Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2016

Chạm

Truyện

Hạnh Nguyên

Trong căn phòng của cô ấy, trên bệ cửa sổ luôn có một thứ gì đó đã héo khô. Vào độ giữa mùa hè, khi tôi tới phòng cô để uống trà, ở trên bệ ấy, ngoài ánh nắng bảng lảng chiếu xiên qua một lớp rèm dày, tôi nhìn thấy một bó mẫu đơn núi teo quắt lại, những cái lá khô rang và từng cụm từng cụm mẫu đơn lặng thinh vương vãi. Chúng vẫn còn đỏ lắm, cái sắc kì khôi ấy, cô ngắt ra và bỏ vào một cái lọ. Mẫu đơn vẫn cứ luôn đẹp như thế. Cũng có khi tôi bắt gặp một cái xác ve sầu, hay một con cào cào, một con chuồn chuồn kim bị vặt cánh, hay đôi khi, thảng hoặc, cô bỏ lên đó một sinh vật vẫn còn sống, một con sâu rau màu xanh núc ních, một con bướm bị thương, hay một cái móng chân mèo nhỏ. Lúc nào cũng có thứ gì đó trên bậu cửa sổ, chỗ ánh nắng chiếu vào. Tôi chẳng bao giờ hỏi cô về chúng, về từng thứ một, lai lịch của chúng hay nguồn gốc của chúng bởi cũng như tôi, cô có một sở thích nho nhỏ mà ngoài việc trưng nó ra, cô chẳng muốn một ai đụng vào.

Cô hay rủ tôi tới phòng cô uống trà vào buổi chiều và thường dặn tôi nhớ mua thêm một món gì ngọt ngọt. Cô là con gái và con gái chẳng bao giờ thích ăn những thứ như thế, những thứ ảnh hưởng tới trọng lượng một năm mới thay đổi một lần của họ, những món béo ngầy ngậy thơm phức lên và nóng hổi mới ra lò, thế mà tất nhiên, cô bé tí như một con sâu đo chẳng bao giờ chịu lớn.

Tôi thích nhất được ngồi phía sau lưng cô trên giảng đường, chúng tôi chẳng mấy khi trò chuyện khi ngồi đối diện với nhau, lúc nào cũng là cô cúi xuống để chép bài, hoặc để ăn trưa, ăn tối, cái gáy trắng nõn của cô dội vào mắt tôi như một cơn gió vi vu lướt dọc từ gót chân lên đỉnh đầu. Mái tóc dài đến bả vai, vừa dày lại vừa đen như có ai cắt một miếng trời trải lên tấm lưng cô, xòa xuống từng sợi một, như đêm đi ngang qua, trũng xuống, vương vấn lại. Khi tôi ngẩng đầu lên, tôi muốn bất cứ lúc nào cũng có thể thấy được cô ngay, gần ở đó, có chút gì lạ lẫm như tấm lưng khó gần của một người bạn mới quen mà chúng ta thường quá ngại để chạm vào, lại vừa có cảm giác rộn ràng của một kẻ thầm thương trộm nhớ, trông thấy được những phẩn nho nhỏ của họ và yêu thương chúng trong niềm vui đầy tội lỗi và bí mật của riêng mình.

Vào buổi chiều, khi chúng tôi không có giờ học nào và tiết trời dìu dịu, tôi hay mời cô đi xem phim, trên đường đi cô sẽ bảo tôi rẽ vào một quán cà phê nào đấy, gọi một món đồ uống mà theo cô có cái tên lạ lùng nhất, ví dụ như sương-biển hay nắng-thực-vật hay muối-ban-mai, uống một nửa rồi bỏ về. Trong rạp chiếu phim cô luôn có thói quen ngồi xếp bằng, mặc kệ người bên cạnh tỏ ý khó chịu và nhìn cô theo kiểu nào bỏ xuống đi cô đang làm phiền người khác đấy, cô chẳng mấy khi để ý tới họ, cũng có lúc họ làm theo cô, bỏ giày ra và kéo chân lên ghế, thường thì họ làm vậy đến tận lúc ra về. Họ không khó chịu nữa, và họ mỉm cười với cô trước khi bộ phim kết thúc và ánh sáng được bật lên, trả lại vẻ trần trụi và chẳng còn nên thơ cho căn phòng.

