Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Thơ Ý Nhi

clip_image002

Chân dung Ý Nhi (ký họa của Bùi Xuân Phái)

Văn Việt: Chiều 30/11/2016, lễ trao Giải thưởng Thơ Cikada cho nhà thơ Ý Nhi đã diễn ra trọng thể và thân mật tại Sứ quán Thụy Điển. Sau các nhà thơ Đông Á nổi tiếng…, Ý Nhi là nhà thơ Việt Nam đầu tiên vinh dự nhận giải thưởng cao quý này. Văn Việt xin chúc mừng chị, và nhân đây gửi tới bạn đọc một chùm thơ Ý Nhi cùng hai bài viết ngắn của Hoàng Hưng về thơ Ý Nhi, tất cả đều do nhà thơ Ý Nhi tự tuyển chọn và gửi Văn Việt.

          Nguyễn Du, 1813

Năm 1813, Nguyễn Du trở lại Thăng Long, chuẩn bị cho chuyến đi sứ sang Trung Quốc, dưới triều Nguyễn. Bấy giờ, Nguyễn Du đã ngoài 40 tuổi, đã chứng kiến sự thay đổi của ba triều đại phong kiến, sự đổ vỡ, tàn lụi của chính gia đình ông, một gia đình quan lại lớn, gắn bó với các triều đại ấy. Sự hưng phế, mất còn của các triều đại, cảnh bể dâu của đời người, là nỗi buồn lo, day dứt khôn nguôi trong thơ Nguyễn Du lúc này. Chúng tôi thử sắp xếp lại các ý tứ, các câu chữ trong thơ ông, gắng hình dung ra khuôn mặt tinh thần của nhà thơ-chứng nhân của thời đại mình.

 

 

1. Không giã biệt

không gặp gỡ

ta bước trên lối cũ như khách lạ

 

Khí lạnh ban đêm dồn hết vào một người

chiếc khăn thâm nhỏ hẹp sổ tung

tóc bạc bơ phờ trước gió

suốt đời

chỉ một mối u hoài

 

Tháng năm trôi qua như giấc mộng

mà nào như giấc mộng chàng Lư

ta lênh đênh góc bể, chân trời

ta là người bệnh không có thuốc

kẻ đói không có cơm

dùng sách làm gối tựa khi đau yếu

uống rượu cho bớt vẻ xanh xao

một mình

khêu ngọn đèn trong đêm đã bắt đầu dài

 

2. Không ai trói buộc

không ai gông cùm

không ai đánh đập

không ai chửi mắng

sao ta sống như trong lồng cũi

 

Sao ta không thể rượu say như người ta vẫn uống

không đi săn như người ta vẫn đi săn

không thể yên lòng ngồi nghe các ca nữ đàn hát

trước đèn nến

không thể vui ngắm cúc đầu thu

không thể hái bông sen bên hồ mà lòng không vướng bận

 

Ta sinh ra nào có tướng công hầu

mà lận đận mãi chốn bụi trần không sao gỡ được

ta chờ đợi điều chi

mong mỏi điều chi.

 

 

3. Nào còn đâu những lâu đài đồ sộ nghìn xưa

những thành quách tưởng muôn đời bền vững

ta bước giữa những con đường mới

những đền đài mới

lòng kinh sợ

như đứa trẻ đi trong mưa lạc lối.

 

Những bạn bè cũ đã cáo quan

ăn măng trúc măng mai ngồi câu bên sông vắng

làm thơ thưởng hoa

làm thơ vịnh nguyệt

coi cuộc đời như phù vân

 

Các bạn gái ngày xưa nay tay dắt tay bồng

vẻ đẹp chóng tàn phai

không ai còn mặc áo màu thiên thanh

không ai còn cài hoa trên tóc

không ai còn hát bài hát cũ.

 

Đường dài

trời đã về chiều

tìm đâu ra bạn mới

ta chờ đợi điều chi

mong mỏi điều chi.

