Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

Nhà văn Lưu Hiểu Ba vừa qua đời

Ông Lưu Hiểu Ba, người Trung Quốc duy nhất từ trước tới nay được trao giải Nobel Hòa bình, vừa qua đời ở tuổi 61.

clip_image001

Ông Lưu Hiểu Ba là ai?

Ông gần đây được đưa từ nhà tới bệnh viện để điều trị bệnh ung thư.

Ông Lưu bị kết án 11 năm tù vì viết và phát tán trên mạng thư kêu gọi chấm dứt chế độ độc đảng tại Trung Quốc.

Chính phủ các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền trên thế giới đã kêu gọi Bắc Kinh để ông được ra nước ngoài chữa bệnh, nhưng Trung Quốc khước từ.

Ông là một trong những gương mặt chính trong phong trào biểu tình đòi dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn hồi 1989.

Đối với nhiều người ông Lưu Hiểu Ba là một anh hùng nhưng lại là một kẻ xấu trong con mắt của chính phủ đất nước ông.

Nhà hoạt động chính trị, người được tặng giải Nobel Hòa bình năm 2010, được miêu tả là "biểu tượng quan trọng nhất" cho cuộc đấu tranh vì nhân quyền tại Trung Quốc.

Tuy nhiên giới chức trách Trung Quốc miêu tả ông là một tội phạm có mục đích "lật đổ nhà nước", và đã nhiều lần bỏ tù ông vì những phản đối của ông.

Ông Lưu Hiểu ba, 61 tuổi, từng là giáo sư đại học, được chẩn đoán bị ung thư gan giai đoạn cuối và đã được đưa ra khỏi nà tù để chữa bệnh.

Nổi tiếng với những quan điểm chính trị cứng rắn và những chỉ trích đối với đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Lưu liên tục vận động cho một đất nước Trung Quốc dân chủ và tự do hơn.

Một trong những khoảnh khắc có tính quyết định làm nên sự nghiệp hoạt động của ông là trong giai đoạn diễn ra vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

Là một giáo sư đại học trẻ từ vùng đông bắc Trung Quốc, khi đó ông đang thỉnh giảng tại đại học Columbia ở New York. Ông đã bay về Bắc Kinh để tham gia các cuộc biểu tình của sinh viên mà sau đó đã bị đàn áp đẫm máu khi giới chức trách điều quân đội tới dập tắt các cuộc biểu tình.

Ông Lưu và một số người khác được nhìn nhận là đã cứu vài trăm người biểu tình khi các nhà hoạt động đã thành công trong việc thương thuyết với quân đội cho phép những người này rời khỏi quảng trường an toàn.

Mặc dù được đề nghị cho đi tị nạn ở Úc, ông đã từ chối và chọn ở lại Trung Quốc. Ông sau đó đã bị bắt trong một cuộc đàn áp của chính phủ và được thả năm 1991.

clip_image003

Bản quyền hình ảnhREUTERSImage captionÔng bị chính phủ Trung Quốc coi là tội phạm nhưng lại được phong trào dân chủ coi là anh hùng

Sau khi được ra tù, ông Lưu đã vận động việc thả những người bị cầm tù vì vai trò của họ trong phong trào dân chủ Thiên An Môn, và chính ông đã bị bắt lại và bị kết án ba năm lao động cải tạo.

Năm 1996, trong khi vẫn đang ở trong tù, ông kết hôn với bà Lưu Hà, người từ đó cũng trở thành mục tiêu của giới chức trách.

Ông tiếp tục các hoạt động đấu tranh thậm chí cả khi giới chức trách ngăn cản ông làm việc trên cương vị là một giảng viên đại học và cấm sách của ông tại Trung Quốc.

Năm 2008, ông và một nhóm trí thức đã giúp soạn thảo ra một cương lĩnh mang tên Hiến chương 08.

Tài liệu này đã kêu gọi một loạt những cải tổ dân chủ ở Trung Quốc bao gồm một Hiến pháp mới và một nền dân chủ tư pháp. Hiến chương cũng gọi cách tiếp cận của Đảng Cộng sản Trung Quốc với hiện đại hóa là "một thảm họa".

