Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2017

Chúng ta nghĩ thế nào về tương lai của thế giới vào năm 2030?


(trích từ sách “Lịch sử của tính hiện đại”, NXN Tri Thức 2017)

Jaques Attali

Hiếu Tân dịch

Việc nhìn lại quá khứ về các hình thức của tính hiện đại có mục tiêu cuối cùng là nhận thức được tương lai của tương lai.Và, xuyên qua nó, tưởng tượng ra cái sẽ là dự phóng của các thế hệ tương lai, cái cách mà, vào năm 2030, người ta sẽ suy nghĩ và xây dựng thế giới của năm 2060.

Đọc những phần trước, người ta có thể nghĩ rằng vấn đề này đã được giải quyết: mỗi người, ở khắp nới, trong một thế giới chẳng bao lâu sẽ có chín tỉ người, muốn sống tự do và làm giàu. Sẽ vẫn còn, như hôm nay, những người hiện đại sẽ phù hợp với những lợi ích của nền dân chủ thị trường. Như vậy tính hiện đại thứ ba tiếp tục thống trị, dưới cái tên tây phương hóa. Đặc biệt, sẽ là hiện đại sự công nhận ở phụ nữ và trẻ em những quyền tương đương với những quyền của tất cả đàn ông. Tính hiện đại này cũng thể hiện trong diễn ngôn về kinh doanh, trong đổi mới, trong sự trình bày ở các thành phố những công trình kiến trúc táo bạo, trong những incubateur de start up (lò ấp khởi nghiệp), những bảo tàng nghệ thuật đương đại và những dàn nhạc giao hưởng.

Ở nhiểu nơi sẽ có nhiều lực lượng chống đối cái tương lai của tương lai này. Bởi vì mọi người đều cảm thấy tính hiện đại của Lí trí không còn đủ để làm cho con người hạnh phúc nữa: nền dân chủ thị trường làm cho tình trạng bất bình đẳng nặng nề thêm, làm cho các nhà nước yếu đi, nhân bội thất vọng và chỉ quan tâm đến tính đương đại. Nhiều người sẽ chống đối tính hiện đại của Lí trí nhân danh các tính hiện đại cũ hoặc mới.

Trong thực tế, tôi nhận ra bảy loại tương lai khả thể của tính hiện đại, bảy dự phóng cho các thế hệ tương lai. Mỗi loại ứng với những lực lượng nhất định đã bắt đầu tác động trong Lịch sử.

Tôi đặt tên chúng là “hypermodernité” (“siêu hiện đại”) “amodernité” (phi hiện đại), “rétromodernité” (tính hiện đại hoài cổ), “ethnomodernité” (tính hiện đại chủng tộc), “théomodernité” (tính hiện đại thần quyền), “écomodernité” (tính hiện đại sinh thái), “altermodernité” (tính hiện đại cải biến). Cái đầu tiên, “siêu hiện đại”, là sự kéo dài cực điểm của tính hiện đại của Lí trí. Năm cái tiếp theo là những hình thức cải tiến của các tính hiện đại trước. Chỉ có cái cuối cùng, tính hiện đại cải biến, tôi cho rằng dường như là độc đáo và có thể cạnh tranh với “siêu hiện đại” cả hai đều tương thích với sự sống còn lâu dài của loài người, và với nền dân chủ. Tuy nhiên tôi thấy dường như khả năng thành công (đăng quang) của nó là vô cùng nhỏ.

Siêu hiện đại[1] –tính hiện đại của hiện tượng nhân tạo.

Nếu thế giới tiếp tục tiến hóa theo động lực hiện tại, thì nó sẽ ủng hộ việc phổ cập tính hiện đại thứ ba, tức là một thắng lợi toàn cầu của Lí trí và hình thức tổ chức chính trị của nó - nền dân chủ thị trường. Mọi người đều muốn có cùng những quyền như những người phương Tây, quyền lao động, quyền lựa chọn, bầu cử, kết hôn, li hôn, tự chăm sóc bản thân, cư trú, giaỉ trí, du lịch, di chuyển. Và mọi người muốn có thế thay đổi lựa chọn của mình theo sở thích. Nền chuyên chế của tính hiệu quả sẽ tiếp tục tự khẳng định. Phái hữu và phái tả không phân biệt với nhau bằng sự nhấn mạnh lên phạm vi của thị trường, là cái đối với cả hai phái, sẽ rộng đến mức nào là do công nghệ cho phép, mà sẽ nhấn mạnh lên công bằng xã hội và tính hiệu quả.

Rồi thị trường, khi trở thành toàn cầu, sẽ tiến trước nền dân chủ vẫn còn cục bộ. Thế giới sẽ được cai trị trong cảnh hỗn loạn lớn nhất, điều mà tôi đã gọi, ở một chỗ khác là “siêu quyền lực.” Và để chỉ dự phóng tương lai này, cần phải nói về “siêu hiện đại”. Về thực chất, nó sinh ra từ những hậu quả của cạnh tranh về cải tiến từ hiệu suất đến các lĩnh vực ngày nay được bảo hộ.

Trước hết người ta sử dụng những công nghệ thông tin mới để cách mạng những hoạt động và những dịch vụ chủ yếu hướng đến những người trẻ hơn và hướng đến giáo dục: sẽ là siêu hiện đại khi học bằng kĩ thuật số, khi chơi bằng kĩ thuật số, thi lấy bằng online (trực tuyến). Cũng sẽ là siêu hiện đại khi biết tự động theo dõi sức khỏe để đề phòng tất cả các loại bệnh.

Những bước dạo đầu của cái hình thức mới của tính hiện đại thứ ba này đã được chuẩn bị từ rất lâu rồi. Nó làm trầm trọng thêm cái khuynh hướng thực tế hiện nay về tính tạm thời của những quyết định, những hợp đồng và những công việc, những sự hoà hợp của tất cả các bản chất, của các hoàn cảnh, của các nơi cư trú. Và sẽ dẫn đến biện hộ cho sự bất trung, nhân danh chính lòng trung thành: người ta giải tán để vẫn được tự do mà không đánh lừa người khác.

