Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2016

Nihility

Truyện
Hạnh Nguyên
(Tiếp theo và hết)
Tôi tỉnh dậy vào buổi chiều. Bầu trời lúc chạng vạng tối dần như một lớp biển mỏng, nhàn nhạt bị quay ngược. Tôi ra ban công ngắm một hồi. Sau đó tôi quay vào trong, gấp chỗ quần áo còn lại của Olive và xếp vào giỏ. Không còn việc gì khác để làm, tôi ngồi xếp bằng trên ghế xô pha, tự nhủ có nên khóc một tí vì tôi thấy cần phải thế, nhưng trong lúc nghĩ tôi nhận ra tôi không khóc được nữa. Tôi thấy hơi đói nên vào bếp, nướng bánh mì và đun nước pha cà phê. Tôi lặp lại mọi thứ Olive đã làm cho tôi hồi sáng, chỉ khác là làm cho chính mình. Tôi ngồi cạnh bàn bếp, chống cằm, sau đó đứng lên tắt bớt đèn và chờ bánh chín. Ăn đến cái thứ hai, Trish gọi điện cho tôi. Tiếng chuông điện thoại vẳng ra từ căn phòng mà hồi nãy tôi đã ngủ, âm thanh bị lèn dưới gối tìm lối thoát ra ngoài tựa tiếng sáo mục đồng dài và mảnh vang lên dưới chân núi kề bên một con kênh nhỏ, nơi các cô gái tóc vàng thắt bím vẫn thường ngồi ca hát. Chẳng hiểu sao tôi lại liên tưởng đến cảnh đó khi nghe tiếng chuông reo róng riết như vậy. Trong một lúc, dường như việc nhận cuộc gọi đó là điều tôi ít quan tâm nhất. Rốt cuộc thì tôi mang cả bánh mì và cà phê đang uống dở vào phòng ngủ. Lúc vào tới nơi thì vừa vặn điện thoại tắt.
-tao đây, ban nãy đang ở trong bếp, không nghe thấy. – tôi gọi lại cho Trish và nói dối.
-một tiếng nữa tao sẽ qua đón mày. – Trish thông báo. Tôi gật đầu với hình ảnh phản chiếu của mình trên tấm kính cửa sổ. Tất nhiên là làm sao Trish thấy được nên tôi nói ừ sau khi đã để nó chờ một hồi lâu.
-tao sẽ đợi ở sảnh. – tôi nói, nhìn phần còn lại của miếng bánh mà tôi đã cắn nham nhở như chuột gặm. Tự nhiên tôi muốn ném nó đi. Thế là tôi lấy hết sức bình sinh ném miếng bánh vào cái mặt tôi trên cửa kính. Miếng bánh đập vào tường.
-Timothy nói lão muốn gặp mày, nên tối nay tao sẽ đưa mày đến đấy. Lão nói lão mời, ăn mừng cái gì đó chuyện mày được ra trại. – Trish nói, không hứng thú lắm. Thông thường quán của Timothy là điểm đến ưa thích nhất của Trish, sau đó là Dennys. Nó hay tới quán lúc nào muốn uống quắc cần câu hoặc để kiếm hàng. Timothy cưng nó như con. Lão bán cho nó cơ man nào vodka và whiskey giá rẻ, rồi thì thi thoảng nhờ vả nó xách dao đi dọa đám con nợ cứng đầu.
-gặp tao làm gì? Có bao giờ nói chuyện với nhau đâu. – tôi hỏi. Cũng có lúc tôi cùng Trish tới quán của Timothy. Tôi không uống mà chỉ ngồi cạnh nghe hai người đó nói với nhau đủ thứ chuyện. Tôi chẳng mấy khi tham gia vào trừ khi Trish hỏi. Timothy có vẻ ngoài bặm trợn, bên má phải của lão có một vết sẹo dài hình con rết. Nhìn lão thực sự đáng sợ, kiểu người có thể băm vằm người khác ra thành trăm mảnh bằng tay không chỉ trong vòng một phút. Chỉ có một điểm duy nhất mà người ta vẫn hay bàn tán sau lưng lão, ấy là lão khá lùn. Tôi cao hơn Trish nửa cái đầu, còn lão Timothy thì thấp tới ngang ngực Trish. Thành thử lão vừa nhìn thấy tôi là đã tỏ ra ngấm ngầm khó chịu. Có điều tôi chẳng bao giờ nói với Trish, vì thế nó vẫn mặc nhiên cho rằng tôi và lão khá hợp rơ nhau.