Có lẽ đây là giọt nước cuối cùng vào ly nước đã đầy đối với chính phủ Trung Quốc. Hai ngày trước khi Hiến chương được công bố trên mạng, cảnh sát đã tới lục soát nhà ông và bắt ông đi.

Ông bị tạm giam một năm trước khi bị đưa ra tòa. Vào ngày Giáng sinh năm 2009, ông bị kết án 11 năm tù.

Giải Nobel Hòa bình gây tranh cãi

Năm sau, ông Lưu được tặng giải Nobel Hòa bình và được những người trao giải ca ngợi vì "cuộc đấu tranh lâu dài bất bạo động" của ông.

Trung Quốc đã có phản ứng đầy giận dữ. Ông Lưu đã khôgn đuợc phép dự lễ nhận giải và truyền thông thế giới đã đưa tin với bức ảnh chiếc ghế dành cho người nhận giải bị bỏ trống.

Không bao lâu sau khi được tặng giải thưởng này, bà Lưu Hà, vợ ông, cũng bị quản thúc tại gia, bị cách biệt không được nhận những trợ giúp của gia đình và những người ủng hộ. Giới chức trách Trung Quốc không bao giờ giải thích tại sao họ lại giới hạn việc đi lại của bà.

clip_image005Bản quyền hình ảnhEPAImage caption Ông Lưu Hiểu Ba được thả khỏi nhà tù vì lý do nhân đạo

Tới ngày 23 tháng Năm năm 2017, khi còn ba năm tù, ông Lưu bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư gan và được đưa ra điều trị tại một bệnh vện ở tỉnh Thẩm Dương ở đông bắc Trung Quốc.

Mặc dù bị tù đày nhiều lần, ông Lưu vẫn luôn hy vọng có một nước Trung Quốc dân chủ.

"Tôi vẫn luôn mạnh mẽ tin rằng những tiến bị chính trị của Trung Quốc sẽ không ngừng lại và tôi với niềm lạc quan sâu sắc, mong muốn được thấy một đất nước Trung Quốc tự do trong tương lai," ông nói trong một tuyên bố được đưa ra sau phiên tòa xử ông hồi năm 2009."

"Vì không có thế lực nào có thể ngăn chặn được đòi hỏi của con người được có tự do và Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một quốc gia được điều hành bởi luật pháp, nơi nhân quyền là trên hết."

Nguồn: http://www.bbc.com/vietnamese/world-40532990Ngày 4 tháng 6 và giới tinh hoa Trung Quốc

THAM KHẢO

Tháng 6 3, 2014

Lưu Hiểu Ba

Phạm Thị Hoài dịch

Phần trích dịch sau đây rút từ tiểu luận „Tiếng nói của những người mẹ Thiên An Môn“ viết năm 2004, nhân 15 năm Sự kiện Lục Tứ. Lưu Hiểu Ba dành phần đầu bài viết cho số phận của những nạn nhân được tập hợp trong một cuốn sách nhỏ, do bà Đinh Tử Lâm, nguyên Giáo sư Triết trường Đại học Nhân dân Trung Quốc tự xuất bản. Con trai bà, 17 tuổi, là một trong những thanh niên đầu tiên bị giết tại Quảng trường Thiên An Môn. Cùng với những người mẹ và gia đình mất con khác, bà thành lập nhóm „Những người mẹ Thiên An Môn“ (Thiên An Môn Mẫu thân Vận động) kiên trì đòi công lí cho các nạn nhân. Lưu Hiểu Ba, bị coi là một trong những người „giật dây“ của phong trào dân chủ Trung Quốc và sau đó bị kết án tù, ngay từ đầu đã tận tình ủng hộ Những người mẹ Thiên An Môn.

Trong phần cuối bài viết, Lưu Hiểu Ba một lần nữa đặt câu hỏi về vai trò và vị thế của giới trí thức tinh hoa Trung Quốc trong phong trào 89. Sự phê phán của ông, tuy trước hết và đồng thời là tự phê phán, nhưng vẫn gây sóng gió trong giới đấu tranh dân chủ Trung Quốc. Tiểu luận „Chúng ta bị công lí của chính mình đè bẹp“ của ông, viết năm 1993, nhân 4 năm Sự kiện Lục Tứ, mà tôi đã giới thiệu trên pro&contra năm ngoái, cũng chung mạch tự phê phán và phản tỉnh đó. Bản dịch tập trung vào phần cuối này của tiểu luận.

