Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

Mặt tối của toàn cầu hóa

Jason Lopata

Phạm Nguyên Trường dịch

Trong những nhóm người làm việc ở Thung lũng Silicon (Silicon Valley) - tôi đã có mặt ở đây trong suốt gần bốn năm qua - từ “đổi mới” thường xuyên được sử dụng, như thể đấy là thuốc trị được tất cả các vấn đề của thế giới. Đổi mới, dù là công nghệ hay trong lĩnh vực khác, chắc chắn đã thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu trong mấy thế kỉ vừa qua, nhưng cuộc vận động không phải lúc nào cũng rõ ràng theo cùng một hướng. Có lẽ thuật ngữ “phá hoại sáng tạo”, được nhà kinh tế học Joseph Schumpeter phổ biến, phải thường xuyên đi kèm với “đổi mới” trong những cuộc thảo luận đó. Thuật ngữ này mô tả những trục trặc đi kèm với tiến bộ công nghệ. Ví dụ, trong cuộc Cách mạng Công nghiệp thời kỳ đầu, những người thợ dệt gặp rắc rối, những chiếc máy dệt công suất lớn đầu tiên đã làm cho họ phải rời bỏ quê hương; hiện nay, đấy là những người lái taxi, bị các ứng dụng được nhiều người ưa thích như Uber và Lyft cho ra rìa. Những đổi mới này, cùng với rất nhiều đổi mới khác, làm cho nền kinh tế trở nên hiệu quả hơn, nhưng cũng tạm thời gây khó khăn cho một số ngành công nghiệp và sinh kế của những người làm việc trong những ngành đó.

Vấn đề này quay trở lại với báo chí trong những tháng gần đây, đấy là khi cử tri tỏ ra thất vọng về hiện tượng thất nghiệp ở phương Tây và sự cạnh tranh từ các nhà sản xuất với chi phí thấp ở nước ngoài. Không như những người thợ dệt ở của nước Anh thế kỉ XIX, những người đã đập phá những chiếc máy mới, tức là những chiếc máy đã làm cho họ trở nên lỗi thời, nhiều cử tri phương Tây bị toàn cầu hoá cho ra rìa đã dùng một cái búa tượng trưng để đập vào những cơ sở kinh tế và chính trị, được cho là đã làm cho họ khốn khổ. Họ đã dồn phiếu cho các đảng ngọai vi và các ứng cử viên hứa đưa mọi việc trở lại với cách làm cũ.

Nhìn vào lịch sử đầy hỗn loạn giữa công nghệ và lao động, nhiều người bắt đầu tự hỏi, trong tưong lai, chúng ta có thể gặp những rắc rối nào. Khi những chiếc xe tự lái trở thành thông dụng hơn trên đường phố, điều gì sẽ xảy ra với hàng triệu người Mỹ đang kiếm sống bằng nghề lái xe buýt, lái xe tải và lái xe chở hàng? Hay cho những người làm việc trong các ngành công nghiệp dịch vụ, khi trí thông minh nhân tạo trở nên thông minh hơn mỗi ngày? Những lo lắng như thế đã được nêu ra và thảo luận trên các phương tiện truyền thông dòng chính.

Nhưng những câu hỏi ít người nêu ra có thể là những câu hỏi quan trọng nhất: Một số công nghệ mới xuất hiện, cụ thể là những kĩ thuật sản xuất được cải tiến, như in 3D và người máy, có ảnh hưởng như thế nào tới triển vọng tăng trưởng trong tương lai của các nước kém phát triển trên thế giới? Sẽ xảy ra chuyện gì nếu những tiến bộ này, thường được gọi là “Cuộc Cách mạng công nghiệp Thứ ba", để lại phía sau mình nhiều nước trong thế giới đang phát triển? Và sẽ xảy ra chuyện gì nếu những nước này không sẵn sàng chấp nhận số phận của mình?

Leo lên theo chuỗi giá trị

Trong thế giới đã toàn cầu hóa, các nền kinh tế khác nhau chuyên họat động trong những lĩnh vực khác nhau của quá trình sản xuất, một số lĩnh vực đòi hỏi kĩ năng và đầu tư vốn lớn hơn những lĩnh vực khác. Phổ kĩ năng và tỉ suất lợi nhuận mà các nền kinh tế khác nhau hoạt động được gọi là chuỗi giá trị. Ở đầu thấp nhất của chuỗi giá trị là các ngành công nghiệp cần tay nghề thấp, có tỉ suất lợi nhuận thấp, như khai thác tài nguyên và lắp ráp sản phẩm, trong khi ở ở đầu bên trên là các hoạt động có tay nghề cao, tỉ suất lợi nhuận cao như thiết kế, kĩ thuật và tài chính.