Nó đặc biệt kèm theo sự chấp nhận tất cả các hình thức quan hệ tình cảm và tình dục trừ loạn luân. Nó bao hàm, ngoài luật hôn nhân cho tất cả mọi người, cả những luật về li hôn và con cái. Nó dẫn đàn ông đàn bà đến chỗ ham muốn những mối quan hệ chớp nhoáng, đồng thời, tức thời, thoát khỏi mọi ràng buộc, mọi cam kết. Các phong tục bề ngoài ngày càng phóng khoáng hơn, thật ra sẽ phải nằm dưới sự giám sát chặt chẽ của những mạng lưới phủ khắp.

Để được tự do, tình dục phải dần dần tách khỏi sinh sản và trở thành khoái lạc tự bản thân nó, một nguồn để khám phá bản thân và người khác.

Dự phóng của tính siêu hiện đại này sau đó sẽ mở rộng sự tiếp cận tới tất cả các đối tượng và các dịch vụ, đem lại lợi nhuận cho các nhà buôn, kết nối họ với các dân du mục, rồi lắp ráp vào cơ thể con người những bộ phận giả. Như vậy con người càng được trang bị những đồ giả thì càng hiện đại.

Trước hết các đồng hồ đeo tay thế chỗ các điện thoại di động và cung cấp những thông tin về sức khoẻ của người mang nó. Rồi đến những bộ phận cấy vào trong người để theo dõi và chăm sóc, như máy tạo nhịp tim và các cơ quan nhân tạo.

Thời trang ngày càng mang tính du cư và không phân biệt giới (unisexe). Gần với cách ăn mặc của dân Anhđiêng hơn tất cả các dân tộc khác, với những vật liệu mà các công nghệ nanô và internet làm cho thành thông minh, có thể theo dõi và tự động theo dõi sức khỏe, tâm trạng và hành vi.

Như vậy trình độ siêu hiện đại của một xã hội được đánh giá bằng sự nhântạo hóa của nó. Càng phổ cập việc sử dụng những đồ nhân tạo càng được coi là “siêu hiện đại”.

Những robot sẽ có mặt khắp nơi để nâng cao hiệu quả. Không chỉ trong các nhà máy hoặc công sở, mà ngay trong nhà ở, trong đời sống riêng tư, người ta cũng có robot làm bạn. Người ta hi vọng giải quyết các vấn đề vật chất hàng đầu, như vấn đề khí hậu, bằng tiến bộ kĩ thuật.

Sự tiến bộ của khoa sinh học, của các công nghệ nanô, của người máy làm tăng tốc tiến trình này. Những miếng cấy ghép trong não cho phép điều khiển bằng cách chuyển những ý nghĩ đến những máy móc được kết nối. Rồi đến những cơ quan nhân tạo, (cơ giới, điện tử, hoặc gene) thay thế những bộ phận tự nhiên của cơ thể đang già đi.

Càng có nhiều bộ phận giả người ta càng hiện đại, giống như trong Limbo, một tiểu thuyết phi thường và đầy tính dự báo của Bernard Wolfe xuất hiện năm 1952, trong đó địa vị của một cá nhân trong xã hội phụ thuộc số lượng những bộ phận giả mà người đó có quyền mang, bằng cách tự nguyện cho cắt cụt các chi của mình, tay và chân, để thay thế. Transhumain (chuyển nhân), 1957, được nhà sinh học Julian Huxley (em trai của Aldous) định nghĩa là một con người, trong khi vẫn còn hoàn toàn là người, “phát triển những khả năng mới của bản chất con người”, cũng cùng một nghĩa ấy.

Sự già đi dần dần sẽ được làm chậm lại, người ta sẽ nói về rétro-veillissement (sự hãm lại quá trình lão hóa). Sống trẻ trung hàng nghìn năm sẽ không còn là điều huyền hoặc bất khả nữa. Nó sẽ làm đảo lộn những điều kiện sống, những quan niệm về hưu. Nó sẽ đặt lại vấn đề một cách hoàn toàn khác về sự đồng thời của các thế hệ, như trong thời Trung Cổ, khi người ta nghĩ về những hậu quả của sự phục sinh của những người đã chết.

Chúng ta cũng sẽ đi đến một nhân loại nam nữ như nhau, trong đó đàn ông và đàn bà bình đẳng trên tất cả mọi phương diện, kể cả sinh đẻ: nó sẽ không còn là đặc quyền, hay gánh nặng, của phụ nữ nữa. Điều này sẽ kéo dài thêm một quá trình tiến hóa dài đã từ rất lâu nhằm tách sinh sản ra khỏi tình dục, nhờ những kĩ thuật ngày càng tinh vi (thuốc viên, thụ tinh trong ống nghiệm). Rồi sẽ đến một ngày thậm chí siêu hiện đại là phi giới tính (unisexe), (vả lại từ hàng trăm triệu năm trước đã có những loài vật không giới tính) có con, một hoặc nhiều, mà không có quan hệ sinh lí và không có ai phải mang thai. Điều này sẽ dẫn đến việc tách bào thai ra khỏi dạ con, thụ thai và sinh con hoàn toàn bên ngoài dạ con của người mẹ, trong một tử cung nhân tạo, biến con người thành một vật nhân tạo, chế tạo theo số đo (sur mesure).

Nhân tiện, dạ con nhân tạo giảỉ quyết một vấn đề chủ yếu khác nó kìm hãm sự tiến hóa của loài người: kích thước của bộ não bị hạn chế bởi cách sinh đẻ. Nếu đứa trẻ được sinh ra từ một dạ con nhân tạo, kích thước bộ não của nó sẽ không bị hạn chế nữa. Sau bước chuyển qua tư thế thẳng đứng làm xuất hiện loài người, thì đây sẽ là một bước tiến hóa triệt để khác, và tất cả những gì đang diễn ra ngày hôm nay sẽ chuẩn bị chúng ta cho bước tiến hoá ấy.

