Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Xuất bản duy ý chí

Lam Điền

Thế nào là duy ý chí?
Còn nhớ hồi khoảng năm 2000 có ý kiến quan chức trong ngành kêu phải phấn đấu đạt 5 bản sách/ đầu người/ năm. Mình nghĩ bụng: Ý này cũng được, nhưng có cơ sở nào để đặt ra con số 5 bản sách/người vậy không, hay mới nghĩ ra nói luôn?
Vậy rồi con số 5 bản sách/người/ năm ấy cũng không đạt.
Xong đến năm 2004 lại có chỉ thị xuất bản phải đạt 6 bản sách/đầu người/năm vào 2010 – tức 6 năm sau đó.
Rồi cuối cùng đến 2015 thì cũng chỉ đạt 4,1 bản sách/ đầu người/ năm chớ 6 bản lấy đâu ra?
Vậy các loại định mức ấy thuộc dạng nghĩ ra nói luôn hay có cơ sở tính toán? Nếu có tính toán, phải theo ít nhất 2 hướng: từ hướng cầu (người tiêu dùng - bạn đọc): mỗi năm phải đọc 6 bản sách mới đáp ứng đủ nhu cầu ABC gì đó, chứ nếu đọc dưới 6 bản thì bị ảnh hưởng XYZ gì đó; còn từ hướng cung (người làm sách - thị trường): mỗi năm năng lực đáp ứng 6 cuốn sách là vừa đủ, là bán được, là ổn định, là phát triển, còn nếu mỗi năm bán không tới 6 bản sách cho 1 người thì các NXB, các công ty sách, các nhà phát hành lâm vào tình trạng LMN gì đó.
Đằng này, chẳng thấy trình bày cơ sở khoa học văn hóa kinh tế vân vân gì cả lúc đặt ra con số, xong đến khi không đạt con số ấy cũng chỉ nói ê, vậy là không đạt, rồi xếp vào "còn hạn chế" vậy thôi.
Nhưng bản tin thì cắt hết rồi, bản thảo bản tin nằm ở đây, các lộ giang hồ ưng thì đọc chơi:

 

Việt Nam chỉ đạt 4,1 bản sách/ người/ năm

Đây là số liệu từ Hội nghị tổng kết Chỉ thị 42-CT/TW về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản” do Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức sáng 5-7 tại TPHCM.
Theo đó, một trong các mặt hạn chế hiện nay của ngành xuất bản là tính đến năm 2015, số bản sách trên đầu người mới đạt xấp xỉ 4,1 bản sách/ người/ năm, không thực hiện được mục tiêu đề ra trong Chỉ thị 42 là phải đạt 6 bản sách/ người vào năm 2010.
Ngày 25-8-2004, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 42-CT/TW “Về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”. Thực hiện Chỉ thị trên, ngày 01-10-2004, Bộ Văn hóa - Thông tin đã ban hành Kế hoạch số 3675/KH-BVHTT về việc tổ chức thực hiện Chỉ thị trên cơ sở quán triệt sâu sắc vị trí, vai trò, định hướng và nhiệm vụ của hoạt động xuất bản, từ đó nâng cao nhận thức và xác định trách nhiệm, nghĩa vụ của mỗi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này.
Sau mười năm, ngành xuất bản đã có nhiều tiến bộ. Ghi nhận tại Hội nghị cho thấy nhịp độ phát triển của xuất bản được duy trì, chất lượng sách được nâng lên, tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 4%/ năm và đến năm 2015 thì toàn ngành đạt 369 triệu bản sách, tương đương 29.000 đầu sách.
Hệ thống các nhà xuất bản được giữ vững, lúc Chỉ thị 42 ra đời cả nước có 48 nhà xuất bản, đến năm 2016 cả nước có 64 nhà xuất bản và đến nay còn 60 nhà xuất bản. Hiện nay số lao động trong ngành xuất bản là 6500 người, tăng 2 lần so với năm 2004.
Tuy nhiên, ngành xuất bản đến nay vẫn còn tồn tại các hạn chế mà việc không đạt 6 bản sách/ đầu người/ năm chỉ mới là một, bên cạnh đó là chưa khắc phục được mâu thuẫn giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị và nhiệm vụ kinh doanh dẫn đến phát triển thiếu vững chắc, chưa có bước tiến mang tính đột phá.
Trong phần tham luận, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần hoàn thiện hệ thống chính sách, hệ thống pháp lý để hỗ trợ xuất bản. Ông Đỗ Quý Doãn – Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam – nhắc lại trường hợp Luật Hình sự 2015 với Điều 344 các khoản đều hình sự hóa các hành vi mang tính hành chính, nghiệp vụ, thủ tục thuần túy… Ông Doãn cho biết Hội Xuất bản sẽ có văn bản chính thức kiến nghị vấn đề này, nếu không thì “các lỗi sửa bản in, nộp lưu chiểu… lỗi nào cũng có thể bắt bỏ tù được cả”. Ông Nguyễn Minh Nhựt – giám đốc NXB Trẻ – lưu ý đến năm 2020 Việt Nam sẽ phải thực hiện sâu các cam kết khi gia nhập WTO trong đó có xuất bản. Và hiện nay các tập đoàn xuất bản nước ngoài đang đẩy mạnh liên kết với Việt Nam để khai thác thị phần trong nước, nếu mình không mạnh lên, thị trường hẳn sẽ thuộc về người ngoài trong cuộc cạnh tranh sắp tới. Ông Nhựt cũng đề nghị Nhà nước nên sớm ban hành Chiến lược sách Việt Nam, để làm phương tiện như một loại kim chỉ nam cho hoạt động xuất bản.
Nhiều ý kiến cho rằng nội dung của Chỉ thị 42 có nhiều tiến bộ, nên tiếp tục thực hiện Chỉ thị này trong thời gian tới.
Trong phần phát biểu tổng kết, ông Võ Văn Thưởng – Trưởng Ban Tuyên giáo trung ương – chia sẻ với các khó khăn của ngành xuất bản được các đại biểu phản ánh. Ông cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng cần ra soát và hoàn thiện hệ thống chính sách để tạo điều kiện cho ngành xuất bản phát triển, kể cả tính đến những điều kiện để hội nhập với quốc tế, phát triển sách điện tử và giữ vững sự phát triển lành mạnh của ngành.

Lam ĐiềnNguồn: FB Nguyễn Lam Điền