Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2016

Jorge Luis Borges – Sáng lập trào lưu văn chương Hóa Ảo Hiện Thực (2)

Ngu Yên
2. (Ám chỉ tư duy sáng tác của Borges qua những chuyện bên lề)
(Tranh màu sơn dầu của J.E. Gracia)
Hỏi:
Tôi xin được chuyển đề tài, bước sang phần tiểu thuyết. Xin hỏi ông về việc vì sao ông tuyên bố, ông rất nhút nhát khi bắt đầu viết truyện?
Borges:
Đúng. Tôi rất nhút nhát, vì khi còn trẻ, tôi nghĩ, tôi là người làm thơ. Do đó, tôi cho rằng, “Nếu tôi viết truyện, tất cả mọi người sẽ biết tôi là người không chuyên nghiệp, đang xâm nhập vào vùng đất cấm.”
Nhưng rồi tôi gặp tai nạn. Nếu anh sờ đầu tôi ở nơi này, sẽ thấy vết sẹo. Cảm giác như một dãy “núi”, u nần phải không? Sau đó, tôi nằm bệnh viện hai tuần lễ. Gặp những cơn ác mộng và mắc chứng mất ngủ. Rồi họ cho biết, tôi đang ở trong thời kỳ nguy hiểm, có thể tử vong. Tiếp theo là một cuộc giải phẫu kỳ diệu đã thành công.
Tôi lại bắt đầu lo lắng về tình trạng nguyên vẹn của trí não. Nghĩ thầm, có thể không còn viết được nữa. Như vậy, thực tế cuộc đời sẽ bế tắc vì văn chương rất quan trọng đối với tôi. Không phải vì tôi tự cho văn chương mình đặc biệt, mà vì tôi tự biết, sẽ khó sống sót nếu không còn viết lách. Nếu không viết được, tôi có cảm giác, một điều gì hối lỗi, không đúng sao? Nghĩ lại, tôi muốn thử viết một tiểu luận hoặc một bài thơ. Nhưng trước đây tôi đã viết hàng trăm tiểu luận và thơ, nếu giờ này không thể viết, tôi sẽ biết ngay là tôi đã kết thúc, như vậy, đối với tôi, mọi chuyện coi như xong xuôi.
Do đó, tôi muốn thử viết những gì chưa từng viết. Nếu không viết được, sẽ không có gì lạ. Tại sao tôi nên viết truyện ngắn? Việc này sẽ chuẩn bị cho tôi, đón nhận đòn áp đảo cuối cùng: Biết vậy, tức là tôi đang ở mức hạn sau chót. Tôi viết một truyện ngắn, để nhớ lại đã, tôi nghĩ là “Hombre de la esquina rosada” (12) và tất cả người đọc rất thích truyện này. Thật là một giải thoát kỳ diệu. Nếu không có cái vố đụng đầu đặc biệt đó, có lẽ, tôi sẽ không bao giờ viết truyện.
Hỏi:
Cũng có lẽ, những tác phẩm của ông sẽ không bao giờ được chuyển dịch?
Borges:
Và chẳng một ai nghĩ đến việc dịch tác phẩm của tôi. Đây là một ân sủng núp trong tai nạn. Còn những truyện tiếp theo, bằng cách này hoặc cách khác, đã được như ý: Truyện dịch sang tiếng Pháp, giúp tôi nhận giải Prix Formentor. Sau đó, truyện được dịch ra nhiều thứ tiếng. Dịch giả đầu tiên là Ibarra. Ông là người bạn thân, đã chuyển dịch những truyện của tôi sang tiếng Pháp. Tôi nghĩ, ông ấy đã làm cho những câu truyện hay hơn, không đúng sao?
Hỏi:
Ibarra, không phải Caillois mới là người dịch đầu tiên?
Borges:
Ông ta là Roger Caillois (13). Lúc tuổi đã chín muồi, tôi bắt đầu thấy được, có nhiều người trên khắp thế giới quan tâm đến việc tôi làm. Hình như hơi kỳ lạ. Nhiều tác phẩm của tôi được dịch sang tiếng Anh, Thụy Điển, Pháp, Ý, Đức, Bồ Đào Nha, một số sang tiếng Slav, Đan Mạch. Mỗi khi chuyện này xảy ra, luôn luôn làm tôi kinh ngạc, làm tôi nhớ lại, chuyện tôi đã xuất bản một cuốn sách, tận thời năm 1932 (14), tôi nhớ, đến cuối năm, tính ra, chỉ bán được ba mươi bảy cuốn.
