Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 19 tháng 1, 2016

Thị

Truyện
Nguyễn Hoàng Anh Thư:
I
Cô bé ám ảnh chữ "Thị" từ thuở nhỏ. Những người có chữ "Thị" từng là cô giáo của bé từ những năm tháng ấu thơ. Cô bé nhớ cô Nguyễn Thị Thời người ở Quảng Bình dạy cô hai năm lớp Một thời bao cấp. Cô bé thường cười mỉm một mình khi tưởng tượng ra những gương mặt ngây ngô của đám bạn trong lớp tiểu học hơn mình một tuổi đang gạch gạch từng "cây sắn" trên trang giấy màu trắng đầy gân đen. Những trang vở mà cô tưởng tượng như người ta ép bã mía thật mỏng mà ra thành những tờ vở ấy vậy. Thời ấy, cô theo dì đến trường và học "ngoại sổ" cho hết những buổi chiều tuổi thơ. Cứ mỗi mùa mưa, cô thường nhớ da diết lắm cây trứng gà. Nhớ người cô thân yêu của bé thật hiền lành, cô ấy thích những trái màu vàng lủng lẳng nở bung trên cành như lòng đỏ trứng gà ấy, còn cô thì ghét cái mùi của chúng.
"Thị", nó cứ bám riết lấy khi cô thấy ai đó cứ ghi nhầm vào giữa tên mình. Và "thị" này bây giờ cứ bám riết cô khi hàng ngày cô thấy người đàn ông bụng ỏng, chân ngắn, lưng dài mặt dày tựa cái thớt gỗ mít ngày xưa bà ngoại dùng để băm rau cho heo. Cô nghe thấy người này gọi cô là thị trong ánh mắt trắng dã như cá giếc bị chết. Anh ta ít khi nhìn trực diện, hoặc nhìn là cứ trừng đôi mắt đỏ lừng để xiết chặt từng lời rao giảng đạo đức. Cô lại lắng nghe, và cô lại mỉm cười liên tưởng đến những "cây sắn" ngày xưa lũ bạn ngây ngô gạch gạch trong những ngày đầu học tiểu học.

Chiều nay, cô nghe anh ta nói với ai đó về chiếc xe máy thật mới ở ngoài kia:
-Của thị đó, chứ của ai vào đây nữa – cái giọng nửa Bắc nửa Trung rít qua mấy cái răng khít chặt của gã.
Tiếng giày vọng lại, nghe buốt răng, đầu dãy hành lang phía trên kia. Nó vang xuống ở dưới này. Gã đang đi rảo và thò ra cái tai của loài dơi. Nó đang nhích nhích trên các khe gỗ của tấm pla-phông.
Cô lại thấy chữ thị sắp rơi vào giữa tên mình, một buổi chiều mưa đông nát vụn.
***
Lớp Một năm học 80.
Năm ấy cô bé học ngoại sổ. Những chữ i tờ vẫn còn hiện rõ lắm. Cô bé nhớ sự hãnh diện của mình về cái tên không mang chữ thị như những đứa kia. Cô giáo dạy đánh vần, dạy đọc tên mình. Cô đã đọc thật nhanh và thật to, rồi liếc mắt nhìn mấy đứa kia thật là khinh thị. Rồi lớp 2,3,4,5… lớn dần lên. Rồi 81,82,83,84… , chữ Thị cứ nở trương lên trong mắt cô. Cô cảm thấy hằn học nếu thầy cô hay ai đó gọi tên, ghi tên cô cứ chen nhầm chữ Thị vào. Người ta vẫn còn nhầm khi cô lên cấp ba hay vào đại học, và vẫn nhầm cho đên khi cô đã đi làm. Cô dị ứng với chữ Thị thỉnh thoảng trong giấc ngủ, nó làm cô giật mình. Nếu ai đó nói đến kiếp trước với căn nguyên Thị là một bông hoa nhài thì cô thấy thật buồn cười. Nếu vậy thì với cô, bông nhài đó đã thẫm đen kể từ khi bắt đầu cắt dây rốn từ bụng mẹ. Những ngày tháng ấu thơ có trong trẻo thơm ngát cũng là nhờ ánh mắt nhân từ của một mình cha và đôi tay cần mẫn của mẹ. Ai bảo là Thị phải tập nấu cơm, Thị phải tập may vá thêu thùa, Thị phải tập cái chu tất để mà lo lót hết những gồ ghề trên con đường đi tới tương lai của gia đình mình.
