Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 15 tháng 1, 2018

Kẻ Di Truyền Sách (kỳ 4)

Trần Vũ thực hiện

clip_image002

Tranh Aurélien Diot

clip_image004Trần Vũ: Qua anh trình bày trong 2 tập 1300 trang Tôi Không Biết: Wislawa Szymborska, tôi hiểu bà khước từ những phô trương thái quá của các phái tiền vệ (Avant-Garde), bà tránh lộng ngôn, lộng ngữ, thậm chí sức hiển lộng của câu chữ đối với bà, là giả dối. Szymborska khai tử các xung lực trữ tình và xếp vào tủ áo những tra vấn. Bà đi tìm hài hước một cách thanh lịch, kết hợp cứng rắn với cảm xúc nhưng giữ một khoảng cách, và xem đời sống hằng ngày là vũ trụ, đích đến của thi ca. Szymborska chú ý đến những chi tiết thường nhật. Nhưng ngôn ngữ của bà không đáp ứng những gì Aristote đặt để: “Phẩm chất của văn, là phải sáng sủa mà không tầm thường: mà văn trong sáng nhất là văn phối kết với các từ thông dụng, nhưng như vậy lại tầm thường: ví dụ điển hình là thơ Cléophon hay thơ Sthénélos. Văn quý tộc thoát ra khỏi sự dung tục, là văn vận dụng các từ lạ. Qua chữ « từ lạ », tôi muốn nói từ hiếm, phép ẩn dụ, sức mở rộng và tất cả những gì tách khỏi lối viết thông thường.” [Thi ca, Aristote, Dẫn nhập, Diễn Giảng và Ghi chú của Michel Magnien, 1458a, XXII, trang 142, tủ sách Livre de Poche/ Aristote, Poétique, Michel Magnien, Les Classiques de Poche, 1990].

Tin vào Aristote, nên tôi khá ngạc nhiên. Chắc chắn là anh có nhiều định nghĩa về thi văn tuyệt tác, khác với Aristote?

clip_image006Ngu Yên: Trong bất kỳ hình thức thể hiện nào, ngôn ngữ thơ luôn luôn là ngôn ngữ tinh luyện, được chọn lọc theo sở thích thẩm mỹ và trình độ sáng tạo của nhà thơ. Vấn đề chủ yếu là chọn lựa như thế nào. Chọn lựa cách nào tùy thuộc vào ba yếu tố: 1- Quan niệm về sự khác biệt và sử dụng giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ bình thường. 2- Quan điểm về việc đưa lời nói hàng ngày vào thơ. 3- Niềm tin vào chức năng và hiệu quả của ngôn ngữ.

"Meo" có nghĩa là "Gâu" trong ngôn ngữ mèo. (Goerge Carlin.)

Học giả Jan Mukarovsky (1891-1875), giáo sư văn chương, ngôn ngữ và mỹ học, nhà cấu trúc luận, trong tác phẩm Standard Language and Poetic Language, 1976, Peter de Ridder Press, ông đã trình bày mấu chốt liên hệ giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ thường. Ông nhận định về hai lý thuyết song song trong lịch sử sáng tác thi ca: 1- Lý thuyết chủ trương phân biệt ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ thường, quan tâm đến những tiêu chuẩn khác biệt giữa hai thể loại ngôn ngữ. 2- Ngược lại, lý thuyết sử dụng ngôn ngữ thường đem vào thơ quan tâm đến những tương đồng giữa hai thể loại. Quan điểm về khác biệt và tương đồng không tạo ra mâu thuẫn, chỉ thể hiện sáng tỏ chức năng và hiệu lực của ngôn ngữ trong thi ca.

Trong phân tích này, quan điểm của Aristote từ trước Tây lịch phân biệt ngôn ngữ thơ ở hai cấp bậc: Tầm thường và quí tộc. Quan điểm này đặt trên quan niệm phân chia thơ thành ba thể loại: Sử thi, hài hước và bi kịch. Từ đó ông thành lập những qui định cho phẩm chất cao nhất trong mỗi thể loại thơ. Quy luật của ông đòi hỏi cấp bậc ngôn ngữ cao kỳ và bác học. Dòng ngôn ngữ thơ quí tộc bắt đầu từ đó. Hiện tượng bên Trung Hoa cũng như vậy. Làm thơ là đặc quyền, thơ là đặc sản của giới quí tộc, giới trí thức, giới cao cấp trong xã hội.