Hỏi:
Có phải là cuốn Universal History of Infamy?
Borges:
Không, không phải. Cuốn History of Eternity. Thoạt đầu, tôi muốn tìm đến từng người mua để xin lỗi vì cuốn sách và cũng để cảm ơn về việc họ đã làm. Để giải thích chuyện này, nếu anh nghĩ đến ba mươi bảy người mua, đó là những người có thật, tôi muốn nói, mỗi người trong bọn họ đều có mặt mũi, gia đình, và sinh sống bên cạnh một con đường riêng biệt nào đó. Nếu anh bán, ví dụ, hai ngàn cuốn, tại sao điều đó cũng tương tựa như không bán được cuốn nào, vì hai ngàn cuốn là quá sức, tôi muốn nói, quá sức tưởng tượng có thể nghĩ đến. Trong khi ba mươi bảy người, có lẽ ba mươi bảy người cũng quá nhiều, mười bảy sẽ tốt hơn, thậm chí là bảy người mua. Nhưng ba mươi bảy người vẫn còn chứa được trong phạm vi trí tưởng tượng của một người.
Hỏi:
Nói về con số, tôi nhận thấy trong những truyện của ông, có những con số nhất định, được lập lại nhiều lần.
Borges:
Ô, đúng vậy. Tôi hết sức mê tín dị đoan và cảm thấy hổ thẹn. Tôi tự nhủ, thật ra, mê tín dị đoan, theo ý tôi, là một dạng điên rồ ở mức độ nhẹ. Không đúng sao?
Hỏi:
Hoặc vì tôn giáo?
Borges:
Vâng…, tôn giáo, nhưng... giả dụ như một người có thể sống một trăm năm chục tuổi, có lẽ sẽ khá điên, không đúng sao? Vì tất cả những triệu chứng khùng tuy nhỏ nhưng sẽ lớn dần theo thời gian. Tuy nhiên, mẹ tôi, năm nay chín mươi tuổi, bà có ít mê tín hơn tôi. Giờ đây, tôi đọc Johnson của Boswell (15) chắc đã mươi lần, phát hiện ra, ông ta đầy mê tín dị đoan, và cùng một lúc, ông mang nỗi sợ hãi ghê gớm của sự điên rồ. Trong kinh cầu nguyện mà ông tự soạn, một trong những điều ông xin Thiên Chúa, là ông không thể trở thành người điên. Có nghĩa rằng ông đã quá lo lắng về việc này.
Hỏi:
Có phải cùng một lý do mê tín dị đoan, mà ông đã lập đi lập lại nhiều lần những màu sắc như đỏ, vàng, xanh lá cây...?
Borges:
Có chắc là tôi đã dùng màu xanh lá cây?
Hỏi:
Không nhiều bằng những màu khác. Như ông đã thấy, tôi làm một chuyện rất tầm thường, đã đếm các màu trong...
Borges:
Không, không. Đó gọi là văn phong, xem như là nghiên cứu. Không, tôi nghĩ, anh sẽ tìm thấy màu vàng.
Hỏi:
Màu đỏ nữa, thường thường biến chuyển, mờ dần thành màu hồng.
Borges:
Thật sao? Tôi chẳng bao giờ để tâm điều này.
Hỏi:
Đó là ẩn dụ mà ông sử dụng, thế giới hôm nay hóa thành than do lửa ngày hôm qua đốt cháy. Ví dụ như ông dùng cụm từ Red Adam (Adam đỏ).
Borges:
Vâng, theo tôi, từ Adam trong tiếng Do Thái cổ Hebrew có nghĩa là “đất đỏ.” Thêm vào, phát âm nghe hay, Không đúng sao? “Rojo Adán.”
Hỏi:
Vâng, nghe hay. Nhưng điều này không phải là điều ông định trình bày: Phải chăng sự thoái hóa của thế giới nằm trong ẩn dụ dùng màu sắc?
