Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Thơ dân tộc thiểu số, từ một hướng nhìn động

(Bài viết nên được đọc như là của một người làm thơ nhìn thơ ca)

Inrasara


Thơ tiếng dân tộc đang mất phương hướng


Không có thơ không chết ai cả, dòng đời cứ trôi, nhân loại cứ sống. Có khi sống tốt lành nữa! Nhưng con người thì cần thơ. Kẻ tưởng không hề cần đến thơ, bất chợt trong giây phút chểnh mảng của khúc đời, trên môi bật lên vài câu thơ khuất lấp đâu đó nơi vũng mơ hồ của kí ức; hay thèm thể hiện cái gì đó như thơ, qua phát ngôn có vần điệu. Họ không ngờ mình đang cần sự giúp đỡ của thơ. Nơi đám đông hay trong cô đơn, góc tối xà lim hay giữa ánh sáng quảng trường, phố xá tấp nập hay ruộng nương yên ắng, thơ cứ có mặt. Như một nhu cầu.

Như cái plây dân tộc thiểu số đói rách kia, tưởng không thể có đất cho thơ sống sót, thế mà họ vẫn đốt lửa, văn nghệ. Mỗi năm, mỗi mùa vụ, mỗi lễ hội. Có nhảy múa, ca hát và có cả… thơ. Cứ thế người ta làm thơ, như một thói quen. Năm này sang năm khác, vụ này qua vụ khác, lễ hội này nối lễ hội khác. Vẫn bổn cũ lặp lại. Rồi bất ngờ làng có kẻ đi xa đâu mười, hai mươi năm trở về, nhận thấy lạ, chợt la lên: sao cứ giống vụ trước. Chán quá đi thôi! Họ giật mình nhìn lại: ờ, giống thật. Phải làm khác đi chứ.

Thế là vài kẻ máu phiêu lưu trong cộng đồng kia xăn tay áo vào cuộc. Từ đó thơ làm lang thang, một lang thang không biết đâu là cùng tận. Nhu cầu tự làm mới lạ của thơ có mặt, như một thách thức.

Máu phiêu lưu đẩy thi sĩ đi tìm vùng đất mới, lạ cho thơ. Mải mê đi tìm và khai phá, quay lại nhìn: không ai sau lưng cả. Ngôn ngữ quần chúng mất hút! Tiếng nói của thi sĩ không được cộng đồng đón nhận, rơi vào khoảng trống, thi sĩ chỉ còn biết nói với nhau. Trong một không gian chật chội, bằng thứ ngôn ngữ đặc dị. Chính là chỗ mà phần đông nhà thơ xu hướng cách tân hôm nay đang đứng, có lẽ.

Thơ sẽ đi về đâu?

Thơ không đi đến đâu cả, nhưng nó cứ đi, đi về nơi nó tưởng nó sẽ đến. Nhưng dẫu có đi tới đâu, nó cũng phải trở về, trở về nơi nó xuất phát: con người, trong ngôi nhà của nó: ngôn ngữ. Lang thang đi tìm hình dạng ngôi nhà thích hợp cho con người cư trú là bổn phận của thơ. Mọi nơi, mọi thời, Đông hay Tây, kim hay cổ. Khác điều, tốc độ cuộc sống hôm nay đi nhanh hơn, nên hình dạng thơ thay đổi nhanh hơn. Cứ mỗi năm, bảy năm làm ta giật mình cái. Nhưng mặc ta nhăn mày hay hãi sợ, thơ cứ phải thay đổi, nếu nó không muốn… bệnh! Cùng thế giới, xã hội Việt Nam đang đổi thay. Cùng với thơ thế giới, thơ Việt cũng đang chuyển động. Nó dõng mãnh (hay ẻo lả) đi về hướng nó cần đến: sự dịch chuyển không ngưng, không nghỉ.

Việt Nam là đất nước đa văn hóa, văn chương Việt Nam là nền văn chương đa ngôn ngữ. Nhưng hôm nay văn chương tiếng Thái, Tày, Mông, Êđê, Cham… đang rất lép so với người anh em Việt. Bởi dẫu sao, thơ tiếng Việt còn được sáng tác bởi lực lượng hùng hậu (trong đó có cả anh em dân tộc thiểu số), hùng hậu đến nỗi đã không ít vị kêu làng nó lạm phát! Còn Cham, Êđê… thì hầu như vắng hoe. Không người đọc, nhà thơ dân tộc thiểu số mất đi đáng kể chất kích thích sáng tác. Như kẻ đứng trước cử tọa đây đang đọc phát biểu bằng tiếng Việt hai lần nhận giải thưởng thơ của Hội Nhà văn cũng bằng các sáng tác tiếng Việt, từ mười năm nay, đã không còn hứng thú trong làm thơ bằng tiếng mẹ đẻ nữa. Vậy mà kẻ đó lâu nay từng được cho là “người lưu giữ văn hóa dân tộc”!

UNESCO cho biết, mỗi tháng nhân loại mất đi hai ngôn ngữ. Bốn trăm năm qua, hơn ngàn ngôn ngữ loài người bốc khói. Với một cụm di tích, một nền văn chương cổ, chúng ta có thể phục chế, sưu tầm, dịch thuật để người đời sau thưởng lãm, nghiên cứu. Nhưng hỏi nếu ngôn ngữ sống của một dân tộc mất đi, chúng ta hành xử như thế nào? Bất khả. Ngôn ngữ dân tộc tồn tại và phát triển chủ yếu qua sáng tác văn chương, nhưng hôm nay có mấy ai/còn ai làm thơ, viết văn bằng tiếng Cham? tiếng Tày, Thái, Dao,…?

Thử nêu sơ bộ mười khuôn mặt văn nghệ dân tộc thiểu số hôm nay, xem họ đã và đang làm gì cho thơ tiếng dân tộc và ngôn ngữ dân tộc? Tiêu chí chọn:

– Những người sáng tác thơ và, thành danh bằng thơ.

– Nhiều dân tộc khác nhau càng tốt, riêng Tày được chọn ba do lực lượng người viết đông hơn cả. Ba người thuộc ba thế hệ khác nhau(1).

Nông Quốc Chấn (sinh 1923, dân tộc Tày)

– Thơ tiếng Việt (4 tập): Tiếng ca người Việt Bắc, Dòng Thác, Bài thơ Pác Bó, Suối và biển.

– Thơ tiếng Tày (6 tập): Việt Bắc đánh giặc, Dọn về làng, Đi Berlin về, Tiếng lượn cần Việt Bắc, Cần Phja Bjoóc, Dám kha Pác Bó.

– Tác phẩm tiếng Việt dich ra tiếng Tày (1 tập): Mười điều kháng chiến.

– Tiểu luận-phê bình: 3 tập.

Y Phương (sinh 1948, dân tộc Tày)

– 4 tập thơ và một trường ca đều bằng tiếng Việt: Tiếng hát tháng giêng, Lửa hồng một góc, Lời chúc, Đàn then, Chín tháng.

Dương Thuấn (sinh 1958, dân tộc Tày)

– Thơ tiếng Việt (8 tập): Cưỡi ngựa đi săn, Đi tìm bóng núi, Đi ngược mặt trời, Bà lão và chích chòe, Mười bảy khúc đảo ca (trường ca), Hát với sông Năng, Trăng Mã Pí Lèng, Đêm bên sông yên lặng.

– Thơ song ngữ (1 tập): Con côi làm dâu.

– Thơ tiếng Tày (1 tập): Slíp nhỉ tua khoăn.

– Truyện ngắn (1 tập): Bài học mùa hè.

Pờ Sảo Mìn (sinh 1946, dân tộc Padí)

– 4 tập toàn thơ sáng tác bằng tiếng Việt: Cây hai ngàn lá, Bài ca hoang dã, Con trai người Padí, Cung đàn biên giới.

Lò Ngân Sủn (sinh 1945, dân tộc Dáy)

– Thơ tiếng Việt (9 tập): Chiều biên giới, Những người con của núi, Đám cưới, Đường dốc, Dòng sông Mây, Chợ tình, Lều nương, Tôi là một ngọn gió, Người trên đá.

– Thơ song ngữ (1 tập): Đầu nguồn cuối nước.

– Tập truyện tiếng Việt (2 tập): Chiếc vòng bạc, Hưu tập thể.

– Sưu tầm, dịch (2 tập): Tục ngữ Dáy, Bước đầu tìm hiểu về dân ca người Dáy.

– Tiểu luận (3 tập).

Lò Cao Nhum (sinh 1954, dân tộc Thái)

– Thơ tiếng Việt (5 tập): Giọt sao trở về, Rượu núi, Sàn trăng, Theo lời hát về nguồn, Mùa hoa chuông.

– Dịch dân ca Thái (1 tập): Lời hát trong lễ hội Chá chiêng.

Hơ Vê (sinh 1947, dân tộc H’rê)

– Thơ tiếng Việt (5 tập): Đóa hoa rừng, Tất cả cho anh, Plây em mùa xuân, Khát vọng, Con chim Ta lố.

Triệu Kim Văn (sinh 1945, dân tộc Dao)

– Thơ tiếng Việt (5 tập): Hoa núi, Mùa sa nhân, Lá tìm nhau, Con của núi, Lửa của mồ côi.

– Bút kí tiếng Việt (1 tập): Tân sơn cựu sơn.

– Nghiên cứu (1 tập - in chung): Bước đầu tìm hiểu vốn văn nghệ Việt Bắc.

Chu Thùy Liên (sinh 1966, dân tộc Hà Nhì)

– Thơ tiếng Việt (1tập): Lửa sàn hoa.

– Trường ca Hà Nhì: Xa nhà ca, 1 tập Truyện cổ Hà Nhì.

Inrasara (sinh 1957, dân tộc Cham)

– Thơ tiếng Việt (3 tập): Tháp nắng, Hành hương em, Lễ tẩy trần tháng Tư.

– Thơ song ngữ: Sinh nhật cây xương rồng.

– Tiểu luận: Văn hóa-xã hội Cham, nghiên cứu & đối thoại.

– Nghiên cứu - sưu tầm - dịch thuật: Văn học Cham (3 tập).

– Nghiên cứu ngôn ngữ: Tự học tiếng Cham, Từ điển Cham-Việt dùng trong nhà trường.

Như vậy, có ba nhà thơ chỉ thuần sáng tác bằng tiếng Việt: Y Phương, Hơ Vê, Pờ Sảo Mìn. Hai người có tham gia nghiên cứu - dịch thuật vốn cổ văn học dân tộc, dù thành tích còn khá khiêm tốn: Triệu Kim Văn, Lò Cao Nhum. Dương Thuấn, dẫu thuộc thế hệ trẻ nhưng đã in một thi phẩm sáng tác bằng ngữ Tày, một bằng song ngữ Việt - Tày, là điều rất đáng khích lệ. Có ba nhà thơ vừa sáng tác bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc bên cạnh nghiên cứu văn học và ngôn ngữ dân tộc, dù mỗi người đặt nặng từng khía cạnh mỗi khác: Nông Quốc Chấn, Lò Ngân Sủn, Inrasara. Trong đó, đặc biệt nhà thơ quá cố Nông Quốc Chấn là người đã dịch ngược thơ Việt sang tiếng dân tộc. Ngoài ra, tôi muốn nêu thêm một tên tuổi quen thuộc: nhà thơ Triệu Lam Châu (sinh 1952, dân tộc Tày), anh còn dịch truyện Nga sang ngữ Tày nữa!

Qua phân tích, ta thấy đa phần nhà thơ người dân tộc thiểu số chú ý đến sáng tác bằng tiếng dân tộc, vẫn còn quan tâm đến đào sâu vào văn chương - ngôn ngữ dân tộc để làm giàu sang tiếng dân tộc đồng thời khai thác khía cạnh độc đáo trong ngôn ngữ dân tộc, từ đó vận dụng vào sáng tác thơ bằng tiếng phổ thông. Đây là điều rất cần thiết, có tác động qua lại mang tính biện chứng trong phát triển thơ song ngữ. Chính nhờ vận dụng lối nói, lối nghĩ dân tộc vào thơ mà các nhà thơ dân tộc thiểu số đã tạo được vài giọng riêng đóng góp vào nền thơ Việt thời gian qua. 

