Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2017

Văn học miền Nam 54-75 (343): Túy Hồng (3)

Lòng Thành

Truyện ngắn

Thưa Bà,

Lâu nay tôi vẫn theo dõi lời của bà trên mục “Giải đáp tâm tình”. Bà đã dàn xếp bao nhiêu rắc rối nội tâm. Những người nghe bà giờ đây có lẽ đã bình yên rồi. Hôm nay, tôi xin mạn phép tuần tự kể câu chuyện dài đời tôi và mong bà giúp cho đoạn kết.

Vì câu chuyện ấy có liên quan đến những điều xảy ra trong đời tôi sau này, cho nên mặc dù như thế không được khiêm tốn tôi vẫn phải thưa ngay rằng trước đây bốn năm tôi đã từng là một ca sĩ có tên tuổi ở đô thành. Trời cho tôi giọng hát ha, cái may mắn ấy giúp tôi nuôi sống gia đình.

Nhà cũng có anh, nhưng trong hoàn cảnh cần phải hy sinh này, anh tôi lại làm reo đòi cho có một gia đình riêng của anh. Đàn ông lấy vợ khi nào cũng còn kịp; nghĩ thế nên cả nhà tôi kết bè phản đối nàng dâu chưa về nhà chồng. Ai mà ưng được người chị dâu biết gần hết chuyện đời ấy, chị nói chuyện liên hồi trước mặt đàn ông. Chị quá tỉnh táo, không bao giờ để lộ cảm xúc lên mặt hay ngập ngừng im lặng trước nam phái.

Mẹ tôi bảo anh: “E hắn nhai mày”.

Anh tôi nổi cộc. Anh đem cả số tiền tháng lương mới lãnh về chặt hai ra, làm mồi lửa. Anh đành đoạn thoát ly gia đình! Cha mẹ tôi có con trai đầu lòng mà không nhờ được. Gánh nặng trên đôi vai ngang, tôi phải hát đêm ngày. Ở tuổi hai mươi, con gái bây giờ vẫn còn rất trẻ, nhưng lòng tôi thì già đắng lại. Đau buồn trĩu nặng trên mí mắt. Già tự trong lòng già ra. Tôi không có nhan sắc để giúp đỡ cho tiếng hát, cố tránh chuyện buồn để tìm tươi non cho gương mặt.

Tôi theo học nhạc từ năm mười lăm. Trên đầu lưỡi tôi vẫn quen nhảy nhót những tiếng ca rộn rã. Ở chéo khăn tay, trên ngực áo mặc ở nhà, luôn luôn khập khễnh những nốt nhạc vui đời. Gia đình níu nhờ tiếng ca của tôi. Tôi đem hơi ca đổi lấy tiền. Các chị em ở nhà đi ra đi vào mòn guốc, ai cũng đẹp hơn tôi cả. Trổi nhất là Thanh, cốt cách chứa trong cái bằng tú tài. Có người mời Thanh đóng phim. Thanh cười. Nó đang chờ ngày làm bà lớn. Trong cuộc sống thiếu điều kiện vật chất nhưng vẫn trau chuốt bề ngoài, dĩ nhiên chúng tôi va chạm lung tung. Lục đục cãi nhau cả ngày từ khi mặt trời mọc cho đến lúc trăng lên. Gây gổ sa đà mê man, quên cả việc đóng cửa gương đề phòng hàng xóm. Bao nhiêu tật, bao nhiêu tướng trên người đều bị xoi ra hết. Thật là nhìn vào, đời ở đâu cũng đều thấy khổ. Làm con gái trong nhà này như làm tướng cướp. Thanh hét ra lửa, ngọn đón của nó bao giờ cũng độc, hạ liền độc thủ trong nháy mắt:

“Đó, đó là chị, chị Liên của tôi đó. Chừng ấy tuổi mà chưa có chồng. Chị tưởng cha mẹ hãnh diện vì chị lắm chắc. Không đi cho rồi, còn ở nhà báo hại mãi. Vẫn biết chị luống tuổi thì sinh ra gắt gỏng, khó nết: nhưng ai dại gì mà làm nạn nhân cho sự khủng hoảng kia”.

Phần tôi, lập đầu công trong gia đình nhưng Thanh vẫn tìm cách hạ:

“Đồ ‘khôn nhà dại chợ’. Cái đồ ca sĩ ưỡn ẹo ra hát bị bọn cao bồi chửi vào mặt cũng phải vuốt mà chịu. Còn về nhà thì… thì…”.

Tôi tức giận oằn người. Chỉ có cách nói xấu nó với người ngoài mới trả được hận. Ra đường Thanh đẹp, tinh thần cao.

Tôi mắng lại: “Dù có làm chi đi nữa, ta cũng hãnh diện nuôi mi một phần. Mi là cao bồi ở nhà cao bồi vườn, vì mi chửi tao ở đây còn tụi bạn mi ở dọc đường dọc chợ chửi tao trên bục ca. Cân quá”.

Bao giờ gây sự với Thanh, tôi cũng được tiếp sức cả. Các chị ở ngoài mỗi người “thở” vào một câu làm Thanh hao mòn khí phách. Bao giờ Thanh cũng phải đương đầu với một lực lượng. Thanh cô đơn, nó phải khóc cho sự yếu thế của mình.

“Ai cũng có vây cánh cả, chỉ mình là trơ trọi. Hoàn cảnh dồn mình vào chỗ xấu. Chị Hiền, chị là tiên hiện xuống nhà này, chị hái ra vàng mà. Tôi mà đi khỏi cái nhà này, khi khuất mắt cái sào huyệt đàn bà là không thèm ngoái lại, không thèm lui một bước. Chị Hiền, được, cho chị hơn tôi đi, hiện tại bây giờ thì chị hơn đi, nhưng để còn tương lai coi ai sẽ hơn ai”.

Bao giờ cũng khoe vốn! Tôi mong cho Thanh đi lắm. Tôi mong cho các chị mỗi người có một “lối đi đưa đến thành La Mã”.

Thưa bà, chị em cứ xáo trộn mãi nên mẹ hằng ao ước gả trụm cả bầy cho một chàng!

Thời gian làm con gái, chúng tôi sống vô trật tự với nhau; ngoảnh đi ngoảnh lại tuổi ba mươi đã gần kề. Đêm nằm mà nóng gan, nóng phổi. Cha tôi mài miệt xem sách trọn tuổi già để quên lo. Mẹ tôi chơi bài tứ sắc và dạy dỗ con cái. Bà la mắng con nhiều nhất là ba câu, đánh tứ sắc ù được ba ván đầu, còn thì “xỉu” dài. Khi mẹ rầy chúng tôi vài tiếng không nổi, bỏ đi chỗ khác thì lòng nặng trĩu; khi mẹ phủi áo tan sòng tứ sắc thì “túi rỗng không và lòng cũng rỗng không”. Trong truyện Tàu có anh Trình Giảo Kim ráng được ba búa đầu rồi vác đại phủ co giò chạy, bà có đọc “Thuyết Đường” không? Mẹ tôi chắc là hậu thân của tướng Tàu đó. Đánh đâu thua đấy. Mẹ muốn thả lỏng cho chúng tôi tự giác lỗi lầm. Có lẽ mẹ tôi bắt chước J. – J. Rousseau mà dạy con, theo gương Trình Giảo Kim mà đánh bài, nên cha tôi mới không giàu sang chăng?

