Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 11 tháng 7, 2017

Thương tiếc Phan Duy Nhân – thương tiếc một nhà thơ

(Rút từ facebook của Ngô Thị Kim Cúc)


Tin anh Phan Duy Nhân ra đi không phải là cú sốc lớn cho những người quen biết: anh đã bị tai biến nhiều năm trước, nói năng, đi đứng… đều rất khó khăn. Diễn biến bệnh trạng ngày càng xấu đi khi cả con gái lẫn vợ anh lần lượt qua đời.

Có lẽ niềm vui lớn nhất anh có được là đã thấy cuốn sách “Phan Duy Nhân – Thơ và Đời” dày 670 trang, in tuyển cả đời thơ của anh, kèm với bài viết của nhiều tác giả khác, do NXB Đà Nẵng ấn hành tháng 10/2015.

Với tôi, Phan Duy Nhân khi nào cũng là nhà thơ. Bởi những hoạt động của anh trong vai trò Quyền Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ tôi không được biết.

Tôi còn nhớ những câu chuyện về anh qua lời kể luôn ngập tràn hào hứng và yêu quý của anh Nguyễn Khắc Phục, khi anh Phục đang viết Học Phí Trả Bằng Máu (Phan Duy Nhân là một “nguyên mẫu” trong tiểu thuyết này). Về đám cưới anh trong ngày Hội An nước lụt ngập tới mái nhà. Về cuộc gặp không có gì vui khi anh đang bị nhốt dưới chuồng cọp Côn Đảo. Về một thứ thơ mà theo anh Phục, chỉ những thi sĩ bẩm sinh và rất tài năng mới viết được…

Tôi không có kỷ niệm riêng với anh Phan Duy Nhân. Nhưng tôi có một “kỷ niệm chung” mà chắc bất kỳ người dân Đà Nẵng nào, vào năm-1966-không-thể-quên, sẽ vẫn lưu lại mãi trong ký ức.

“Đà Nẵng 76 ngày đêm” là chuyện quân đội và nhân dân thành phố Đà Nẵng nổi dậy chống lại chính quyền trung ương ở Sài Gòn. Đà Nẵng đã cố thủ được 76 ngày đêm. Sau đó, khi xe tăng và máy bay ùn ùn kéo ra từ Sài Gòn, thì cuộc nổi dậy ấy cũng đành “buông súng”.

Tôi khi đó chỉ là một nhóc con đang học trung học đệ nhất cấp. Tôi chẳng biết gì về chuyện các ông tướng vùng Một và tướng ở Sài Gòn kênh xì-po nhau chuyện gì, cũng chẳng biết chuyện các ông Việt cộng trà trộn vào trong dân ra sao. Tôi cũng không biết trong số những nhân vật quan trọng ở Đà Nẵng lúc đó có một nhà thơ mà sau này tôi sẽ gặp.

Tôi chỉ biết mình được nghỉ học dài hạn, và trong 76 ngày đêm đó, trừ những lúc phát các hiệu lệnh báo động (khi quân Sài Gòn điều binh ra đàn áp), còn thì, trên radio lúc nào cũng phát những bài nhạc rất hay: đó là Mười Bài Tâm Ca của Phạm Duy (NXB Lá Bối ấn hành năm 1965).

Những bài hát nghe đi nghe lại trong gần ba tháng trời đó đã lặn sâu vào trái tim tôi, đâm chồi nảy lộc về một cách nhìn nhận chiến tranh, cuộc chiến tranh mà những thế hệ trước tôi đã công khai gọi đó là cuộc nội chiến…

“sáng nay vừa thức dậy/ nghe tin em gục ngã nơi chiến trường!/ nhưng trong vườn tôi vô tình khóm tường vi vẫn nở thêm một đóa…/ tôi tôi vẫn sống tôi vẫn ăn và tôi vẫn thở/ nhưng biết bao giờ? biết bao giờ?/ tôi mới được nói những điều tôi ước mơ tôi ước mơ…” (Bài Tâm Ca số 1: Tôi ước mơ – Phạm Duy phổ thơ Thích Nhất Hạnh).

