Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016

Phê bình văn học thế kỷ XX (kỳ 24)

 

Thụy Khuê

Chương 12

Phê bình văn học Pháp

Gaston Bachelard (1884-1962)

Phê bình phân tâm tưởng tượng vật chất

 

Khoảng thập niên 40 của thế kỷ XX, trong khi phần lớn những nhà phê bình hiện đại ở Âu châu đều trực tiếp khảo sát văn bản, thì Gaston Bachelard lại chiếu ống kính vào hai yếu tố: vật chấttưởng tượng, và coi đó là hai đối tượng nguồn cội của sáng tác cần khảo sát. Gaston Bachelard xuất hiện cùng thời với Sartre, và hai người đều gọi phê bình của mình là phân tâm, với Sartre là phân tâm hiện sinh (psychanalyse existentielle) với Bachelard là phân tâm tưởng tượng vật chất (psychanalyse de l'imagination matérielle), nhưng lý thuyết của họ không liên quan gì đến phân tâm học của Freud. Chính chữ phân tâm này đã khiến nhiều người chỉ nhìn lướt qua mà không đọc, đã lầm tưởng Sartre và Bachelard đều là “đệ tử” của Freud, kể cả một số tác giả Pháp.

Thực ra, chữ phân tâm (psychanalyse) có hai nghĩa: nghĩa thông dụng thường để chỉ phân tâm học của Freud và nghĩa từ nguyên, ít dùng hơn, đồng nghĩa với phân tích (analyse). Sartre và Bachelard dùng chữ psychanalyse trong nghĩa phân tích sâu sắc; và để phân biệt cả hai ông đều gọi phân tâm của Freud là phân tâm học cổ điển (la psychanalyse classique). Chúng tôi đã trình bày phân tâm hiện sinh hay phân tích hiện sinh của Sartre trong ba bài trước: Sartre bác bỏ hẳn khái niệm vô thức của Freud, ông cho rằng phân tâm cổ điển (Freud) cốt yếu tìm ra cái mặc cảm của người viết, còn phân tâm hiện sinh tìm đến sự lựa chọn tiên thiên của mỗi tác giả. Bachelard không bác bỏ khái niệm vô thức của Freud và ông có dùng khái niệm mặc cảm, nhưng trong nghĩa khác hẳn với sự dồn nén libido của Freud, và ông lập ra một lý thuyết văn học hoàn toàn mới lạ dựa trên bốn nguyên tố căn bản của vũ trụ: nước, lửa, đất và không khí. Tóm lại, Bachelard và Sartre cùng coi tưởng tượng là yếu tố nguyên khởi của sáng tạo, nhưng đi trên hai đường khai phá hoàn toàn khác nhau.

Tuy không đạt tới sự thuyết phục cao độ trong biện chứng như Sartre, phong cách phê bình của Bachelard cũng đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ, đặc biệt đến một số cây bút phê bình ở miền Nam Việt Nam, trước 1975; rất có thể vì triết học học của Bachelard uyển chuyển và thanh thoát, ngụ ẩn tinh thần thi ca và hội họa Đông Phương, tựa như những bức Đầm sen (Nymphéas) của Claude Monet. Bachelard chủ trương rằng óc tưởng tượng của con người dựa trên bốn nguyên tố chính: Lửa, Nước, Đất, Không khí. Và ông tìm mối tương quan của bốn yếu tố nguyên khởi ấy trong cấu trúc vật chất và cấu trúc tưởng tượng.

Gaston Bachelard (1884-1962) là một triết gia tự học. Sinh trong một gia đình nghèo, ông là nông dân, cha là thợ khâu giày, học xong tiểu học, Bachelard vào làm nhân viên bưu điện (1903-1905) rồi được thăng thư ký và lên làm việc ở Paris (1905-1913). Ông không ngừng tự học buổi tối và đỗ cử nhân toán năm 1912. Sau thế chiến thứ nhất, ông được chuyển sang dạy lý hoá ở một trường trung học. Vẫn vừa làm vừa học, năm 1922, đỗ thạc sĩ triết học (agrégation de philosophie) và 1927, trình luận án tiến sĩ văn chương. Trở thành giáo sư triết tại Đại học Văn khoa Dijon từ 1930 đến 1940, sau đó, được thăng chức giáo sư có giảng đàn ở Sorbonne. Những tác phẩm đầu của ông, thuộc địa hạt triết học và khoa học.

Từ 1931, Bachelard đã dùng triết học để phân tích một tác phẩm văn chương, mở đầu với cuốn: Trực giác của khoảnh khắc. Nghiên cứu về "Siloë" của Gaston Roupnel (L'Intuition de l'instant. Études sur la "Siloë" de Gaston Roupnel), in năm 1932. Sau đó là cuốn Những trực giác nguyên tử luận, Tiểu luận về phân loại (Les intuitions atomistiques, Essais de classification), in năm 1933, phân tích và khảo cổ tư tưởng khoa học theo đà tiến triển.

Bachelard thực sự nổi tiếng và có ảnh hưởng từ 1938, với những tác phẩm khai phá tưởng tượngmộng mơ, như một vùng đất lạ trong con người, như những yếu tố nguyên khởi của sáng tác, in trong khoảng 1938-1948. Đó là phần cốt yếu trong tư tưởng của Bachelard.

Nếu tâm lý học truyền thống cho rằng con người nhìn thấy trước, rồi nhớ lại, và sau cùng mới tưởng tượng, thì Bachelard, ngược lại, cho rằng: con người tưởng tượng trước, rồi mới nhìn thấy, và sau cùng mới nhớ lại. Đó là điều cốt yếu đầu tiên trong lý thuyết văn học của ông. Như vậy, Bachelard đặt vấn đề tưởng tượng lên hàng đầu trong sinh hoạt tinh thần, và từ đó, ông xây dựng lý thuyết triết học về văn học.