-tao chịu. Sáng nay lúc tao ghé qua, tao có nhắc đến chuyện mày vừa được thả. Thế là lão bảo đưa mày đến. – Trish nói. – thì cứ đến thôi. Có ai bảo mày phải ở lại lâu đâu. Chừng nửa tiếng gì đấy, rồi tao đưa mày về.
-ờ - tôi nói. Olive mà biết tôi vẫn còn đến mấy nơi như thế chị chắc chắn sẽ tống tôi ra khỏi nhà.
Lần cuối gặp nhau, Olive đã nói với tôi sau khi được thả tôi phải biết điều mà sống cho cẩn thận. Đừng có lêu lổng nữa, Olive nói, tìm việc làm đi, Trish bảo nó sẽ giúp em đấy. Nhưng tôi chẳng nói với ai là tôi không muốn làm việc. Tôi chẳng nói với ai là tôi muốn đi về phía tây. Tôi chẳng nói với ai là tôi muốn chết trên đường quốc lộ, bị xe tải chẹt qua người. Tôi chẳng nói với ai là tôi muốn thử ngủ với đàn bà chỉ vì tôi muốn biết cảm giác nó ra sao. Tôi chẳng nói với ai là tôi bị dị ứng bơ lạc, mọi loại lạc, ngửi mùi là tôi đã phát bệnh lên rồi. Tôi chẳng nói với ai là tôi thích nuôi cá vàng và rất muốn có một cái bể cá nhỏ ở đầu giường. Tôi chẳng nói với ai là tôi thích ở một mình hơn. Tôi chẳng nói với ai là tôi luôn hút thuốc rất nhiều vì nếu không thì tôi sẽ khóc mất. Tôi chẳng nói với ai là chẳng một ai trên đời này có ý nghĩa gì với tôi cả. Tôi chẳng nói với ai bất cứ điều gì, vì tôi chẳng có ai để mà nói. Người ta bảo tôi cái gì thì tôi nghe cái đó. Người ta ra lệnh làm sao thì tôi cứ y như vậy mà làm theo. Từ bé tới lớn tôi đã sống như vậy rồi. Chuyện vì sao tôi vào trại sẽ có lúc tôi kể cho bạn nghe. Nhưng không phải bây giờ. Để kể đầu đuôi ngọn ngành chúng ta cần phải ngồi thật gần nhau trong một căn phòng ấm, có mưa nữa và vào tháng bảy. Tôi cảm thấy phải như thế thì tôi mới có thể kể được.
Tôi tắm rửa và thay quần áo trong lúc chờ Trish đến. Olive gọi điện về nói rằng chị phải trực ca đêm thay cho một nhân viên nghỉ ốm. Chị nói tôi có thể mặc tạm quần áo của bồ chị (bồ cũ) để trong phòng. Thằng chó đó phới đi với một con điếm tóc vàng và bảo chị đem các thứ của nó đi hiến tặng, thế đấy. Chị dặn tôi khóa cửa nẻo cẩn thận và nếu muốn hút thuốc thì trên chạn bát có một cái gạt tàn. Tôi bảo chị đừng làm gì quá sức và nhớ ăn uống đầy đủ. Olive không nói gì, và bởi chị cứ yên lặng như thế nên tôi đã nghe thấy âm thanh mơ hồ vọng ra từ loa phát thanh trong siêu thị. Chị cúp máy sau đó khoảng mười giây.
