Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 31 tháng 5, 2016

Người nghệ sĩ vô danh đã sinh ra cây Kơnia

Nguyên Ngọc

Người nghệ sĩ đã để lại cho đời mãi mãi một cây K'nia (Kơnia) tuyệt vời, là một nghệ sỹ vô danh.

Nghệ thuật lắm khi có những "chức năng" rất lạ. Ai đó đã nói: "Nhà văn nhặt từ đâu đó trong đám đông một con người vô danh và biến họ thành bất tử." Nhân loại được giàu thêm những con người bất tử nhờ nghệ thuật. Thêm một Kiều, một Tú Bà, một Sở Khanh, một Hamlet, một Don Kihote, một Julien, một Grandet, một Tom Sawyer v.v... Không chỉ những con người, còn có khi một xóm làng, một dòng sông, một ngọn núi..., đến cả một cái cây nữa.

Cây K'nia Tây Nguyên cũng như vậy. Anh đã đến Tây Nguyên và đã thấy cây K'nia chưa? Dẫu đã đến, rất có thể anh chẳng thèm chú ý. Một loại cây rất tầm thường. K'nia là một loại cây cô độc. Thường gặp nó đứng chơ vơ giữa một khoảng đồi cao trống trải, hoặc lẻ loi bên bìa rẫy. Và ở đầu làng, nơi dường như bao giờ cũng có một tảng đá lớn và chắc chắn quanh quất đâu đó không xa thế nào cũng tìm thấy một con suối nhỏ nước rỉ ra từ những tảng đá ngầm trong vắt.

K'nia là vậy, thật tầm thường. Hoa nhỏ li ti, chẳng hề có hương. Thân thẳng đuột, sù sì. Gỗ hạng xoàng. Không mạnh mẽ và dẻo dai uyển chuyển như cây tre để trở thành biểu tượng tâm hồn dân tộc. Không long lanh thanh bạch như cây bạch dương Nga.

Nhưng hóa ra thiên nhiên thông minh và chu đáo đã sắp đặt đâu vào đấy cả: người lữ hành vượt cao nguyên chang chang nắng lửa, tìm đâu ra một chỗ tạm dừng chân trước khi băng tiếp chặng đường dài tít tắp những đồi tranh Tây Nguyên trùng điệp? Để ý một chút mà xem, anh sẽ thấy, thật lạ, hình như cứ vừa đúng một quãng đường ngút hơi, lại gặp một cây K'nia, tán nó dày và xanh thẫm quanh năm tỏa bóng mát rất rộng, như một chiếc lọng xanh đứng giữa đất trời.

Bà con đi làm rẫy, thường là một gia đình đông đủ, có bà cụ lọm khọm, lưng gập gãy đôi, không còn ai đếm được tuổi, có ông cụ già nhất như cây lim trong rừng, râu xuống đến rốn, có mẹ địu con trên lưng, và tất nhiên có con trai, con gái hàng đàn, buổi trưa quây quần bên gốc K'nia, nướng một củ sắn, một tảng thịt rừng.

Và người đi đâu xa lâu ngày trở về, khi nhận ra tán lá tròn xanh của cây K'nia cao vút hẳn lên giữa đám cây hỗn tạp, chắc chắn thấy lòng dịu hẳn đi mà ngực lại rộn rã đập dồn: chỉ một chút nữa thôi anh sẽ được ngồi bên bếp lửa nhà sàn ấm cúng, sẽ được nghe thấy tiếng nói ríu ran của các cô gái, tiếng chày giã gạo thân thương, tất cả, tất cả những gì từng làm nên tuổi thơ, tình yêu của anh, cuộc đời anh...

clip_image002

                                        K'nia (Kơnia). Ảnh tư liệu

Cây K'nia là vậy. Nó nằm tận một góc nhỏ nào đó lẩn khuất, khiêm nhường âm thầm trong tâm hồn con người Tây Nguyên. Lẩn khuất và khiêm nhường đến nỗi, tôi từng sống ở Tây Nguyên hàng chục năm, lăn lộn qua hai cuộc chiến tranh, nghe hiểu cũng được dăm ba thứ tiếng dân tộc ở đây, vậy mà tôi chưa từng được biết có một bài hát dân gian Tây Nguyên nào, một pho tượng gỗ Tây Nguyên nổi tiếng nào có nhắc đến cây K'nia.