“tôi sẽ hát to hơn súng nổ bên bờ ruộng già/ lời tôi ca lời tôi ca xin lúa đừng lo/ lời tôi thay cho tiếng đạn bay/ lời tôi xây cho vững tay cày/ rồi đêm đêm xua giấc mộng dầy/ lời ca êm ru giấc ngủ say… Tôi sẽ khóc to hơn đứa nhỏ đang ngồi vỉa hè/ trẻ bơ vơ trẻ bơ vơ đi giữa vườn hoa/ hỏi thăm em em có mẹ cha/ hỏi thăm em em có ông bà/ hỏi thăm em em có cửa nhà/ một ngày qua em mất cả ba… tôi sẽ hát to nhưng hát nhỏ hơn lời mọi người/ một ngày nao một ngày nao nghe bỗng đầy vơi/ toàn dân tôi ca hát niềm vui/ toàn dân tôi ca khúc yêu đời/ một ngày tan chinh chiến thật rồi/ toàn dân tôi vui sống thảnh thơi…” (Tâm ca số 2: Tiếng hát to).

“giọt mưa trên lá tiếng nói thầm thì/ bóng dáng Phật về xoa vết thương trần thế/ giọt mưa trên lá tiếng nói tinh khôi/ lúc Chúa vào đời xin đóng đanh vì người/ giọt mưa trên là tiếng khóc chơi vơi/ thế giới lạc loài chưa thoát ra phận người/ giọt mưa trên lá cố gắng nguôi ngoai/ nói với loài người xin cứ nuôi mộng dài…” (Tâm ca số 4: Giọt mưa trên lá).

“kẻ thù ta đâu có phải là người/ giết người đi thì ta ở với ai/ kẻ thù ta mang áo màu chủ nghĩa/ kẻ thù ta mang lá bài tự do/ mang cái vỏ thật to/ mang cái rổ danh từ/ mang cái mầm chia rẽ chúng ta… người người ơi thương xót người nhỏ bé/ người người ơi thương xót người ngây thơ/ thương xót người bị mua/ thương xót người bị lừa/ thương xót người thương xót ta…kẻ thù ta đâu có ở người ngoài/ nó nằm đây nằm ngay ở mỗi ai” (Tâm ca số 7: Kẻ thù ta)…

Những bài hát này đã ảnh hưởng rất lớn tới những nhìn nhận, yêu ghét và chọn lựa của tôi khi bắt đầu biết suy nghĩ thấu đáo hơn về những gì đang xảy ra quanh mình. Tôi biết ơn những bài hát này, là một bày tỏ sâu thẳm tận tâm can, với cả con tim và khối óc...

Khi cuộc binh biến 76 ngày đêm của Đà Nẵng chấm dứt, nhiều sinh viên học sinh và thanh niên đã phải “nhảy núi”, trong đó có nhà thơ Phan Duy Nhân.

Hai năm sau, vào tết Mậu Thân, khi có mặt ở Đà Nẵng, Phan Duy Nhân đã bị bắn gãy chân và bị bắt tù, một bước chuyển quan trọng trong đời một người làm thơ đã lấy bút danh Phan-Duy-Nhân…

"DUY NHÂN" chứ không duy cái gì khác.

-----------------------------------

*Tôi xin post lại bài viết về tập sách “Phan Duy Nhân- Thơ & Đời”:

THANH TỊNH VẦNG TRĂNG TREO…

“… Anh đi qua bãi cát/ Để lại những dấu chân/ Tôi giữ dấu chân ấy/ Kỷ niệm một mùa xuân/ Bao bước người lấp lánh/ Trong cát của lòng tôi/ Dù mai trời lộng gió/ Dấu chân sâu lắm rồi!...” (Những dấu chân).

Bài thơ viết năm 1956, khi tác giả mới mười lăm tuổi. Ở tuổi còn niên thiếu, chàng trai trẻ ấy muốn nhắn gởi điều gì…? Anh có biết, anh đã khởi thảo phần mở đầu cho một cuộc-đời-thơ hoàn toàn không yên ả, bởi lẽ trái tim anh luôn đập quá rộn rã và luôn ngập tràn những câu hỏi khó trả lời…

Đọc thơ Phan Duy Nhân, tôi thường xuyên nhận ra những dằn vặt ẩn hiện trong từng câu chữ. Anh chưa bao giờ ngưng những lời tự vấn, tra hỏi chính mình, và thường chỉ với chính mình. Anh không dễ dàng chọn lựa, cũng không chấp nhận một cách đơn giản, tán thành trăm phần trăm ngay từ đầu một tín điều gì… Cho dù có thể sau đó, anh vẫn phải chấp nhận chọn “phía” của mình chứ không hề là người đứng giữa.

