Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Trung tâm Văn bút Việt Nam 1957-1975: kỳ 5

Nhật Tiến

Trung Tâm Văn Bút

với Quyền tự do cầm bút

Hiến Pháp của Đệ Nhị Cộng Hòa, Ðiều 12 ghi rõ:

"Quốc gia tôn trọng quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, báo chí và xuất bản, miễn là sự hành xử các quyền này không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc phòng hay thuần phong mỹ tục".

Điều này được bảo vệ bởi Luật Báo Chí 019/69, do Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Văn Thiệu ban hành vào ngày 30/12/1969. Đạo luật gồm 8 Chương và 69 điều, xin tóm tắt những điều trọng yếu như sau.

Chương 1: Khẳng định quyền tự do báo chí là quyền tự do căn bản trong chính thể Việt Nam Cộng Hòa, miễn bài báo không phương hại đến danh dự cá nhân, an ninh quốc gia và thuần phong mỹ tục. Sách báo, tài liệ̣u nước ngoài bản chính và bản dịch nếu không vi phạm đến an ninh quốc gia và thuần phong mỹ tục cũng được tự do phổ biến tại miền Nam.

.

Chương 2: Mọi công dân đều được xuất bản báo mà không cần xin phép. Người muốn ra báo chỉ cần làm thủ tục khai báo tại Bộ Thông tin. Bộ có nghĩa vụ phải lập tức cấp chứng nhận tạm thời khi nhận đủ giấy tờ khai báo. Ngoại kiều cũng có quyền xuất bản báo, chỉ cần Tổng trưởng Bộ Thông tin hội ý với Tổng trưởng Bộ Nội vụ cấp giấy phép.

Chương 3: Báo chí không thể bị tạm đình bản hay đình bản vĩnh viễn, nếu không có quyết định của cơ quan Tư Pháp. Để bảo vệ an nình quốc gia, trật tự công cộng hay thuần phong mỹ tục, tại Sài Gòn, Tổng trưởng Nội vụ có quyền ra lệnh tịch thu một tờ báo nào đó trước hay trong khi lưu hành. Tại các tỉnh, Tỉnh trưởng cũng có quyền này. Song sau đó trong vòng 8 ngày họ phải tiến hành khởi tố được tờ báo đó trước tòa. Trong khi chờ phán quyết của tòa, báo vẫn được ra bình thường. Báo có quyền phản tố. Nếu chính quyền sai, sẽ đền bù đầy đủ, lấy từ công quỹ.

Báo chí không thể bị khởi tố khi tường thuật hay đăng tải các tường thuật phiên họp, các thuyết trình, các ý kiến thể hiện quan điểm chính trị của mọi dân biểu, có quyền trích dịch mọi nguồn thông tin. Báo chí có quyền chỉ trích Chính phủ miễn là không nhằm mục tiêu tuyên truyền.

Các dẫn chứng sẽ bị cấm và bị quy là phỉ báng một cá nhân hay cơ quan nếu:

- Liên quan đến đời tư.

- Sự việc xảy ra đã trên 10 năm.

- Nhân vật dù có án song đã được tha tù hay miễn thi hành.

Các báo cũng không được mạ lỵ các nhân vật cao cấp trong chính quyền, từ nhân viên chính phủ đến tổng thống, tư nhân, người quá cố.

Những dữ kiện kể trên chứng tỏ chính phủ dưới thời Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu cũng đã rất tôn trọng quyền Tự do Ngôn luận qua Báo chí mặc dù đất nước còn đang trong tình trạng chiến tranh.

****

Tuy nhiên tình hình chính trị trong nước ngày một xấu đi.

Những trí thức thiên tả và một số ngòi bút CS nằm vùng bắt đầu len lỏi mạnh mẽ vào sinh hoạt sách báo. Có những bài viết trên báo hay ngay cả in trong tác phẩm được phép ấn hành đã mạt sát cả một nền văn học miền Nam một cách công khai. Xin nêu chỉ một trường hợp cụ thể.

Tác giả Trần Trọng Phủ trong cuốn “Vài Ý nghĩ về Văn hóa Văn Nghệ (Nghĩ Gì-tập 2) do nxb Trình Bầy in năm 1969, đã viết :

(trích)

“... Chẳng có gi đáng ngạc nhiên khi thấy những tờ tạp chí như Sáng Tạo, Thế kỷ 20, Nghệ Thuật, Vấn Đề nhận được những món tiền trợ cấp lớn lao của chế độ hay là của những cơ quan ngoại quốc. Cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu những giải thưởng như Văn chương Toàn quốc, giải thưởng PEN, lại chỉ được trao tặng cho những nhà văn nào có khuynh hướng gần với khuynh hướng của chế độ hay đã thoát ly khỏi khung cảnh thực tế của xã hội.

Hiểu như vậy, người ta sẽ tìm ra cái mạch lạc mà có một lúc Nguyễn Trọng Văn đã lấy làm thắc mắc: Tại sao mười mấy năm nay văn học miền Nam lại chỉ sản xuất ra được những thứ văn chương “cặn bã, nổi lều bều trên dòng nước đục của mặc cảm và cố chấp??” (báo Đất Nước số 7). Hiểu như vậy, người ta sẽ dễ dàng nhận ra được cái lý do tại sao một thời có những người đã tưởng là cái thứ văn chương “chói lòa cái mới, tuyệt đúng, tuyệt đẹp” của Sáng Tạo, Thế kỷ 20… đã là điển hình cho tinh hoa của dân tộc! Và có lẽ người ta sẽ phải thật là ngỡ ngàng, nếu những khuynh hướng ấy lại không là những khuynh hướng trổi bật trong sinh hoạt văn học nghệ thuật miền Nam, nếu những Mai Thảo, Võ Phiến, Nguyễn Mạnh Côn, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Khắc Khoan…lại không trở nên là những “tổ sư bồ đề văn nghệ...” (trang 68-69)

Cái sự bỉ thử, mạt sát rằng Tại sao mười mấy năm nay văn học miền Nam lại chỉ sản xuất ra được những thứ văn chương “cặn bã, nổi lều bều trên dòng nước đục của mặc cảm và cố chấp”? ấy vậy mà vẫn được sở Kiểm Duyệt Bộ Thông Tin cho in (giấy phép số 1585/BTT/NHK/PHNT/ ngày 17-4-1969) thì điều đó chứng tỏ chính quyền đâu có hoàn toàn bóp nghẹt tự do cầm bút.

Tuy nhiên phải hiểu được rằng giữa cái sự Kiểm Duyệt đòi “Thiếu phụ phải mặc áo vàng không được mặc áo đỏ” với sự cho phép viết “Tại sao mười mấy năm nay văn học miền Nam lại chỉ sản xuất ra được những thứ văn chương “cặn bã, nổi lều bều trên dòng nước đục của mặc cảm và cố chấp?” thì đó chỉ là tính cách thi hành chính sách Kiểm Duyệt một cách lỏng lẻo, tùy tiện và hoàn toàn phụ thuộc vào từng cá nhân phụ trách làm theo cảm tính, chứ chẳng có theo đường lối nào hết mặc dù văn bản thì vẫn ghi rõ.

