Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 8 tháng 7, 2017

Đọc một bài thơ như thế nào

Edward Hirsch
Nguyễn Huy Hoàng dịch

clip_image001

Edward Hirsch là nhà thơ và nhà phê bình người Mỹ. Sinh năm 1950 ở Chicago, ông lấy bằng tiến sĩ ngành văn học dân gian tại Đại học Pennsylvania và dạy văn học Anh tại Đại học Wayne State và Đại học Houston trước khi được bổ nhiệm làm chủ tịch Quỹ John Simon Guggenheim vào năm 2002. Ông được trao giải National Book Critics Circle cho thơ năm 1986. How to Read a Poem and Fall in Love with Poetry (Harcourt Brace, 1999) là một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của ông.

Đọc một bài thơ như thế nào

Đọc thơ tốt một phần là thái độ một phần là kỹ thuật. Hiếu kỳ là một thái độ hữu ích, đặc biệt là khi nó không chứa những tư tưởng định trước về thơ là gì hay nên là gì. Kỹ thuật hiệu quả hướng sự hiếu kỳ của ta đến đặt câu hỏi, kéo ta vào cuộc trò chuyện với thơ.

Mục đích của việc đọc cẩn thận thường là giải quyết một câu hỏi về ý nghĩa, một câu hỏi mang tính diễn giải có nhiều hơn một câu trả lời. Do hình thức là một phần ý nghĩa của thơ (ví dụ, những đặc điểm như lặp và vần có thể khuếch đại hay mở rộng ý nghĩa của một từ hay ý tưởng, thêm vào sự nhấn mạnh, kết cấu, hay chiều kích), những câu hỏi về hình thức và kỹ thuật, về những đặc điểm quan sát được của thơ, cung cấp một lối hiệu quả vào diễn giải. Để đặt ra một số câu hỏi trong số này, ta cần phát triển một đôi tai tốt cho những phẩm chất âm nhạc của ngôn ngữ, đặc biệt là cách âm thanh và nhịp điệu liên quan đến ý nghĩa. Cách tiếp cận này là một trong nhiều cách đi vào một bài thơ.

Bắt đầu: Các tiền giả định

Hầu hết độc giả đều đưa ra ba giả định sai lầm khi giải quyết một bài thơ không quen thuộc. Thứ nhất là giả định rằng họ cần hiểu cái họ gặp trong lần đọc thứ nhất, nếu họ không hiểu thì họ hoặc bài thơ có vấn đề. Thứ hai là giả định rằng thơ là một loại mã, rằng mỗi chi tiết tương ứng với một và chỉ một điều, và nếu không thể phá mã thì họ không hiểu nó. Thứ ba là giả định rằng thơ có thể mang bất cứ ý nghĩa nào mà độc giả muốn.

William Carlos Williams đã viết một đoạn gửi vợ mình trong bài thơ “January Morning” (“Sáng tháng Giêng”):

All this—

was for you, old woman.

I wanted to write a poem

that you would understand.

For what good is it to me

if you can’t understand it?

but you got to try hard—

Williams thừa nhận trong những dòng này rằng thơ thường rất khó. Ông cũng gợi ý rằng một nhà thơ thì phụ thuộc vào nỗ lực của độc giả; bằng cách này hay cách khác, độc giả phải “hoàn thành” những gì mà nhà thơ đã bắt đầu.

Hành động hoàn thành này bắt đầu khi ta bước vào lối chơi giàu tưởng tượng của một bài thơ, mang đến nó trải nghiệm và góc nhìn của ta. Nếu thơ là “chơi” theo nghĩa một trò chơi hay một môn thể thao, thì ta thích thú việc nó khiến ta vận động đôi chút, việc nó làm ta đổ mồ hôi đôi chút. Đọc thơ là một thách thức, nhưng như rất nhiều thứ khác, nó cần thực hành, và các kỹ năng và hiểu biết của ta cải thiện khi ta thực hành.

Văn chương là, và luôn là, sự chia sẻ trải nghiệm, sự tổng hợp hiểu biết của con người về sống, yêu, và chết. Những bài thơ thành công chào đón ta, bộc lộ những ý tưởng có thể không quan trọng nhất trong tâm trí tác giả ở thời điểm sáng tác. Thơ tốt nhất có một phẩm chất huyền diệu—cảm giác rằng thơ không chỉ là tổng các thành phần mà còn hơn thế—và ngay cả khi không thể bày tỏ cảm giác này, cái nhiều hơn này, sức mạnh của thơ vẫn không suy giảm.