Như vậy bằng cách dần dần từng bước trở thành đồ vật như những đồ vật khác, những con người sẽ là những sản phẩm tiêu dùng đối với những ai mua họ (vì họ tự bán mình), bị người mua bỏ rơi trong các cô nhi viện, người bán lại đem bán hạ giá hoặc vứt ra đường phố ngay khi có một mẫu mới ra đời kích thích ham muốn. Như vậy bị mong muốn bất tử và hoan lạc vĩnh cửu thúc đẩy biến tất cả thành nhân tạo, loài người sẽ trở thành những vật tạo tác tự mê (artefacts narcissiques) đặt cạnh nhau, điều này đã được nhà văn Aldous Huxley mô tả rất hay từ năm 1932 trong cuốn tiểu thuyết Brave New World/ Le Meilleur des Mondes (Thế giới mới tươi đẹp) của ông.

Bản thân nghệ thuật cũng tham gia ở hàng đầu vào cuộc tiến hoá này, điểm cuối cùng trong quá trình tây phương hóa của thế giới: người ta sẽ xử lí, người ta đã xử lí những thân thể con người giống như những bộ phận của một tác phẩm nghệ thuật, bằng cách sử dụng những danseur (vũ công) rồi những hologramme (ảnh chụp giao thoa laser), rồi những clone (dòng vô tính) trong những môn nghệ thuật biểu diễn (spectacle vivant).

Rồi di truyền học cũng sẽ được các nghệ sĩ sử dụng để tạo ra những quái vật, nửa người nửa thú, nửa cây cỏ, nửa khoáng chất.

Rất khó hình dung rằng người ta có thể chống đối tính siêu hiện đại này: chỉ cần có thể làm cho nó trở nên hợp pháp ở đâu đó. Những kẻ “siêu lãng du” (hypernomade) này, tầng lớp tinh hoa tài chính và văn hóa mới, trong khi đi tìm sự bất tử của mình và luôn tự cảm thấy mạnh nhất, sẽ tài trợ cho họ.

Sau này, biểu hiện vật chất của loài người rồi cũng trở thành thứ yếu. Nó sẽ trở thành ảo, thuần túy ý thức, thuần túy trừu tượng. Kể cả trong những cảm giác mang tính sinh lí nhất của nó. Như tình dục. Cuối cùng, người ta sẽ đi đến một dự phóng “viễn liên”[2] (téléportation) của các ý thức, như vậy tìm lại, bằng khoa học, những tín ngưỡng cổ xưa nhất về đầu thai. Điều này đã mở ra những viễn cảnh choáng ngợp cho các nghệ sĩ, những người sẽ thấy lại ở đây những nền tảng siêu nghiệm cho cảm hứng.

Khi kiểu tiến hóa này bắt đầu trở thành hiện thực, nhiều người không chấp nhận ở đó những hậu quả đối với nền dân chủ, đối với biến đổi khí hậu, đối với tình trạng tồi tệ của một xã hội chỉ còn những lính đánh thuê bất nghĩa, và còn khó chấp nhận hơn những hậu quả đối với việc biến con người thành những vật di truyền nhân tạo, đối với ngay chính bản chất cuộc sống và dự phóng con người. Sẽ diễn ra những cuộc nổi loạn chống lại sự bành trướng tự sát của tính hiện đại của Lí trí này.

Bản thân tính siêu hiện đại sẽ phản kháng lại những tiếng gầm rú này: để tạm thời giải quyết sự thiếu vắng nền dân chủ và pháp luật, thị trường thế giới sẽ áp đặt một qui tắc pháp luật riêng và những tiêu chuẩn quốc tế: tính siêu hiện đại sẽ không cần đến những chính phủ quốc gia, ngoài những chính phủ của các thành phố. Nó sé có cảnh sát và nhà tù để buộc người ta tôn trọng những luật này. Để xử lí những nguy cơ bất trung, và kiểm soát tội phạm, các hãng sẽ bán những phương tiện theo dõi từng người cho đến tận những suy nghĩ sâu kín của họ, để ngăn ngừa những hành vi phạm tội trước khi cần phải trừng phạt chúng. Để mang lại lợi ích lớn nhất cho một thiểu số ngày càng thu hẹp. Để xử lí những biến đổi hỗn loạn trong khí hậu, người ta sẽ đi đén chỗ điều hoà khí hậu toàn hành tinh, và áp đặt chế độ ăn chay.

Từ đó suy ra, sẽ không còn ai có thể chống đối tính siêu hiện đại, là cái có tham vọng sẽ đem lại cho chín tỉ người trên hành tinh một mức sống, tự do chính trị và bình đẳng cá nhân cao hơn của phương Tây ngày nay.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề chưa có lời đáp: con người được phép xác định và bảo vệ tính riêng tư của bản sắc cá nhân của mình như thế nào? Làm thế nào ngăn chặn để không biến thành một tập hợp những vật nhân tạo chế ra những đồ nhân tạo? Làm thế nào để tất cả những cái đó không dẫn đến biến mất loài người nhân danh tự do của nó.

Như vậy, chống lại sự năng động tự sát này của phương tây hóa và sự đắc thắng của lí trí, nhiều lực lượng mới, hoặc rất cũ, xuất hiện. Về phương diện chính trị. Bằng bạo lực. Chúng cố gắng gán một nghĩa mới (hay rất cũ) cho tương lai, tức là một nghĩa mới (hay rất cũ) cho tính hiện đại. Nó đã tạo ra, như rất lâu từ trước, những tính hiện đại khác.

Tính phi hiện đại (amodernité)

Cái đầu tiên trong sáu hình thức khác của tính hiện đại này là hình thức mà chúng ta đã biết, dưới tên gọi “tính đương đại”; nó gồm và sẽ gồm phủ nhận ngay cả sự cần thiết suy nghĩ về tương lai. Bởi vì người ta đã nói nhất định không thể dự kiến được tương lai, vì nó bị chi phối bởi quá nhiều nhân tố. Thật ra đã và sẽ ngày càng khó đoán trước những đổi mới kĩ thuật những phát minh trong khoa học, những cuộc cách mạng trong chính trị và tất cả những khuynh hướng tiến hóa của thế giới, mà tầm quan trọng của chúng ngày càng đan xen nhau. Vậy là người ta cứ cố mò mẫm tiến lên. Thu nhỏ khả năng của một dự án siêu hiện đại, như tôi đã mô tả, để khỏi phải sợ.

