Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 25 tháng 9, 2016

Bốn mươi năm thơ Việt hải ngoại (50): Nguyễn Đức Tùng

Tiểu sử:

clip_image002

Sinh tại Triệu Phong, Quảng Trị. Lớn lên và đi học tại Quảng Trị và Huế. Thuyền nhân. Hiện định cư tại Canada. Anh tốt nghiệp đại học Mc Master, nội trú đại học Toronto, thường trú UBC. Làm việc trong ngành cấp cứu tại một bệnh viện ở B.C. Làm thơ, viết phê bình, phỏng vấn, dịch thuật. Đăng bài trên các trang mạng trong và ngoài nước.

Tác phẩm:

- Hai mươi sáu nhà thơ Việt Nam đương đại (in chung, NXB Tân thư, 2002)

- Những câu chuyện về sức khỏe (NXB Kiến thức và cuộc sống, 2003)

- Với Du Tử Lê, đời sống trở nên thơ mộng hơn (NXB Tự lực, 2007)

- Thơ đến từ đâu (NXB Lao động, 2010)

- Đối thoại văn chương (với Trần Nhuận Minh, NXB Tri thức, 2012)

- Thơ cần thiết cho ai (NXB Hội nhà văn, Nhã Nam, 2014)

- Cuộc đời yêu dấu (tuyển tập truyện dịch Alice Munro, NXB Trẻ, 2015)

***

Tỉnh táo, lắng đọng, tra vấn, ray rứt, thương cảm, lý trí, mang những chấn động ngầm - thơ Nguyễn Đức Tùng có lẽ đứng tách ra khỏi những người làm thơ cùng thời ở thêm một chỗ nữa: anh mang giọng nói điêu đứng mà khỏe mạnh của mình, đi, về phía một cộng đồng thơ, một dự phóng chung, một chân trời cho ta tin tưởng, một tin tưởng nhất định là thơ ca có diệu dụng của nó, thơ ca là cần thiết, thơ ca là xứng đáng để chúng ta phải lao đầu vào, bằng toàn bộ tâm trí, cảm xúc. 

Những bài thơ của Nguyễn Đức Tùng đặt vấn đề, với thế sự và với ngôn từ. Chúng khiến người đọc băn khoăn, ở chỗ thơ nói, và ở chỗ, như người thơ tự xác nhận, bất khả thông tri, qua lời.  Những bài thơ mời gọi thao tác cùng đi, nhưng có thể không cùng tới. Chúng khiến người đọc phải đọc lại, tự tra vấn, tự dò dẫm đi lại chỗ mình vừa đi qua. Một thao tác đòi hỏi những hiểu biết về hành trình ngôn ngữ thơ ca, đã đành, còn làm như đòi hỏi những vất bỏ, tạm gác. Tạm gác một số những định kiến, những đinh ninh, những giả định. Thơ anh, cái viết, những tách ly khỏi khối cảm xúc tự sự, đã đành, nó còn muốn đánh dấu hỏi với chính những câu cú, ngôn từ đổ vỡ, cảm xúc đổ vỡ, sự hoang tàn, vùng hoang mạc.

Nguyễn Đức Tùng chọn lựa thơ như một thử nghiệm, và như một trị liệu pháp. Anh nhìn thấy mỗi bài thơ như một nối kết hữu cơ, nhưng cũng biết rằng sự cất bay của thân thể hữu cơ ấy nằm ở phần linh động tạo ra từ sự thay đổi hóa trị của từ ngữ khi về đứng bên nhau. Tính cách bất ngờ, duyên định. Thơ Nguyễn Đức Tùng có những chỗ cố tình để trống, những tạm đứt đoạn, những lổ hổng không rõ nông sâu. Người ta hay gọi là đa tuyến, nhưng thực ra là chỗ thơ mời gọi và trả lại cho người đọc một dự phần.

