Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2016

Tình cọp

Truyện
Nguyễn Thanh Văn
Tôi nhận ra nó đang nằm phủ phục ở một góc chuồng heo giữa bãi chiến trường hỗn độn. Toàn bộ đàn heo gần nửa tá của bố con tôi chỉ còn một đống phèo, lông và xương gặm nham nhở. Nó dúi đầu vào một cái đầu lâu heo, gầm gừ trong họng mãi không chịu ra gặp tôi theo hiệu lệnh thường lệ. Cơn giận lắng xuống và xuất hiện một cái gì nghèn nghẹn trong cổ họng tôi. Thế là hết. Bố sẽ không bao giờ tha thứ. Cây súng săn bá phát bá trúng luôn kè kè theo bố hiện ra trước mắt và hình ảnh của Sơn Tinh, tên tôi đặt cho thằng em nuôi, nằm quay lơ giữa vũng máu làm tim tôi chợt thắt lại.
Tôi ngồi bệt xuống đất, tuyệt vọng nhìn về phía cửa rừng, nơi bất cứ lúc nào cũng có thể hiện ra bóng dáng cứng cỏi, lầm lì của bố, với những tia vằn đỏ thỉnh thoảng hiện lên trong mắt. Ngày xôn xao tin gã phó đồn Tây đóng ở chân núi khét tiếng giết người như ngóe mất tích,tia vằn đỏ lại xuất hiện trong mắt bố. Và lần bố lao thẳng vào con heo rừng nặng cả mấy tạ, liều lĩnh như một kiếm sĩ quyết tử, làm con heo rừng hốt hoảng đâm đầu chạy thẳng, cũng đúng tia vằn đỏ đó. Nếu không có bố xuất hiện vào giây phút kinh khủng nhất này, cầm chắc cha con tôi không còn dịp gặp nhau.
Mặt trời đã vượt quá đỉnh đồi trọc, trả lại màu xanh cho đám cây chen chúc nhau ở thung lũng và lưng đồi, mà trước đó một khắc vẫn còn là một khối sẫm âm u bất an. Cũng đúng lúc cái bóng đen gù gù của bố khuất cuối đường mòn, ngay ngã rẽ vào rừng lớn. Theo một thói quen ngày còn bé, tôi tiếp tục vẫy tay dù bố sẽ không quay mặt lại và không phân biệt ra tôi giữa chừng đó bờ đất, bụi cây, cọc rào lổm ngổm chung quanh.Tôi cũng không phải co giò chạy vụt về nhà như ngày xưa bố thường dặn. Với cây mác cực bén bố đổi được của một tù trưởng cùng nghề thợ săn, tim tôi không còn đập hỗn loạn khi nghe gió rừng gầm hay tiếng thú hoang gào bất thình lình nữa. Tôi đã quen với trò đùa cợt của rừng thiêng và sự rình rập của những đứa con hung dữ của nó. Cỏ hoang chung quanh chòi – giờ thực sự đã được tu bổ thành một nhà sàn chắc nịch, khá thoáng – đã lén lút áp sát cầu thang. Ngày mai phải nhổ sạch chúng mày thôi, liệu chừng đó!
Tôi ngoái lại nhìn lối mòn lần nữa theo một thói quen cũ. Hơn mười năm qua cuộc sinh hoạt của hai bố con tôi bị thầm lặng chi phối bởi một số thói quen cố định. Bố thường bảo vào rừng trễ một chút chỉ có nước nhặt măng, nấm người đi trước quẳng lại. Biết vậy nhưng nhiều năm liền – khi theo bố vào rừng tôi chưa tròn năm tuổi – ông không nỡ gỡ vòng tay con khư khư như ôm chặt bố trong giấc ngủ. Đến khi đi tôi đã cao tới vai bố, ông cũng chỉ yên tâm vào rừng khi mái chòi đã nhận được nắng mặt trời mon men đầu đỉnh đồi trọc bên kia thung lũng. Bóng tối của rừng sâu chứa quá nhiều ác hiểm ngoài dự kiến của ông, những bất trắc ông đã thân thuộc thời trai trẻ cô độc trong rừng sâu một mình trở thành nỗi bất an, ít ra từ khi có sự xuất hiện của tôi.