Cho nên cũng chẳng thể trách cứ những nhà văn, nhà báo đã phải đồng loạt đấu tranh đòi hỏi một sự thi hành công cuộc Kiểm Duyệt một cách nghiêm chỉnh.

Đã thế, trong năm 1974, những cuộc biểu tình “chống tham nhũng” do Linh-Mục Trần Hữu Thanh phát động (vốn manh nha từ thời người trẻ, Đại úy Hà Thúc Nhân nổi loạn chống tham nhũng ở Quân Y Viện Nha Trang năm 1970) đã gây ảnh hưởng trong nhiều giới. Qua sự kêu gọi của LM Trần Hữu Thanh, đã có sự tham-gia của một số chính khách, lãnh tụ đảng phái và nhiều đoàn thể, càng khiến hậu phương trở nên rối loạn. Những lý do tham nhũng được nêu ra hầu hết đều nhắm vào Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu. Nhưng mãi sau này sự thể mới lộ rõ là sau 1975, Ông Bà Nguyễn Văn Thiệu đã sống một đời sống thanh bạch, tài sản đâu có gì đáng kể. Nếu là một trùm tham nhũng như đã bị tố cáo thì cựu Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đâu lại có đời sống thanh bần đến như thế!

Riêng trong lãnh vực báo chí, cộng sản đã xâm nhập nhiều tờ báo để hoạt động. Nhiều ký giả, phóng viên, nhân viên tòa báo là cán bộ cộng sản nằm vùng hay tiếp tay cho cộng sản. Những trí thức thuộc thành phần thứ ba như Ngô Công Đức, Nguyễn Ngọc Lan, Lý Chánh Trung, Hồ Ngọc Nhuận, Lý Quí Chung cũng viết nhiều bài chống chính phủ trên những tờ báo đối lập.

Trong tình cảnh ấy, Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu bó buộc phải thi hành gắt gao Luật Báo Chí 007. Luật này tưởng như sẽ là biện pháp hữu hiệu ngăn chặn sự lũng đoạn của CS nằm vùng nhưng nó là con dao hai lưỡi khiến cho những người làm báo quốc gia chân chính cũng bị vạ lây bởi Sắc luật này quy định muốn ra nhật báo phải đóng ký quỹ 20 triệu đồng, báo định kỳ đóng 10 triệu. Số tiền quá lớn khiến nhiều báo không có tiền ký quỹ đành phải đóng cửa.

Cũng theo điều luật này, tờ báo nào bị tịch thu lần thứ hai do có bài vi phạm an ninh quốc gia và trật tự công cộng thì sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Đã có nhiều tờ báo bị đóng cửa, chủ báo bị phạt, bị tịch thu tiền ký quỹ, một số người còn bị tù.

Theo thống kê không chính thức, khi đó có khoảng 70% người làm báo bị thất nghiệp. Trước tình hình bi đát này, các nghiệp đoàn ký giả Sài Gòn đã tập hợp lại để tìm ra một biện pháp nhằm cứu nguy cho báo chí nói riêng và tự do ngôn luận nói chung vốn đã âm ỉ từ năm 1969 mà cụ thể là trường hợp của nhà văn Võ Phiến

Năm đó, nhà văn Võ Phiến đang làm Chánh sự vụ Sở Huấn Luyện thuộc Bộ Thông Tin đã ký tên trong một bản Kiến Nghị ngày 5-3-1969 cùng với 100 nhà văn, nhà thơ, nhà báo. yêu cầu chính phủ bãi bỏ chế độ kiểm duyệt đối với ngành xuất bản, căn cứ vào sự việc báo chí đã được bãi bỏ kiểm duyệt.

Bản kiến nghị đó như sau:

Kiến Nghị Về chế độ Kiểm Duyệt

“ Chúng tôi, 100 nhà văn (gồm các giới sáng tác, dịch thuật, biên khảo, phê bình…) ký tên dưới đây nhận xét rằng:

1/ Mặc dầu chưa đạt tới được một chế độ tự do báo chí và còn bị giới hạn rất nhiều bởi những hình thức khác, chế độ kiểm duyệt cũng đã được bãi bỏ đối với báo giới Việt Nam. Trong khi đó, đối với ngành xuất bản, nhà cầm quyền lại vẫn tiếp tục áp dụng một chính sách kiểm duyệt khe khắt đã có từ thời thực dân tới nay mà không có một sự cải tiến nào đáng kể, ngoài việc thay đổi tên gọi của cái cơ quan đảm nhiệm công việc ấy: từ Sở Kiểm Duyệt thành "Sở Phối hợp Nghệ thuật".

2/ Chế độ kiểm duyệt khe khắt nói trên đối với ngành xuất bản mâu thuẫn với chính Hiến pháp của chế độ, tuyệt đối phi lý so với những tiến bộ mà ngành báo chí đã đạt được và là nguyên nhân chính yếu giải thích tình trạng lụn bại của văn học nghệ thuật miền Nam, đặt giới cầm bút cũng như nhân dân vào vị trí thế thủ, e dè và nghi kỵ đối với chế độ, trong khi tình thế nước nhà hơn bao giờ hết đòi hỏi những thái độ khác hơn là những thái độ ấy.

3/ Kinh nghiệm của 80 năm kiểm duyệt sách báo trong thời Pháp thuộc, 10 năm trong thời Ngô Đình Diệm và gần đây nhất là kinh nghiệm của nhà nước cộng sản Tiệp Khắc, đã cho thấy rằng sự cấm đoán, bưng bít không bao giờ giải quyết được một vấn đề mà chỉ làm cho vấn đề ấy trầm trọng thêm tới một mức độ tai hại nhất: hơn thế, trong một chế độ không có tự do ngôn luận, trước con mắt nghi kỵ của nhân dân và của công luận thế giới, những điều nhà nước chính thức công bố, lúc đó, lại chỉ còn xuất hiện như những lời lẽ tuyên truyền, bịa đặt mà thôi. Trong hoàn cảnh ấy, chúng tôi cảm thấy có bổn phận nói lên đây niềm khát vọng, sự lo ngại và nỗi ám ảnh sâu xa của chúng tôi, đồng thời yêu cầu nhà cầm quyền cấp bách bãi bỏ chế độ kiểm duyệt đối với ngành xuất bản, tương tự như hành động mà nhà nước đã có thể làm đối với báo giới.

Saigon ngày 5 tháng 3 năm 1969.