Thế nhưng, như vậy vẫn còn là quá yếu so với yêu cầu thực tiễn từ phía ngôn ngữ dân tộc và người đọc là bà con dân tộc thiểu số. Nông Quốc Chấn: sáu tập, Dương Thuấn: hai tập, Inrasara chỉ mới nửa tập! Đấy là chúng ta chỉ làm cái kê biên đếm đầu sách mà chưa bàn đến chất lượng. Việc nghiên cứu mang tính chiều sâu về ngôn ngữ - văn chương dân tộc càng yếu hơn nữa.

Bản thân nhà thơ đã vậy. Các cơ quan báo chí giữ vai trò và hỗ trợ gì trong phát triển thơ dân tộc thiểu số? Tạp chí Văn hóa các dân tộc ra định kì hàng tháng đăng đủ loại từ sáng tác thơ văn, nhạc họa cho đến sưu tầm - nghiên cứu thuộc mọi dân tộc, vùng miền. Cần thiết, nhưng không đủ. Phụ san của tờ Văn nghệ Văn nghệ dân tộc, mỗi kì đăng vài bài thơ song ngữ, dù rất cố gắng nhưng cũng chưa thấm vào đâu. Chúng ta chưa thử xem các bài thơ ấy có tác động gì đến suy nghĩ của đồng bào về tiếng và văn chương dân tộc? Hay chúng chỉ mãi dậm chân ở phong trào?

Một tạp chí hay đặc san dành riêng cho các dân tộc có phong trào sáng tác mạnh, chúng ta vẫn chưa đặt vấn đề đó. Hay đồng bào chưa thực sự có nhu cầu? Không nói đến dân tộc Hoa hay Khmer, họ có cả bề dày truyền thống văn chương ở phía sau với một lượng rất đông người đọc phía trước; và thực tế họ cũng đã có các tập san bằng ngữ dân tộc của/cho họ. Ngay tộc Tày, với số dân khá đông bên cạnh hơn chục nhà thơ (tôi chỉ kể những người viết là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), cũng không có đặc san cho riêng mình. Tại sao? Hay Tày không thích đọc thơ bằng tiếng mẹ đẻ?

Đây là xu hướng chung của phát triển: con người luôn hướng về phía mạnh, phía đông. Chúng ta biết, không ít nhà văn Đông Âu, khi lưu vong sang phương Tây, đã viết thẳng bằng tiếng Anh hay Pháp. Nửa thế kỉ nay, tác giả Việt sáng tác bằng tiếng Pháp không phải là chuyện hiếm. Rồi hơn hai thập niên qua, ít nhất cũng có năm nhà thơ Việt kiều thành danh trên đất Mĩ bằng chính ngôn ngữ bản địa: Đinh Linh, Mộng Lan, Nguyễn Hoa,(2) Ở Việt Nam, không chỉ các nhà thơ dân tộc thiểu số xu hướng sáng tác thuần tiếng Việt, mà ngay cả người đọc dân tộc thiểu số cũng không hào hứng lắm trong đọc văn bản bằng tiếng mẹ đẻ nữa. Không có tác phẩm hay để đọc hay chưa đủ lưng vốn tiếng dân tộc để đọc? Theo tôi: cả hai, có lẽ.

Tày thì như vậy, thế Cham có nhu cầu thì thế nào?

Tagalau mỗi năm ra được một số, nhưng đó chỉ là Tuyển tập sáng tác - sưu tầm - nghiên cứu, chứ chưa là tạp chí hay đặc san(3). Mà nó là thành quả từ nỗ lực của một vài anh em trí thức Cham bên cạnh hỗ trợ của bà con dân tộc. Mỗi kì Tagalau đi được năm, bảy bài thơ bằng tiếng Cham của các tác giả khác nhau, bên cạnh đăng nguyên tác thi phẩm cổ điển kèm theo bản dịch tiếng Việt; số mới nhất còn trích in cả một chương cuốn tiểu thuyết hiện đại bằng tiếng mẹ đẻ nữa. Nhưng, như thế đã đủ chưa?

Trường hợp Cham cũng đủ cho ta một cái nhìn khái quát: qua sáu số Tagalau, chỉ mới thấy xuất hiện mười tay viết bằng tiếng mẹ đẻ; trong đó hết sáu người đã ở ngưỡng cổ lai hi, ba trong độ tuổi từ năm mươi trở lên, chỉ có một Jaya Hamu Tanran có năm sinh là 1958! Cham có cả một Trung tâm nghiên cứu văn hóa Cham trực thuộc Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Ninh Thuận với năm cán bộ chuyên môn, khá mạnh về lãnh vực sưu tầm - nghiên cứu; có cả Ban biên soạn sách chữ Cham thuộc Sở Giáo dục Ninh Thuận với bảy biên chế hoạt động hiệu quả; Trung tâm nghiên cứu Việt Nam-Đông Nam Á của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Tp.Hồ Chí Minh cũng đã kịp thời biên soạn và xuất bản bộ Từ điển Cham – Việt, Từ điển Việt – Cham(4) dày dặn và bổ ích. Nhưng đó là thứ ngôn ngữ dừng lại ở cửa “hàn lâm” và trường học chứ chưa thực sự đi vào quần chúng. Ngôn ngữ đó sẽ sống và phát triển ra sao, nếu chưa có tiếp tay của những người làm sáng tác văn học? Và, nếu các sáng tác phẩm ấy không được tạo điều kiện phổ biến?(5)

Vẫn chưa có lối thoát cho vấn nạn này.

Còn việc dạy và học tiếng dân tộc, nó có giúp ích được gì cho sáng tác và tiếp nhận thơ tiếng dân tộc? Ngoài người Hoa, theo tôi được biết, có bốn dân tộc được Bộ Giáo dục dành cho chương trình dạy tiếng-chữ trong trường tiểu học là: Khmer, Mông, Bana, và Cham; trong đó Cham được Trung tâm giáo dục dân tộc thuộc Bộ Giáo dục đánh giá tốt hơn cả trong việc biên soạn sách bằng ngữ dân tộc, dạy và học tiếng-chữ dân tộc. Số liệu mới nhất của Ban biên soạn sách chữ Cham về công tác này:

Sau ba lần chỉnh lí, đến hôm nay (niên khóa 2001-2002), trên 25.000 cuốn được in phục vụ cho các trường ở địa phương. Cụ thể đã có 10.102 học sinh ở 345 lớp của 22 trường tiểu học được cấp miễn phí tài liệu(6). Ngoài ra, từ lớp bốn trở lên các em học sinh trong cộng đồng người Cham còn nắm bắt thêm tri thức cơ bản của nền văn học dân tộc bằng vài trích đoạn thơ-văn, thông qua chữ viết.

Đó là thành tựu không thể chối cãi, tác động tích cực trong duy trì và phát triển tiếng-chữ dân tộc Cham thời gian qua. Nhưng, sau cấp tiểu học, các em không được học tiếp, sách đọc thêm cho các em cũng không. Không có tạp chí cho các em đọc, không cả việc tạo điều kiện cho tài năng văn chương cơ hội thi thố nữa. Lực lượng độc giả và tác giả tương lai Cham sẽ ra sao trong tình trạng ấy? Và ngôn ngữ dân tộc? Nó có nối thêm tên vào bảng danh mục ngôn ngữ nhân loại bốc khói của UNESCO, thời gian tới?

Tình hình tiếng và thơ dân tộc thiểu số như thế, thi sĩ đứng ở đâu?

Thi sĩ cư trú đồng thời canh giữ ngôn ngữ dân tộc như ngôi nhà của tính thể con người. Hôm nay ngôi nhà ngôn ngữ Cham [Tày, Mông,…] đang dột nát, dột nát đến vô phương cứu vãn. Tôi, với tư cách là kẻ sáng tác, vừa hối hả lượm nhặt thứ gì còn lượm được ở ngôi nhà cũ, đồng lúc lo chạy qua ngôi nhà mới trú thân, trong cơn bão của nỗi cô đơn vừa siêu hình vừa xã hội. Đó là nói hình tượng thế.

Thơ dân tộc thiểu số vừa đi vừa ngủ

Đó cũng là một lối nói. Nhà thơ người dân tộc thiểu số sáng tác bằng tiếng Việt, chỉ trong thời gian vài chục năm, đã xuất hiện ồ ạt, dũng mãnh đi tới, khai phá và, khẳng định mình trên thi đàn cả nước. Từ thế hệ đầu: Bàn Tài Đoàn, Nông Quốc Chấn, Vương Trung sang thế hệ thứ hai với: Y Phương, Lò Ngân Sủn, Pờ Sảo Mìn, rồi thế hệ thứ ba với: Lương Định, Triệu Lam Châu, Dương Thuấn, Lò Cao Nhum… Ở đây tôi muốn nói lời xin lỗi đến vài tên tuổi khác bởi dấu “…” này. Nhưng sau đó, hầu như không còn bộ mặt nào mới, khác nổi trội lện.

Các tiềm năng thơ trẻ dân tộc thiểu số đang ngủ [hay chưa thức?], cả thế hệ trước cũng có vẻ ngái ngủ. Chúng ta thử đi tìm nguyên do. Các nguyên do xoay quanh các vấn đề liên quan đến nghề nghiệp, và chỉ nghề nghiệp.

Xin chú ý vài điểm:

Tạm đặt bên ngoài bài phân tích người viết dù xuất thân dân tộc thiểu số, nhưng các sáng tác đã không nằm trong vùng không gian văn hóa/không gian thơ dân tộc thiểu số. Vi Thùy Linh là điển hình. Ở chiều hướng ngược lại: Đỗ Thị Tấc. Ngoài ra, phân tích không nhắm đến tác giả mà là vấn đề mà mỗi tác giả có liên can, các dẫn chứng chỉ để làm rõ luận điểm. Tác giả khác soi vào đó, có thể thấy bóng dáng mình. Bởi mỗi thành tựu hay hạn chế của nhà thơ này đều có mặt nơi tác giả khác, đậm/nhạt, ít/nhiều, tùy. Ví dụ sự mòn sáo của đề tài/ngôn từ dính đến hầu hết người làm thơ dân tộc thiểu số hôm nay. Cuối cùng: không ngại dẫn chứng thơ của chính người phân tích.

Sáng tác thơ bằng ngôn ngữ-không là tiếng mẹ đẻ

Sống và suy nghĩ qua và bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng khi sáng tác bằng tiếng của dân tộc khác (ở đây là tiếng Việt), các nhà thơ dân tộc thiểu số ý thức rõ mình cần nỗ lực rất lớn: vừa học sử dụng ngôn ngữ Việt vừa tập suy nghĩ qua ngôn ngữ đó. Thế nào đi nữa, ở giai đoạn đầu, chúng ta không thể rời bỏ dứt khoát lối suy nghĩ – bị quy định bởi/bằng ngôn ngữ – đã ăn sâu vào máu từ thuở lọt lòng. Viết, chúng ta luôn mang vào thơ mình những lối nói, lối nghĩ của dân tộc. Cái tưởng như bất lợi này lại là may mắn cho chúng ta. Chúng ta tạo được một bản sắc độc đáo, đóng góp giọng thơ mới lạ vào nền thơ tiếng Việt. Nông Quốc Chấn, Y Phương, Lò Ngân Sủn, rồi Dương Thuấn, Mai liễu, Pờ Sảo Mìn đã làm được những việc như thế, thời gian qua.

