Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 9 tháng 5, 2017

Lí thuyết truyện kể theo hướng kí hiệu học văn hóa của Y.M. Lotman

Lã Nguyên

Yuri Mikhailovich Lotman (1920 - 1993) là người sáng lập và là thủ lĩnh của Trường phái Tartus – Moskva. Trường phái này bắt đầu hoạt động vào đầu những năm 1960 và đến năm 1986 thì hoàn toàn kết thúc sự tồn tại của mình. Qui tụ vào đây là những nhà nghiên cứu ở Tartus (Estonia) và Moskva như A. Piatigorski, B. Egorov, Z. Mints, A. Chernov, V. Gasparov, V. Ivanov, V. Toporov, B. Uspenski, A. Zolkovski, E. Meletinski, V. Zhinov, Y. Sheglov, N. Tolstoi, Y. Lekomtsev… Là những nhà khoa học ở đất nước được gọi là thành trì của phe xã hội chủ nghĩa, dĩ nhiên họ không thể xa rời những tư tưởng nền móng của chủ nghĩa Mác. Nhưng từ khi mới ra đời, Trường phái Tartus – Moskva đã xa lạ với chủ nghĩa cơ hội, giáo điều và xu hướng xã hội học dung tục từng thống trị suốt một thời gian dài trong nghiên cứu văn học xô - viết. Họ kế thừa truyền thống khoa học của Trường phái hình thức Nga, phương pháp “di truyền” của O. Freidenberg, nhân cách luận và siêu ngôn ngữ học của M. Bakhtin. Đồng thời, họ luôn nỗ lực theo sát các mũi nhọn khoa học tiên tiến nhất của thời đại để mở ra những hướng đi mới. Chẳng hạn, so với các nhà hình thức luận Nga, Trường phái Tartus - Moskva nỗ lực mở rộng đối tượng, nới lỏng biên độ của nghiên cứu văn học để biến nó thành lĩnh vực đặc biệt của văn hoá học. Văn hoá mới thực sự là đối tượng nghiên cứu chủ yếu của họ. Đây là cơ sở làm nảy sinh nhận xét cho rằng, sự xuất hiện của Trường phái Tartu đã dẫn tới “cái chết của nghiên cứu văn học” như một khoa học tự trị ở nửa sau thế kỉ XX. Có nhiều cơ sở để chứng minh về sự gặp gỡ, giao cắt giữa sự tìm tòi khoa học của Trường phái Tartus - Moskva với những khám phá lí thuyết của chủ nghĩa cấu trúc và kí hiệu học hiện đại trong bước ngoặt ngôn ngữ học diễn ra ở các nước Âu – Mĩ vào nửa đầu thế kỉ XX. Nhưng cũng dễ nhận ra hàng loạt điểm khác biệt quan trọng giữa hệ thống quan niệm của Trường phái này với tư tưởng lí thuyết của các học giả Tây Âu. Sự khác biệt ấy thể hiện rõ nhất trong tư tưởng khoa học của Y.M. Lotman.

Y.M. Lotman trở thành tác gia kinh điển ngay từ khi ông còn sống. Ông để lại nhiều tác phẩm có tiếng vang lớn, ví như Andrei Sergeievich Kaisharov và cuộc đấu tranh xã hội - văn học của thời đại ông (1958), Con đường phát triển của văn học Nga giai đoạn tiền Tháng Chạp (1961). Cuốn Những bài giảng về thi pháp cấu trúc của ông ra đời vào năm 1964 trở thành sự kiện học thuật vang dội. Nó mở ra một loạt Tập san khoa học mới, có uy tín quốc tế của Đại học Tổng hợp Tartu: Những công trình nghiên cứu các hệ thống kí hiệu. Vào những năm 1970, Y.M. Lotman cho xuất bản hàng loạt chuyên luận quan trọng: Cấu trúc văn bản nghệ thuật (1970), Phân tích văn bản thơ (1972), Kí hiệu học điện ảnh và những vấn đề mĩ học điện ảnh (1973). Chuyên luận xuất bản cuối đời của ông là Văn hoá và sự bùng nổ (1992).

