Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 12 tháng 1, 2016

Đinh Cường – cõi giới trung thực và thơ mộng

Nguyễn Thanh Văn
Không thể nói là họa sĩ Đinh Cường (1939-2015) mất sớm, từ ngữ này dùng cho người bạn thân và đồng nghiệp của anh, Bửu Chỉ (1948-2002), có lẽ thích hợp hơn. Nhưng cả hai anh lần lượt dành cho bạn bè, người thân giây phút lặng người: quy luật tử sinh, vô thường chưa từng bỏ qua ai, dù là mỹ nhân hay bậc cao sĩ, danh sĩ.
Hẳn sẽ có nhiều, rất nhiều đồng nghiệp họa sĩ, những nhà nghiên cứu hội họa và người ái mộ trong và ngoài nước sẽ lên tiếng về sự ra đi, dù không quá đột ngột, đang là một sự kiện đầy xúc động.
Sáng sớm ngày 9.1, bạn tôi Trần Trọng Đàm tạt vào Café 27, mặt còn nét bàng hoàng (dù trước đó chị Ý Nhi và nhà thơ Từ Hoài Tấn đã điện thoại, và hóa ra anh Hoàng Dũng đã nhắn tin từ khuya). Hai đứa tôi – cùng lứa em út của các anh, là bạn một thời Hàm Nghi với Hồ Đình Nghiêm, em chị Nhung – thì thầm nhắc vài thước phim rời rạc của dĩ vãng Huế. Đàm ở với ba mẹ nơi sau này cũng là nhà riêng của vợ chồng anh chị Trần Trọng Hân, cách một nhà với nhà anh chị Đinh Cường trên đường Hòa Bình, Thành Nội. Tôi có nhiều dịp cuốc bộ từ làng Vạn Xuân, qua đò Kẻ Vạn, gọi Nghiêm đi học. Đứng nhón chân, nhìn qua cửa sổ – căn phòng thường mờ mờ tối – thoáng thấy những tranh mới tím xanh, còn mùi sơn dầu và có khi thấy chính họa sĩ thức sớm, đang trầm ngâm ngồi cúi đầu bên sáng tác của mình. Trước đó nữa, khoảng 1965-1966, khi nhà ba mẹ tôi còn ở Kho Rèn, dù tuổi 11, 12 và hầu như không rõ mô tê chi về hội họa, tôi chưa bao giờ lỡ dịp ghé xem triển lãm của các anh – Đinh Cường, Lê Văn Tài, Trịnh Cung … – ở phòng Thông tin Văn hóa Hoa Kỳ, đường Lý Thường Kiệt. Không rõ ký ức chính xác không, tôi mang máng nhớ có một thời anh Đinh Cường vẽ tranh trừu tượng và rất được sự chú ý của giới phê bình hội họa, trước khi trở thành họa gia của một phong cách Đinh Cường bền vững hàng thập kỷ với những phong cảnh nhà thờ, núi đồi, thành quách, và dĩ nhiên cả cỏ hoa cùng người đẹp. Cũng phong độ tài hoa hào hoa và nói riêng trong mảng tranh mỹ nhân và cảnh sắc cố đô, luôn đượm nét buồn thương và yêu kiều Huế.
Kể cũng lạ, đất Phú Xuân vốn là nơi có số lượng họa sĩ và thợ vẽ cao – chỉ thua số lượng người làm thơ mà thôi! – thì không phải là ai khác, mà chính chàng trai sinh quán tận Thủ Dầu Một, Bình Dương, đến Huế khi năng khiếu và kỹ thuật hội họa vừa nảy nở lại sớm trở thành và được mặc nhiên thừa nhận là họa sĩ tiêu biểu của xứ Huế. Tôi dám chắc rằng phần lớn người Huế yêu tranh Đinh Cường đều tưởng Đinh Cường là “Huế mềng”. Tất nhiên “Huế mềng” hay không phải “Huế mềng” không dính dáng chi đến tiêu chí nghệ thuật. Có những đóng góp đa dạng cho hội họa – xin dành cho ý kiến của giới chuyên môn và bè bạn của họa sĩ – nhưng cái tên Đinh Cường luôn nhắc tới một cõi giới tạm gọi là hồn Huế, nơi sơn dầu, mồ hôi và tài năng kết tinh, lung linh và đầy sang trọng, gợi nhớ những mùa thiên thai vĩnh cửu đã lạc mất. Mượn danh xưng có sẵn đâu từ đầu thế kỷ trước, Đinh Cường xứng đáng là “Un grand ami de Hue”! Liệu có thể nói dòng máu Châu Ô, Châu Rí phía bà ngoại hay cuộc hôn nhân hạnh phúc cùng cô giáo nội thành đã góp một phần đầy ý nghĩa. Cũng có thể tìm lý giải thực tế hơn ỏ chính trái tim mẫn cảm, tinh tế bẩm sinh, một thứ nghiệp “Kyoto” hoài xứ đã đẩy đưa Đinh Cường tới một xứ Hời âm thịnh dương suy – vốn phù hợp với sự sống nửa hư nửa thực của nghệ thuật – để cái đẹp của mùa hàm tiếu nở bừng, sớm trở thành độc sáng. Và một thành viên của một thời lãng du khó quên bất chợt thành kẻ lưu giữ thủy chung hoài niệm của những xuân và thu vĩnh hằng, qua bao mùa cố đô bể dâu thiên cổ.