Thưa bà, đó là chuyện trong nhà, còn chuyện ngoài đường nữa. Cái khổ vì nghề nghiệp mới chính là tai ách. Đi nắng về sương, ăn ngủ thất thường, tôi tự ví mình với “kiếp cò ăn đêm”. Thịt xương hao mòn lần. Trời khuya tê cóng, đường phố nằm yên, chỉ còn mình ca nhi thức, lật đật về gõ cửa nhà mình, lau vội phấn son, lên giường nằm trở mình cho đến sáng. Da mặt ít có dịp trở lại tự nhiên, ngày đêm vẫn chà xát kem với bụi phấn lần lần dày và to ra. Hai lá phổi mỏng mảnh của tôi một ngày kia sẽ bở rệt như đôi cánh bướm. Sau mỗi đêm đại nhạc hội, sinh lực chuyền hết ra cuống cổ, tôi phải ngậm sâm cho ngọt giọng. Người đời ác với chúng tôi lắm. Tôi còn nhớ mãi kỷ niệm hãi hùng đêm đầu tiên ra mắt khán giả phòng trà. Cả một bầy thú rừng la ó, huýt còi miệng, đập phá bàn ghế, tôi co rúm người lại, chới với chụp lấy cổ chiếc micro tìm một chỗ vịn đỡ; bọn ác quỷ rú lên làm sao cho mình dở sống dở chết trên bục ca. Để cám ơn họ mình phải tập trung tất cả sức lực ra hát cho thật hay, uốn người thật dẻo, mỉm cười sao cho lẳng.

Giọng hát độc đáo, kỹ thuật vững chắc, tôi thủng thẳng đi hát và gấp rút thành công. Bà có nhận thấy loài xướng ca của chúng tôi giàu lòng vị tha không? Mặc người ta gào thét, đả đảo, mặc bọn đàn ông thô bỉ xô đuổi người ca sĩ vẫn nhởn nhơ như không, cố đem cử chỉ đẹp nhất ra khoe, nụ cười khéo nhất ra chìu, ra dâng hiến. Bao nhiêu “anh hoa đều phát tiết ra ngoài”, bao nhiêu duyên dáng mặn mòi đều vung vãi dưới ánh đèn màu. Người đời không tốt nhưng mình cứ tốt lại. Mình cần họ, mình phải mất cho họ.

Tôi tuyên bố riêng với các bạn: “Mấy anh chàng ở xa ỷ đông làm tàng… Một khi muốn sống gần với ca sĩ thì chết… Các con của mẹ ơi…”.

Tiếng hát của tôi có ngôi thứ rõ rệt. Ngoài lúc trau giồi, tập tành với một vài nhạc sự quen thân, tôi còn phải luyện giọng ca, tiếng ngân. Nghe dĩa vừa thích vừa lợi. Tôi còn một phương pháp nhà quê nữa là rúc đầu hát vào lu nước nghe tiếng mình như ễnh ương kêu. Mình phải tập cách dồn ép hơi trong cổ họng làm sao cho lần lần nghe bớt rồ, bớt xốn tai. Đừng để hở cả hai tai, mình phải bịt kín lỗ tai lại để nghe giọng thật của mình. Phải nghe mình hát để sửa cho mình. Sự tập luyện kéo dài suốt đời ca sĩ. Tôi biết chịu thương chịu khó nên được mến chuộng. Có người bảo tiếng hát của tôi như hiểu thấu lòng người, như an ủi; đôi khi nghe như vừa khóc vừa hát. Người đời vẫn thích mình làm nũng với họ, lắm khi thật đáng giận đáng ghét: mình hát cho họ nghe mà họ còn ác với mình.

Một buổi chiều mấy chị em tôi đang sang trọng đi làm, có hai chàng ôm nhau trên chiếc xe vespa phanh chậm xe lại, nói vào mặt: “Các em của anh bữa nay đi ăn sương sớm quá?”.

Một chị bạn phản ứng liền: “Quân hạ cấp, ba người… sáu chiếc gót sắt đâm lủng mắt bây giờ”.

Tôi nhủ thầm: “Mẹ rất buồn khi nghe các con nói thế”.

Càng ngày tôi càng “bay” nhiều ở các phòng trà. Họ tranh nhau mời tôi. Tôi “chướng” với họ đủ mọi điều kiện. Vì thiếu những người như tôi cuộc đời sẽ đình công.

… Rồi sự lạ ở ngoài xảy vào gia đình chúng tôi. Một người mê giọng hát của tôi và mê cả tôi đêm đêm trực ở phòng trà nhưng không bao giờ thấy tận mặt mặt thật của tôi cả. Người ta đánh tiếng muốn nói chuyện với tôi để tìm hiểu. Đó là một sự huy hoàng và rực rỡ: Tiến sĩ vật lý. Xôn xao quá! Nhưng khi cái xôn xao đã lắng một nửa tôi mới bình tĩnh lại để nghe kể rằng ông nghè vật lý tuổi đã giáp ngũ tuần, tóc mây đã bị thời gian cướp mất một khoanh trên đầu.

Ông đề nghị đến nhà gặp tôi cho biết. Cả mấy chị em cùng đợi.

Cha mẹ tôi bàn ra bàn vào rất nhiều. Mẹ cứ hỏi đi hỏi lại đến mười lần tôi có bằng lòng không làm Thanh phải bực: “Để còn ngắm dung nhan ông ta đã chứ!”. Mẹ tôi chắc lưỡi: “Lấy chồng già như hắn bây giờ thì sướng nhưng về sau phải nuôi con mệt. Đợi đến chừng ấy tuổi mới lấy vợ. Mình nên nghĩ đến sau này một chút… cha già con mọn”.

Chị Liên cãi lại: “Ở Mỹ, ở Pháp người ta lấy toàn chồng già. Hơn hai ba giáp là chuyện thường. Càng so le càng độc đáo. Tình càng già càng bảo đảm…”. Mẹ tôi cười: “Cơ chi hắn hỏi con Hoài thì gả liền, cho thêm con Liên nửa, gả một biếu một”.

