Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2017

Những kẻ khó thích nghi – tập truyện của Trà Đóa

Domino Books và nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP HCM, 2017

clip_image002

Văn chương thế giới đã trải qua ba giai đoạn, kể chuyện – tâm sự, giãi bày và tư duy triết học. Một nhà văn thường vẫn trải qua ba giai đoạn như thế kể từ khi cầm bút. Bước vào nghề là những tác phẩm thuộc dòng tự sự, sau đó nâng cấp cao hơn và sâu hơn với những tác phẩm chất chứa những tâm sự – giãi bày của nhà văn, cuối cùng khi đã quá nổi tiếng và nổi tiếng không còn hấp dẫn họ nữa, nhà văn bắt đầu chậm rãi dùng văn chương để chuyển tải tư duy triết học, một mình đối diện với cô đơn. Tới lúc này nhà văn mới giật mình tự hỏi, tại sao ta không bắt đầu từ dòng văn chương này nhỉ?

Bởi vì suy cho cùng, nhà văn không phải là nhà kể chuyện hay người tâm sự, sứ mệnh của họ cao cả hơn nhiều.

Rất may có những nhà văn đã không bắt đầu như muôn vàn nhà văn khác, ngay từ khi khởi nghiệp văn chương, họ đã bắt đầu bằng những tác phẩm thấm đẫm tư duy triết học.

Milan Kundera là nhà văn như thế. Còn ở Việt Nam là những ai? Tôi chỉ mới biết có mỗi Trà Đóa. Bởi vì khi đã về già, khi đã chán chê sự nổi tiếng, tôi bỗng muốn viết như Trà Đóa, thèm có được một cuốn sách như tập truyện ngắn Những kẻ khó thích nghi của anh.

NGUYỄN QUANG LẬP Nhà văn

Có tài kể chuyện, có một đầu óc duy lý với những ý tưởng khúc chiết, một trí tưởng tượng phong phú đôi khi bùng nổ chỉ với một xuất phát điểm mỏng manh là một ý niệm, một cảm thức hiện sinh, Trà Đóa đã viết nên những truyện ngắn mang hình thức cổ điển, đầu đuôi mạch lạc nhưng nội dung thì như một mê cung khi cái quái ảo được đẩy đi xa hết mức có thể. Đó là một cuộc chơi sáng tạo nhiều thách thức và nguy hiểm: phải đứng vững ở ranh giới của cái thường nhật và cái siêu hình bị tránh né, và trong khi tung hứng chiếc đũa hư cấu người viết không được gây ấn tượng bịa tạc vô lối. Trà Đóa làm được điều đó. Nhưng quan trọng hơn, để đem niềm vui đến cho người đọc văn chương, tác giả đã khéo léo làm giảm sự trầm trọng, khô héo của tư tưởng, luận lý bằng cách đưa chúng từ trên đền đài sách vở xuống ăn nằm với bụi đời nhân sinh.

Trà Đóa viết đủ hay và đủ nhiều về số lượng để xác lập mình như một nhà văn đáng đọc của một thể truyện ít phổ biến ở Việt Nam.

Đọc tập truyện này mang lại cho tôi cái khoái cảm được nhấp từng ngụm rượu mạnh – nó đánh thức những khắc khoải, xao xuyến thường khi bị nhịp điệu đời thường nhấn chìm.

MAI SƠN Nhà văn, nhà phê bình văn học


Tập truyện gồm những câu chuyện ngắn hầu hết được kể ở ngôi thứ nhất (tôi), theo phong cách của thể loại truyện cực ngắn, truyện chớp, với ít nhân vật, tình tiết được chắt lọc và ít diễn biến tâm lý phức tạp, phù hợp với những “câu chuyện kỳ quặc đột ngột xuất hiện, bạn không có cách nào lý giải được duyên cớ và cũng vì thế, khi nó biến đi, bạn cũng không thể hiểu được điều gì”. Chính điều này đã làm nên sự hấp dẫn, lôi cuốn người đọc từ những dòng đầu tiên. Có những truyện trong tập truyện đẹp như một bài thơ xuôi (Chứng Tích Cuối Cùng, Một Cái Chết Hoàn Hảo), có truyện khiến ta liên tưởng đến một Dino Buzzati bởi giọng kể và nội dung triết lý của nó (Giống Như Thiên Thần, Kẻ Vô Danh). Các câu chuyện thường có những kết thúc bất ngờ để lại không ít những dư chấn trong lòng người đọc; chính ở đây chúng có những điểm tương đồng thú vị với Thơ bởi sức truyền cảm của một bài thơ chỉ thực sự bắt đầu khi nó kết thúc.

Trà Đóa là một giọng kể chuyện có duyên, cống hiến những câu chuyện khác thường với những chất liệu lấy ra từ một đời sống bình thường, mà người đọc khi đã gấp quyển sách lại, sẽ nhận ra rằng “câu chuyện của anh ta là một trong số ít ỏi những câu chuyện kỳ lạ mà bạn có thể nghe được trong cõi nhân gian này”.

VŨ THÀNH SƠN Nhà văn