Tôi từng hỏi, cô có muốn ngủ với tôi không.

Đó là một buổi sáng mùa xuân, tôi đón cô trên sân ga, ngay khi chuyến tàu vừa thả cô xuống. Tôi thấy cô ngay. Cô bước xuống thềm ga, cái túi to màu đen quen thuộc của cô khoác trên vai phải, tay trái cô xách một cái túi đỏ to đùng, mái tóc của cô thổi bùng lên trong gió và, ngay lúc ấy, tôi thấy cần có cô không tả được. Đó là một nỗi đau không thể gọi thành lời, khi bạn thoáng thấy một phần vai hay một sợi tóc của người thương trên mép gối, bạn chực bật khóc, bạn thấy lồng ngực nhói chặt lại và bạn không tài nào thở nổi. Có một điều tệ hơn cả cái cảm giác ấy, đó là việc bạn thấy yêu nó, bạn muốn có nó, muốn lưu giữ nó trong tim mình, vào tất cả mọi thời khắc trong ngày, mọi tháng, mọi năm. Tôi đã thấy như vậy khi thấy bóng dáng cô, tôi tiến về phía cô và cô ấy nghe thấy được, tiếng bước chân và tiếng tim rộn rã, cô vén một lọn tóc xòa lên vành tai và tôi, tôi rơi xuống sân ga như một con cá trích non quăng mình lên mặt đất. Với tất cả sự mãnh liệt của một nỗi buồn, thê lương không có điểm kết thúc, tôi bước song song cạnh bên cô và, tôi hỏi, cậu có muốn thử ngủ với mình không, cậu có thể từ chối, tôi bối rối thêm ngay vào, nếu cậu không thích, mình có thể quên chuyện này đi và không bao giờ nhắc lại.

Trong taxi tôi có thể nghe thấy tiếng thở của cô, êm đềm như quàng lên cổ một chiếc khăn bằng lụa. Bầu trời trượt dài phía sau lưng. Tôi đã bỏ lại trên sân ga con người trước của tôi, con người trước của cô, màu đỏ đến nhức mắt của cái túi xách to tướng chứa cồm cộm đầy nhóc những quà. Tôi muốn bật cửa xe ra và nhảy thẳng xuống đường, úp mặt vào hai lòng bàn tay để khóc. Cô im lặng trên suốt chặng đường về. Trên xe, tài xế mở radio, trên radio, người ta đang hát một bản của Sinatra. Tôi và cô đều thích Sinatra, thích như thế hệ bố mẹ chúng tôi thích Elton John vậy. Ngoài ra cô cũng hay nghe Bob Marley và khi tắm, cô có thói quen huýt sáo bài Don’t worry, be happy. Đừng lo chi, cứ vui đi. Tôi không vui được.

Taxi đi mất một lúc rất lâu, có lẽ đã đi qua cả mùa xuân và ngoài kia hãy đang mới đầu hè. Tôi xách hành lý của cô vào trong nhà. Hai chúng tôi sống trong một khu tập thể gần trường, cô ở tầng ba còn tôi ở tầng bốn, hai căn phòng nằm cùng một hướng và từ cửa sổ chúng tôi đều có thể trông thấy vầng mặt trời đỏ ối rụng xuống các buổi chiều. Thường thì cô sẽ đến phòng tôi đúng lúc ti vi vừa bắt đầu chương trình bản tin tối, mang theo hai lon nước bí đao lạnh và một túi bánh, khi thì là bánh su kem, bánh bao hay một loại bánh quy nào đó, hai chúng tôi ngồi trên sàn nhà mát rượi, để gió thốc vào mồm, nghe thời sự, uống trà bí đao, nhai một cái gì đấy và chẳng nói gì cả, ngắm những cảnh vật dần dần bị nhuộm đỏ trong đôi mắt bất tận của chúng tôi. Cô không bao giờ nói với tôi vì sao cô lại làm thế, hay tất cả những việc cô đang làm. Tôi chỉ có thể gặp được cô ở trên trường, khi đi lên cầu thang, dưới sân khu tập thể, trong siêu thị vào buổi tối, một lúc tối mờ tối mịt nào đấy, và khi cô bảo tôi cô mới mua một món trà thơm lắm, tôi hãy mua cái gì đấy xứng với nó và cùng tới đây, ăn uống và ngắm nghía mọi thứ diễn ra qua ô cửa sổ này. Tôi không biết cô khi cô ở ngoài trường, ngoài khu tập thể, ngoài phạm vi tầm với của tôi. Cô luôn biến mất vào buổi sáng, nếu chúng tôi không có giờ học, hoặc buổi chiều, nếu tôi không hẹn cô trước hay vô tình bắt gặp cô trong thư viện. Nhưng cô ấy sẽ luôn trở về, ở trước cửa nhà tôi, khi bản tin lúc sáu giờ được phát, với một túi đầy các thứ đồ uống trong tay, và hoàng hôn, và sàn gạch loang đầy ánh sáng, lớp da của cô, lớp da của tôi, ngón tay cô, ngón tay tôi. Những vệt sơn đổ dài trên tường, trong phòng. Không có điểm chạm.