Những mộng mơ, những thần thoại hoang đường, những tưởng tượng lạ lùng không thể mường tượng được trong đầu óc con người, được ông mổ xẻ, phân tích, trong bối cảnh của bốn nguyên tố khởi sinh cuộc sống: nước, lửa, đất và khí trời. Theo đó, Bachelard hình thành điều cốt yếu thứ nhì: mọi giấc mơ, mọi thành tố của hình ảnh trong văn chương đều xây dựng trên bốn yếu tố vật chất nguyên khởi ấy, tức là đều đi từ vật chất để dẫn về vật chất. Tóm lại, mơ mộng sáng tạo bắt nguồn từ vật chất.

Tên những tác phẩm của Bachelard đã nói lên tư tưởng đặc thù của nhà bác học này: Phân tâm lửa (La psychanalyse du feu), 1938; Nước và Mơ (L'eau et les Rêves), 1943; Không khí và Mộng mơ (L'air et les Songes), 1943; Đất và mặc tưởng ý chí (La terre et les rêveries de la volonté), 1948; Đất và mơ mộng im lìm (La terre et les rêveries du repos), 1948, Thi học không gian (La poétique de l'espace), 1957, Thi học mộng mơ (La poétique de la rêverie), 1960, v.v. trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu hai cuốn sách chủ yếu của ông: Phân tâm lửa Nước và mơ.

Phân tâm lửa (La Psychanalyse du feu)

Cuốn Phân tâm lửa (La psychanalyse du feu), xuất hiện năm 1938, là tác phẩm đầu tiên của Bachelard trong khuynh hướng phân tâm tưởng tượng vật chất. Bachelard đã xác định vị trí trung gian của triết học đối với khoa học và thi ca như sau: “Trọng tâm của thi ca và khoa học đối nghịch nhau. Nhưng triết học có thể làm cho hai ngành ấy trở nên bổ sung cho nhau và liên kết chúng lại thành hai tương phản hữu ích[1].

Tại sao Bachelard lại đem lửa ra làm đối tượng hàng đầu để phân tâm? Bởi vì xưa nay lửa không những là một đối tượng khảo sát khoa học, mà còn là đối tượng trong tình yêu, trong văn chương, trong tất cả mọi trạng thái của đời sống như yêu thương, tranh đấu, giận hờn, ghen ghét, và nhất là lửa là một trong bốn nguyên tố cơ bản: nước, lửa, đất và khí trời. Lửa là khởi nguồn của đời sống ẩm thực, con người có lửa là có thức ăn chín, có văn minh.

Bachelard quả quyết một khi đã phân tâm được lửa, đã biết được về lửa, chúng ta có thể tiếp tục phân tâm những yếu tố khác như: nước, khí trời, đất, muối, rượu, máu, v.v.

Vậy mà lửa lại là một yếu tố mà chúng ta biết rất ít, hoặc hầu như không biết gì về lửa. Về mặt khoa học, nếu hỏi những người có thẩm quyền như những nhà bác học chẳng hạn, rằng: Lửa là gì? Thì họ thường trả lời rất mơ hồ, hoặc lặp đi lặp lại một lối giải thích cũ rích, vô bằng chứng, kiểu như: hai khúc củi khô cọ nhau thì ra lửa, sấm sét đánh vào cây thì ra lửa, hoả diệm sơn phun lửa, v.v. Đành rằng sấm sét đánh vào cây thì ra lửa, hoả diệm sơn phun lửa, nhưng dù con người tiền sử có nhìn thấy những hiện tượng ấy, nhưng từ việc nhìn thấy đến việc biết nó là cái gì, biết khả năng của nó, biết lấy lửa mà dùng, rồi biết giữ được ngọn lửa ấy làm sao không tắt ngấm, là một bước rất xa. Hay là những người thượng cổ trần truồng ấy, chỉ như những động vật khác, thấy lửa cháy rừng là chạy? Và cũng lại đành rằng: hai hòn đá hay hai khúc củi cọ xát nhau thì ra lửa, nhưng tại sao con người lại nghĩ ra rằng cứ lấy hai khúc củi khô, cọ vào nhau thì sinh ra lửa? Sự trả lời của khoa học về những câu hỏi này, không thoả đáng. Và Bachelard tìm một cách trả lời khác bằng sự phân tâm vật chất.

Bachelard coi lửa như một thực thể sống trong tiềm thức và vô thức của con người, và nó được bộc lộ ra ngoài dưới ba hình thức mặc cảm, mà Bachelard lần lượt đặt tên là:

1- Mặc cảm Prométhée (complexe de Prométhée) hay mặc cảm con muốn vượt cha.

2- Mặc cảm Empédocle (complexe d'Empédocle) hay mặc cảm tự thiêu, là mặc cảm mơ mộng, muốn nhập mình trong ngọn lửa thiêu huỷ, ngọn lửa tiêu biểu cho sự sống và sự chết.

3- Mặc cảm Novalis (complexe de Novalis) hay sự tìm về nguồn gốc lửa: Lửa là sản phẩm của tình yêu, sản phẩm của sự cọ xát thân thể, của dục tình.