Đọc thơ Nguyễn Đức Tùng càng về sau này tôi càng gần liên tưởng tới thơ Trung Âu thời hậu Auschwitz. Thế hệ của những chấn thương. Những chấn thương, vết tích sót lại sau một đại nạn lịch sử. Một di sản chung, của nhiều hơn một con người.  Kẻ viết, bước ra từ đống đổ vỡ, hắn vừa là một đơn vị ý thức, vừa là một đơn vị giữa câm-lặng-đám-đông; vừa mong nói một cái gì, vừa ý thức về sự giới hạn, sự bất lực, của ngôn từ, và cạnh đó, sự phi lý, của lịch sử. Ngôn từ, một gánh nặng, và cái viết, một cố gắng thông tri. Thông tri với những ai?  Những cái viết mang những lổ hổng, những cắt lìa kia, chúng đã chẳng lành lặn, thế thì chúng mưu cầu điều chi? Những cái viết như một hành tác của kẻ sống sót. Những bệnh nhân, những nhà thương, những nhà ga, những căn phòng, những chiếc ghế, những chiếc đệm rách, những ca phẫu thuật không trợ tá. Những ghi chú riêng tư.  Những cái viết thức hoảng, xoay trở. Quả vậy, tôi nghĩ tới thơ Nguyễn Đức Tùng như một tiếp nối từ phía đó: phía hậu chiến mà chiến tranh chưa hết, 1945 của Trung Âu, phía 1954 của chia đôi Việt Nam, phía của vân cẩu tang thương mà anh chứng kiến sau 1975 và vẫn còn chứng kiến lúc này.

Nguyễn Đức Tùng là một nhà thơ băn khoăn với di sản đổ vỡ, nhưng anh cũng là một dứt khoát, hãy đứng dậy mà làm việc, thay vì ngồi đó kể lể, thống thiết. Anh có thể chưa pha chế trào lộng như ý muốn, anh có thể  còn ao ước thơ mình có thêm chất humour, anh có thể nghĩ nó còn cần thêm cô tịch hay thêm cái đa sự vụt hiện, nhưng mà rõ, thơ anh đánh dậy phần then chốt: một quân bình tỉnh táo, có lý trí, có động lòng, có đứng lùi lại, có khoảng cách, có lực thu hút khó giải thích của một tài năng mà rất nhiều khi cứ bỏ chín phần mười công lực cho những dự phóng và dự án chung, thay vì chăm chút cho tiếng thơ của mình. 

Những bài thơ của anh, vì thế, lắm khi có thể đọc như những chiêm nghiệm riêng tư đáng quí, sau những dự phóng chung anh đã làm - đã hoàn tất hay còn dang dở. Những dự phóng làm mới, làm lớn, làm đẹp thơ ca. Để nó chữa lành những chấn thương tâm hồn con người ta, trên một tình thế chưa qua nguy kịch.

Nhà thơ Thường Quán

 

 

MỘT LOÀI HOA CỦA LÀNG TÔI

 

Tôi mang một loài hoa của làng tôi

Đi suốt năm này qua năm khác

Không còn ai biết

 

Đôi khi gặp người làng cũ

Tôi thử nói tên vài lần

Nhưng bị hiểu lầm thành thứ khác

 

Tôi nhìn thấy nó lần cuối cùng

Cách đây đã nhiều năm

Trên đùi một người đàn bà

Trước khi nó hoàn toàn biến mất

 

 

ĐÓ LÀ CÁI BÚA CỦA NGUYỄN VĂN THẮNG

 

Đó là cái búa không biết đóng đinh

Đó là đứa trẻ sơ sinh bị bỏ vào rừng

 

Người ta bảo: có lúc nó muốn đứng lên

Người ta bảo: có lúc nó muốn tập nói

 

Đó là khi một người đàn bà bỗng dưng quỳ gối

Xuống, trước mặt nó, đăm đăm nhìn vết máu

Của chồng mình, sau một tấm gương

 

 

NHỮNG NGƯỜI DŨNG CẢM

 

Những người dũng cảm thật hiếm hoi

Những người thông minh còn hiếm hoi hơn nữa

Và những người tử tế còn hiếm hơn gấp bội

Và tất cả những thứ ấy cộng lại

Bạn chỉ gặp một người một lần một đời

 