Thanh cười lộ cả hai hàm răng đều như bắp tươi. Cái lúm đồng tiền thêm duyên trên má bên phải rất sâu. Vẻ đẹp phong phú, khi thôi cười đồng tiền vẫn còn.

Nó nói với tôi: “Bất luận già trẻ lớn bé, ai đáng phục thì lấy. Bọn con nít ở trong nắm tay mình, muốn nắm lại lúc nào cũng được cả. Tụi mình ví như mấy chiếc đò. Đàn ông là những cái neo, neo đò lại, níu đò cho cứng đề phòng sóng gió, mà neo thì phải lựa thứ tốt, bằng sứt hảo hạng, sắt tra…”.

Diệu, người chị kế hơn tôi một tuổi, đẹp thua Thanh một ít, hất Thanh ra để khuyên tôi: “Con Hiền có sự nghiệp, thiên hạ đều biết. Mi muốn lấy ai cũng có sẵn. Người tầm thường như tao mới đáng lo… giá trị cứ đánh vào ông chồng… Mi cần chi mà phải ham… Chẳng thà cha mẹ ép rồi mình mới đau khổ mà lấy.

Diệu thích dạy học, tin ở mình. Chị biết mình đẹp, biết món này, món kia, nên biết giá trị của mình từ mọi góc cạnh. Chị nói rất nhiều lần, cho tôi biết ý nghĩ của chị: “Ai mà lấy tao sau này sướng lắm nghe”.

Một bữa chị nhờ thằng em con dì chở Solex đến trường. Đứa em vùng vằng, Diệu cười với nó: “Thằng này không biết hân hạnh chi cả. Bao nhiêu người sẽ mời tao lên ô-tô của họ. Chứ mi chở tao một bữa đỡ đã…”.

Chuyện gì mà vào nhà tôi cũng có thể được bàn bạc suốt năm canh. Tôi muốn ngủ quá rồi, chị Diệu vẫn còn hăng: “Đàn ông bây giờ bần lắm. Họ chỉ cưới ai có nghề nghiệp trong tay. Con Hiền lương to hơn Tổng thống… Nhưng… người đàn bà Tây phương có can đảm lấy chồng già vì bên họ có đạo luật ly dị. Chịu lấy ông lão lúc ấy là nghĩ dài sau này còn làm lại, còn tái bản nhiều lần nữa. Mình mà muốn thay chồng thì chỉ có việc trù cho chồng chết hoặc thuốc…”.

Thưa bà, chuyện lấy chồng, dù là lấy ông già đi nữa cũng đáng làm mình xao động chứ. Tôi chuẩn bị chờ đón, gọt dũa những câu sắp nói cho trơn láng. Tôi hoang mang không biết ông ta đến thăm vào ngày giờ nào. Và … mẹ cha đã cố tình làm cho tôi vắng nhà lúc người ấy xuất hiện. Thanh bưng khay nước ra mời khách và Thanh đã làm cho người ta quên rằng người ta đến đây là vì tôi. Qua phút ban sơ mẹ và các chị đều hiểu rằng tôi đã bị loại tuy chưa vào bán kết. Những lần mấy chị em rút vào trong nhường chỗ cho Thanh tiếp chuyện với nhân vật mới của gia đình, chúng tôi nhìn ra đôi lứa ấy mà thấy cả một sự sắp xếp lộn xộn.

Tôi trêu Thanh: “Con Thanh tiếp chuyện mệt lắm nghe. Khi không muốn cươi hắn cũng phải bặm miệng cho cái lúm đồng tiền lõm vào. Lỡ quên thì đêm nằm ân hận mãi”.

Sau ngày Thanh lên xe về nhà chồng thì chị Hoài được làm việc với Mỹ, Diệu đi dạy học. Hai phòng trà mời tôi ký giao kèo. Tiền vào nhà tôi như lá mít rụng. Không khí gia đình bây giờ thở ra thở vào thấy khoan khoái lắm. Ngoài số đồ dùng và đồ trang sức thời đại, chúng tôi mỗi người trung bình có hai áo lụa mỡ gà để đi dưới nắng Sagion. (Thi nhân bắt buộc mỗi người con gái đeu phải may áo lụa, phải không bà?).

Tôi cần hát cũng như tôi cần thở. Tiếng hát của tôi bây giờ yên một chỗ nhưng tên tuổi tôi nổi dồn dập. Cái khó là tạo được thanh thế ban đầu. Tiếng tăm tôi cứ nhẹ nhàng đi lên như bong bóng khinh khí. Đúng là thời kỳ tôi làm mưa làm gió. Tôi than với các anh nhà báo là không ai chia sẻ thân phận tôi ra nhiều miếng nhỏ để hát được nhiều nơi.

Danh vọng đón rước tình yêu. Một trung úy quân y, Chinh, đi hỏi tôi giữa gian nhà chật ních bà con bên ngoại. Chính đến với tôi hoàn toàn lạ hoắc. Và tôi yêu người đàn ông lạ ấy giữa đám đàn ông quen. Các chàng nghệ sĩ tính sai. Ai cũng tưởng đời làm nhạc phải cột liền với đời ca nữ để “anh đặt lời ca nàng đem bán”. Tôi gieo cầu vào địa hạt cao tức là đánh lạc thành kiến của họ.

Chính cao, to oai, đúng với quan niệm về đàn ông của phụ nữ. Cái bằng cấp của chàng thì cây cối súc vật đều thích. Tôi đã đủ mọi chiều cao ước. Trời đất cùng nhau hân hoan!

Các chị phê bình kín Chính như thế này: “Người cẩn thận, kỹ lưỡng quá… Hí! Chắc là khi cất tiền anh chàng vuốt xếp tờ bạc thẳng lắm, thẳng lắm, ờ ờ, anh chàng đút bàn ủi điện ủi cho láng, cho phẳng phiu, cầm lên hôn một cái rồi cho vào hòm”.

Cái gì ở đầu lưỡi các bà ấy xuất ra cũng trần ai cả!

Tôi nguyện với tình yêu, lúc quay lưng xô ngã cuộc đời con gái tôi sẽ từ bỏ tất cả, xa sân khấu, lui khỏi địa vị một ngôi sao để làm một người bình thường. Tôi sẽ giã từ sự nghiệp đang lên, hy sinh tất cả danh vọng để trọn nghĩa làm vợ. Một người đàn bà không thể vừa giỏi bên ngoài vừa giỏi bên trong được. Vì chàng tôi phải ly thân với nghệ thuật. Tên tuổi của tôi phải chết cho lòng thành quấn quýt bên chàng. Tôi không tự hào mình có ý nghĩ to đáng tuyên bố. Bất cứ nữ nghệ sĩ nào gặp được tình yêu chân thành cũng đều làm thế cả. Đó là ơn huệ tối cao cho đàn ông ở thế gian. Ngoài ra chồng tôi giàu và danh giá, tôi cần chi phải đi làm. Chàng nuôi mười vợ cũng còn dư dả.