Ở trong căn phòng cách cái ổ của tôi một tầng sóng, cô ngồi trên giường, xếp bằng và lần lượt cởi bỏ từng thứ một. Ban đầu là cái áo sơ mi màu kem, cô cởi từng cúc áo, tỉ mẩn và chậm rãi, trong lúc ấy tôi đứng trân trân, hai cánh tay buông thõng bên mạn sườn. Cô ấy mặc áo lót màu gì nhỉ, tôi thầm nghĩ, rồi cái gì sẽ đến đây, tôi tự hỏi chính mình. Khi ấy những hàng cúc đã tuột ra rồi, cô bỏ nó sang một bên. Cô quay lưng lại, vẫn là tấm lưng tôi đã thấy trong những giấc mơ hoang đường nhất, mái tóc đen sậm được kéo xuống trước ngực, thả đu đưa trên bầu ngực tròn trĩnh của cô, cái gáy màu bạc, tỏa sáng lung linh trong đêm tối như một con đom đóm khổng lồ. Tôi tiến về phía trước, tôi nhả hơi thở của mình vào thinh không. Tôi không bao giờ quên được cái cảm giác như bị đánh vỡ tan ra thành từng mảnh của tôi khi những đầu ngón tay vươn ra lướt trên lưng cô ấy. Một thứ tình cảm vị kỷ và cuồng nộ gào thét trong tim tôi, lần móc khóa của chiếc áo ngực khóc lóc trên những lóng tay tôi. Tôi khóc òa.

Chúng tôi chưa bao giờ ngủ với nhau, kể cả lần ấy. Đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất cô để tôi chạm vào người hay chỉ đơn giản là thấy cô ở một khoảng cách gần gụi đến thế, không áo, không một thứ lá chắn gì, chỉ có da, có mùi con gái rất sạch và khiết, đẹp rực rỡ theo cái cách mạn dại nhất của một đóa hoa tí hon hé nụ ra vào một buổi sáng sớm sương mờ. Tôi run rẩy khi chạm vào cô theo cách ấy. Tôi sợ hãi chính mình và những thương tổn tôi có thể sẽ gây ra cho cô. Tôi nghĩ, nếu bây giờ tôi nằm xuống cạnh bên cô, luồn tay vào mái tóc của cô và hít hà cho đã những cơn mê đắm đáng nguyền rủa của mình, tôi sẽ không còn yêu cô nữa. Biết đâu tình cảm này sẽ tiêu biến đi, héo quắt lại?

Chúng tôi trở về trạng thái bình thường. Thi thoảng cô vẫn tới phòng tôi, nghe thời sự và quay về phòng mình lúc sập tối. Cô vẫn ăn đồ ngọt như một nữ hài đồng và cái gáy của cô trên giảng đường, ở bất kì đâu, trong nhà ăn, trên từng ngõ phố, vẫn mỏng manh và chập chờn như phải thế. Cũng có đôi lúc cô leo lên giường của tôi, và trong giấc ngủ tôi đồ rằng chẳng mảy may chiêm bao nào hết của cô, cô quay lưng về phía tôi, yên lặng. Và ở đó, đẹp như tiếng sói tru lên trong đêm tối, tôi vươn tay ra, hôn lên cô bằng những móng tay nhỏ tí xíu của mình.

3-7-2013

12:55 AM