Thơ nói với ta bằng nhiều cách. Dù có thể hình thức của thơ không luôn là trực tiếp hay tự sự, hãy nhớ rằng một con người thực sự đã hình thành thời khắc của thơ, và tìm kiếm một sự hiểu biết về thời khắc ấy là khôn ngoan. Đôi khi công việc của thơ là đến gần hơn việc nói những gì không thể nói trong những hình thức khác của viết, là gợi ý một trải nghiệm, ý tưởng, hay cảm giác mà ta có thể biết nhưng không thể biểu đạt hoàn toàn trong bất cứ cách thức trực tiếp hay nguyên nghĩa nào. Kỹ thuật sắp xếp từ ngữ và dòng, âm thanh và nhịp điệu, thêm vào—và trong một số trường hợp, nhân lên—ý nghĩa của từ ngữ vượt ra ngoài nghĩa đen, cho ta một ấn tượng về một ý tưởng hay cảm giác, một trải nghiệm mà ta không thể hoàn toàn diễn đạt bằng lời nhưng biết rằng nó là thật.

Đọc thành tiếng một bài thơ

Trước khi tiến xa hơn với thơ, ta phải đọc nó. Trên thực tế, chỉ cần nhìn vào nó ta cũng có thể biết một số điều. Trước hết, nhan đề có thể cho ta hình ảnh hay liên kết nào đó. Nhìn vào hình dạng của thơ, ta có thể thấy các dòng thơ được viết liên tục hay chia thành nhóm (gọi là khổ), hay các dòng dài đến đâu, và bài thơ đặc, ở mức độ vật lý, như thế nào. Ta cũng có thể thấy nó có trông giống bài thơ cuối cùng mà ta đọc của cùng nhà thơ đó hay thậm chí một bài thơ của một nhà thơ khác hay không. Tất cả đều là những phẩm chất tốt đáng chú ý, và cuối cùng chúng có thể dẫn ta đến sự hiểu biết tốt hơn về thơ.

Nhưng sớm hay muộn, ta sẽ phải đọc bài thơ, từng chữ một. Để bắt đầu, hãy đọc thành tiếng bài thơ. Đọc nhiều hơn một lần. Lắng nghe giọng mình, nghe âm thanh mà từ ngữ tạo nên. Ta có nhận thấy bất cứ hiệu ứng đặc biệt nào hay không? Có chữ nào vần với nhau hay không? Có cụm âm thanh nào có vẻ giống hay tương tự nhau không? Có phần nào có nhịp điệu khác phần còn lại của bài thơ hay không? Đừng lo về việc tại sao có thể bài thơ sử dụng những hiệu ứng này. Bước đầu tiên là lắng nghe những gì đang diễn ra. Nếu thấy giọng mình gây mất tập trung, hãy nhờ một người bạn đọc.

Nói như vậy, có thể ta vẫn không thoải mái khi đọc thành tiếng hay đi qua một bài thơ nhiều hơn một lần. Một phần thái độ này xuất phát từ quan niệm sai lầm rằng ta cần hiểu một bài thơ sau lần đầu tiên đọc nó, trong khi một phần bắt nguồn từ sự ngượng nghịu đơn thuần. Ta có thể đến nơi nào để đọc thành tiếng? Bạn bè nghe được thì sao?

Dòng

Điều gì quyết định một dòng dừng lại ở đâu trong thơ? Dĩ nhiên, có nhiều hơn một câu trả lời cho câu hỏi này. Dòng thường được quyết định bởi ý nghĩa, âm thanh và nhịp điệu, nhịp thở, hoặc kiểu in. Các nhà thơ có thể sử dụng nhiều yếu tố cùng một lúc. Một số bài thơ vận luật theo nghĩa hẹp. Nhưng nếu các dòng không vận luật thì sao? Nếu các dòng bất thường thì sao?