Borges:
Tôi không có ý định trình bày bất cứ điều gì. […cười…] Không có ý định gì cả.
Hỏi:
Chỉ để mô tả?
Borges:
Tôi viết, chỉ mô tả. Bây giờ, tôi nhìn thấy toàn màu vàng, có thể giải thích vì lý do bệnh tật. Khi bắt đầu mất đi thị lực, đó là màu sắc cuối cùng tôi nhìn thấy, đúng hơn, là màu sắc cuối cùng nổi bật ra. Bởi lẽ, dĩ nhiên tôi biết áo của anh không cùng màu với cái bàn này hoặc với những đồ gỗ sau lưng anh, nhưng màu sắc cuối cùng hiện ra là màu vàng vì đó là màu chói lọi nhất.
Cùng một lý do tại sao chúng ta có công ty Yellow Cab [xe taxi màu vàng] ở Hoa Kỳ. Khởi đầu họ định dùng xe màu đỏ tươi. Rồi có người phát hiện, về đêm hoặc trong sương mù, màu vàng hiện ra rõ ràng hơn màu đỏ. Do đó, chúng ta có xe taxi màu vàng, để ai cũng có thể phân biệt chúng.
Khi bắt đầu mất dần thị giác, khi thế giới bắt đầu mờ dần rời xa tôi, có một lần cùng với bạn bè.... họ trêu chọc vì tôi luôn luôn đeo cà vạt màu vàng. Họ nghĩ rằng tôi thật thích màu vàng, mặc dù màu này rất chói.Tôi nói, “Đúng, chói với các bạn nhưng không chói với tôi, vì thực tế tôi chỉ thấy được màu này.” Tôi sống trong thế giới màu xám, không phải như thế giới màn bạc (16), thành thử màu vàng nổi bật. Chuyện đó giải thích như vậy. Tôi nhớ, câu nói đùa của Oscar Wilde: “Một người bạn của ông đeo cà vạt màu vàng và đỏ.” Trêu đùa chuyện này, ông nói, “Ô bạn ơi, chỉ có người điếc mới mang cà vạt như vậy!
Hỏi:
Có thể ông ta đùa cợt về cà vạt màu vàng mà tôi đang đeo. (Đùa).
Borges:
A, tôi nhớ lại khi kể chuyện này với một phụ nữ, cô không hiểu gì cả. Cô nói, “Dĩ nhiên, phải như thế vì bị điếc, anh ta sẽ không nghe người khác đàm tiếu về chiếc cà vạt.” Điều đó có thể làm cho Oscar Wilde bật cười, không đúng sao?
Hỏi:
Tôi muốn nghe ông ta đáp lại thế nào.
Borges:
Vâng, dĩ nhiên. Tôi chưa hề nghe, một trường hợp nào hoàn toàn hiểu lầm như vậy. Hoàn toàn ngớ ngẩn. Đương nhiên, nhận xét của Oscar Wilde là lời giải thích dí dỏm về một ý tưởng. Trong tiếng Tây Ban Nha cũng như tiếng Anh đều nói đến “loud color” [màu lòe loẹt]. “Màu lòe loẹt” là cụm từ thông dụng, nhưng những điều nói trong văn chương luôn luôn giống nhau. Điểm quan trọng là cách họ nói. Phải tìm cho ra ẩn dụ, ví dụ: Hồi còn trẻ, tôi luôn luôn săn tìm những ẩn dụ mới. Rồi tôi phát hiện, những ẩn dụ thật hay, thường không thay đổi. Tôi muốn nói, so sánh thời gian thành con đường, chết thành giấc ngủ, đời sống thành chiêm bao... Đây là những ẩn dụ cao kỳ trong văn chương vì chúng tương ứng với những gì quan yếu. Nếu chúng ta sáng tạo những ẩn dụ mới, sẽ có khuynh hướng gây kinh ngạc trong một nháy mắt (17), nhưng không đủ sức tạo ra cảm xúc sâu xa về bất cứ điều gì. Nếu cho rằng, đời là giấc mơ, đây là một suy nghĩ, một ý tưởng có thật, hoặc tối thiểu hầu hết mọi người đều bị bắt buộc phải có, không đúng sao? “Những gì hằng suy nghĩ, nhưng không bao giờ diễn tả rõ ràng.” (18) Theo tôi như vậy tốt hơn ý định gây sốc cho người khác, tốt hơn tìm kiếm nối kết giữa những gì mà chưa bao giờ có nối kết trước đây, bởi vì sẽ không có sự nối kết thật sự, như vậy toàn bộ chỉ là trò hát xiếc.
