Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 4 tháng 9, 2017

Có gì trong tuyển tập ‘40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại’

Quốc Dũng/Người Việt

clip_image001Hàng ngồi, phu nhân nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (trái) và nhà văn Nhã Ca; hàng đứng, nhà thơ Phan Tấn Hải (trái) và nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. (Hình: Nguyễn Đức Tùng cung cấp)

WESTMINSTER, California (NV) – “Cách đây gần ba năm, Tháng Mười Hai, 2014, tôi dự buổi hội thảo ‘20 Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975’ do hai nhật báo Người Việt và Việt Báo cùng với hai tờ báo mạng về văn học là Tiền Vệ và Da Màu tổ chức tại Little Saigon, từ đó tôi nuôi ý tưởng, sau 20 năm đó thì còn lại cái gì nữa. Và tôi đã nung nấu trong lòng mình thực hiện 40 năm văn chương hải ngoại.”

Đó là chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, trong đời thường là một bác sĩ y khoa sinh sống ở Canada, người chủ biên tuyển tập “40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại,” một tác phẩm với thơ của 53 tác giả hải ngoại, do Văn Việt và Người Việt Books xuất bản. Nhân dịp ra mắt sách, một số nhà thơ có mặt trong tuyển tập, sẽ gặp gỡ độc giả lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật, 3 Tháng Chín, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Ông cho biết: “Ý tưởng là vậy nhưng tôi không thể nào thực hiện được, mà chỉ ấp ủ. Bởi vì muốn làm được thì phải có sự hợp nhất và đoàn kết của nhiều người, có những tiếng nói lớn, có nhiều người góp ý kiến. Đùng một cái tôi gặp ba, bốn nhân duyên.”

“Tình cờ tôi cộng tác với các anh trong Văn Việt, một tổ chức của người Việt trong nước như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Hoàng Hưng, nhà thơ Ý Nhi… Các anh ở trong nước nhưng rất quan tâm đến văn học ở hải ngoại, và khuyến khích tôi tập hợp bạn bè lại làm cuốn sách này. Rồi tôi được dịp nói chuyện trực tiếp với nhà thơ Cung Trầm Tưởng, anh khích lệ tôi làm,” ông kể.

“Vì vậy cuốn sách này có công sức của các anh, của nhà thơ Du Tử Lê, nhà văn Nhật Tiến… cùng góp bàn tay vào giúp tôi thực hiện. Do đó, 40 năm văn học hải ngoại là nối tiếp của văn học miền Nam Việt Nam 1954-1975,” ông cho hay.

Để chọn 53 tác giả góp mặt trong sách, ông chọn lựa theo hai tiêu chí. Thứ nhất là người đã từng sống và viết ở hải ngoại từ năm 1975. “Có nghĩa là, dù viết trước năm 1975 nhưng sau đó không viết nữa thì cũng không tính. Chỉ những người có tác phẩm sau năm 1975 mới tính, cho đến thời điểm chúng tôi thực hiện sách,” ông nói.

“Thứ hai, thơ phải là thơ hay. Tiêu chuẩn chọn lựa của chúng tôi là bài thơ đó phải đại diện cho những tác phẩm mà tôi tin rằng nó có giá trị nhất định. Tất nhiên nói hay thì có nhiều dư luận khác nhau. Có người chê, có người khen, có người thích, có người không. Nhưng ít nhất có điểm chung là bài thơ tương đối có giá trị đại diện cho văn chương hải ngoại. Không những nó là tác phẩm văn học, mà nó còn phản ảnh được cho cuộc sống, tâm hồn người Việt hải ngoại, như là một cộng đồng tị nạn từ năm 1975, sau đó phát triển hơn nữa thành phong trào di dân như HO, đoàn tụ… nhưng gốc rễ của nó vẫn là tiếng nói của một cộng đồng lưu vong,” ông giải thích.

clip_image002Tuyển tập “40 Năm Thơ Việt Hải Ngoại.” (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Dẫu vậy, ông vẫn chưa hài lòng lắm về tuyển tập này của mình, bởi vì “Tuyển tập có một nhóm tác giả được gọi là sót, và một nhóm tác giả được gọi là thiếu.”