Bachelard bắt đầu bằng sự nhận xét mối tiếp xúc của con người với lửa, từ thủa nhỏ: Cha mẹ cấm không cho ta sờ tay vào lửa. Kỷ niệm đầu tiên về lửa là một sự cấm kỵ. Nhưng lửa cũng là lửa ấm gia đình, là cái gì thân thiết nhất, sâu xa nhất của con người. Ông viết:

Lửa vừa ở trong nội tâm ta vừa là của chung. Lửa sống trong tim ta. Lửa sống trong trời đất. Lửa bốc lên từ sâu thẳm của bản thể và cống hiến như tình yêu. Lửa lên từ những chiều sâu của thể chất [substance] và tự hiến như một tình yêu. Lửa xuống lại trong vật chất [matière] và lẩn trốn ở đó, âm ỷ, ngấm ngầm như oán hận và phục thù. Lửa là hiện tượng duy nhất có thể nhận cả hai giá trị tương phản nhau: tốt và xấu. Lửa sáng Thiên đàng, lửa thiêu Địa ngục. Lửa êm ấm và lửa giày vò. Lửa trong bếp và lửa tận thế. Lửa gây thích thú cho đứa bé ngoan ngoãn ngồi chơi bên lò sưởi, nhưng lửa trừng phạt ngay khi ta dám thò tay vào lửa. Lửa là niềm an lạc và lửa được tôn trọng. Lửa là vị thần, hộ mệnh và khủng khiếp, tốt và xấu. Lửa lập luận và phản bác, vì thế lửa là một trong những nguyên tắc biện minh phổ quát[2].

Và ông viết tiếp: “Và như thế lửa là một thực thể xã hội hơn là một thực thể tự nhiên. Như vậy: “Sự kính trọng lửa là sự kính trọng do giáo dục xã hội mà có. Không phải tự nhiên mà có[3]. Đứa bé định thò tay vào lửa thì bị bố đánh ngay, trước khi nó kịp thò tay để biết lửa như thế nào. Vậy lửa là đối tượng cấm tiệt, do đó, ta có thể kết luận rằng: Tuyệt đối cấm là cái biết đầu tiên của chúng ta về lửa. Nhưng đứa nhỏ bị cấm sẽ tìm cách phạm cấm, bởi nó cũng muốn làm giống bố, nó sẽ lấy trộm vài cái diêm để nhóm lửa, nó trốn ra vườn, thử bật diêm chơi, xem lửa thế nào.

Sự kiện đứa bé muốn làm giống bố, Bachelard gọi là mặc cảm Prométhée của đứa nhỏ. Nó muốn biết bằng cha nó, nó muốn biết hơn cha, nó muốn biết bằng thầy, nó muốn giỏi hơn thầy. Tóm lại, theo Bachelard, mặc cảm Prométhée nơi người con trai muốn vượt bố là thứ mặc cảm Oedipe trong đời sống tinh thần. Prométhée là tên một vị thần trong thần thoại Hy Lạp, vì thương loài người cho nên đã lấy cắp lửa của các vị thần linh trên thiên đình đem xuống hạ giới cho loài người. Prométhée bị Zeus trừng trị, bắt xích trên núi Caucase, và cho một con đại bàng đến rỉa gan, nhưng đại bàng rỉa đến đâu, gan chàng lại mọc ra đến đấy. Sau Héraclès giết con đại bàng giải thoát cho Prométhée. Truyền thuyết Promethée ảnh hưởng sâu rộng trong văn học Tây phương.

Mặc cảm thứ nhì về lửa, được Bachelard gọi là mặc cảm Empédocle. Empédocle là triết gia Hy Lạp có một bút pháp đầy chất thơ, tương truyền ông đã lên miệng núi lửa Etna để gieo mình. Bachelard cho rằng: sự mơ mộng của con người dưới ánh lửa là những mơ mộng nguyên khai. Lửa mời gọi tĩnh lặng nghỉ ngơi, nhưng đồng thời lửa cũng có thể gợi đến những khao khát thay đổi, đến phá vỡ thời gian, đến sự cắt đứt cuộc đời. Và khi ấy, mơ mộng trở nên bi kịch, nó có thể làm thay đổi định mệnh, nó nối liền cái nhỏ bé với cái vô cùng, nó bắc cầu bếp lửa với hoả diệm sơn, và kẻ mơ màng ngắm lửa sẽ bị quyến rũ, sẽ rơi vào tiếng gọi của giàn thiêu đuốc lửa. Nơi một cá nhân như thế, sự giải thoát trong lửa sẽ là một khởi đầu. Và cái mặc cảm tự hủy trên giàn thiêu đuốc tuệ ấy, Bachelard gọi là mặc cảm Empédocle.

Mặc cảm thứ ba, Bachelard gọi là mặc cảm Novalis, giải thích nguồn cội của lửa. Novalis là nhà thơ lớn người Đức thế kỷ XVIII. Thơ ông diễn tả vũ trụ nguyên khai. Ông chủ trương tâm hồn và vũ trụ hoà đồng là một. Trong phần phân tâm lửa thứ ba này, Bachelard xác định: nguồn gốc lửa phát xuất từ con người. Lửa chính là sản phẩm của tình yêu, của dục tình. Con người tìm thấy lửa qua kinh nghiệm bản thân trong sự cọ xát hai thân thể.

Bachelard bác bỏ những cách giải thích thông thường, cho rằng người tiền sử kiếm ra lửa nhờ dùng hai khúc củi khô cọ xát nhau. Nhưng không ai chứng minh được rằng tại sao những người tiền sử đó lại nghĩ đến sự cọ xát thì ra lửa? Một vài tác giả cho biết thêm: bởi vì cháy rừng. Mà rừng cháy là do các thân cây khô cọ xát nhau trong mùa hè nóng bỏng. Nhưng đó cũng chỉ là giả thiết, hiện tượng cháy rừng do cây cối cọ xát nhau chưa từng được ai nhìn thấy, hoặc kiểm chứng. Người ta bèn bảo cháy rừng là tại sốc.