Hỏi:
Chỉ hát xiếc chữ nghĩa?
Borges:
Chỉ chữ nghĩa. Thậm chí tôi không gọi đó là ẩn dụ thật, vì trong ẩn dụ thật, cả hai vế thực sự liên kết với nhau. Tôi tìm thấy một ngoại lệ, một ẩn dụ mới, lạ kỳ, rất đẹp từ thơ cổ Na Uy. Trong thơ cổ Anh ngữ, trận chiến được gọi là “play of swords” [cuộc đấu gươm] hoặc “encounter of spears” [cuộc đọ giáo]. Nhưng trong cổ ngữ Na Uy, theo tôi, cũng có trong thơ của Celtic, trận chiến được gọi là: “web of men” [lưới nhân gian]. Thật kỳ lạ, không đúng sao? Vì trong “web” [lưới], có mô hình, sự đan dệt của con người, un tejido [một loại vải dệt]. Giả dụ trận chiến thời Trung Cổ, chúng ta có một loại “lưới” vì có gươm giáo đối nghịch cả hai bên và vẫn tiếp tục diễn ra. Do đó, theo tôi, chúng ta có một ẩn dụ mới, dĩ nhiên, với cơn ác mộng dính líu nó, không đúng sao? Ý tưởng về “tấm lưới” được tạo nên bởi nhân sinh, vạn vật, và vẫn là tấm lưới, vẫn là mô hình. Đó là ý tưởng lạ lùng, không đúng sao?
Hỏi:
Nói một cách tổng quát, nó tương ứng với ẩn dụ của George Eliot sử dụng trong Middlemarch (19), xã hội đó là tấm lưới, một người không thể nào gỡ rối một sợi, mà không đụng chạm vào tất cả những người khác.
Borges:
[Bộ điệu thích thú] Ai nói vậy?
Hỏi:
George Eliot, trong Middlemarch.
Borges:
A, Middlemarch! Đúng, tất nhiên! Anh muốn nói toàn thể vũ trụ liên kết với nhau, tất cả mọi thứ đều kết hợp. Đó cũng là một lý do, triết gia Khắc Kỷ đã tin vào điềm gở. Có một tờ báo, một bài báo thú vị của De Quincey, như tất cả bài viết của ông, viết về mê tín dị đoan hiện đại và trong đó ông đã nói đến triết thuyết của phái Khắc Kỷ. Ý chính là, vì toàn thể vũ trụ như một sinh vật đang sống, với những quan hệ gần gũi giữa những thứ dường như rất cách xa. Ví dụ, nếu ba mươi người cùng nhau ăn tối, một người trong bọn họ qua đời trong vòng một năm. Không chỉ đơn thuần vì Chúa Giê Su và Bữa Tiệc Ly [Last Supper], nhưng vì tất cả mọi thứ liên kết với nhau. Ông ta nói, để xem câu này nói ra sao, “mọi thứ trên trần gian là tấm kính trong bí mật hoặc là tấm gương soi bí ẩn của vũ trụ.”
Hỏi:
Ông thường nói đến những người đã ảnh hưởng đến ông như De Quincey...