Cô nhớ một lần nào đó người đàn ông cãi nhau với người đàn bà. Câu cuối cùng cô nghe được:
-Hèn chi người ta nói đàn bà không thể đái qua ngọn cỏ!
Nên im lặng đi, im lặng hoặc là nói chuyện với bếp núc, con cái thì hay hơn. Người ta nói chuyện với nhau về tướng vượng phu của người đàn bà. Cô cười, không biết mình giấu đôi gò má hơi cao này vào đâu nhỉ. Một đêm cô nằm thấy chữ thị xếp thật cân xứng ngay giữa gương mặt. Chữ T như căng gương mặt cô trên cây thánh giá mà sợ hãi nhìn từng đôi tay nện thẳng những chiếc đinh xuyên qua những lớp da thịt đau đớn. Cô thấy những vết thương ở đó không hề chảy máu mà liền ngay lại trên gương mặt có vẻ ngoài đẹp hơn xưa. Bên dưới lớp da đẹp ấy đã giấu đi rất nhiều dòng máu đen đang tắc nghẽn.
***
Sông Hương một buổi chiều đầu đông.
Năm nay cái lạnh đến muộn. Hôm ấy nước dâng lên thật nhanh. Màu xanh trong lành đã trôi về hướng nào không biết nữa. Cô nghĩ: chắc nó chảy lên thượng nguồn! Thật là phi lý hết sức. Cô cười cho cái suy nghĩ kỳ quái của mình. Có ai chấp nhận cho điều ấy đâu. Ngay cả dòng nước!
Phía đầu xa đang đi gần lại, một chiếc thuyền nan nhỏ và hai ông mệ già. Ông ngồi ở tận phía sau, mệ ngồi cheo leo đầu mũi. Cả hai cùng nhịp chèo thật nhanh và đều. Con thuyền nhỏ cứ lướt nhanh và cuối cùng dừng lại để ông thả lưới. Rồi họ lại bơi vòng quanh, lần này mệ chèo và người đàn ông lấy mái chèo đập thật to vào tấm gỗ nhỏ. Họ đang đuổi cá vào lưới. Cô ngồi đó và nhìn theo từng hành động thoăn thoắt của đôi vợ chồng già. Mưa lất phất. Chữ Thị rơi rơi, vui vui, tủi tủi. Gió xiết một điều gì thật kỳ lạ.
***
Hôm ấy ngày kỵ ngoại. Cô về quê. Những con đường thật lạ bởi nó không còn màu đất. Những ô ruộng hai bên đường đã không còn mà người ta đã đổ đất vào, ở đấy nay đã mọc rất nhiều ngôi nhà mới. Những ngôi nhà xây trồi thụt bên con đường ngày xưa cô thuộc làu những mõm đá. Những bờ rào tre có, sắt có… phơi đầy quần áo.