Đôi khi rất khó nhận ra quan hệ giữa ý nghĩa, âm thanh, và chuyển động theo ý định của nhà thơ, nhưng có sự tương tác giữa ngữ pháp của dòng, nhịp thở của dòng, và cách các dòng được ngắt trong thơ—điều này được gọi là ngắt dòng (lineation). Ví dụ, các dòng kết thúc bằng dấu câu, gọi là dòng kết (end-stopped line), thì khá đơn giản. Trong trường hợp đó, dấu câu và cách ngắt dòng, và có lẽ cả nhịp thở, trùng nhau để khiến cách đọc quen thuộc và thậm chí dễ đoán. Nhưng các dòng không phải dòng kết thì mang lại những thách thức khác cho độc giả do chúng kết thúc hoặc bằng một cụm từ hay câu không đầy đủ hoặc ngắt trước khi đến dấu câu. Cách tiếp cận tự nhiên nhất là chú ý chặt chẽ đến ngữ pháp và dấu câu. Đọc đến cuối một cụm từ hay câu, ngay cả khi nó dàn qua một hay nhiều dòng, là cách tốt nhất để giữ lại ý nghĩa ngữ pháp của một bài thơ.

Nhưng sự ngắt dòng còn đưa ra một biến thể nữa được một số nhà thơ vận dụng. Robert Creeley có lẽ được biết đến nhiều nhất vì ngắt dòng không theo những khoảng ngừng ngữ pháp dự kiến. Kỹ thuật này thường đem lại ý nghĩa thứ cấp, đôi khi trong sự đối lập mỉa mai với ý nghĩa thực sự của cụm từ ngữ pháp hoàn chỉnh. Hãy xem xét những dòng này trong bài thơ “The Language” (“Ngôn ngữ”) của Creeley:

Locate I

love you some-

where in

teeth and

eyes, bite

it but

Đọc những dòng này theo lối viết, đối lập với quan hệ ngữ pháp của chúng, sinh ra một vài ý nghĩa kỳ lạ. “Locate I” dường như chỉ ra một cuộc truy tìm bản sắc, và quả thật có thể là thế, nhưng dòng tiếp theo, tiếp tục với “love you some-,” lại có vẻ đưa ra một tuyên bố tiêu cực về một mối quan hệ. Bản thân “eyes bite” thì rất rối.

Nghe Creeley đọc thơ của ông thường có thể rất khó chịu, bởi ông dừng ở cuối mỗi dòng, và những khoảng dừng ấy tạo ra một dạng căng thẳng hoặc đối đầu với cấu trúc câu của bài thơ. Có thể lập tức nhận ra phong cách ngập ngừng, do dự, khó thở của ông, và nó thể hiện với các nhà văn những ý tưởng mới về ý nghĩa, thuần túy qua sự ngắt dòng. Nhưng nhiều nhà thơ ngắt dòng không theo các đơn vị ngữ pháp làm như vậy chỉ vì sự châm biếm thị giác, một thứ có thể mất đi trong lúc đọc. Giữa các nhà thơ vần luật, thơ tự do, và cả những nhà thơ thể nghiệm ngày nay, có những người không làm gián đoạn ý nghĩa ngữ pháp khi đọc thơ nhiều như họ làm gián đoạn nó trong kiểu in của thơ. Là độc giả thì phải làm sao? Hãy thử nhiều phương pháp. “Creeley hóa” bất kỳ bài thơ nào cũng rất thú vị, chỉ để nghe xem cách ngắt dòng đang làm điều gì. Nhưng nếu kết quả dường như làm giảm tác động của bài thơ, về mặt hình ảnh hay khái niệm của nó, hãy bỏ qua việc đọc bám theo cách ngắt dòng và đọc vì ngữ pháp hoặc hình ảnh trực quan. Đọc một bài thơ bằng nhiều cách cho phép ta nhìn sâu hơn chỉ đơn giản bằng sự lặp lại.

Với các nhà thơ sử dụng những kỹ thuật rút ra từ âm nhạc—đặc biệt là jazz, như Michael S. Harper hay Yusef Komunyakaa—hoặc sử dụng những dòng dài bất thường như Walt Whitman, có thể có một nguyên tắc hướng dẫn khác: nhịp thở. Một số nhà thơ nghĩ về từ ngữ của mình như âm nhạc tuôn ra từ cái kèn; họ nghĩ về các cụm từ theo cách nghĩ của nghệ sĩ saxophone. Thơ sáng tác theo cách này có độ dài của dòng khác nhau nhưng có nhạc tính trong cách ngắt dòng và có tính tự nhiên trong cách đọc. Chúng có thể có nhịp dễ nhận biết, một khoảng thời gian tương đương giữa các dòng, hoặc, vì sự tương phản, một khuôn nhịp hoặc khoảng thời gian mở đường cho những biến thể kế tiếp.

