Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 21 tháng 1, 2016

Chặn cơn sóng dữ

Đoàn Khắc Xuyên
Lần đầu tiên viết bài báo xuân thất bại, không đăng được. Có lẽ vì cái nhìn quá đen tối, không hợp với báo xuân. Thôi thì post lên đây làm kỷ niệm. Ý chính trong bài: không biết từ bao giờ xã hội VN đã trở thành một xã hội TRANH ĐOẠT. Tranh quyền đoạt lợi, từ centimet đường nhựa đến chiếc ghế chóp bu...
Cứ thế trôi đi, trôi tuột đi tin tức về những vụ giết người xảy ra hầu như hàng ngày trên báo in và báo mạng khi tần suất những vụ thảm án ngày càng dày, mức độ độc ác ngày càng tăng. Riết rồi sự sửng sốt của người tiếp nhận tin cũng giảm dần. Sự kinh hoàng giảm dần. Sự nhức nhối giảm dần. Sự trơ lì trong con người tăng lên. Cho đến lúc mà tin tức về những vụ giết người bỗng trở nên bình thường, quá đỗi bình thường và không còn khiến cho ta giật mình, lưu tâm nữa. Hoặc nếu có thì cũng chỉ như một gợn sóng nhỏ lăn tăn khi ta ném hòn sỏi xuống hồ rồi nhanh chóng tan đi, trừ phi đó là những vụ thảm án mà số nạn nhân ngày càng tăng lên, từ 2 - 4 rồi 6 người, với mức độ tàn ác, man rợ, lạnh lùng của các hung thủ cũng ngày càng tăng, như những vụ thảm án ở Bình Phước, ở Yên Bái, ở Nghệ An hay vụ “giết người liên tỉnh” của tử tù Trần Văn Điểm, một thanh niên 28 tuổi chưa từng có tiền án... trong năm qua. Chỉ những lúc đó vụ án mới gây xúc động, mới khiến người ta giật mình hỏi tại sao, tại sao, để rồi sau đó tất cả lại trở về như cũ. Xã hội chứng kiến tội ác tăng lên mà không biết phải làm gì để ngăn chận cơn sóng dữ như muốn nhấn chìm cuộc sống an vui của mọi người.
Năm qua cũng là năm mà tin tức về những vụ sử dụng chất cấm gây hại cho sức khỏe con người trong chăn nuôi, trồng trọt, trong chế biến thực phẩm... gây hoang mang lo lắng cực độ trong dư luận. Ngay ngày cuối năm 31-12-2015, trạm kiểm dịch động vật Thủ Đức phối hợp với Đội CSGT Rạch Chiếc tuần tra, phát hiện xe khách giường nằm chạy trên Quốc lộ 1, hướng từ Đồng Nai về TPHCM chở gần 200 con heo sữa còn nguyên dây rốn, trương sình, biến chất, bốc mùi hôi thối và 7.300 quả trứng cút đều không giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trong khoang hành lý. Theo cán bộ thú y, số heo sữa thối trên được các đầu nậu thu mua tại các trang trại nuôi heo, sau đó đóng bao vận chuyển về TP.HCM và các tỉnh miền Tây để chế biến thành heo sữa quay. Nhiều ý kiến cho rằng người Việt đang giết người Việt, đang đầu độc cả giống nòi.
Còn vụ án xảy ra mới đây tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, tuy không gây chết người nhưng lại nói lên sự suy đồi tận đáy của một bộ phận giới trẻ: một nữ giáo viên “cắm bản” sinh năm 1988 của trường tiểu học Loóng Luông đang ngồi soạn giáo án để ngày mai lên lớp dạy thì bất ngờ bị 5 nam sinh lớp 9, độ tuổi 15-16, lao vào khống chế, giở trò đồi bại, mặc cho cô giáo khóc lóc van xin.
Điều gì đã đẩy xã hội đến sự băng hoại đó? Và phải làm gì để ngăn không cho xã hội rơi xuống vực sâu hơn nữa? Ngoài chuyện đất nước tụt hậu, chuyện chủ quyền biển đảo bị đe dọa, thiết tưởng không còn câu hỏi nào quan trọng hơn, bức thiết hơn với người dân trong tình hình hiện nay cho bằng câu hỏi đó. Bởi, cho dù đất nước có đạt mức tăng trưởng kinh tế cao đến thế nào, cho dù thu nhập của người dân có gia tăng ra sao, nếu đạo đức xã hội suy đồi, nếu người ta sẵn sàng chém giết nhau vì thù hận hoặc có khi chỉ vì những lý do nhỏ nhặt, nếu người Việt không ngại ngần làm hại người Việt, thản nhiên đầu độc đồng bào mình vì lợi ích trước mắt thì mọi thành tựu kinh tế, mọi sự gia tăng định lượng về mức sống, mọi con số thống kê cũng sẽ trở thành vô nghĩa.
Không biết từ bao giờ, cả xã hội đi trật khỏi đường ray của một xã hội phát triển lành mạnh, đặt cơ sở trên sự công bằng, lòng nhân ái và tình thương. Một thời gian dài, hiếm khi ta nghe thấy lời nhắc nhở nhau “nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, hay “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Ngược lại, cả xã hội dường như đang quay cuồng trong guồng quay của sự tranh đoạt bằng mọi giá. Gạt qua bên tiếng nói của lẽ công bằng, lẽ phải, lương tâm, người ta tìm mọi cách để tranh quyền đoạt lợi, và để đạt cho được mục đích của mình, người ta bất chấp mọi phương tiện, thủ đoạn. Từ gian dối (bằng cấp giả, thành tích anh hùng giả, hàng gian hàng giả, lừa đảo bán hàng đa cấp...) đến đục khoét, tham nhũng; trù dập, hãm hại người ngay, dám nói thẳng; giả dối, chạy theo hình thức, theo thành tích ảo... Tất cả nhằm đoạt cho được lợi, quyền.
Trong cuộc chạy đua nhằm tranh đoạt lợi ích vật chất đó, kẻ yếu thế bị gạt ra rìa, người hiền lành, trung thực phải cam chịu thiệt thòi. Cho đến một lúc, những người bị gạt ra bên lề, những người nhìn thấy của cải của xã hội bị chiếm đoạt hoặc được phân phối một cách bất công bởi những người có sức mạnh của tiền và quyền, tìm cách phục hận, đòi phần của mình, kể cả bằng cách gây tội ác. Bởi trên làm được thì dưới làm được, thượng bất chính hạ tắc loạn. Đó là lúc xã hội rơi vào hỗn loạn, bất an. Đó là lúc cơn sóng bạo lực đe dọa nhấn chìm cuộc sống yên bình của mọi người.
Cơn sóng dữ mà cả xã hội đang phải đối diện hôm nay phải chăng bắt nguồn từ chính mô thức phát triển theo guồng quay tranh đoạt đó? Và muốn ngăn chặn cơn sóng dữ, phải chăng không thể không nhìn lại mô thức vận hành của xã hội, tìm xem nó đang sai lạc ở đâu và tìm cách chữa trị tận gốc?