Cô nhớ ngày xưa đã bao lần vượt qua nỗi sợ hãi khi đi qua con đường nhỏ về nhà ngoại. Nơi con đường ấy, có ngôi nhà gần như bỏ hoang. Ngôi nhà của mẹ con mệ Tôn đã bị một gã du kích làm việc ở ủy ban xã giết hại cướp của vào một đêm mưa gió sau năm 75. Gã ấy là một tên lông bông không cha mẹ, suýt chút nữa gã đã được là con nuôi của mệ Tôn vì mệ đã từng có ý định ấy, và gia đình mệ lại giàu có. Một ngày người ta phát hiện xác mẹ con mệ được hắn chôn dưới mấy vồng khoai sau nhà. Hắn trốn biệt tích và lệnh truy nã có lẽ bây giờ đã quá cũ kỹ. Ngôi nhà ấy có ma, thuở nhỏ cô nghe người lớn nói vậy. Và người lớn cũng nói cho cô biết về ông Quận Chi về ở đó sau mấy năm. Ông ấy là cháu đích tôn của chủ nhân ngôi nhà to lớn ấy. Ngoại nói ông ấy từng là quận trưởng trên Diêm Trường, bấy giờ chừng ông khoảng ngoài sáu mươi tuổi.Thời ấy, cô thường thấy ông ấy lúc nào cũng mặc một bộ đồ thật khác người ở đây: quần âu màu đen, áo khoác dài màu trắng ngà cũ kỹ, đôi giày đen rộng như đôi bốt, đầu đội mũ đen, bên dưới là gương mặt hiền ra vẻ quý tộc và trí thức. Tất cả vẻ ngoài của ông ta luôn gợi cho cô một sự tò mò. Cô bé ngày ấy nhìn ông ta thật lạ lẫm: ông ta là kẻ không sợ ma, ông ta sống một mình trong ấy. Những người lớn lại nói với nhau rằng, ông Quận Chi bị cùi (bệnh hủi), và trong đầu của cô thời bé ấy nghĩ về bệnh hủi là một điều gì thật gớm ghiếc, còn hơn là sự hình dung về sự mục rữa của con chó chết già nằm phơi xác ngoài đồng. Hầu như ông ấy chẳng bao giờ nói chuyện với ai. Một lần cô bé nghe được giọng nói của ông ấy, giọng thật nhẹ và lơ lớ Huế, hình như ông ấy lớn lên từ một nơi nào đó ở miền Nam.
Miền quê vào những ngày xa xưa ấy thật lặng yên trong sự thiếu thốn. Cô không hề nghe một lời than vãn trừ tiếng thở dài tiếc nuối của Ngoại. Một mùa hè con nước ngoài phá dạt đầy hến, Ngoại nói:
-Trời sắp nạn, sắp đói to rồi đó.
Năm ấy cửa biển bị lấp, nước phèn đọng đầy đồng, chua oi cả mùa thất bát. Mấy con lợn ốm thoi ốm thắt của Ngoại cũng bị bệnh dịch chết, đàn gà cũng rũ ra mà toi. Những nhà hàng xóm chung quanh chạy vạy đi mượn gạo, vay lúa non. May ra Ngoại vẫn còn cái để mà dự trữ, cũng nhờ cái hà tiện của Ngoại có được từ thời Pháp thuộc (ngoại phải vớt gạo chìm dưới sông mà phơi để có cơm đem thăm nuôi ông ngoại ở lao Thừa Phủ vì mang tội chống Pháp).
Ngày ấy cô bé đi ngang nhà ông Quận Chi, có người đàn bà đã luống tuổi mặc bộ đồ hoa xanh đen đang lúi húi ngắt rau ngoài vườn nhà ông. Mấy đứa trẻ con bảo nhau:
-Vợ ông đó. Mụ Xuân bị điên ở xóm hẻo.
Nhìn gương mặt người đàn bà này có vẻ ngây ngô dại dại thật. Gương mặt to và chiếc mũi bành bành, hai con mắt thì thô lố. Cô bé ngày ấy thấy sờ sợ.
-Đúng là Thị. Thị là như vậy đấy.
Hình như gia đình vợ con của ông ấy tứ tán trong chiến tranh. Ông ấy tìm về đây để sống những ngày còn lại của mình. Ông thấy bà Xuân này thui thủi mọt mình với mấy ô ruộng trong nương, ông rủ về ở chung. Dù sao có bà Xuân này ông cũng đỡ lo chạy gạo bữa có bữa không. Và cô biết thêm, ông ấy không bị bệnh cùi hủi gì cả. Người ta sợ, người ta ngại nên hay đặt điều cho cả đám trẻ con tin như vậy.