Những màn dạo đầu của tính hiện đại tương lai này đã được chuẩn bị từ rất lâu rồi. Đặc biệt trong thế giới đương đại, là khúc mở đầu (prélude) của nó: nó tuyên bố tính phi hiện đại (amodernité).

Các nhà lãnh đạo chính trị và các doanh nhân sẽ còn tuân phục những câu thúc tức thời hơn cả hôm nay. Từng khoảnh khắc họ có thể bị thay thế bằng những cuộc bỏ phiếu điện tử thường xuyên của các cử tri và các cổ đông. Một số lượng cá nhân tăng lên, hầu hết tăng lên là ngưởi trẻ, sẽ từ chối suy nghĩ về tương lai, về sự chuẩn bị cho nó, để chỉ sống trong hiện tại. Họ sẽ không tiết kiệm nữa. Họ sẽ không có con cái nữa. Như bao giờ cũng thế, sự bành trướng của chủ nghĩa cá nhân, sự ‘chuyên chế của tức khắc’ này, sẽ đòi hỏi tăng cường các biện pháp kiểm soát xã hội.

Tất nhiên, một thái độ như thế sẽ khó tồn tại lâu dài. Thực tế, nó còn kéo theo những thảm họa khí hậu, dân số, kinh tế và xã hội, nó sẽ khó thoát khỏi những thảm họa này mà không đặt vấn đề dân chủ. Người ta sẽ lưu ý rằng tính phi hiện đại này chỉ là cách mù quáng lao đến siêu hiện đại, sẽ quay trở lại như một dự án minh bạch.

Tính hiện đại hoài cổ (rétromodernité)

Hốt hoảng vì sự tiến triển này, một bộ phận dân cư của trái đất thích tìm cách sống theo những quan niệm của quá khứ: trở lại cái thời mà xã hội còn ổn định, có một sức mạnh và một niềm tin vĩnh cửu: hiện đại sẽ là hoài niệm.

Chắc chắn, ít ra là ở phương Tây, người ta sẽ xác định thời đại lí tưởng xung quanh một thời điểm mà xã hội phương Tây ở trên đỉnh cao quyền lực của nó: cuối những năm 1960, chính xác sau năm 1968 và trước cuộc khủng hoảng dầu hỏa đầu tiên.

Một số giới tinh hoa ngày nay, có tuổi trẻ vào thời ấy, hoặc do cha mẹ nhớ lại, ca ngợi và sẽ ca ngợi những giá trị, những nghệ sĩ và những tác phẩm của thời kì ấy. Hiện đại là hoài cổ. Sống, ăn mặc như trong quá khứ là mốt.

Những màn dạo đầu của tính hiện đại tương lai này đã được chuẩn bị từ rất lâu rồi: trong niềm nhớ tiếc âm nhạc lấy lại cái mốt những năm 1960, hầu như trên khắp thế giới. Trong những giá trị của một thứ hổ lốn phương đông.

Tính hiện đại hoài cổ sẽ đề cao hôn nhân cổ điển, gia đình truyền thống, từ chối mạo hiểm và đổi mới, đề cao sự ổn định của các khế ước, lòng chung thủy và trung thành, không vì thế mà dựa trên những giá trị tôn giáo.

Nhưng tính hiện đại hoài cổ sẽ không bền. Nó được thể hiện bằng việc làm suy giảm tính hiệu quả, làm chậm lại tăng trưởng và giảm việc làm. Vì xã hội hiện đại hoài cổ không thể gạt bỏ lâu dài những tiến bộ của y học, hoặc những thứ mà giải trí tiêu khiển đem đến, chống lại sự chuyên chế của tính hiệu quả, là cái tiếp tục bị áp đặt do cạnh tranh trên các thị trường, cho nên sau cái hiện đại hoài cổ đặt trong ngoặc đơn này, người ta quay trở lại với tiến trình về hướng siêu hiện đại.

Tính hiện đại chủng tộc (ethnomodernité)

Một phản ứng khác có thể là (sẽ, đã là) một sự co cụm chống lại toàn cầu hóa, đời sống du mục và sự lai tạp, kéo theo tính siêu hiện đại. Khi đó sẽ là hiện đại những gì cho phép quay về những giá trị bản sắc và đóng cửa các biên giới. Trước hết là văn hóa và ngôn ngữ. Rồi đến kinh tế, chính trị và chủng tộc.

Người ta đã thấy điều này hiện diện trong những diễn ngôn của những người theo chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa dân tộc nổi lên khắp nơi trên thế giới, kể cả những nước được lợi nhất trong cuộc toàn cầu hóa, như Pháp. Người ta cũng thấy nó trong nghệ thuật, nơi người mua của các nước mới trỗi dậy ưu ái cho nghệ sĩ nước mình và săn lùng những báu vật cổ của nền văn hóa của họ rải rác trên hành tinh.

Hiện đại ngày càng có nghĩa là mua những sản phẩm địa phương, chỉ nói tiếng của nó, không đi du lịch, săn đuổi những người nhập cư.

Những màn dạo đầu của tính hiện đại tương lai này đã được ươm mầm từ rất lâu rồi. Nó tự biểu lộ trong những hệ tư tưởng và những đảng cực đoan ở châu Âu ngày càng tiến đến gần quyền lực. Trong sự từ chối hiện diện của người nước ngoài ở châu Âu mà những hiệp ước Schengen đặt ra. Trong phong trào Tiệc Trà (Tea Party) ở Mỹ. Và cả trong những mong muốn chia nhỏ của rất nhiều nước. Nói riêng đó là điều sẽ đóng vai trò quan trọng trong chủ nghĩa phân lập của một số địa phương châu Phi, châu Âu hoặc trong một số bang của liên bang Ấn Độ (ban đầu, nó có thể dẫn đến việc chia cắt hơn năm mươi nước).