Y.M. Lotman có nhiều công trình được xếp vào hàng tác phẩm kinh điển nghiên cứu văn học từ góc độ tự sự học, ví như Kí hiệu quyển và vấn đề truyện kể, Cái chết như là vấn đề của truyện kể, Biểu tượng - “gène truyện kể”, Huyền thoại - tên gọi - văn hóa, Về mã huyền thoại của truyện kể, Nguồn gốc truyện kể dưới sự soi sáng của loại hình học, Về ý nghĩa mô hình hóa của khái niệm “kết thúc” và “mở đầu” trong văn bản nghệ thuật… Không thể nghiên cứu lí thuyết tự sự của Lotman bên ngoài quan niệm của ông về kí hiệu học, về văn hóa và văn hóa học.

Khác với nhiều học giả Y.M. Lotman không xem kí hiệu học văn hoá là một phân môn của kí hiệu học, trong đó, văn hoá là đối tượng nghiên cứu, còn kí hiệu học là phương pháp tiếp cận đối tượng. Trong quan niệm của ông, văn hoá là hiện tượng kí hiệu học. Mọi hiện tượng văn hoá đều có những đặc điểm kí hiệu học. Cho nên, đối tượng của kí hiệu học chỉ có thể là văn hoá, và hướng tiếp cận văn hoá chỉ có thể là kí hiệu học. Nói cách khác, văn hoá học trước hết là kí hiệu học văn hoá và kí hiệu học trước hết cũng chỉ là kí hiệu học văn hoá mà thôi!

Những công trình nghiên cứu của Y. Lotman cho thấy, ông không tán thành hướng tiếp cận các hiện tượng kí hiệu học theo truyền thống “nguyên tử luận” (atomisme) của Bắc Mĩ và Tây Âu bắt nguồn từ Ch. Peirce (1839 -1914) – Ch. Morris (1901 – 1979) và các luận điểm của F. de Saussure (1857 – 1913). Bởi ông cho rằng, “các hệ thống rạch ròi và đơn nghĩa về mặt chức năng không thể tồn tại tự nó, ở dạng biệt lập. Được tách ra riêng rẽ, không một hệ thống nào có khả năng hoạt động thực sự. Chỉ khi nào được bao bọc trong một màng lưới kí hiệu học đầy ắp những cấu trúc kí hiệu học thuộc những dạng khác nhau và tồn tại ở những cấp độ tổ chức khác nhau nào đó, chúng mới hoạt động”. Cho nên, ông tìm cách tiếp cận các hiện tượng kí hiệu học theo hướng chỉnh thể (holisme). Ông đề xướng khái niệm “kí hiệu quyển”, giống như khái niệm “sinh quyển” của V.I.Vernadski, làm nền tảng để mô tả các tiến trình kí hiệu học.

Điểm khác biệt cơ bản giữa các học phái phương Tây với Y.M. Lotman là ở chỗ: Lotman đặt văn bản vào vị trí trung tâm của kí hiệu học văn hoá của. Trong hệ hình cổ điển của ngôn ngữ học và thi pháp học cấu trúc xuất phát từ quan niệm của Saussure về hoạt động ngôn ngữ, thực chất, văn bản không có chỗ đứng. Bởi vì văn bản chỉ là một biến thể của lời nói, chẳng những thế, ở đây thường hàm chỉ lời nói trong văn viết. Cho nên, văn bản chẳng những không phải là vấn đề cơ bản, mà nói chung, không phải là đối tượng “hợp pháp” của mô tả kí hiệu học, vì mọi cái có liên quan trong đó đều chỉ là kết quả thực hiện của cấu trúc ngôn ngữ. Với kí hiệu học văn hoá của Y.M. Lotman, không phải ngôn ngữ, không phải kí hiệu, không phải cấu trúc, không phải quy tắc cú pháp, mà văn bản mới là trung tâm trong hệ thống quan niệm của nó. Chẳng những thế, Y.M. Lotman còn trao cho khái niệm “văn bản” một nội hàm mới mẻ, làm thay đổi cách hiểu về bản chất của sự giao tiếp.

