Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 18 tháng 4, 2017

GS Hoàng Xuân Hãn qua Vũ Đình Hòe (*)

Cố GS Hoàng Xuân Hãn là học giả Việt Nam duy nhất được đặt tên cho một giảng đường đại học giữa thủ đô Paris - một ghi nhận cống hiến to lớn của GS cho nền khoa học thế giới. Điều khiến tôi tâm đắc, là bên cạnh những lĩnh vực uyên thâm như lịch pháp và văn bản Kiều, cụ còn khảo cứu cả gia phả và sử dụng chính xác và tài tình loại hình tư liệu "tam sao thất bản" nhiều nhất này cho những công trình sử học của mình!
Xin trích giới thiệu đoạn đầu và đoạn cuối từ "bức chân dung" tinh thần và tâm sự của môt nhân cách kẻ sĩ sừng sững trong "thế hệ vàng không lặp lại" (Lời ông Tổng thư ký Hội sử học Việt Nam) của trí thức nước nhà. Tác giả tự nhận là thế hệ đàn em, nhưng được bậc đàn anh coi cùng luật sư Phan Anh là chỗ bạn thanh khí chí thiết, nên theo thiển ý của tôi, đã lí giải đúng, tai sao một sĩ phu suốt đời ưu dân ái quốc như GS Hãn không đứng vào hàng ngũ Việt Minh đã "cướp được" (chữ của chính phe này) chính quyền của Chính phủ Trần Trọng Kim.

Vũ Thế Khôi

BẠN THANH KHÍ

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn dành nhiều ưu ái cho báo Thanh Nghị trong suốt thời gian nó thai nghén và tồn tại (1940-1945) - trùng với thời gian Đại chiến thế giới lan tới Đông Dương, cho tới những ngày tháng tiền khởi nghĩa sôi sục.
Anh thuộc lớp người đi trước một ít, đã vào đời làm việc. Chúng tôi, một nhóm thanh niên mới ra trường, đánh bạo xuất bản tờ Thanh Nghị, để phục vụ cho hoài bão Độc lập và Dân chủ - khuynh hướng xã hội của chúng tôi.
Với tất cả lòng quý mến nhân cách, tài năng của Anh, chúng tôi mong Anh sẽ đỡ đầu cho tờ “Nghị luận - văn chương - khảo cứu” của mình. Ghép vào tờ Thanh Nghị, có phần dành cho các độc giả nhỏ tuổi, in thành tập riêng, mang tên TRẺ EM, xem như để thực thi quan niệm của chúng tôi về giáo dục nhi đồng. Về phần “Trẻ em” chắc chắn sẽ chỉ gặp một khó khăn là tài chính, có thể khắc phục được. Chứ về phần “Nghị luận” thì sẽ không đơn giản tí nào. Vì sẽ phải hằng ngày đương đầu với các nhà đương cục Pháp, Nhật. Cho nên chúng tôi phân vân, và nghĩ cần tham khảo kinh nghiệm ứng xử của những bạn đàn anh như Hoàng Xuân Hãn.


