Thượng sống lạc lõng và chui rúc trong rừng rú với rình rập đe dọa săn đuổi, họ vẫn liên lạc và sinh hoạt với các phương tiện thật dễ dàng, thì nhận xét của viên Đại úy không phải thiếu hữu lý. Hàng chân mày rậm nhíu lại, giọng viên Đại úy bực tức:

     - Ông nhà báo biết sao không, bọn nó kêu cứu đánh đuổi người Việt ra khỏi cao nguyên để thiết lập một quốc gia tự trị dưới sự bảo hộ của Mỹ. Theo tôi, chúng ta sẽ làm chủ được tình hình và những rắc rối trên cao nguyên cũng chấm dứt khi vấn đề người Thượng không còn nữa. Có một  dúm người sống rời rạc như vậy chẳng phải là điều khó.

     Tôi không hiểu câu nói của viên Đại úy Việt Nam tàn nhẫn tới mức độ nào nhưng nó gợi cho tôi ý kiến kỳ lạ của một tướng lãnh Mỹ; tôi nói điều đó ra với viên Đại úy:

     - Giải quyết vấn đề không phải là thủ tiêu luôn nó, cũng không khác với câu tuyên bố của giới lãnh đạo quân sự Mỹ rằng họ đã có thể chiến thắng dễ dàng cộng sản ở Việt Nam nếu phía họ không có những đồng minh là người Việt.

     Viên sĩ quan xịu mặt xuống im lặng, hắn có vẻ không hài lòng về quan điểm của tôi vừa rồi. Hắn không chịu nói nữa, đó cũng là điều hay vì ngoài ý nghĩa phương tiện di chuyển, tôi đang cần sự khách quan yên lặng. Tôi ngỏ ý muốn được đi thăm những khu định cư khác của người Thượng, ngoài tấm thảm kịch nơi đây. Lịch sử vẫn là những tái diễn , còn bao nhiêu sinh mạng nữa bị hy sinh để mỗi phe giật được vuông vải lớn về phía mình. Trái với bản chất một quân nhân kỷ luật ít nói, viên Đại úy luôn luôn phát biểu những ý kiến:

     - Tôi không đồng ý với tướng Trị khi giao việc cứu trợ các trại tị nạn Thượng cho người Mỹ ngay như đó là ông bà Mục sư Denman. Bọn Mọi chỉ  biết ơn và vâng lời những ai nhét thức ăn vào miệng họ. Bởi vậy không phải là không có dụng ý khi họ cố giành độc quyền tiếp tế ngay cả dưới thời tướng Thuyết. Tôi thì chịu tướng Thuyết nơi lập trường dứt khoát của ông ta.

     Xem ra tướng Thuyết còn để lại nhiều ảnh hưởng và dấu vết trên cao nguyên bằng chánh sách cứng rắn của ông. Vụ thảm sát chắc chắn gây nơi ông phản ứng và cả sự phẫn nộ nữa. Ở ngoài Huế, nhưng ông vẫn xem cao nguyên như quê hương thứ hai với nhiều bổn phận ràng buộc với. Ở những ngày khó khăn trên cao nguyên, ông là một điểm tựa tinh thần để cho các cấp thuộc hạ nghĩ tới, họ cũng tin rằng ngày tướng Thuyết trở lại cao  nguyên không còn xa. Viên Đại úy hỏi tôi:

     - Ông nhà báo có nghe nói gì về tin tướng Trị sắp lên trung tướng không?

     - Hình như vậy, vào dịp lễ quốc khánh này nhiều ông tướng được thêm sao nhưng tôi không thấy tên tướng Thuyết.

     Lòng không ưa tướng Trị được tỏ rõ khi viên sĩ quan nói với tôi:

     - Nhiều khi vinh thăng là một cách sửa soạn êm đẹp cho sự ra đi. Theo tôi tướng Trị không phải là ca-líp để đương đầu với cộng sản và tụi Mỹ. Là một sĩ quan thuộc cấp, phải chứng kiến lối cư xử của viên trung tá Tacelosky với ông Tướng tôi cũng phải thấy rát mặt và cảm thương cho ông ta. Chứ tôi hỏi ông nhà báo, nó có là gì đâu: một sĩ quan cấp tá LLĐB giải ngũ đại diện USOM ở cao nguyên, vậy mà tướng Trị có vẻ ngán hắn ta.