Y. Lotman cho rằng, giao tiếp là quá trình liên tục phiên dịch, giải mã thông tin giữa người phát và người nhận như những chủ thể kí ức. Cho nên, ngôn ngữ không phải là cái gì có sẵn, tồn tại trước văn bản, mà ngược lại, văn bản bao giờ cũng có trước ngôn ngữ và rộng hơn ngôn ngữ. Văn bản rộng hơn ngôn ngữ, vì nó có những phạm trù mà ngôn ngữ không hề có, ví như các phạm trù đánh dấu sự mở đầukết thúc. Lotman định nghĩa, văn bản là thông tin chí ít được hai lần mã hoá. Tức là ông không tán thành quan niệm cho rằng, văn bản là thông tin được chuyển tải bằng một ngôn ngữ. Theo quan niệm của ông, từ trong bản chất, văn bản là hiện tượng đa ngữ. Lại nữa, với Y.M. Lotman, văn bản không phải là cái bọc đựng nghĩa một cách thụ động, mà là tổ chức truyền đạt, lưu giữsáng tạo thông tin. Nó là một thiết chế có “phẩm chất trí tuệ”. Cho nên, trong hệ thống lí thuyết của Y.M. Lotman, “văn bản” - “cá nhân” - “văn hoá” là những phạm trù đồng hình, đẳng cấu. Khái niệm “văn bản” vì thế có nội hàm rất rộng.

Theo Lotman, với tư cách là cấu trúc biểu nghĩa, mọi loại văn bản văn hóa do con người sáng tạo ra đều là mô hình thu nhỏ biến một thực tại vô hạn thành cái hữu hạn. Để trở thành hệ thống tư duy, mô hình ấy chí ít phải được kiến tạo bằng một cặp ngôn ngữ giống như hai cực không thể đánh đồng với nhau: ngôn ngữ gián đoạn (дискретное) và ngôn ngữ liền mạch (континуальное)[1]. Ông viết: “Hãy tưởng tượng có hai loại ngôn ngữ, L1 và L2, được kiến tạo khác nhau tới mức khiến cho việc phiên dịch chính các ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia, nói chung, thành cái bắt khả. Chúng tôi giả định một ngôn ngữ trong số đó sẽ là ngôn ngữ có các đơn vị kí hiệu gián đoạn mang ý nghĩa ổn định và tổ chức ngữ đoạn của văn bản theo trình tự tuyến tính, còn ngôn ngữ khác có đặc điểm liên tục và tổ chức các yếu tố là tổ chức không gian (liền mạch). Theo đó, các bình diện nội dung của hai ngôn ngữ này cũng được kiến tạo theo những cách hoàn toàn khác nhau”[2].

Y.M. Lotman cho rằng sơ đồ nhị nguyên nói trên là khuôn đúc văn hóa. Ông khái quát: “Sự tồn tại song song của các ngôn ngữ gián đoạn bằng lời và các ngôn ngữ hình hiệu mà những kí hiệu khác nhau trong hệ thống của nó không sắp xếp theo chuỗi mà theo quan hệ đồng hình, hoạt động như những biểu hiệu tương tự như nhau là đặc điểm phổ quát nhất của nguyên tắc cấu trúc nhị phân trong các loại văn hóa của nhân loại”[3]. Cho nên, hình như nghiên cứu cấu trúc của bất kì loại hình văn hóa nào, Y. Lotman cũng vận dụng nguyên tắc nhị phân đối xứng ấy. Chẳng hạn, trong bài Khẩu ngữ trong viễn cảnh văn hóa lịch sử, ông dựa vào cặp đối lập tiếp diễn/gián đoạn để phân biệt văn viết và khẩu ngữ: “Văn viết gián đoạn, tuyến tính, khẩu ngữ nghiêng về tính liên tục và cấu trúc liền mạch”[4]. Ông còn dựa vào cặp đối lập ấy để phân biệt ngôn ngữ văn học (hoặc ngôn ngữ tu từ) và ngôn ngữ sinh hoạt: “Nếu văn bản được tổ chức bằng ngôn ngữ tự nhiên bị gián đoạn, tuyến tính theo bản chất của nó, thì văn bản từ chương lại liền mạch trong quan hệ ngữ nghĩa”[5].

