Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2016

Vết thương

Truyện Hồ Đình Nghiêm

Tặng chị Nguyễn Tuyết Lộc

 

Anh ta bước vào, hệt như gã điệp viên mang bí số 007 khi giới thiệu mình: Tôi tên Bond, James Bond. Anh ta nói: Tôi tên Bảo, Trần Bảo.

Cái nóng thiêu người ở ngoài đường không buộc anh phải đổ mồ hôi. Anh khô ráo đến độ làm tôi nghĩ tới những vật thể không hề thẩm thấu. Ngay cả giọng nói cũng vậy, khô khan. Tôi tin là anh ta sẽ gọi thức giải khát với dung lượng thật lớn. Nước, vốn được xem là thứ chất lỏng sẽ khiến mọi vật thay đổi, và nếu cần nó sẽ nhận chìm tất thảy. Tôi đã khóc, đã bị nước mắt cuốn trôi không cưỡng chống. Đó là lý do tôi hẹn hò cùng Bảo, nhằm đánh bật những nỗi buồn ngoài ý muốn.

Tôi đến đúng hẹn mặc dù quán cà phê này vốn xa lạ với tôi. Địa điểm do anh ấy chỉ định và trái với nghề nghiệp, anh tới trễ những mười lăm phút, đủ cho cái máy chơi CD phát tròn ba bản nhạc. Khi anh nói tôi tên Bảo, Trần Bảo thì lúc Adele hát xong bài “Daydreamer”.

Tâm trí tôi không còn đủ độ rung để an lòng tiếp nhận âm nhạc. Sở dĩ tôi nhớ tên bài hát kia vì nó gợi ra một quá khứ vừa vụt mất. Nó trôi đi, đó cũng là điều khiến tôi cần gặp Bảo, Trần Bảo. Tin là anh sẽ truy đuổi cái phũ phàng, mang về để từ tốn lột truồng như bóc vỏ một trái bưởi chua. Tôi hay ăn bưởi, nghĩ là nó giúp tôi giảm béo. Khi bớt mập, người ta vơi đi sự hồi hộp.

Khác với những gì tôi tự suy diễn, Bảo gọi cốc cà phê đen nhỏ như một quả trứng gà. Phần tôi, vì đến sớm, tôi đã đọc thuộc cái tấm giấy có bọc plastic bên ngoài in 12 thức giải khát. Tôi nói số 8 và hiện tại tôi đối mặt với cái ly to khủng khiếp chứa bốn hỗn hợp trái cây nhiệt đới xay nhuyễn. Uống hết thứ nước sền sệt màu nâu tím này không chừng tôi nhịn ăn ba bữa mà chẳng thấy đói.

Bảo lấy từ túi áo ra cuốn sổ nhỏ, cây viết có nút bấm được ràng buộc sợi giây thun quanh xấp giấy cong góc. Cốc cà phê nhỏ, tập vở nhỏ, ngay cả thân xác anh ta cũng có vẻ khiêm nhượng. Muốn xin một vai diễn thám tử hẳn sẽ chẳng lọt mắt xanh các nhà đạo diễn phim ảnh. Nhưng nói nào ngay, những tay anh chị ngoài đời hầu như hiếm có đại ca vai u thịt bắp, xương xẩu là đằng khác, bởi họ lý sự: “Nhất đẳng huyền đai không bằng dao phay chém lén”.

Do đâu chị biết đến tôi? Bảo nhập đề. Tôi ngó ly sinh tố thượng hảo hạng, nghĩ là mình cần được thông cổ thấm giọng nên ngậm lấy ống hút chơi một phát. Thơm, ngọt, béo ngậy, cộng chút đăng đắng. Con bạn tui giới thiệu, nó nói từng cậy nhờ anh và kết quả đến sớm không ngờ tới. Xin lỗi chị tên gì nhỉ? Nguyệt, Thu Nguyệt. Xin chị cái địa chỉ thường trú. Tôi đọc ra một con số luộm thuộm, rắc rối bởi những cái gạch chéo đan cài băm vụn. Tên con đường mới đổi, phường, quận. Anh uống thêm cái gì đi, cà phê khô queo rồi kìa. Cám ơn chị Nguyệt, chị có mấy cháu ạ? Chỉ một thôi, bé gái bốn tuổi. Tôi gởi nó cho bà ngoại, tôi dối má: Con đi xin việc, họ vừa gọi phỏng vấn. Bảo nghịch cây viết, trong cuốn sổ chỉ ghi đúng một chữ Nguyệt nằm cô đơn giữa trang giấy ố màu. Chữ anh ta khá đẹp dù là viết vội, tôi nhớ lại những lá thư tình mà người gửi luôn nắn nót, bốn năm kẻ khác phái đã viết chữ Nguyệt một cách cẩn trọng, đặt để niềm tin yêu. Quá khứ vàng son tuổi học trò bày ra những kén cá chọn canh, từ chối và chặt đốn năm cây si để rồi leo lên cây thứ sáu. Bảo sẽ gạn hỏi về người cho tôi leo cây, hứa cuội cho Nguyệt thăm chị Hằng bằng máy bay giấy.