  
Một buổi sáng đầu năm 1941, Phan Anh rủ tôi đến chơi nhà GS Hãn ở phố Tràng Thi, trên gác hiệu thuốc tây lớn mang đích danh tên Giáo sư (Pharmacie Hoàng Xuân Hãn). Chủ nhiệm hiệu thuốc và phòng thí nghiệm là Hoàng Xuân Hãn phu nhân, nhũ danh Nguyễn Thị Bính, học ở trong nước, rồi qua Paris làm bằng Dược sĩ hạng nhất. Phan Anh quen thân với Hoàng Xuân Hãn vì cùng quê Đức Thọ, Hà Tĩnh, và chị Phan - Đỗ Thị Thao - lại là bạn học của chị Bính. Tôi chỉ biết tiếng Giáo sư và rất hâm mộ. Nhưng đối với phu nhân thì tôi có hân hạnh được quen hồi ở Đại học Tổng hợp Đông Dương. Hai chị Bính và Thao theo khoa Dược, còn chúng tôi theo khoa Luật. Nói là Đại học Tổng hợp, nhưng thuở ấy mới có hai khoa chính quy Y-Dược và Luật học. Về Y-Dược, sinh viên nữ chỉ có hai chị, nên được bọn sinh viên nam chúng tôi rất “săn sóc”. Tôi nhớ khi hai cô Bính và Thao thi hết khóa, vào vấn đáp thì chúng tôi đứng xúm xít trước cửa phòng thi. Cô Thao vốn tính rắn rỏi, nên khoan thai bước vào phòng. Còn cô Bính thì rụt rè, ngập ngừng, đưa mắt nhìn chúng tôi, tỏ vẻ muốn khuyên chúng tôi lánh đi nơi khác thì hơn!
Phan Anh và tôi, hai anh em vừa bước vào cửa hiệu thuốc thì đã thấy chị Bính chạy ra đón, niềm nở chào hỏi, dẫn tới cầu thang. Phan Anh nhanh chân bước lên gác rồi, mà tôi còn trùng trình, trao đổi vài lời với chị Bính, về câu chuyện xửa xưa ấy, thời sinh viên.
- Anh nhớ lâu nhỉ! - Chị nói, cười cười.
- Thì chính tôi lúc đó đã lôi mấy cậu “lì” nhất rời khỏi phòng thi của các chị mà!
Chợt nghe tiếng Phan Anh từ trên gác gọi với xuống. Tôi bước vội lên.
Trước khi tôi có mặt, Phan Anh đã trình bày với GS Hãn về lý do chúng tôi đến thăm. Dưới đây là nguyên văn lời anh Hãn khuyên mà sau này Anh kể lại trong hồi ký “Tưởng nhớ Phan Anh” , viết khi được tin Phan Anh qua đời (1989):
“... Tôi thuộc vào lớp sớm hơn Anh. Năm 1936 tôi đã từ Pháp về dạy khoa toán tại trường Bưởi, trường mới được mang huy hiệu Lycée. Bấy giờ hiếm giáo sư cho nên tôi phải phục vụ nhiều lớp, nhiều trường. Chung quy tôi không có thời giờ tiếp xúc nhiều với thế hệ Phan Anh. Và tình hình chiến tranh tại châu Âu, tư thế quân đội Nhật Bản tại Đông Dương thúc tôi phải để tâm hoàn thành và công bố công trình mà tôi đã ôm ấp trong gần 10 năm - DANH TỪ KHOA HỌC. Bấy giờ lòng ái quốc nồng nàn của nhân dân, nhất là của thanh niên đã bộc lộ. Phan Anh tới tìm tôi và bày tỏ ý kiến của một nhóm trí thức trẻ muốn ra một tờ báo nguyệt san đặt tên là THANH NGHỊ, hỏi ý tôi nên bàn luận thế nào, và nhờ tôi cộng tác. Tôi đã đáp rằng bây giờ trăm mắt đổ xô vào hành động của thanh niên trí thức ta: quốc dân, chính quyền thực dân Pháp, quan sát nhân Nhật. Tuy trong thực tế mình không có quyền chính trị, nhưng hãy cứ tự coi mình như con dân một nước độc lập. Đối với mọi việc đáng suy nghĩ, thì cứ nêu lên mà bàn với tư tưởng mới, thực tế. Chắc rằng tòa kiểm duyệt cũng không cấm viết, mà độc giả sẽ dần quen với những suy nghĩ đúng đắn và trách nhiệm. (Phan Anh rất đồng ý). Ví như tôi, tôi nghĩ một dân tộc độc lập phải có đủ danh từ để biểu diễn mọi ý về văn hóa. Vì lẽ ấy, tôi đã soạn tập DANH TỪ KHOA HỌC, và đang bàn với anh em khoa học cho ra một tạp chí khoa học, nó là bổ túc cho báo THANH NGHỊ của các anh. Nhưng cũng vì thế mà tôi không có thì giờ viết thường xuyên giúp Anh về khoa học. Trái lại, sở thích riêng của tôi là sử và cổ văn. Tôi nhận thấy có nhiều khả năng góp phần mới. Nếu tôi có những điểm mới thuộc các đề tài ấy, tôi sẽ đăng vào tạp chí của các anh...”
  