Về sau, những học thuyết Mỹ học xuất hiện, phân định lại thể loại thi ca. Lý thuyết ngôn ngữ thơ của Aristote chỉ ảnh hưởng mạnh mẽ cho đến cuối thời kỳ Phục Hưng ở Âu châu và thời vàng son của Hồi giáo ở Trung Đông. Về sau khi các học thuyết thi ca thời Ánh Sáng, thời cách mạng khoa học, thời Hiện Đại đã thay đổi quan điểm về ngôn ngữ thơ, họ phân biệt ngôn ngữ thơ với ngôn ngữ văn xuôi. "Văn xuôi: ngôn ngữ trong một trật tự hay nhất; Thơ: ngôn ngữ hay nhất trong trật tự hay nhất." (Samuel Taylor Coleridge.) Nghĩa là, ngôn ngữ thơ có phẩm chất cao hơn văn xuôi. Giới bình dân và thương gia càng ngày càng có uy lực về tài chánh và chính trị, họ trở thành giới có học và áp đảo giới quý tộc. Thơ không còn là đặc sản của giới trí thức cao cấp. Thơ hòa nhập vào đời sống và bắt tay với thi ca bình dân, như hát nói, tục ngữ, ca dao... Nghĩa là hình thể ngôn ngữ thơ được xét lại và thay đổi. Sự tiếp cận từ ngôn ngữ thơ cao kỳ đến ngôn ngữ thường nhật vì nhu cầu của xã hội thay đổi, giáo dục phát triển, và vì sự khó khăn để chuyển tải những tư tưởng triết học hoặc những suy tư sâu thẳm. Không phải tự nhiên mà nhà văn Antoine de Saint-Exupéry cho rằng: "Ngôn ngữ là cội nguồn của hiểu lầm." Một bài thơ cưu mang ý tưởng sâu sắc, truyền đạt qua ngôn từ bóng bẩy, mơ hồ, e rằng thưởng ngoạn không hiểu, hoặc hiểu như một người thất lạc.

Phẩm chất của văn hôm nay là sáng sủa mà tầm thường vì tầm thường làm cho những ý tưởng khó khăn dễ cảm nhận. Ngôn ngữ thơ hôm nay không cần từ hiếm mà cần từ tinh lọc. Thơ luôn luôn dùng ẩn dụ và bản thân bài thơ là ẩn dụ, nhưng ẩn dụ thơ hôm nay cũng thay đổi, không còn là ẩn dụ thông dụng và tồn kho như hôm xưa. Ẩn dụ hôm nay gần gũi với nhân sinh hàng ngày, thể hiện thực tế và cụ thể. Nói một cách khác, bản sắc của ngôn ngữ thơ vẫn như vậy nhưng bản chất, hình thể và sắc thái sẽ phải là sản phẩm của thời đại mà bài thơ được sáng tạo.

Thơ là "ngôn ngữ giữa ngôn ngữ" (Paul Valéry.)

Để xác định thế nào là bài thơ hay, từ xưa đến nay, chưa có ai hoàn toàn thuyết phục được văn học và thưởng ngoạn. Lý do chính yếu là giá trị của thơ thay đổi theo thời gian. Còn "cái hay" của sở thích cá nhân không có cơ sở trong văn học. Giá trị của thơ có tiêu chuẩn khác nhau qua mỗi thời đại và tùy mỗi mức độ văn chương trong thước đo toàn cầu. Tuy nhiên, vài tiêu chuẩn căn bản luôn luôn hiện diện trong thơ có giá trị. Bài thơ phải có kinh nghiệm của trí tuệ, không phải là kiến thức, là kinh nghiệm về kiến thức, ít nhất là một băn khoăn trong sinh tồn. Bài thơ phải có cảm xúc. Không nhất thiết là cảm xúc được mô tả qua ngôn ngữ. Từ khi chủ nghĩa Lãng Mạn xuất hiện đã làm cho khuynh hướng lãng mạn bị giới hạn trong cấp bậc thấp, là diễn tả cảm xúc. Những tình tự, buồn đau, thất vọng, hạnh phúc, hỉ nộ, khổ não... được mô tả để xây dựng ý nghĩa và nội dung của văn bản. Trong khi chức năng của cảm xúc là thúc đẩy vô thức bật ra hình ảnh, tứ thơ, để diễn tả những gì trí tuệ trăn trở. Tác dụng của cảm xúc là kết hợp những tưởng tượng hỗn loạn vào một trật tự đặc thù nhất qua những ngôn ngữ tinh lọc nhất mà vô thức và ý thức có thể thực hiện.