Nhưng thưa bà, tôi đã làm vợ chàng trước khi hy sinh. Buổi sáng hôm ấy tôi đến thăm Chinh ở phòng trực. Kinh nghiệm còn sơ suất, đi thăm người yeu mà tôi đánh phấn nụ và mang áo dài nội hóa. Bản tính hiền khiến mình quên cả. Thứ phấn nụ bằng thạch cao nhồi với bột gạo. Chính chỉ cúi hôn xuống hai lần là bay cả màu trắng.

Hàng nội hóa, chuyên môn sống lại khi bàn ủi nguội, chỉ một tay âu yếm của chàng đủ vò nhăn nếp. Hàng mình còn một cái bậy nữa là mau rũ, sợi xạc lỏng ra lần, làm mình lạc quan cứ tưởng bụng nhỏ lại. Tôi thầm nghĩ đời tư mình không có chi để phải xin lỗi người yêu cả. Có bao giờ tôi chương hình mình lên mặt báo hay bìa nhạc; lạnh lùng với ký giả, lập nghiêm với nam nghệ sĩ, không bao giờ “em, em” với các “chú” bạn. Ngôn ngữ vẫn còn tân. Một bài báo chê dáng đi của tôi cực khổ. Đôi vai ngang gánh vác nhiều. Chiếc lưng dài muốn trườn tới trước như để giảm bớt chiều đi lên của bộ ngực.

Niềm vui trong đôi mắt Chinh đón tiếp tôi ở phòng trực. Chàng kéo tôi ngồi bên ghế nhựa. Toàn thân tôi xao xuyến dễ chịu. Chiếc đùi hằn lên trong ống quần satin sáp vào lần vải lính kaki. Bàn làm việc của Chinh nhiều sách chữ Pháp. Dưới mặt kính bàn có ba chữ: dur, pur, sur. Lần đầu đến chơi tôi đã chú ý. Đó cũng là một phần nội dung, tâm hồn của chàng.

Tôi mở sắc lấy nho đút cho chàng. Chinh vừa nhai vừa ngậm những cọng tóc mai trên trán tôi. Chung quanh yên lặng, sổ sách, giấy tờ ngăn nắp. Trong phòng trực có vẻ thân mật ấm cúng như trong phòng làm việc của người chồng trong nhà. Chinh nói chuyện rất ít và có duyên. Tôi nhìn xuống vạt áo dài và hỏi:

“Anh Chinh, nếu dĩ vãng của em hắc ám, nếu có người dèm với anh rằng ngày xưa em phải đi gánh nước, thì anh có tin không? Anh có đi cưới em chăng?”.

Chinh vòng tay qua sau lưng tôi:

“Nếu ngày trước em đi gánh nước thì ngày nay anh có người vợ biết được môn gánh nước… À, Thanh đã có tin vui chưa?”.

“Mới nghi ngờ”.

Tôi tháo cái khuy bấm cuối cùng của áo dài ra tránh đường xếp nơi bụng mỗi khi ngồi lâu và ngã người ra đàng sau. Chinh nói đột ngột:

“Em đẹp hơn Thanh, chị Diệu, đẹp nhất nhà”.

“Vì mắt anh chỉ thấy em nên không quen nhìn những cái khác dù đẹp”.

Chinh nhìn tôi, nhìn phủ cả người. Cái khuy áo dài bỏ ngỏ. Thứ hàng lót valisère mềm mại như da thịt con gái. Bàn tay Chính lần đi dạo trên người. Tôi cảm biết những cái rùng mình của da thịt, hất tay chàng ra thì bị níu đứng lên. Hơi thở đổ dồn lên mặt. Bốn cái môi dán vào nhau liên hoan rất dài. Tôi có cảm tưởng thân thể vạm vỡ của chàng đổ trên người tôi. Những khớp xương và gân yếu đi rã rời. Trời đất loạng choạng trước mắt. Tinh thần, ý chí không còn nữa. Nước mắt và mồ hôi ướt mặt. Gia đình tôi không ai hay biết tôi mắc nạn ở đây cả. Tất cả chỉ có hai người, chuyện gì mà chẳng xảy ra. Chinh đi khóa cửa lớn cửa nhỏ và khóa luôn thân thể tôi lại. Thôi, đủ hiểu rồi…

Tai nạn bao giờ cũng kết thúc bằng tiếng tỉ tê của đàn bà. Vết đau đầu tiên có bao giờ lành được. Tôi khóc vì cái quyền làm được mọi sự của đàn ông. Từ đây nhất định đời mình phải dán vào đời chàng. Cuộc sống đã ngã ngũ. Mình vừa ký giao kèo chịu thua.

Những thời gian sau tôi không đến với chàng ở phòng trực. Chúng tôi đi chơi nhiều nơi. Chuyện khó đầu tiên chàng đã được rồi đưa đẩy thói quen cho những lần sau.

Chinh giới thiệu tôi với những người bạn mới. Chàng hướng dẫn tôi vào hát trong quân đội. tôi ngạc nhiên lắm:

“Anh Chinh, em sắp lấy chồng còn bày thêm hát xướng gì nữa… em phải lo giải nghệ lần lần chứ… Anh đừng chìu em không đúng chỗ. Vì con sau này, vì anh bây giờ, em phải từ bỏ tất cả nghệ thuật. Em không thèm đi hát nữa đâu”.

“Hiền vẫn hát khoẻ lắm mà”.

Tôi cười:

“Nhưng có chồng thì phải biết coi sóc cửa ngõ chờ chồng đi làm việc về”.

“Em không thông minh một tí nào cả. Yêu em, anh đâu phải ngồi nhìn em, anh phải cảm thông hướng đi của em, anh phải hãnh diện lắng nghe tài nghệ của em tung hoành. Nếu anh nhốt em lại, nghệ thuật sẽ lên án anh. Anh không có can đảm cướp em trên tay nghệ thuật. Anh không xứng đáng làm em phải hy sinh cuộc đời đầy hào quang của em. Anh không có quyền chận đứng danh vọng của em. Bổn phận của anh là thúc đẩy khuyến khích em: Anh tôn thờ em để em tôn thờ nghệ thuật”.

Những lời sốt sắng ấy như dán đôi môi của tôi vào nhau. Lặng đi một lát tôi mới nói được:

“Nhưng từ khi gặp anh, nghệ thuật, người yêu cũ của em, đã thấy tự bất lực, thấy thua sức hẳn, nên tự rút lui. Em nhất định ngã trên tay anh… Anh đã thắng trận huy hoàng”.

“Ơn em to quá, anh không dám nhận… Em phải suy tính cho sòng phẳng để sau này khỏi phải ân hận”.