Thế nhưng trong chiều sâu tâm thức, không nhiều thì ít, ta vẫn mang mặc cảm: ngoảnh mặt tiếng dân tộc; và tự ti: có gì đó chưa thật nhuần nhuyễn, chưa thật tinh như người Kinh! Không chịu dừng lại, ta cặm cụi học tập, nỗ lực vươn tới. Và rồi từ chính nỗ lực này đã sinh ra rắc rối: bắt chước. Từ hình ảnh, cụm từ làm sẵn, ước lệ, lối ví von, ngắt câu sao cho như Kinh. Hệ quả: chẳng những chúng ta không bằng người Kinh mà ngày càng xa rời chính giọng thơ của mình.

Cây hai ngàn lá gập ghềnh qua mười sáu năm tìm tòi khai phá để đi đến Con trai người Padí của Pờ Sảo Mìn, là điển hình chung.

Dân tôi chỉ có hai ngàn người

Như cái cây hai ngàn chiếc lá

Lối ví như thế vừa cụ thể vừa chân chất dân tộc, khác hẳn lối ví trong Con trai người Padí đẫm ước lệ, sáo mòn và, không hay:

Con trai người Padí

Đã đi là như chạy

Như mây bay lửa cháy ầm ầm

Lối nói hoặc các cụm từ làm sẵn, cũng thế. Trong lúc ở “Cây hai ngàn lá” mới lác đác: “Chặn suối, ngăn sông, bắt nước ngược dòng” hay: “Ta dang tay gặt mùa hạnh phúc ấm no”; thì trong “Con trai người Padí” chúng có mặt đầy dẫy.

Hình ảnh trong “Cây hai ngàn lá” có cái nét gì đó đặc trưng: “Tước vỏ cây thêu áo đẹp năm tháng” hay: “Ngô lúa cười reo tận sân trời đó”. Qua đó, người đọc nhận diện được giọng thơ anh và bản sắc dân tộc anh. Sang “Con trai người Padí”, khi phát triển thành “Dáng ngang tàng vẻ quẫy đạp trần gian”, nó lại rất chung chung. Một chung chung chẳng nói được cái gì cả.

Tính chung chung này càng lộ rõ ở việc nhà thơ chúng ta đã vội vã khái quát:

Đã uống không biết say

Chỉ âm thầm trong quay cuồng bão gió

Còn những “Đã yêu là yêu nhiều yêu mãi”, rồi “Đã lên yên không bao giờ ngã ngựa” là tài sản chung của nhân loại chớ riêng gì một dân tộc nào đâu!

Thử so sánh đoạn thơ khác. Chẳng hạn khi Pờ Sảo Mìn viết:

Chỉ một giây

Anh không được gặp em

Anh không nhìn thấy em

Anh không còn sống nữa

Trên trái đất này

Đường cày đi không thẳng(7)

Cả đoạn không gì đặc sắc, nhưng “đường cày đi không thẳng” đã cứu nó đứng. Nhưng khi:

Chỉ có một ngày

Anh không được thấy em

Là một ngày

      – Ăn không ngon

      – Ngủ không được tròn giấc

Thì nó thành rất… sáo. Sáo nên rỗng!

Mười sáu năm, hai thời điểm, từ “Cây hai ngàn lá” sang “Con trai người Padí”, Pờ Sảo Mìn đã có một bước tiến nhưng đến hai bước lùi. Bước lùi này thể hiện đậm nổi nhất trong nhịp điệu và giọng thơ. Nếu trong “Cây hai ngàn lá” anh còn chút lưỡng lự, cái lưỡng lự đáng yêu của kẻ chưa quen thân trước ngôi nhà xa lạ (là tiếng Việt và thơ tiếng Việt), thì sang “Con trai người Padí”, thành khách quen rồi, đã thấy anh mạnh dạn hẳn lên. Không còn chút dấu vết e ấp, ngập ngừng nữa mà là những bước đi ngang tàng đầy tự tin. Vần, nhịp thơ rất nhuyễn, cái nhuyễn của nhà thơ dân tộc Kinh. “Con trai người Padí”tạo cho người đọc cảm giác trơn tuột của ý tưởng, hình ảnh và, cả bài thơ là bởi lẽ đó

“Cây hai ngàn lá” và “Con trai người Padí” là hai bài thơ có lẽ nhà thơ Pờ Sảo Mìn rất tâm đắc. Nó mang chở nặng chĩu tâm tình của anh với dân tộc mình, đó là thứ tình yêu thiêng liêng. Nên, không phải ngẫu nhiên mà anh đã chọn nó làm tên cho tập thơ(8). Các học hỏi hay kinh nghiệm nghệ thuật của anh phục vụ cho nó.

Ngay tại điểm này, chúng ta đụng đến chữ “tâm” của người sáng tác. Vấn đề tâm và tài là việc muôn thuở trong lí luận về sáng tạo nghệ thuật. Nhất là trong văn chương chữ nghĩa. Tâm hay tài cần? Cần tới đâu? Nếu có tài mà không có tâm thì sáng tác “hay” kia có cần thiết cho dân tộc, nhân loại? Ngược lại nếu một nhà thơ có tâm mà bất tài thì tác phẩm của anh giá trị chút nào không?

Đó là chuyện lớn. Ở đây chúng ta giới hạn vấn đề trong phạm vi hẹp hơn: tình cảm chân thực nào đó được thể hiện bằng hình thức nghệ thuật.

Nhận định của Nguyễn Đình Thi giúp ta có cái nhìn sáng rõ: “Thực trong thơ không những là thành thực trong tình cảm hay ý nghĩ. Sự thành thực ấy đáng trọng, nhưng cũng bao nhiêu người thành thực làm khổ chúng ta, khi bắt ta đọc thơ tâm tình của họ”(9).

Pờ Sảo Mìn từ “Cây hai ngàn lá” đến “Con trai người Padí” vẫn cố định ở tình yêu sâu đậm thuỷ chung như nhất dành cho quê hương dân tộc, ở chất liệu đề tài; riêng về hình thức thể hiện, anh đã có bước tiến nhất định: tiến về phía quy ước, quy ước chung của ngôn ngữ và thơ tiếng Việt. Anh tan vào nó. Tan và mất. Nhưng khác với đa số nhà thơ dân tộc Kinh mà cái sáo được hình thành từ thói quen thơ đi vào nẻo nghĩ/viết “xuôi tay” (từ của Chế Lan Viên), lặp lại người khác hay của chính mình mà không tự ý thức; Pờ Sảo Mìn ngược lại, do ngộ nhận. Là ngộ nhận chung của các nhà thơ dân tộc thiểu số. Trong khi ngộ nhận của nhà khác là bám trụ vào “bản sắc”, kiên trì giữ giọng dân tộc bằng lối nói ngô nghê, ngọng ngịu như cái ngày, ê hê,… hay đùn cơ man từ “thuần” dân tộc dày đặc vào các trang thơ: thắng cố, thổ cẩm, vòng xoè, apsara, buôn, phum; còn ngộ nhận của Pờ Sảo Mìn và vài nhà khác nữa xuất phát từ mặc cảm không muốn thua sút – trong sử dụng tiếng Việt – các nhà thơ người Kinh. Là điều hoàn toàn không cần thiết nữa, hôm nay.

Cùng tâm trạng và hoàn cảnh lưu vong, Joseph Brodsky viết: “Đối với những người trong nghề chúng ta, tình trạng lưu vong trước hết là một biến cố ngôn ngữ”(10). Các nhà thơ dân tộc thiểu số Việt Nam, dẫu sáng tác trong tự nguyện, vẫn luôn viết trong tâm thế khá phức tạp: tình trạng lép vế của tiếng dân tộc và con số độc giả khiêm tốn là người bà con dân tộc. Do đó, dù yêu tiếng mẹ đến đâu, các nhà thơ luôn có khuynh hướng tự thể hiện mình trong không gian rộng lớn hơn: tiếng Việt.

Mặc cảm phạm lỗi có mặt thường trực (đấy là tôi muốn nói đến các nhà còn mang ý thức phạm tội nơi bề sâu tâm thức). Thi nhân là kẻ canh giữ ngôi nhà ngôn ngữ dân tộc. Nhưng trong lúc nhà ta đang dột nát, kẻ được phân công canh giữ lại rời bỏ nó để đi xây dựng ngôi nhà khác! Không vấn đề tinh thần dân tộc hẹp hòi hay rộng rãi ở đây cả, mà là phận sự canh giữ của lính gác: trách vụ thiêng liêng của thi sĩ!

Không ít bạn trách tôi mất giờ cho thơ tiếng Cham

Có bao lăm kẻ đọc, rồi sẽ còn ai nhớ?

Nhưng tôi muốn phí trọn đời mình cho nó

Dù chỉ còn dăm ba người

                  dù chỉ còn một người

                              hay ngay cả chẳng còn ai

                                                            (Inrasara, Tháp nắng)

Đó là cách nói nặng mặc cảm phạm lỗi của kẻ trong cuộc. Có ở đó nỗi gồng mình, sự tự động viên đồng lúc với tâm lí khỏa lấp. Tôi giáp mặt nó, đối thoại với nó, hằng ngày. Nó ám ảnh và hành hạ tôi, không ngưng nghỉ, ngay khởi điểm công cuộc sáng tác thơ tiếng Việt. Mặc dầu tôi vẫn thường xuyên viết thơ bằng tiếng mẹ đẻ, nhưng mặc cảm kia vẫn cứ có mặt, đeo dai như đỉa! Bị giằng xé giữa đi hay ở, giữa sửa sang lại căn nhà đang dột nát hay phiêu lưu vào vùng đất mới lạ để tung hoành, nhiều lúc tôi đã phải phân thân, đôi khi tự lừa. Tôi nghĩ, tâm thức ấy không chỉ riêng mình tôi mắc phải.

Ơi tháp!

Bao nhiêu năm tha hương

Bề sau trang thơ tôi vẫn còn lãng đãng

Số phận người

                                                           (Inrasara, Hành hương em)

Lưu vong ngôn ngữ, nhà thơ chúng ta trôi giạt khỏi ngôn ngữ dân tộc, tình trạng bất an luôn tiềm ẩn ở bề sâu, sẵn sàng nhảy xổ ra chất vấn chúng ta ở mỗi ngã rẽ cuộc đời. Thật khó tìm có sự an bình cao vời như R. Tagore, khi ông dùng thoải mái hai thứ tiếng Bengali và tiếng Anh. Ông là triết nhân được nuôi dưỡng trong môi trường tinh thần triết lí Ấn Độ. Còn chúng ta? Khốn khổ thay, nhưng cũng vinh quang thay! Nedim Gursel kết luận: “Tôi nghĩ rằng, lưu vong theo nghĩa rộng, là một trong những định mệnh khả hữu cho nhà văn thời chúng ta”(10).

Mặc cảm này, một mặc cảm đương nhiên, không có gì phải giấu giếm hay xấu hổ cả, có mặt ở hầu hết các nhà thơ dân tộc thiểu số viết bằng tiếng Việt. Mặc cảm/nỗ lực khiến lục bát của Lương Định đạt đến độ tinh xảo, nó khiến các bài thơ “tự do” của Y Phương nhuần nhuyễn đến tài hoa, thơ dân tộc của Lò Ngân Sủn đậm chất dân tộc hơn nữa. Là hay, khi được nhìn từ phía tích cực; nhưng cái hay đó sẽ hay hơn nếu chúng ta biết từ cấu trúc ngôn ngữ, lối suy nghĩ, lối nói đặc thù dân tộc để quay nhìn lại đầy ý thức nghệ thuật chặng đường sáng tác đã qua của chúng ta. Chỉ vậy thôi các nhà thơ dân tộc thiểu số hôm nay mới dễ dàng nhận mặt cái sáo mòn đã có và luôn phục sẵn ở những trang thơ sắp tới của mình. Nhận mặt, để tránh.

Nói như nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc, nếu một kĩ sư học một kĩ thuật nào đó là để làm theo: rập khuôn, cải tiến và phát triển thì ngược lại, nhà thơ học là để tránh. Tránh triệt để. Là điều kiện tối cần trong hành trình sáng tạo.