Điều này dẫn đến việc chia nhỏ các nước và những phong trào quần chúng rộng lớn. Hơn nữa, người ta có thể tưởng tượng rằng ‘hiện đại’ là thuần khiết về mặt chủng tộc, (thuần chủng), với tất cả những hậu quả tai hại mà người ta đã trải qua. Với tất cả những phương tiện mới để kiểm soát và bắt tuân theo yêu cầu ngu ngốc này. Người ta sẽ đi đến chỗ thay thế thẻ căn cước bằng thẻ gène di truyền, là thứ dường như đo được mức độ thuần chủng.

Cả ở đây nữa, nền dân chủ không còn là hiện đại: tính hiện đại chủng tộc không tương thích với quyền tự do cá nhân và nó tự thể hiện bằng cách làm giảm đi tính hiệu quả, tăng trưởng và việc làm. Vì tự do vẫn còn là một yêu sách không thể đàn áp, nên tính hiện đại chủng tộc không thể là một mô hình lâu dài. Và người ta lại quay trở vể với siêu hiện đại, sau cái hiện đại chủng tộc đặt trong ngoặc đơn này,

Tính hiện đại thần quyền (théomodernité )

Trước tiềm năng thất bại của lí trí, của tây phương hóa và của nền dân chủ thị trường, trước những mối đe dọa của siêu hiện đại, trước sự chuyên chế của cái mới và sự bấp bênh, khái niệm tôn giáo về tính hiện đại: khái niệm Đức tin, ngày hôm nay có thể lại tìm thấy một sức lôi cuốn còn mạnh mẽ hơn nhiều, đối với một bộ phận rất lớn dân chúng. Đối với họ, các quyền của khải thị chân lí nhất định phải luôn luôn thắng các quyền của lương tâm và của lí trí. Như vậy là lại quay về tính hiện đại của Đức tin.

Đã có nhiều nhóm Cơ Đốc không chấp nhận cả thuyết tiến hóa dẫn đến sự sinh ra loài người, lẫn những phát kiến của khoa vật lí thiên văn về sự sáng tạo ra vũ trụ, họ phủ nhận tất cả nhửng hậu quả của nền dân chủ thị trường đối với phong tục (đặc biệt là việc hợp pháp hóa li hôn, tình dục đồng giới, phá thai, hôn nhân đồng giới), họ chống đối việc nghiên cứu tế bào gốc, và những gì sinh ra từ đấy, như những cơ quan nhân tạo và sinh sản vô tính. Họ cũng phản đối tất cả những phương diện khác của siêu hiện đại mà họ chất vấn mạnh mẽ và họ không nhận thức được tất cả tầm sâu rộng của chúng. Bởi vậy người ta có thể chờ thấy những đám đông ngày càng nhiều, ở phương Tây cũng như trong phần còn lại của thế giới Cơ Đốc giáo, đặc biệt ở châu Mỹ Latinh và châu Phi, từ chối tính siêu hiện đại và nền dân chủ thị trường chuẩn bị cho nó.

Điều này có thể có những hậu quả đáng kể. Nền dân chủ thị trường vốn đã chịu ảnh hưởng rất nặng của những giá trị cơ đốc giáo, (trong phần lớn trường học người ta cầu nguyện ngày càng nhiều) và sẽ còn nhiều hơn với hispanisation (tâybannha-hóa[3]) khi đó có thể rơi vào nguy hiểm do những đòi hỏi của Đức tin. Khi đó nền chuyên chế (mà Alexis de Tocqueville đã sợ nhìn thấy nổi lên ở Hoa Kỳ do sự đồng hóa quá mức của nó) có thể được lập lên ở Washington dưới hình thức một nền chính trị thần quyền Cơ Đốc giáo từ chối tất cả những phương diện của siêu hiện đại.

Tương tự, trong đạo Hồi, người ta cũng thấy khái niệm chính trị thần quyền về tính hiện đại quay trở lại. Người ta đã thấy nền văn minh Arập-Hồi giáo từng có đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của tri thức khoa học cho đến thế kỉ XII; nhiều nước Hồi giáo ngày nay, ít nhất về nguyên tắc, thừa nhận một nhà nước pháp trị dựa trên khế ước xã hội, sự phân lập Nhà nước, quyền lực tôn gíáo, chủ nghĩa thế tục, và quyền tự do tín ngưỡng. Nhưng thái độ của đạo Hồi với nền dân chủ thị trường về bản chất vẫn còn khá gần với thái độ của Giáo hội Cơ đốc, vào thời Syllabus của giáo hoàng Pie IX năm 1864, tức là khước tử toàn bộ tính hiện đại của Lí trí.

Đạo Hồi này chê trách và sẽ còn chê trách phương Tây ca ngợi quyền con người làm thiệt hại đến quyền của Chúa. Đối với uy quyền Hồi giáo này, sẽ là hiện đại những ai chống lại phương Tây và tất cả những gì mà nó mang lại, từ thực dân đến giải phóng phong tục, từ giải phóng phụ nữ đến việc tạo ra nhà nước Israel, theo họ là biểu hiện cực độ của quan niệm phương Tây về tính hiện đại. Chẳng hạn, đối với tổ chức Anh em Hồi giáo Ai Cập, sẽ là hiện đại những ai đến gần với việc tạo ra một nhà nước Hồi giáo và Hồi giáo hóa xã hội và các thiết chế xã hội, pháp luật và chính trị. Bằng cách đó họ tạo ra một thuyết phổ độ mới và khuyên nên áp dụng luật Chari[4] trên khắp hành tinh. Trong tất cả các nước mà họ nắm chính quyền, họ dẹp bỏ quyền của phụ nữ, quyền tiếp cận tri thức khoa học, và tất cả các hình thức đối lập. Chẳng hạn họ đã làm như vậy trong thời gian ngắn gần đây khi họ cầm quyền ở Ai Cập.