Như bạn đi dưới trời mưa tầm tã

Không mũ, không giầy, sấm chớp đì đùng, một chiếc xe hơi

Tấp vào lề, cửa mở

Bạn không có thì giờ lựa chọn

Nhìn trước nhìn sau, lắc đầu

Nó chạy vụt đi, bạn tiếp tục bước, mưa ngày một mau, bạn nghĩ thầm

 

Thế rồi bạn đi mãi, một mình, suốt buổi chiều

Đôi khi

Bạn gặp một người thông minh nhưng không dũng cảm

Một người dũng cảm nhưng không tử tế

Một người tử tế nhưng không thông minh

Như những chiếc xe hơi chạy vù qua, có khi quá nhanh

Như kẻ bận rộn, có khi tà tà quá chậm

Như kẻ lạc đường, lớ ngớ chờ bạn giúp đỡ, chứ không phải

Ngược lại, và bạn cứ một mình dưới trời mưa đi mãi

 

 

NHỮNG KẺ PHÁ HOẠI

 

Chúng tiếp tục phá, những kẻ ba hoa

Đầu tiên: một cánh cửa

Sau đó: một ngôi nhà

Chúng mang ngôi nhà không có cửa đi qua

Trước mặt chúng ta. Nhưng còn nhiều cánh cửa khác

 

 

Chúng ta còn ngôi nhà không có cửa

Gốc cây bóng mát giữa trưa

Những gì chưa ai tháo được

Chúng tháo được, mang đi

Những gì không thể chạm tay vào

Chúng đều chạm tay vào

Cào sạch cát trên sông, đổ bê tông các cánh đồng

 

Nhưng chúng cũng xây những ngôi nhà khác

To hơn, đúng thế

Chúng cũng trồng những hàng cây khác

Cao hơn, đúng thế

Có điều gì những kẻ phá hoại không làm được?

Đào núi, lấp hồ, đốn cây, phá đền, dời tượng

Trong đêm tối bỗng trồi lên dinh thự nguy nga

Những màn nhung êm ái lướt qua

Những cánh cửa sơn xanh và

Sơn đỏ, tím, hồng lòe loẹt

Vợ chồng con cái chúng ta, cười ríu rít, dọn vào

Tới khi nhận ra

Thì quá muộn. Chúng đã phá

Xong ngôi nhà cũ

 

Có người nghĩ: thế là mất

Sạch. Nhưng không, chúng ta vẫn còn nhiều

Mái tranh, bếp lửa, tình yêu

Cánh chim chiều sa lặn

Cát mênh mông ngoài đảo vắng

Ở đâu? Chúng ta không biết

 

Nhưng chúng biết

Những kẻ phá hoại

Biết. Sẽ có lần chúng trở lại

Châm lửa đốt ngôi nhà tranh cuối cùng

Để lấy đi một vài cái đinh

 

 

CÀ PHÊ VỈA HÈ SÀI GÒN

 

Màn hình Tivi
Mười sáu năm tù
Trần Huỳnh Duy Thức

Cần một cà phê
Để nhìn không chớp mắt

Trời sấm sét
Tia chớp loằng ngoằng

Một vết nứt
Trên ly cà phê đá

Từ từ loang ra

 

 

KÝ ỨC NHỮNG NĂM 80

 

Hai phiếu trắng

Một phiếu chống

Ở New York

Hai phiếu trắng ở New York

 

Hai người ngồi đánh bài

Ba người ngồi đánh bài

Trước hành lang lớp học

Năm người ngồi đánh bài

 

Trong phòng học

Một con bò cạp

Cắn vú người đàn bà

Bên trái

Bên phải

Bên trái

 

Trong chiều mưa rả rích

Ở Siem Reap

 

 

CHÙA
(Tặng  Chế Lan Viên)


Anh lật trái lá sen hồ
Thấy đề mấy chữ
Lên chùa
Vậy là anh lên chùa
Thăm Phật

Chùa vắng ngắt
Hương lúa tràn mênh mông
Làng vào mùa gặt
Chú tiểu cũng ra đồng

Ngoài sân
Dăm đóa hồng mới nở
Hỏi thăm
Sư cụ đã về quê lấy vợ

Anh ngẩn ngơ nhìn ra ngõ
Hàng tre gió thổi lao xao
Một con chim ở đâu
Bay về gáy

Cúc cu cúc cu cúc cu cúc cu.

