Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

Ở cõi thiếu, vắng

Hồ Đình Nghiêm


Trên đường đi, đôi lúc bạn phải tạm dừng lại, nghỉ chân. Bạn nhìn quanh, phát hiện cái thưa thớt, rơi rụng dần của bầu đoàn lữ thứ, hao hụt.

Có những cuộc sum vầy tình cờ, đưa đẩy bạn ngồi kề một nhân dáng, hai ba bóng người đối diện. Những khuôn mặt, giọng cười đùa vô thưởng vô phạt, nhạt; làm bạn nhớ tới câu “Tửu phùng tri kỷ, thiên bôi thiểu. Thoại bất đầu cơ, bán cú đa”.

Đám đông nào mà chẳng vậy? Kia là rậm rật ánh sáng, nọ là bóng tối với so vai, trầm mặc tự chọn. Tôi luôn yêu mến một người anh già tuổi, ốm yếu. Ốm vì trong tay luôn nắm cốc rượu, chẳng thiết việc ăn. Yếu vì môi kia luôn ngậm điếu Winston, chẳng màng tâm sự. Hai hàm răng, chỉ còn trụ chừng năm bảy chiếc, nói giọng Hà Nội 9 nút, trầm, đục; nhưng nghe thanh tao mỗi bận anh dùng chữ Đếch. Làm cái đếch gì mà ồn thế! Chẳng phải ai cũng thốt được chữ đếch nghe vui tai bằng anh. Một người thầy vừa khó tính lại rất mực dễ chịu. Nửa xa cách nửa thân cận. Nửa khinh mạn nửa khuyên can. Có lần anh bảo: Cậu nên nhớ điều này, là nhà văn cậu nên ngồi trong bóng tối, sân khấu đèn màu là nơi dành cho Hùng Cường Mai Lệ Huyền.

Tạp chí Văn số 89, phát hành tháng 11 năm 1989 có đăng bài thơ của anh, đa số không dài, thường chỉ bốn câu, bài “Sáng Sớm”:

mắt nhắm mắt mở bước lật đật

đi một thôi đường còn gà gật

con lật con đật hai con đi

cũng sống rất an nhàn kiểu Mỹ.

Thời gian ấy tôi chăm viết. Anh gửi thư hối bài, cũng chỉ đôi dòng, chữ viết đẹp trên một vuông giấy nhỏ. Có khi hỏi: Cậu đâu biết làm thơ, nhỉ? Có khi phân trần khi nghe tôi hăm sẽ gửi sang một cái truyện dài: Tôi rất tránh chuyện phải để cho người đọc chờ cả tháng. Một ngắt rời từng đoạn là điều không nên.

Nếu anh thuận lòng, biết đâu tôi đã phóng lao, rồi phải cực lòng theo lao. Tôi đâu biết làm thơ, thơ nằm ngoài tay với. Văn Magazine như tấm gương soi, qua đó tôi thấy mặt mình rất xấu chai. Cần siêng tắm gội, chải tóc, ăn ở hợp vệ sinh mới dám bước vào vườn thơm hoa lạ (nhỡ gặp ai trong mơ, mình cũng đã chuẩn bị chút đỉnh sự tử tế). Nói đâu xa, chính anh là một rào cản. Tôi không đủ lực để tạo dựng sức mạnh, bước qua. Bài “Lẻ Một” của anh là một trong muôn ngàn lực cản:

sách một dẫy nằm trơ trên giá

cạnh người thân thế cũng trơ trơ

sách, người hai cõi cùng hư hoại

nơi một ngàn chương thiếu một tờ.

Không những nhìn thấy trước cơn hấp hối của chữ nghĩa, tháng 10 năm 1989, vào thời điểm ấy đã sớm tựu thành ở anh nỗi ám ảnh về một màu đêm tận tuyệt, nơi dừng chân thực sự của những lên đường trước, sau. Đời bày ra thức mà anh gọi là “Món Đất”:

đất tưởng còn xa trời vẫn gần

giờ đất đã gần trời xa dần

khăn bàn trải sẵn cùng thân thế

đợi chiếc khay trời món đất ăn.

Sang tới tháng 11 năm 1992, tạp chí Văn số 125 đăng một thứ gần với “Bản Chúc Thư Trên Ngọn Đỉnh Trời” (nhan tập truyện ngắn của anh), bài thơ mang tên “Nói Với Mộ Chí”:

đá kia tuổi đá đã nghìn năm

dựng trên kẻ đã về trong đất

nó sống hư huyền như nó mất

đánh dấu làm chi chỗ nó nằm.