Một ngày cô nghe có tiếng trẻ con khóc trong ngôi nhà ấy và sau đó lại nghe người ta nói đứa trẻ bị chết vì mẹ nó cho bú mà ngủ quên đè ngạt mũi.
Và ngôi nhà lành lạnh bên con đường nhỏ ngày xưa cô phải đi ngang vẫn lầm lụi những cái bóng của hai con người ấy. Phía bên trong kia, cô nhìn thấy những chữ Thị đã níu vào nhau nuôi sống họ qua những tháng ngày đáng thương.
***
Tháng mười, mưa lùa về trên dải đất miền Trung. Hầu như con người ta đã đã quên ngay cái nắng gió rát da rát thịt từ mùa trước. Có điều gì đó cứ váng vất. Cô thường hay nhớ về mùa lụt lội nước lên trắng xóa cánh đồng. Những gương mặt ngày xưa vẫn còn nằm lại đó trong một ngôi làng có mấy con đường rẽ. Ngôi nhà xây đá xanh ngày xưa đã rêu phong cùng với tuổi của cô, của dì, của những người mãi gắn chặt cuộc đời mình ở đó. Người mất người còn. Ngày xưa ấy bây giờ tìm đâu ra, những gương mặt thơ ngây hay là cam chịu cũng không biết nữa. Cái cảm giác ngày xưa cô bé vừa đi vừa đếm những cái cổng nhà, đánh dấu từng cái quán nhỏ trên con đường đi đến trường.
Có cả những con đường tắt và cơn đói bụng hành hạ kéo dài đến quay quắt.
Sông vẫn nằm ở đó và chảy xuôi. Trời lạnh buốt, bây giờ đã gần qua tháng mười âm lịch, người ta nói: "Ông tha mà bà không tha/ Cho nên có lụt hăm ba tháng mười". Huế năm nay mưa muộn và có vẻ như trời sẽ không dâng lụt. Mưa dầm và lạnh buốt. Mặt đường rét căm căm. Cô đang đi và nghĩ ngợi: “Giờ này mà có ở quê thì mình sẽ đi tìm những đụn nấm mối ngoài bờ tre mọc hơn chục năm trước, chắc là sẽ có. Trời lạnh thế này thì nấm mối sẽ mọc”. Nếu như không nhuận hai tháng chín thì bây giờ đã chuẩn bị rục rịch Tết rồi. Chiều về, trời buốt hơn, gió rát rạt trên gương mặt, mưa nặng hạt hơn, cô ghé vào khu chợ nhỏ chủ yếu bán cho khách mua ở gần đấy.
Những cái dù xòe rộng rách tả tơi, bên dưới các bà các chị bán những miếng thịt và vài con cá ươn còn ế lại từ phiên chợ sáng. Nước mưa chảy ròng, cô mua vội ít rau và trứng, cũng kịp liếc nhìn bên dưới những chiếc nón và áo mưa những gương mặt của những người bán hàng quen thuộc. Hôm nay nhìn họ có vẻ xanh tái hơn. Trời lạnh buốt. Rẽ về tới ngõ gần nhà, mùi bánh chuối chiên thơm lừng và dáng mệ già – người hàng xóm của cô đang đứng co ro bên cái bếp với thau bột. Mệ vừa làm vừa đợi bán hàng, những chiếc bánh nóng hổi vừa vớt lên lập tức bị nguội lạnh ngay.
-Ở đâu cũng gặp Thị. Mình cũng Thị… Cô thở dài mệt mỏi.
Thế những người đàn ông của những Thị đó ở đâu? Cô nói: “Họ đang bận đứng đái qua ngọn cỏ” . Gương mặt của họ thật là to tát, như cái sĩ diện của họ cũng vốn to tát như thế. Cô nghĩ: những người đàn ông này có lẽ họ có bộ não thật phẳng để sẵn sàng quên ngay hoặc vứt đổ những lời tử tế của những người đàn bà đáng thương kia. Ở một nơi nào đó, có thể họ đang ngồi xem ti vi chờ được mời cơm, hoặc họ đang rung đùi nghiền ngẫm những tờ báo bóng đá, hoặc họ đang cụng ly để thả những lời lên mây và vỗ ngực mình là hảo hán.