Vấn đề ngôn ngữ thơ

Chọn tiếng-không phải mẹ đẻ để sáng tác, các nhà thơ dân tộc thiểu số đụng phải một vấn đề hóc búa: bản thân ngôn ngữ. Bởi nghệ thuật thơ chủ yếu là nghệ thuật sử dụng ngôn từ. Chúng ta buộc phải suy tư qua sơ đồ làm sẵn của một lối nghĩ khác lạ: tiếng Việt. Một lối mòn hay đại lộ thênh thang mở ra trước mắt ta. Thiếu ý thức sử dụng ngôn từ, ta rơi ngay vào vực thẳm đào sẵn (đại lộ chính là vực thẳm)! Đây là hệ quả tất yếu sinh ra từ vấn đề vừa nêu.

Thử lần theo bước nhà thơ Lương Định để tìm ra vực thẳm này.

Đi vào thơ Lương Định tôi có cảm giác như bước vào bảo tàng, bảo tàng chữ. Của hai thế kỉ và vài thế hệ. Xen kẽ và không thứ lớp. Anh dẫn chúng ta từ cuối thế kỉ XIX, với: Chí đời trai, lạc bước phong trần, câu thơ nghĩa khí, nợ tang bồng, rượu thề, duyên trời xe, vụng tu thân chuốc lụy phiền, kẻ giang hồ, tri âm, tri kỉ, bạn tâm giao, oan khiên, nỗi oan nghiệp chướng, phẫn chí, một kiếp nhân sinh, thế cô lập nghiệp, tay trắng, đãi bôi, má hồng, phận hồng nhan, trời xanh, câu thơ lời thề, hảo hán, giải oan, một khối oan…

Bước sang “hiện vật” của đầu thế kỉ XX được trưng bày, với: Câu thơ Sám - Hối, duyên tiền định, Cõi - Mộng - Du, lỗi hẹn, chót đa mang, bơ vơ đất khách, bến xưa, xuân thì, một trời mộng ước, lỡ một thời con gái, trăng nằm sóng soải, bầm vầng trăng rỏ máu, rung nhẹ cung đàn…

Đến tận gian hàng chữ của miền Nam những năm 60 rớt lại: Cô đơn, trắc trở, day dứt, bon chen phố thị, tiếc nuối, Cõi Thiền, tỉnh say, đời cay nghiệt, con sáo xổ lồng, sang ngang phận bẽ bàng, xót xa, Cát Bụi thời gian, phôi phai, hao gầy, vò võ nỗi niềm, tê tái nỗi buồn, ván đã đóng thuyền…

Bao nhiêu là hiện vật của mấy thế hệ chen chúc trong ba nhà trưng bày(11). Tôi cảm thấy bị lạc. Lạc và ngợp. Vui vẻ mà ngợp trong hai căn phòng nhỏ bé này. Bởi các hiện vật kia được Lương Định bày biện rất nhiệt tình và thành thật một cách cảm động.

Có thể nói, Lương Định là nhà thơ dân tộc thiểu số cố ý làm thơ giống người Kinh nhất! Khi tuyên ngôn:

                        Cha không thích những bài ca xưa cũ

                        Nghe họa mi hót mãi cũng nhàm              

Tôi không hiểu Lương Định có ý thức đầy đủ sức nặng ý nghĩa của nó không. Bởi, thơ muốn không xưa cũ (chưa nói là hiện đại hay hậu hiện đại), nó phải thể nghiệm thể mới, lối viết mới, nhịp điệu mới, ngôn từ mới. Riêng yêu cầu về hình thức thôi, chúng ta chưa thấy Lương Định có thử nghiệm. Ba mươi chín bài trong tập thơ thứ hai của anh: Núi và hòn đá lẻ, thể thơ 5, 7 và 8 chữ chiếm đến mười hai bài, mười một bài lục bát và mười sáu bài có câu ngắn/dài. Nghĩa là thể thơ cũ chiếm thế áp đảo. Ngay mười sáu bài có cấu trúc câu ngắn/dài này, chúng cứ vần vè êm tai.

Vần và thể cũ không phải là không thể hiện đại, nếu nhà thơ có lối viết, ngôn từ, nhịp điệu hiện đại. Nhất là nhịp điệu (rhythm). Bởi, nói như Charles Hartman: “Nhịp điệu đóng góp toàn bộ ý nghĩa của bài thơ, và phép làm thơ là chuyển nó trở thành ý nghĩa”(12).

Đọc lục bát “Chia” của Nguyễn Trọng Tạo(13):

                        Chia cho em một đời tôi

                        một cay đắng

                                                một niềm vui

                                                                        một buồn

                        tôi còn cái xác không hồn

                        cái chai không rượu tôi còn vỏ chai…


Chúng ta nói nó hiện đại. Bởi nó mới ở xếp đặt ngôn từ (“một cay đắng”…), bất ngờ ở lối nói (câu cuối), và trên hết là nhịp điệu (bằng ngắt câu và vắt dòng). Nhịp điệu này làm trào vọt năng lực thể hiện tinh thần được tạo nên qua tiến trình sáng tạo của nhà thơ. Còn ở lục bát “Rượu tha hương” (anh tương đối thành công ở thể cổ điển này) của Lương Định, thì rõ ràng nó không mới.

                        Tha hương giữa chốn quê nhà

                        Nửa đời nhìn lại, ngỡ là chiêm bao

                        Láng giềng đâu bạn tâm giao?

                        Thế cô lập nghiệp lao đao nẻo đời…

                        Tha hương rượu uống mềm môi

                        Ruột gan đau đáu nói, cười vu vơ

                        Núi non – cõi nhớ – mịt mờ

                        Bẽ bàng phận kẻ giang hồ rượu suông.

Không nói đến nhịp điệu hay tứ thơ sáo mòn, chỉ cần bẽ bàng, thế cô lập nghiệp, mềm môi thôi cũng đủ “làm cũ” bài thơ rồi. Các từ này ở ngoài/ nằm đằng sau tầm mong đợi (horizon of expectations) của người đọc thời hiện đại. Với con người thưởng ngoạn văn chương hôm nay, chí trai, nợ tang bồng, câu thơ nghĩa khí đã mất hết sức nặng ý nghĩa như nó vốn có ở thế kỉ XIX. Một ít chúng đang rất lạc lõng, ngơ ngác trên đường phố hiện đại Sài Gòn. Còn hầu hết chúng đã chết và được nhập kho từ vựng Việt hôm qua.

Dù, nhà thơ là kẻ ý thức sâu sắc nhất hành động sử dụng ngôn ngữ của mình, không ai dại dột đòi hỏi họ cắt đứt một lần cho tiệt đuôi tàn quân chữ cũ rơi rớt lại. Không lấy ví dụ đâu xa, ngay bản thân tôi cũng phạm húy khá nhiều ở tập thơ đầu tay: Tháp nắng. Trong các bài thơ được viết từ cuối thập niên bảy mươi đầu thập niên tám mươi, người đọc tinh ý dễ dàng nhận mặt những: nắng quái, sầu viễn miên, tàn tạ, buồn hồ hải, miên trường, quan san, phiến, tao phùng, hoài nhớ… được sinh hạ từ đâu ở thế kỉ này.

Vài rủi ro nghề nghiệp, người đọc bỏ qua được. Nhưng nếu chúng trở thành các dụng ngữ chủ yếu của một nhà thơ thì – hỏng! Tôi không tin lắm một tài năng thơ nào đó một ngày kia có thể tắm gội, làm mới vốn chữ thời thượng (cũ) trong bảo tàng chữ chúng ta vừa nêu ở trên. May lắm, bằng khéo léo xếp đặt, vài hiện vật trong chúng nhấp nháy lên đôi chút. Còn thì, hiệu quả thơ chắc chắn sẽ rất kém.

Nhưng trong thời đại ngày nay, làm sao có thể sáng tạo ra cái mới? Nêu câu hỏi này, chúng ta hiểu được vì sao, bên cạnh sự châm biếm (irony), phỏng nhại (pastiche) là một thủ pháp nghệ thuật chủ yếu của các nhà hậu hiện đại.

Về phong cách tác phẩm  

Văn chương tiếng Việt cổ điển – ngoài đại bộ phận ca dao và vài cá nhân độc sáng ở một vài tác phẩm độc đáo – đa phần là các sáng tác mang nặng ước lệ vay mượn. Từ ngôn từ, điển tích, cốt truyện cho đến thể thơ, cách nhìn, cách thể hiện. Chỉ khi các tài năng thơ lớn như Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương xuất hiện, các ước lệ vay mượn (từ Trung Quốc) mới được dần dần từ bỏ, sau đó bị phong trào Thơ Mới cắt đuôi gần hết. Rồi Thơ Mới lại tạo ra một ước lệ khác. Và…

Sáng tác bằng tiếng Việt, các nhà thơ dân tộc thiểu số dễ có nguy cơ rơi vào các ước lệ cũ kĩ kia. Đã không ít người sập bẫy. Thế nhưng chúng ta, bởi bản năng sáng tạo cấu thành qua văn học dân gian của dân tộc, biết chắt lọc từ đó nguồn suối tinh khiết, đã hiến tặng cho thơ tiếng Việt những giọng thơ độc đáo, khác lạ!

Người đẹp của Lò Ngân Sủn hoàn toàn khác mọi người đẹp trên thế giới mà ta thường thấy. Mới, lạ và rất… đẹp.

            Người đẹp trông như tuyết

            Chạm vào lại thấy nóng

            Người đẹp trông như lửa

            Sờ vào lại thấy mát

            Người không khát – nhìn thấy người đẹp cũng khát

            Người không đói – nhìn thấy người đẹp cũng đói

            Người muốn chết – gặp người đẹp lại không muốn chết nữa.(14)


Ngoại trừ “tuyết” ở câu đầu (mà tôi cứ nơm nớp nhà thơ dân tộc này sẽ vấp ngã), còn lại là cách nhìn khác, với lối xử lí tình huống nghệ thuật khác. Toàn triệt. Từ đó có ví von khác, sử dụng ngôn từ khác. Khác và bất ngờ.

            Hai ta yêu nhau giữa lều nương

            lều nương không phên vách

            ta cởi áo làm phên vách.   


            Hai ta yêu nhau giữa lều ruộng

            lều ruộng không chăn chiếu

            ta cởi áo làm chăn chiếu

Thử đọc thêm bài thơ ngắn của Y Phương:

            Mùa hoa

Mùa đàn bà

Mặt đỏ phừng

Thừa sức vác ông chồng

Chạy phăm phăm lên núi. 


Mùa hoa

Mùa đàn ông

Mệt như chiếc áo rũ

Vừa vịn rào vừa đi vừa ngủ.(15)

Cảnh vật, sự kiện hay ý tưởng cũ luôn được cái nhìn của Lò Ngân Sủn, Y Phương tắm gội, làm mới như là lần đầu tiên nó được nhìn thấy, nói đến. Bằng thứ ngôn ngữ giản đơn đến tinh ròng. Cách nhìn tươi non, lối nói thuần phác này được nhà thơ Lò Ngân Sủn và,… tiếp nhận từ ca dao, dân ca các dân tộc. Theo tôi còn hơn thế, bản năng thơ đã tiếp sức cho họ. Bởi ngay cả khi “đi tỉnh” và ở thành đến mươi năm, Lò Ngân Sủn, Y Phương vẫn giữ được cái nhìn thơ trẻ cũ.

Nói thế không phải là phố thị đã không làm “hư” các anh. Nhất là giữa môi trường báo chí tạp pí lù. Báo nào cũng đăng thơ, từ báo tài chính đến chuyên san văn chương, từ báo cấp huyện đến tạp chí cấp Trung ương. Hãy nghĩ đến các vụ thơ ăn theo báo tết, được khối nhà thơ ta cảm tác từ mùa hè năm ngoái! Bất kể chất lượng ra sao, ưu tiên đi bài luôn dành cho thơ của nhà thơ-quan thơ hay nhà thơ-nhà báo cánh hẩu. Thị trường chữ nghĩa ấy, kẻ sáng tác cơ hội hay nhà thơ yếu bóng vía không sa ngã mới là chuyện lạ! Ở đó, không ít lần “thơ đồng phục dân tộc” đầy dễ dãi của Dương Thuấn, Lò Ngân Sủn chen chân, có mặt.

