Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

Huyền thoại về tác phẩm có vấn đề

Cuốn sách vừa ra lò in đã có lệnh thu hồi, nó thành huyền thoại; ngắn hay dài hạn, tùy. Có tác phẩm in ra, chìm, nhưng người đẻ ra nó vẫn cứ hô hoán lên nó có vấn đề; để bán sách, để tạo tiếng vang, và… cũng đã từng làm nên huyền thoại: huyền thoại giả. Lại có cây bút không làm nổi tác phẩm ra hồn, sợ bị đời quên, nên la làng rằng tác phẩm tôi không thể in được ở Việt Nam, là một cách tạo huyền thoại kiểu khác.
Muôn vẻ huyền thoại.
Chắc chắn huyền thoại xuất phát từ tác phẩm tôi phải in photocopy vì không qua nổi con mắt kiểm duyệt độc đoán của nhà nước, hoặc tôi không chịu khom mình chui qua cửa xuất bản chính thống của chế độ toàn trị, là loại huyền thoại có đất sống dai dẳng hơn cả. Tạm đặt tên là TFinP.
Chưa ai làm cái kiểm kê có bao nhiêu ấn phẩm ra đời dạng photocopy, trước đó. Nhu cầu nghía cái viết của mình in ra giấy của nhà văn là rất lớn. Chúng được chuyền tay, được nhân bản công khai hoặc lén lút, người đọc lẫn người viết vẫn không nhìn nhận nó là một tác phẩm đúng nghĩa.
Còn TFinP như là một tác phẩm, thì khác.
Truy tìm kẻ khai mào phong trào này không khó.
Tập thơ Vòng tròn sáu mặt của nhóm Mở Miệng do nhà xuất bản Giấy Vụn inP năm 2002 mở đầu cho hàng loạt nhà khác, như: Cửa, Tùy Tiện, Minh Châu, Da Vàng... nở rộ, tạo thành phong trào không thể cưỡng. Trước đó tập thơ Của căn cước ẩn dụ của Nguyễn Quốc Chánh (2001) cũng đã in dưới dạng photocopy; hay trước nữa, đầu năm 2001 NXB Eutopia đã ấn hành Lục bát về bóng đá của Lê Hải; còn nếu truy nguyên xa hơn: nhóm thơ Hoa Lạ do Nguyễn Vĩnh Tiến, Phạm Tường Vân, Lưu Sơn Minh… sáng lập vào đầu thập niên 90 ở Hà Nội, đã tự in vi tính các sáng tác của nhóm dạng dạng tờ gấp, xuất bản mỗi tháng một kỳ.
Vậy đâu là “đầu tiên như là đầu tiên” khai sinh hiện tượng in tác phẩm không qua kiểm duyệt, sau đó nó tiến [thoái] hóa thành huyền thoại, để từ đó không ít kẻ đã kí sinh trên huyền thoại kia?
Ta thử phân loại tác phẩm inP như sau:
Tác phẩm ra đời từ nhóm văn chương, dù có ý hướng nhưng chưa tỏ thái độ phản kháng mang tính chính trị, sau đó tự tan rã, nhóm Hoa Lạ là điển hình.
Tác giả không tuyên ngôn nhưng có nhà xuất bản hẳn hoi (ra nhà xuất bản có nghĩa là đã phạm pháp [luật Việt Nam] rồi), nhà xuất bản này vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ, Lê Hải đã làm như thế.
Tác giả tuyên ngôn để tỏ thái độ bất cần kiểm duyệt, nhưng chưa có nhà xuất bản, chưa có người đứng tên chịu trách nhiệm xuất bản tác phẩm, Nguyễn Quốc Chánh là ví dụ.
Tác phẩm có nhà xuất bản, có người chịu trách nhiệm xuất bản, có tuyên ngôn, và đã đi đến tận cùng tuyên ngôn đó; ngoài ra nó còn xuất bản các tác phẩm của tác giả khác. Nhóm Mở Miệng và nhà xuất bản Giấy Vụn đã làm nên công cuộc đó.
Tác phẩm do tác giả tự mở nhà xuất bản và tự in hay in ở nhà xuất bản phi chính thống, tự phát hành, không cần tuyên ngôn: Đoàn Minh Châu, Bỉm, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Vũ Thành Sơn (NXB Giấy Vụn in)...
Còn vài hiện tượng và tên tuổi khác bằng thái độ phản kháng mang tính chính trị rõ rệt, như Trần Tiến Dũng, Nguyễn Viện, Đào Hiếu... Tất cả họ là nhà văn ý thức sâu thẳm về quyền dân chủ, quyền tự do của con người nhất là tự do của người cầm bút. Và họ dũng cảm thể hiện thái độ của mình trong trang viết.
Qua phân loại, các ấn phẩm của nhóm Hoa Lạ không thể tạo nên huyền thoại, mà chỉ có thể gọi đó là một thử nghiệm khác. Nguyễn Quốc Chánh in hai tập đầu qua cửa nhà xuất bản Nhà nước sau đó không chịu được thái độ bó thân của mình khi trước, phản kháng, mới inP. Lê Hải inP hai tập đầu, sau đó vừa in nhà nước vừa in ở nhà xuất bản cá nhân, không vấn đề gì cả. Đoàn Minh Châu, Vũ Thành Sơn... dù thơ “không vấn đề” nhưng thích in ngoài luồng hơn. Họ mang tinh thần giải trung tâm hậu hiện đại, do đó việc in chính thống hay phi chính thống không đặt ra với họ. Nhóm Mở Miệng sớm ý thức tự do, phản kháng ngay khởi đầu cuộc sống văn chương, suy nghĩ hành động toàn triệt, đã và đang đi tới cùng con đường chọn lựa của mình.
Chung quy, ngoài các cây bút bất tài muốn bám vào huyền thoại để tồn tại, thì chỉ còn hai thái độ đáng kể là: phản kháng và giải trung tâm. Ở hai bộ phận này, kẻ sáng tạo trong tinh thần giải trung trung tâm thì không cần đến huyền thoại, mà chỉ có các tác giả mang tinh thần phản kháng mới có thể tạo huyền thoại, lưu trì huyền thoại, hoặc – tệ hơn, kí sinh huyền thoại mà ở đó lối kiểm duyệt văn chương của chế độ đã cung cấp cho họ mảnh đất màu mỡ.