Về nguyên do phát sinh ra lửa, không ai nghĩ đến đó là một hiện tượng đã được chuẩn bị lâu dài trong thời gian, nó cũng từ từ như sự cọ xát hai khúc củi khô, rất lâu, rồi dần dần mới sinh ra lửa. Và Bachelard đi đến kết luận sau đây: Không có một hiện tượng thiên nhiên nào như sấm sét, cháy rừng, hay núi lửa, cho phép chúng ta nghĩ rằng người tiền sử đã dựa vào những hiện tượng thiên nhiên đó để tìm ra lửa. Ông dẫn chứng bằng lời sau đây của Schlegel:

Chỉ mỗi sự phát minh ra lửa [...] đã gặp những trở ngại không sao mường tượng được. Không có gì tầm thường như lửa; nhưng con người có thể lang thang nhiều ngàn năm, trong sa mạc, mà không bao giờ nhìn thấy lửa. Cứ thử cho con người tiền sử ấy một ngọn núi lửa đang phun hay một khu rừng bị sấm sét đốt cháy: thì tấm thân trần truồng dày dạn gió mưa rét mướt bốn mùa ấy có chạy lại bên núi lửa hay đám cháy rừng để sưởi ấm không? Hay là y sẽ chạy trốn. Lửa làm kinh hoàng động vật, trừ loại gia súc đã quen với đời sống quanh bếp lửa. Mà cứ giả thử như người tiền sử ấy lấy được lửa, thì y dùng cách gì để giữ cho khỏi tắt? Và sau khi lửa tắt thì y làm sao để nhóm lại? Nhược bằng cứ cho rằng có hai thanh củi khô tự nhiên rơi vào tay một người tiền sử, thì làm sao hắn biết rằng cứ cọ xát chúng với nhau sẽ có lửa?[4].

Đoạn văn trên đây của Schlegel được Bachelard trích dẫn để chứng minh sự bế tắc toàn diện của cách giải thích thuần lý về lửa. Và ông đề nghị: Nếu khoa học thuần lý bị bó tay thì sự phân tâm, hay phân tích sâu sắc, có thể đưa ra một cách giải thích khác.

Tại sao con người biết rằng sự cọ xát sẽ sinh ra lửa? Là bởi con người đã thấy một sự cọ xát khác, gây sức ấm như lửa. Đó là kinh nghiệm bản thân: đó là sự cọ xát giữa hai thân thể, đó là ngọn lửa dục tình. Tóm lại, người tiền sử quay về chính bản thân mình để tìm kinh nghiệm về lửa, để sáng tạo ra lửa. Sự cọ xát để sinh ra lửa, con người không học được ở thiên nhiên như núi lửa, cháy rừng, mà đã phát xuất từ kinh nghiệm thể xác: hai thân thể cọ xát nhau, thì sinh ra hơi ấm, thì bốc cháy như lửa. Và từ kinh nghiệm thân xác, con người áp dụng với hai khúc củi khô.

Bachelard luận tiếp: Nếu chấp nhận như thế thì chúng ta sẽ thấy tất cả đều rõ ràng sáng tỏ, từ ngôn ngữ đến truyền thuyết: Tình yêu là nguồn cội sản sinh ra lửa, là một giải thích khoa học đầu tiên, một giải thích phân tâm, phù hợp với thực tế. Và Prométhé là một tình nhân cường tráng hơn là một triết gia quả cảm và sự trả thù của Zeus chỉ là cuộc đánh ghen thuần túy, không hơn không kém. Bởi nếu việc tìm ra lửa khởi sinh từ sự chinh phục thể xác, thì ta không còn ngạc nhiên khi thấy rằng: lửa đã mãnh liệt đứng về phía dục tình từ muôn thuở trước. Ngôn ngữ loài người luôn luôn chứng minh điều đó.

Trở lại văn học Việt Nam, lửa trong những “lửa tâm càng dập càng nồng” của Nguyễn Du, Tắt lửa lòng của Nguyễn Công Hoan, những cơn hoả mộng của Nguyễn Tuân, lửa từ bi của Vũ Hoàng Chương, lửa Hà Nội của Mai Thảo... đã đi vào cảm thức văn chương như một động lực sáng tạo sống động, ngang ngửa với trời, đất.

Bachelard giải thích tiếng sét ái tình (coup de foudre) như nguồn cội của những tia lửa mà ông gọi là những hoả thể (être igné, hay hữu thể thoát thai từ lửa). Những hoả thể sinh ra từ tiếng sét ái tình là những tia sáng li ti, những hạt mầm nở ra những ngọn lửa tình mới.

Nước và Mơ (L'Eau et les Rêves)

Sau Phân tâm lửa, trong Nước và Mơ (L'eau et les Rêves), viết năm 1941, in năm 1943, Bachelard bàn tới lý thuyết phân tâm tưởng tượng vật chất.

Theo Bachelard, trí tưởng tượng của con người không bắt nguồn từ một đồ vật cụ thể, như cái bàn, cái ghế, mà bao giờ cũng bắt nguồn từ một vật chất: như nước, lửa, khí trời, đất, đá, máu, v.v. Để độc giả tiếp nhận dễ dàng xác định này, ta có thể lấy ví dụ trong thi ca Việt Nam: khi đọc câu thơ Nguyễn Du “Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình” ta thấy ngay hươngtrà là hai yếu tố vật chất gây ra sự tưởng tượng về tình yêu và nỗi nhớ ở Kim Trọng. Hoặc trong câu “Buồng văn hơi giá như đồng”, yếu tố gây tưởng tượng ở đây là hơi, và cả hơi lẫn đồng đều là vật chất.