Chỉ có hành động về nguồn như là về nguồn hay thái độ chuyên nghiệp mới khả năng cứu vớt linh hồn [và thơ ca] chúng ta.

Có thể ví văn học Việt Nam như thân cây có năm rễ. Rễ chồi đâm sâu vào lòng đất, bao gồm toàn bộ sáng tác dân gian của các dân tộc. Bốn rễ phụ bò ra bốn hướng rút tỉa tinh chất từ những vùng đất lạ. Nhánh vươn ra phía Bắc nhận ảnh hưởng của văn học Trung Quốc (văn chương bác học của người Việt từ đầu thế kỉ XX trở về trước), nhánh vói qua phía Tây hút dưỡng chất từ văn học phương Tây (một bộ phận lớn của văn chương Việt Nam tiền chiến), nhánh bò lan vào nhiều khu đất mầu mỡ của sáng tác thành văn của các dân tộc, các nhánh còn lại đâm xuống phương Nam nhận nhựa sống từ văn học Ấn  Độ xa xôi (mà văn chương cổ điển Champa là đại diện).

Cây văn học Việt Nam hôm qua được cắm trên nền đất phì nhiêu mà nếu chịu cày xới và Cham bón thì nó sẽ cho hoa quả ngọt ngào không thua kém nền văn học đất nước nào bất kì. Nhưng mãi đến hôm nay, vài mảnh đất chưa được làm tơi xốp nên vẫn còn nhánh rễ còi cọc và đang có nguy cơ bị thui chột trong lòng đất đen.

Nhất là văn học dân gian của các dân tộc thiểu số.

Ai là kẻ có Đỗ Thị Tấc nhà thơ nữ dân tộc Kinh sinh sống vùng dân tộc, cũng đã biết tới bút pháp dân gian ấy. Thơ Đỗ Thị Tấc rất ít bài có vần, bù lại: điệp. Luôn luôn điệp. Điệp âm, điệp từ, điệp cụm từ, điệp liền, điệp cách dòng, cả điệp trong một câu…Thơ ca dân gian chủ yếu được tiếp nhận qua truyền khẩu, nên muốn dễ thuộc lòng, ngôn từ phải giản đơn dễ hiểu, nhịp thơ đều đặn dễ ngấm, và… điệp. Thử đọc một đoạn ca dao Cham:

      Kabaw hwa lingal gan ar

      O yaum di tian ahauw kabaw

      Kabaw hwa lingal gan crauh

      O yaum sa bauh ahauw kabaw.

      Trâu kéo cày qua bờ

      Chẳng buồn lòng “họ” trâu dừng lại

      Trâu kéo cày qua suối

      Chẳng buồn nói một tiếng “họ” trâu.(16)

Hai đoạn thơ, nhưng chỉ có ba từ khác nhau!

Nhìn ra bên ngoài, Pháp chẳng hạn, một nhà thơ đại chúng của Pháp nửa đầu thế kỉ XX là Jacques Prévert. Thơ ông được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc và truyền bá rộng rãi. Bài“Déjeuner du matin”– (Điểm tâm sáng)(17) là một ví dụ. Ông liệt kê tuần tự các thao tác hầu như khá nhảm, và tầm thường đến nhàm chán: “Hắn bỏ cà phê / Vào tách / Hắn rót sữa / Vào tách cà phê / Hắn bỏ đường / Vào cà phê sữa / …Hắn đốt điếu thuốc / Hắn thổi ra những khoanh tròn / Không nói với tôi / Không nhìn tôi /… Và hắn đội mũ / Đi / Dưới cơn mưa /…”. Nhưng chính đoạn cuối đã biến các liệt kê ấy thành thơ, một bài thơ hay: “Không một lời / Không nhìn tôi / Và tôi / Hai tay bưng lấy đầu / Và tôi khóc”. J. Prévert  đẩy người đọc đối mặt với cái vô tình đến trơ lì của cảm quan con người hiện đại, với xung quanh và nhất là, với tha nhân.

Nó khác hẳn thi pháp của thơ hiện đại. Raymond Carver với “Fear” (Sợ), cũng dùng thủ pháp liệt kê tương tự, nhưng mỗi câu thơ với một thi ảnh lạ biệt đã tạo cho người đọc các cảm xúc khác nhau. Mỗi câu có thể đứng tách khỏi các câu khác mà rất ít bị ảnh hưởng đến giá trị của mình:

Sợ thấy xe cảnh sát rẽ vào ngõ nhà mình

Sự thiếp ngủ trong đêm

Sợ không ngủ được

Sợ quá khứ trỗi dậy

Sự hiện tại biến mất

Sợ điện thoại réo lúc nửa đêm

[…] Sợ phải nhận xác một người bạn

 Sợ hết tiền

Sợ dư dả, dù chẳng ai tin…

Sợ những vẻ mặt trầm cảm

Sợ đến muộn và sợ đến sớm hơn mọi người

Sợ nét chữ các con trên bao thư

Sợ chúng sẽ chết trước mình, và mình sẽ thấy có lỗi (18)

Ở bài “Trầu say”, chúng ta bắt gặp hai dạng điệp, điệp liền dòng (từ và cụm từ):

      Mẹ không gặt con trên cánh đồng tình yêu

      Mẹ không gặt con trên cánh đồng hoan lạc

      Mẹ không gặt con trên cánh đồng Người…


      Bỏ lại hàng cau

      Bỏ lại giàn trầu

      Bỏ lại bình vôi…(19)


Điệp cách dòng

      Lời ru bay lên

      Ngọn tre làng cong ngàn dấu hỏi

      Lời ru run lên

      Nghê đá đình làng nhe răng không nói

      Lời ru ra cánh đồng

      Lúa ngậm đòng hết thì con gái…

Tôi nghĩ, với lối điệp như thế, người ít chữ nghe qua vài lần là đủ thuộc. Có khi hứng lên, Đỗ Thị Tấc điệp luôn từng cặp một:

      Mài đá giữa nhà làm bàn

      Mài đá trước sân phơi hạt

      Cây lúa, cây rau vươn lên từ nách đá

      Cây ngô, cây kê mọc lên từ kẽ chân của đá

      Những tiếng cựa quậy làm nên sự sống

      Những tiếng động của sự chết…

Đặc điểm thứ hai của thi pháp dân gian là lối sử dụng ngôn từ giản đơn, những hình ảnh cụ thể gần gũi với sinh hoạt hàng ngày. Ở đây nữa, Đỗ Thị Tấc khá đạt chuẩn. Đến nỗi chúng ta nghĩ đó là nói chứ không thơ gì cả, vậy mà nó cứ thơ:

      Sữa người trắng

                              Sữa đá trong…


      Về đi em

      Cho đầu anh gối tóc

      Cho tay anh gối đầu

      Mình như ngọc đôi chẳng rời nhau

Lạ quá: sao giống hệt cái tứ/từ của một bài ca dao Cham thế? Dù đã trích dẫn hơi nhiều, nhưng tôi không thể không dẫn thêm:

      Về đi em cho đùi gác

      Hai tay em ấp, em xức dầu thơ

      Tóc anh bù rối như rơm

      Tay em vuốt sẽ mượt hơn lượt là(16)          

Thi pháp dân gian-dân tộc-Đỗ Thị Tấc gần với lối nghĩ dân dã là thế.

Một điểm nữa cần nêu là, trong lúc thơ hiện đại, bởi cấu trúc đứt quãng, phân mảnh, đồng hiện, nên trong mỗi bài/tập, người đọc có thể đọc bất kì đâu nếu thích, không cần theo trật tự từ đầu đến cuối “câu chuyện” thì, thơ sáng tác theo thi pháp dân gian, ở đây là Lò Ngân Sủn, Đỗ Thị Tấc ngược lại. Nó đòi hỏi lối đọc tuyến tính, theo dõi trên xuống; kịch tính dồn dần về đoạn dưới để bùng vỡ nơi đoạn/câu cuối cùng.

Tư tưởng gặp nhau, cấu trúc ngôn ngữ thơ giống nhau, phong cách sáng tạo trùng lặp không là chuyện hiếm giữa các dân tộc, các tác gia, các thế hệ ít/không có quan hệ lịch sử gì với nhau. Chẳng ngạc nhiên, khi Lò Ngân Sủn của dân tộc Dáy - Việt Nam dễ tìm gặp giọng thơ đồng thanh đồng khí với J. Prévert tận nước Pháp xa xôi. Nhà thơ dân dã nổi tiếng ở nửa đầu thế kỉ XX có một mảng sáng tác bằng thứ bút pháp tôi tạm gọi là “bút pháp liệt kê”. Ở đây tôi không có ý so sánh Lò Ngân Sủn, Đỗ Thị Tấc với J. Prévert, càng không muốn chọn bài chưa hay của anh đặt bên cạnh một sáng tác đạt chuẩn cao của nhà thơ Pháp tài hoa, cũng như nội dung đề tài lớn/nhỏ của hai bài thơ ngẫu nhiên bắt gặp để phân định cao/thấp. 

Cái tôi muốn nhấn mạnh chính là phong cách.

Đây là thứ thi pháp thuần dân gian: dàn trải và đẩy đưa. Lò Ngân Sủn và,… tiếp nhận và thổi hồn vào nó để làm thành phong cách của riêng mình. Nổi trội và không thể lẫn.

Nhưng tại sao mãi bám cứng vào nó? Một, hai tập thì được, lạm dụng – nó dễ gây cho người đọc rằng tác giả đang “triển khai một khuôn sáo rỗng” trên nền tảng “thế giới quan bằng phẳng, nông cạn và giả mạo”(20). Trong khi tinh thần mới của thơ hiện đại đòi hỏi nhận thức mới về thực tại. Độ dồn nén của cảm xúc, sức bùng vỡ của tư tưởng, hàm ngôn và cô đọng của ngôn từ khiến thơ có khoảng vượt táo bạo khỏi không-thời gian, đưa hình ảnh, ý tưởng khá xa lạ đồng hiện hay vụt sáng bất ngờ trên từng câu thơ, hai câu thơ cạnh nhau, một khổ thơ chứ không còn chịu tuân thủ trật tự thứ lớp rù rì.

Và ngay cả khi anh đã bắt gặp cái giọng lạ biệt đến đâu đi nữa, tại sao không dám chối bỏ nó? Trong lúc yêu cầu của thơ hiện đại là nhà thơ phải học biết từ chối đi mãi con đường mòn. Của người khác và của chính mình. Như là một thách thức không ngơi nghỉ của ý chí sáng tạo: luôn vượt bỏ mình.

Vấn đề mĩ học truyền thống

Vậy đó, chúng ta đã lặn sâu vào dòng sông văn học dân tộc để lẩy ra tinh túy của nó, biết học tập tiếng Việt để làm thơ như người Kinh, và bằng tài hoa cùng lao động nghệ thuật của mình, chúng ta đã cống hiến bao tác phẩm hay, đẹp vào nền văn học đa dân tộc Việt Nam. Nhưng chúng ta vẫn cứ ở lại đó, an tọa và… hơi thỏa mãn. Chúng ta chưa thử dấn bước mạo hiểm hơn, khai phá các vùng thẩm mĩ mới hay, lặn sâu hơn nữa vào cuộc sống hiện đại, cuộc sống thực đang xảy ra xung quanh ta.