“Thiếu là vì chúng tôi quyết định không đưa những tác phẩm của những tác giả quá cố. Lý do là chúng tôi không tìm được bản quyền của những gia đình thừa kế. Như vậy theo luật bản quyền, chúng tôi không thể in thành sách các tác phẩm của người đã mất, dù rất quý mến như nhà thơ Mai Thảo, Cao Đông Khánh, Minh Đức Hoài Trinh… Riêng trường hợp duy nhất là nhà thơ Đinh Cường thì ngoại lệ, bởi vì chúng tôi được nhà thơ Phạm Cao Hoàng, nhà thơ Đinh Trường Chinh và gia đình chuẩn bị tài liệu chu đáo, gửi bài vở cho chúng tôi,” ông nói.

“Sót là vì chúng tôi rất muốn đưa vào nhiều nhà thơ nữa nhưng không liên lạc được với tác giả hoặc người đại diện. Ví dụ, một người rất ủng hộ chúng tôi hiện nay và cũng ủng hộ trong vấn đề xuất bản sách như nhà văn Nhã Ca, nhà thơ Trần Dạ Từ, nhà thơ Đỗ Quý Toàn… nhưng cách đây ba năm khi thực hiện sách, chúng tôi không thể liên lạc được, không tìm được số điện thoại, không xin được email, nên không xin phép được. Nay xong rồi thì chúng tôi mới liên lạc được,” ông nói thêm.

Ông nhìn nhận: “Do hạn chế về nhân sự và thời gian, việc tập hợp bài vở không phải lúc nào cũng được như ý. Cố gắng của chúng tôi là chọn những tác phẩm vừa tiêu biểu cho tác giả, vừa khá mới, một ghi nhận về lối viết như quá trình đang diễn ra. Bằng cách ấy, người đọc có thể nhìn thấy hoàn cảnh chung của nền thơ Việt Nam hải ngoại mấy mươi năm nay.”

“Có thể nhận thấy tuyển tập chưa thể bao gồm các nhà thơ quá cố. Các nhà thơ nữ cũng xuất hiện với tần số thấp. Tỷ lệ các vùng địa lý chưa thích hợp, ví dụ thơ Đông Âu còn thưa thớt. Thật khó có thể biết tuyển tập hơn 50 nhà thơ là tiêu biểu đến đâu cho toàn bộ nền thơ hải ngoại, cũng thật khó để so sánh nền thơ ấy với thơ cơ trong nước và hai miền Nam và Bắc trước 1975,” ông cho hay.

Trong “Lời Nói Đầu” của tuyển tập, ông viết: “Thơ ca, như được thấy trong tuyển tập, mô tả ký ức của cộng đồng về đất nước nguồn cội, ghi lại bầu khí quyển của xã hội ngoài biên giới tổ quốc, tự do nhưng cũng trộn lẫn hạnh phúc và bất hạnh. Nền thơ ấy bảo vệ sự hy vọng vào những giá trị của con người và của dân tộc. Bốn mươi năm thơ hải ngoại là lời phản kháng và lời ca ngợi, là sự thật được mang đi qua những lằn ranh cương thổ.”

Tuyển tập có sự góp mặt của các nhà thơ: Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Thanh Bình, Nguyễn Thanh Châu, Nguyễn Hàn Chung, Đinh Cường, Nam Dao, Hà Nguyên Du, Thế Dũng, Trần Nguyên Đán, Trần Trung Đạo, Phan Tấn Hải, Pháp Hoan, Luân Hoán, Phạm Cao Hoàng, Trần Nghi Hoàng, Lê Thị Huệ, Khế Iêm, Đỗ Kh., Lê Đình Nhất Lang, Vi Lãng, Du Tử Lê, Trần Vấn Lệ, Đinh Linh, Trần Đình Lương, Chu Vương Miện, Vương Ngọc Minh, Lâm Quang Mỹ, Đỗ Quang Nghĩa, Bắc Phong, Đức Phổ, Thường Quán, Nguyễn Linh Quang, Đỗ Quyên, Lữ Quỳnh, Như Quỳnh de Prelle, Phan Xuân Sinh, Hoàng Xuân Sơn, Cao Tần, Phan Ni Tấn, Nguyễn Xuân Thiệp, Vũ Hoàng Thư, Trịnh Y Thư, Nguyễn Đăng Thường, Trangđài Glassey – Trầnguyễn, Trần Mộng Tú, Nguyễn Đức Tùng, Cung Trầm Tưởng, Huy Tưởng, Lưu Diệu Vân, Thi Vũ, Nguyễn Lương Vỵ, Ngu Yên, Tô Thùy Yên.

Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/co-gi-trong-tuyen-tap-40-nam-tho-viet-hai-ngoai/