Bachelard không phân tâm nước, theo kiểu ông đã làm với lửa, ông xác định mục đích của cuốn sách như sau: “Cuốn sách của chúng tôi còn là một cuốn tiểu luận mỹ học văn chương. Nó có một mục đích kép: xác định bản chất những hình ảnh trong thơ và xác định sự thích hợp những hình thức với những vật chất cơ bản. (Notre livre reste donc un essai esthéthique littéraire. Il a le double but de déterminer la substance des images poétiques et la convenance des formes aux matières fondamentales)[5].

Nói khác đi, cuốn Nước và Mơ muốn trả lời hai câu hỏi:

1- Hình ảnh trong thơ được “làm” bằng gì?

2- Loại hình nào hợp với loại vật chất cơ bản nào.

Bachelard cho rằng bốn nguyên tố vật chất cơ bản: nước, lửa, đất và khí trời là bốn nguyên tố chính mà óc tưởng tượng con người dựa vào. Cho nên, khi muốn tìm hiểu cấu trúc thơ văn, đặc biệt những hình ảnh trong thi ca, thì trước tiên phải xác định nguồn cội vật chất nào đã khiến cho nhà thơ tưởng tượng ra những hình ảnh đó. Vì vậy tác phẩm Nước và Mơ của Bachelard còn có thêm tiểu tựa Tiểu luận về trí tưởng tượng vật chất (Essai sur l'imagination de la matière).

Nước và Mơ được viết với tâm hồn thi nhân nhiều hơn triết gia và khoa học gia. Để bảo vệ lập thuyết của mình, về mối tương quan giữa nước và mơ, Bachelard để ngòi bút buông theo cảm hứng, với những lời lẽ rất thơ mà nhận định triết học, khoa học và tưởng tượng thi ca đan cài:

Người ta không tắm hai lần trong cùng một dòng sông, bởi vì, trong sâu thẳm con người đã có định mệnh một dòng nước chảy. Nước là yếu tố chuyển tiếp. Là sự biến đổi bản thể tất yếu giữa lửa và đất. Kẻ hiến dâng cho nước là kẻ quay cuồng. Y chết dần trong mỗi phút giây, một cái gì đó trong thể chất của y không ngừng trôi đi. Cái chết mỗi ngày không phải là cái chết hoành tráng của lửa như những mũi tên chọc trời; cái chết mỗi ngày là cái chết của nước. Nước luôn luôn chảy, luôn luôn ngã, luôn luôn tự kết liễu đời mình bằng cái chết ngang. Qua hằng hà ví dụ mà chúng ta có thể tìm thấy trong tưởng tượng vật chất: cái chết của nước mơ màng hơn cái chết của đất và niềm đau của nước là vô tận[6].

Ở đây, Bachelard xác định lại một lần nữa lập thuyết: lửa phát sinh ra tình yêu và từ tình yêu. Con người, sinh ra từ ngọn lửa (tình) và chết đi để về với đất. Người cũng như nước, chỉ là một yếu tố trung gian – bởi sống là cõi tạm – của sự đổi thay bản thể giữa lửa và đất. Còn nước, nước có vai trò gì trong cuộc sống này? Nước đem lại sự sống, nhưng nước còn biểu hiện cái chết, cái chết hàng ngày, trong mỗi phút giây, bởi vì nước “ngã”, nước trôi, nước chảy đi, nước nằm ngang, nước cuốn về thuỷ tận, là cõi chết. Vì thế cho nên, nước là yếu tố gây ra những tưởng tượng sâu xa nhất trong con người về sự sống, cái chết, Bachelard viết:

Tôi luôn luôn cảm thấy cùng một nỗi sầu trước những dòng nước ngủ, một nỗi sầu đặc biệt như màu nước ao trong rừng ẩm, nỗi sầu buông thả, mơ màng, chầm chậm, tĩnh lặng. Đối với tôi, một chi tiết nhỏ li ti trong đời sống của nước cũng có thể trở nên một biểu tượng tâm lý chính yếu. Cho nên, mùi cây bạc hà nước, gợi lại trong tôi một thứ giao cảm bản thể, làm tôi tin rằng cuộc đời chỉ đơn thuần là một mùi hương, rằng cuộc đời toả ra từ mỗi cá thể giống như mùi hương toả ra từ mỗi thể chất, rằng cây cỏ mọc bên bờ suối toả ra tâm hồn của nước... Nếu tôi phải sống lại cho tôi thần thoại triết học về bức tượng Condillac[7] thấy vũ trụ đầu tiên và ý thức đầu tiên trong các mùi, thì thay vì nói như bức tượng: "Tôi là mùi hồng", tôi phải nói "tôi trước tiên là mùi bạc hà, mùi bạc hà nước". Bởi vì con người trước hết là một thức tỉnh và con người chỉ thức tỉnh khi ý thức thấy một cảm giác phi thường. Bản thân con người không phải là tổng số những cảm giác chung chung, mà là tổng số những cảm giác lạ thường mà y tiếp nhận. Như thế, những ấn tượng hiếm đã làm nẩy nở trong ta những bí mật thân quen. Chính vì gần nước và gần hoa mọc dưới nước, tôi mới hiểu rằng mộng mơ là một vũ trụ bốc mùi, và mùi hương toát ra từ sự vật là nhờ trung gian của người đang mơ mộng. Nếu tôi muốn nghiên cứu đời sống những hình ảnh của nước, thì tôi phải trả lại vai trò chủ yếu cho dòng sông, và cho những nguồn nước trên quê hương tôi[8].

