Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Tản mạn xung quanh một cuộc tọa đàm về văn chương Tự lực Văn đoàn

Đào Tiến Thi

 

Tối 31-3-2017, Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam – một nhà sách có bề dày về sưu tầm, tái bản các tác phẩm trước 1945, đặc biệt là sách của Tự lực Văn đoàn – đã tổ chức cuộc tọa đàm về văn chương Tự lực Văn đoàn (TLVĐ) tại quán cà phê Không gian Nghệ thuật (Manzi Art Space, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội).

Đường xa, trời cuối tháng ba bỗng chuyển âm u và mưa rét bất thường. Nhưng tôi vẫn cố đi, phần muốn hiểu thêm về TLVĐ, phần muốn ủng hộ Nhã Nam. Vì Nhã Nam đã có công lớn trong việc tái bản và quảng bá các tác phẩm của TLVĐ – những tác phẩm mà suốt một thời gian dài bị vùi dập và quên lãng. Sách của Nhã Nam được biên tập cẩn thận, bìa đẹp, thường làm theo phong cách cổ điển, có khi lấy lại bìa như xuất bản lần đầu.

Số người dự quá ít. Có lẽ chưa đến hai chục. Nhưng cũng được an ủi đôi chút vì phần đông là các bạn trẻ. Tuy vậy, khi thảo luận không thấy bạn trẻ nào tham gia. Có một bác trung niên trước khi phát biểu có hỏi: “Trong số khách ngồi đây, những ai chưa từng đọc TLVĐ?”. Im lặng. Rồi anh nói: “Tôi là một người chưa hề đọc TLVĐ. Chỉ mới nghe nói đến thôi. Thế hệ tôi là một thế hệ “đứt gãy” với văn hóa quá khứ, trong đó có TLVĐ”. Như vậy, tôi đoán nhiều bạn trẻ đến dự có thể vì tò mò, vì bạn rủ chứ có lẽ cũng chưa từng đọc TLVĐ. Sáng nay khi thông báo trên facebook tôi phải chụp bìa cuốn “Văn chương Tự lực Văn đoàn” (3 tập) của NXB Giáo dục in năm 2001 kèm hình ảnh bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Là vì sợ vẫn có người chưa biết tí gì về TLVĐ, hoặc nghi ngờ TLVĐ là cái gì đó “độc hại” như hồi chúng tôi được dạy. Nỗi lo ấy hóa ra không phải là thừa.

Diễn giả Mai Anh Tuấn phân tích quá trình phát triển chủ đề “Người phụ nữ và tình yêu” trong văn chương TLVĐ khá logic. Hồn bướm mơ tiên (1932) – tác phẩm mở đầu chủ đề này cũng là tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng và đầu tiên của nhóm TLVĐ – là một tình yêu đầy thơ mộng, lãng mạn, một tình yêu gần như dung hòa được với tôn giáo. Qua Nửa chừng xuân (1933) thì đã có xung đột giữa tình yêu và luân lý cổ truyền và ở đây, người phụ nữ đã vượt lên để giành lấy tình yêu chứ không khuất phục như Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách trước đó. Đến Đời mưa gió (1934), Đoạn tuyệt (1935) thì xung đột đã gay gắt, tình yêu mang tính bi kịch và việc “đoạn tuyệt” với cái cũ quả là rất khó khăn. Cho đến Lạnh lùng (1936) với nhân vật trung tâm là người góa phụ thì tình yêu đầy phức tạp (tình yêu vụng trộm và có yếu tố dục tính) mà đương thời rất khó chấp nhận.

Diễn giả Vũ Kim Điền (76 tuổi) với tư cách là một bạn đọc lâu năm đặc biệt yêu thích văn chương TLVĐ chia sẻ cảm nhận về một phương diện khác của TLVĐ. Các tác phẩm của TLVĐ được ông đọc từ nhỏ, đặc biệt là truyện ngắn của Thạch Lam. Đối với ông, cái quý nhất của văn chương TLVĐ là tình cảm. TLVĐ đánh thức những tình cảm đời thường nhưng sâu sắc và cảm động đến nỗi ông thường khóc mỗi lần đọc. Tuy vậy đánh giá của ông về TLVĐ thì có phần hơi cũ khi ông chia sẻ một nhận định của Trường Chinh năm 1948 và của Tố Hữu những năm năm mươi – những nhận định hãy còn đầy thiên kiến và ấu trĩ của một thời, mà hình như ông chưa biết đến những nhận định khách quan, thỏa đáng về sau.