Hôm nay ti vi dự báo thời tiết trời lạnh hơn, có thể cơn bão sẽ đổ bộ vào đất liền. Gió rít. Những tấm tôn giật phần phật ồn ào. Bây giờ tự dưng cô muốn đi một mình trên một cây cầu, ở giữa đêm chưa giác ngộ.
Cô nằm xuống trên nó và nhìn vào bầu trời tối bao phủ với triệu triệu ngôi sao.
Nơi suy nghĩ không thể kết thúc và bắt đầu, ngôi sao không nhìn rõ cô, hình như chúng đang lấp lánh. Và cô muốn gọi tên thật to cho vì sao rơi trên mắt, cả những lời cầu nguyện duy nhất cuộc sống của cô sẽ trôi đi. Khi ngôi sao trả lời cô: Cảm ơn! Cô có thể nghe được lời cảm ơn của cả bầu trời đêm, rằng hôm nay cô là ngôi sao duy nhất. Cô hét lên thật to:
-Này thị! Cuối cùng rồi mày cũng tan vào bóng đêm !
Phía xa, đêm lại bắt đầu. Những con đom đóm thi nhau lấp lánh bay lên trên những cụm lau đầu đông.
Đêm nay thật khó ngủ, cô từ từ thả rơi giấc mơ của mình đến một ngôi làng. Ở ngôi làng ấy, cô thấy những người đàn ông mang những gương mặt bành bành như những phụ nữ dị dạng. Họ ngồi sắp hàng chờ bác sĩ đến khám cho căn bệnh kỳ lạ mà chỉ đàn ông mới mắc phải: Hội chứng Kashin Beck hay còn gọi là bệnh xương to. Cô nghe bác sĩ nói đây là căn bệnh gây ra do thiếu hụt sự bao dung. Những vị bác sĩ vừa tới, họ đã đứng dậy và xếp hàng chờ khám. Cô nghe tiếng bác sĩ gọi to:
-Mai Thị …
-Văn Thị…
-Cao Thị…
Những gương mặt hớn hở xun xoe chạy lại. Những người đàn ông mang chữ Thị lần lượt chìa đôi tay, xắn cao ống quần cho bác sĩ xem triệu chứng xương to kỳ lạ của mình. Cô phải bụm một mắt lại để nhìn họ một lần nữa cho thật kỹ.
II
Những người đàn ông thời nay cũng có loại tám vía, cô nghĩ vậy. Hôm nay chị bạn cùng cơ quan a lô hỏi cô về chuyện của nhà chị. Chị ấy hỏi cô về đứa con trai mang chữ "Thị" hơi nhiều, vậy thì khi cúng dâng sao phải làm thế nào đây. Năm nay cái hạn sao La Hầu cần phải được giải trừ. Vậy mà đứa con trai của chị quá hiền lành như con gái. Đúng thật, cô nhìn nó tử tế thật như là con gái. Có người nói với chị ấy: "Thằng con chị như con gái, mụ bà bắt lộn í". Chị ấy giận thật, chị ấy trút tất cả những cái bực tức ấy qua điện thoại với cô. Dâng sao giải hạn? Cô bật cười. Không lẽ cô nói với chị ấy: "Vẽ một chữ Thị thật to để mà dâng, xong rồi hỏa táng nó đi”.