     Riêng tôi thì hiểu rõ tại sao ông Tướng Trị ngán viên trung tá Tacelosky. Mất quyền kiểm soát ngay từ bà vợ, ông tướng cũng bị chìm đắm vào vào nhiều vụ lem lấm, từ những chiếm hữu đất đai cho tới những vụ tham nhũng về kế hoạch mở mang An Khê. Đó là một con tẩy mà Tacelosky nắm được để bất cứ lúc nào cũng có thể làm săn-ta với ông. Bởi vậy chánh sách của ông là thỏa hiệp mềm dẻo và chịu đựng cho đến ngày ông êm thấm ra đi. Càng nói chuyện, viên Đại úy càng chứng tỏ hắn là một thành phần kinh niên bất mãn. Hắn trở giọng tâm tình nói với tôi:

     - Ông cũng biết tôi là một thành phần công giáo di cư, tha thiết với việc chống cộng và chấp nhận sự hiện diện của người Mỹ. Vậy mà tôi không ngờ giữa thế kỷ hai mươi này, vẫn có những người Mỹ thực dân ra mặt như kiêåu Tacelosky. Sự hiện diện của những tên đó làm mất ý nghĩa tốt đẹp của Viện trợ Mỹ.

     Tôi được biết hắn là một thành phần bướng bỉnh và như một số đông viên chức khác, hắn bị đổi lên cao nguyên như một biện pháp đầy ải và xem ra hắn còn mang nhiều ảo tưởng về lòng nghĩa hiệp của người Mỹ. Nhân tiện tôi hỏi hắn về vai trò ông bà Mục sư, hắn nheo cặp chân mày đến dữ tợn nói:

     - Không chỗ nào trên cao nguyên mà không có dấu chân của ông bà Denman. LLĐB Mỹ thiết lập được các căn cứ trong buôn sóc cũng là nhờ ông Mục sư. Mặc dầu tôi là một tín đồ công giáo thuần thành, trong thâm tâm tôi không mấy tin tưởng ở tính cách thuần túy xã hội của các giáo hội truyền giáo. Ở quan điểm của một người Việt Nam biết rút ra những bài học quý giá trong lịch sử, tôi không thể không nghĩ như vậy.

     Và riêng tôi cũng không thể ngờ rằng viên Đại úy có thể ăn nói văn hoa đến thế. Hắn cũng cho biết ảnh hưởng trực tiếp của ông bà Mục sư trên Tacelosky, rồi hắn đưa ra một nghi vấn xác đáng:

     - Tacelosky, mục sư Denman hay tướng Hunting, theo tôi chỉ là những con đường khác nhau của người Mỹ và tất cả đồng quy về một mục đích. Mục đích đó ra sao đôi khi tôi thấy vượt quá những dữ kiện hiểu biết của mình, bởi càng lý luận tôi càng thấy nhiều sự mâu thuẫn.

     Riêng tôi cũng thấy một mâu thuẫn trong cách giao tiếp của đám người Thượng với những cặn bã của văn minh. Các cô sơn nữ tập tễnh mang dép, đàn ông Thượng có người bận Jupe. Hướng dẫn tôi đi thăm ấp là một bô lão vẫn đóng khố nhưng lại trịnh trọng bận veste và đi chân không. Đó là những áo quần phế thải được mệnh danh là quà tặng của dân chúng Hoa Kỳ gửi đến giúp những người bạn Thế giới Tự do. Tôi cũng gặp lại ông bà Denman, cuộc đối thoại với những người Thượng dễ dàng hơn sau đó. Tôi để nốt phần còn lại của buổi sáng để làm phóng sự thu hình trong mấy buôn sóc. Tôi đùa bảo ông Mục sư:

     - Người đàn ông mặc Jupe đỏ kia là một hình ảnh lạ và đối với nhà báo là có được một cái tin.