Cần nhắc lại là chị Nguyệt đã nắm rõ chuyện giao dịch giữa chúng ta chưa? Có, con bạn tôi đã cho hay. Vụ đó, giải quyết xong, trước sau nó gửi anh đúng 10 triệu. Không, ý tôi muốn nói đến sự giới hạn trong công việc, trưng bày ra chứng cớ mà không lấn sâu thêm. Nghĩa là sao, thưa anh Bảo? Tôi từng bị thân chủ rầy rà: Sao anh không xấn tới hăm doạ chúng hoặc là ngầm báo cho công an? Bảo ngó tôi, giọng vẫn khô khan: Đó chẳng phải là phần hành của tôi.

Tóc hớt ngắn, những sợi bạc đã hăm hở lộ ra hai bên mai. Khuôn mặt lạnh chẳng biểu hiện cảm xúc, nhưng tôi quả quyết rằng Bảo là người chẳng mấy khi đón nhận chuyện vui, tác hại và tựu thành nét khắc khổ, trông già đi nhưng có già cách mấy tôi vẫn lớn tuổi hơn Bảo. Tôi luôn tin là trời sinh ra bọn đàn bà như tôi sẽ được sở hữu thêm cái bonus: Linh cảm nhạy bén. Tôi đánh hơi ra sự phản bội của đấng phu quân. Để chứng minh trực giác ấy là đúng, tôi cần sự trợ giúp của Bảo. Giác quan cho hay: Hãy tín nhiệm, anh chàng này sẽ làm ăn vén khéo, chẳng sơ hở. Đó là hạng người đi theo dõi con mồi, lâu lâu phải giả bộ dừng chân dòm ngó tên đường, không thì ngồi tháo sợi dây giày rồi thắt gút lại bằng cái nơ cân đối. Khi làm những việc vụng dại đó cần trang bị một con mắt có đuôi. Tôi cũng đoan chắc rằng Bảo có con mắt gắn ở sau ót, bằng chứng là anh gọi thêm cốc cà phê mà chẳng cần quay lưng khi cô bồi bàn đang làm sạch một chỗ ngồi ở phía sau. Khiếp! Nếu tôi có giác quan thứ sáu thì anh ta phải có thứ bảy, thứ tám. Tôi là đứa ăn mày có sáu túi trong khi Bảo là trưởng lão Cái bang áo rách chín túi. Tôi chưa từng xin xỏ bá tánh một điều gì cả, có chăng là xin hãy đối xử tử tế cho nhau. Bỏ cái mặt nạ xuống, hãy thực lòng, khi anh sống ngay thẳng chẳng có điều gì khiến anh phải sợ hãi. Chồng tôi đã từng có biểu hiện sợ hãi, ấp úng.

Sau khi nghe tôi bộc lộ nỗi hoài nghi, nôm na là ngờ vực một nửa của tôi chùng lén đi xơi phở, Bảo hỏi tên chồng, cơ quan anh đang công tác, lộ trình và giờ giấc đi về mỗi ngày. Dùng phương tiện gì, thậm chí hỏi tới cách ăn mặc. Tôi vẫn phiền muộn về đời sống này, về cái cách mà mỗi người phải tự kê khai lý lịch mình, càng chi li càng tốt. Điều đó chẳng khác gì bạn đang lột truồng bạn ra, công khai mà chẳng nương nhờ bốn tấm bình phong che chắn. Nhưng trong lúc này tôi đang sốt sắng lột truồng anh ấy ra cho Bảo có một lượng định sơ khởi. Viễn ảnh tôi muốn thấy là một ngày kia, người đàn ông một vợ một con sẽ về quỳ gối ăn năn bên giường: Vì con chúng ta, vì một mái ấm gia đình, xin em hãy tha thứ cho lỗi lầm anh mang. Tôi câm lặng, chắc vậy, không một ai có thể dán kín một tấm gương đã vỡ ngoại trừ vác tiền đi tậu cái gương mới. Đánh người chạy đi chứ ai lại đánh kẻ trở lại, má tôi hay nói câu đó. Sự khác biệt duy nhất giữa hai mẹ con: Má tôi siêng đi chùa, còn tôi là đứa ngoại đạo. Má tôi dạy tôi lắm điều hữu ích và cho đến giờ này tôi vẫn giấu nhẹm má nỗi bất hạnh mình mang. Quan niệm luôn đề cao lòng bao dung của bà dường như không hợp tạng tôi. Bao dung cũng chỉ tới một chừng mực nào đó thôi.