Là một thành viên xuất sắc của nhóm họa sĩ trẻ miền Nam, nổi lên từ thập kỷ 60 thế kỷ trước – nhiều người trong số họ dạy học và sáng tác ở Huế một thời gian – nhưng có lẽ Đinh Cường là họa sĩ “viễn phương” duy nhất hòa nhập thành công với nhóm nghệ sĩ trí thức cố đô danh giá một thời, cũng là những cá nhân đa đoan, đầy cá tính. Một Ngô Kha xinh trai, lãng đãng mà đầy quyết liệt trong dấn thân xã hội. Một Bửu Ý thâm trầm và đặc biệt hóm hỉnh. Một Lê Khắc Cầm phong độ, kín đáo, khắc kỷ lại là một cây lý luận nhất quán, táo bạo. Một Bửu Chỉ – thật ra anh là một thành viên trẻ, đến muộn so với lớp đàn anh nhưng tên tuổi vẫn thừa xứng đáng – đầy bộc bạch ngang ngạnh mà không thiếu sắc sảo. Tất cả đều chấp nhận tự nhiên con người và yêu mến tài năng của Đinh Cường.
Đinh Cường không vẽ tranh phản chiến, không lập ngôn to tiếng như nhóm bạn thân ở cố đô, lặng lẽ đi qua thế cuộc và thế sự mà không hề xa lạ với buồn vui với đồng bào cật ruột, trung thực mà không cực đoan, chấp nhận lẽ “choisir” và lý “engager” mà không bon chen, xu thời. Ở khía cạnh tính cách, phong thái, Đinh Cường gần với Bửu Ý và thành viên còn lại, có thể xem là nổi tiếng nhất – Trịnh Công Sơn. Có lẽ gần với Trịnh Công Sơn hơn một tí, vì Bửu Ý với nét mô phạm, nghiêm trang nhưng khi “kiến nghĩa bất vi” vẫn sẵn sàng sửng cồ với những nhận xét không kém sắc cạnh, sâu cay. Thiệt tình, lần duy nhất tôi tận tai nghe anh Đinh Cường thốt ra một lời “phi truyền thống” của anh là lần anh phê khá nặng – hôm đó ở bàn Café 27 có mặt anh Lê Khắc Cầm và nhà thơ Nguyễn Quốc Thái – một người bạn cũ có hành trạng, hành vi anh không bằng lòng, rằng “Áo cơm, tên tuổi tạm rồi, không hiểu răng còn rán “nâng bi” cái đám chẳng xứng đáng đó mần chi!”. Chúng tôi được một mẻ cười với từ bất ngờ đầy hình ảnh và chứng kiến bộ mặt nhăn nhó hiếm thấy của gentleman Đinh Cường, người vốn có một tấm lòng bao dung tới mức có khi có chút “ba phải”.
Một nét khác ở con người Đinh Cường là tấm lòng bịn rịn bạn bè của anh. Quen miệng gọi là “anh”, nhưng nhớ ra tuổi 70, ngoài 70 rồi xấp xỉ 80 của lứa các anh đã đáng gọi là cụ, mừng thượng thọ được rồi. Thế mà khi nhắc một chuyến đi Lâm Đồng – thăm nhà thơ Nguyễn Đức Sơn – hay rủ rê anh em, ai cùng ra Huế tìm ai đó, ánh mắt vẫn lấp lánh, thân tình, ngỡ như đang ở tuổi 20, 30 ngày nảo ngày nao. Quý quá, đáng trân trọng quá! Con người đó xa lạ với cung cách hãnh tiến của một số người đi xa, tự cho phép mình nói về quê hương, bạn cũ toàn giọng bọn này với lũ nọ. Cũng không họ hàng gì với những khuôn mặt quen quen thuở giao thời, từ trong bóng tối đội cái nón cối – không rõ nón có sẵn hay mới lượm ở đâu đó – lừ lừ bước ra, gặp bạn bè không dám nhìn thẳng, e ảnh hưởng đến cái lý lịch mới tân trang của mình.
Một lần chở họa sĩ Đinh Cường từ quán café về khách sạn, tôi nói với anh điều định gặp sẽ nói – kể ra cũng không dễ dàng gì – ngày trai trẻ tôi từng có ý trách lối sống của các anh là “tháp ngà”. Chừng đó thương hải tang điền, chiêm nghiệm để hiểu rõ con người ta dầu chỉ biết chơi với Cái Đẹp, thủy chung với Cái Đẹp đã đáng trân quý biết chừng nào. So với trò nhiệt huyết quá đà, không may lỡ tay, gây oan khiên cho đồng bào đồng loại, không rõ trò chơi nào đáng trách hơn đây!
Ít ai biết rằng những nghệ sĩ một đời cặm cụi sáng tạo, thủy chung với nghệ thuật và chưa từng từ chối lạc thú vô tội của trần gian như Đinh Cường và Bửu Chỉ vốn đã tìm được trong những Holy Messages của Phật pháp chỗ an trụ của tâm mình – điều mà tôi nhận ra trong vài lần nói chuyện với họa sĩ Đinh Cường và nhiều lần tâm sự với Bửu Chỉ. Nhưng ngay những người không nặng niềm tin tâm linh đi nữa, bằng trực cảm của mình cũng có thể thấy cõi đi về của những nghệ sĩ tâm huyết với cái đẹp, mãi mãi trung thực với cuộc đời và bè bạn phải là một thế giới bình an, thơ mộng của nghệ thuật vĩnh cửu.
Anh Đinh Cường quý mến: Bon voyage!