“Khi số mệnh cướp dần những đứa em ruột thịt/ Khi bạn bè rẫy ruồng người yêu bỏ đi/ Tôi trở về mười ngón tay đau buốt bấu trên bục cửa/ Ngọn đèn dầu căn phòng nhỏ bưng bít cuộc đời/… Đằng sau thành phố con tàu nào khởi hành/ Xin đừng bỏ tôi xin đừng bắt tôi/ mới hai mươi đứng chịu cực hình/ Hồi còi xuyên đau ngực thở/ Con đường sắt song song chân trời/ Cho tôi xin về với các người/ Xa lánh hẹn hò lo âu sợ hãi” (Lời xin bên thềm cửa, 1960).

“Tôi đứng chênh vênh bên hố sâu/ Hai tay ve vuốt niềm an ủi/… Này con rắn kia, này em, tôi nói với nó/ Hãy bò lên tay anh và quấn lấy cổ anh/ Anh sẽ hôn em bằng cảm giác nhức buốt/ Bằng nọc độc ngấm rã cơ thể người/ Tôi nằm xuống cùng em trong một lần hủy hoại/ Biên giới bồng bềnh một bên là hư vô/… Sự sống ngoài kia, tiếng kèn, hành binh và vũ khúc/ Đời đã lùi xa, người hãy lùi xa/ … Khi đào ngũ một mình tôi cũng nghi ngờ tôi/ Tìm tới cuộc đời như giảo hình tuổi nhỏ/ Cùng nỗi hư huyền đi suốt trăm năm… ”(Nhịp gõ của sự buồn phiền, 1960).

“Tôi đứng đầu toa tàu một mình/ Cuộc đời dưới kia như vực thẳm/… Tôi chối từ tôi từng phút một/ Mãi mãi xin làm người sớm mai phiêu lưu/ Những tài sản lều trại cuối cùng đêm nay đốt cháy/ Bỏ lại đàng sau bến sông bờ cỏ mỏi mòn…” (Lần từ chối thứ một ngàn, 1960).

Vì sao một chàng trai mười chín tuổi lại ôm giữ, mang gánh nhiều nỗi buồn, nhiều nỗi rã rời bất lực đến dường ấy?
Hãy nhớ về cuộc chiến tranh dai dẳng trên quê hương, cuộc chiến sát sàn sạt của chính người Việt với người Việt, bất kể nó được gọi bằng các thứ tên khác nhau, trái ngược nhau thế nào. Tuổi trẻ thế hệ ấy lớn lên, luôn phải nhìn thấy một quê hương không ngừng chảy máu. Máu của người thân, bè bạn, của những đồng bào da vàng máu đỏ quanh mình. Chẳng hề có ai xa lạ. Dù vũ khí mang nhãn mác gì thì trên thực tế vẫn là người Việt bắn vào người Việt. Và chẳng thể biện minh bằng bất cứ lời lẽ, lý thuyết đẹp đẽ lấp lánh xa lạ nào. Người Việt đang chết. Anh đang chết. Em đang chết. Chúng ta đang chết…

Có thể chọn lựa không? Có dễ chọn lựa không? Sẽ đứng ở đâu trong cuôc chiến tương tàn tương sát này? Sẽ nói điều gì khi buộc phải chọn “kẻ thù”?

Khi đọc Thư cho mẹ và chị chúng ta sẽ thấy tuổi hai mươi mốt của Phan Duy Nhân đau đớn, cùng túng đến mức nào:

“Đầy nước mắt đi trong chiều biển động/ Thân san hô sóng vỗ một đời tròn?/ Trông cây tùng gặp bão cũng cong lưng/ Đời kiêu mạn chẳng còn tâm sự với!/ Con nhớ lại sắt se lời mẹ dạy/ Những đêm qua ngõ hẹp phố phường sâu/ Đầu gối trên tay nghe đường máu chạy/ Trong tim con ngựa mỏi muốn quay đầu…”. Tìm về lời mẹ dạy là cố tựa vào những gì ngọt nghẽ, đơn giản để chống lại những tư tưởng “ngoại nhập” quá chừng đắng chát. Mẹ-con là quan hệ máu thịt, thiên định, trong khi những thứ còn lại vẫn chỉ ở bên ngoài, hoàn toàn là “người dưng”. Nhưng những “người dưng” ấy đang giành giật, đang hành hạ đến khốn khổ tâm trí chàng trai trẻ: “Những buổi sáng nằm vùi trên gác trọ/ Những chiều hôm mong đợi chẳng ai về/ Tình thuở trước đắp cao dần nấm mộ/ Trong lòng con cỏ mọc đã vàng hoe!/ Ngã bảy ngã ba hẹn hò bè bạn/ Áo cơm nhau nhờ vả đến bao giờ/ Xương từng ống hút dần theo lũ quạ/ Ngó lui mình rỗng tuếch chúng bay xa!/ Thơ với ngô khoai bánh mì giữa chợ/ Có kiên gan Lã Vọng cũng buông cần/ Khí phách văn chương công bằng cách mệnh/ Xưng lỡ anh hùng không lẽ đến xin ăn?/ Con đã ngấy những ngày thư viện đói/ Nói khôi hài kinh kệ Mã-Khắc-Tư/ Khi rách áo xem ra chiều thủ lợi/ Không manh tâm thiên hạ cũng nghi ngờ!”. Lã Vọng cũng hết cách để cố mượn chiếc cần câu nhằm dìm ngập những tâm tư vòi vói của mình xuống dưới mặt nước. Các Mác có lý luận kinh điển bao nhiêu cũng không chinh phục nổi chàng trai với cái đầu trống vắng niềm tin và cái dạ dày rỗng tuếch, chỉ tọng đầy bao lý thuyết sách vở… “Con phiêu bạt ngỡ thân tàn ma dại/ Chẳng còn gì nguyên vẹn để đem dâng/ Xin mẹ rót cho con lời phủ dụ/ Ngửa hai tay xin chị nhận em cùng!/ Cho ánh mắt đau buồn nay tỏ rạng/ Soi xuống lòng ẩn hiện ánh trăng trong…”.

Viết ở Huế tháng ba năm 1962 khi đang ở tuổi hai mươi mốt, mà Phan Duy Nhân sao có vẻ đã quá mệt nhoài chỉ muốn buông bỏ, trốn chạy? “Trong tim con ngựa mỏi muốn quay đầu”. Bế tắc, vì không biết hướng nào để đi tới. Sợ hãi, vì không chắc con đường mình đi là đúng. Muốn làm kẻ “Thức” nhưng càng tìm hiểu càng hoảng sợ bởi những gì mình thấy, càng bối rối trước mê trận, càng lạc loài trước muôn ngả rẽ… Đành chỉ dằn vặt, hành hạ trái tim sớm già cỗi và đầy thương tổn của mình.

Đọc thơ Phan Duy Nhân cũng là đọc chính những tự sự của cuộc đời Phan Chánh Dinh. Đó là nơi con-người-công-dân Phan Chánh Dinh ủy thác cho con-người-nhà-thơ Phan Duy Nhân xưng tội, giải tỏa, chạy trốn thực tế, tìm cách nghi binh khi chưa biết phải làm gì cho phải đạo, cho đúng như với điều mình vẽ vời, mong mỏi…

Tuổi trẻ không thể tìm thấy bình yên vì mỗi ngày sống đều là một ngày khác, với vô vàn sự kiện, thông tin, cảm xúc… Và vì thế, trái tim trẻ vẫn cứ dồn dập đập theo nhịp đời đầy biến động, khiến anh không thể đứng ngoài, không cho phép mình tiếp tục đứng ngoài…

Và đây, Thư gửi các bạn Sinh viên với bút danh Thiết Sử ra đời năm 1964, đã ngập tràn những cảm xúc/ngôn từ mạnh mẽ, quyết liệt. Khi ấy, ở tuổi hai mươi ba, có vẻ Phan Duy Nhân đã biết rõ mình muốn gì, làm gì, sẽ đi tới đâu. Vì vậy, anh đã nói cùng những bạn trẻ của mình với tư cách một người đi trước:

“Nỗi căm hờn sôi trong lòng tuổi trẻ/ Trong mắt anh trong tiếng chị kêu gào/ Trong vỗ tay cười trước nỗi thương đau/ Ta bừng giận sóng xô trời biển dậy/… Những anh hùng tuổi trẻ Việt Nam ơi/ Ba mươi triệu con người đang muốn nói/ Ta đã thức bảy ngàn đêm hủy hoại/ Bảy ngàn đêm người chẳng nhận ra người/ Bảy ngàn đêm mong đợi một ban ngày/ Đang đến, hoặc không bao giờ đến nữa…”. Rất đanh thép, khẳng khái, tự tin, còn hơn cả một lời hiệu triệu. Không còn là tự nói với chính mình mà đang kêu gọi, vận động người khác cùng lên đường: “Ta đứng lên thề chẳng đội chung trời/ Điểm từng mặt, vạch từng tên mỗi đứa/ Bán nước cầu vinh, tiếng cười nghiêng ngửa/ Chúng muốn xô ta vào phận tôi đòi/ Xin hỏi anh em ba mươi mấy triệu người/ Ai chẳng biết vuốt cùng nanh bọn chúng/ Nước mất con ơi mẹ gào lạc giọng/ Run tay em gái nhỏ mắt van nài…”. Một hiện thực quá tàn nhẫn, đau thương. Qua từng câu chữ, từng cái chấm, phết, tác giả như hiện ra trước mắt người đọc với ngùn ngụt những đớn đau, phẫn uất: “Ta vuốt mặt, trời ơi, nhìn hiện tại/ Những thôn hiền giãy dụa dưới mưa bom/ Đêm oan khiên ôi mẹ thét đen ngòm/ Máu vô tội sôi trào trên mặt đá/… Nghe tiếng đạn gầm trong tim nỗi hận/ Em gái phố phường son môi áo lượn/ Quán rượu cười nghiêng ngửa tối truy hoan/ Những mắt người đã vẩn đục lòng tham/ Những linh hồn hôi tanh mùi xác thịt…”. Quá nhiều lý do để Phan Duy Nhân chọn đường, tự nguyện hiến mình cho một điều gì đó anh tin là rất xứng đáng: “Cả giống nòi ta rên xiết từng giờ/ Oan ngút núi, oán đầy sông chẳng hết/ Ta đứng dậy ở bên bờ cõi chết/ Cứu nhau thôi anh chị bạn bè ơi/ Cám dỗ, gian nguy, tất cả hẹn nơi người/ Đang quật khởi mắt hoa dòng lệ máu/…”.

Qua thơ, người ta có thể đọc tường tận cuộc đời Phan Duy Nhân theo từng biến động từng thời gian… Sau khi phong trào 76 ngày đêm nổi dậy của Đà Nẵng bi dập tắt, anh đã thoát lên núi. Và đầu năm Mậu Thân 1968, khi trở về Đà Nẵng, anh đã bị bắn trọng thương rồi bị bắt giam ở nhiều nhà tù miền nam, cho đến khi được trao trả tháng 2 năm 1974, sau hiệp định Paris.

Thư nhà là bài thơ Phan Duy Nhân viết ở Côn Đảo, tháng 3 năm 1969, đúng là tâm sự của một người tù, một người cha và một người chồng đang quá nhiều những nhớ thương đau đáu :
“Hồi anh vượt núi về Tiên Phước/ Có nhận thư em ở dọc đường/ Giấy đã nhàu hoen nhiều nước mắt/ Anh nhìn nhòe nét chữ em run…/ Em kể: “Anh đi, nhà bị đuổi/ Bồng con em nhớ thấy chiêm bao”/ Ôm con em cũng theo lên núi/ Đi kiếm anh hoài mới gặp nhau… Anh đi đường sẽ bao nhiêu dặm/ Em quyết dài theo một tấm lòng!/ Con biết bò rồi gần đứng được/ Mỗi ngày trông mỗi giống cha hơn… Em ơi chiều đó dầm chân xuống/ Dòng nước sông Tranh mát rợi người/ Những nụ hôn thầm trong gió núi/ Gửi về có tới được xa xôi… Nhớ bữa về thành, nằm bí mật/ Gan bào ruột xót nhớ thương con/ Mấy lần ba nóng ran trong ngực/ Đêm lạnh ngang nhà lặng bước luôn!.../ Thôi thế, phải còn mươi trận nữa/ Sẽ về, để nắm chặt tay nhau!/ Để nhìn đăm đắm vào trong mắt/ Xem có ngời vui những ánh sao?/ Anh nhớ điên cuồng, yêu dữ dội/ Xóm làng giữa ngực, núi trong tim/ Sáng hoài giữa cõi thiêng liêng ấy/ Có bóng con cười cạnh dáng em!”.