Đối với một số bài thơ, tác động trực quan có thể cũng quan trọng. Trong “thơ thị quan” (shaped poetry), cũng như nhiều hình thức viết khác cần được nhìn như một bức họa, dòng được xác định bởi vị trí của nó trong không gian. Một số nhà thơ theo định hướng thị giác đưa ra những thách thức thực sự trong việc tiến trình của thơ có thể không hoàn toàn rõ ràng. Những lựa chọn thị giác mà nhà thơ bày ra có thể gây nhầm lẫn. Đôi lúc sự sắp xếp từ ngữ trên một trang giấy muốn thể hiện những giọng nói khác nhau trong cuộc đối thoại, hoặc thậm chí một diễn ngôn phức tạp hơn về chủ đề. Chồng chéo và phân lớp có thể là ý định của nhà thơ mà không giọng nói duy nhất nào có thể đạt được. Tốt nhất nên nhận thức rằng có tồn tại thơ với nhiều giọng nói hay trọng tâm và, một lần nữa, tìm kiếm các nguyên tắc cố hữu xác định hình dạng của thơ là cách tiếp cận tốt nhất.

Hãy nhớ rằng việc sử dụng những kỹ thuật này, trong bất kỳ sự kết hợp nào, cũng đẩy từ ngữ của thơ ra ngoài nghĩa đen của chúng. Nếu trong thơ ta tìm thấy nhiều hơn những gì mà riêng từ ngữ truyền tải, thì thứ gì đó lớn hơn đã có tác dụng, khiến thơ không chỉ là tổng các thành phần của nó mà còn hơn thế.

Bắt đầu cuộc trò chuyện

Chúng ta đã nhắc đến trên đây rằng gặp một bài thơ khó cũng giống như một trò chơi hay một môn thể thao, chẳng hạn leo núi, khiến ta vận động đôi chút. Ý tưởng tìm chỗ bíu tay và bíu chân và leo lên từng chút một là rất phù hợp. Nhưng có những cuộc leo núi dễ hơn những cuộc khác; một số lại rất dễ. Ta có thể thích một cuộc leo núi dễ dàng trong một thời gian, nhưng rồi ta sẽ thấy ta muốn có một thách thức lớn hơn. Đọc thơ cũng giống như vậy, và may mắn là các nhà thơ đã để lại những con đường mòn để giúp ta tìm đường “lên” một bài thơ. Ta sẽ phải vận động đôi chút, nặng nhọc trong một số trường hợp, nhưng đa phần các con đường mòn đều ở sẵn đó chờ ta khám phá.

Cách tốt nhất để khám phá và tìm hiểu về một bài thơ là thông qua thảo luận điều tra chung. Dù trải nghiệm đầu tiên của ta về bài thơ có thể là riêng tư và cá nhân, nói về bài thơ là một bước tự nhiên và quan trọng tiếp theo. Bắt đầu bằng một câu hỏi tập trung về bài thơ, cuộc thảo luận giải quyết những câu trả lời khác nhau có thể có cho câu hỏi, định hình lại và làm rõ nó trên đường đi. Thảo luận cần căn cứ vào văn bản càng sát càng tốt. Câu trả lời nào chệch khỏi những gì được viết vào những giai thoại cá nhân hay những bước nhảy tiếp tuyến nên được nhẹ nhàng gọi trở lại vào phân tích văn bản. Cơ sở cho điều tra chung là đọc sát. Các độc giả tốt “làm bẩn văn bản” bằng những ghi chú bên lề. Họ tự mình điều tra.

Nói lại một bài thơ

Sẽ thuận tiện nếu có một danh sách ngắn những câu hỏi phổ quát, những câu hỏi mà ta có thể sử dụng bất cứ lúc nào với bất cứ bài thơ nào. Trong khi thiếu một danh sách như vậy, dưới đây là một số câu hỏi chung mà ta có thể hỏi khi lần đầu tiếp cận một bài thơ:

§ Ai là người nói?

§ Hoàn cảnh nào dẫn đến bài thơ?

§ Tình huống được đưa ra là gì?

§ Đối tượng của bài thơ là ai hay cái gì?

§ Giọng điệu của bài thơ là gì?

§ Hình thức, nếu có, của bài thơ?

§ Hình thức liên quan đến nội dung như thế nào?

§ Âm thanh có phải là một yếu tố quan trọng, tích cực của bài thơ?

§ Bài thơ có bắt nguồn từ một thời khắc lịch sử có thể xác định được hay không?

§ Bài thơ có nói từ một nền văn hóa cụ thể hay không?

§ Bài thơ có sử dụng tiếng địa phương hay không?