Người dịch

__________

Phần lớn các tù nhân chính trị của ngày 4 tháng 6 bị kết án nặng mà tôi biết đều là những người hoàn toàn bình thường. Một sinh viên Viện Truyền thanh Bắc Kinh bị kết án mười một năm tù vì tham gia chặn không cho xe quân sự tiến vào Quảng trường. Một chàng trai trẻ ở Thanh Đảo bị kết án mười tám năm tù vì đã công khai phản đối bạo lực của chính quyền khi vụ thảm sát bắt đầu diễn ra. Nhà thơ Liệu Diệc Vũ, người Tứ Xuyên, từng ở chung nhà giam với nhiều tù nhân chính trị bị kết án trên mười năm vì vụ Lục Tứ. Còn rất nhiều những tù nhân chính trị vô danh như thế của ngày 4 tháng 6 đang ở khắp các trại tù trong toàn quốc.

Còn những nhân vật danh tiếng thì sao? Khi đó họ kẻ cả nhìn xuống đám dân thường, nhưng không một ai trong số họ phải thiệt mạng hay bị thương trong vụ thảm sát ở Thiên An Môn, và cũng chỉ một số ít bị kết án nhiều hơn mười năm tù. Họ đều thoát khỏi lưỡi rìu đao phủ và sống sót, có thể đang ở một nhà tù nào đó trong nước hay lưu vong ở nước ngoài, nhưng đều còn sống, đều ít nhiều nổi tiếng, ít nhiều được dư luận chú ý. Trong „những kẻ giật dây vụ Lục Tứ“ nổi tiếng, chỉ có Vương Quân Đào và Trần Tử Minh bị kết án 13 năm tù, nhưng giữa thập niên 90 họ được tại ngoại để chữa bệnh. Từ tháng 6 năm 1989 đến nay, tôi, cũng là một đầu sỏ „giật dây“, bị kết án ba lần, song cũng chỉ bị ngồi tù tổng cộng không đầy 6 năm.

Nói như vậy không phải là để so bì nạn nhân. Là một trong những nhân vật cầm trịch và „giật dây“ tôi chỉ muốn đặt ra câu hỏi, rằng cuối cùng đâu là sự thực lịch sử của vụ Lục Tứ. Khi tình huống bắt đầu diễn biến kinh hoàng, vì sao những người bị trừng phạt nặng nề, những người đứng ra lo giúp các nạn nhân nguy kịch vì thương tích, những người bỏ mạng trong vụ thảm sát, vì sao họ đều là những người dân hoàn toàn bình thường, trong khi phong trào 89 lại do sinh viên và giới tinh hoa trí thức cầm đầu?

Vì sao những người đã phải trả cái giá cao nhất là sinh mạng của mình lại phần lớn thuộc về đám đông thầm lặng trong nước, không có nổi cái quyền thuật lại câu chuyện của mình, trong khi giới tinh hoa thuộc về phía sống sót lại cho mình cái quyền ba hoa chém gió không biết đâu là dừng?

Vì sao sau Lục Tứ, máu của những người dân chất phác ấy lại bị đem ra nuôi những kẻ cơ hội lớn nhỏ và cho phép một số kẻ ăn theo vô liêm sỉ trong chốn hội chợ phù hoa, tranh đua hóa „phong trào dân chủ“?

15 năm đã qua, dường như máu của ngày 4 tháng Sáu đã không hề khiến dân tộc lãnh cảm này bước thêm một bước nào đáng kể, nếu không tính đến cái mùi „anh hùng“ sặc sụa được đem ra phun vào những nhân vật trọng yếu, những kẻ quen xơi món màn thầu chấm máu người. Giới được coi là tinh hoa của đất nước này đã không hề tiến bộ hơn; đến hôm nay cảm giác về sự ô nhục, cảm giác về tội lỗi vẫn còn rất hiếm hoi, và chúng ta cũng chưa học được cách biến khổ đau thành một tài nguyên tinh thần để từ đó, bằng phẩm giá và tư cách bình đẳng, dấn thân cho sự khổ đau của những con người bình thường, cụ thể.