Tắm xong tôi nhìn mình trong gương. Tôi lại thấy có thứ gì vừa bị thay thế. Đôi khi nếu nhìn thật kỹ có cảm giác phần cơ thể vô hình đó đã bị đem đi, những gì còn lại chỉ là một khoảng không vừa vặn, một cái khuôn mà thành phẩm đã cứng lại và bị móc ra. Tôi nhìn rất lâu vào chúng, những cái khuôn sâu thẫm và đen ngòm. Chúng cứ mất đi từng ít, từng ít một, chậm rãi và từ tốn và cực kỳ cẩn thận. Nếu tôi không để ý, nếu tôi không nhận ra, một buổi sáng rất sớm nào đó ánh nắng của mặt trời mùa hè sẽ rọi xuyên qua tôi mất. Tôi vẫn còn ở đó, đứng trên vỉa hè chờ đèn tín hiệu đổi màu để qua đường. Tôi vẫn còn ở đó nhưng người ta sẽ cho rằng tôi đã tan biến đi đâu mất. Rằng tôi đã tự ý bỏ đi vì đâu có ai muốn tôi làm điều đó. Và đó là lỗi của tôi. Không của tôi thì còn của ai chứ? Bất cứ thứ gì biến mất đều thuận theo ý muốn của chính chúng mà thôi.
Trish không khác gì từ đêm qua. Khoảng thời gian giữa chúng tôi bị phân ra dường như không hiện hữu ở một chiều không gian thu hẹp. Trish đứng ở cửa xe, vẫy tay ra hiệu cho tôi. Trên xe, vẫn thứ mùi lưu cữu như thường lệ, The Smiths đang ca Thiên đường biết mình khổ ra sao, những chiếc khuyên sáng lấp lánh trên lông mày và vành tai của Trish. Và nó vẫn không nhìn vào mắt tôi. Tôi hạ kính xe, nhoài ra ngoài hút thuốc. Tôi tránh hút trong nhà Olive. Mặc dù được cho phép nhưng tôi biết chị chỉ nói thế thôi. Từ bé Olive đã ghét mùi thuốc lá rồi. Chị bảo chị không chịu nổi thứ mùi đó. Kể ra cũng tức cười vì cả đời chị chỉ toàn ở quanh những người nghiện thuốc nặng. Bố chẳng hạn. Tôi khá chắc rằng nghiện thuốc cũng nằm sẵn trong gen di truyền. Hoặc bồ cũ của chị. Anh ta hút loại thuốc rẻ tiền, như Next ấy, anh ta hút còn ác hơn tôi nữa. Tôi thường bắt gặp anh ta đang ôm eo Olive bằng hai ngón áp út và ngón út, những ngón còn lại giữ điếu thuốc rất chặt. Tôi chỉ nhớ rằng khi đó là buổi chiều, bầu trời đổ màu tím lên những vạt cỏ đã xỉn màu trong công viên thành phố.Còn Olive, Olive dường như đã rất hạnh phúc. Tôi gác cằm lên cánh tay trên mép kính, nhìn những tòa nhà và các cửa tiệm vùn vụt trôi qua. Thế giới thay đổi quá nhanh, quá nhanh tới nỗi nếu con người không vắt chân lên cổ mà chạy thì sẽ bị nghiền cho tơi tả. Tất thảy những ai mà tôi biết ít nhiều đều đã phải đổ máu, hoặc phải nhìn người khác đổ máu.
-mày không cần phải nói chuyện với Timothy nếu mày không muốn. – Trish nói. Tôi không nhận ra nó đã vặn nhỏ nhạc đi. Tôi chỉ biết rằng giọng nói của nó đã luôn dịu dàng như thế này hay là từ lúc nào tôi không còn nhớ nữa. Cứ mỗi lần nghe giọng Trish tôi lại thấy xa lạ và mới mẻ. Có vẻ như tiếng nói của mọi người xung quanh tôi dù to đến mấy cũng chỉ có thể rơi thẳng vào tấm lưới nhún khổng lồ tôi quây quanh mình. Cái gì của tôi cũng nhạt hơn người khác. Phải thế không. Phải.