***

Sau tháng 3 năm 1975, tôi có liên hệ công việc với một người ở Uỷ ban Mặt trận thành phố Đà Nẵng, có tên Nguyễn Chính. Tôi chỉ nhớ anh hay mặc quân phục, nhớ vài cuộc giao lưu của các nhà văn nổi tiếng từ Hà Nội vào do anh tổ chức. Tôi không biết Nguyễn Chính là Phan Duy Nhân. Thơ Phan Duy Nhân mãi mươi năm tôi mới đọc, khi tham gia viết sách về phong trào sinh viên học sinh trước 1975, trong chương trình do anh Lê Công Cơ khởi xướng. Tôi đã nghe anh Nguyễn Khắc Phục kể về mối tình lãng mạn cũng như đám cưới có một không hai của Phan Duy Nhân, vào một ngày Hội An lụt ngập tới tận mái nhà.

Sau đó, tôi nghe anh chuyển ra Hà Nội, là phó Ban Tôn giáo trung ương. Tôi không rõ công việc cụ thể hằng ngày của anh là gì, nhưng thỉnh thoảng thấy thơ anh in trên báo Thanh Niên tôi cũng vui, nghĩ rằng anh còn làm thơ được là một điều may, cho cả Phan Duy Nhân lẫn Phan Chánh Dinh, nhất là Nguyễn Chính.

Khi đọc bài thơ Hành thiền với lời ghi “Kính tặng Tôn sư tôi, Hòa Thượng Thích Trí Quang- Ngũ Hành Sơn, thu đông Nhâm ngọ 2002” thì tôi không thể không đặt câu hỏi: có phải Phan Duy Nhân muốn nhắc rõ điều này: sau nhiều chục năm, anh đang vòng trở lại con đường cũ, nơi anh vẫn còn đó một Tôn sư, người đã ảnh hưởng quyết định đến cuộc đời anh, cả trong phần công dân lẫn trong phần thi sĩ: “Tràn đầy mà rỗng lặng/ Biển vô lượng thủy triều/ Đường về tâm hết động/ Tuyệt chiêu là vô chiêu!/ Đã thương đời vạn dặm/ Vân du vượt núi đèo/ Thôi hòa lòng với bụi/ Thanh tịnh vầng trăng treo…”.

Hè năm 2008, Phan Duy Nhân in trên báo Thanh Niên một bài thơ rất kiểu-cũ, giống thơ tình thời trẻ, khi anh còn phân vân trước nhiều ngã rẽ cuộc đời: “Xoáy lốc lòng anh ngọn gió nào/ Em làm bão tố cả chiêm bao/ Đất trời tan với mênh mông nhớ/ Khắc khoải Em mà em ở đâu…?/ Ôi nửa đời anh hút bóng Em/ Phương xa le lói dáng trăng liềm/ Ngưòi còn mê mải nơi vô hạn/ Sóng cuộn đêm rằm ngập trái tim…”. Bất kể Em là ai, nếu Phan Duy Nhân vẫn gởi gắm về Em cả một niềm mong ngóng như vậy, tỏ ra rằng con người chính trị chưa đè bẹp được con người nghệ sĩ trong anh, cho dù công việc lẫn thời gian đã làm thay đổi anh thế nào…

Hàng chục năm không gặp, để rồi lại nghe tin anh bệnh nặng, và bạn bè tập hợp bài vở cũ, in cho anh quyển sách mà hẳn anh rất muốn được nhìn thấy.

Thanh tịnh vầng trăng treo… Mong sao Phan Duy Nhân đạt được miền thanh tịnh ấy, trong những tháng ngày còn lại…

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Quyển sách thu gọn cả đời thơ của Phan Duy Nhân

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, sợi

Tuổi trẻ đầy lý tưởng và thử thách của một thế hệ

Trong hình ảnh có thể có: 14 người, mọi người đang cười, mọi người đang ngồi

Phan Duy Nhân trong ngày ra mắt tập sách "Phan Duy Nhân – Thơ và đời" ở Sài Gòn — cùng với Phuongdung NguyenLê Thị Kim.

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Bìa tập sách Mười bài tâm ca của Phạm Duy, ấn hành năm 1965 bởi NXB Lá Bối

Trong hình ảnh có thể có: văn bản

Lời giới thiệu ngắn gọn và súc tích, đúng chất của một NXB sang trọng nhất miền Nam thời bấy giờ...

Không có văn bản thay thế tự động nào.

Phụ bản của họa sĩ Nguyễn Trung cho bài Tâm ca số 9: Tôi bảo tôi mãi mà tôi không nghe

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, thực vật và trong nhà

“Tràn đầy mà rỗng lặng/ Biển vô lượng thủy triều/ Đường về tâm hết động/ Tuyệt chiêu là vô chiêu..." (thơ Phan Duy Nhân)