Nó nằm sâu, ngủ lịm ở đấy, chắc là đã đến hàng ngàn đời nay. Cho đến một ngày...

Cho đến một ngày có một người đến, và hình như trong một lúc, một giây phút xuất thần vậy, đánh thức nó dậy. Không phải chỉ cho chính người Tây Nguyên. Cho cả đất nước, cả dân tộc. Cả một thời mãi mãi không thể quên.

Trên đất nước ta bây giờ tìm đâu ra được một người không từng nghe nói đến cây K'nia, không biết cây K'nia, dẫu họ chưa từng tận mắt được nhìn thấy nó. Có lẽ nói thế này cũng không sai, không quá: mỗi người Việt Nam hôm nay đều có một cây K'nia "của mình". Rất chung của đất nước, và rất riêng của từng tâm tư. Cây K'nia đã được đánh thức dậy từ trăm nghìn cây cỏ vô danh để trở thành bất tử. Để trở thành biểu tượng của một thời chia cắt và thương nhớ Bắc -Nam, của lòng thủy chung đất nước và con người những năm gian khó và đau đớn nhất, của tình yêu và lòng sắt son.

Chỉ có nghệ thuật và người nghệ sĩ mới làm nổi công việc đánh thức kỳ diệu ấy. Hóa ra nghệ thuật và người nghệ sĩ là vậy, công việc trên đời này của họ là thế: họ đánh thức cho ta những gì quý báu nhất, tốt đẹp nhất thường lẩn khuất vô danh trong chính ta mà sống cả đời ta thờ ơ, ta vô tâm quá, ta chẳng hề hay.

Người nghệ sĩ đã đánh thức dậy, đã "sinh ra" cho mỗi chúng ta cây K'nia là một người bạn của tôi: anh Ngọc Anh.

Thôi, tôi chẳng nói gì về cuộc lăn lộn lâu dài của Ngọc Anh ở Tây Nguyên nữa, chẳng có gì đặc biệt để nói nhiều. Hai chúng tôi đều là học sinh cùng nhập ngũ một ngày, cùng làm lính, rồi cùng làm "phóng viên mặt trận" một tờ báo quân đội, cùng rủ nhau lên Tây Nguyên, vì hăng hái, vì lãng mạn, vì thích phiêu lưu mạo hiểm... Ngày ấy còn có Nhật Lai nữa. Chúng tôi lang thang khắp Tây Nguyên suốt một thời kỳ đánh Pháp, Nam Tây Nguyên, Trung Tây Nguyên, rồi Bắc Tây Nguyên. Làm đủ thứ việc, có tên và không tên: đánh giặc, làm rẫy, đi vận động quần chúng, tổ chức du kích, vũ trang tuyên truyền... Cả rong chơi la cà trong các buôn làng Êđê, Giarai, M'nông, Sêđăng, Triêng Dẻ, Cor...

Nhật Lai "xuất hiện" trước. Lúc hai chúng tôi còn lơ mơ chơi bời, anh đã có mấy bài hát nổi tiếng. Tôi, sau Nhật Lai mấy năm, tập tò viết sách. Còn Ngọc Anh thì vẫn im lặng.

Cho đến hết kháng chiến. Ngọc Anh vẫn im lặng. Tính anh thế.

Ngọc Anh đẹp trai nhất trong ba chúng tôi. Đẹp đến nỗi có lần đóng kịch hóa trang giả làm con gái, tôi đứng cạnh anh bỗng lúng túng ngượng ngùng đến đỏ mặt, như đứng cạnh một giai nhân. Tôi biết hồi chúng tôi đóng quân ở Phú Yên, có hai cô học sinh kháng chiến trường trung học Lương Văn Chánh cùng yêu anh một lúc. Và hình như anh cũng yêu lại cả hai. Anh trắng trẻo, ỏn ẻn như con gái, không có chút dáng dấp phong trần của lính Tây Nguyên.