Bảo hỏi: Chị Nguyệt có mang theo một tấm ảnh của anh ấy không? Tôi mở túi xách trong khi nói: Đã hơn ba năm chúng tôi không mấy hứng thú để chụp ảnh chung, tấm này tuy hơi cũ, khoảng bốn năm trước, nhưng so ra chẳng mấy đổi thay với hiện tại. Bảo đón lấy, kẹp vào cuốn sổ nhỏ, ràng sợi dây thun, nhét trong túi áo. Sẵn mở túi xách, tôi thò tay chạm cái bao thư, trong đó chứa 5 triệu. Tôi nghĩ Bảo đang muốn rời đi. Hai hôm sau tôi sẽ gọi lại. Bảo nói. Anh ta đứng lên, nhét bao đựng tiền sau túi quần rồi đi về cánh cửa gương loang loáng bóng nắng.

Buổi tiếp xúc, giao dịch giữa tôi và anh chàng hành nghề thám tử tư xảy ra khoảng một giờ. Máy lạnh trong quán làm tôi dễ chịu, dễ chịu đến nỗi chỉ uống vơi nửa ly nước pha tạp kia. Trước khi đến quầy thu ngân thanh toán tiền cà phê cà pháo, tôi moi iPhone ra gọi má tôi: Nó mới ngủ dậy, đang ngồi trong bồn nghịch nước. Thằng cha nó có nhắn chiều nay phải đi dự tiệc khoản đãi công ty đối tác người nước ngoài, đừng để dành cơm chiều. À, mày tạt qua chợ mua chục chai nước mắm để dành bị mai hậu nó thành hàng hiếm hổng chừng.

Tôi biết tới Adele qua bài hát “Skyfall” khi xem phim Bầu Trời Sụp Đổ nằm trong chuỗi hành động của người mang bí số 007. Cô ca sĩ ở London bằng chất giọng đầy khí lực, đầy bản lãnh đã lôi tôi vào đứng giữa một cảnh quan ngập tràn đổ nát. Tôi không biết bí số của chàng thám tử tư mang tên Trần Bảo, đối thủ của chàng nào có gì ghê gớm, nhưng khi chàng gọi điện thoại di động báo tin, tôi nhớ sực tới Skyfall. Chị Nguyệt à, tôi thành thật xin lỗi chị và tôi mắc chị món nợ chắc không cách gì trả được… Bảo ngập ngừng, lần này giọng hết khô, chừng như chàng đang đứng ở một nơi có mưa rơi nặng hạt, thấm đẫm vào đường dẫn của sóng điện thoại. Có lẽ tôi giải nghệ, nghề này bạc quá, chắc tại tôi quên lập bàn thờ tổ để cúng vái trước mỗi lần đi theo dõi rình rập những kẻ làm việc bất chính tồi bại. Việc tôi đang hành nghề cũng đồi bại không kém. Điều quan trọng mà tôi muốn thưa cùng chị là anh chồng chị sẽ thôi không kiếm cách ăn vụng nữa. Chị nghe tôi nói không? Tin tôi đi, tin vào lời cuối của một thằng từng là thám tử. Xin lỗi chị khi tôi lỡ đốt bức ảnh chị trao. Mong chị tìm gặp được sự bình yên.

Bảo. Trần Bảo cắt sóng, ngắt đường dây điện thoại. Trong tai tôi đọng vũng một tiếng u dài lâu, chẳng ngưng nghỉ. Lời thú nhận của Bảo không làm sáng tỏ chuyện gì cả. Tôi định thuật lại mọi diễn tiến cho người bạn gái nghe, để đi tới kết luận, kẻ mà nhà ngươi giới thiệu cho ta là thứ bất tài vô tướng chả làm nên trò trống gì cả, đã thế còn nói nhăng cuội trước khi chạy làng. Chưa gọi để phàn nàn thì buổi chiều má tôi mang về nhà tờ báo có đăng tin “Cái chết bí ẩn của một nữ học viên trường nghệ thuật điện ảnh tài sắc vẹn toàn”. Chồng tôi ăn không hết chén cơm khi đọc phải bản tin hình sự ấy. Tổ đặc nhiệm của công an vào cuộc và bước đầu qua xét nghiệm hiện trường họ tin chắc đó là vụ mưu sát có tính toán, có chuẩn bị. Hung thủ là kẻ rất thân cận với nạn nhân.

Chồng tôi đi tắm và lặng lẽ vào phòng ngủ nằm sớm hơn thường lệ. Tôi rất muốn nói với ảnh: Vụ này lôi thôi to, nhưng tui biết ai là kẻ sát nhân. Thấy hơi quá đáng, tôi câm lặng dắt con ra hóng gió trước cửa. Đêm nay sẽ có một người trằn trọc và một người nằm ngủ say. Má tôi coi xong bài báo, nêu lên câu hỏi đáng bợn lòng: Chẳng biết cô ấy đã sinh con chưa? Tội nghiệp! Làm đàn bà thiệt khổ!