Xin xem xét quá trình làm ra chiếc iPhone, từ đầu đến cuối. Nhãn sản phẩm của Apple: “Được thiết kế bởi Apple ở California và lắp ráp ở Trung Quốc”. Nhưng tất nhiên đấy không phải là toàn bộ câu chuyện. Công việc sản xuất được thực hiện ở tất cả các nấc thang của chuỗi giá trị: mức thấp nhất là sản xuất ở Trung Quốc và mức cao nhất là thiết kế và kĩ thuật ở California, nhưng giữa hai công ty Đài Loan quản lí sản xuất, còn có các công ty ở Nhật, Hàn Quốc, Pháp, và Đức sản xuất linh kiện phức hợp. Việc khai thác nguyên liệu phải diễn ra trên toàn thế giới, để cung cấp nguyên vật liệu cho các quy trình này. Ngày nay, hầu hết các sản phẩm phức tạp đều khoe về việc thuê làm ngòai tương tự như thế và chuỗi giá trị trải dài trên toàn thế giới.

Các quốc gia không tất yếu bị mắc kẹt ở một vị trí trong chuỗi giá trị. Cùng với thời gian, họ có thể leo lên, đầu tư khỏan tiền từ xuất khẩu với thu nhập thấp của họ vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng và giáo dục để tạo cơ hội cho nền kinh tế của họ, để một ngày nào đó có thể theo đuổi những việc làm có giá trị cao hơn. Nhưng quan trọng là, quá trình này đòi hỏi vốn liếng; không có vốn, không thể hi vọng đầu tư vào cơ sở mà họ cần để cạnh tranh với những nuớc đã phát triển hơn.

Nếu coi lịch sử là cuốn sách dẫn đường, có hai biện pháp chính để các nước leo lên theo chuỗi giá trị: sản xuất với chi phí thấp và xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên/xuất khẩu chủ lực. Trong hai biện pháp, biện pháp đầu có thành tích rõ ràng hơn. Xin nghĩ đến “Những con hổ châu Á’ trong thế kỉ XX, như Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông và Singapore. Đây là những mô hình phát triển kinh tế, sản xuất hàng hoá giá rẻ cho các nước đã phát triển, đầu tư vào hệ thống giáo dục và cơ sở hạ tầng, và cuối cùng trở thành các trung tâm tài chính và đổi mới công nghệ.

Theo đuổi phát triển kinh tế bằng cách khai thác tài nguyên có thể có tác dụng, nhưng thành tích của các làm này không được khả quan lắm. Khai thác tài nguyên thường đòi hỏi ít lao động hơn là chế tạo, lại tạo điều kiện cho tầng lớp ăn trên ngồi trốc giàu có giữ được phần lớn lợi nhuận mà không cần tái đầu tư vào khu vực có tiềm năng tăng trưởng. Vì nạn tham nhũng lan tràn, tiền bạc thường chỉ chảy vào túi một số ít người có đặc quyền đặc lợi. Tuy nhiên, có một số ngoại lệ, vượt qua được vấn đề này, đấy nhờ một số cơ cấu mang tính thiết chế và khuyến khích. Ví dụ, Na Uy đã trở thành giàu có nhờ xuất khẩu dầu, nhưng hệ thống chính trị dân chủ và nền văn hoá bình quân đã tạo được cơ sở cho quá trình phân phối của cải và đầu tư, giúp nền kinh tế thịnh vượng. Mặc dù các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (United Arab Emirates) không có các thiết chế đó, nhưng nước này cũng tránh được lời nguyền của nạn tham nhũng, vì họ ít tài nguyên hơn các lân bang. Thực tế như thế đã buộc những kẻ ăn trên ngồi trốc của Emirates phải xây dựng các ngành công nghiệp khác để đảm bảo dòng tiền ổn định trong tương lai. Nhưng những câu chuyện thành công vừa nói là những ngoại lệ chứ không phải là quy luật khi nói đến việc leo lên theo chuỗi giá trị bằng cách khai thác tài nguyên thiên nhiên. Sản xuất với chi phí thấp vẫn là phương pháp được chứng minh là hiệu quả nhất.

Quá trình leo lên bị gián đoạn

Nhưng, chẳng bao lâu nữa, các nước chưa phát triển chỉ có một cách duy nhất là khai thác tài nguyên mà thôi. Trong vài thập kỉ tới, một loạt công nghệ mới dường như đang xuất hiện ở chân trời có thể làm cho các nền kinh tế khó leo lên theo chuỗi giá trị, tức là làm theo phương pháp được chứng minh là hiệu quả nhất. “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba” sẽ đưa những kỹ thuật sản xuất mới như in 3D và người máy lên hàng đầu, và những công nghệ này cũng có thể cướp mất của các nước đang phát triển lợi thế chính của họ trong lĩnh vực chế tạo.