-Sơn Tinh… Ê hê hê… hế!
Tôi đút một ngón tay vào miệng, ra ám hiệu với thằng em nuôi, nhưng chỉ có tiếng chim ríu rít từ thung lũng vẳng lại. Một cánh đại bàng từ phía rừng bay ngược, vút cao lên lúc bay qua chòi rồi mất dạng bên kia đồi xa, phía mặt trời rực rỡ lóa cả mắt. Một phát súng sâu trong tim rừng. Núi đồi rền rĩ đáp lại hồi lâu và quang quác tiếng chim đâu đó. Lại một chú nhím, thỏ, gà rừng cho bữa chiều. Từ dạo có tật ở chân vì trượt đá, bố bỏ săn thú lớn, khiêm tốn rình rập những đứa con bé nhỏ của rừng, nhưng tài bắn súng bá phát bá trúng thì không thay đổi. Bố bắt đầu nhắc chuyện truyền nghề cho con trai và dự định mời một nhóm bạn săn có máu mặt khắp các bộ tộc quanh đó dự bữa tiệc trao súng săn cho tôi. Ông có ý định gửi tôi cho một bố già người dân tộc kèm cặp nghề rừng thêm vài năm nữa. Và cả kế hoạch mà bố còn có ý định giấu con trai: bố định xin con bé lớn đen thui như cột nhà cháy nhà bố già cho tôi, con bé vẫn thường tắm truồng ở suối và bơi lặn y như một con rái cá.
-Ê… hê hế hế… hế!
Tôi lo lắng thực sự. Tôi đang chờ một tiếng gầm đâu đó như thường ngày, một bóng vàng nâu thân thuộc chờn vờn cùng hoa ngàn cỏ nội. Nửa năm nay, Sơn Tinh xồ ra, lanh lợi hẳn. Bố đã mấy lần khiển trách tôi và nó. Một lần khuôn mặt bố tái sạm đi vì giận khi phát hiện mấy vết cào mà tôi đã cố ý giấu, những vết xước khá sâu lúc hai anh em mải mê đùa giỡn với nhau.
-Hoặc con sẽ tự đưa nó về rừng. Hoặc ta sẽ cho nó một phát vào đầu!
Tôi nhớ bao nhiêu lần hốt hoảng quỳ dưới chân bố, có lần cản ngay trước họng súng săn, mong bố xóa tội nô đùa quá trớn của Sơn Tinh. Một lần nó dám chén sạch phần thịt rừng dành để hôm sau giỗ mẹ, và không rõ bao nhiêu lần phá sạch rẫy ươm ngô, ủi sập bờ rào hai bố con vất vả dựng để ngăn thú đêm.
-Sơn Tinh! Mày đâu rồi! – Tôi chạy dọc theo bờ rào, vừa la lớn – Ra ngay nào!
Một con trăn lớn cỡ bắp chân quấn quanh cọc rào nghe động, liền vươn cái cổ vàng láng mướt khò khè mấy tiếng rồi lật đật tháo chạy. Tôi nắm chặt cán mác, sẵn sàng cho một bữa cháo rắn chiều nay, nhưng kẻ địch đã biến dạng, mang theo cục mật rắn tôi định bụng dành cho bố pha rượu thuốc.
-Ê… hế hế… hế!
Tôi lạnh toát người, mồ hôi ròng ròng trên lưng và ngực. Tôi chạy dọc hết nửa đường mòn vào rừng rồi quay trở lại, chạy ngược về phía lũng. Sơn Tinh, chuyện gì xảy ra với mày, hở? Hay mày lại sinh chuyện gì nữa đây! Chính mày muốn xa tao, muốn phản bội tao thật rồi… Một ý nghĩ thoáng qua làm tôi giật nẩy người.