Tâm lí chung hay khuynh hướng vuốt ve kỉ niệm, tô hồng quá khứ, định kiến cái đã qua là đẹp, tốt. “Thời trước làm quan cũng thế a!” (Nguyễn Khuyến). Bên cạnh, xem những gì thuộc về đồng quê là thơ, mộng. Thời Thơ Mới, qua đổi mới cho đến những năm đầu thiên niên kỉ thứ ba Công nguyên. Tâm hồn chúng ta được nuôi nấng bởi Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến rồi Xuân Diệu, Nguyễn Bính, “Hôm qua em đi tỉnh về / Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Cả sáng tác của các nhà thơ thế kỉ XXI cũng dính đầy “chất thơ” của các bậc tiền bối. Dường như mỗi phát sáng là một phát sáng may mắn, mỗi sáng tạo chỉ là những tai nạn hay rủi ro. Một va quẹt ngẫu nhiên, có thể nói thế.

Tôi, anh không khác.

Thơ tôi viết giữa chan hòa ánh điện

vọng hương vườn ngai ngái ánh trăng in(21).

Người làm thơ bị mắc kẹt giữa hai làn sáng tối: ánh điện và ánh trăng. Đang giữa ánh điện rực sáng muôn vẻ muôn màu, không phải là không đẹp, không thích mắt, nhưng chỉ có ánh trăng mới tràn đầy thi tính, mới nên thơ. (“không còn ánh trăng ngà cho thi sĩ làm thơ” – thơ Nguyễn Trọng Tạo). Tà áo dài thì nên thơ, còn váy ngắn: không. Cũng thế: tóc dài/tóc ngắn, thanh bạch bần hàn/giàu sang phong phú, yên tĩnh/sôi động, cảm xúc/lí trí. Thơ thì phải “nên thơ”, thế thôi. Nghĩa là nó muốn thoát khỏi sự can thiệp của lí trí, của học tập trui luyện mang tính kĩ thuật. Nó chối bỏ sự nặng nhọc của khổ luyện (phong thái thi nhân xuất khẩu thành thơ gây hứng thú cho chúng ta hơn hình ảnh họ cặm cụi “nhị cú tam niên đắc”), tránh xa việc đặt vấn đề tư tưởng hay xã hội hóc búa, thậm chí nó cũng thiếu mặn mà trong tìm tòi cách thể hiện mình mới, lạ hơn.

Đó là thói quen thơ của chúng ta, hình thành thuở chúng ta còn ngồi ghế trung học; thói quen bị khuôn định bằng truyền thống không sẵn sàng cho động thái tác thi chuyên nghiệp. Thơ là thế, như thế mới gọi là thơ, mới nên thơ.

Mà chỉ có Việt Nam thôi đâu! Thử xem Roland Barthes nhìn thi ca Tây phương: “Vào các thời cổ điển, “có chất thơ” không hề hàm ý một tầm rộng, một chiều dày đặc biệt nào, một tình cảm, một mối liên kết, một thế giới riêng tư nào cả, mà chỉ là chuyển điệu một kĩ thuật ngôn từ, kĩ thuật “biểu đạt” theo những quy tắc đẹp đẽ hơn, (…) phát ra một lời nói được xã hội hóa do tính quy ước hiển nhiên của nó”(22). Thế nhưng ở ngoài kia, tính quy ước hiển nhiên ấy bị các nhà thơ hiện đại Tây phương vượt bỏ từ lâu rồi.

Còn Việt Nam hôm nay, dù đã làm người phố thị vài chục năm, tâm hồn chúng ta cũng đã phố thị rồi nhưng, thi tứ chúng ta cứ vướng bận không khí miền quê; các nhà thơ vô tư mang không khí ấy vào thơ, không vấn đề gì cả! Có thể nói, phần đông nhà thơ Việt đương đại như thế, cả già lẫn trẻ, dân tộc số đông lẫn dân tộc thiểu số. Thử đọc qua bài thơ “Người ấy” của Vương Trọng.

Ràng buộc cuối cùng với làng

Ngôi nhà và mảnh vườn

Cần chi nhờ người trông nom

Bán quách đi, ta là dân thành phố. 


Người ấy bước đi hăm hở

Phía trước là công ti

Là hợp đồng, tiệc tùng

Ai cần chi

Một mái nhà gianh

Một mảnh vườn tre gai và dứa dại… 


Hơn hai chục năm sau trở lại

Tóc bạc gió thổi

Người ấy đứng chôn chân trước ngõ nhà xưa (…) 


Không có quyền bước qua cánh đồng

Người ấy đứng lẩm bẩm:

– Ta vô tình đã bán mất quê hương!(23)

Sự hướng vọng miền quê, “trốn lo âu tìm lại cánh đồng” của Nguyễn Quang Thiều là để giải quyết vấn đề triết lí, phục vụ hệ mĩ học mới qua thi pháp mới. Còn ở đây, một tâm thế bảo thủ mang tính xã hội (xin lưu ý: tôi đang bàn về bài thơ của Vương Trọng qua đối sánh với thơ dân tộc thiểu số, chứ không phải về tư tưởng/con người Vương Trọng): xem vườn tre, mái nhà gianh, mảnh vườn là bản sắc, thậm chí nâng cấp chúng thành “quê hương”(24). Bảo thủ, ta đóng cửa lại trước thay đổi. Ở Việt Nam, người nông thôn rời bỏ cái cuốc cái cày, đã và đang tràn vào thành phố, góp phần làm thay đổi bộ mặt đất nước; trên thế giới, sự phát triển ồ ạt của mạng thông tin toàn cầu biến thế giới thành một làng: làng toàn cầu. Đóng cửa, ta đẩy tư duy dấn thêm một bước rất lệch lạc: từ bỏ mảnh vườn, ao nhà là “bán quê hương”! Làm như thế giới mãi đứng yên một chỗ. Làm như xã hội Việt Nam chưa hề nhúc nhích, hơn hai thập kỉ qua.

Có thể đó là suy nghĩ thật của một nhà thơ thuộc thế hệ đi trước, sinh ra và lớn lên ở miền quê, cuộc sống nông thôn Việt Nam làm nên tâm thức họ, quy định tâm hồn họ, đóng khung thi tứ họ, không thể thay đổi. Tâm lí hoài niệm quá khứ không là chuyện lạ; càng không lạ khi qua đó, hình thành dòng thơ hoài niệm, đôi khi – xuất phát từ mặc cảm – nó chỉ là một hoài niệm giả tạo. Chúng ta không trách, bởi không thể đòi hỏi hơn. Bà Huyện Thanh Quan, rồi cả [một phần] Nguyễn Du nữa chẳng đã từng được xem là đại biểu cho dòng thơ hoài niệm là gì? Nhưng, hôm nay, khi văn minh hiện đại đã xé môi trường nông thôn nát ra từng mảnh; nhà máy, nhà hàng, trường tư thục, tòa soạn báo chí mọc lên khắp nơi như thứ vòi rồng cuốn hút thanh niên nông thôn rớt vào vòng xoáy của nó. Họ tự nguyện hay bị đẩy vào môi trường khác hẳn môi trường ông cha họ từng sống, tiếp nhận nền văn hóa khác xa nền văn hóa truyền thống, học tập, làm việc và ăn-chơi khác, đối mặt với những vấn đề khác với những gì ông cha họ từng đối mặt; từ đó lối nghĩ, lối sống của lớp người mới cũng khác hẳn. Trong lớp người mới kia, không ít kẻ theo nghề cầm bút. Chúng ta hòa nhập vào dòng chảy đời sống thị thành, vui vẻ thụ hưởng các thành tựu nó mang lại cùng lúc chịu đựng khổ ải mới nó vừa đẻ ra. Không vấn đề gì cả. Thế  nhưng, khi làm thơ, các thi sĩ thuộc thế hệ mới ấy vẫn cứ cánh đồng, lưỡi cày với mùi rơm rạ mà ru nhau. Thế mới lạ!

Tại sao?

Đây là câu hỏi nền tảng mang tính mĩ học của thơ hôm nay. Giữa bề bộn, sôi động của cuộc sống hiện đại, thơ chúng ta mãi vướng kẹt ở quê. “Lời nói được xã hội hóa do tính quy ước hiển nhiên” quy định lối suy nghĩ của chúng ta, điều kiện hóa lối viết và lối thưởng thức thơ của chúng ta. Và, như tự đánh lừa, bởi không hiếm thi sĩ hiểu/thấy đằng trước, đằng sau và xung quanh rằng, đất nước đang thay đổi, thế giới đang thay đổi và, thi ca đang chuyển động nhanh và mạnh, nhưng ta cứ tiếp tục để cho bị vướng kẹt. Vuốt ve sự vướng kẹt! Chỉ khi ý thức sâu thẳm, nỗ lực vượt thoát không ngưng nghỉ, nhà thơ hôm nay mới hi vọng đưa thơ đi chệch khỏi đường ray hệ thẩm mĩ cũ kĩ.

Nói câu hỏi nằm khép mình trong bài “Viết trước lúc xa quê”(25) của Mai Liễu là câu hỏi lạc thời: “Ta đâu biết em tìm gì trên phố?” là như thế.

Tinh thần (hay tư duy) của nó vẫn còn vướng kẹt. Ở quê. Đó là một thành kiến khác mà chúng ta – nhà thơ hôm nay, không loại trừ tôi – vẫn còn chưa dứt ra được. Có lẽ chúng ta, nói như Nguyễn Duy, chưa dám vứt bỏ cái đẹp rất nên thơ như dáng đòn gánh tạo hình vào trời chiều quê hương!

Đẹp lắm bóng thiếu nữ Cham ngồi dưới ánh đèn dầu đưa thoi từng sợi tơ dệt tấm thổ cẩm. Nhưng người dân Caklaing đang cần rất nhiều thợ dệt lành nghề, nhà tạo mẫu giỏi, kẻ nghiên cứu cải tiến khung dệt, và trên hết – con người có khả năng tổ chức để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng suất lao động hầu đưa thổ cẩm ra ngoài thị trường lớn hơn, từ đó thu nhập của bà con cao hơn, đời sống đỡ khốn khó hơn.

Đẹp lắm dáng cô gái Bana gùi củi lội qua suối, vừa đi vừa hát nhẹ dù lưng áo đang ướt đẫm mồ hôi; sáng mai gùi củi kia sẽ được mang xuống chợ đổi lấy chục ngàn đồng bạc. Nhưng nét đẹp ấy cần phải mất đi càng sớm càng tốt!

Đẹp lắm tiếng “khèn”, lời “then” trong những đêm lễ hội dân gian ở vùng rừng núi dân tộc miền Tây Bắc. Nhưng sẽ đẹp hơn nhiều, nếu tiềm năng văn nghệ kia được tổ chức, bồi dưỡng, nâng cao (miễn đừng phản bản sắc hay giả bản sắc) để nó có thể mang niềm vui, vẻ đẹp nghệ thuật đến nhiều làng hơn nữa, biểu diễn trên nhiều sân khấu của các thành phố lớn hơn nữa, và – tại sao không? – chen vai thích cánh cùng hội, đoàn văn nghệ các nước trên thế giới.

Vân vân….

Lối nhìn nhà quê bằng con mắt duy mĩ là thế. Trong lúc nông thôn hôm nay đang chịu một biến động lớn làm rung chuyển và thay đổi tất cả khía cạnh xã hội, nếp sống lẫn tâm thức con người. Nó đòi hỏi chúng ta có cái nhìn “động”.

Từng đoàn cô gái quê bị bật khỏi làng mạc từng ôm ấp họ, bị quăng ném vào thành phố. Cái gì đang chờ đợi họ ở ngoài kia? Vẫn còn những lớp học ba ca, lớp học chạy lũ như là cái gai làm nhức nhối. Không thiếu gia đình đồng bào còn cháo thay cơm. Mà dân tộc thiểu số luôn ở thế đáng “quan tâm hơn nữa”.

Nhà thơ gắn bó sinh mệnh mình với nhân dân không chấp nhận nghèo, cực, khổ muôn đời đeo dính đời sống bà con thân thuộc. Ví chúng ta chưa đẩy lui được chúng thì cũng không nên đồng lõa với chúng. Đồng lõa bằng quan niệm sáng tác – dù ý thức hay không – xuất phát từ mĩ học nông nghiệp đã quá lạc thời.