 

 

HÃY CẦU NGUYỆN

Hãy cầu nguyện cho sông Seine chảy mãi qua cầu
Hãy cầu nguyện cho Rimbaud, Verlaine
Cho những người yêu nhau
Cho những người chết dưới đống gạch đá
Những người bị bắn vào lưng, vào bụng, vào đầu
Cho đứa trẻ nằm trên tay người đàn ông
Cho những người không bao giờ cầu nguyện


Cái chết nào cũng buồn
Chiến tranh nào cũng buồn
Nhưng hãy mở tấm chăn đắp mặt để nhìn xem
Kẻ nào đã bắn vào anh em chúng ta
Và đi theo vết máu trên đường
Đi mãi cho đến khi bạn gặp
Một chỗ ngồi bí mật trong bụi rậm
Nơi đêm qua một người đã ngồi
Ăn bữa ăn tối sau cùng
Được mang tới bởi một người đàn bà
Áo choàng xám, khổ đau, héo úa, tự xưng là mẹ của anh ta

 

 

NHỮNG KẺ TRA TẤN

 

Những kẻ tra tấn cũng khóc

Khi bị bỏ rơi

Chúng cũng mỉm cười

Với người hầu bàn mang rượu tới

 

Nhưng chúng thích hơn

Ngồi trong bóng tối
Đạp vào ngực chúng ta

Bất ngờ từ xa

Dí dao điện vào chỗ kín

Của một người đàn bà

Khi ngủ, chúng thở dịu dàng

Bàn tay xòe ra như trẻ con

Bước vào giấc mơ của chúng ta

Không ai biết, ngồi xuống giữa chúng ta

Nằm lên giường

Giữa vợ và chồng

 

Chúng thì thầm kiên nhẫn mỗi ngày

Vào tai chúng ta:

Số phận đã gõ cửa

Hãy mở cửa ra

Hãy quì xuống đi nào

 

Và chúng ta quì xuống

Những kẻ tra tấn không cần ăn uống

Nhiều ngày, không ngủ

Nhiều đêm, đi nhón gót như mèo

Trên tường, rình rập nỗi sợ hãi

Gói chúng lại, như thịt mỡ, mang đến vợ con của bạn

Khả năng đi xuyên tường là vô tận

 

Những kẻ tra tấn cũng thích nước hoa

Nếu chúng là đàn bà.

 

 

SAU MỘT NGÀY DÀI

 

Sau một ngày dài, khi những giờ căng thẳng

Đã trôi qua, những cãi vã đã lắng lại, những lỗi lầm

Đã mắc phải, cái sửa được cái không, sau những phút bốc đồng

Bạn muốn về nhà, đứng trước gương, không phải, bạn muốn

Về nhà, đứng trước một người đàn bà, như một tấm gương, và hỏi

Em có gì cho anh ăn tối không

 

 

CHÙA BÁT NHÃ

 

Tiếng cú rúc sân chùa
Thằng bạn tôi gõ cửa bằng chân phải
Cửa mở
Tôi lập tức xông vào
Dùng gậy quất túi bụi

 

Một nhà sư trẻ tuổi chắp tay
Niệm Phật trước bàn thờ

Yết đế yết đế ba la yết đế ba la tăng yết đế
Đồ chó đẻ tên

Giả dối kẻ phản bội

Tôi hét lên
Cho đỡ sợ hãi

 

Thằng bạn tôi đá giò lái vào nhượng chân
Làm hắn ngã ngửa
Tôi kéo ra giữa sân
Hắn co người lại vì đau