Lí thuyết truyện kể của Y. Lotman không vượt ra ngoài triết luận văn hóa từ góc độ kí hiệu học của ông. Những công trình phân tích tự sự học của ông đều xoay quanh hai mô hình văn bản, hai loại hình văn hóa: huyền thoạitruyện kể. Hình thức cổ xưa của truyện kể là “giai thoại” (“анекдот”). Trong các bài Huyền thoại - tên gọi - văn hóa, Về mã huyền thoại của truyện kể, Nguồn gốc truyện kể dưới sự soi sáng của loại hình học, Y. Lotman thường mô tả hàng loạt đặc điểm cấu trúc của văn bản huyền thoại. Thứ nhất, nó dựa vào thời gian tuần hoàn để kiến tạo văn bản. Đặc điểm đầu tiên của nó là sự thiếu vắng các phạm trù “mở đầu” và “kết thúc”: “văn bản được xem là một cấu trúc không ngừng lặp lại, xẩy ra đồng bộ với các tiến trình mang tính tuần hoàn của tự nhiên”. Thứ hai, nó có xu hướng “đập nhập, đồng nhất vô điều kiện các nhân vật khác nhau”. Cho nên, “thế giới tuần hoàn của các văn bản huyền thoại tạo thành một cơ cấu đa tầng có những dấu hiệu rõ rệt về tổ chức loại hình”. Thứ ba, thiết chế văn bản sinh huyền thoại bao giờ cũng được phân bố ở trung tâm của khối văn hóa. Thiết chế trung tâm thực hiện chức năng quan trọng: đưa cái hỗn độn của khu vực ngoại biên vào trật tự. Cho nên, “thế giới hình thái của huyền thoại không gián đoạn […] ở đây xuất hiện sự gián đoạn do việc phiên dịch không tương thích sang các siêu ngữ gián đoạn của loại phi huyền thoại”[6].

Y. Lotman gọi “truyện kể” là “thiết chế đối tác” của huyền thoại. Nó là thiết chế kiến tạo văn bản được tổ chức phù hợp với sự vận động của thời gian tuyến tính và ghi nhận cái bất thường, chứ không phải cái qui luật: “Nó ghi lại các biến cố, các tội ác, tai họa ngẫu nhiên, chỉ xẩy ra một lần, tức là ghi lại những gì được xem là xóa bỏ một trật tự nào đó đã có từ lâu”[7]. Cho nên truyện kể là ngôn ngữ “gián đoạn”, “tuyến tính”. Y.M. Lotman viết: “Nền tảng làm nên khái niệm truyện kể là quan niệm về sự kiện”[8]. Từ góc độ kí hiệu học, Y. Lotman có những kiến giải độc đáo độc đáo về phạm trù này.

Trong cuốn Cấu trúc văn bản nghệ thuật, chương Vấn đề ruyện kể, ông xác định sự kiện bằng hai cách, qua hai định nghĩa:

Định nghĩa thứ nhất: “Trong văn bản, sự kiện là sự di chuyển của nhân vật qua ranh giới của một trường nghĩa[9].

Định nghĩa thứ hai: “Sự kiện được xem là cái xẩy ra, mặc dù có thể không xẩy ra […], là sự vượt qua cái ranh giới bị cấm kị mà cấu trúc phi truyện kể đã xác lập[10].