Tôi quay trở lại cổng, bước chân chậm lại, cúi đầu. Trời ơi, tại sao… Bố sẽ không tha thứ nữa đâu! Mày đã vội nuốt lời… Tao đã nói gì với mày, van xin mày cái gì hở? Đồ vô sỉ! Đồ…cọp!– Tôi cay đắng gào lên – Mày đã tự gây ra phần số của mày đó! Chao ơi, bố đã từng lặng lẽ chấp thuận để mày ở lại với tao vì lần đầu tiên từ ngày ở rừng bố thấy nét hân hoan sáng trên mặt con trai. Một lần khác bên bếp lửa nhìn mày gối đầu trên chân tao thiu thiu ngủ, bố buột miệng nói: “Nó cũng côi cút giống như con”. Lần này – mày nhớ cho kỹ nha – đừng mở miệng trách bố… Bố chẳng muốn xua đuổi ghẻ lạnh với mày đâu…
-Cút! Cút đi!
Tôi hét lớn. Sơn Tinh rùng mình, cong đuôi chạy, rồi lấp ló hiện sau mấy bụi cây ở ngay bìa rừng. Cút! Tấm thân vàng nâu lại biến, hiện trở lại, lờn vờn giữa đám hoa rừng cỏ nội một lúc.
Tôi lần tới bìa rừng đã mất hút bóng dáng đứa em nuôi ngỗ nghịch. Đồ bội bạc! Tôi gượng mắng mỏ nó, người như có ai rút mất xương sống bỗng khụyu hẳn xuống. Mặt tôi rân lên, rát nắng mặt trời. Mồ hôi, nước mắt và máu vắt mằn mặn ở môi. Tôi quyết nằm lì ở rừng suốt đêm đó, thấy mình có tội với cả bố lẫn người anh em một thời trẻ dại. Trong giấc mơ đặt bước nhọc nhằn xuống tận cõi âm, hai lần tôi gặp lại người trần. Thứ nhất chắc là Sơn Tinh. Nó lén lè lưỡi liếm má, cổ, nhột nhạt không chịu được. Mùi hôi thân thuộc ám ảnh cả những khoảng tối như bưng trong mộng. Thứ nhì là bố. Tôi mở mắt ra lúc trời đã nhá nhem.
-Về thôi con!
Bố xốc nách tôi dậy, buông tay, rồi lầm lũi bước. Tôi im lặng nối gót. Bố không nói gì đến số phận bọn heo gà, không một lần nhắc tới kẻ phá hoại. Số heo gà đợt này bố định bán đổi một quan tài chằng thép ở dưới kinh lên. Bố nói chằng thép mới chịu được bọn thú dữ càn quấy.
Nhìn bố di chuyển chậm chạp hẳn lúc qua rẫy, lum khum dựng mấy cọc rào, tôi càng quyết gạt ám ảnh về thằng em nuôi ngỗ nghịch, dành hết thời gian để làm bớt việc cho bố. Bố ít nói nay lại càng kiệm lời, những vằn đỏ thường hiện qua mắt mỗi chiều hôm lặn mất tăm. Thậm chí hôm nghe tù trưởng già cười hệch hệch khen “gan mật” của tôi trong chuyến đi săn vào nghề, bố chỉ im lặng, gục gặc cười khà khà một lát. Bên ánh lửa rừng và hũ rượu cần, nhìn mặt bố và tù trưởng già nhăn nheo, đen sạm y như hai anh em đúc từ một lò ra.