-tao sẽ nói nếu lão bắt chuyện với tao. Đấy là phép lịch sự tối thiểu. – tôi đáp. Tôi thấy mình hơi cắm cảu. Trish chắc là đã để ý vì nó chẳng nói gì nữa. Tôi chưa bao giờ nổi giận với nó, thậm chí là tỏ ra khó chịu. Nó cũng chưa thấy tôi giận ai bao giờ. Hẳn là lạ với nó lắm. Tôi còn thấy lạ nữa kìa.
-tùy mày. – rồi Trish nói. Sau đó tiếng nhạc bị vặn về âm lượng ban đầu như một con thú cưng bị ruồng bỏ.
The Smiths vẫn đang ca Thiên đường biết mình khổ ra sao.
In my life/Why do I smile/At people I’d much rather kick in the eye.
Quán của Timothy lúc nào cũng đông. Rất khó để kiếm được chỗ ngồi trừ phi đến trước giờ mở cửa chừng hai tiếng. Nhưng Trish có vẻ chẳng bận tâm. Nó lôi tôi đi qua biển người lúc này đang nhảy nhót cuồng loạn. Bầu không khí đặc quánh bởi mồ hôi và mùi rượu cùng khói thuốc. Kiểu không khí này khiến vài người thấy dễ chịu còn vài người khác thì đã sớm nhập làm một luôn rồi. Timothy ngồi trên tầng hai, trong phòng làm việc của lão. Gọi là phòng làm việc vì nó là căn phòng lớn nhất trong quán, có cửa kính quây chung quanh và cách âm tốt. Trong phòng mở đèn đỏ, làm khuôn mặt Timothy càng đáng sợ hơn. Tôi nghĩ chắc lão đã phải cân nhắc kỹ lắm lúc đi chọn bóng đèn.
-cậu bé của tôi, chào mừng. – Timothy đứng dậy bắt tay tôi lúc chúng tôi bước vào. Lão quay sang Trish, ôm nó một cái rồi bảo con bé đang ngồi trên ghế da đi lấy rượu. Đứa con gái đội tóc giả màu bạch kim chẳng mặc gì ngoài một cái quần lót đen nhỏ xíu liếc tôi hai lần rồi đứng dậy. Nó diện một đôi cao gót chừng mười phân gì đấy có cái gót mảnh như que tăm, bước lọc cọc ra khỏi phòng. Chẳng cần nói cũng biết nó đang ngồi đợi đợt phê thuốc tiếp theo.
-tôi dẫn nó đến rồi đây, tha hồ muốn nói gì thì nói. Nó cởi mở lắm. – Trish nói với lão Timothy. Nó không thèm nhìn tôi lấy một lần.
-phải thế chứ, đúng không? – Timothy quay sang tôi, lão cười không gây ra một tiếng động.
-đúng. – tôi đáp. Chúng tôi ngồi trên bộ xô pha da khổng lồ kê trong phòng làm việc của lão, đối diện với tấm kính có thể dễ dàng nhìn thẳng xuống quầy bar và bao quát toàn bộ quán. Đám đông không ai nhìn lên. Họ đang đắm chìm trong tiếng nhạc quá lớn tới mức át hết mọi suy nghĩ. Và đấy là chưa kể tới thuốc. Và rượu, một phần thôi.
-trong đó thế nào? Tôi cá cậu đây có nhiều bằng hữu lắm? – Timothy châm một điếu xì gà, lão đưa cho tôi một điếu nhưng tôi từ chối. Lão chẳng có vẻ gì khó chịu mà chỉ nhanh chóng nhét lại vào bao. Có khi lão còn thấy hên chưa biết chừng.
-một vài, họ khá tử tế. – tôi nói. Tôi muốn hút thuốc. Tôi đã hút nửa bao trong xe Tris và ném tàn thuốc suốt dọc đường. Nhưng tôi vẫn muốn hút nữa. Tôi luôn trong tình trạng thèm thuốc.