Tôi bỗng bật cười quệt má chàng:

“Nói nghe tuyệt lắm, nhưng sau đừng có ghen nghe ông anh”.

Một đêm đang ca hát, bỗng dưng tôi thấy buồn nôn. Gần đây thân thể có phần hư sự. Vòng eo và dưới eo cành ra. Công việc mấy bộ máy trong thân thể bắt đầu sai chạy lủng củng như thể phải chứa thêm một mầm sống nữa. Tôi nghi mình đã “bị” rồi, khi bác sĩ Chinh dò lại thì quả đúng. Chàng cưới tôi với một bào thai còn non như trứng.

Thưa bà, đám cưới xong, đêm ngày tôi vẫn tiếp tục ca hát. Chinh thúc đẩy tôi siêng năng đến phòng trà. Chàng không thuộc hạng đàn ông muốn đóng cửa giữ hạnh phúc ở nhà.

Tôi không còn xem việc lấy chồng là một cách tu nữa. Lấy chồng cũng như tiếp tục làm con gái, ca hát liên hồi như lúc xưa. Cha mẹ lỗ, mình còn mệt nhoài người vì đã có một gia đình với một ông chồng. Nghệ thuật và chồng làm tôi tiêu hao sinh lực.

Tôi xin nhắc lại với bà, bất cứ một nàng ca sĩ nào lúc sắp vu quy cũng phải chịu cho nhà báo ít nhất một lần phỏng vấn, đại để: Lấy chồng rồi cô có thôi hát không? – Và muôn câu trả lời như đúc kết vào một: - Đợi xem tình yêu của chồng ra sao rồi sẽ xét sau.

Chinh từ chối sự hy sinh cuối cùng ấy. Chàng chỉ nhận xương thịt của tôi còn nghiệp dĩ cầm ca nhường cho nghệ thuật. Chinh muốn gửi tôi cho tất cả thiên hạ, chàng không hoàn toàn thuộc về một người. Tình yêu chung chạ thế này làm tủi mặt cả vợ lẫn chồng. Tôi không chịu nổi. Một cách gián tiếp, chàng buộc tôi phải đi hát cho cả thiên hạ nghe. Tôi cảm thấy rõ ràng mình bị cưỡng bách yêu nghệ thuật. Chàng thật độc tài vô lý. Tôi suy nghĩ nhiều đêm và cảm thấy đau khổ như thể mình bị ép duyên. Đã ghét thì không thể sống với nghệ thuật được. Mình đâu phải là vật giải trí lành mạnh. Đi hát mà cũng bị bó buộc như lúc còn bé phải cắp sách cặp đi học. Các bạn ca nhi vẫn tôn lên ngôi hoàng hậu vì chồng tôi biết trọng tự do của vợ. Khi mình đã ớn nghệ thuật mà còn xông xáo vào các phòng trà ca hát nữa là tự đày đọa mình. Thật là hỗn láo. Đứng trên bục ca nhìn xuống đám thực khách nhồm nhoàm vừa ăn vừa thưởng thức, được nghe những câu đe dọa, những lời nhục mạ thô bỉ, tôi căm thù tất cả, đàn ông và chồng. Ánh đèn thay đổi màu sắc luôn luôn trên da mặt khiến mình cảm thấy vẻ giả dối nhân tạo của mình; lòng oán giận vu vơ, và cái thai đang mọc tứ chi ở bụng dưới mỗi lúc cứ thúc nhẹ dạ dày tống những chất chua lên cổ khiến tôi vừa ca vừa lợm giọng.

Hát mà không cần biết đến nghệ thuật, dửng dưng lạ hoắc không chút rung cảm. Tôi trực giác cái đà đi xuống của mình. Biết nhưng không có quyền tha cho mình được giã từ trà thất. Chính mình vật lộn với nghệ thuật, với nghề của mình. Tiếng hát sẽ mất hết căn bản.

Tôi ao ước được ở nhà đợi chồng đi làm về. Tôi muốn sống yên. Cứ tất cả lo việc bên ngoài, vợ chồng thật không có thì giờ để thương yêu, tìm hiểu săn sóc cho nhau. Chuyện phục vụ chồng, thờ chồng đối với tôi hoàn toàn xa lạ. Không có thời giờ để thực hành những bài “Gia huấn ca” đã học ở trường. Về nhà tự săn sóc cho mình cũng chưa xuể. Mỗi ngày phải mang hai ba thứ mặt nạ dưỡng da.

Nhưng cuối tháng cầm hơn sáu chục ngàn đồng bạc về nhà tôi cũng không tự hào cho cái công dụng của mình. Chinh ăn lương nhà nước có giới hạn ít ỏi.

Chàng đem tiền gửi hết ở ngân hàng. Chúng tôi có dư bạc nên yêu nhau không cần tiền, nhìn nhau mà cùng nhìn về nhà băng. Chỉ nhìn theo hướng ấy chúng tôi mới cảm thông nhau. Nhưng chính hướng đi ấy đã giết chết lần mòn tâm trạng và sự nghiệp của tôi. Một thời gian không lâu nữa tôi sẽ bị chết chìm trong lãng quên và trong sự ruồng bỏ của thính giả. Tôi tiên đoán sẽ nhìn tận mặt ngày tàn của mình nên muốn “rụng” trước cho rồi.

Bụng còn sát, bốn đường nhíp trên áo dài chưa nao núng, tôi còn phải lăn lộn với nghệ thuật. Cha mẹ và các chị giận lẫy tôi về chuyện không vâng lời chồng chịu ở nhà. Ai cũng tỏ thiện ý giúp đỡ Chinh, dành nhau khuyên răn tôi, Thanh tự lấy mình làm gương để trách:

“Không biết đến bao giờ chị mới hết hát. Chị không biết thương cho thân chị. Chị cũng là người sao chị cứ tự hành hạ, cứ hạ mình cho thiên hạ giải trí. Đúng là đem bán linh hồn cho người ta chơi, người ta thưởng thức. Ngày nào cũng cứ bêu mặt trước công chúng, quá nhẹ thể. Em thì em ở nhà hãnh diện với địa vị của chồng em. Còn chị đau khổ cho đàn ông hơn là chỉ nắm được thể xác của vợ còn tâm hồn thì “muôn sự của chung”. Chị là người của ngoài đường. Ai muốn thương chị cũng được, ai muốn nói hỗn cũng được. Chị coi em, lúc xưa em định học tới cùng. Lấy anh Thân rồi em cũng còn đi học nhưng một hôm em nghĩ lại mình còn đi học là chưa thương chồng lắm, tội cho chồng, chẳng thà đi làm để giúp đỡ thêm…”.

“Nhưng ca hát cũng là một nghề”.