Ký tên:

Thanh Lãng, Thích Đức Nhuận, Bàng Bá Lân, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Đức Quỳnh, Thiếu Sơn, Bình Nguyên Lộc, Chân Tín, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Văn Trung, Hà Huy Hà (Kiên Giang), Dương Vy Long, Tam Ích, Đinh Khắc Triệu, Lý Hoàng Phong, Lý Chánh Trung, Võ Phiến, Lê Ngộ Châu, Nguyễn Ngọc Lan, Dương Nghiễm Mậu, Sĩ Trung, Trọng Nguyên, Nguyễn Đình Đầu, Nguyễn Thạch Kiên, Trương Bá Cần, Trần Thị Tuệ Mai, Nguyễn Tử Quý, Miên Đức Thắng, Nguyễn Ngu Í, Minh Quân, Nguyễn Thành Vinh, Lý Đại Nguyên, Lê Xuyên, Nguyễn Đình Thiều, Duyên Anh, Thanh Thương Hoàng, Trùng Dương, Phạm Thiên Thư, Thụ Nhân, Chính Yên, Lữ Hồ, Cung Tiến, Cao Thế Dung, Nguyễn Thượng Bình, Nguyễn Tường Giang, Trần Kỳ, Huỳnh Phan Anh, Phạm Huy Tường, Nguyễn Đình Toàn, Thái Lãng, Võ Thắng Tiết (Từ Mẫn), Nguyễn Nghị, Phạm Cao Dương, Phan Lạc Giang Đông, Khải Triều, Trọng Tấu, Dương Hà, Nguyễn Đông Ngạc, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Kiều Tùng, Chu Vương Miện, Nguyễn Minh Hoàng, Nguyễn Nhật Duật, Trần Tuấn Nhậm, Vũ Lang (Nguyễn Khắc Ngữ), Tạ Quang Khôi, Uyên Thao, Đường Thiên Lý, Trần Dạ Từ, Hồng Dương, Diễm Châu, Du Tử Lê, Nguyễn Quốc Thái, Trình Phổ, Thanh Chiêu, Triều Linh, Nguyễn Đồng, Hoàng Ngọc Biên, Nhật Ngân, Hồ Nam, Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Đôn Phong, Tô Ngọc, Nguyễn Khoa Tần, Duy Lam, Thảo Trường, Trần Phương Như, Huỳnh Văn Hiếu, Đặng Phùng Quân, Nguyễn Thị Hoàng, Nguyễn Phúc Bửu Sum, Chu Việt, Nguyễn Tử Lộc, Đỗ Quý Toàn, Thế Phong, Sơn Nam, Hiếu Chân, Sa Giang (Trần Tuấn Kiệt), Thế Uyên, Thế Nguyên.

(theo Bách Khoa Thời Đại , Số 293,

ngày 15-3-1969)

Hậu quả là nhà văn Võ Phiến đã nhận được một tờ giấy nghiêm khắc khiển trách của Bộ Thông Tin, đồng thời ông lại nhận được sự vụ lệnh ký ngày 29-7 bàn giao lại chức vụ Chánh sự vụ sở Huấn luyện mà ông đã đảm trách từ nhiều năm nay, để về làm nhân viên của Nha Thông Tin, chiếu phiếu trình của Sở Phối hợp nghệ thuật, của ông Phụ tá đặc biệt và đề nghị của ông Đổng lý văn phòng Bộ Thông Tin. Hơn một tuần sau, một sự vụ lệnh ký ngày 6-8 lại đưa ông sang Nha Điện ảnh và hiện ông đã là nhân viên của Nha này

.

Vụ trừng phạt trên đây đã gây một xúc động sâu xa trong giới văn nghệ sĩ. Niềm xúc động ấy đã được phản ảnh trong những bài bình luận, thơ, tranh hài hước trên các báo Thời Thế, Tiền Tuyến, Chính Luận, Tiếng Vang, Kịch Ảnh, Hòa Bình v.v... Sau cùng, hơn 100 người làm văn học nghệ thuật đã lại công bố một kháng thư về vụ này coi như một hình thức đàn áp văn nghệ sĩ.

Kháng Thư đó như sau:

- Chúng tôi hơn 100 người làm văn học nghệ thuật tại miền Nam ký tên dưới đây, cực lực lên án, và tố cáo trước dư luận trong và ngoài nước hành động đàn áp giới văn nghệ sĩ miền Nam xuyên qua thái độ của Bộ Thông Tin và Chiêu Hồi đối với nhà văn Võ Phiến.

Chúng tôi yêu cầu nhà cầm quyền:

1/ Chấm dứt ngay mọi hành động trả thù, khủng bố đối với 100 nhà văn đã ký tên trong bản kiến nghị ngày 5-3-69 đòi bãi bỏ chế độ kiểm duyệt đối với ngành xuất bản.

2/ Tức khắc bãi bỏ chế độ kiểm duyệt bất hợp hiến hiện nay. .

Làm tại Saigon ngày 5-8-1969

Ký tên:

Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Hiến Lê, Lý Chánh Trung, Doãn Quốc Sỹ, Sơn Nam, Chân Trí, Nguyễn Đức Quỳnh, Phạm Duy, Trần Thị Tuệ Mai, Nguyễn Ngọc Lan, Minh Quân, Diễm Châu, Thanh Tâm Tuyền, Thế Uyên, Nguyễn Văn Trung, Lê Xuyên, Cao Thế Dung, Bùi Chánh Thời, Đinh Khắc Tiêu, Trịnh Cung, Trần Dạ Từ, Nhã Ca, Lan Sơn Đài, Đặng Thần Miễn, Trọng Tấu, Mai Thảo, Thái Lãng, Hoàng Thắng, Nguyễn Nghị, Thiếu Sơn, Nguyên Khai, Trần Thế Lý, Từ Công Phụng, Khải Triều, Nguyễn Quốc Thái, Mai Chửng, Nguyễn Xuân Hoàng, Trương Đình, Vĩnh Lân, Nguyễn Hữu Nhật, Viên Linh, Hoàng Ngọc Biên, Nguyễn Thu Hồng, Nguyễn Văn Phán, Nguyễn Thạch Kiên, Kiêm Thêm, My Sơn, Tần Hoài Dạ Vũ, Trình Phổ, Tạ Quang Trung, Yên My, Nguyễn Đồng, Nguyễn Thị Hợp, Duyên Anh, Dương Nghiễm Mậu, Châu Anh, Bùi Kim Đĩnh, Nguiễn Ngu Í, Nguyễn Đình Toàn, Hoàng Ngọc Tuấn, Lê Ngộ Châu, Vương Đức Lệ, Nguyễn Đôn Phong, Phạm Cao Dương, Đào Trường Phúc, Lê Hoài Quỳnh, Du Tử Lê, Trần Lê Nguyễn, Nguyễn Thiệp, Hà Quốc Bảo, Hồng Dương, Lê Phương Chi, Vũ Bảo, Thái Anh Duy, Nghiêu Đề, Thiện Cẩm, Ngô Văn Ân, Phượng Vũ, Lý Đại Nguyên, Trần Quân, Huỳnh Phan Anh, Nguyễn Từ Lộc, Thụ Nhân, Nguyễn Hải Chí, Nguyễn Trọng Văn, Chu Vương Miện, Trần Tuấn Nhậm, Vị Ý, Tôn Thất Lập, Huy Tường, Trần Đỗ Dũng, Vương Tân, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Quốc Trụ, Thanh Thương Hoàng, Ngọc Dũng, Thanh Chiêu, Tú Kếu, Trùng Dương, Hoài Khanh, Tam Ích, Thanh Nam, Túy Hồng, Thái Văn Hoàn, Thế Nguyên, Đinh Cường, Vũ Hoàng Chương, Bàng Bá lân, Thích Đức Nhuận, Nguyễn Đông Ngạc.