Vậy mà trong cả ba chúng tôi, kể cả Nhật Lai nữa, không có ai "Tây Nguyên" bằng anh. Chúng tôi hình như ít nhiều có "làm ra vẻ" Tây Nguyên.Ngọc Anh thì Tây Nguyên từ trong máu.

Tập kết ra Bắc, Nhật Lai đã thành nhạc sĩ đàng hoàng. Tôi cũng đã được gọi là nhà văn, còn Ngọc Anh vẫn âm thầm về Ban Dân Tộc Trung ương, làm một cán bộ nghiên cứu gì đó.

- Viết cái gì đi chứ - Có lần tôi giục anh.

Anh chỉ cười...

Rồi ít lâu sau, đâu khoảng 1956 - 1957, trên các báo rải rác thấy đăng một số bài thơ Tây Nguyên, thơ dân gian, khuyết danh, bên dưới chỉ ghi "Dân tộc Bana", "Dân tộc Êđê" và bằng chữ nhỏ hơn trong vòng đơn "Ngọc Anh dịch".

Chính tôi, mãi về sau tôi mới biết, chẳng phải "dịch" gì cả. Đó là thơ sáng tác của Ngọc Anh. Hàng chục, hàng trăm bài. "Bóng cây K'nia" là bài hay nhất.

Lạ lùng thay, tôi, tôi phải viết hàng mấy trăm trang hì hục để có một chút gì đó Tây Nguyên, một chút gì đó miền Nam.

Ngọc Anh thì chỉ viết:

"Bóng tròn che lưng mẹ

Về nhớ anh mẹ khóc

...

Bóng ngả che ngực em

Về nhớ anh không ngủ

...

Rễ mày uống nước đâu?

Uống nước nguồn miền Bắc"                 

Chẳng cần thêm một chữ nào nữa. Vang động tận đáy lòng ta. Vang động cả tâm hồn dân tộc.

"Bóng cây K'nia" đã trở thành dân ca chính cống. Ngọc Anh dịch hay sáng tác, chẳng có gì quan trọng. Cả nước chấp nhận nó. Người Tây Nguyên chấp nhận nó. Riêng tôi, tôi biết rõ: chính là Ngọc Anh sáng tác hoàn toàn đấy, vậy mà nhiều lần tôi đến các buôn làng Tây Nguyên sau này, tôi nghe người Cor thì nhận là "dân ca" của chính dân tộc họ, người Bana, người Êđê, người M'nông, người Giarai... cũng vậy, ai cũng nhận, cũng dành về phần mình, của mình.

Bài thơ đã được phổ nhạc, như ai cũng biết. Nhưng tôi xin lỗi trước tác giả, tôi rất dốt nhạc - tự bài thơ ấy đã hát lên rồi. Chỉ có điều hình như cho đến bây giờ tác giả nhạc thì được ghi tên và giới thiệu rất rõ ràng, trân trọng, còn người viết lên bài thơ, đã đánh thức dậy cây K'nia cho nó mãi mãi trở thành bất tử trong mỗi chúng ta, thì vẫn vô danh.

Năm 1962, tôi trở lại chiến trường miền Nam, hoạt động vùng Tây Quảng Nam, Quảng Ngãi. Đến năm 1964 nghe tin Ngọc Anh từ Hà Nội cũng đã trở về hoạt động vùng Bắc Kon Tum. Chúng tôi điện xin Tỉnh ủy Kon Tum cho Ngọc Anh xuống chỗ chúng tôi. Chả là lúc ấy chúng tôi đang chuẩn bị làm tờ báo Văn nghệ giải phóng Quân khu, rất cần thêm người.

Điện đi, mãi không thấy trả lời. Đến nửa năm sau mới được tin: Ngọc Anh hy sinh, bên kia chân núi Ngọc Linh, huyện Đak Glei. Chiến tranh, điện của chúng tôi đến chậm đâu mất gần một tháng. Ấy là đầu năm 1965...

...23 năm sau, ở Hà Nội, một hôm có một phụ nữ tìm đến nhà tôi, tự giới thiệu tên là Xoa. Tôi nhận ra ngay, tuy mới gặp chị lần đầu: chị Xoa, vợ Ngọc Anh.