“Nghề chi không đứng đắn, không có tôn ti trật tự chi cả, nghề ăn sương tinh thần. Nếu chị cứ đi dạy học hay làm thư ký thì có ai phàn nàn. Chị nghĩ coi, anh Chinh cao thượng, hiền lành. Sao chị không cho chuyện lấy chồng là hết. Chồng là tất cả… còn có chi hơn để mình mơ ước. Đi hát bị tai tiếng suốt đời…”.

Dù muốn dù không, khi bụng lồm cồm tôi cũng phải ở nhà. Nghỉ hát khoẻ người như ngày nãoc uống thuốc. Da thịt đâm chồi ở những chỗ khuyết trên thân thể.

Trên bàn làm việc của Chinh vẫn hàng chữ dur, pur, sur. Chàng có đến ba đức tính chính, không kể những cái phụ tùng khác trong khi tôi chỉ có lòng thành yêu chồng. Trong thời kỳ dự bị sinh đẻ, tôi rất sợ phải ngửa tay xin tiền chàng. Tiền chẵn ngân hàng giữ hộ, còn tiền lẻ tiền riêng đã cạn từ lâu. Vì tự ái, vì e ấp tôi chỉ cho thai nhi những cái mình có thể. Quà biếu cũng tạm đủ dùng. Con tôi chưa ăn nhờ chi của cha nó cả.

Đến ngày con tôi phá vỡ lòng mẹ để ra ngoài, Chinh đi công tác trạm xa. Mẹ, các chị em và anh rể dìu tôi vào quân y viện. Mỗi người nịnh một câu cho tôi quên dau nhưng tôi cần một người, cần hai vòng tay ân ái để lấp khỏa những đau đớn tày trời do đứa con đang làm dữ bên trong. Giờ phút ra đời của thai nhi là một cuộc động đất trong lòng mẹ. Tôi cần một bả vai thân yêu để cắn, để cào trả thù những giờ phút sung sướng. Mắt tôi mờ lệ và mồ hôi. Mẹ đưa cho ngậm một lát sâm, tôi cắn cả tay mẹ. Đứa con đang xé rách bào thai, đang xô ngã chỗ cưu mang nó để mau ra đời. Nghĩ đến lúc Chinh tìm tôi, tìm đến cái khó nói nhất của thế nhân, nghiến răng bóp chặt cánh tay anh rể và nguyền rủa:

“Đồ chó…”.

Mẹ tôi lau mồ hôi cho tôi và can:

“Xấu con… gắng chịu một chút”.

Qua một đêm lộng hành, sáng hôm sau thằng bé mới ra đời. Tiếng khóc lọt lòng của con là bản hùng ca đầu tiên đời làm mẹ của tôi. Tôi mỉm cười, khi anh rể vào thăm tôi khoe:

“Để em chọc cho nó khóc, giọng tenor khá lắm”.

Chinh chưa về chào đón con. Tôi muốn kể với chàng nỗi đau đớn chịu đựng đêm qua.

Anh rể đánh điện tín ra Huế cho mẹ chồng tôi. Mẹ Chinh vào đến nơi mà chàng vẫn chưa xong công tác. Bà đến thăm dâu với một người bạn già. Mẹ Chinh còn rất trẻ. Nhan sắc vẫn còn giữ được ở khuôn mắt, sống mũi, tái gái cũng còn có người yêu được. Vuốt ve thằng cháu đích tôn, bà quay sang bà bạn:

“Chị coi dâu tôi ngoan chưa. Đám cưới vừa xong, thiệt hút chưa tàn điếu thuốc Cẩm lệ đã đẻ rồi”.

Bà kia tiếp liền:

“Thế là chị phúc hơn người ta chứ sao”.

Thử xong hai câu nói trên, qua mười lăm phút tôi mới biết trong người thiếu máu sản hậu.

Mẹ Chinh ra Huế liền. Hơn một tháng sau thì chết vì đứt mạch máu cổ. Đúng là có phúc,vì tôi không sinh sớm thì bà đâu thấy mặt cháu nội.

Cháu bé quấy lắm. Cháu lộn ngày với đêm. Từ mười giờ tối trở đi cháu thức dậy rầy rà cho đến sáng. Ban ngày thì nhắm tít hai con mắt lại; ai đến thăm cũng nhằm lúc ngủ. Cháu là thằng Viêm. Viêm được hai tháng thì thôi khóc đêm. Cặp mắt bây giờ nhiều lúc biết nhìn theo một chiều hướng. Thỉnh thoảng cháu đưa hai bàn tay bé xíu của mình lên ngắm mãi không biết chán. Viêm không phá nữa, tôi phải lồm cồm trở dậy đi hát. Áo dài phải may lại vì thân thể nở to ra. Những đường cong lún vào thịt.

Thưa bà, đứa con ra đời làm tôi sạch cả vốn liếng. Giọng hát vàng son tắt đi nghẹn ngào. Âm thanh của ngày xưa đã vỡ rồi, khí giới không còn nữa. Bà thử tưởng tượng một danh ca bỗng dưng mất giọng, gái giang hồ mất nhan sắc… cuộc đời cũng bệ rạc như nhau. Tôi chết sớm quá.

Bây giờ tôi hát tạm được như những giọng ca sản xuất từ đất Huế. Nhờ uy thế cũ của một thời ngang dọc tôi chỉ hành nghề ở một phòng trà nhỏ với số lượng ít ỏi. Quá khứ bị tổn thương nặng quá. Tôi lấy biệt hiệu khác. Người ta còn nhắc nhở đến tôi một thời gian tỉ như khi một vì sao rụng đi ánh sáng còn xuống trần gian vài năm mới tắt.

Tôi cần tiền ghê gớm, cũng như lâu nay vẫn đòi tự lập.

Chinh thì đi công tác cả đời. Chúng tôi sống hòa bình nhưng không có ánh sáng hạnh phúc. Mỗi người nghĩ mỗi ngả.

Thằng Viêm được một năm rưỡi thì Chinh đi Pháp tu nghiệp. Mẹ con tôi sống lạnh lẽo với người con gái giúp việc. Ngày tiễn chân Chinh đi xa có mấy chị em và một người bạn gái của gia đình. Sương, bạn của Thanh, thân với chúng tôi như ruột thịt.

Tôi quên nhắc đến Viêm. Đầu tóc da thịt của cháu thơm mùi con nít một cách dễ thương lạ. Cháu tròn và nục như thằng bé quảng cáo sữa Gugioz. Bà mà thấy thì thương liền. Chỉ tội nước da hơi xấu, chắc là sán. Trẻ con vẫn thường bị sán hành. Con ở hay bồng Viêm ra nắng. Một buổi tối đi trình diễn về thì Viêm nhác chơi nóng nóng giẫy, tôi hoảng hốt bồng con thức suốt đêm. Sáng tôi vội vàng viết thư cho Chinh kể nỗi lo lắng. Hơn một tháng sau mới có thư ở Pháp về. Đại ý bức thư: Con đau là chuyện nhỏ nhặt. Đàn bà lo chuyện ấy không nổi sao mà còn quấy rầy, không cho chồng yên tâm tu học phương xa.