Buổi chiều hôm đó tôi trở về nhà muộn với cảm giác suốt buổi chiều ở rừng có bước chân ai theo dõi mình. Tôi câm mồm suốt bữa ăn tối, nhưng đêm đang mơ ngủ bỗng bật dậy như đạp phải lửa. Sơn Tinh… chính mày! Chao ơi, cái mùi cọp còn vương vấn trên sàn, vách, chòi, không nhầm lẫn vào đâu được. Ở bên kia bếp lửa có tiếng trở mình, và tiếng bố nhắc khẽ:
-Ngủ tiếp đi con!
-Con Sơn Tinh nó nhớ nhà! – Tôi cáu kỉnh nói với bố – sớm muộn nó và con cũng gặp nhau ngoài rừng thôi…
Tôi lầm bầm nói tiếp khi không nghe bố ư hử gì.
-Nó không phải là thứ bạc tình như bố nghĩ đâu!
-Thôi, ngủ đi con!
Bố lại nói, giọng khẽ khàng, khác với thói gắt gỏng thường ngày.
-Một ngày kia em con sẽ cứu con. Nó sẽ giúp con một cái gì đấy!
-Một ngày kia nó sẽ giết mày. Con người ta chết vì lòng tin ngây thơ…
-Con không sợ chết! – Tôi hét lên với bố.
Bố cũng bật dậy.
-Tao đã từng mơ thấy máu… Máu của mày, máu đang luân lưu trong huyết quản của mày là máu của tao – Bố hổn hển một phút rồi thều thào thêm được mấy tiếng – Máu của mẹ đẻ ra mày… Dòng máu thơ ngây, khờ khạo đó!
Bố rống lên, rồi chợt im bặt. Trong bóng tối u u minh minh của núi rừng, tôi cằn về phía bố, ôm lấy tấm thân đang lẩy bẩy của ông và bất giác rống theo.
Trừ chuyện con bé con lão tù trưởng, bạn săn của bố, tôi im lặng quyết sẽ tuân phục lệnh bố. Chúng tôi mặc nhiên giao kết tránh nhắc và tranh luận về Sơn Tinh kể từ hôm đó.
***
Từ đâu sau hốc đá một cái bóng vàng sẫm nhảy xổ vào con báo. Thình lình hai chân trước của nó trượt trên sàn đá trơn. Con báo vừa dợm người đang lờn vờn, liền xoay ngay lại gặm ngay cổ địch thủ. Tiếng gầm gừ, những cú tát, cú cào tàn nhẫn làm bắn ra từng mảnh thịt, lông, da và máu của cả hai loài ác thú tưới đỏ một góc rừng. Móng vuốt vồ hụt, tát vào đá tóe lửa, khen khét.
Tôi cố lùi lại, từng bước một y như người mộng du, hiểu mình vừa thoát chết. Bụng tôi thắt lại, nhoi nhói cảm giác lúc thình lình đối diện với con báo gấm đang trong tư thế chuẩn bị tấn công. Khi định thần được, tôi nhìn sững xen hiếm có ngay trước mắt, quên cả việc tháo chạy. Một đống thịt vằn, đốm, sẫm nhạt đủ màu đang cuộn lại, vùng vằng, chí chóe, lăn dần và cằn dần về phía vực mà không hay biết, để lại trên mặt đá lạnh tanh nhũng vệt máu loang đỏ tươi, tanh ngòm.
Một tiếng hực lớn và bất ngờ đống thịt tách làm đôi, đống thịt lốm đốm bỗng cuộn lại rồi từ từ nghiêng xuống vực, còn đống vàng nâu đang cố lết tới mép vách đá như muốn kiểm tra số phận của địch thủ, rồi tự dưng sững lại, từ từ sụm hẳn xuống.
-Sơn Tinh!