Mai Anh Tuấn là một nhà nghiên cứu trẻ, nghiêm túc và có phần tài hoa. Tuy vậy khi thảo luận hình như anh vẫn có phần né tránh những vấn đề “nhạy cảm”. Ví dụ thính giả đặt các câu hỏi: Liệu bây giờ có thể tiếp nối tinh thần của TLVĐ không? Hoặc: Đánh giá thế nào về hình tượng “người chiến sỹ cách mạng” có khá nhiều trong văn chương TLVĐ?

Về câu hỏi thứ nhất anh cho rằng “rất khó” có thể “tái xuất” những nhóm văn học tương tự như TLVĐ. Nguyên nhân là các thành viên TLVĐ thời ấy tuy rất khác nhau nhưng rất đoàn kết, gắn bó và tôn trọng phong cách của nhau mà theo anh, thời nay khó mà có được một nhóm nhà văn gắn bó với nhau được như vậy. Chúng tôi cho rằng đúng là rất khó “tái xuất” TLVĐ. Nhưng nguyên nhân “nội bộ” như trên có lẽ chỉ là một phần. Vì sáng tạo văn chương là việc của cá nhân, tổ chức chỉ góp thêm cảm hứng và giúp đỡ về mặt vật chất hay dư luận. Cái chính là thời nay không có một môi trường tự do để sáng tạo. Còn nói riêng về mặt tổ chức, hiện nay bất cứ một tổ chức văn học nào ngoài “quốc doanh” đều bị nhà cầm quyền cho là “bất hợp pháp”, dù quyền lập hội được ghi rành rành trong hiến pháp, suốt từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013. Ban Vận động Văn đoàn Độc lập – một tổ chức văn học ngoài “quốc doanh” có lẽ là duy nhất hiện nay – vẫn luôn luôn bị theo dõi, bị xuyên tạc và bị ngăn cản hoạt động.

Về hình tượng “người chiến sỹ cách mạng”, nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn cho rằng hình tượng này “mờ nhạt”, đấy chỉ là vang vọng của cuộc khởi nghĩa Yên Bái, và mặc dù khởi nghĩa Yên Bái (của Việt Nam Quốc dân Đảng) là một trang sử anh hùng nhưng vang vọng của nó trong văn chương TLVĐ thì không đáng kể. Có lẽ anh, hoặc là vẫn bị ảnh hưởng những điều viết trong các giáo trình bấy lâu nay, hoặc là anh phải né tránh một điều “nhạy cảm”. Vì người cách mạng của TLVĐ không phải là cách mạng vô sản do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Tôi thì cho rằng, dù là cuộc cách mạng nào, đúng sai hay dở ra sao, đấy là vấn đề của lịch sử và để lịch sử (đã, đang và sẽ) phán xét. Vả lại, nên nhớ ban đầu với mục tiêu làm cách mạng giải phóng dân tộc, Cộng sản Đảng với Quốc dân Đảng và nhiều tổ chức khác chưa phải đã đối lập nhau, trái lại còn có nhiều mối quan hệ tốt với nhau. Nhiều đảng viên Quốc dân Đảng về sau theo Cộng sản Đảng, trong đó có Trần Huy Liệu, một trong những yếu nhân của Việt Nam Quốc dân Đảng.