Chữ "Thị", nó như một chứng tật sinh ra từ vết sẹo nơi cuống rốn. Những điều tầm phào, những điều vãnh vặt cứ nháo nhào lên trong ngày như một lũ vịt nhao nhao đói ăn. Cô muốn hóa kiếp chúng (tất nhiên chúng ở cả trong cô trước tiên), dù việc hóa kiếp có khó khăn như người ta hóa kiếp con vịt và nhổ từng cọng lông măng- những cọng lông măng chưa kịp dài để trơn trượt trong nước mà bơi. Để rồi linh hồn của lũ vịt ấy chắp lên đôi cánh mà bay lên như thiên nga, vùng vẫy đến bầu trời mà chẳng bao giờ chúng bơi được đến đấy.
Suy cho cùng, người đàn ông rụng từ cuống rốn của người đàn bà nên họ cần sự dẫn dắt của những bà mẹ từ thuở nhỏ. Nhưng lớn lên, thì đa số họ rất muốn làm ngược lại với những người phụ nữ bên cạnh mình. Cô nghĩ, hay tại họ nghĩ rằng, người phụ nữ ấy rất nhạy cảm, có thể bỡn cợt về sự nông nổi của của họ. Nhưng đôi khi họ lại tự nguyện như lũ cá ngựa hay loài cánh cụt, sinh con và ấp trứng. Hoặc cứ thử nhìn vào căn bếp có hình ảnh người đàn ông mang cái tạp dề nấu ăn cho vợ và lũ trẻ, ắt hẳn đó là một gia đình hạnh phúc, bởi lẽ người phụ nữ có sự biết ơn và chân thành hơn đàn ông. Còn người đàn ông thì hay quên, thậm chí anh ta quên là ai đang đứng trong căn bếp kia nấu những thức ăn hàng ngày cho mình. Có lẽ lúc ấy, người đàn ông này có đôi mắt không giác mạc, không phân biệt được ngày-đêm, đất-trời, tồn tại và sống, hay một điều rõ ràng hơn: đó là chết và sống.
***
Thuở mới năm, sáu tuổi, cô nhớ lắm về một bờ mù u bên bờ mương thật đẹp ở quê nội. Đẹp và buồn hun hút. Nơi ấy bây giờ đã đỡ đi cái gió nắng của miền biển hoang sơ. Có con đường dài rợp bóng dừa. Cha cô hay đặt cô lên vai, vừa đi vừa hát như thế. Có lần cô ham hái những trái mù u xanh về nhốt trong cái hộp giấy, như cô từng nhốt những ước mơ về một cuộc sống chỉ có trong suy nghĩ của mình. Cô đã cố trèo ra những cành xa mà hái, "roẹt, roẹt", cái quần bị bứt một đường chỉ dài, cha đã xin lỗi những người khách để ra nhà sau khâu lại quần cho cô. Cô nghĩ: "Những việc ấy chỉ dành cho "Thị" làm, nhưng cha đã làm được, cha đã lấy đi bớt chữ Thị trong suy nghĩ của cô từ trong những năm tháng còn nhỏ dại ấy. Cô nghĩ: "Ai cũng có thể là Thị". Cha cô dạy học, mẹ cô cũng dạy học, như nhau cả thôi, nhưng có điều là mẹ cô biết dạy nấu ăn, cha thì tuyệt nhiên không. Có lẽ cha chỉ biết có mỗi việc của "Thị" là đun nước pha trà. Những ngụm trà chát chát ngọt ngọt kia có lẽ không hợp với "Thị", bởi cô chưa thấy mẹ uống trà vào mỗi buổi sáng như cha bao giờ.
***
Huế bây giờ đã vào mùa Giêng Hai. Chữ Thị đã đi qua thêm một tuổi. Trời se se lành lạnh, đẫm sương mù từ sáng sớm. Cô lại nhớ lắm những cái quạt giấy phe phẩy của ngoại vào mùa hè nóng bức. Sáng nay, chủ nhật, cô ghé đến quán ở Xẹc (Cercle Sportif) uống cà phê rất sớm, dìu dịu như cái gió lạnh từ sông Hương thổi vào. Một lời bài hát quen: I will survive, thấy mình vẫn chưa thay ổ khoá ngu xuẩn. Cô nghe như có những mũi gai đâm vào người tê tái. Cô hình dung bến Xẹc màu xanh hoang sơ thời cô chưa lọt lòng, rồi bể bơi đông đúc của tuổi thơ, rồi gió bấc, tím tái mưa phùn, cứ kéo dài nỗi buồn lai rai.