Tôi gào to – Vâng, kẻ chiến thắng chính là nó, thằng em nuôi của tôi. Tiếng kêu bất ngờ làm cái đầu vằn vàng, nâu đẫm máu rướn dậy ngay rồi lại loạng choạng gục xuống. Tôi nhào ngay về phía nó. Đang rùn người, Sơn Tinh rùng mình dớn dác như muốn phóng thẳng về phía tôi theo bản năng tự vệ. Nhưng lại thêm một cái rùng mình nữa, người nó nhũn ra và máu bắt đầu ộc từ hai khóe miệng. Tôi dốc sạch chỗ thuốc lá dành cho mấy ngày săn vào vết thương, phần thịt đẫm máu đang lủng lẳng như muốn rời tấm thân chi chít vết thương. Tôi tiếp tục giật nốt chiếc áo lót.
Tấm thân can trường của kẻ chiến thắng đang rùn lại dần và đến xế trưa trông Sơn Tinh có dáng dấp một chú mèo lớn. Nó để yên cho tôi rịt vết thương y như hồi bé, mắt nhắm nghiền và bộ ria từ từ cong lại, yếu dần.
Một tiếng à uôm vang trên đỉnh núi gần đấy. Rồi thêm hai, ba tiếng tiếp theo đầy hăm dọa. Mặt trời trên non cao đang lả dần, trên những đọt cây cao vút bóng chim về ríu rít gọi hoàng hôn. Sơn Tinh bỗng hé mắt, lật người lại. Nó cố nghểnh cổ, và trước khi tôi kịp vỗ về nó nằm yên trở lại, một tiếng à uôm của chúa sơn lâm vang lên sát ngay tai tôi. Mùi hôi nồng nặc và mùi máu tanh làm tôi buồn ói. Máu ở chỗ vết thương được dịp ực ra, bong bóng máu bắt đầu xuất hiện. Sau nỗ lực cuối cùng, Sơn Tinh rạp xuống, nằm bất động trên mặt đá.
Tôi vơ vội cây súng săn và cán mác. Một tiếng à uôm cảnh báo đâu đó ở lưng đồi trước mặt. Tôi rõ cần bảo vệ mạng sống trước khi quá muộn. Bê bết máu cọp báo và gần như trần truồng, tôi trượt vội theo vách đá, xoay người lăn tròn xuống thung lũng. Bố xuất hiện kịp lúc. Ông vực tôi lên, kéo, địu về rẫy. Ở chân dốc, hai bố con ngoảnh lại, nhìn ngược lên, trên mỏm đá cao lố nhố ba bốn đầu cọp. Tiếng gầm của bọn chúa rừng điểm giữa tiếng rít nửa như chửi, nửa như khóc của bố:
-Chúng đòi mạng mày đó… Biết không, thằng nghịch tử!
Tôi lúi húi gom những lóng xương, phần còn lại của ân nhân cứu mạng mình, quây thành một đống rồi bỗng ồ ra khóc.
-Chính con đã góp phần giết em nuôi của con và gây nguy hiểm cho mình – Lần đầu tiên bố dùng từ em nuôi để chỉ Sơn Tinh – Con đã phạm sai lầm khi rịt vết thương bằng quần áo có mùi người. Đồng loại của nó đã thanh toán Sơn Tinh vì hoảng sợ và vì căm ghét loài người. Chúng ta phải xuống núi ngay. Bọn chúa sơn lâm đã nhận được mùi của con. Bố đã quan sát kỹ chỗ trượt dốc, tươm máu đều có dấu lưỡi cọp thi nhau cắt.
Bố chợt hạ giọng, như nói khẽ với riêng mình:
-Chúng nó đã nếm máu của con trai ta! Loài thú rừng giết đồng loại là quân bất lương. Về đạo lý, hóa ra chúng đáng xếp ngang với bọn người dưới núi mà ta đã tuyệt giao…
-Bố sẽ bảo vệ con – Tôi cố an ủi nỗi cô đơn của bậc sinh thành.
Bố lắc đầu nhè nhẹ:
-Ta già yếu rồi. Ta không còn đủ sức để bảo vệ con ta nữa.