Ngày Ngọc Anh cưới vợ, tôi đang loay hoay chuẩn bị vào Nam, không dự được lễ cưới của bạn. Ngày ấy chị Xoa công tác ở Hải Phòng. Ngọc Anh làm việc ở Ban Dân tộc ở Hà Nội, lâu lâu mới về Hải Phòng thăm một hai ngày. Chị Xoa kể rằng hai anh chị được sống với nhau tổng cộng trước sau vẻn vẹn có đúng 40 ngày. Ngọc Anh ra đi, để lại cho hai đứa con trai, cháu Bắc và cháu Hải. Chị sống vậy nuôi con, suốt hơn hai mươi năm nay. Hai cháu nay đều đã trưởng thành, Bắc làm việc ở Bưu điện Trung ương cùng với mẹ, Hải làm ngành đường sắt.

Tôi kể cho chị nghe trường hợp hy sinh của Ngọc Anh bên chân núi Ngọc Linh. Ra lâu nay chị chưa hề biết anh đã hy sinh như thế nào...

Ít lâu sau chị Xoa trở lại chỗ tôi, bày tỏ ý định lên Tây Nguyên tìm mộ chồng, đưa anh về quê hương Quảng Nam. Chị bảo chưa đưa anh về quê, chị không thể sống yên.     

Bạn có để ý điều này không: những cặp vợ chồng gắn bó sắt son thường có những nét gì đó rất gần, rất giống nhau. Trong chị Xoa có một nét gì đó rất "Ngọc Anh", đã luống tuổi nhưng vẫn gọn nhẹ, mềm mại, khiêm nhường, hơi lẩn khuất nữa mà lại rất kiên định, cả quyết liệt khi cần thiết. Hay đó là tính cách đặc biệt của các cô gái xứ Quảng?

Tôi biết ý định của chị Xoa, chị nói ra nhẹ nhàng, nhưng không lay chuyển được.

Nhân chuyến anh Núp và một số anh lãnh đạo tỉnh Gia Lai - Kon Tum ra Hà Nội họp Đại hội Mặt trận Tổ quốc, chúng tôi đặt vấn đề, nhờ các anh giúp, cũng đều là đồng chí từng thân thiết chiến đấu với nhau qua hai cuộc chiến tranh cả. Các anh về, tổ chức đi tìm mộ ngay.

Vậy mà mất đến hơn nửa năm. Tôi từng biết chuyện mồ mả liệt sĩ ở Tây Nguyên. Rừng Trường Sơn, các bạn có biết không, qua một mùa mưa lại như một lần mọc lại trên các vết thương của đất. Mưa dầm dề dữ dội. Thác lũ gầm thét. Từng trái núi lớn đổ ập. Từng con sông lớn đổi dòng... Mà ngày ấy, chiến tranh, chúng tôi di chuyển chỗ đứng chân liên tục, trong một tháng có khi đổi chỗ đến dăm bảy lần, đánh nhau túi bụi với giặc, chỗ ở mới cách chỗ ở cũ hàng chục, hàng trăm cây số. Chôn một người bạn vừa hy sinh, rồi vội vã ra đi, gửi lại đó cho rừng núi mênh mông rậm rịt và biến đổi từng ngày.

Các anh Gia Lai - Kon Tum đi tìm suốt hơn nửa năm ròng. Cũng may mộ Ngọc Anh ngày đó chôn cạnh một làng đồng bào Cor. Dân làng còn nhớ. Nhưng cũng là nhớ mang máng vậy thôi, ở khoảng rừng đó, đặt trong khoảng chừng năm ba chục mét vuông nay đã phẳng lì lá mục dày hàng tấc... Tìm ba chuyến, chưa ra.

Tôi giấu, nhưng chị Xoa biết. Chị quyết tự mình đi, cùng với con trai. Đi máy bay Hà Nội - Pleiku. Rồi từ Pleiku tính tiếp chuyện lên núi cao.