-tôi dám chắc là cậu đã có khoảng thời gian vui vẻ chứ? – Timothy phà khói ra đằng mũi, đoạn lão nhướn mày với tôi. Trong lúc đó Trish lúc đứng lúc ngồi, nó thận trọng nhìn ra bên ngoài như một tay số liệu học đang thu thập các thông số cá nhân.
-không có gì đặc sắc. Ngày ba bữa, cuối tuần có thân nhân vào thăm, thi thoảng tôi đọc sách, chơi bài. – tôi đáp. Bigg chắc sẽ thích Timothy. Chẳng hiểu sao tôi lại nghĩ đến thằng đó vào lúc này. Tôi chỉ chợt nghĩ biết đâu Timothy sẽ cưng Bigg hơn cả Trish có khi.
-tôi thì thấy cậu đã sống tốt đấy, được lắm. – Timothy vỗ vai tôi.
Con bé tóc bạch kim bước vào mang theo một chai vodka và ba cốc đá. Nó đặt các thứ xuống bàn rồi quay lại chỗ ngồi khi nãy. Không ai để ý đến sự hiện diện của nó trừ tôi. Chai rượu và mấy cái cốc chỉ tự nhiên xuất hiện. Timothy rót đầy cả ba cốc, chuyền cho Trish trước rồi đến tôi. Lão nâng cốc lên làm cử chỉ chúc mừng, nhếch mép với tôi rồi uống cạn. Trish vẫn chăm chú xem xét đám đông hết sức cẩn mật như thể đang theo dõi một thằng người tí hon, uống nửa cốc rồi dừng lại.
-nói nghe xem, vì sao cậu phải vào đấy thế? – Timothy tỏ ra tò mò hơn mọi khi. Tôi nhìn Trish. Nó chẳng phản ứng gì. Tôi cứ nghĩ nó phải kể với lão mọi sự từ đầu rồi kia.
-tội phá hoại tài sản công cộng. – tôi đáp, nhìn chòng chọc cục nước đá trong cốc rượu. Chúng nằm kề nhau, cùng tỏa ra hơi lạnh. Chúng sẽ không tan ra đâu. Không đời nào. Dù tôi có nắm chặt chúng trong lòng bàn tay bao lâu đi chăng nữa.
-chứ không phải choảng nhau à? – Timothy cười khùng khục, lão nốc hết chỗ rượu trong cốc, đoạn định rót thêm nhưng nghĩ thế nào lão nhún vai rồi ngửa cổ tu ừng ực từ chai.
-tôi đâm xe vào bưu điện thành phố. – tôi đáp.
Quan tòa nói, đó là một hành động vô trách nhiệm. Olive nói, tôi là một thằng đần mất trí. Bố mẹ tôi nói, không có tiền bảo lãnh cho mày đâu.Trish nói, tôi đã có thể chết.
Tôi vẫn nhớ cái xe đó. Cái xe cũ của Trish. Nó thích cái xe vô cùng, một con 1968 F100 màu đỏ tuyệt đẹp nó mua lại từ người quen. Cái mùi quen thuộc mà tôi thường ngửi thấy trên chiếc xe mà Trish đang lái là cái mùi đặc trưng từ xế cũ của nó. Khi ấy tôi đã không thấy ngạc nhiên. Vậy ra cái mùi đó không phải của chiếc xe. Có lẽ điều đó có thể giải thích được vì sao Trish đã không nhìn thẳng vào mắt tôi. Nó vẫn còn giận tôi. Chắc vậy.
-ối chà, và thế là người ta tống cậu vào cái hộp cứt mèo đó cả năm giời? – Timothy chùi khóe miệng lão bằng mu bàn tay. Rượu hăng nồng cuồn cuộn trong không khí. Tôi cố hít thở bình thường nhưng nhịp tim của tôi đang chầm chậm tăng lên.