     Ở mọi khi khác hẳn ông Mục sư đã cười và tán thưởng câu nói, nhưng đặc biệt vẻ mặt của ông hôm nay rất trầm trọng, ánh mắt của ông còn mang nguyên sự tang tóc của tấn thảm kịch mới mẻ trên cao nguyên. Như một giáo sư tâm lý, ông đưa ra một nhận định:

     - Suốt những ngày hôm nay họ sống trong tình trạng hoang mang lo sợ. Chính sự sợ hãi thái quá thường đưa tới những hành vi tàn bạo không biết là thế nào. Anh cũng biết  là với bọn cộng sản hay quốc gia cũng chỉ là người Việt; tội ác vụ thảm sát do cộng sản gây ra nhưng chính chúng ta phải gánh chịu hậu quả. Tôi sợ bất ngờ một ngày nào đó họ đồng lòng cùng nổi dậy khắp cao nguyên, viễn tượng một cuộc tàn sát cả hai phía không biết tới đâu mà lường.

     Tôi để ý tới lối nói chuyện khéo léo của ông Mục sư khi ông tự đồng hóa mình như là người Việt. Nếu chưa được biết rõ ông, tôi sẽ dễ dàng chia xẻ quan điểm của ông Mục sư. Nhưng tôi vẫn yên lặng để nghe ông nói:

     - Theo tôi sớm muộn gì cái của César cũng phải trả cho César. Điều đó đòi hỏi sự sáng suốt về cả hai phía người Việt và cả những người Mỹ. Những người như tướng Thuyết, trung tá Tacelosky không phải là những bàn tay xoa dịu hữu hiệu các vết thương cao nguyên. Anh thấy sao, ông Trị có vẻ là người khá hòa nhã?

     Một tướng lãnh được khen chỉ vì sự hòa nhã thì cũng đáng nghi vấn về khả năng ông ta. Có điều ông Mục sư biết rõ hơn ai hết là tướng Trị nhu nhược và có thể bị ông chi phối trực tiếp, trong mọi cuộc hòa giải vai trò Denman đương nhiên là sự trung gian cần thiết giữa hai bên. Sau biến cố tàn sát, một đơn vị lớn của sư đoàn Kỵ binh được di chuyển về đóng gần tổng hành dinh ngay trước quân y viện. Từng đoàn trực thăng và cả thiết giáp khỏa mù bụi đỏ làm khô héo cả một vùng cỏ xanh mướt. Những người tị nạn còn sống sót đều ít nhiều mang thương tích, đa số bị những miểng lựu đạn công phá. Viên y sĩ dẫn tôi tới bên giường của hai mẹ con, người mẹ còn thiếp trong cơn hôn mê:

     - Người mẹ bị phỏng rất nặng, diện tích phỏng chiếm cả vùng sau lưng trong khi đứa con không hề hấn gì. Tôi giả thiết rằng trong cơn lâm nguy, người mẹ đã đưa lưng ra hứng chịu hết ngọn lửa để cứu sống đứa con thân yêu của mình.

     Tôi hỏi bác sĩ về tình trạng sức khỏe người mẹ, ông tỏ vẻ bi quan:

     - Bỏng quá 50 phần trăm ở độ ba, không hy vọng gì bà ta sống sót qua ngày mai.

     Trừ đứa con bốn tuổi, cả gia đình này bị giết, ông Mục sư ngỏ ý sẽ nhận đứa nhỏ về nuôi, ông bảo:

     - Giao cho bà ấy trông nom khi nó đủ cứng cáp thì gửi cho ông nhà báo Davis. Anh ấy vẫn ngỏ ý muôán kiếm một đứa con nuôi như thế.

     Tôi biết Davis cũng đã đỡ đầu môät đứa trẻ mù lòa khi anh găëp nó lang thang ở một Buôn sóc hẻo lánh trên cao nguyên và hiện giờ nó sống tương đối sung sướng với các bạn nó ở Úc. Và kể từ ngày vào nghề báo, ống kính của tôi lần đầu tiên thu vào những hình ảnh tàn phá trên con người khủng khiếp đến như thế.