Thế là đạt yêu cầu, quá mức nữa chứ! Tôi lại còn nài thêm với anh Hãn: trân trọng mời chị Hãn tham gia Ban biên tập báo Thanh Nghị. Anh ngẫm nghĩ vài giây, rồi đáp:
- Có lẽ tốt đấy. Vì trong nhi đồng giáo dục có vấn đề tâm - sinh lý trẻ nhỏ, có vấn đề vệ sinh, phòng bệnh, bồi dưỡng sức khỏe cho thiếu nhi. Để các anh trực tiếp hỏi ý kiến nội nhân tôi xem thế nào.
Chúng tôi cảm ơn thịnh tình của Giáo sư rồi cáo lui. Chị Bính tiễn chúng tôi ra tận hè đường. Tôi không quên ngỏ lời mời chị cộng tác với báo thì chị chỉ mỉm cười, không từ chối mà cũng không ra nhận...
Trò chuyện trên đường trở về nhà, chúng tôi rất mừng và yên tâm. Chắc chắn sẽ không gặp cản trở gì lớn từ phía các nhà cầm quyền Pháp đã cay nghiệt cực kỳ đối với giới cầm bút.
Chúng tôi nhắc với nhau ý kiến anh Hãn nhận định tình hình: Nhân Pháp bị bại trận, Nhật Bản tăng áp lực đối với Đông Dương - chính quyền ở đây muốn lấy lòng trí thức, ví dụ: mở rộng cửa Đoàn luật sư cho người bản xứ, như Phan Anh. Đúng quá! Mà anh Hãn sắp công bố cuốn Danh từ khoa học hẳn cũng là căn cứ vào sự nhận định ấy. Anh khuyên ta cứ nên bàn các vấn đề của đất nước, trên tư thế người công dân của một xứ coi như độc lập rồi. “Họ không cấm đâu”. Miễn là ta biết lựa lời mà nói, tất nhiên.
Đáng phấn khởi hơn nữa là: nhóm anh Hãn đang chuẩn bị xuất bản tạp chí Khoa học mà Anh xem như để “bổ túc cho báo Thanh Nghị” của chúng mình. Như vậy ta sẽ gây được thế ỷ dốc cho nhau, bằng sự tương trợ, hợp tác, ủng hộ lẫn nhau giữa hai tờ báo của lớp thanh niên trí thức mà cả Pháp lẫn Nhật đều muốn lôi kéo.
Một tháng tiếp sau cuộc gặp gỡ với Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Thanh Nghị ra số đầu. Không kèn, không trống. Không tuyên ngôn, phi lộ, thư ngỏ với bạn đọc gì cả. Thậm chí không cả xã luận. Độc giả tinh mắt lắm mới thấy bốn câu in chữ nhỏ (khẩu hiệu chăng?) ghi ở trang bìa ba, lẩn vào các mẩu quảng cáo rao hàng:
“Thông hiểu sự vật và tư tưởng.
Thu nhặt tài liệu để góp vào việc giải quyết những vấn đề quan hệ đến đời sống của dân tộc Việt Nam.
Phụng sự một nền nghệ thuật chân chính.
Phổ thông mà không làm giảm giá”.
Có thể coi đó là những phương châm hành động của cả hai tờ Khoa học và Thanh Nghị, cùng ra đời vào một thời điểm nóng bỏng của đất nước.
*
* *
Báo Đại đoàn kết gần đây, ngày 19-3-1996, đăng bài “Chân dung tự họa”. Đó hầu như là nguyên văn bức thư của học giả Hoàng Xuân Hãn gửi cho nhà văn Nguyễn Đức Hiền, trong đó anh Hãn ghi tóm tắt những việc làm và những cảm tưởng của anh trong suốt thời gian dài 40 năm cuối đời “làm công tác của người ẩn dật” (lời anh).
Đúng, suốt thời gian ấy, anh sống trọn cuộc đời nhà khoa học, say sưa nghiên cứu cả về khoa học tự nhiên lẫn khoa học xã hội. Cái quý là: những trước tác và sưu tập của anh về sử học, văn học, cổ học đều thấm đậm tình cảm hướng về Tổ quốc. Anh da diết nhớ quê hương nhỏ của anh:
“Nay thì tuổi già, bệnh tật, sức yếu, trí mờ. Sợ không thể còn thấy lại quê hương. Vả đối với riêng tôi, cái thực chất của hai chữ “Quê hương” than ôi, đã không còn nữa!”
Gửi lời nhắn Nước cùng Non
Ngày nay Nước cạn Non mòn... tại ta.
Thế ấy, nhưng đối với xứ sở, tôi không bao giờ quên...”
Và anh vừa trút hơi thở cuối cùng, nơi tha hương. Đọc mấy dòng trên, chắc không ai khỏi bùi ngùi! Đã có lúc anh tưởng có dịp được về nước phục vụ. Anh kể:
“Hội nghị Genève nhóm họp... Muốn tránh mọi sự liêm phóng đông, tây, tôi đã thực dụng chữ Nôm để thông tin với phái đoàn ta do Bác Tô điều khiển. Được cả hai bên khuyến khích, tôi đành bỏ dở cuộc tìm văn bản cũ, mà đi gặp các bạn cũ nhiều lần, tôi nhận ý sẽ về Nam để nối liền Nam Bắc. Nhưng sự chẳng tùy lòng. Những lý tưởng thế giới tương tranh liền dày vò mảnh đất nước ta, đã khiến tôi phải tìm con đường xử thế khác...”
Cách đây vài năm, đồng chí Tổng bí thư Đỗ Mười, khi đến dự Đại hội lần thứ V của Hội Luật gia, có báo một tin vui là giáo sư Hoàng Xuân Hãn vừa lên tiếng tại Paris chứng minh một cách sắc bén chủ quyền quốc gia Việt Nam đối với các hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Cảm động trước thái độ tích cực đó của nhà khoa học lớn yêu nước: “Chúng tôi, Ban bí thư - lời đ/c Đỗ Mười - đã điện ngay sang Paris mời cụ Hoàng Xuân Hãn về nước tham gia công việc của Ban Biên giới Chính phủ”.
Sau đấy, tôi (Vũ Đình Hòe) không được tin gì thêm. Hình như anh Hãn không về được, có lẽ vì lý do già yếu.
ĐỂ THAY KẾT LUẬN
Một buổi chiều tháng 3-1996, tại thành phố Hồ Chí Minh, ngẫu nhiên tôi nghe tivi phát tin Giáo sư Hoàng Xuân Hãn từ trần, lễ tưởng niệm sẽ tổ chức tại trụ sở Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật thành phố. Tôi bàng hoàng... Tôi nhớ lại buổi gặp mặt Giáo sư ở căn gác phố Tràng Thi, cùng với Phan Anh bàn về việc ra báo. Từ đó biết bao ân tình giữa Anh và nhóm Thanh Nghị... Trưa hôm sau, tôi có mặt ở buổi lễ. Không gặp ai quen, tôi đứng thu hình ở một góc kín đáo. Lễ sắp mãn. Bỗng có tiếng loa gọi tên tôi lên phát biểu. Gian phòng mênh mông, tôi chập chững bước lên. Hai vị trong Ban lễ, sợ tôi yếu chân, chạy lại dìu tôi đi (thực ra tôi tranh thủ tìm tứ văn). Tôi xin ba phút, nói gọn vài lời, đại ý như bài tôi viết trên đây: bạn Thanh Nghị, duyên Thanh Nghị, tươi tắn, mỗi lúc mặn mà thêm, nhờ nhịp cầu Hoàng Xuân Hãn - La Sơn phu tử.
La Sơn phu tử - La Sơn Yên Hồ
Hai gương mặt đẹp. Xưa và Nay.
Hai tâm hồn. Một dòng máu đỏ, thắm tình YÊU NƯỚC. Một khát khao phụng sự, tận trung đền nợ nước, nợ dân.
Nhưng cả hai đều trải nhiều trăn trở, đều gặp nhiều trắc trở. Về “nghĩa Xuất Xử”. “Xuất” ít thành công, mà “xử” thì cứ canh cánh bên lòng cái nỗi lo phải lo trước thiên hạ.
Điều đáng quý là cả hai đều có thể đã vui lòng khi nhắm mắt vì đã có đầy đủ ý thức làm tròn trách nhiệm “con dân”, khi “xử” cũng như khi “xuất” (Nguyễn Thiếp), khi “xuất” cũng như khi “xử” (Hoàng Xuân Hãn).
Phải thấy rằng cả hai đều đã “xử”, ở ẩn, quá lâu mà “xuất”, ra giúp đời quá nhanh, quá ít, người vài năm, người vài tháng. Ai đó đã trách Phu tử Nguyễn Thiếp là phần nào cố chấp, tôi nghĩ có lẽ nhà học giả Hoàng Xuân Hãn cũng thế chăng? Nhưng nghĩ cho kỹ thì chỉ thấy “tiếc” cho hai vị, “tiếc” cho đời... Và cũng “giận” cho đời! Thật thế, khách quan không thuận lợi thì khó mà thi thố được gì cho xứng đáng. Rút lại, xét về tinh thần, về thái độ, hai Vị đều treo gương sáng cho lớp người sau, mãi mãi, đều phải được kể là bậc HIỀN của nước ta.
Tp. Hồ Chí Minh, 5-8-1996
Vũ Đình Hòe
(Bài đã in nguyên văn trong sách “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn - Con người và trước tác” - NXB Giáo dục, 1998; in lại trong hồi ký: Vũ Đình Hòe - Gương mặt những người cùng thế hệ. - NXB Trẻ, 2015)

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, cận cảnh và văn bản

Chân dung và tiểu sử và lí lịch khoa học của GS Hãn trước giảng đường đại học mang tên Cụ.

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, trẻ em và trong nhà

Dược sĩ Đông Dương Nguyễn Thị Bính, phu nhân của GS Hãn.

Nguồn: FB Vũ Thế Khôi

(*) Nhan đề của Văn Việt.