Càng về sau anh càng thích thu bé lại, làm thơ nhiều, trong quán rượu, ngồi xe đò, trên máy bay. Thôi viết dài, đêm khuya cúi bóng trên trang giấy, đèn thắp nhìn thấy mực dầu đang xuống dần, đốm sáng lung lay. Tạm gọi là dài khi mỗi tháng chỉ viết được Sổ Tay lay out chừng bốn năm trang, kể chuyện nắng Cali mà mưa Seattle, ai vừa di dân đến ai vừa bỏ lại hành trang. Trang văn rất lành, không bình phẩm chẳng khen chê một ai (mặc xác chúng nó). Trước sau chỉ là một kẻ đưa tin, càng trung thực càng tốt. Nhưng, cốt lõi của thơ lắng đọng lời tự thán, chút yếm thế, vẽ ra viễn cảnh chừng thảng thốt, “ai tri âm đó mặn mà với ai?” Và chữ dùng, ám chút hằn học, bất ưng: “Thằng Viết Mướn”.

những trang đời viết còn dang dở

sẽ có bàn tay ấy viết giùm

ngón cái sang trang và ngón út

viết giòng vuốt mắt phút lâm chung.

Nhà văn Mai Thảo (1927-1998) hàng tháng viết tên cùng địa chỉ tôi trên bì thư vàng, ra bưu điện mua tem, con mộc Westminster đóng lên và tờ Văn chưa một lần lỗi hẹn tới vùng băng giá.

Lý ra tôi chỉ nên nói riêng về anh, nhưng khi tìm đọc lại những số báo Văn cũ, úa màu, tôi đụng phải một bài thơ “thần sầu” của Cao Đồng Khánh (Văn số 131, tháng 5.1993). Một tiếng thơ lạ, (đôi khi chữ lót của anh lại thiếu dấu huyền) người không có tên trong tuyển tập 40 năm thơ hải ngoại và cũng đã vắng mặt dài lâu tựa Mai Thảo. Cao Đồng Khánh, tác giả của thi tập nổi tiếng “Lửa Đốt Ngoài Giới Hạn” sinh năm 1941 và mất năm 2000. Sau đây là bài vừa chạm trán, “Địa Chỉ Tình Yêu”, cầm lòng không đậu buộc phải chép lại, thay tưởng nhớ người bạc mệnh:


đời tứ xứ! em ơi. thành phố tôi tróc nóc

mưa bão nào. hơn nữa. cũng không sao

có người thuỷ tận đi tìm sắc nước

con mắt màu lý lục không yên.


con mắt có đuôi vẫy gọi trí nhớ

chiếc lá cuối cùng thắm thiết ra giêng

như vết môi son thoa trên đông chí

bay ngập vào trong tiểu sử phiêu lưu.


tháng chạp bạch kim. tháng giêng tóc bạc

mùa đông lạ kỳ khuya sớm tuyết trân sa

tháng chạp gió lúc. tháng giêng nước nổi

những tháng trời gầm em ở thật xa.


mưa bát ngát phía bên trời đánh lớn

trên đường sét sáng trưng ai đó quẩn quanh

sầu cố xứ nặng nề hơn thế sự

chuyến xe đò lên xuống máy long lay.


mặt trăng sắc sảo trong sơn cùng ký ức

địa chỉ tình yêu, em. hãy nhớ tận tường

con đường máu nóng đưa vô hương lộ

có một ngôi nhà trong góc giác quan.


ở ngoài bão táp. trong lòng dông tố

hãy ghé vào đây, em. bàn ghế tận tình

em sẽ gặp em, như, một người mất tích trở lại

chải gỡ đời tư bằng gương lược liêu trai.


những tàn tích hệ luỵ trồng ngoài sân, phong cảnh

về sau thành thế núi hình mây

ngôi nhà cảm động nồng nàn sự thật

yểu điệu vô cùng thân thể trăm hương.


tháng giêng, trên ấy tuyết rơi, dưới nầy mưa lũ

ở giữa, cuộc đời, lạnh lẽo long đong

mặt trời quốc sắc trong tư phần phú quý

có một ngôi nhà trong khoé mắt em.


Trong ý nghĩ cạn xợt của tôi, bài thơ trên có thể là một biểu tượng cho hai từ: Hải Ngoại. Giạt trôi. Dông bão. Hoạn nạn. Tấp bồi. Lưu lạc. Sống thở bằng trí nhớ đã thôi còn nguyên trạng. Không thể hít vào tâm tĩnh lặng, thở ra miệng mỉm cười. Một bài kệ dài chất không thứ lớp những rạn vỡ từ con chữ khác thường, lạ lẫm. Mà tôi yêu quý.

Có người nhiễu sự đặt dấu hỏi: “Thơ đến từ đâu?” Tôi câm lặng. Có người dùng từ thậm sáo: “Tôi là con chim đến từ núi lạ ngứa cổ hót chơi”. Tôi tủi thân. Tôi vụng về. Tôi chỉ biết thổn thức khi nhớ đến hai tài năng đã về “núi lạ”. Cảm ơn anh Mai Thảo. Cảm ơn anh Cao Đồng Khánh. Mộ chừng nghe cỏ mọc xanh!