Quả thật tôi chưa đủ điều kiện làm đàn bà. Nếu đủ sao còn bị chồng khinh. Tôi đốt bức thư giấu cảnh bạc phước với chính mình.

Vái trời trả cho tôi vốn liếng ngày xưa, cho tôi tìm lại phong độ cũ. Tất cả không còn nữa nên hạnh phúc mới thẳng cánh bay. Tôi muốn đoạt lại thanh sắc nguyên vẹn ban đầu và sẽ cố gắng trau giồi sự nghiệp để đứng trên địa vị cao ngất của mình nhìn xuống và để ngửa mặt mỉm cười hào quang danh vọng. Chỉ có cách ấy mới trả thù được. Phải rực rỡ như một tinh tú, phải cao hơn chồng, phải có sau lưng hàng ngàn kẻ ái mộ.

Hiện tại héo hắt quá.

Bụng của Viêm tích được nhiều sán lãi rồi. Tôi mua chai thuốc tẩy ruột. Viêm phải ăn ngọt đến ba ngày. Ngày thứ nhất tôi cho nó uống làm bốn lần cách nhau một buổi cháo đặc với đường phổi. Hai ngày sau, vì bận tập dượt theo chương trình đại nhạc hội, tôi giao chai thuốc cho người ở, dặn di dặn lại phải coi đồng hồ, cách hai giờ cho em ăn cháo uống thuốc. Đứa con gái ham trai, rót ụp cho con người ta uống cả một lần. Mấy trăm con sán lãi trong bụng thằng bé say thuốc quấy phá ruột gan để ra ngoài một lúc. Từng nùi, từng nùi sán đũa chui ra hậu môn. Chúng bò ngọ nguậy chọc thủng dạ dày. Chúng thoát bằng mọi ngả, trồi lên miệng, bò ra lỗ mũi, chui lên cửa hai mắt, bóp nghẹt con tôi tím bầm cả người. Ngồi trên taxi đến nhà thương tôi gào khóc, tôi móc giun lãi trong cổ họng Viêm, ghé miệng hút những con sán trong mũi;. Sán ra bít lối làm con tôi tắt thở dọc đường. Tôi chết giả trên nệm xe. Thưa bà, đau chi mà chết cho cam.

Tôi viết thư cầu cứu Chinh che chở tinh thần, van xin tình thương để dằn nỗi khủng hoảng.

Chinh trách tôi bất cẩn, thiếu ý thức bổn phận. Chàng đau đớn không muốn về nước. Chàng sợ hậu quả tai hại đã cưới vợ nghệ sĩ.

Nhưng rồi Chinh cũng trở về và chúng tôi sẽ sống hai người hai nỗi cô đơn cho hết kiếp vợ chồng trong căn nhà rộng thênh. Ngày giờ kế tiếp nhau buồn. Căn nhà thiếu hạnh phúc yên lặng như bệnh viện, thỉnh thoảng mới vang tiếng cười của Sương. Từ khi Viêm chết, Sương hay đến ăn cơm với chúng tôi.

Tôi cần Sương đến nhà chơi. Chinh ít lầm lì. Sương tuyên bố “Chỗ nào có Sương mọi người không được buồn”. Sương bắt ai cũng phải cười theo nàng. Nhưng Sương sống cẩu thả bất cần như thể mình không phải là con gái, học hành phất phơ cho có lệ. Tâm hồn chai lại, hết mơ ước, không còn muốn nói xấu ai nữa nhưng tôi vẫn nhột nhạt trước tính táo bạo củ Sương. Ngày hiệp kỵ gia đình, trước tinh thần nghi lễ và bao nhiêu nhân vật cũ, Sương cứ đi theo trêu cha tôi. Ông cụ lúc này thường hay đeo kính đen trong nhà, thứ kính mặt rất nhỏ như hình con mắt:

“Bác đeo gương nhỏ tí ti hấp dẫn quá, trông như cháu mặc đồ tắm deux pièces”.

Lúc này Chinh không còn yên lặng trong cách đối xử nữa. Chàng có những câu nói xé đầu óc:

“Hiền phá hư cuộc đời của tôi, phá lở toang cả. Lột tước giọng ca ra khỏi con người thì còn lại chi? Hiền chỉ còn là một xác phàm, thua hết, thua hết cả mọi người. Con người của Hiền có chi, nuôi một đứa con cũng để cho chết… Vợ tôi chỉ là một cái xác phàm”.

Tôi nói rõ cho chàng biết:

“Anh không cần nói tôi cũng hiểu từ lâu. Thái độ của anh, cách đối đãi của anh đối với tôi từ trước đến giờ đã giảng nghĩa quá nhiều rồi. Khi cưới tôi, anh chưa cân nhắc kỹ lắm. Cái vốn liếng của tôi làm sao bền vững, làm sao dai cho bằng những cái chỉ số lương cao của những người vừa học giỏi, vừa đẹp vừa con nhà, sắp hàng lấy chồng la liệt trong xã hội. Tôi biết anh lấy tôi không phải vì thanh, vì sắc, vì chi tiết khác của con người nghệ sĩ… Bọn xướng ca vô loại của chúng tôi có bao giờ giữ tiền được lâu, làm ra dễ, mất dễ. Cái tài trời cho tôi cũng mong manh như bọt xà phòng, một thời thôi, sống đó, chết đó. Khi đã tuộc dốc thì lăn ù, tuột thẳng, tuột một mạch. Tôi bây giờ hiện nguyên hình tầm thường, rẻ mạt, hết thời. Tâm hồn của tôi, nếu có, thì cũng bị đe dọa quá rồi, con chết, sự nghiệp tan tành. Anh Chinh ạ, chính lúc này, lúc cái tinh thần yếu đuối của tôi cần được nâng đỡ, mơn trớn xoa dịu, lúc này tôi cần tình thương gia đình, cần anh, bấu víu anh, khao khát tình thương của anh, nhưng lại chính là lúc tôi phải chịu tội, phải trả, chịu trách nhiệm về những cái tội đã để mất nó. Và anh, từ lâu, anh vẫn thi hành cái bản án trừng phạt đó. Tôi làm hư đời anh, tôi đâu cố ý”.

Tôi nói một hơi dài, nước mắt trào lên nghẹt mũi.

“Nếu tôi không lo đi làm tiền, nếu tôi được yên thân ở nhà như bao nhiêu người vợ khác thì Viêm đâu có chết oan… Từ khi lấy anh lúc còn thời, còn giọng, tôi đã bất mãn về việc đi hát, tôi cảm thấy như bị ép buộc phải hiến dâng khoái lạc tinh thần cho thiên hạ”.