Bachelard đã dùng kinh nghiệm bản thân, từ nhỏ, khi ông tiếp xúc với mùi bạc hà nước, để dẫn con người trở về nguồn cảm hứng tiên khởi, trở về vùng đất đã phát sinh ra những mơ mộng đầu tiên của mình và đó là quê hương. Nhưng quê hương đối với ông, không chỉ là một vùng địa lý, mà là vùng vật chất, và chính ở những vật chất ấy mà trí tưởng tượng của con người phát sinh, nảy nở và thành hình:

Tôi sinh ở một vùng nhiều sông và suối, hẻo lánh trong thung lũng Champagne, tên là Vallage vì có nhiều lũng nhỏ. Đối với tôi, căn nhà đẹp nhất là căn nhà dưới trời sương tháng mười, nằm trong lòng lũng, bên bờ nước chảy, dưới bóng thấp của thủy liễu và miên liễu.

Cái thú của tôi là đi dọc suối, ven bờ, theo chiều nước chảy, nước đem cuộc sống đến những nơi khác, làng bên [...]

Nhưng quê hương là một vật chất hơn là một diện tích, nó là đá, là đất, là gió mùa, là hạn hán, là nước, là ánh mặt trời. Chính từ chốn ấy mà chúng ta đã vật chất hoá những mộng mơ của ta, và cũng bởi quê hương mà những giấc mơ của ta trở thành thể chất, có được những màu sắc cơ bản. Khi ngồi mơ mộng bên bờ sông, tôi hiến dâng tưởng tượng của tôi cho nguồn nước, nước xanh trong vắt, nước làm ngát cánh đồng. Tôi không thể ngồi cạnh một dòng suối mà không rơi vào những mộng mơ sâu lắng, không nhìn lại hạnh phúc của mình... Mà cũng không nhất thiết cứ phải là dòng suối của quê tôi, cứ phải là dòng nước của quê hương tôi. Dòng nước vô danh nào cũng có thể biết hết bí mật của tôi. Vẫn một kỷ niệm ấy trở lại bên bất cứ dòng suối nào[9].

Đất, đá, nước, khí trời... ở Champagne đã tác động vào trí tưởng tượng đầu đời của Bachelard, nhưng không hẳn thế, cả những dòng nước khác cũng có khả năng như thế, và như vậy, quê hương chỉ là khởi thủy, là chỗ “dạy” cho ta bài học đầu tiên về tưởng tượng, và sau đó óc tưởng tượng của ta “tiến” xa hơn, tức là nó có thể “hội nhập” với bất cứ dòng nước nào, để tạo ra một hình ảnh. Từ một vùng trời khác, một quê hương khác, ở chợ Chua Me, Động Kỳ Thức, Sa Kỳ, Hàn Mặc Tử viết:

Trăng là ánh sáng? Nhất là trăng giữa mùa thu, ánh sáng càng thêm ảo kỳ, thơm thơm, và nếu nhà thơ lắng nghe một cách ung dung, sẽ nhận thấy có nhiều miếng nhạc say say gió xé rách lả tả...

Sông? Là một giải luạ bạch, không, là một đường trăng trải chiếu vàng, hai bên bờ là động cát và rừng xanh và hoang vu và thanh tịnh...

Thuyền đi êm ái quá, chúng tôi cứ ngỡ là đi trong những vũng chiêm bao, và say sưa và ngây ngất vì ánh sáng.”[10]

Hàn không có chủ đích chứng minh điều gì, Hàn chỉ ghi lại những cảm giác, những hình ảnh hiện ra trước mắt, và những biến đối bản thể của vật chất từ nước sang trăng, từ sông sang ngân hà, rừng xanh, động cát... Nhưng những điều Hàn ghi đã cấp cho Bachelard một thực chứng hiển nhiên về tưởng tượng vật chất, một thực chứng không thể chối cãi được.

Nhưng vì chưa đọc Hàn, chưa biết Hàn đã chứng minh cho lập luận của mình, nên Bachelard vẫn tiếp tục chủ đích tìm cho ra sức mạnh ngầm nào đã tạo nên hình thức và nội dung những hình ảnh, ông cho rằng:

Chỉ khi nào ta khảo sát những dạng thức [formes] và tìm ra được vật chất nào đã tạo ra một dạng thức như thế, thì ta mới có thể nói đến một học thuyết toàn diện về óc tưởng tượng của con người. Khi đó ta mới thấy rằng hình ảnh là một thứ cỏ cây cần trời, cần đất, cần chất liệu và dạng thức. Phải mất nhiều thời gian, nhiều khó khăn mới tạo được một hình ảnh, đúng như nhận xét sau đây của Jacques Bousquet: "Để tạo ra một hình ảnh, nhân loại cũng tốn công như để tìm ra một tính chất mới của cỏ cây" [...]

Vậy chúng tôi tin rằng một triết thuyết về tưởng tượng, trước hết phải tìm hiểu mối liên hệ giữa tương quan nhân quả vật chất với tương quan nhân quả hình ảnh. Vấn đề này đặt ra cho nhà thơ cũng như cho nhà điêu khắc. Hình ảnh trong thơ, cũng có, một vật chất[11].

Như vậy, Bachelard chắc chắn và quả quyết rằng: Vật chất “đẻ” ra hình ảnh. Lập luận của ông rất đơn giản: nhờ vật chất (như dòng suối, như cây bạc hà nước) mà ta có tưởng tượng, vì vậy nên ông gọi tên tưởng tượng này là tưởng tượng vật chất. Tưởng tượng vật chất cấu tạo nên hình ảnh, do đó hình ảnh nào cũng “có” vật chất ở trong.