Trong một phần rất lớn của địa cầu (và nhất là nếu tính siêu hiện đại đe dọa đạt đến mục đích của nó ở phương Tây, mở ra cái viễn cảnh đặt lại vấn đề bản chất của loài người) quan niệm về tính hiện đại thần quyền sẽ chiếm ưu thế. Bằng khủng bố và bằng những cuộc bầu cử, giới chính trị thần quyền sẽ áp đặt một quan niệm về tính hiện đại hoàn toàn thần phục những qui định tôn giáo, còn tệ hại hơn nhiều so với những qui định ở thiên niên kỉ đầu tiên của công lịch. Cho dù với cái giá của sự suy giảm hiệu quả (sản xuất), tăng trưởng (kinh tế) và sử dụng lao động (việc làm). Tất nhiên, nền dân chủ sẽ không sống sót nổi, và các dân tộc sẽ chết vì từ chối nó. Sau đó, vì lí do này, tính hiện đại thần quyền sẽ thất bại, ở các nước này cũng như ở những nơi khác, người ta sẽ quay trở lại với siêu hiện đại.

Tính hiện đại sinh thái (écomodernité)

Một quan niệm thứ sáu về tính hiện đại, cũng như cái trước, xuất phát từ sự từ chối siêu hiện đại, và đi tìm một tương lai khác, nhưng không vì thế mà chuyển qua tôn giáo. Đặc biệt, cái giá của nhận thức về những hậu quả khủng khiếp cùa siêu hiện đại đối với sự hỗn loạn của khí hậu và đối với bản chất của sự sống có thể kéo theo những phản ứng hung tợn, bất chấp cả lôgích. Khi đó sẽ là hiện đại chỉ những ai tham gia vào việc tạo ra một thế giới sinh thái lâu bền, cho dù có phải làm thiệt hại đến các quyền tự do cá nhân và nền dân chủ.

Dự án tương lai này, nhằm bảo tồn cảnh đồng quê yên bình, hệ thực vật và môi trường thiên nhiên không phải là một ý tưởng mới mẻ. Nó tự khẳng định từ lâu trước khi có khoa sinh thái học, người ta có thể truy nguyên ít nhất từ thế kỉ XIV. Chẳng hạn, ngay từ năm 1392, ở Sardaigne, Éléonore d’ Arborée việc bảo vệ chim săn mồi đã được đưa vào bộ Luật Dân sự, La Carta de Logu, vẫn còn hiệu lực đến tận năm 1827. Năm 1866 trong tác phẩm của ông, Generelle Morphologie der Organismen (Hình thái học đại cương về các sinh vật), nhà tự nhiên học người Đức Ernst Haeckel[5] sáng tạo ra thuật ngữ “sinh thái học” (écologie) có nghĩa là “khoa học về kinh tế, về các tập quán, về lối sống, về những mối quan hệ sống còn của sinh vật với môi trường bên ngoài”. Năm 1872, vườn quốc gia đầu tiên được lập ra ở Hoa Kỳ, Yellowstone. Ở Pháp năm 1912, Hội bảo vệ các loài chim của Pháp lập ra khu bảo tồn thiên nhiên quan trọng đầu tiên, Sept-Îles, (bẩy đảo) ngoài khơi Perros-Guirec. Năm 1927 khu bảo tồn thiên nhiên Camargue được lập ra theo yêu cầu của Hội toàn quốc Bảo vệ thiên nhiên. Trong những năm 1930, thuật ngữ “sinh thái” đi vào tên gọi của nhiều tạp chí (Écology, Journal of Ecology). Một nhà thực vật học người Anh, George Tansley[6], năm 1935 đề xuất khái niệm “hệ sinh thái” (écosystème). Ở Hoa Kỳ, ý thức về sinh thái được ghi dấu vào đầu những năm 1960 với tác phẩm best-seller của nhà sinh học Rachel Carson[7], “Mùa xuân yên tĩnh” (Silent Spring, 1962) lên tiếng báo động về những nguy hiểm của các loại thuốc trừ sâu. Cuộc chiến tranh Việt Nam, khởi đầu sự suy thoái lâu dài các hệ tự nhiên và nông nghiệp, làm đậm thêm những mối quan tâm lo lắng này.

Sinh thái học chính trị bác bỏ từ lâu quan niệm tây phương về tính hiện đại, bằng cách phản đối sử dụng năng lượng, phản đối xã hội tiêu thụ và chủ trương tất cả vì hiệu quả (productivisme) của nó. Đối với các nhà sinh thái học, ôtô, máy bay, cơ giới hoá nông nghiệp, tiêu thụ thịt..không phải là hiện đại.

Các nhà hiện đại sinh thái học nghĩ rằng siêu hiện đại không phải là hiện đại bởi vì nó sẽ tàn phá môi trường hơn nữa và nhân tạo hóa đời sống.

Theo lôgich này, một tính hiện đại hoàn toàn khác, tính hiện đại sinh thái hướng đến ưu ái tất cả những gì tạo điều kiện bảo vệ thiên nhiên, cho dù có phải đặt lại vấn đề kinh tế thị trường, dân chủ và tự do cá nhân. Thậm chí với cái giá làm giảm hiệu quả sản xuất, là chậm lại tăng trưởng và có hại cho việc làm.

Như vậy, hiện đại sẽ là sống đạm bạc, không tiêu thụ năng lượng, không phung phí nước, sống chậm, thích liên lạc từ xa hơn là đi du lịch. Tính hiện đại sinh thái sẽ chuyển sang cấm đoán: cấm sử dụng ôtô, máy bay, và tiêu thụ thịt.

Ví dụ, không có đảng sinh thái nào còn đặt lại vấn đề dân chủ nữa. Nhưng, trước sự trầm trọng thấy rõ của những rối loạn sinh thái trên toàn hành tinh, và cơn sóng thần siêu hiện đại, chắc chắn cần chờ đợi việc đặt lại vấn đề như thế, nhân danh bảo vệ những lợi ích lâu dài của loài người. Giống như người ta đã làm, ở Liên Xô trước đây và trong nhiều nước độc tài khác, nơi nền dân chủ bị xoá bỏ nhân danh quyền lợi cao hơn của giai cấp công nhân.