Tôi đẩy lật nhào
Lăn đi mấy vòng xuống hố sâu

Cái đầu trọc lốc lăn theo

Máu rỉ ra

Tôi trở về nhà
Sai vợ lấy khăn nước nóng

Lau mặt, chùi sạch, tẩm nước hoa

Gate gate paragate parasamgate

Rồi ngâm mình trong bồn tắm suốt ngày

 

Tôi ngồi im ngây nhìn bốn bức tường
Trắng toát thật lâu
Một con muỗi đậu lên tường
Chân còn dính máu

Tôi thẫn thờ suốt đêm
Lắng tai nghe phía núi
Nếu tiếng cú rúc thêm
lần
nữa
Tôi sẽ mặc
á
o cà sa và ra đi

 

 

ĐÓ LÀ MỘT MÙA

 

Đó là một mùa

Đó là một mùa hè trong đất

 

Một người đàn bà

Bỗng dưng biến mất

Sau ngày cưới

 

Người ta vội đổ đi tìm

Ngoài sông, trên cánh đồng

Không ai thấy

 

Tôi tìm ra chị

Dưới hòn đá ong xanh biếc

 

Chị tôi mang về đặt bên giếng nước

Làm chỗ rửa chân

Đó là một mùa hè hình trái tim.

 

 

QUÊ HƯƠNG

 

Anh bỏ nhà đi năm mười bảy tuổi
Cầm tay em gái dặn dò
Săn sóc mẹ cha
Chăm lo vườn tược cửa nhà
Đừng quên con chó nhỏ

Anh đi một mạch ba mươi năm
Khi về mẹ cha đã mất
Em gái không còn
Con chó chôn ở góc vườn
Cà đang ra nụ, hoa khế rụng đầy sân

Anh ngạc nhiên
Thấy nhà sạch sẽ
Bàn thờ ngát thơm hương khói

Ngồi ở cửa sau
Một con khỉ lông vàng
Đang ăn chuối

 

 

ĐỜI LÀ THẾ ĐÓ

 

Anh nhớ em giây phút êm đềm

Anh nhớ em ngày vui như điên

Anh nhớ chúng ta những người khốn khổ

 

Anh nhớ em đứng kiễng một chân

Anh nhớ em hầm nhà tối tăm

 

Anh nhớ em nằm trên thảm ấm

Anh nhớ em quần lót vướng gót chân

 

Anh nhớ em trong phút êm đềm

 

Đèn bật sáng.

 

 

KHI NGHE TIN MỘT NGƯỜI BẠN

 

Khi nghe tin một người bạn

Chết vì tình yêu, anh khóc, rồi cười

Anh đứng trong cửa sổ, nhìn trời, một cái cây

Rung lên như người đàn ông đầu trần đi trong giông bão

Không quần áo, chỉ mang giày, đi mãi

Nhưng anh nhìn kỹ lại, không có gió, chẳng mưa, trời

Xanh ngắt, vài cụm mây trắng nõn như hôm nào

Một chiếc lá trên cao bắt đầu rung khẽ, rồi chiếc thứ hai, rồi hàng trăm chiếc

Hàng ngàn chiếc lá cùng rung lên, trong một buổi trưa hè không có gió, vài cụm mây

Trắng nõn, bay, chỉ có một người và một cái cây

 

 

THÁNG TƯ RỒI THÁNG NĂM, LÝ DO ĐỂ TỒN TẠI

 

Bao giờ cũng còn lại một điều gì

Sau tất cả những tan vỡ

 

Trong góc nhà tối, khi tôi trở về

Có một chiếc máy may cũ

 

Bụi bặm, tôi ngồi xuống

Đặt chân lên bàn đạp, sợi chỉ quay vòng

 

Quay vòng, rì rào, rì rào

Như người góa phụ, kiên nhẫn, đi đâu

 

Cũng mang con theo, một đứa bé trai gầy khẳng khiu

Hay ngậm vú mẹ, ngay cả trong đám cưới

Của bà, lần thứ hai.