-Con không sợ. Con sẽ chiến đấu với chúng. Con sẽ sắm quan tài có chằng thép như bố từng mong. Con sẽ đổi nó bằng da và hổ cốt của bọn đã hại em con.
-Con sẽ không thắng nổi chúng. Rừng chỉ tha mạng cho con một lần. Em nuôi con đã chết thay cho con. Nó là thằng có hiếu, có nghĩa… – Bố ho khúc khắc một hồi trước khi nói tiếp – Bố không cần đến thứ quan tài chằng thép làm chi nữa. Chúng ta sẽ xuống núi thôi…
Giọng bố bỗng xìu lỉu y như một lời thú tội bất đắc dĩ:
-Ta vẫn chưa quên được mẹ con. Ta còn bổ phận bảo vệ máu mủ của bà. Ta làm sao gặp lại mẹ con, nếu…
Tôi cúi đầu, bủa lia lịa những nhát rìu lên mặt đất lục cục đá nhiều hơn đất, tóe cả lửa xanh.
-Con nhớ chôn thật sâu, đổ thêm sỏi vào và đừng hé miệng với ai. Hổ cốt có giá lắm. Bọn lái buôn nó không tha cho đâu. Nhớ mang một lóng xương nhỏ của em con về đồng bằng… Chúng ta sẽ giỗ nó hàng năm!
Ánh lửa bập bùng đêm vĩnh biệt núi rừng soi dáng bố trơ trọi, nhỏ bé. Còn đâu dáng oai vệ, lẫm lẫm ngày nào và trong ánh mắt tù trưởng hầu như mất cả ý chí trả thù lẫn sát khí ngày nào.
-Ở đồng bằng nội vẫn còn một mảnh rẫy. Ta sẽ cất một căn nhà nhỏ cho con. Ta muốn có một ngày được chơi với cháu nội của ta. Chiều chiều ta sẽ thắp hương trước mộ mẹ con và tưởng nhớ em nuôi của con. Nó đã dám chết cho con trai ta sống. Nó đã bảo vệ dòng máu của ta!
Bố nghếch đầu đầu ném một cái nhìn mỏi mệt vào rừng đêm thăm thẳm.
-Ở dưới núi ta đã chứng kiến bao điều tàn nhẫn, bội bạc. Ta vẫn ngỡ chỉ có một người trên đời này thủy chung nhất mực với ta, nhưng người đó đã mất. Ta từng e sợ dòng máu phản trắc của họ tộc loài người sẽ vấy bẩn dòng máu vô nhiễm của con ta. Nhưng núi rừng đã kịp dạy ta một bài học: Con thú làm nổi điều lương thiện, lẽ nào loài người cạn kiệt lòng tử tế! Và dẫu thế nào – con ơi! –cũng phải cắn răng mà đi cho cạn kiếp người…
Bố chợt hạ thấp giọng, khều khào y như đang cầu nguyện:
-Lẽ nào trốn mệnh người để gia nhập làng thú hoang hở con? Em nuôi con đã chết vì lòng biết ơn, thứ càng ngày càng xa xỉ cả trong xã hội loài người. Nhưng chính con đã dạy cho nó bài học tin cậy, tử tế đó. Con cũng đã nhắc cho ta một điều quý báu ngỡ đã quên lãng từ lâu… Ôi, mẹ của con, dòng máu khờ khạo, thơ dại hiếm hoi!
Bố lảm nhảm gì thêm đó rồi phục xuống sàn ngủ thiếp ngay.
Tiếng gà rừng eo óc ngoài bờ rào. Và tôi gượng đứng dậy, hé liếp cửa, cố thu vào đầu hình ảnh rừng thiêng yêu dấu và đầy bí hiểm ngoài kia một lần cuối cùng, trước khi lao vào một nghề nghiệp mới mẻ, cực kỳ khó khăn đang chờ dưới chân núi: nghề làm người giữa xã hội loài người!