Những kẻ tự phong mình vào hạng tinh hoa văn hóa ở thập niên 80 như tôi, những nhân vật trọng yếu của sự kiện 1989 như tôi, đã làm được gì cho những hồn ma ấy? Suốt 15 năm qua, tôi thường xuyên bị ám ảnh vì một cảm giác tội lỗi. Tôi đã viết một bản nhận tội trong nhà tù Tần Thành, bán rẻ phẩm giá của cá nhân mình và cũng bán luôn cả máu của những hồn ma Thiên An Môn. Khi được thả, tôi vẫn tiếp tục ít nhiều nổi tiếng và được hưởng sự chia sẻ từ khắp nơi. Nhưng những nạn nhân bình thường kia thì sao? Những con người tàn phế đã mất tất cả từ lâu kia, họ thì sao? Và những người vô danh hiện vẫn bị giam cầm thì sao? Họ được gì? Trong một bài thơ, tác giả Liệu Diệc Vũ, bị tù bốn năm vì hai bài thơ, bài „Thảm sát“ và bài „Lễ cầu hồn“, tự hỏi: „Ai sống sót? Sống sót là rác rưởi!“

Trước số phận cay nghiệt của những con người bình thường ghi trong tập sách này, tôi thấy mình thậm chí không có cả cái quyền làm một kẻ „sống sót“! Dù tôi là một trong những người cuối cùng rời khỏi Thiên An Môn hôm ấy, nhưng sau vụ tắm máu tôi đã không đứng thẳng lên để bày tỏ một nhân cách, điều chỉ hiện ra qua hành động. Sau khi rời Quảng trường, tôi đã không quay lại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, ngôi trường cũ của tôi, để giúp những sinh viên từ Quảng trường chạy về; tôi lại càng không ra đường giúp cáng thương và gom xác chết, tôi đã chui vào tòa nhà tương đối an toàn của Bộ Ngoại giao để trốn. Không có gì đáng ngạc nhiên, nếu những con người bình thường đã đích thân trải qua ngày 4 tháng 6 đẫm máu ấy lên tiếng hỏi: Khi Bắc Kinh chìm trong vụ thảm sát, các vị „cầm trịch“ bỗng biến đi đằng nào?

15 năm đã trôi qua. Dù sự kiện Lục Tứ chưa thay đổi được sự tàn nhẫn của những kẻ đã gây nên vụ thảm sát, nhưng ít nhất ta có thể hỏi những nhân vật trọng yếu thời ấy hiện đang ưỡn ngực phô phù hiệu nạn nhân rằng: Các vị không thấy có trách nhiệm gì với những nạn nhân tuyệt không được hưởng một chút gì hoặc thậm chí còn ít hơn thế hay sao? Các vị không thấy lương tâm cắn rứt ư? Chẳng lẽ các vị không thấy ít ra cũng nên giữ những điều kiện tối thiểu cho nhân tính tồn tại, chẳng hạn việc xiển dương tự do và xiển dương cội nguồn của công lí mà vô số người đã hi sinh đời mình để bảo vệ – cái cội nguồn duy nhất mà chúng ta có để chống lại một chế độ toàn trị? Trước những người mẹ kiên tâm đòi công lí cho hồn ma của con cái họ, giới tinh hoa sống sót thời đó không lẽ nào lại không sẵn lòng chia sẻ một chút tình người, thực hành một chút tình đoàn kết bình đẳng và một tí xíu công bằng, để bù lại cho những con người đã chịu nhiều khổ đau hơn hẳn ấy mức công bằng mà họ xứng đáng được hưởng?

Tôi xin cảm ơn thân nhân của những nạn nhân ấy. Họ đã để lại cho Trung Quốc hình ảnh những con người bình thường trong vụ thảm sát ngày 4 tháng 6.

Nguồn: Trích dịch từ bản tiếng Đức, tiểu luận “Die Stimme der Mütter von Tiananmen”, trong tuyển tập tác phẩm của Lưu Hiểu Ba Ich habe keine Feinde, ich kenne keinen Hass, tr. 23-33. Fischer Taschenbuch. Frankfurt am Main, 2013. Nhan đề của người dịch.

Talawas. org