Trong dịp này, Trung Tâm Văn Bút cũng đưa ra một Kháng nghị như sau:

“Trung Tâm Văn Bút Việt Nam cực lực phản đối Bộ Thông Tin về những biện pháp đã áp dụng với nhà văn Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn), Hội viên Trung Tâm Văn Bút Việt Nam thuộc Hội Văn Bút Quốc tế, vì đã ký tên vào bản kiến nghị của 100 nhà văn yêu cầu bãi bỏ kiểm duyệt sách.

Nhân dịp này, Trung Tâm Văn Bút Việt Nam khẩn thiết yêu cầu Bộ Thông Tin cũng như tất cả các cơ quan công quyền khác tự hậu không dùng những biện pháp Hành chính để đe dọa sự tự do tư tưởng và sáng tạo của những người cầm bút.

Saigon, ngày 6 tháng 8 năm 1969

Trung Tâm Văn Bút Việt Nam

Bộ Thông Tin cũng đã trả lời về vụ này qua bản Thông Báo như sau:

“Ông Đoàn Thế Nhơn, nguyên Chánh sự vụ Sở Huấn Luyện, Bộ Thông Tin, đã vi phạm kỷ luật của một công chức vì đã công khai chống đối việc thực thi chánh sách Thông Tin của chánh phủ trong phạm vi kiểm soát, ấn loát phẩm để ngăn ngừa sự xâm nhập và phá hoại của Cộng Sản, qua ngưỡng cửa của văn học nghệ thuật.

Do đó Bộ Thông Tin thấy không thể tiếp tục giao phó trách nhiệm chỉ huy huấn luyện các cán bộ cho ông Nhơn nữa, nên đã thuyên chuyển ông đến một cơ quan thích hợp hơn với khả năng văn nghệ của ông.

Đây là một biện pháp thuần túy hành chánh liên hệ đến việc xử dụng nhân sự để thực thi chánh sách quốc gia mà Bộ cần phải áp dụng đối với tất cả công chức, cán bộ các cấp, nhất là cấp chỉ huy.

Bộ Thông Tin xác nhận không bao giờ có ý định hành động trả thù khủng bố đối với các nhà văn như kháng thư đã ám chỉ Bộ.

(theo Thu Thủy, báo Bách Khoa- mục Thời sự Văn nghệ)

***

Trở lại vụ Luật Báo Chí 007 vốn đã gây điêu đứng cho hầu hết các Nhật báo, Tuần báo, Bán Nguyệt San và Nguyệt san (không thuộc ngành Giáo Dục hay Tôn Giáo) để đến nỗi nhiều tờ bị đóng cửa, nhiều tờ bị truy tố ra tòa, bầu không khí chống đối, đàn áp chống đối hầu như xẩy ra thường xuyên hằng ngày.

Riêng LM Thanh Lãng, nhân danh Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút đã đề nghị gặp ông Tổng Ủy Dân Vận Hoàng Đức Nhã để trình bầy hoàn cảnh bi đát của báo chí và thảo luận nhằm tìm biện pháp thích ứng. Điều này chứng tỏ Trung Tâm Văn Bút không chống chính quyền và có thiện chí hợp tác. Nhưng tiếc thay ông Hoàng Đức Nhã đã không đáp ứng sự hợp tác này. Để có thêm chi tiết về việc này, xin trích đoạn bình luận dưới đây của tác giả Nguyễn Văn đăng trong tạp chí Nhà Văn, số Xuân Ất Mão - Tháng 2-1975:

- Chủ tịch Trung Tâm Văn Bút xin yết kiến ông cựu Tổng Trưởng Nhã, dường như ông này “bận việc” không tiếp. (Khi viết bài này thì ông Nhã đã rời chức vụ nên tác giả mới ghi là Cựu Tổng Trưởng. Vụ xin tiếp kiến xẩy ra khi ông Nhã còn tại chức Tổng Ủy DânVận). Sự kiện của chủ tịch Trung Tâm Văn Bút không được Tổng trưởng Dân Vận, tức là Thông tin, tiếp kiến cũng nặng như Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn xin tiếp kiến Tổng trưởng Giáo Dục mà không được, hay như ông Trần Quốc Bửu không được ông Tổng trưởng Lao Động cho yết kiến. Những việc động trời như thế không thể xẩy ra trong ngành Giáo Dục hay Lao Động, đã xẩy ra trong ngành văn chương báo chí.

(Nguyễn Văn - Một Năm Văn Học Nghệ Thuật - Tạp chí Nhà Văn Tháng 2-1975, trang 122- Tài liệu của Nguyễn Tà Cúc ).

Cũng trong bài báo kể trên, tác giả Nguyễn Văn nhận định tiếp:

“Trung Tâm này (tứcVăn Bút), trong những lần lên tiếng dòng dã tám tháng đầu từ tháng 11-1973 đến tháng 8 -1974, không hề là sự đòi hỏi sự xóa bỏ luật 007 và sự bỏ hẳn kiểm duyệt ấn loát phẩm. Trung Tâm Văn Bút chỉ yêu cầu “kiểm duyệt đứng đắn”, cho nhà văn được biện hộ tác phẩm của mình khi bị cắt xén, giấy phép kiểm duyệt xin cho sáu tháng hiệu lực thay vì ba tháng vì in không kịp. Đó là những đòi hỏi có tính cách “cải lương”, “xét lại”, gọi là xây dựng và thân hữu”. (trang 123).

Lại nữa, trong Tập san Văn Bút Số Xuân Nhâm Tý, ra tháng I, 1972 trong bải “Nhà nước và Nhà văn hoá”, LM. Thanh Lãng đã nêu nhận xét:

- Tôi nghĩ hiện tình văn hóa tù túng như vậy không phải chủ trương của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, nhất là càng không phải của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, người đă từng sinh hoạt văn hóa. Vậy hôm nay chúng tôi xin đặt thẳng vấn đề với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và Phó Tổng Thống Trần Văn Hương với ước mong hai vị nhân dịp xuân Nhâm Tý sắp tới, hãy tìm một lối thoát cho sinh hoạt văn học nghệ thuật khỏi cảnh tù túng, ngột ngạt hiện nay để chuyển sang giai đoạn đấu tranh văn hóa, đấu tranh chính trị mà hai vị đã từng nhắc nhở tới...”

“Đấu tranh văn hóa, đấu tranh chính trị” tất nhiên là đấu tranh với CS chứ còn đối tượng nào khác vào đây. Như thế thì làm sao lại kết án LM. Thanh Lãng là thiên Cộng?

Thiện chí xây dựng của LM. Thanh Lãng đã quá rõ ràng. Nhưng cung cách ứng xử của chính quyền đối với văn nghệ sĩ hầu như không thay đổi.

Tháng 6-1973, Phủ Tổng Ủy Dân Vận ra điều luật hạn chế kỳ hạn xuất bản của những tập san núp dưới danh nghĩa Giai Phẩm và đánh Thuế Trị Giá Gia Tăng (TVA = Taxe à la Valeur Ajoutée) lên giấy in sách báo.

Điều này lại gây khốn đốn thêm cho sinh hoạt xuất bản các sách, báo nên ngày 21-11-1973 một Đại hội các nhà văn, nhà báo, nhà xuất bản đã được tổ chức.

Tôi (Nhật Tiến) đã đại diện cho Văn Bút trình bầy những khó khăn của giới viết sách và xuất bản sách cùng là cuộc khủng hoảng trầm trọng của sinh hoạt văn học nghệ thuật.