§ Bài thơ có sử dụng hình ảnh để đạt được một hiệu ứng đặc biệt nào không?

§ Loại ngôn ngữ tượng hình nào, nếu có, mà bài thơ sử dụng?

§ Nếu bài thơ là một câu hỏi, thì câu trả lời là gì?

§ Nếu bài thơ là một câu trả lời, thì câu hỏi là gì?

§ Nhan đề bài thơ gợi ý điều gì?

§ Bài thơ có sử dụng từ ngữ bất thường hoặc theo cách bất thường hay không?

Ta có thể quay trở lại những câu hỏi này khi cần, nhưng kinh nghiệm cho thấy vì mỗi bài thơ là độc nhất, những câu hỏi như vậy sẽ không đạt đến độ xa cần thiết. Trong nhiều trường hợp, biết ai là người nói có thể không mang lại bất cứ thông tin nào hữu ích. Có thể không có dịp nào xác định được truyền cảm hứng cho bài thơ. Nhưng thơ thường cho ta những manh mối về nơi để bắt đầu. Đặt câu hỏi về những đặc điểm có thể quan sát được của một bài thơ sẽ giúp ta tìm một con đường vào.

Văn bản và bối cảnh

Có người nói thơ luôn là một tác phẩm nghệ thuật độc lập và độc giả có thể hiểu đầy đủ nó mà không cần sử dụng bất cứ nguồn nào ngoài bản thân bài thơ. Người khác lại nói không văn bản nào tồn tại trong chân không. Tuy nhiên, sự thật nằm đâu đó ở giữa. Phần lớn thơ có thể diễn giải mà không cần sự trợ giúp của bối cảnh lịch sử hay kiến thức về cuộc đời tác giả. Trên thực tế, tiếp cận một bài thơ mà không có những tư tưởng định trước có thể đi kèm với kiểu thông tin này thường là cách tiếp cận tốt nhất. Tuy nhiên, những bài thơ khác, đặc biệt là những bài thơ chính trị công khai, sẽ hưởng lợi từ một số kiến thức về cuộc đời và thời đại của nhà thơ. Lượng thông tin cần thiết để hiểu rõ phụ thuộc vào ta và cuộc gặp của ta với thơ. Dĩ nhiên, có khả năng ngay cả một người có nền tảng sâu rộng về thơ cũng không nhận thức được những mối liên hệ hay những tác động nhất định trong một bài thơ. Điều này là bởi thơ được tạo nên từ những từ ngữ tích tụ những ý nghĩa mới qua thời gian.

Hãy xem xét tình huống này, một câu chuyện có thật, của một nhà thơ tìm thấy một “văn bản” ở bờ biển San Mateo ở miền Bắc California. Khi trèo qua những tảng đá sau bãi biển, gần những cánh đồng atisô phân cách bờ biển với đường cao tốc duyên hải, bà tìm thấy một vết graffiti lớn sơn trên đá, “La Raza,” một khẩu hiệu chính trị của người Chicano mang nghĩa “đấu tranh.” Bà ngồi xuống và viết một bài thơ. Tại sao? bài thơ của bà hỏi. Tôi hiểu, bà viết, tại sao ai đó viết La Raza lên tường một tòa nhà hay trên phương tiện giao thông công cộng. Ở đó người ta sẽ thấy nó và nó sẽ cất tiếng phản đối từ chính những nền tảng của hệ thống áp bức. Nhưng tại sao lại ở đây, trong tự nhiên, trong cái đẹp, cách xa đấu trường chính trị ấy. Không để bờ biển giữ được vẻ hoang sơ hay sao? Sau này, một buổi tối trong khi đọc bài thơ đó ở Berkeley, bà nhận được câu trả lời. Một người tiến đến chỗ bà và hỏi, “Chị có muốn biết tại sao không?” “Xin anh,” bà trả lời. “Những cánh đồng ấy,” người đàn ông tiếp tục, “là nơi người Chicano gần như đã bị nô dịch, đánh đập, và buộc phải sống trong nghèo khổ trong nhiều thập niên.” Cảnh quan đã không vô tội trong cuộc đấu tranh chính trị. Văn bản đã không nằm ngoài nơi chốn.