Borges:
Đúng, De Quincey ảnh hưởng tôi rất nhiều và triết gia Schopenhauer ở Đức. Thật ra, trong Thế Chiến Thứ Nhất, tôi được dẫn dắt bởi Carlyle: Tôi thà là không thích ông này. Theo tôi, ông ta phát minh chủ nghĩa Phát Xít và duy trì nó. Một trong những cha đẻ hoặc tổ phụ của những thứ chủ nghĩa này. Carlyle dẫn dắt tôi học ở Đức. Và tôi cố gắng tìm hiểu Phê phán lý tính thuần túy của Kant . Dĩ nhiên, tôi bị sa lầy như hầu hết mọi người, như hầu hết mọi người Đức. Rồi tôi tự nhủ, “sẽ tìm hiểu thi ca của họ vì thơ ngắn hơn và có vần điệu.” Tìm được cuốn sách Lyrisches Intermezzo của Heine và cuốn tự điển Anh-Đức, sau hai, ba tháng, tôi phát hiện ra, mình có thể hiểu được khá thông suốt, không cần tra tự điển. Tôi còn nhớ cuốn tiểu thuyết Anh ngữ đầu tiên đã đọc, là truyện của Scotland có tựa đề The House With The Green Shutters.
Hỏi:
Tác già là ai?
Borges:
Một người tên là Douglas. Sau đó, biết được ông ta đã sao chép ý tưởng của tác giả Cronin, người viết Hatters Castle, thật sự, có cùng một cốt truyện. Cuốn sách viết bằng tiếng địa phương ở scotland. Có nghĩa, thay vì “money” viết thành “bawbees”; thay vì “children” viết thành “barns”, đó là tiếng Anh cổ và cũng từ Na Uy. Họ cũng nói “nicht fornight”: Đây là cổ ngữ Anh văn.
Hỏi:
Lúc đọc cuốn sách này, ông được bao nhiêu tuổi?
Borges:
Lúc đó tôi vào độ mười hoặc mười một. Có nhiều điều trong truyện tôi không hiểu. Trước đó, dĩ nhiên, tôi đã đọc Cuốn sách rừng xanh [The Jungle Book của Rudyard Kipling], Đảo giấu vàng [Treasure Island] của Stevenson, một cuốn truyện hay. Nhưng tiểu thuyết đầu tiên chính là cuốn này. Khi vừa đọc, tôi muốn trở thành người Scotch, rồi hỏi bà nội, bà có vẻ rất bực bội, bà nói, “Cảm ơn Chúa, con không phải.” Tất nhiên, bà có thể lầm lẫn. Bà vốn quê Northumberland, có thể mang dòng máu pha dân Scotch. Thậm chí có thể có luôn dòng máu Đan Mạch.
Hỏi:
Ông thích thú Anh ngữ trong một thời gian dài, và lòng yêu mến của ông về nó....
Borges:
Thế này nhé, tôi đang muốn nói về một tác giả Mỹ: Có một cuốn sách tôi cần phải đề cập, không có gì đáng ngạc nhiên cả, đó là cuốn Huckleberry Finn (20). Tôi hoàn toàn không thích Tom Sawyer. Theo tôi, Tom Sawyer đã làm hỏng những chương cuối cùng của Huckleberry Finn, toàn là những chuyện khôi hài vớ vẩn, chuyện cười vô nghĩa. Nhưng có lẽ tác giả Mark Twain cho rằng ông có bổn phận vui đùa mặc dù không có tâm trạng để đùa. Nhưng những chuyện đùa, bằng một cách nào đó, phải dùng cho đúng chỗ. Có lẽ, như lời nói của George Moore, dân Anh luôn luôn nghĩ, “Thà một trò đùa dở còn hơn không có.
Theo tôi, Mark Twain thực sự là một nhà văn lớn, tuy ông không muốn lưu tâm đến thực tế. Nhưng có lẽ để sáng tác những cuốn sách thật hay, chúng ta cũng không nên quan tâm quá nhiều về mặt thực tế. Chúng ta có thể dốc hết sức vào bài viết, thay đổi tính từ này thành tính từ khác, nhưng có lẽ, chúng ta sẽ viết hay hơn, nếu giữ lại những lỗi lầm. Tôi nhớ câu nói của Bernard Shaw, về phong cách, một nhà văn phải có phong cách riêng để tự thuyết phục mình, xác tín bản thân, không còn gì hơn nữa. Ý nghĩ của Shaw về trò chơi phong cách khá vô lý, khá vô nghĩa. Ông ta nghĩ về Bunyan (21), ví dụ, trở thành một nhà văn lớn vì tự thuyết phục bởi những gì mình viết. Nếu một nhà văn không tin tưởng những gì đã viết, thì khó có thể hy vọng độc giả tin được. Tuy nhiên, trong đất nước này, có một khuynh hướng thích thú bất kỳ cách viết nào, đặc biệt là cách làm thơ, như một trò chơi phong cách.