     Cũng theo lời mời của ông Mục sư, lần thứ hai tôi tới thăm nhà ông ta, sau chuyến đi cùng với Davis. Vì những lủng củng Việt Mỹ khiến tình trạng an ninh trở nên tồi tệ, ông bà Denman không còn ở trong buôn Rhadé như trước kia. Vẫn những tiện nghi sung mãn cũ được di về thành phố, đứa con gái đã được gửi về đi học ở Mỹ. Ông Mục sư bảo tôi:

     - Cũng không phải chỉ vì đe dọa mất an ninh, sống ở đây nhiều năm vợ  chồng tôi đã quá quen với một không khí như vậy. Vấn đề chính là việc cứu trợ các ấp tân sinh Thượng, con số này ngày một gia tăng, công việc càng thêm khó nhọc mà tôi thì không muốn phụ lòng tin của ông Tướng. Anh cũng biết hạnh phúc của tôi bây giờ đồng hóa với hạnh phúc của người Thượng, và cao nguyên đối với tôi như một quê hương thứ hai của mình.

     Tướng Thuyết, mục sư Denman và có lẽ cả Tacelosky đều muốn cao nguyên hoang vu này là quê hương riêng và ý muốn độc quyền, đó là đầu mối những tranh chấp. Nhà mới của ông Mục sư đẹp và rộng rãi hơn xưa, bao bọc bởi một vườn cây xanh um kế ngay Biệt điện. Tôi cũng mới khám phá ra Denman là một họa sĩ tài tử. Giá vẽ, bảng màu, khung vải, các loại cọ và dao xắn được xếp gọn ghẽ bởi bàn tay bà Mục sư; ở đó thiếu cái không khí bừa bãi phóng túng vẫn có của nghệ sĩ.

     - Tôi nghe Davis khen anh là một họa sĩ tài hoa, có phải vậy không? Tôi mới chỉ được xem một bận tranh anh trong lần tới thăm tòa báo Davis. Theo tôi sướng nhất có lẽ là đời sống thật sự của nghệ sĩ.

     Tôi không có ý kiến nên chỉ mỉm cười với ông Mục sư. Ở mặt khung vải móc trên giá vẽ là bức họa dở dang một thiếu nữ Thượng khỏe mạnh mình trần đang loay hoay với mấy thanh tre dệt nốt vuông vải. Các màu sắc còn sống và tươi rói. Tôi cũng hơi ngạc nhiên là nét khỏa thân của cô gái qua sự diễn tả của ông Mục sư lại mang nặng vẻ dục tình. Và tôi tự tìm câu trả lời bằng ý nghĩ của một nhà tu hành bị dồn nén. Ông Mục sư có vẻ chờ đợi ngượng nghịu các nhận xét của tôi; ông gõ lanh canh ống vố trên miệng sứ tàn thuốc, nói chống chế:

     - Tôi cũng mới học vẽ và thấy ngay đó là một lối giải trí thích thú. Đã từng có cầm bút, hẳn như anh đã biết có lúc không còn có thể viết được gì, chẳng hạn như những ngày tang tóc và căng thẳng như hiện giờ.

     Thấy tôi không mấy hứng khởi về câu chuyện hội họa, Denman khéo  léo lái qua đề tài khác:

     - Trong hội họa nói tới màu sắc nguời ta nghĩ tới ngay sự hòa hợp, chính sự hòa hợp đó là yếu tố cần thiết trong đời sống. Vấn đề Kinh Thượng theo tôi cũng vậy, phải nghĩ tới phương cách dung hợp và vấn đề thể diện của cả hai bên. Thành lập một quốc gia Đông Sơn biệt lập là một không tưởng của phe ly khai, cố tình xóa nhòa dấu vết của một dân tộc thiểu số  có văn hóa và lịch sử cũng là một không tưởng thứ hai của những người Việt. Một nhà báo ôn hòa như Davis mà cũng lầm lẫn chỉ trích người Mỹ trong ý muốn phân định vẽ lại bản đồ của quốc gia Việt Nam. Mà tác giả của tấm bản đồ ấy không ai ngoài người Pháp. Bởi vậy chúng ta phải giải quyết vấn đề với không một thành kiến ám ảnh quá khứ nào. Tất cả phải nghiên cứu từ khởi đầu, rồi tôi tự nghĩ tại sao chúng ta không đi tới một hình thức liên bang gồm cả hai quốc gia Đông Sơn và Việt Nam. Anh cũng biết, là người Mỹ để tránh ngộ nhận ở cả hai phía, tôi không thể công khai đưa ý kiến.