Mặt khác, người chiến sỹ cách mạng mà TLVĐ miêu tả không cho thấy là người thuộc đảng nào. Theo tôi, nó có thể là sự vang vọng của tất cả các phong trào yêu nước đương thời và trước đó, từ khởi nghĩa Yên Bái của Quốc dân Đảng đến Xô viết Nghệ Tĩnh của Cộng sản Đảng, từ khởi nghĩa của binh lính Thái Nguyên, nghĩa quân Yên Thế đến các phong trào Đông du, Việt Nam Quang phục Hội, và có thể đến tận phong trào Cần vương,… Vấn đề chính không phải nó thuộc cuộc cách mạng nào, mà là hình tượng người chiến sỹ đó được thể hiện như thế nào. Theo tôi, đó là những hình tượng đẹp – vẻ đẹp của những thanh niên trí thức dấn thân vì lý tưởng xã hội. Những thanh niên này có những mối tình đẹp và có thừa điều kiện để sống một cuộc đời trưởng giả sang trọng. Nhưng tư tưởng của họ luôn luôn hướng về một xã hội bình đẳng, bác ái, do đó họ muốn làm “khách chinh phu” lên đường theo “tiếng gọi non sông” chứ không thể ngồi yên “trong lúc non sông mờ cát bụi” (tứ thơ Thế Lữ làm tặng tác giả Đoạn tuyệt, đồng thời nó cũng bàng bạc trong nhiều truyện ngắn và tiểu thuyết của TLVĐ). Các nhà phê bình suốt một thời gian dài (và đến bây giờ vẫn chưa phải đã hết) coi hình ảnh “khách chinh phu” là anh hùng “rơm”, chỉ vì hành động của họ “không rõ ràng”. Liệu có cần thiết đòi hỏi sát sàn sạt như thế không? Vấn đề trước hết và quan trọng nhất là họ dám hy sinh hạnh phúc riêng tư của cá nhân để phụng sự xã hội vô điều kiện. Còn bảo các nhà văn TLVĐ hèn, chỉ làm cách mạng trong ảo giác lại càng không đúng. Trong văn chương họ biểu hiện thế nào thì ngoài đời họ sống như vậy. Ban đầu họ thực hiện lý tưởng cải cách trong khuôn khổ của chế độ. Nhưng nhận thấy con đường đó khó thành nên từ cuối những năm ba mươi, Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo đều đi hoạt động cách mạng (trong Quốc dân Đảng). Họ bị truy đuổi, bị bắt, bị tù, bị giết chẳng khác gì các nhân vật của họ. Và Nhất Linh – linh hồn của TLVĐ – cho đến cuối đời đã thể hiện một con người khí khái triệt để (ông tự vẫn một ngày trước khi ra tòa án của Ngô Đình Diệm với lời trăng trối bất hủ: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả”).

Bài này chưa có điều kiện phân tích về mặt tổ chức và cách thức hoạt động của TLVĐ. Nhưng có thể tạm thời so sánh các tổ chức trước và sau nó để thấy vài tính chất nổi bật của nó:

- TLVĐ hoàn toàn đúng nghĩa là “tự lực”. Nó không hề có giới quyền lực nào đứng ra tổ chức hoặc ngầm bảo trợ. Điều này làm TLVĐ không những khác hẳn Tao đàn nhị thập bát tú của Lê Thánh Tông, Chiêu Anh Các của Mạc Thiên Tứ, mà còn khác xa nhóm Nam phong của Phạm Quỳnh, Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh hay Hội Nhà Văn Việt Nam hiện nay.

- Tôn chỉ cải tạo xã hội của TLVĐ được công khai và trong suốt quá trình tồn tại, TLVĐ đã thực hiện đúng tôn chỉ đó, khác hẳn với các thi xã hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, lấy sự tiêu khiển và khoe tài làm mục đích.

- Các nhà văn trong TLVĐ sống được bằng ngòi bút một cách không đến nỗi khó khăn (một việc hiếm hoi trong lịch sử văn học Việt Nam). Việc kinh doanh văn học khá sôi nổi, phát đạt; tuy nhiên, họ lấy việc theo đuổi lý tưởng xã hội làm mục đích chứ không phải kinh doanh.

- Đương thời, cùng tồn tại với TLVĐ còn có khá nhiều nhóm văn học khác. Ví dụ, nhóm Tân dân (Tiểu thuyết thứ bảy) do Vũ Đình Long đứng đầu. Nhóm Tân dân tập hợp được đông đảo các cây bút trong đó có khá nhiều cây bút tài năng, có thể nói không thua kém gì, thậm chí còn có phần vượt trội TLVĐ: Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Lan Khai, Nguyễn Tuân, Thanh Châu, Vũ Bằng, Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Nam Cao, Tô Hoài,… Nhưng xét về mặt tổ chức, nhóm này không có tôn chỉ, các nhà văn viết và bán tác phẩm một cách tự do. Quan hệ giữa các thành viên, theo các hồi ký của nhiều nhà văn để lại, có khi rất thân tình, nhưng đấy là sự thân tình giữa các cá nhân, không có gì ràng buộc về mặt tổ chức như TLVĐ.

Có thể khẳng định TLVĐ là một tổ chức – trào lưu văn học vô tiền khoáng hậu, mãi mãi để lại một dấu ấn đáng tự hào của nền văn học dân tộc.

ĐTT

(1/4/2017)