Chinh nghe nói cũng buồn lắm. Tôi mất ngủ mấy đêm liền cứng hai mí mắt. Sương đến ăn cơm tối và đòi ngủ lại. Hắn đeo hai chuỗi hạt lòng thòng đến bụng như ca sĩ. Sương lục tung những đồ trang điểm. Áo ngủ của tôi cái nào Sương mặc cũng chật. Khi hắn cởi áo dài bên trên thân thể chỉ còn mặc một chiếc nịt ngực không dây treo như “đeo gương mát” (lời Sương) thì Chinh đi vào. Cả Chinh và Sương đều tỉnh như không.

Khi ăn cơm Sương nói chuyện lảy lảy. Tối hôm ấy tôi quên cả lịch sự không ngủ với Sương cho có bạn. Sương nằm phòng ngoài nói chuyện vào. Tôi nằm bên Chinh thao thức câm nín. Chừng một giờ khuya thì Sương vùng dậy gõ cửa phòng chúng tôi thình lình. Hai vợ chồng hốt hoảng trở dậy. Tay níu áo khép ngực, miệng Sương nói thật thà đến trắng trợn:

“Em sợ cô đơn – cho em nằm ngủ chung với anh chị…”.

Tôi trợn mắt xô ngược Sương ra ngoài:

“Giỡn vừa thôi”.

Đứng ngượng ba người với nhau vài phút, tôi lật đật kéo tay Sương, lấy gối đến nằm với hắn.

Một hôm đi công tác về, Chinh cầm tay tôi bảo:

“Có tin mới cho em… tin lành…Vì em chán sống ở Sagion rồi nên anh đã xin về Huế làm ăn. Sống ở đó yên hơn. Cái mòi này, ở đây mãi chắc em chết yểu. Anh chỉ còn đợi giấy tờ thuyên chuyển và sự vụ lệnh là bay ra Huế liền. Sương có ông cậu lập một trường mẫu giáo ở Vỹ Dạ. Anh nhờ Sương viết thư xin ông cho một lớp. Em thu xếp ra Huế trước giữ chân, không có người ta giành. Anh phải ra sau vì còn đợi giấy tờ. Em hát hay, thích hợp với nghề. Dạy con nít vui lắm em à, tiếp xúc với tụi ấy mình thấy yêu đời, yêu nghề”.

Thưa bà, khi cánh tàu bay lìa mặt đất, từ từ nhướng lên, cúi xuống Sagion lần chót, nhìn những người dưới đất làm nền cho cảnh biệt ly, mắt tôi bỗng vướng phải hình ảnh Chinh đứng bên Sương, rất xứng đáng. Tôi lạnh người cảm thấy chắc chắn mình bị phỉnh. Cảm giác tức tối bẽ bàng như sa mù phong kín tâm tư làm tôi không thấy gì nữa. Nước mắt lặng lẽ chảy một đường nhỏ dài xuống hết mặt; tôi nuốt những giọt sắp xuống bên trong mũi và ngồi yên như những người khác. Sắp đặt không cao chi cả mà cũng dụ được mình. Người ta đẩy tôi ra bằng một miếng mồi tầm thường. Có những chặng đường nặng mây, tàu bay chao mũi, tôi ậm ọe nôn mửa. Một bà người Huế bên cạnh bảo:

“Đi máy bay lần đầu phải không chị?”. Tôi luận điệu. Cổ họng lợm mãi. Nước vàng vọt ứa ra. Có nên tin rằng chuyện buồn nôn là một triệu chứng vui.

Tôi ở nơi nhà xưa cũ, cột kèo choán hết diện tích. Nhà rộng thênh thang gió vào bốn ngả. Thời tiết Huế nặng như chì. Đôi lúc trời thật mâu thuẫn vừa nắng vừa mưa. Chiều chiều, những ngọn gió nồm thổi trái phương làm mình ngái ngái trong người.

Thưa bà, cần chi, có chi đó mà trở lại. Huế với Sagion có bao lăm, muốn bay về lúc nào chẳng được. Quay lại làm gì. Miễn cưỡng ghép hai cái xác không hồn vào nhau để khinh bỉ nhau suốt đời sao? Lý hay tình chi cũng bỏ hệ thống. Cứ cho đấy là chuyện ly thân mà pháp luật là đôi tâm hồn tự làm chứng lấy. Tôi nhất định sang tên chồng cho người khác, cúi đầu sống cho mình.

Nhưng thưa bà, tôi không phải cô đơn rõ ràng như vậy thiên hạ có cười không? Họ có cho là quá dại không? Tôi xin bà một quyết định: về với chồng, ở lỳ đất Huế hay quay lui lại sống cùng cha mẹ. Bà đã thu xếp việc nhà cho bao kẻ mất hạnh phúc, xin bà giúp tôi một chuyến. Xin đội mãi ơn bà.

Trần Thị Nhơn Hiền

TÚY HỒNG

1962

THAM KHẢO:

QUAN NIỆM VỀ TRUYỆN NGẮN

Viết truyện ngắn khó hơn viết truyện dài. Mất cũng nhiều thời giờ. Có khi hai ba tháng chưa ra một truyện. Tôi chú ý mạnh đến cách sử dụng từ ngữ và tâm lý nhân vật hơn là tìm cốt truyện và bố cục câu chuyện. Truyện ngắn đòi hỏi nhiều công phu và hy sinh. Tôi chú ý thật nhiều đến đoạn kết. Quan trọng như phần kết luận trong một bài luận ở trường học. Bây giờ, sau khi đã tự hủy diệt rất nhiều ở nghiệp viết thuê cho báo hàng ngày, tôi khó lòng viết lại được những truyện ngắn như những truyện ngắn ở tập truyện đầu tay.

Về Truyện ngắn “LÒNG THÀNH”

Sáng tác thứ ba của đời cầm bút. Viết xong cái truyện ngắn thứ ba này, tôi mới hiểu tôi và tôi biết truyện này đã gây một vài ngạc nhiên nhỏ chung quanh. Huế và Sagion vẫn cách xa diệu vợi và vẫn còn thấm ướt kỷ niệm cho đến bây giờ. Tôi viết truyện này, tôi làm bài luận văn đặc biệt nhất cuộc đời, khi tôi còn là một cô giáo cấm cung tại Huế. Giờ đây, trên bìa năm 1973 nhìn lại, văn chương của mình không biết có phải đã bước giật lùi? Làm văn nghệ sao mà thê thảm? Chỉ có hồi bắt đầu làm mới sung sướng. Tôi viết cái truyện ngắn thứ ba này khi đang vô cùng sung sướng với nhiều hy vọng nẩy từng nụ non.