Các mảnh vụn của thành quả sáng tác từ quan điểm thiếu khuyết ấy lâu nay đã văng tràn vào thế giới giấc mơ của chúng ta. Của Lò Ngân Sủn hay Dương Thuấn. Của Y Phương, Pờ Sảo Mìn hay Inrasara. Và cả giấc mơ của Mai Liễu.

                        … mơ

            Giấc mơ lạc vào lâu đài cổ tích

            … mang giấc mơ thời trai trẻ

            Lang thang đi tìm

            Dáng núi

            Nghìn xưa(25).

Đâu phải chỉ có mỗi Mai Liễu! Cái thâm tình của Y Phương với tên làng của anh:

            Ơi cái làng của mẹ sinh con

            Có ngôi nhà xây bằng đá hộc

            Có con đường trâu bò vàng đen đi kìn kịt

            Có niềm vui lúa chín tràn trề…                 

                                                (Tên làng, 1993)

Nó thủy chung, sâu đậm và không thể chia cắt. Nó linh thánh đến vượt khỏi phán xét của con mắt phàm trần. Ở Pờ Sảo Mìn, nó là “Cây hai nghìn lá”. Còn Dương Thuấn “Đi tìm bóng núi” sẽ gặp “Con của núi” mang tên Lò Ngân Sủn để nhấm nháp “Rượu núi” đặc sản quê hương cùng Lò Cao Nhum. Riêng “Đứa con của đất” Inrasara mãi “Bập bềnh giữa ngữ ngôn hoang đãng”(26), đắm hồn trong cõi miền nào đã vời xa.

Đó là những tình cảm xúc động và đẹp, những hoài niệm đẹp. Đẹp thiêng liêng.

Nhưng ở đây tôi đang nói về sáng tác văn chương.

Bài thơ “Nỗi buồn ứng trước” trong Sinh nhật cây xương rồng được sáng tác năm 1996, thời điểm tôi là dân Sài Gòn hơn năm năm rồi. Thân xác tôi đã ăn cơm nhà thành phố, nhưng tâm hồn tôi vẫn còn thèm đi vác tù và chốn quê.

Trong khi ngay mùa hè 1981, tôi từng tuyên ngôn khá to tát:

Ơi người thi sĩ có màu mắt rất đen và mái tóc rất đen

Mãi ngủ gục êm đềm dưới mốc bụi của hành lang thư viện

Cẩn trọng bơi trong dòng hiện sinh

Mắc cạn bên này bờ – cuộc chiến. 


Bao giờ?

Chúng ta trút gánh nặng xuống – lên đường

Con đường băng qua buổi chiều những thời đại

                                                                                    (Inrasara, Tháp nắng)

Những tưởng người viết nó sẽ làm một bứt phá ghê gớm lắm. Nhưng không. Khí quyển văn học đương thời, cả cái nhát gan của chàng tuổi trẻ sắp làm người lớn, và nhất là thứ mĩ học nông nghiệp thâm căn trong tiềm thức khiến kẻ ấy không dám từ bỏ một lần cho tất cả, không thể lột xác.

Đây không phải là khuynh hướng hay cá tính sáng tạo mà chính quan niệm sáng tác quy định sinh mệnh văn chương chúng ta. Lắm lúc – bằng nhậy cảm của thi sĩ – chúng ta chợt thấy các trang sách của mình sao mà diệu vợi, “xa rời quần chúng” quá, sao mà chúng đuối khi muốn bám “thực tế” quá, nhưng chúng ta đã không đủ dũng mãnh bứt phá ra. Hơn thế, chúng ta tự thỏa mãn, đồng lõa xem cái vướng kẹt như là bản sắc.

Nhưng thế nào là bản sắc? Bản sắc có phải quay nhìn lui về quá khứ hay đi giật lùi về nguồn? Còn phải đi tới đâu mới gặp nguồn như là nguồn? Hỏi ngôi tháp Chàm kia có bao nhiêu phần trăm là Ấn Độ, bao nhiêu là Cham? Nó được người Ấn mang tới hay do một tay nghệ sĩ Cham nào đó nổi hứng khênh về, không là vấn đề. Nhưng muốn được là tháp Chàm, người nghệ sĩ đã phá nhiều, rất nhiều (tiếp thu sáng tạo – như hôm nay chúng ta dễ dãi nói thế). Trong hành động phá này, vô thức (bản sắc cũ) và ý thức (tài năng nghệ sĩ) cùng có mặt. Tài năng cá nhân càng lớn thì phần phá càng vượt trội. Một khi có đột biến trong sáng tạo, chúng ta gọi đó là thiên tài.

Như vậy, bản sắc chính/đa phần là cái gì đang chuyển động hình thành chứ không/ít là cái đã đóng băng. Mà muốn làm nên bản sắc, con người sáng tạo phải thật sự dũng cảm. Biết và dám khênh về đã là dũng cảm, dám và biết phá càng dũng cảm trăm lần hơn.

Bởi mãi lo khư khư ôm lấy kho bản sắc (cũ), chúng ta đã tự cách li và cô lập mình với xung quanh. Cho nên, mặc dù đã làm dân phố chợ mấy chục năm rồi, các nhà thơ dân tộc thiểu số (và cả nhà thơ Việt xuất thân nông thôn) vẫn còn dị ứng với các chất liệu ngôn ngữ của xã hội đô thị và công nghiệp. Những: cột đèn, thương xá, xa lộ, shop, nhà máy, xí nghiệp, nhà cao tầng, bar, cô thư kí, tờ ngân phiếu, email, cà phê cóc cứ không là gì cả với thi hứng chúng ta. Chưa một lần dời gót đi vào thơ chúng ta. Hay nếu có, cũng bị chúng ta nhìn bằng con mắt phân biệt đối xử. Như là mặt trái của xã hội. Và phản diện của cái đẹp. Trong lúc các sự thể ấy đã có mặt ở nông thôn từ hơn chục năm rồi. Và không ít thứ đã là ước mơ và hãnh diện của bà con nông dân.

Còn thi sĩ chúng ta cứ thư thả lẽo đẽo theo sau cái đuôi của xã hội!

Nhưng tại sao cứ nhà quê mà không là thành phố? Cứ mộc mạc thanh bần mà không là phức tạp phồn hoa? Một em bé bán báo đất Sài Gòn quyết chịu cơ khổ dành dụm tiền gửi về quê nuôi em học không là tạo hình gây xúc động? Hay một doanh nhân toan tính với con số lạnh lùng hi vọng một ngày kia đạt giấc mơ triệu phú? Hoặc một kĩ sư đánh vật cùng bản vẽ mù mờ rối rắm mong hình thành cái giàn máy dệt giản đơn hơn, hiệu quả hơn thứ máy cổ truyền ngàn đời ì ạch?

Cả đất nước đang mơ giấc mơ dân giàu, nước mạnh. Chúng ta cũng thế: về thành cho phỉ chí tang bồng. Con cái về thành học, làm việc và ở lại. Giấc mơ thực của chúng ta là thế, chẳng những không nên mặc cảm mất gốc mà còn khuyến khích, tăng cường. Nhưng tại sao giấc mơ thơ của chúng ta cứ làm cái điều ngược lại? Không đủ bản lĩnh chăng? Hay sợ mất vía?

            chốn thị thành

            Ai gọi vía cho tôi (thơ Mai Liễu)


Tiếng thơ sau lí thuyết hay cái đẹp của thơ dân tộc thiểu số

(Thay phần kết)

Thơ dân tộc thiểu số đang bế tắc. Nó sẽ đi về đâu?

Có thể nói cách tân, làm mới luôn ám ảnh số đông người làm thơ, hơn thập kỉ qua. Khi đất nước mở cửa và, khi thế hệ mới ý thức rằng nền thơ Việt, sau gần nửa thế kỉ vẫn chưa thoát hẳn dư hưởng của thi pháp hiện thực và nhất là, lãng mạn. Bên cạnh thành tựu sáng giá của thơ ca Cách mạng, nỗ lực của nhóm Sáng Tạo hay Nhân văn - Giai phẩm đưa thơ phiêu lãng vào những chân trời khác, do hoàn cảnh lịch sử đặc thù, nửa chừng bị dang dở. Từ đó thơ Việt chuyển động ì ạch…

Mở cửa về chính trị - xã hội như là một lối thoát cho thơ hôm nay.

Các nhà thơ trẻ háo hức nhìn ra thế giới bên ngoài trong tâm thế sẵn sàng đón nhận mọi luồng gió mới. Hầu hết các trào lưu văn học trên thế giới: từ tượng trưng đến thơ trương nở, từ trường ngôn ngữ Hoa Kì cho tận tân hình thức,…được các nhà thơ xu hướng cách tân hối hả cập nhật, học tập và vận dụng. Cả các bước đi nửa đường đứt gánh của thơ tự do Việt thập niên sáu mươi cũng được tiếp nhận và tân trang lại. Thêm: văn hoá Internet và lưng vốn ngoại ngữ mở đường cho chúng ta hội nhập văn chương thế giới dễ dàng hơn, nhanh hơn. Đó là cái may mắn của thế hệ thơ thời đổi mới.

Thế nhưng, văn hoá là cái gì còn lại, sau quá trình tiêu hóa tiệm tiến tri kiến thu nhận. Cuộc tiêu hóa đòi hỏi thời gian, nên không thể một sớm một chiều mà thành. Nhất là với bộ môn nghệ thuật cao là thi ca.

Cứ nhìn vào vùng vẫy không mệt mỏi của lớp nhà thơ này và, nhìn vào các thành tựu của thơ trẻ vài năm qua, cũng rõ. Sau hưng phấn lẫn choáng ngợp buổi đầu trước những đa dạng của cái mới, lạ, chúng ta lõm bõm bơi giữa rối mù của bao nhiêu dòng trào lưu. Các tài năng thơ thế hệ mới lộ nguyên hình nỗi lúng túng, quờ quạng trong thử nghiệm! Đã có dấu hiệu đuối ở một vài người. Và kiệt sức sớm xảy đến, nếu chúng ta không tự thức tỉnh và, dừng lại. Dừng lại để nhìn đầy ý thức chặng đường vừa qua, kiểm điểm lại hành trang, như thể lấy hơi cho một cuộc ma-ra-tông thơ sắp tới – quyết liệt, cam go hơn, nhưng cũng nhiều hứa hẹn hơn.

Giữa vòng xoáy trận đồ chủ nghĩa, bản thân tôi với tư cách một nhà thơ ham tìm tòi, cũng có mặt, nhập vào dòng chảy ấy. Nói như Nguyễn Hoàng Sơn: Inrasara là một trong những nhà thơ cách tân nhất hiện nay(27) (Dĩ nhiên cách tân nhất chưa hẳn đã là hay nhất! Và tôi không đến nỗi dại dột tin nghe nhận định của Nguyễn Hoàng Sơn là chân lí đinh đóng cho mình mắc hãnh diện vào). Mười năm đeo đuổi cách tân, thử nghiệm, như bao bạn đồng hành khác, hôm nay, tôi nghe đuối!

Lớn dậy từ văn hóa Champa, nền văn hóa hình thành sớm và thành tựu khá lớn; được nuôi dưỡng bằng ngôn ngữ - văn chương Cham phát triển; lớn lên, may mắn, tôi lại được tiếp nhận văn học phương Tây ngay khi còn ngồi ghế trung học, nên các trào lưu văn chương tiền phong không xa lạ lắm với tôi. Hệ quả: tôi khó giữ được cái thuần phác dân tộc, chân chất nhà quê như các bạn thơ dân tộc thiểu số vốn có.