Có một điểm chung ở cả hai định nghĩa: sự kiện là một sự việc nào đó đã xẩy ra. Nhưng không phải mọi việc xẩy ra đều trở thành sự kiện.

Ở định nghĩa thứ nhất, sự kiện và tầm quan trọng của nó được xác định từ điểm nhìn bên ngoài, điểm nhìn của tác giả và độc giả. Từ điểm nhìn ấy, sự kiện thuộc về thực tại của sự kể chuyện. Là yếu tố của sự kể chuyện, sự kiện có 3 đặc điểm chính. Trước hết, nó là hiện tượng thuộc cấp độ trần thuật. Cùng một sự việc đã xẩy ra, nếu đặt ở cấp độ này, nó là sự kiện, nhưng đặt vào một cấp độ khác, nó sẽ không phải là sự kiện nữa. Thứ hai, nó là hiện tượng ngữ cú, gồm nhiều phân khúc, mỗi phân khúc có ngữ nghĩa riêng, tất cả hợp với nhau thành trường nghĩa. Trong Nguồn gốc truyện kể dưới sự soi sáng của loại hình học, Y. Lotman viết: “Truyện kể là công cụ mạnh mẽ để nhận thức đời sống. Phải nhờ vào sự xuất hiện của các hình thức trần thuật nghệ thuật, con người mới học được cách nhận ra bình diện truyện kể của hiện thực, tức là học cách chia nhỏ dòng chảy của các sự kiện thành một số đơn vị gián đoạn, kết hợp chúng với một ý nghĩa nào đấy (tức là diễn giải về mặt ngữ nghĩa) và tổ chức chúng thành một chuỗi có trật tự (diễn giải chúng về mặt ngữ đoạn). Phân bổ các sự kiện – các đơn vị gián đoạn của truyện kể - để, một mặt, trao cho chúng một ý nghĩa nào đó, mặt khác, tạo cho chúng một trình tự thời gian, trình tự nhân quả xác định, hoặc một trình tự khác nào đó, chính là bản chất của truyện kể”[11]. Cho nên, về nguyên tắc, muốn phân tích sự kiện trình tự kể chuyện, cần xác định vị trí của nó trong trường nghĩa này trong tương quan với trường nghĩa tiếp theo: “… Chưa một sự mô tả một sự việc hay một hành động nào đó trong tương quan với sự biểu đạt hiện thực hoặc một hệ thống ngữ nghĩa của ngôn ngữ tự nhiên có thể được xác định là sự kiện, hoặc không phải là sự kiện, khi vấn đề về vị trí của nó trong trường cấu trúc ngữ nghĩa thứ hai do loại hình văn hoá xác định chưa được giải quyết”[12]. Cuối cùng, sự kiện là hiện tượng ngữ nghĩa gắn với tư tưởng hệ, với các mô hình văn hóa mang tính lịch sử. Cho nên, “việc xếp sự việc này hay sự việc kia vào các sự kiện cũng chỉ là chuyện phái sinh trong tương quan với bức tranh chung về thế giới”. Trong Biên niên sử Novgorod thế kỉ XIII, “động đất và bữa ăn trưa được xem là những sự kiện ngang nhau”, nhưng sử biên niên của Kiev thì không làm như vậy. Trong sử biên niên thời trung đại, cái chết không phải là sự kiện. Nó chỉ thành sự kiện khi đó là “chết vinh” hay “sống nhục”. Tiểu thuyết hiệp sĩ không quan tâm tới những thay đổi trong đời sống vật chất của nhân vật, những thay đồi ấy không phải là sự kiện từ quan điểm của tiểu thuyết hiệp sĩ. Tình yêu đôi lứa là sự kiện theo quan điểm của tiểu thuyết, nhưng tiểu thuyết theo trường phái Gogol thì không mô tả tình yêu, vì từ quan điểm của họ, các hành động và mục đích của hành động là “chức tước, tiền bạc và hôn nhân sinh lợi” mới được xem là sự kiện…