Ngày 9-12-1973, Văn Bút công bố lời kêu cứu gửi Văn Bút Quốc Tế và các cơ quan văn hóa về chính sách văn hóa của chính quyền hiện tại.

Ngày 26-8-1973 Văn Bút gửi thư cho Hội nghị Lưỡng niên Thi Ca Quốc Tế lần thứ 11 báo động về sự bóp nghẹt báo chí và chế độ kiểm duyệt độc đoán đã cản trở sinh hoạt văn hóa làm cho một số đông đảo văn nghệ sĩ đã phải giải nghệ.

Trước những phản ứng của làng Văn, làng Báo, Ông Tổng trưởng Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi đã gửi thư cho Văn Bút để minh định đường lối kiểm duyệt của Bộ với 6 tiêu chuẩn như sau:

- Tuyệt đối không được làm lợi cho Cộng Sản, xuyên tạc hay chống đối chủ trương đường lối quốc gia.

- Không được xúc phạm tôn giáo, chia rẽ dân tộc.

- Không xâm phạm thuần phong mỹ tục (dâm ô, vô luân, thiếu đạo đức, hủ bại, trụy lạc).

- Không mạ lỵ, phỉ báng, làm giảm uy tín cấp lãnh đạo quốc gia, không xâm phạm đời tư cá nhân.

- Nội dung thiếu xây dựng, làm phương hại trật tự xã hội.

- Không có nội dung mê tín, dị đoan, cờ bạc, đàng điếm, ma túy...

Lá thư còn vạch rõ: phạm vào những tiêu chuẩn trên đã có 516 tác phẩm bị cấm hoặc hoãn xét, trong đó có 42 tác phẩm đề cao C.S hoặc cố ý xuyên tạc đường lối của chính phủ, 89 tác phẩm vì lý do thiếu xây dựng, 17 tác phẩm vì lý do ma quái, 6 tác phẩm vì lý do thuần phong mỹ tục, 2 tác phẩm vì lý do tôn giáo.

Phản ứng về lá thư này của Ban Thường Vụ Văn Bút khi đó là rất phẫn nộ. Bởi Ông Tổng trưởng Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi đã không nhìn vào nguyện vọng của những người cầm bút chân chính.

Bởi vì họ không làm lợi cho Cộng Sản, xuyên tạc hay chống đối chủ trương đường lối quốc gia. Họ không xâm phạm tôn giáo, chia rẽ dân tộc. Họ không dâm ô, vô luân, thiếu đạo đức, hủ bại, trụy lạc hay mạ lỵ, phỉ báng cùng xâm phạm đời tư cá nhân.

Họ chỉ đòi xét lại sắc luật 007 năm 1972 đã bóp nghẹt báo chí vốn đã gây khốn đốn cho sinh hoạt xuất bản các sách, báo và yêu cầu cho nhà văn được biện hộ tác phẩm của mình khi bị cắt xén.

Trước phản ứng của giới cầm bút, ngày 7-9-1974, ông Tổng Ủy Dân Vận đã nhận lời tiếp một phái đoàn Văn Bút gồm có: LM Thanh Lãng (Chủ tịch), Nhà văn Nhật Tiến (Phó Chủ tịch), Nhà văn Phạm Việt Tuyền (Tổng Thư ký), Nhà văn Tam Lang Vũ Đình Chí (Cố vấn). Kết quả cuộc gặp gỡ, Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi đã phổ biến một văn thư mang số 2400 có nội dung như sau:

Sau một tiếng rưỡi đồng hồ trao đổi quan điểm với phái đoàn Trung Tâm Văn Bút, Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi xác nhận: trong tinh thần hợp tác và thân hữu, chúng tôi sẵn sàng cúu xét tất cả các thỉnh nguyện của anh chị em văn nghệ sĩ. Cuộc cứu xét sẽ được thực hiện trên căn bản thân hữu và cởi mở.

Ngoài ra, Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi sẽ đặc biệt nghiên cứu tất cả các vấn đề trọng đại nêu ra trong buổi tiếp xúc ngày hôm nay.

Để cụ thể hóa tinh thần hợp tác thân hữu nêu trên, kể từ ngày 9-9-1974 Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi sẽ cứu xét lại các tác phẩm chưa được phép xuất bản khi có lời yêu cầu”.

Trong khi ấy, sau cuộc tiếp xúc kể trên Trung Tâm Văn Bút cũng ra một bản Tuyên Bố có nội dung như sau:

Tuyên Bố của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam

sau cuộc tiếp xúc với Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi ngày 7-9-1974

1) Chiếu Hiến Chương Văn Bút Quốc Tế tôn trọng các tác phẩm văn nghệ như tài sản chung của nhân loại trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong thời chiến không để cho những phong trào Quốc gia hay Chính trị xâm phạm tới.

2) Chiếu Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa bảo đảm các quyền tự do tư tưởng, ngôn luận, báo chí và xuất bản.

3) Chiếu tinh thần cởi mở và thân hữu trong cuộc hội kiến giữa Văn Bút và Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi ngày 7-9-1974 cũng như văn thư số 2400 cùng ngày của Bộ Dân Vận và Chiêu Hồi gửi Trung Tâm Văn Bút Việt Nam.

Toàn thể văn nghệ sĩ hiện diện trong cuộc Hội thảo tại Trung Tâm Văn Bút Việt Nam ngày 11-9-1974, đồng thanh quyết nghị:

Thứ nhất : Yêu cầu chính phủ đưa ra một chính sách văn hóa tôn trọng các quyền tự do tư tưởng, sáng tạo, ngôn luận, báo chí và xuất bản.

Thứ hai : Yêu cầu hủy bỏ Sắc luật 007 và Đạo luật 19/69 về Báo chí và thay thế bằng một Đạo luật tôn trọng các quyền tự do nói trên.

Thứ ba : Yêu cầu bộ Dân Vận Chiêu Hồi cụ thể hóa tinh thần hợp tác thân hữu nêu trong văn thư số 2400 ngày 7-9-74 bằng việc giải quyết một số trường hợp thiết thực như kể sau đây :

1) Duyệt xét lại những tác phẩm đã bị kiểm duyệt hay bị cấm xuất bản.

2) Để các Giai phẩm được tự do xuất bản.

3) Bảo đảm an ninh và quyền tự do hành nghề cho các ký giả.

4) Trả tự do cho các nhà văn, nhà báo đang bị cầm tù vì lý do cầm bút.

5) Rút lại lệnh thuyên chuyển đối với nhà văn Thế Nguyên, Phó Tổng thư ký của Hội Văn Bút được coi như một hình thức trả thù của chính quyền đối với cuộc tranh đấu của Văn Bút hiện nay.

6) Chấm dứt các thủ đoạn gài bẫy, đe dọa đối với báo chí như trường hợp báo Sóng Thần ra ngày 11-9-1974.

Sài Gòn ngày 11 tháng 9 năm 1974.