Như kẻ chợ đã quá oải cuộc sống hiện đại với lối kiến trúc tạp nham nhếch nhác, ngột ngạt mùi khói xe, hàng ngày phải chứng kiến bao nhiêu ô uế từ cơ man nhà máy thải vào môi trường thành phố muốn tìm tới không khí tươi rói sót lại nơi miền quê yên tĩnh, hẽm núi trong lành. Cũng vậy, choáng ngợp giữa ngôn ngữ thi ca đương đại ắp đầy ý tưởng với ẩn dụ, siêu thực với tượng trưng, lắm lúc tôi thèm lối nói, lối nghĩ trong trẻo thuần phác của người miền sâu vùng xa. Tìm đến sông Lu quê tôi, hay xa hơn – sông Năng của núi rừng phương Bắc để, Hát với sông Năng, nói như Dương Thuấn, uống rượu núi cùng Lò Cao Nhum, đọc lại các nhà thơ dân tộc thiểu số.

Ở đây ta tập nhìn sự vật như Dương Thuấn nhìn:

Đường Mã Pí Lèng dốc quanh co

Đá cũng leo như đoàn người đầu bạc…

Mặt trời chậm lên vừa leo vừa đợi…

Người nào cũng có đôi bàn chân to(28).

Lối quan sát gần, thực, với những liên tưởng rất cụ thể, có thể tìm thấy rải rác khắp các tập thơ của nhà thơ dân tộc. Chính nó quá gần, quá thực nên nó khá xa lạ với cảm nhận của thế giới thừa mứa ý tưởng, lí thuyết hôm nay:

Rượu không cạn bầu chưa trở về bản cũ

Gái yêu chồng theo sau ngựa cầm đuôi…

Lên Đồng Văn người nào cũng nhắc

Chọn vợ chỉ chọn hai bắp chân

Để đi nương khỏe đêm gác nằm(28).                

Đấy là Dương Thuấn. Lò Ngân Sủn còn bất ngờ hơn:

Ta lê bước về nhà

Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em

Hay:

Đi chợ là đi mây về gió

Vó ngựa đung đưa giữa rừng chiều

Đốt cháy lòng nhau là nỗi nhớ

Đêm về lại đi chợ trong mơ(14)

Thơ cần độ nén, cô đọng, độ sâu, tính hàm súc, đa nghĩa và đa thanh. Đấy là ý hướng vươn tới của mọi nhà thơ “cũ” (nghĩa là hiện đại trong đối sánh với hậu hiện đại), ý hướng đó trở nên khá lỗi thời trong mắt nhìn của thi sĩ hôm nay. Bởi chính sự ham đa thanh đa nghĩa đã khiến cho thơ mơ hồ, mơ hồ đến hàm hồ. Rất hàm hồ. Nó đòi hỏi sự diễn giải. Nhiều lúc diễn giải đẩy thơ dấn bước lên con đường chông chênh nguy hiểm. “Diễn giải một tác phẩm có nghĩa là nhặt ra một số yếu tố trong tác phẩm đó. Và như vậy công việc diễn giải là làm chuyện diễn dịch”(29). Diễn dịch để đáp ứng đòi hỏi của độc giả thời đại, nó dấn thân vào phiêu lưu vô cùng, làm lệch nghĩa tác phẩm, đôi khi hủy diệt tác phẩm. Vậy mà mỗi diễn giải cứ khăng khăng rằng chính nó mới là đúng nhất, là chân lí. Mới phiền! 

Hãy nhìn xem các nhà phê bình đã ứng xử với A. Rimbaud, với R. M. Rilke, với F. Kafka như thế nào cũng đủ biết. Gần chúng ta nhất: Truyện Kiều hay Hồ Xuân Hương. Diễn giải dày rậm rối mù khiến ta không thấy đâu Nguyễn Du, đâu bóng dáng nữ sĩ họ Hồ nữa, mà chỉ thấy các nhà diễn giải đang nói qua/với/bằng các nhà diễn giải.

Susan Sontag cảnh báo: “Các diễn giải đa dạng đang ô nhiễm cảm tính nghệ thuật của chúng ta”! Đó là hậu quả tai hại của văn minh đương đại, một văn minh dựng trên sự thặng dư, thừa mứa mọi thứ: từ sản phẩm cho chí thông tin, ý tưởng và lý lẽ. Đến nỗi con người trở thành thứ phản ứng có điều kiện. Hệ quả là: sự kém nhạy cảm của giác quan.

“Điều tối cần bây giờ là tìm thấy lại giác quan”, giác quan thông minh có khả năng cảm nhận được cái tinh khôi, nguyên thủy. Sự lành lặn của cái nhìn, trong suốt của lời, giản đơn của câu chữ. Là yếu tính đưa thơ vượt thoát khỏi rối rắm rườm rà của suy luận học, để lần nữa con người học tiếp cận với sự thể như nó là thế.

Nhiều bài thơ của thơ Y Phương, Lò Ngân Sủn, Dương Thuấn và vài nhà khác gợi ý cho ta hướng đi ấy. Đó là thứ thơ gần, thẳng và cụ thể. Từ một bản riêng anh đi đến đất nước chung, từ một dân tộc anh đến với nhân loại:

Con bây giờ còn nhỏ

Thương nhất là mẹ cha

Lớn lên con sẽ thương thêm bao người khác

Ngôi nhà lớn của con là đất nước(28). 

Dù “ở nhà sàn ăn nước sông Năng” nhưng anh đã ra đi, các con anh cũng phải ra đi, anh em bè bạn anh phải rời bỏ bản làng nhỏ bé để ra đi, hòa nhập cuộc sống rộng lớn hơn ngoài kia, với quan điểm rất dứt khoát và, có thể nói – nhân bản:

Em ơi ta ở đâu

Là bản ta ở đó(28).                      

Không một dấu vết ưu tư trăn trở hay quằn quại (nhiều lúc chỉ là thứ làm dáng) thường thấy ở người thị thành trong bút pháp thứ thơ này. Đứa con ấy, từ xứ núi đi bộ xuống đồng bằng, khỏe khoắn, tươi rói. Và, chỉ biết nói lời cho quả sai. Tôi cho đó là cái đẹp mới của thơ dân tộc thiểu số. Những hoa trái tinh khiết rất cần cho người thành phố hái mang về, không như một vật lạ để làm quà lưu niệm, mà phải được xem là tặng vật của suối nguồn, thanh tẩy bụi bặm hay khoả lấp khoảng rỗng sa mạc trong tâm hồn con người thời đại. Khi khắp mọi nơi sa mạc đang lan dần. (“Sa mạc lan dần… Tai hại thay cho kẻ nào lưu trì sa mạc!” – F. Nietzsche).

Còn ai nghe tiếng hát

sáng mai?

khi sông Lu gặp tôi nơi nguồn suối

róc rách về ngôn ngữ sạch trong.

Khi sông Lu ẩn cư miền sa mạc

còn ai nâng chông chênh tiếng hát

sớm mai?                        

                  (Inrasara, Hành hương em, 1999)

Tắm gội tận suối nguồn thơ dân tộc, tôi quay trở lại với cái xô bồ rậm rạp, bề bộn đầy bất trắc của cuộc sống/cuộc thơ Sài Gòn. Tôi trở về, bởi tôi phải trở về. Cũng như thơ Việt hôm nay cần thiết tiếp tục lên đường để hoàn thành nốt cuộc hành trình đi tìm cái mới còn dang dở. Để rồi, khi cuộc đi đã mãn, đôi chân đã rã, đời đã mỏi mệt, suối nguồn sẵn sàng mở vòng tay đón nhận những đứa con phiêu lãng trở về. Một lần và muôn ngàn lần nữa, trong cuộc Hồi quy vĩnh cửu của cõi sáng tạo.


Sài Gòn, mùa mưa 2005.

______________________


Chú thích:

(1) Tư liệu về các nhà thơ được rút ra từ các tác phẩm sau:

– Lâm Tiến, Văn học các Dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1995.

– Lâm Tiến, Văn học và Miền núi, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2002.

Núi mọc trong mặt gương, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1998.

Tuyển tập văn học Dân tộc & Miền núi I, II, III, NXB Giáo dục, H., 1999.

– Hoàng Quảng Uyên, Một mình trong cõi thơ, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2000.

– Lò Ngân Sủn, Thơ của các nhà thơ Dân tộc thiểu số, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2001.

– Lò Ngân Sủn, Vấn đề đặt ra với các nhà thơ Dân tộc thiểu số, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2002.

Nhà văn Dân tộc thiểu số Việt Nam, Đời và văn, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2003.

(2) Xem: Evan.vnexpress.net, 2004. Hay: The Best American Poetry 2003, Scribner Poetry, USA, 2003; David Lehman, Great American Prose Poems, Scribner Poetry, USA, 2003.

(3) Tagalau 1-6, xuất bản từ năm 2000-2005.

(4) Bùi Khánh Thế (chủ biên, với sự cộng tác của các tác giả Cham: Inrasara, Thành Phần, Phú Văn Hẳn, Lương Đắc Thắng, Quang Cẩn), Từ điển Cham – Việt, NXB Khoa học xã hội, H., 1995; Từ điển Việt – Cham, NXB  Khoa học xã hội, H., 1996.

(5) Xem thêm: Inrasara, “Sáng tác văn chương Cham hôm nay” trong Tagalau 1, Hội Văn học – Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam, 2000.

(6) Số liệu do Ban biên soạn sách chữ Cham – Ninh Thuận cung cấp.

(7) Pờ Sảo Mìn, Con trai người Padí, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2001, tr. 17.

(8)  Cây hai ngàn lá, NXB VHDT, 1992 và Con trai người Padí, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2001.

(9) Nguyễn Đình Thi, “Mấy ý nghĩ về thơ”, Tạp chí Tác phẩm mới, số 3.1992.

(10) Nedim Gursel, “Chữ nghĩa của lưu đày, lưu đày của chữ nghĩa” – Talawas.org, 2003.

(11) Ba tập thơ đã xuất bản của Lương Định: Tương tư, Nxb Đồng Nai, 1991; Núi và Hòn đá lẻ, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 1995; Dòng sông khao khát, NXB Hội Nhà văn, H., 2001.

(12) Charles Hartman, trích theo Khế Iêm, “Thơ Tự do – một tiếng gọi khác”, Tạp chí Thơ, số Mùa Đông 1999, Hoa Kì, tr. 158.

(13) Nguyễn Trọng Tạo, Đồng dao cho người lớn, NXB Văn học, H., 1994.

(14) Lò Ngân Sủn, Con của núi I, NXB Hội Nhà văn, H., 1996.

(15 Thơ Y Phương, Nxb Hội Nhà văn, H., 2002, tr. 292

(16) Inrasara, Văn học Cham – khái luận, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1994.

(17) Prévert (J.), Paroles, Gallimard (Le Livre de Poche), Paris, France.

(18) “Sợ”, Trần Minh dịch, Evan.vnexpress.net, 2004.

(19) Các đoạn thơ trích trong tập Sữa đá của Đỗ Thị Tấc, NXB Hội Nhà văn, H., 1999.

(20) M. Houellebecq, “Jacques Prévert là một thằng ngốc”, Nguyễn Đăng Thường dịch, Tạp chí Thơ, Hoa Kì, 2004.

(21) Đàm Chu Văn, Tiếng mùa, NXB Hội Nhà văn, H., 2003.

(22) Roland Barthes, Độ không của lối viết, Nguyên Ngọc dịch, Nxb Hội Nhà văn, H., 1998.

(23) Vương Trọng,“Người ấy”, báo Văn nghệ, số 32, 07.08.2004.

(24) Đỗ Trung Quân: “Quê hương là chùm khế ngọt / Cho con trèo hái mọi ngay / Quê hương là con diều biếc …”

(25) Mai Liễu, Giấc mơ của núi, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 2002. Các câu thơ được dẫn trong bài viết được trích từ tập thơ này.

(26) Inrasara, Sinh nhật cây xương rồng, NXB Văn hóa Dân tộc, H., 1997.

(27) Nguyễn Hoàng Sơn, “Inrasara, lần thứ hai đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam”,  báo Tiền phong chủ nhật, số 01. 2004.

(28) Dương Thuấn, Hát với sông Năng, NXB Văn học, H., 2001.

(29) Susan Sontag, “Chống diễn giải”, Nguyễn Đăng Thường dịch, Talawas.org, 01.10.2003.