Ở định nghĩa thứ hai, sự kiện được xác định từ điểm nhìn bên trong, từ điểm nhìn của nhân vật. Từ điểm nhìn ấy, sự kiện không thuộc thực tại của sự kể chuyện, mà thuộc thực tại của câu chuyện được kể. Sự kiện của câu chuyện được kể là yếu tố của văn bản truyện kể. Các văn bản truyện kể làm thành một “nhóm” cùng cặp với nhóm văn bản “phi truyện kể”. Văn bản phi truyện kể là loại văn bản “khẳng định một thế giới nào đó và một cơ cấu nào đó của thế giới ấy”. Nó “khẳng định thế giới của những cái được biểu đạt với tư cách là vũ trụ ở cấp độ ngôn ngữ chung”. Vũ trụ ấy được xác lập bởi các ranh giới bất di bất dịch. Theo Y. Lotman, “cơ sở tổ chức các yếu tố bên trong của văn bản thường là nguyên tắc bổ đôi ngữ nghĩa: thế giới được bổ đôi thành người giàu và kẻ nghèo, của mình và của người, chính đạo và tà đạo, văn minh và dã man, người của TỰ NHIÊN và người của XÃ HỘI, kẻ thù và chiến hữu”. Thế giới bổ đôi ấy thường được hiện thực hóa bằng ranh giới không gian: trần thế và âm phủ, lâu đài, đại lộ, nhà lầu và ngoại ô, gác xép, khu ổ chuột…

Văn bản truyện kể được xây dựng trên nền tảng của văn bản phi truyện kể. “Hệ thống phi truyện kể là cái có trước và có thể được thể hiện như một văn bản độc lập. Hệ thống truyện kể là cái phái sinh và bao giờ cũng là một tầng được đặt trên cấu trúc cơ bản phi truyện kể. Lại nữa, mối quan hệ giữa hai tầng bao giờ cũng mang tính xung đột: chính những gì không có khả năng xác lập bởi cấu trúc phi truyện kể sẽ tạo thành nội dung của truyện kể”[13]. Được kiến tạo trên nền tảng của văn bản phi truyện kể, thế giới nhân vật luôn được đặt trước ít nhất hai khả năng lựa chọn: hoặc là trở thành kẻ bị động, nhẫn nhục, chấp nhận cái ranh giới “bổ đôi” đã được xác lập, hoặc là trở thành nhân vật tích cực, tìm cách xóa bỏ ranh giới ấy. Với ý nghĩa như thế, “Sự kiện được xem là cái xẩy ra, mặc dù có thể không xẩy ra […], là sự vượt qua cái ranh giới bị cấm kị mà cấu trúc phi truyện kể đã xác lập”.

Định nghĩa sự kiện từ góc nhìn bên trong, như là sự chuyển dịch của nhân vật qua phạm vi không - thời gian như ranh giới bị cấm kị trong thế giới được mô tả, Y. Lotman phát triển một cách độc đáo lí thuyết kiến tạo truyện kể có truyền thống từ Trường phái hình thức Nga. Nhưng xác định sự kiện từ góc nhìn bên ngoài của tác giả và độc giả, xem đó là “sự chuyển dịch của nhân vật qua ranh giới phân chia trường nghĩa trong văn bản, lí thuyết của Y.M. Lotman trở nên gần gũi với quan niệm về tính tự sự của M. Bakhtin, G. Genette, W. Schmid…