Người ta nói, mùa Giêng Hai ở Huế “cắn móng tay không ra máu” là vậy. Lạnh thấu xương. Cô lại nhớ đến ngày xưa, các chị các mệ lại vào mùa đi cấy. Những đôi chân trần lại dầm trong những lớp bùn ngoài những ô ruộng xa. Bây giờ, trong mơ ước của cô có hình thù con ngựa gỗ. Con ngựa chỉ được gắn từ ba tấm gỗ mít, nó không có tai và miệng. Tuổi thơ của cô được ngồi lên đó mà phi. Ngựa phi từ từ thật thong thả, rồi phi nước kiệu. Ngựa băng qua những con đường cỏ trên cánh đồng vào buổi sáng mùa giáp Tết, cô nhìn thấy mấy bà, mấy o đang lom khom cấy, những tấm lưng trần, những làn nước dưới lớp bùn lạnh buốt, phía bên kia mạ đang lấm tấm trổ màu xanh non. Mùa ấy, những người đàn ông đã xong mùa cày bừa, họ đang ngồi nhắp từng ngụm trà hay khề khà bên những cái bàn, nói chuyện về những lễ hội sắp tới. Những lễ hội mà những người mang chữ "Thị" không bao giờ được đứng ở giữa lễ điện, nó không hề tồn tại trong những giấc mơ hay trong suy nghĩ của những kẻ bị xem là mang thói ngông cuồng của đàn bà. Những người đàn bà tụm lại với nhau, nấu nướng trong gian bếp núc, trong lòng thầm nghĩ: "của chồng, công vợ". Ừ, thì vậy, tổ tiên sẽ phù hộ cho chồng con của họ, thêm cả họ nữa nên rất mừng. Những tiếng cười hể hả, những câu chuyện vụn vặt như những mớ thức ăn thừa khi họ rửa dọn chén bát sau khi tàn tiệc.
Những cái điệp khúc cũ cứ vấn tròn như ngày xưa các cô gái ngày xưa vấn tóc đội khăn mỏ quạ. Cô nhìn ngoài xa ở bên kia bờ sông, trừ những ngày mưa bão, những người đàn bà ở xóm chài đang dầm mình dưới nước để mò ốc, đãi hến rồi mang ra bờ cầu bán. Những chiếc lưng cong khệ nệ bưng những cái sàng hến sàng ốc nặng trịch đặt lên bờ. Những mẹt ốc bé xíu giăng đầy hai bên thành cầu, vệ đường. Cầu mới nối liền đường Hàn Mặc Tử đi về Vỹ Dạ, cầu An Cựu, cầu Bến Ngự… Những thân phận ốc, người cứ thế được mang ra luộc lên từng ngày, thơm phưng phức. Mùi thơm quyện mùi vị mồ hôi, mùi vị tuổi người nghe nồng mùi gừng chanh sả. Những thứ ấy đã được giã nhuyễn tẩm ướp những mảnh đời mưu sinh cơ cực. Và họ đã đi qua những tháng ngày vô tư, hồn nhiên như nụ cười hồ hởi của họ khi có khách hàng ghé mua.
Nắng chiều đã bỏ quên đâu đó những suy nghĩ lãng mạn, chúng đã trở nên xấu xí với khung cảnh nên thơ của dòng sông đang chảy trôi êm đềm.
Và mỗi buổi sáng, cứ thế, chữ "Thị " lại chói mắt khi ánh mặt trời lên, rồi lại quen dần, cứ lom khom lom khom cho hết từng ngày mới. Rồi ngày cũ lại bị bỏ quên bên vệ đường. Chúng sẽ trôi vào giấc cô miên, trong mùi trầm hương tịch mịch.