Về tổng thể, cả năm phản ứng đầu tiên với siêu hiện đại đều không tương thích với nền dân chủ và quyền con người. Tất cả chúng đều lấy mô hình xã hội toàn trị làm dự án tương lai, không còn chỗ cho nghệ thuật.

Không có cái nào trong năm mô hình ấy là thỏa mãn: làm sao tìm được hạnh phúc nếu tương lai không phải là sự kết thúc của loài người thì cũng là từ bỏ nền dân chủ?

Cần phải hi vọng vào một quan niệm thứ bảy về tính hiện đại, tuy không kiêu hãnh bằng quan niệm của những nhà Khai sáng, nhưng có khả năng bảo vệ nên dân chủ và duy trỉ sự đa dạng của các nền văn hóa và các cá nhân.

Tính hiện đại cải biến (altermodernité)

hay tính hiện đại của chủ nghĩa vị tha

Một quan niệm thứ bảy về tương lai có thể đáp trả những thách thức này, tính hiện đại cải biến. Nó đòi hỏi một tầm nhìn thật cao và một suy tư sâu sắc về những cái được mất của thời nay. Nó được đặt trên chủ nghĩa vị tha, đặc biệt đối với các thế hệ tương lai. Nó lấy hạnh phúc của người khác làm điều kiện cho hạnh phúc của mình. Tôi cảm thấy chỉ có nó là tính hiện đại duy nhất có thể sống lâu dài. Và cũng là cái duy nhất tương thích với nền dân chủ. Nó tập hợp những phương diện khác nhau của ba tính hiện đại trước, tính hiện đại của bản tính Người, của Đức tin và của Lí trí.

Tính hiện đại tương lai này đã được chuẩn bị từ lâu. Kinh Torah giải thích rằng không ai có thể hạnh phúc nếu người khác không hạnh phúc trước mặt y, và cần phải yêu người bên cạnh bạn như yêu chính bản thân bạn. Những văn bản cổ Hy Lạp trình bày tỉ mỉ những đòi hỏi cảm thông như điểu kiện cho sự viên mãn của con người. Các hiền giả Ấn Độ trở lại với thế giới Hy Lạp Do Thái. Và người ta cũng tìm lại với chủ nghĩa vị tha như nền tảng của đạo Cơ Đốc được lấy từ Sách Lévi[8].

Gần đây hơn, tính hiện đại cải biến được Adam Smith và tất cả những nhà lí thuyết của tính hiện đại của Lí trí gợi lại: theo họ, một nhà buôn là có lí khi ông ta vị tha để bán được hàng. Người ta thấy lại tính hiện đại cải biến gần đây hơn nữa, trong sự phát triển những mạng lưới trong đó mọi người quan tâm đến những điều liên quan đến người khác. Người ta thấy lại nó trong vi tài chính (microfinance), trong thương mại công chính (commerce équitable), trong những quĩ xã hội, trong việc giới doanh nhân có ý thức về những trách nhiệm xã hội và sinh thái của họ. Người ta cũng thấy lại nó trong cứu cánh của những tổ chức phi chính phủ (NGO), mà vị tha là lí do tồn tại, chúng thu hút ngày càng đông người trẻ; và phổ biến hơn, trong nhận thức về tính tương thuộc, trên một hành tinh trở thành một ngôi làng toàn cầu.

Trong tương lai, mỗi người ngày càng quan tâm đến những điều liên quan đến người khác trong cùng một mạng lưới, hạnh phúc đến từ số người mà mỗi người quan hệ hơn là từ số đồ vật mà họ có. Mỗi người sẽ quan tâm sao cho những người khác, đặc biệt là các thế hệ tương lai, được chăm sóc kĩ lưỡng, để khỏi bị lây nhiễm. Quan tâm sao cho họ không bị nghèo, để tiêu thụ những sản phẩm trên thị trường. Quan tâm cho họ được giáo dục, dể tham gia vào kinh tế của mạng lưới. Sao cho họ có thề tùy ý sử dụng ngay cả những đồ du mục[9] (Objet nomade), để có thể trao đổi. “Lòng vị tha hợp lí” hay “vị tha quan tâm” phát triển. Nhiều người hiểu rằng các thế hệ tiếp theo nó sẽ có ích cho nó và ít nhất trợ cấp lương hưu cho nó. Những thành phần khác nhau của nền kinh tế (nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng, người làm công ăn lương) khi đó sẽ quan tâm đến việc hành xử một cách tích cực, tức là đặt những quyết định của họ theo những yêu cầu dài hạn. Quan tâm đến việc không hủy hoại môi trường, đến việc xây dựng tính công chính cho tuổi trẻ, không trượt xuống con dốc nhân tạo hóa thế giới. Sự tham gia của tri thức sẽ được chấp nhận như một phương diện của tính vị tha hợp lí.

Ở phía khác có thể xuất hiện một “tính vị tha vô tư” (altruisme désintéressé) trong đó mỗi người hiểu rằng hạnh phúc của người khác, ngay cả khi nó không có ích lợi gì, cũng có thế góp phần vào hạnh phúc riêng của chính anh ta. Vị tha, ngay cả trong trường hợp vô tư, tự bản thân nó là sự ban thưởng, vì nó làm cho mình hạnh phúc hơn, cởi mở hơn, thậm chí thông minh hơn. Người ta sẽ không cố gắng để người khác thích mình, mà để làm cho người khác vui lòng, đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Và người ta sẽ cố để lại cho những thế hệ sau một kỉ niệm đẹp đẽ nhất. Cá nhân chủ nghĩa sẽ không còn là hiện đại nữa. Tích lũy của cải sẽ không còn là hiện đại nữa.

Kinh doanh sẽ trở nên vị tha, và cảm thông sẽ là công cụ. Ăn chay sẽ là hiện đại, vì nó vị tha. Người ta sẽ dạy trẻ con cảm thông chứ không đua tranh. Nhở khoa thần kinh học, người ta hiểu rằng lòng vị tha là một nhân tố của sức khỏe tốt. Người ta ăn mặc không phải để người khác nhìn mình mà thán phục, mà để làm vui lòng người khác. Để cho họ cảm thấy có giá trị. Các phong tục sẽ trở nên vị tha, tức là chúng ta chấp nhận người khác hạnh phúc, ngay cả khi chúng ta không hạnh phúc.