Chấp nhận sự mơ hồ

Đây là một vấn đề hóc búa: nhiệm vụ là nắm bắt, là kết nối, là hiểu. Nhưng nhiệm vụ như vậy ở một mức độ là bất khả, và hầu hết mọi người đều muốn sự rõ ràng. Vào cuối lớp, vào cuối ngày, chúng ta muốn sự mặc khải, một hình ảnh đường chân trời qua màn sương mù tan. Về mặt mỹ học, điều này là dễ hiểu. Một sự huyền diệu, một sự thỏa mãn, một vài tiếng “Ahhh!” là một trong những phần thưởng của việc đọc, và đặc biệt là đọc thơ. Nhưng bài thơ nào bộc lộ bản thân hoàn toàn qua một hoặc hai lần đọc sẽ, theo thời gian, có vẻ không bằng một bài thơ liên tục bộc lộ những hốc kín tinh tế và những ý nghĩa chưa được nhận ra trước đó.

Đây là một phép so sánh hữu ích. Bạn đời, người chồng, người vợ—đó là những người mà chúng ta hy vọng luôn đổi mới tình yêu của chúng ta với họ. Bất chấp thói quen, tiếng ồn của sự quen thuộc, việc chuẩn bị đồ ăn và rửa bát đĩa thường nhật, những cuộc trò chuyện chúng ta từng có, chúng ta vẫn hy vọng tìm thấy một cảm giác khám phá, một cảm giác bất ngờ. Điều này cũng đúng với thơ. Những bài thơ huyền diệu và tuyệt vời nhất vẫn liên tục đổi mới bản thân, nói như vậy có nghĩa là chúng vẫn luôn bí ẩn.

Chúng ta thường xuyên chống lại sự mơ hồ. Có lẽ cuộc sống của chúng ta thay đổi chóng vánh đến nỗi chúng ta khao khát sự ổn định ở đâu đó, và bởi phần lớn việc đọc là để lấy hướng dẫn hay thông tin, chúng ta muốn nó không có gam màu xám. Chúng ta muốn nó dễ đoán và dễ tiêu hóa. Và thơ khó đến vậy là nỗi thống khổ cuối cùng.

Một số nhà phê bình văn học cũng sẽ liên kết điều này với sức mạnh của sự thấy, với quan hệ giữa chủ thể và đối tượng. Chúng ta mong thơ là đối tượng để có thể sở hữu nó thông qua “sự nhìn” của chúng ta vào những hoạt động bên trong nó. Khi nó không cho phép chúng ta “đối tượng hóa” nó, chúng ta cảm thấy bất lực.

Thống khổ, bất lực—đó là những mục đích đáng muốn? Ồ không. Vấn đề là phản ứng của chúng ta, cách chúng ta định hình tư tưởng của mình thông qua từ ngữ. Chúng ta phải từ bỏ thái độ vật chất của mình, thứ khiến chúng ta muốn sở hữu thơ. Có thể chúng ta đã mua sách nhưng chúng ta không sở hữu thơ. Chúng ta phải trau dồi một tư duy mới, một thói quen mới, là thưởng thức sự bất phân định.

Chấp nhận sự mơ hồ là nhiệm vụ khó hơn nhiều với người này so với người khác. Không gì đáng sợ với một số người như ý tưởng (ngay cả ý tưởng) về ngẫu hứng như một công cụ viết hay phân tích. Một số diễn viên ghét việc không có kịch bản; điều đó cũng đúng với một số nhạc sĩ. Đề nghị một số nhạc công xuất sắc chơi ngẫu hứng rồi họ sẽ bắt đầu đổ mồ hôi. Dĩ nhiên, các diễn viên và nhạc sĩ sẽ nói rằng có một điều bí ẩn trong những gì họ làm với một kịch bản hay một bản ghi, và sẽ là vô nghĩa nếu không đồng ý. Vấn đề, suy cho cùng, là văn bản thì bí ẩn. Diễn cùng một nhân vật đêm này qua đêm khác, diễn viên sẽ phát hiện ra điều gì đó trong những dòng kịch bản, sự đồng cảm nào đó với nhân vật mà họ chưa từng cảm thấy trước đây. Chơi hoặc nghe một bản nhạc đến hàng trăm lần—nếu là một bản nhạc vĩ đại—sẽ mang lại diễn giải và khám phá mới. Với thơ lớn cũng vậy. ♦

Edward Hirsch, “How to Read a Poem,” Poets.org, 27 Nov, 2007 (Accessed 10 Oct, 2016).

Copyright © 2007 by Edward Hirsch | Bản dịch © 2016 Nguyễn Huy Hoàng.

Nguồn: https://hoanghannom.com/2016/10/10/how-to-read-a-poem/