Sergei Zenkin nhận xét: “Yuri Lotman chưa bao giờ là nhà cấu trúc luận toàn tòng, nếu hiểu chủ nghĩa cấu trúc như là ưu thế tuyệt đối của nguyên tắc đồng đại đối với nguyên tắc lịch đại, về mặt phương pháp luận, như là sự cự tuyệt nghiên cứu nguồn gốc và qui luật phát triển lịch sử”[14]. Đó là nhận xét hết sức chính xác. Chỉ cần đọc mấy công trình mà chúng tôi đã liệt kê ở trên, ví như Kí hiệu quyển và vấn đề truyện kể, Cái chết như là vấn đề của truyện kể, Biểu tượng - “gène truyện kể”, Huyền thoại - tên gọi - văn hóa, Về mã huyền thoại của truyện kể, Nguồn gốc truyện kể dưới sự soi sáng của loại hình học, Về ý nghĩa mô hình hóa của khái niệm “kết thúc” và “mở đầu” trong văn bản nghệ thuật, cũng đủ thấy quan điểm biện chứng lịch sử của Y. Lotman độc đáo biết chừng nào. Trong quan niệm của ông, “giai thoại” và huyền thoại” là những nguyên mẫu của truyện kể hiện đại. Trong Nguồn gốc truyện kể dưới sự soi sáng của loại hình học, ông chứng minh đầy thuyết phục vai trò của huyền thoại đối với sự hình thành các loại hình truyện kể và tiểu tiểu thuyết thế kỉ XIX. Trong Không gian truyện kể của tiểu thuyết Nga thế kỉ XIX, Y. Lotman xác định mô hình truyện kể của tiểu thuyết Tây Âu thế kỉ XIX là mô hình của cổ tích với phương án truyện kể kiểu “Lọ Lem”. Trong khi đó, cấu trúc truyện kể của tiểu thuyết Nga, bắt đầu từ Gogol, lại dựa vào mô hình huyền thọa. Dựa vào mô hình cổ tích, tiểu thuyết phương Tây “tăng cường chức năng kết thúc truyện kể và kết thúc hạnh phúc được coi là cơ bản”. Cắm rễ sâu vào truyền thống huyền thoại, tiểu thuyết Nga, đặt ra vấn đề cải biến bản chất bên trong của nhân vật, hoặc cải tạo cuộc sống xung quanh nó, chứ không quan tâm tới tới chuyện thay đổi vị thế của anh ta. Ta hiểu vì sao những tiểu thuyết, ví như Evgheni Oneghin, Những linh hồn chết, Anh em nhà Karramazov đều không có kết thúc.

Lí thuyết truyện kể của Y.M. Lotman là đóng góp quan trọng của ông cho ngành tự sự học của nhân loại.

12/2016


[1] Xem: S.Zenkin.- Những mô hình của cái tiếp diễn sau Lotman.// Tạp chí “NLO”, 2009, số 98

[2] Y.M. Lotman – Hiện tượng văn hóa (1978)//Sách: Y.M. Lotman - Bài báo chọn lọc. T.1, “Tallin”, 1992. Tr. 35.

[3] Y.M. Lotman - Tlđd. tr. 36.

[4] Y.M. Lotman – Kí hiệu học văn hóa (Lã Nguyên, Đỗ Hải Phong, Trần Đình Sử dịch). Nxb ĐHQG HN, H., 2015. Tr. 183.

[5] .M. Lotman – Tu từ học (1981)//Sách: Y.M. Lotman - Bài báo chọn lọc. T.1, “Tallin”, 1992. Tr. 178.

[6] Y.M. Lotman – Nguồn gốc truyện kể dưới sự soi sáng của loại hình học (1973)//Sách Y.M. Lotman – Kí hiệu học văn hóa (Lã Nguyên, Đỗ Hải Phong, Trần Đình Sử dịch). Nxb ĐHQG HN, H., 2015. Tr. 304.

[7] Y.M. Lotman – Tlđd.,Tr. 305.

[8] Y.M. Lotman – Tlđd., Tr. 411.

[9] Y.M. Lotman - Tlđd., Tr. 414

[10] Y.M. Lotman - Tlđd., Tr. 417, 420.

[11] Y.M. Lotman - Tlđd., Tr. 332.

[12] Y.M. Lotman - Tlđd., Tr. 414.

[13] Y.M. Lotman - Tlđd., Tr.420.

[14] S.Zenkin.- Những mô hình của cái tiếp diễn sau Lotman.// Tạp chí “NLO”, 2009, số 98.