Chẳng còn gì để nói nữa. Timothy đã hết hứng thú với tôi rồi. Ngay từ đầu lão đã chẳng hề xem tôi là một thằng hay chuyện. Lão chỉ muốn lấy lòng Trish mà thôi. Tôi thèm thuốc đến mức nghẹt thở tới nơi, vậy là tôi đứng lên bỏ ra ngoài. Tôi muốn biến khỏi cái quán này càng nhanh càng tốt.
Bên ngoài quán, một hàng người chen chúc nhau đang cãi vã ồn ào. Họ có thể đứng đây cả đêm nếu cần, chẳng phàn nàn gì rồi trở về nhà vào sáu giờ sáng hôm sau. Họ chẳng cần được vào trong, chẳng cần rượu vì ai cũng có một chai nhỏ trong túi xách, họ chỉ cần một nơi để đến và tụ tập, một tụ điểm nào đó để giải trí hàng đêm, một nơi họ có thể ăn vận khác xa với con người mà vào ban ngày họ sẽ sống. Quán của Timothy là một chỗ như thế. Ở trong hay ở ngoài cũng vậy thôi. Dù sao thì điểm đến cũng chỉ dùng duy nhất một tên gọi.
Tôi bước dọc trên đường, phía sau có tiếng léo nhéo của đám người nào đó đòi vào trong. Tôi rút một điếu và châm lửa đốt. Hít hơi đầu tiên, tôi đột nhiên muốn thiêu trụi cả thành phố. Điểm đầu tiên là quán của Timothy. Tôi sẽ đốt phòng làm việc của lão trước. Xách một can xăng lớn rồi rưới đầy lên cái xô pha giả da to một cách bất thường, rưới cả lên đầu lão nếu tôi may mắn, để xăng chảy dọc cầu thang rồi dẫn vào quầy rượu. Có nên đốt cả con bé đội tóc giả không? Tôi không thể nhìn thấy nó trong biển lửa. Mùi tóc giả cháy sẽ như thế nào nhỉ? Những đầu ngực tí xíu màu hồng của nó trông sẽ ra sao? Liệu chúng có co vào như cao su không hay chúng sẽ chảy ra như nhựa? Trong khi suy nghĩ tôi thấy mình vẫn đang bước đi. Lúc này tôi đang đứng ở giữa đường.
Vào giờ này xe cộ không di chuyển nhiều ở khu vực tôi đang đứng. Không có nghĩa là không có xe. Đám đông nhốn nháo đằng sau đang cãi lộn ầm ĩ, tôi nghe có tiếng chửi bới và tiếng nắm tay dộng vào xương. Chỉ thế thôi. Không còn âm thanh nào nữa cả. Mọi thứ vang vọng ở thế giới này đều đã bị hút sạch vào hố đen. Sự câm lặng náo nhiệt đó trườn vào tai tôi tựa một con rắn nhỏ. Nó bơi dọc buồng phổi của tôi rồi cuộn quanh trái tim tôi bao bọc trong một màng mỡ mỏng. Con rắn bắt đầu tăng tốc bên trong các mạch máu chằng chịt có hình thù như những đường ống thoát nước dưới lòng đất sâu. Tôi không nghe thấy gì nữa. Hoặc giả những âm thanh đến được với tôi hồ như chẳng có ý nghĩa gì. Mọi thứ, tất thảy mọi thứ, đang chảy máu qua các vết cứa, và màu sắc biến mất. Khuôn mặt của Timothy khi lão cười không phát ra một tiếng động. Cả thở cũng không.
Trish chìm nghỉm giữa những mảng màu.
Âm thanh tiếp theo tôi nghe được dường như xuất phát từ một thế giới khác. Khi tôi nhìn vào nơi đó, tôi thấy thứ ánh sáng rực rỡ tới mức chói mắt như thể chúng được gửi xuống từ thiên đường. Có lẽ chúa biết nỗi đau của tôi. Có lẽ chúa đang lấy nó đi khỏi tôi.
Chúa biết, tất cả đều biết, chỉ có tôi là không biết gì.
Nhưng sớm thôi, tôi sẽ biết điều mà bạn không biết.
20/2/2015 6:39pm