***

Về việc “gài bẫy, đe dọa đối với nhật báo Sóng Thần” thì theo nhà văn Uyên Thao, Chủ bút cũng là sáng lập viên của báo Sóng Thần, đã xẩy ra như sau:

“… sáng Thứ Hai 9-9-1974, tin điện từ Huế cho biết chiều Chủ Nhật 8-9 tại cố đô, Phong Trào Nhân Dân Chống Tham Nhũng của linh mục Trần Hữu Thanh vừa nhập cuộc. Bản Cáo Trạng số 1 với 6 điểm tố cáo đích danh Tổng Thống Thiệu tham nhũng được phân phát cho các báo chiều 9-9 tức 24 giờ sau khi đọc công khai trước các đám đông tại Huế.

Sáng sớm Thứ Ba 10-9, Bộ Dân Vận Chiêu Hồi (DVCH) buộc các báo không được phổ biến cáo trạng trên.

Tòa soạn nhật báo Sóng Thần quyết định thực thi quyền hành nghề của báo chí đã từ chối yêu sách của bộ DVCH, quyết định cho đăng tải tóm lược phần nội dung chính yếu của 6 điểm cáo trạng số 1.

14 giờ 30 chiều Thứ Ba 10-9, bộ DVCH nhắc lại đòi hỏi buộc nhà báo phải đục bỏ bản tin trên. Đáp lại, tòa soạn Sóng Thần trả lời dứt khoát “không thể làm báo theo lệnh Nhà Nước”.

15 giờ, cảnh sát bao vây nhà in Sóng Thần, truyền đạt lệnh “nếu không đục bỏ bản tin, sẽ tịch thu báo”.

Chiều 10-9 cũng là thời điểm dự kiến diễn ra cuộc gặp gỡ giữa phái đoàn Chủ Báo và Tổng Trưởng DVCH. Trước áp lực trên, đại diện Sóng Thần trong phái đoàn Chủ Báo tuyên bố “không tới bộ DVCH, nếu Sóng Thần bị tịch thu”. Phái đoàn Chủ Báo lên tiếng tán thành tuyên bố trên.

16 giờ 30, vấn đề được giải quyết: Bộ DVCH cam kết không tịch thu Sóng Thần và phái đoàn Chủ Báo đồng ý tới gặp Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã.

Nhưng ngay sau đó, sự việc đã xảy ra ngược lại khiến Sóng Thần lại phải kêu cứu với các hội đoàn báo chí vào chiều 11-9 và công bố trong một bài viết đăng trên số báo 973 ra chiều Thứ Năm 12-9:

“Lúc 16 giờ 10 phút ngày Thứ Ba 10-9, lực lượng cảnh sát bao vây nhà in Sóng Thần được lệnh rút lui sau 1 giờ chận bít các ngõ xuất nhập để ngăn cản việc phát hành số báo 970. Vị chỉ huy khi ra đi đã tươi cười nhắc: “Quí ông cứ đem báo đi bán”. Nửa giờ sau đó, tại văn phòng Tổng Trưởng DVCH, ông Hà Thế Ruyệt đại diện Sóng Thần hỏi thẳng Tổng Trưởng Hoàng Đức Nhã “liệu số báo Sóng Thần chiều nay có bị tịch thu dưới một hình thức nào khác không?” và được trả lời “chắc chắn là không”.

16 giờ chiều 11-9, tòa soạn nhận được từ nhiều sạp báo những biên bản tịch thu ST do một số nhân viên DVCH lập chiều ngày 10-9-74. Lý do tịch thu: Sóng Thần in 2 ấn bản.

Cảm tưởng đầu tiên của chúng tôi là một cảm tưởng chua chát vì đã quá hấp tấp tin tưởng ở thiện chí và sự ngay thẳng của người khác…Luật 007 cấm báo chí in 2 ấn bản, nhưng trên thực tế, chính sách báo chí của bộ DVCH đã tạo ra mỗi ngày hàng chục ấn bản cho một tờ báo. Với lề lối “yêu cầu tự ý đọc bỏ”, viên chức báo chí DVCH nội một buổi chiều có thể “yêu cầu” một tờ báo đục bỏ 5, 7 lần là ít.

Sự việc đó khiến không một tòa soạn nào có thể nắm vững nội dung tờ báo của mình, nhất là khi “yêu cầu tự ý đục bỏ”, viên chức DVCH lại điện thoại thẳng cho nhà in thay vì qua tòa soạn. Cả làng báo đã bị đẩy lọt vào cái bẫy lớn để khi cần thì người ta giở chiêu bài thi hành pháp luật – dù là thứ pháp luật đã được chính người thi hành nhận là cần sửa sai – ra để hạ báo chí.

Từ 26 thế kỷ trước đây, những người dựng nên chế độ dân chủ của đô thị Athènes đã biết nói rằng: “Trong một chế độ dân chủ, nhiều trường hợp vi luật phải được coi là cần thiết”. Đó là một nguyên tắc được đề ra để ngăn chặn khuynh hướng lạm dụng sự thi hành luật pháp do có ác ý phá bỏ dân chủ…

Chúng tôi minh định rằng sự sống hay chết của một tờ báo không có gì quan trọng. Nhưng, sự sống hay chết của quyền tự do ngôn luận thì gắn liền vào số phận của chế độ. Trong cảnh ngộ hiện nay, sự vắng mặt bất kỳ một tờ báo nào do các mưu toan ác ý trên đều đe dọa nghiêm trọng đến chính tính chất tự do dân chủ của chế độ tức trực tiếp đe dọa vận mạng của miền Nam trước hiểm họa Cộng Sản”.

(trích Giấy Bút Lầm Than Của Uyên Thao)

***

Ngày 12-9-74 một buổi hội thảo tại Hạ Viện đã qui tụ gần 200 người gồm các dân biểu, nghị sĩ, chủ nhiệm, chủ bút, tổng thư ký, ký giả, thượng tọa, linh mục và một số luật gia cùng đại diện các hội đoàn báo chí. Kết quả ngay giữa hội trường Hạ Viện, người tham dự đã nổi lửa hỏa thiêu sắc luật 007 như một hành động tượng trưng. Trong dịp này Nghị sĩ Vũ Văn Mẫu cho biết luật lệ kiểm duyệt được nhìn theo lăng kính lạ lùng tới nỗi bộ DVCH không cho phép in bản Hiệp Định Ba Lê và “một bài thơ của Đỗ Phủ trong tập thơ Đường do cụ Trần Trọng Kim dịch bị kiểm duyệt không cho ra chỉ vì có những câu mô tả cảnh khổ ải của chiến tranh từ 1000 năm trước ở bên Tàu”.

Trước đó mấy hôm, vào ngày 8 tháng 9 năm 1974, một cuộc họp diễn ra với ba đoàn thể ký giả tham dự gồm Nghiệp đoàn Ký giả Nam Việt, Hội Ái hữu Ký giả Việt Nam và Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam.

Cuộc họp đã bầu ra “Ủy ban đấu tranh đòi tự do báo chí” do ông Nguyễn Văn Binh, dân biểu đối lập, đại diện báo Đại Dân Tộc làm chủ tịch. Nhiệm vụ của Ủy ban là tập hợp, tranh thủ giới chủ báo và tất cả những người làm việc cho báo từ ký giả, nhà văn chuyên viết tiểu thuyết trên báo, họa sĩ, nhiếp ảnh viên, những người làm công tác trị sự, phát hành báo, thầy cò.... nhằm chống lại việc thi hành luật Báo chí 007.