Khi cuộc cách mạng này được triển khai, ngành chế tạo sẽ không còn phải phụ thuộc vào đầu vào với lao động rẻ như hiện nay nữa. Không những thế, hệ thống tự động mới sẽ phụ thuộc vào công tác thiết kế và giám sát của các kĩ sư và nhà quản lí có trình độ công nghệ cao. Phần lớn những người lao động với những kỹ năng đó, cùng với các thị trường lớn nhất cho các lọai hàng hóa mà những hệ thống này làm ra, đều nằm ở các nước đã phát triển. Nghĩa là các cơ sở sản xuất tiên tiến cũng sẽ nằm chủ yếu trong các nền kinh tế đã phát triển.

Đồng thời, nhu cầu và nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên trên thế giới có thể sẽ giảm. Các phương pháp chế tạo trong cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo, nói chung, không đòi hỏi nhiều nguồn lực như những phương pháp mà chúng ta đang sử dụng. Trong khi đó, những tiến bộ trong “công nghệ xanh” có thể làm cho sản phẩm sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và dễ tiếp cận với những nguồn năng lượng thay thế hơn. Hơn nữa, trong vài thập niên tới, nhiều nhà xuất khẩu tài nguyên dự báo rằng sản lượng trữ lượng của họ sẽ giảm rất mạnh - đặc biệt là dầu khí.

Tất cả những thay đổi này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống ở các nước đã phát triển. Nhưng ảnh hưởng đối với các nước đang phát triển thậm chí còn mạnh mẽ hơn: Xóa bỏ tất cả niềm hi vọng về chuyển đổi. Không những không leo lên được mức cao hơn trong chuỗi giá trị bằng cách sử dụng lao động giá rẻ hay xuất khẩu các nguồn tài nguyên thiên nhiên, những nuớc này sẽ có rất ít lựa chọn ngòai việc theo dõi từ xa trong khi các nước đã phát triển trở thành khu vực sản xuất hiệu quả nhất và tiêu thụ ngày càng ít tài nguyên thiên nhiên hơn. Chẳng khác gì máy dệt công suất lớn từng buộc những người thợ dệt phải đóng cửa, trong tương lai không xa, các máy in 3D và người máy có thể cũng sẽ buộc những xưởng máy sử dụng nhiều sức lao động phải đóng cửa. Và, trong khi máy móc hiện đại có thể làm cho những người phải làm việc trong điều kiện khó khăn như vậy được nghỉ ngơi, thì đất nước của họ sẽ có ít triển vọng đưa họ ra khỏi cảnh bần hàn.

Cách mạng trong khi làm

Dù tin hay không, những sự kiện đáng ngạc nhiên trong những cuộc bầu cử hồi năm ngoái ở phương Tây có thể là tín hiệu báo trước những việc sẽ xảy ra trong các nước đang phát triển. Ở mức độ nào đó, vị trí mà các cử tri phương Tây giờ đây lâm vào có thể tương tự như vị trí của các cử tri ở các nước kém phát triển khi cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ ba cất cánh. Nhiều công dân của các nước phương Tây mong muốn có cơ hội vươn lên - hay chí ít là, số phận của họ sẽ được cải thiện cùng với thời gian. Khi người lao động phương Tây trong các ngành sản xuất và những ngành công nghiệp bị ảnh hưởng khác bị những tiến bộ về công nghệ và sự cạnh tranh từ nước ngoài làm cho trở thành lỗi thời, thì họ cho rằng triển vọng về tương lai tươi sáng bắt đầu mờ mờ mịt và họ đứng lên phản đối hệ thống mà họ cho là đang làm cho họ lâm vào tình thế khó khăn.

Trong hệ thống chế tạo toàn cầu, chuẩn mực xuất hiện khi các nuớc hi vọng rằng, cùng với thời gian, họ có thể trở thành nước phát triển hơn hoặc vươn lên trên những nấc cao hơn trong chuỗi giá trị. Những nuớc như Bangladesh hay Việt Nam hiện nay có thể chấp nhận phải làm việc vất vả và nghèo đói, vì đấy là con đường dẫn tới một tương lai tươi sáng hơn. Trước đây Trung Quốc cũng lâm vào hòan cảnh tương tự và đấy là phương tiện để đưa đất nước này trở giàu có hơn trong khoảng thời gian khá ngắn. Trước Trung Quốc, những nước khác, như Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng đã trải qua quá trình như thế. Nhưng nếu các quốc gia kém phát triển tin rằng vì Cuộc Cách mạng công nghiệp Thứ ba mà họ không còn hi vọng phát triển trong tương lai, họ hay người dân của họ có thể không nhẫn nhục chấp nhận kết quả như thế. Tương tự như các cử tri phương Tây, những nuớc này có thể quyết định rằng khuôn khổ kinh tế toàn cầu hiện nay là không thể chấp nhận được và phải bị xóa bỏ.

Jason Lopata là nghiên cứu viên cao cấp Khoa Sử, Đại Học Stanford. Ông tập trung nghiên cứu về toàn cầu hóa, phát triển đô thị và an ninh quốc tế.

Nguồn: https://worldview.stratfor.com/article/considering-globalizations-dark-side?utm_source=Facebook&utm_medium=social&utm_campaign=article