Nghệ thuật sẽ trở nên vị tha: một tác phẩm nghệ thuật sẽ là một hành động, một đồ vật, một tình thế, một sáng taọ, làm cho người ta thèm được vị tha, cảm kích lòng vị tha. Tất cả những điều ấy vẫn còn phải được sáng tác ra. Còn rất ít tác phẩm loại này, nếu không có một vài tấm gương như Olafur Eliasson[10] với Little Sun (Mặt trời nhỏ) của ông, hay Naziha Mestaoui[11] với One Beat One Tree (Mỗi nhịp tim một cây trồng) của bà.

Là hiện đại không còn là nghĩ rằng bất tử chỉ là mơ tưởng cá nhân, nhưng là một niềm an ủi để xoa dịu nỗi đau của người khác. Tính hiện đại khi đó sẽ hướng về một ý thức đầy đủ về bản ngã, với một khả năng tập trung và cho đi lớn hơn thay vì tạo ra và nhận về thuận lợi.

Đó là điểm tích cực duy nhất của cái bẫy mà loài người mắc vào, từ khi nó quyết định nắm vận mệnh của mình trong tay và không còn hài lòng với một thế giới lặp lại – từ tính hiện đại của Bản tính Người. Khi con người đã quyết định nhường cho những hứa hẹn tuyệt vời của tự do cá nhân, của cạnh tranh và của tính hiệu quả.

Cần có can đảm để dấn thân. Khẩn thiết, theo cách tự nguyện, sáng suốt và tự do. Tập hợp những giá trị của ba tính Hiện đại trước, tính Người, Đức tin và Lí trí thành một cái duy nhất, để từ đó xây dựng một tính Hiện đại thứ tư.

Nếu chúng ta không thực hiện thay đổi này một cách dân chủ, thì sẽ nảy sinh nhiều phương diện của tính hiện đại cải biến, dưới một trong những hình thức toàn trị của tính hiện đại. Khi đó tính vị tha sẽ bị các giáo phái và các nhà độc tài châm biếm. Những kẻ này sẽ chiếm chính quyền và sẽ áp đặt những đạo luật toàn trị của chúng nhân danh lòng bác ái.

Đây không phải là lần đầu tiên một tính hiện đại mới xuất hiện trước tiên dưới một nền độc tài giả trang: người ta đã thấy nhà nước bảo hộ được sinh ra dưới ba hình thức toàn trị: chủ nghĩa xã hội nhà nước, chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa xã hội dân tộc (quốc xã) trước khi lại nổi lên trong nước Mỹ của Roosevelt.

Nếu chúng ta muốn tránh quãng đường vòng trở lại này và chuyển thẳng từ tính hiện đại đương thời sang tính hiện đại vị tha, thì cần dựa trên các giá trị của tính Người, Đức tin và Lí trí.

Làm thế nào để đạt được điều đó? Bằng cách hiểu những hiểm nguy khủng khiếp của những hình thức khác của tương lai.

Khi đó chúng ta có thể làm cho vị tha thành một động lực thật sự của Lịch sử bằng cách thực hành hằng ngày cảm thông, làm cho nó trở thành hiển nhiên. Chúng ta sẽ bảo tồn nền dân chủ và làm cho nó sống động từng giây, như một yếu tố cần thiết cho sự sống còn của loài người.

Nghệ thuật, hơn bất kì hoạt động nào khác, sẽ giúp thuyết phục chúng ta về tính cấp thiết. Đó là sự lớn lao của nó và sẽ là trách nhiệm của nó, bởi vì nó đứng ở vị trí tiên phong của mọi điều táo bạo.

Một tham vọng như thế về dự án tương lai duy nhất có giá trị, kế thừa những dự án đi trước nó, và tôi muốn mở một cuộc tranh luận về nó với mỗi bạn đọc cuốn sách này.

[1] “Siêu hiện đại” (hypermodernité) “Siêu” [hyper] ở đây mang nghĩa “thái quá.”

[2] Téléportation: theo viễn tưởng, liên lạc, truyền vật chất và năng lượng giữa hai điểm trong không gian mà không qua trung gian có tính vật chất.

[3] hispanisation : quá trình một địa phương hay một người chuyển sang chịu ảnh hưởng của văn hóa, ngôn ngữ Tây Ban Nha.

[4] Charia: Luật hành vi hay luật tôn giáo của Hồi giáo.

[5] Haeckel (Ernst, 1834-1919) nhà triết học, nhà sinh học, sinh vật biển, tự nhiên học, thầy thuốc, và nghệ sĩ người Đức.

[6] Tansley (George, 1871-1955) nhà thực vật học người Anh

[7] Carson (Rachel, 1907-1964) nhà nữ sinh vật biển, nhà hoạt động bảo vệ thiên nhiên người Mỹ.

[8] Sách Lêvi: là quyển sách thứ ba trong Kinh thánh Do Thái lẫn Cựu Ước, theo sau quyển Sáng thếXuất hành.

[9] Objet nomade: tên gọi và khái niệm do Jacques Attali đề xuất năm 1985, vật đồng hành của những người đi xa, nhóm vào cùng một hạng đá lửa, cung nỏ, dao Thụy sĩ, đèn lưu động, máy tính xách tay, điện thoại di động, nhu yếu cá nhân, robot đồng hành và D2R2 (xe đạp địa hình)

[10] Olafur Eliasson, gốc Ireland, sinh ở Copenhagen 1967, nghệ sĩ sắp đặt. Công ty Little Sun của ông làm những đèn LED dùng năng lượng mặt trởi.

[11] Naziha Mestaoui, sinh 1975. Nữ nghệ sĩ Bỉ sống ở Paris. Nổi tiếng với tác phẩm Mỗi nhip tim, một cây trồng, phối hợp những công nghệ mới, sử dụng không gian, hình ảnh để tạo ra những trải nghiệm thị giác mới lạ; cổ vũ cho chương trình trồng cây gây rừng.