Hình thức đấu tranh được đề ra là tổ chức một ngày "ký giả đi ăn mày" và chọn ngày 10 tháng 10 năm 1974 làm ngày xuống đường biểu tình. Những vật dụng của ăn mày như nón lá, bị, gậy được chuẩn bị sẵn. Ngoài ra còn có các phù hiệu đeo trên ngực, kẻ trên nón lá dòng chữ "10-10-1974, ngày ký giả đi ăn mày".

Các đại diện của ban tổ chức gồm có: Nguyễn Kiên Giang (chủ tịch Nghiệp đoàn Ký giả Việt Nam), Tô Văn, Phi Vân của đoàn ký giả Nam Việt; nhà báo Văn Mại (cựu tổng thư ký tòa soạn báo Buổi Sáng), Lý Bình Hiệp, Trần Kim Uẩn của Hội Ái hữu Ký giả Việt Nam; Thanh Thương Hoàng, Thái Dương, Tô Ngọc của Nghiệp đoàn Ký giả. Ngoài ra, thành phần đi dẫn đầu còn có nhà báo Nam Đình (chủ báo Thần Chung và sau là Đuốc Nhà Nam), Trần Tấn Quốc (chủ nhiệm tờ Tiếng Dội Miền Nam và là người khởi xướng giải thưởng cải lương Thanh Tâm), nhà báo Tô Nguyệt Đình tức Nguyễn Bảo Hóa, nhà thơ – nhà báo - soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà...

Cũng có một số đoàn thể tham gia như: Ủy ban Bảo vệ văn hóa dân tộc, Phong trào Bảo vệ nhân phẩm và quyền lợi phụ nữ, các đoàn thể trong công nhân, lao động, trong sinh viên, học sinh, chị em tiểu thương các chợ, đồng bào theo đạo Phật, đạo Thiên Chúa. Tất nhiên ngoài thành phần người Quốc Gia bất mãn vì sự khắt khe của Luật Báo Chí cũng phải kể tới những bàn tay cán bộ CS nằm vùng tham gia kích động khiến cho tình thế trở nên khẩn trương và nghiêm trọng hơn.

Trong ngày 10/10/1974, đoàn biểu tình đã rầm rộ đi qua nhiều phố lớn và hoàn tất lộ trình định sẵn, kết thúc thành công cuộc xuống đường. Sau khi giải tán, một số nhà báo và dân biểu lui về trụ sở của Nghiệp đoàn ký giả Nam Việt - đầu đường Lê Lợi, đối diện với trụ sở Hạ nghị viện để canh giữ quà biếu nhận trên đường từ quần chúng. Tại đây đã diễn ra một cuộc đàn áp của cảnh sát, nhiều người bị đánh đập bằng dùi cui. Người trực tiếp chỉ huy là Giám đốc cảnh sát Trang Sĩ Tấn. Tuy nhiên tuyệt đối không có một ai bị Công an, Cảnh sát bắt giữ cả!

Điều này khác hẳn với tình trạng biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam hiện nay, người biểu tình bị Công an chìm, nổi đánh đập có thương tích và bị hốt lên nhiều xe buýt hay xe bít bùng.

Ý kiến của tôi (Nhật Tiến):

Qua những xáo trộn trong thời gian kể trên, kẻ hưởng lợi nhiều nhất vẫn chính là Cộng Sản. Trong khi ngoài tiền tuyến, các chiến sĩ VNCH vẫn phải đương đầu với những trận chiến ác liệt thì ở Sài Gòn liên tục có những cuộc biểu tình chống đối. Tinh thần binh sĩ không thể không dao động. Nhưng sở dĩ rất đông người quốc gia chân chính, không chấp nhận CS mà vẫn lao vào những cuộc xuống đường, biểu tình ấy là vì ý thức chống Cộng của mọi người hồi ấy chưa sâu sắc và quyết liệt như bây giờ.

Ta cứ nhìn vào con số cả trăm ngàn sĩ quan quân lực VNCH sẵn sàng đi trình diện “học tập” hồi 1976 thì thấy rõ. Những vị ấy đi trình diện không phải vì công an C.S đến từng nhà dí súng bắt đi, nhưng chính là vì chưa mấy ai thấy được ý đồ thâm độc của C.S. Họ chỉ cho rằng thôi thì đất nước đã chấm dứt chiến tranh, đi qua loa một tháng rồi trở về chung tay cùng với người chiến thắng xây dựng lại quê hương đã điêu tàn và người dân ở cả hai phía cũng đã khốn khổ lắm rồi.

Tấm lòng của hầu hết người miền Nam là như thế. Họ giầu tình cảm, yêu nước, yêu hòa bình và lòng dạ không thâm độc. Tiếc thay nó hoàn toàn khác biệt với đường lối “triệt hạ cho bằng hết mầm mống phản cách mạng” của đám lãnh đạo CSVN vào thời điểm đó.

Cho nên một người Cộng sản chính gốc ở miền Bắc đã có lần nói với tôi : “Miền Nam các anh sở dĩ thua là vì các anh có quá nhiều tình cảm đấy thôi !” (vì thế nên mới coi nhẹ hiểm họa Cộng sản)

Tôi tin rằng nếu những con người miền Nam khi đó có được ý chí chống Cộng sâu sắc và quyết liệt như bây giờ thì đã chẳng có những cuộc xuống đường biểu tình, xin thả những người như Vũ Hạnh, và do đó cũng chẳng nên lấy cái kinh nghiệm bây giờ để phê phán những con người ở thời điểm trước.

Cũng như vậy, hẳn LM Thanh Lãng đã chẳng phát biểu với phóng viên tạp chí Nhà Văn trong cuộc phỏng vấn nhân dịp đầu năm Ất Mão 1975 như sau:

NHÀ VĂN: Tết năm nay Linh mục Chủ tịch và các văn hữu trong quý Trung Tâm ăn Tết như thế nào?

THANH LÃNG: Tết năm nay, đối với Trung Tâm Văn Bút Việt Nam là một cái Tết tha hương, vì cũng như nhân dân Miền Nam, nhà văn Việt Nam đang sống trong một nhà tù lớn, một chốn ly thân trong thân phận vong thân. .

(tạp chí Nhà Văn, số Xuân Ất Mão, trang 115-

Tài liệu của Nguyễn Tà Cúc)

“nhà văn Việt Nam đang sống trong một nhà tù lớn”, đây là một lời “thậm ngôn” được phát biểu trong một tâm trạng bực bội, bất mãn không phản ảnh đúng với thực tế VN trước 1975. Và tuy là một lời nói hồ đồ, đáng trách nhưng cũng chỉ vì ý thức về hiểm họa CS khi đó còn hời hợt chứ không ai trong các Hội viên Văn Bút vì thế mà quy tội cho LM.Thanh Lãng là Cộng Sản cả!

Là Chủ tịch Văn Bút, điều quan trọng là ông phải quan tâm đến quyền tự do của người cầm bút trong giới hạn tự chế như đã ghi trong Hiến Chương của Văn Bút Quốc Tế :

- Và vì sự tự do có bao hàm ý nghĩa hạn chế tự nguyện, nên các hội viên PEN tự cam kết chống lại các tệ nạn như: xuyên tạc ý nghĩa của tự do xuất bản báo chí, cố ý lừa dối, và bóp méo các sự kiện nhằm những mục đích chính trị và cá nhân...