Tôi quen rất nhiều nhà thơ ở đây, làm thơ hay, những bài thơ rất hay, tâm tư tinh tế và còn nữa, nhưng nếu trò chuyện với họ, điều duy nhất mà họ nói là những chuyện thô tục hoặc chính trị theo cách mọi người thông dụng. Điều đó cho thấy, những gì họ viết thực sự là loại trình diễn bên lề. Họ đã học cách viết theo kiểu một người học đánh cờ vua hoặc đánh bài Brit. Họ hoàn toàn không phải là thi sĩ hay văn sĩ. Đó là thủ thuật họ đã học được và học rất thuần thục. Họ có tất cả những điều cần dùng trong tầm tay. Nhưng hầu hết, tôi nên nói, ngoại trừ bốn hoặc năm người, những kẻ còn lại dường như nghĩ rằng đời sống không có tính thơ hoặc không có gì bí ẩn cả. Họ nhận lãnh mọi thứ một cách vô tư, vô tâm và vô ơn. Họ biết khi nào cần phải viết, đột nhiên họ trở nên buồn bã hoặc mỉa mai.
Hỏi:
Có phải lúc đó họ đội lên mũ nhà văn?
Borges:
Đúng, đội mũ người sáng tác và sửa soạn tâm tình cho phù hợp, rồi viết. Sau một thời gian, họ rơi trở về lại sự khôn khéo hàng ngày.
(Cô thư ký Susana Quinteros đi vào: - Xin lỗi, Ông Campbell đang chờ ông... Borges: Nói với ông, xin chờ một lát. Nói với Ronald Christ, Này, gia đình Campbell đang đến. Ông Campbell đang chờ tôi...)
Hỏi:
Khi ông viết truyện, có phải sửa chữa nhiều không?
Borges:
Lúc đầu thì có. Về sau, tôi phát hiện ra, đến một tuổi đời nào đó, một người sẽ tìm thấy chất giọng điệu [tone] của mình. Giờ đây, tôi cố gắng đọc lại những gì đã viết sau vài tuần hoặc lâu hơn. Dĩ nhiên, có nhiều sơ suất và lặp lại có thể tránh khỏi; một số thủ thuật nhất định không nên bỏ sót. Nhưng theo tôi, những gì viết gần đây luôn luôn đạt được một mức độ nào đó, nên cũng không thể khá hơn được bao nhiêu, mà cũng không thể làm hư hỏng nhiều. Vì vậy, tôi cứ để tự nhiên, không quan tâm, và nghĩ đến những gì tôi đang làm lúc đó. Những điều cuối cùng tôi đã viết là về loại nhạc Milogas (22), những bài hát nổi tiếng.
Hỏi:
Vâng, tôi đã thấy một cuốn, một bộ sách hay.
Borges:
Vâng, Para las seis cuerdas, đúng nghĩa là tây ban cầm. Khi tôi còn bé, đàn guitar là nhạc cụ phổ thông, Anh sẽ bắt gặp người ta đánh đàn, không hay lắm, nhưng hầu như trên khắp góc hè phố chợ. Một số bài tango rất hay được sáng tác bởi những người không hề biết đọc biết viết âm nhạc. Có lẽ họ chứa âm nhạc trong tâm hồn, như Shakespeare đã từng nói. Họ nhờ người khác viết: Họ đánh nốt trên dương cầm, có người viết lại, rồi ấn hành cho những người có học. Tôi nhớ đã gặp một người như vậy, Ernesto Poncio. Ông viết bài Don Juan, một trong những bản tango hay nhất trước khi tango bị làm hỏng bởi người Ý ở La Bosca và về sau, ý tôi muốn nói, khi nhạc tango đến từ Criolla. Có một lần, ông Poncio nói với tôi, “Ông Borges, tôi đã ở tù nhiều lần, nhưng luôn luôn là tội sát nhân!”. Ý ông muốn nói, ông không phải là kẻ trộm cắp hoặc ma cô. (Không có học nên dùng sai chữ.)