Và ông viết tiếp những dòng sau đây, có thể coi là lập thuyết đầy đủ của ông về tưởng tượng vật chất:

Chúng tôi đã từng khảo sát vấn đề [tưởng tượng] này. Trong cuốn Phân tâm lửa, chúng tôi đã đề nghị phân định những loại tưởng tượng khác nhau qua dấu ấn của những nguyên tố vật chất đã gây cảm hứng cho triết học truyền thống và vũ trụ luận cổ xưa. Thực vậy, chúng tôi tin rằng có thể xác định trong thế giới tưởng tượng, một luật tứ nguyên [loi des quatre éléments] xếp loại những tưởng tượng vật chất khác nhau, tùy theo chúng dính với: lửa, nước, đất hay không khí [...] Muốn cho sự mơ mộng được tiếp tục khá lâu bền và không chỉ lấp trống một giờ thoảng qua, để có thể viết thành một tác phẩm, thì sự mơ mộng này phải tìm thấy cái vật chất của nó, [tức là] phải có một nguyên tố vật chất nào cấp cho nó cái chất liệu, cái luật tắc, cái chất thơ riêng của mình [...]

Lessius một tác giả xưa đã viết trong cuốn "Nghệ thuật sống lâu" [L'art de vivre longtemps] như sau: "Những cơn mộng của người hay nóng giận thất thường nghiêng về lửa, về hoả hoạn, về chiến tranh, về giết người. Những cơn mộng của kẻ sầu não là đám tang, là mộ phần, là yêu ma, là chạy trốn, là hố sâu, là tất cả những gì buồn bã. Những cơn mộng của những kẻ nhiều mũi dãi thiên về sông hồ, lụt lội, chết đuối. Những cơn mộng của kẻ nóng máu, là chim bay, là những cuộc đua, yến tiệc, nhạc hội, cả về những điều mà người ta không dám gọi tên". Vì vậy, mơ của những người buồn giận thất thường, về lửa. Mơ của những người sầu não về đất. Mơ của những người nhiều mũi dãi, về nước, và những người nóng máu mơ bay bổng như chim. Những cơn mơ của họ được tôi luyện trong một nguyên tố vật chất, nguyên tố này xác định tính chất của giấc mơ. Nếu ta chấp nhận rằng, mỗi chứng tật chung hiện rõ trên con người có thể liên đới với một sự chân thực mơ mộng sâu sắc thì ta sẽ sẵn sàng đoán mộng một cách vật chất. Vậy bên cạnh sự phân tâm mơ mộng, cần phải có một thứ phân tâm vật lý và phân tâm hoá học những giấc mơ. Sự phân tâm rất vật chất này nối lại với những quy tắc xa xưa cho rằng những bệnh cơ bản được chữa bằng những thuốc cơ bản. Yếu tố vật chất xác định bệnh và cũng chữa bệnh. Ta đau vì mộng và ta cũng khỏi vì mộng. Trong vũ trụ luận của giấc mơ, những yếu tố vật chất vẫn là những yếu tố cơ bản.[12]

Tóm lại, qua kinh nghiệm bản thân, Bachelard nhận thấy mộng mơ được hình thành trên những yếu tố vật chất; qua sách vở, ông tiến tới lập luận chúng ta có thể giải thích mộng mơ bằng con đường vật chất và trong sự luận giải những mộng mơ, yếu tố vật chất là yếu tố cơ bản. Trở về với nguyên tố nước, Bachelard nghiệm thấy rằng:

Những nhà thơ vui, sống như dòng nước chảy quanh năm, từ xuân sang đông: phản ảnh một cách dễ dàng, thụ động, nhẹ nhàng tất cả bốn mùa. Những nhà thơ sâu sắc, thấy nước sống động, nước tái sinh trong mình,, nước bất biến, nước ghi bằng dấu hiệu không thể xoá được, những hình ảnh của nó, nước là một bộ phận của thế giới, là chất dinh dưỡng những hiện tượng chảy xuôi, là yếu tố thực vật, là đài gương, là xác thân của những hạt lệ...

Nhưng, xin lặp lại rằng: Phải đứng rất lâu trước bề mặt ngũ sắc thì chúng ta mới hiểu được giá trị của chiều sâu. Thử xác định một số nguyên tắc kết hợp những hình ảnh bề mặt, thì ta sẽ thấy trường hợp cá nhân tự ngắm, tự yêu mình [narcissisme] nằm trong nguyên tắc chung của vũ trụ tự ngắm[13].

Và ông đi đến kết luận: nếu nhận xét kỹ, chúng ta sẽ thấy tính cách nhất quán của nước. Và những hình ảnh về nước thường được xắp xếp theo một trật tự có tổ chức. Vì vậy, đi từ sự tìm hiểu nguồn thơ từ nước, ta có thể bước sang một thứ siêu thi học (métapoétique) về nước.

Tác phẩm Nước và Mơ, từ đấy, đi sâu vào sự phân tâm nước, như một nguyên tố phát sinh mơ mộng trong nhiều tác giả của văn học cổ kim Tây phương, Bachelard đi từ những dòng nước trong, khởi sinh những hình ảnh thơ mộng thoáng qua, đến những dòng nước đục, nước nặng, đưa ta vào khổ đau, cõi chết.

Chúng ta có thể thấy trong thi ca và âm nhạc Việt: từ nước trong như Suối mơ, Bến xuân của Văn Cao, Trăng mờ bên suối của Lê Mộng Nguyên, để tiến dần đến những dòng nước sâu hơn, như Đêm tàn bến Ngự của Dương Thiệu Tước và sau cùng đạt tới những dòng nước nặng, chở nỗi đau tuyệt vọng của con nguời, kết tinh thành vật chất, như Lệ là những viên đá xanh, tim rũ rượi của Thanh Tâm Tuyền.