LM. Thanh Lãng không làm chính trị, ông không tham gia bất cứ tổ chức chính trị nào. Ông cũng không hành động vì lý do cá nhân. Đời sống của ông thanh bạch trong cương vị của một nhà giáo, ông là Trưởng Ban Văn Chương Quốc Âm thuộc Đại học Văn Khoa Sài Gòn.

Sau 30-4-1975, ông đi làm tầu hủ ở ngã tư Bẩy Hiền rồi mới lại về Đại Học Văn Khoa.

Một con người như thế mà trên lãnh vực báo chí cứ hễ được nhắc đến là ông bị một số người cho là Thiên Cộng hay thậm chí là Việt Cộng.

Tôi cho đó là một sự bất công.

Tôi không bênh vực LM Thanh Lãng. Tôi chỉ muốn Ông được trả lại sự công bằng.

****

Trở lại tình trạng Kiểm duyệt sách - báo, tôi vẫn lấy làm tiếc rằng phải chi lúc đó chính quyền nghe lời LM Thanh Lãng để kịp thời đưa ra những biện pháp khả thi như mời một số đại diện văn giới và báo chí làm việc chung trong ngành kiểm duyệt để tránh những thứ kiểm duyệt thấp kém như đã có lần hạch sách tôi khi tôi đem kiểm duyệt cuốn Người Kéo Màn:

-Tại sao không để cho “thiếu phụ mặc áo vàng” mà lại để “mặc áo đỏ”?

Đây là thứ tâm lý “bảo vệ nồi cơm”, cứ gạch, xóa, đòi sửa phứa đi cho chắc ăn, rồi sống chết mặc bay, cấp trên không bao giờ biết đến.

Tất nhiên việc Kiểm duyệt ở Bộ Thông tin không phải ai cũng nhằm mắt nhắm mũi gạch xóa bất cận nhân tình. Người mà tôi nhớ đến nhất là Trung Úy Lê Sơn Cương vào năm 1973 được cử về làm Chánh Sự Vụ Sở Phối Hợp Nghệ Thuật (tức Sở Kiểm Duyệt sách báo, văn nghệ phẩm) thuộc Tổng Ủy Dân Vận.

Tôi gặp anh Lê Sơn Cương lần đầu tiên tại buổi Hội Thảo về Sách Báo do Ủy Hội Quốc Gia thuộc UNESCO (Cơ quan Văn Hóa Liên Hiệp Quốc) tổ chức.

Phải thành thật mà nói, trong cương vị của một người viết văn, tôi không ưa gì mấy ông trong Hội Đồng Kiểm Duyệt, hay nói cho đúng hơn, là không ưa chế độ kiểm duyệt.

Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, trong một quốc gia có cuộc chiến tranh lâu dài, việc bãi bỏ hoàn toàn chế độ kiểm duyệt, tuy có lợi ở phương diện này thì lại đồng thời có hại ở phương diện khác. Cho nên tôi cho là anh Lê Sơn Cương, trong cương vị của một nhân vật đại diện cho chính quyền, đã hữu lý khi anh phát biểu ý kiến này trong buổi hội thảo :

- "Dù ở bất cứ quốc gia tự do nào, thì quan niệm tự do không phải là mạnh ai muốn làm gì thì làm. Sự tự do phải được hiểu là có ý nghĩa tương quan tập thể, tôn trọng quyền lợi của tập thể. Bởi vậy giữa chính quyền và văn nghệ sĩ, ít nhất phải gặp nhau ở một vài điểm tương đồng. Tại điểm tương đồng ấy, hai bên thỏa thuận vạch một vòng phấn giới hạn. Việc kiểm duyệt chỉ là một biện pháp ngăn chặn những tác phẩm đi ra ngoài vạch phấn đã được sự thỏa thuận của hai bên."

Thú thật, khi nghe lời biện minh ấy, tuy nó hữu lý nhưng tôi không mấy tin tưởng.Tôi đã nói riêng với anh Lê Sơn Cương là trong hơn 10 năm sáng tác, tôi cũng đã nhiều lần khốn đốn về vấn đề kiểm duyệt, và nếu không nhờ cảm tình bạn bè của các anh em thì tác phẩm của tôi đã có nhiều cuốn phải liệng bỏ vì bị gạch xóa quá nhiều. Như cuốn Quê Nhà Yêu Dấu đáng lẽ bị gạch bỏ một phần tư trước khi in, cuốn Giấc Ngủ Chập Chờn bị gạch nát bằng bút đỏ và cuốn Giọt Lệ Đen bị bỏ đi mấy truyện.

Thi hành một chính sách mà chỉ dựa vào tình cảm cá nhân thì công việc sẽ trở nên rất phiêu lưu. Giả sử nếu tôi không có hân hạnh được quen biết ai trong Phòng Kiểm Duyệt, hay giả sử những người quen biết ấy của tôi rời nhiệm sở cũ, thì sự thể sẽ ra như thế nào?

Anh Lê Sơn Cương, khi đó mới về nhận chức đã nói với tôi:

- Từ nay anh đừng lo. Tất cả sách của các anh do đích thân tôi đọc. Muốn xóa của các anh, dù chỉ một dòng, một chữ, tôi cũng sẽ mời các anh lên thảo luận trực tiếp. Nếu lý tôi thua, tôi xin để nguyên, không gạch xóa.

Thừa dịp ấy, tôi nói ngay với anh:

- Chính sách kiểm duyệt của Bộ Thông Tin đã gây cho anh chị em văn nghệ sĩ nhiều ấn tượng không tốt đẹp. Nhiều người có sách viết xong không dám mang đi kiểm duyệt, sợ bị xóa bỏ, sẽ uổng công đánh máy.

Anh Lê Sơn Cương nói:

- Tôi cam đoan với anh hoàn cảnh ấy đã chấm dứt rồi. Ai có sách, anh cứ bảo mang lên trực tiếp với tôi.

Ít hôm sau, tôi thuật lại câu chuyện trên với nhà văn Bùi Kim Đĩnh và nói với anh cứ đem tác phẩm Đốt Xác lên kiểm duyệt. Kết quả, cuốn sách của anh Bùi Kim Đĩnh tưởng sẽ không ra được, cũng đã được giấy phép ấn hành. Cuốn này do nhà Huyền Trân xuất bản và đã được bầy bán ở các tiệm sách.

Tôi bắt đầu thấy mến anh Lê Sơn Cương từ sau vụ ấy. Anh là người đầu tiên xóa bỏ được cái hố ngăn cách giữa tôi với giới chức có thẩm quyền gạch xóa tác phẩm.

Tuy nhiên một con Én thì không thể nào làm nên được mùa Xuân.

Và vận Nước cũng đã đến thời mạt. Cho nên mới nẩy nòi ra những chuyện hỗn loạn ở địa phương trong khi các chiến sĩ vẫn đang tiếp tục hy sinh ở tiền tuyến. Điều này cũng góp một phần không nhỏ vào cuộc sụp đổ miền Nam !!!