Hỏi:
Trong cuốn truyện Antología Personal của ông....
Borges:
Thế này, tôi muốn nói cuốn sách đó in sai quá nhiều. Mắt tôi không thấy rõ, vì vậy phần hiệu đính phải nhờ người khác làm giùm.
Hỏi:
Tôi hiểu, nhưng chỉ là những lỗi nhẹ phải không?
Borges:
Đúng, tôi cũng biết, nhưng những sai sót lén chui vào làm người viết lo lắng, không phải người đọc. Độc giả chấp nhận bất cứ điều gì, không đúng sao? Kể cả những điều thấy rõ ràng vô nghĩa.
Hỏi:
Nguyên tắc chọn lựa nào ông đã dùng trong cuốn sách đó?
Borges:
Nguyên tắc chọn lựa rất đơn giản, tôi chọn những truyện nào cảm thấy trội hơn so với những truyện đã giữ lại. Dĩ nhiên, nếu thông minh hơn, tôi đã nhất quyết giữ lại những truyện này, chờ sau khi tôi chết, người nào đó sẽ khám phá ra, những truyện rất hay, chưa ai đọc. Đó là điều khôn ngoan nên làm, không đúng sao? Nghĩa là, xuất bản những truyện kém hơn trước, rồi để người khác phát hiện những gì tôi đã giữ lại là những truyện rất giá trị.
Hỏi:
Ông thich đùa lắm, phải không?
Borges:
Vâng, đúng như vậy.
Hỏi:
Nhưng những người viết về sách và tiểu thuyết của ông....
Borges:
Không, không... Họ viết quá nghiêm túc.
Hỏi:
Dường như ít khi họ nhận ra một số chuyện trong đó, rất khôi hài.
Borges:
Những chuyện đó cốt để vui. Lúc này, một cuốn sách sẽ xuất bản, tên là Cronicas de Bustos Demecq, viết chung với Adolfo Bioy Casares. Sách viết về kiến trúc sư, thi sĩ, văn sĩ, điêu khắc gia, và còn nữa... Tất cả nhân vật đều hư cấu, rất tân thời và rất hiện đại; họ rất nghiêm trọng, nhà văn cũng vậy, nhưng họ không bắt chước bất cứ ai. Chúng ta chỉ đơn giản làm hết mức những việc gì có thể làm được. Ví dụ, nhiều nhà văn ở đây nói với tôi, “Chúng tôi muốn biết những gì ông nhắn gửi.” Anh thấy đó, không có gì nhắn nhủ cả, Khi tôi viết, vì viết là việc phải làm. Tôi không nghĩ, nhà văn nên can thiệp quá nhiều vào câu truyện của mình. Nên để câu truyện tự viết lấy, không đúng sao?
GHI CHÚ
(12) Có lẽ ông đã lầm, một chút đãng trí nhất thời. Truyện này là Pierre Menard, autor del Quijote [Pierre Menard, tác giả Quijote], tháng 5 năm 1939.
(13) Callois là nhà xuất bản.
(14) Đúng ra là năm 1936.
(15) Có lẽ ông muốn nói tác phẩm Life of Samuel Johnson của James Boswell.
(16) Silver screen.
(17) Fraction of a second.
(18) Có lẽ là thành ngữ. (Nghĩ được, nói không ra.)
(19) Middlemarch: Tiểu thuyết của nhà văn Hoa Kỳ George Eliot, xuất bản trong tám bộ sách, 1871-1872. Nói về đời sống trong thành phố Midlands ở Middlemarch trong khoảng thời gian 1829-32.
(20) Adventures of Huckleberry Finn là tác phẩm của Mark Twain, xuất bản 1885. Là một tiểu thuyết phổ biến ở Anh và Mỹ, là tác phẩm văn chương trong dòng văn học Hoa Kỳ.
(21) Nhà văn John Bunyan (1628-1688), còn là một mục sư Tin Lành.
(22) Milongas: Loại nhạc tango bắt nguồn từ Rio de la Plata trong vùng Argentine và Uruguay, thông dụng trong thập niên 1870.