Hoặc trong cùng một tác giả như Nguyễn Du, vẫn là nước, nhưng mỗi thứ nước chuyên chở một tình huống khác: nước trong gần gụi với những gặp gỡ mơ mộng ban đầu, tình yêu chớm nở:

Dưới dòng nước chảy trong veo,

Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.

Vẫn làn nước ấy, vẫn Kim Trọng ấy, mấy hôm sau, sâu hơn, nhớ thương đã chuyển sang màu khác, đã đạt tới mức khổ đau, khuất biệt:

Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu.

Và như thế, nước sẽ không chỉ gồm thâu một nhóm hình ảnh quen thuộc, phát xuất từ sự ngắm nước thoáng qua trong mộng mơ vơ vẩn, một chuỗi mơ màng vụn vặt chốc lát, mà nước đã trở thành cột trụ nâng đỡ hình ảnh, nước trở thành kho tàng của hình ảnh, thành nguyên tắc xây dựng hình ảnh. Ở những câu thơ đớn đau trác tuyệt, nước đã trở thành vật chất, như trong thơ Hàn Mặc Tử:

Tôi dìm hồn xuống một vũng trăng êm,

Cho trăng ngập trăng dồn lên tới ngực.

Tưởng tượng vật chất của Hàn đi từ trăng nước, là hai nguyên tố chính trong thơ của Hàn. Vũng trăng của Hàn vừa ghê vừa lạ. Câu thơ không đả động gì tới nước, nhưng nước vẫn có mặt: giấc mộng của Hàn, trong cơn bệnh hoạn, vừa có trăng, vừa có nước, Hàn phải quay về với nước. Ở đây, trăng chính là nước và nước là trăng (vũng trăng, trăng ngập), và hồnxác và xác là hồn (dìm hồn). Như vậy, cả hai yếu tố trăng lẫn hồn đều có khả năng vật chất hoá, tức là có thể lỏng ra hay đặc lại. Lập thuyết của Bachelard giúp ta tìm ra được nguồn cội vật chất của những câu thơ tuyệt vời, đồng thời xác định được bản lai chân diện mục của một nhà thơ: Một nhà thơ tài năng phải có khả năng biến đổi thể chất, từ lỏng sang đặc hoặc ngược lại.

Bachelard khảo sát thi ca của Edgar Poe mà ông coi như là một thứ siêu thi (métapoésie) đã đạt được nguyên tố nước là vật chất, nước mơ trong vật chất, ông tìm đến định mệnh của nước trong thơ Edgar Poe, và thấy đó là định mệnh làm cho vật chất sâu xa thêm, nước làm tăng giá trị của vật chất bằng cách cho nó chở thêm nỗi đau của con người[14]. Khi ấy, đêm cũng trở thành thể chất (subtance), nước cũng là thể chất. Chất đêm thầm kín hoà tan trong chất lỏng, như thể trời đem bóng tối tặng cho nước[15] và trong sự lộn đảo đó: nước sẽ không còn là chất lỏng để uống nữa mà chính nó sẽ uống bóng đêm.

Tất cả những biến đổi trạng thái từ lỏng sang đặc, đặc sang lỏng của vật chất mà Bachelard tìm thấy trong thơ Edgar Poe, chúng ta có thể tìm thấy trong những câu thơ hay nhất của Hàn Mạc Tử và cũng đau thương nhất của thi ca Việt nam, đó là những giọt lệ của Hàn: Bao giờ mặt nhật tan thành máu.

Hoặc trong phút giây Hàn trút linh hồn: Máu đã khô rồi thơ cũng khô.

Thụy Khuê

(Còn tiếp)

Kỳ 1: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-1/

Kỳ 2: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-2/

Kỳ 3: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-3/

Kỳ 4: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-4/

Kỳ 5: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-5/

Kỳ 6: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-6/

Kỳ 7: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-7/

Kỳ 8: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-8/

Kỳ 9: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-9/

Kỳ 10: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-10/

Kỳ 11: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-11/

Kỳ 12: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-12/

Kỳ 13: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-13/

Kỳ 14: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-14/

Kỳ 15: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-15/

Kỳ 16: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-16/

Kỳ 17: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-17/

Kỳ 18: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-18/

Kỳ 19: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-19/

Kỳ 20: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-20/

Kỳ 21: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-21/

Kỳ 22 : http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-22/

Kỳ 23: http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ph-bnh-van-hoc-the-ky-xx-ky-23/

[1] La psychanalyse du feu, Folio Essais, 1994, t. 12.

[2] La psychanalyse du feu, t. 23-24.

[3] La psychanalyse du feu, t. 27 và 28.

[4] La psychanalyse du feu, t. 50.

[5] L'Eau et les Rêves, Biblio Essais, 1998, t. 18.

[6] L'Eau et les Rêves, t. 13.

[7] Etienne Bonnot de Condillac (1714-1780), triết gia Pháp, tưởng tượng ra một bức tượng có kiến trúc như người, nhưng với một tâm hồn mới, chưa bị cảm giác nào xâm nhập. Bức tượng này được đánh thức bằng khứu giác (biết ngửi mùi) trước tiên.

[8] L'Eau et les Rêves, t. 14-15.

[9] L'Eau et les Rêves, t. 15.

[10] Hàn Mặc Tử, Chơi giữa mùa trăng, Xuân Thu tái bản tại Hoa Kỳ, không đề năm, t. 9,10, 11.

[11] L'Eau et les Rêves, t. 9.

[12] L'Eau et les Rêves, t.10-11.

[13] L'Eau et les Rêves, t. 19.

[14] L'Eau et les Rêves, t. 66.

[15] L'Eau et les Rêves, t. 67.