Bài thơ giá trị luôn luôn đến từ thi sĩ "có giá trị văn chương". Người làm thơ đó đã tôi luyện một loại ngôn ngữ đặc thù cho cá nhân phù hợp với cá tính và thời thế, như Kenneth Koch trong The language of Poetry, The New York Review of Book, 14 tháng Năm, 1998, viết: "Một nhà thơ học tập ngôn ngữ thơ, sinh hoạt trong ngôn ngữ đó, luôn luôn được ngôn ngữ này mang đến nhiều cảm hứng. Đây là một loại ngôn ngữ khi sử dụng, mang đến thú vị. [...] Nếu chúng ta nghiêm túc về ngôn ngữ thi ca, nó có thể được định nghĩa, trước tiên là ngôn ngữ có âm sắc của ngôn từ nâng cao tầm quan trọng ngang hàng với ngữ pháp của nó...." Quan điểm nghiêm túc này dẫn đến lập luận lúc ban đầu: Sự chọn lựa ngôn ngữ tinh lọc. "Mỗi chữ trước tiên nhìn chung quanh, nhìn mọi phương hướng, trước khi cho phép tôi viết xuống." (Franz Kafka.) Thuật ngữ "tinh lọc" không mang ý nghĩa bóng bẩy vẻ bên ngoài, không nỗ lực tìm chữ văn hoa, sang trọng, mỹ từ pháp, mà tìm ngôn từ chính xác để diễn đạt và ngôn từ đó do thẩm mỹ mang đến và do thẩm mỹ tái xét.

Bí mật của ngôn ngữ là chưa bao giờ hoàn tất ý nghĩ.

Cuối cùng, một người làm thơ viết văn nên tin tưởng vào khả năng diễn đạt của ngôn ngữ hoặc nghi ngờ phương tiện truyền thông này, thiếu khả năng chính xác? Madeleine L'Engle trả lời, chúng ta suy nghĩ vì có ngôn ngữ, không thể khác hơn. Ngôn ngữ càng rộng, suy nghĩ càng sâu xa. Những học thuyết mới về ngôn ngữ, văn chương và triết học trong thời Hậu Hiện đại đã chứng minh khả năng giới hạn của ngôn ngữ. Ngôn ngữ chỉ có thể diễn đạt những gì đến từ ý thức. Khi ý nghĩ, ý tưởng đến từ vô thức, có bản chất phức tạp, bí ẩn, ngôn ngữ sẽ không đủ khả năng hoàn tất sự giải thích. Thường khi phải gợi ý hoặc điềm chỉ để ý nghĩa được tìm đến với nhiều kết quả khác nhau. Chưa kể, các học thuyết gần đây cho thấy ngôn ngữ bị "bạo hành" bởi thủ thuật thay vì được "ưu ái" bởi nghệ thuật.

Trong nghi vấn đó, ngôn ngữ thơ càng được chọn lọc theo khuynh hướng "mở rộng", "gợi ý", "điềm chỉ", "trừu tượng", "biểu tượng", "ấn tượng", ... Nói một cách khác, nếu những chức năng này không thể hiện trong thơ với tác dụng làm cho ý nghĩa thơ có giá trị, được cảm hiểu, ngôn ngữ thơ sẽ trở thành vô ích, bất kỳ trong thể loại nào, quí tộc hoặc bình thường.

Nói tóm lại, triết gia Aristote có thời đại của ông và thời đại đó đã qua. Những nhà thơ hôm nay phải để thơ sống theo thời đại của họ.

(*) Tranh bìa tổng tập truyện ngắn Cuentos Completos của Julio Cortázar, nxb Penguin, Livre de poche, 2016

Thư mục bộ sách Ý thức Sáng tác của Ngu Yên

Trên Kệ Sách Amazon: Amazon.com. Search: Gõ vào tựa đề sách, không dùng dấu. Type in the title.

1. “Ý Thức về Dịch Thuật”. Biên khảo về dịch thuật, dịch thơ.

2. “Độc Quạnh” Thơ. Từ giã dòng thơ cũ.

3. “Tôi Không Biết”. Tập 1 &2. Giới thiệu, nhận định, dịch toàn bộ thơ Wislawa Szymborska. Nobel 1996.

4. “Học Thuyết Truyện Ngắn Hiện Đại”. Cuốn 1 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

5. “Học Thuật Truyện Ngắn Hiện Đại”. Cuốn 2 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

6. “Văn Học Truyện Hậu Hiện Đại”. Cuốn 3 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện.

7. “Văn Học Truyện Đương Đại”. Cuốn 4 của bộ sách Ý Thức Sáng Tác Truyện  (chưa phát hành)

8. “Ý Thức Sáng Tác Truyện Ngắn Hiện Đại”. Bộ 1.

“Ý Thức Sáng tác Truyện Hậu Hiện Đại và Đương Đại.” Bộ 2 (chưa phát hành.)

9.  “Tôi Học Được Bí Mật Của U sầu. Tập 1.  Thơ Federico Garcia Lorca.” Tái tác và tái bản.

“Mộ Phần Tôi Ở Đâu?. Tập 2.  Thơ Federico Garcia Lorca.” Tái tác và tái bản.

https://www.amazon.com/s/ref=sr_st_date-desc-rank?rh=n%3A283155%2Cp_27%3ANgu+Yen&qid=1514468153&sort=date-desc-rank