Sau này đến Pleiku tôi nghe anh em kể lại. Bữa chị Xoa lên, bỗng nhiên không khí như khác hẳn đi. Không có gì rõ rệt, nhưng sao cứ huyền ảo một điều gì đó rất thiêng liêng. Và mọi người chợt tin: lần này chắc chắn tìm được.

Chị Xoa yếu, các anh buộc chị phải ở lại thị xã Pleiku, dặn đến đúng ngày đó, giờ đó, thì đặt ba nén hương, hướng về phía núi Ngọc Linh.

Cháu Bắc đi với đoàn lên núi Ngọc Linh. Gần hai trăm cây số đường ô tô, lại đi bộ leo núi một ngày đường nữa mới tới nơi. Anh em đặt bàn thờ, đặt ba nén hương, và vái:

- Hôm nay cô và cháu lên tìm chú. Chú linh thiêng xin chú cho cô, cháu được đưa về...

Ba nén hương đốt lên, một chốc thì tắt mất một.

Chị Xoa kể lại với tôi rằng hôm ấy ở Pleiku, chị đốt ba nén hương, cũng tắt mất một. Lại đốt, lại tắt. Chị bỏ, đốt ba nén khác. Vẫn lại tắt một.

Chị không chú ý. Nhưng những anh em đã nhiều kinh nghiệm đi tìm mộ liệt sĩ thì đều mừng thầm: vậy là lần này chắc chắn tìm được rồi!

Ở chân núi Ngọc Linh, một anh cán bộ công tác thương binh xã hội của tỉnh, sau khi khấn vái, cầm rựa quay ra định chặt một mắt tre làm cái chén tạm rót rượu. Bỗng anh vấp phải một hòn đá nằm lấp dưới đám lá mục dầy. Moi rộng ra, thì ra cả một dãy đá được xếp theo hình chữ nhật. Ra ngày ấy, 23 năm trước, những người lính chôn cất đồng đội đã cẩn thận xếp đá quanh mộ để đánh dấu... cho ngày hôm nay!

Chị Xoa còn nhận ra được chiếc răng sâu bên trái hàm trên của người chồng chị chỉ được chung sống trước sau vẻn vẹn có 40 ngày...

... Cuối năm ngoái, một tối chị Xoa lại đến chỗ tôi, lần này rất vui, chị bảo:

- Tôi định tổ chức lễ thành hôn cho cháu Bắc. Cha nó không còn, họ hàng ngoài này cũng chẳng có ai. Tôi muốn nhờ anh thay anh Ngọc Anh...

Lần đầu tiên trong đời tôi vụng về lúng túng đi làm việc hỏi vợ và tham gia tổ chức đám cưới cho con trai của bạn. Tôi là nhà trai mà!

Lễ cưới tổ chức ở Hội trường Bộ Thủy sản. Nhà trai nhà gái bảo tôi thay mặt cả hai họ nói mấy lời. Tôi có nhắc đến Ngọc Anh. Nhưng rồi tôi hơi buồn. Trừ đôi ba người gì đó, trong cả hội trường rộn rã ồn ào chẳng ai biết Ngọc Anh là ai.

Nhưng chắc chắn cây K'nia "bóng tròn che lưng mẹ", "bóng ngả che ngực em" thì họ đều biết...

Mộ Ngọc Anh bây giờ đặt ở nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn, nghĩa trang đẹp nhất tỉnh Quảng Nam, năm ngoái tôi có về thăm. Tấm bia nhỏ ghi dòng chữ đỏ:

LIỆT SĨ NGỌC ANH

NHÀ VĂN

Trong danh sách tất cả hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trước nay kể cả những người đã mất do Ban công tác hội viên của Hội lưu giữ đến nay có tất cả 592 người. Không có tên Ngọc Anh. Ở Hội Nhạc sĩ chắc cũng không.

Người nghệ sĩ đã để lại cho đời mãi mãi một cây K'nia tuyệt vời, là một nghệ sỹ vô danh.

Còn một người vô danh nữa: chị Xoa, vợ anh, cây K'nia đơn độc và chung thủy của anh.

Nguồn: http://www.pleikucafe.com/ver2/tin-tuc-24h/nguyen-ngoc--rung/nguoi-nghe-si-vo-danh-da-sinh-ra-cay-konia.html