 

4. Chợt nhớ người hát khúc Ly Tao bên sông

bờ cỏ đầy hoa lan, hoa chi

nhưng nghìn thưở ai thương người tỉnh một mình

bao nhiêu năm sau ta còn gặp

bọn thượng quan Ngận Thượng

nước mỗi dòng thăm thẳm sóng Mịch La

bao nhiêu năm sau

tưởng còn thấy ngọn cờ

buổi Hàn Tín cầm binh lên phương Bắc

nhưng mấy ai lúc hiển vinh còn nhớ ơn kẻ cứu giúp mình

nỗi oan cừu dễ chi tan được

 

Mấy ai hát như nàng Ngu Cơ lúc kề bên cái chết

ai gảy đàn lúc lâm hình như Thúc Dạ

ai biết vui như Vinh Khải Kỳ đi mót lúa

ai uống rượu tựa Lưu Linh

 

Hàng nghìn năm còn lại mấy tuổi tên

trên mặt đất đầy việc dữ

ta chờ đợi điều chi

mong mỏi điều chi.

 

5. Cả kinh thành đêm nay chỉ một mình ta

không bạn hữu

không trăng

không rượu đắng

ta còn chờ đợi chi

còn mong mỏi điều chi

mắt mở trừng trừng luống tưởng bao chuyện trước

 

Ta như người gảy đàn sau tháng ngày tan hợp*

mặt đã võ vàng

áo quần rách nát

                  không lìa khúc đàn xưa.

 

            * Chỉ cô Cầm, người ca nữ trong bài Long thành cầm giả ca.

 

 

          Người đàn bà ngồi đan

 

                  Giữa chiều lạnh

                  một người đàn bà

                  ngồi đan bên cửa sổ

                  vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã

                  nhẫn nại

                  như thể đó là việc phải làm suốt đời

                  vội vã

                  như thể đó là lần sau chót

 

                  Không thở dài

                  không mỉm cười

                  chị đang giữ kín đau thương

                  hay là hạnh phúc

                  lòng chị đang tràn đầy niềm tin

                  hay là ngờ vực

 

                  Không một lần chị ngẩng nhìn lên

                  chị đang qua những phút giây trước lần gặp mặt

                  hay sau buổi chia ly

                  trong mũi đan kia

                  ẩn dấu niềm hân hoan hay nỗi âu lo

                  trong đôi mắt kia

                  là chán chường hay hy vọng

 

                  Giữa chiều lạnh

                  một người đàn bà ngồi đan bên cửa sổ

                  dưới chân chị

                  cuộn len như quả cầu xanh

                  đang lăn

                  những vòng chậm rãi.

 

          Nhà văn Nguyên Hồng

 

                  Năm 1976

                  trên chuyến tàu Hà Nội - Hải Phòng

                  tôi đã gặp nhà văn

                  giữa đám đông hành khách

                  ông thét gọi người quen

                  tiếng vang

                  suốt cả toa tàu

 

                  Trán đẫm mồ hôi

                  tay khư khư ôm chiếc túi cũ sờn

                  ông giống như

                  một viên chức bậc trung giữa đường công vụ

                  một lão nông về quê sau chuyến đi xa

                  một kẻ lang thang tìm đất mới

 

                  Không chống can và ngậm tẩu

                  khủng khỉnh bàn đến các món ăn, rượu ngon và từ ngữ

                  không chạy nhông trên các diễn đàn

                  rao giảng văn chương

                  không làm bộ trầm tư cao ngạo

                  nhà văn Nguyên Hồng đi trên toa tàu chợ

                  trán đẫm mồ hôi

                  tay khư khư ôm chiếc túi cũ sờn

                  như một viên chức bậc trung giữa đường công vụ

                  một lão nông về quê sau chuyến đi xa

                  một kẻ lang thang

                  tìm đất mới

                  Với giọt lệ lớn

                  nằm dưới đáy đôi mắt đang nheo cười.

 

          Tự do

 

                  Chị đã lường trước sự đói khát

                  đã lường trước những đòn tra tấn hiểm nghèo

                  đã lường trước cái chết

                  nhưng chỉ đến khi

                  đứng sau song sắt nhà tù

                  chị mới hiểu tự do

 

                  Đó không phải là cái cách

                  một người đói hiểu giá trị của bữa cơm

                  một người ốm quý trọng thuốc

                  cũng không giống như kẻ bất hạnh luyến tiếc tình yêu

 

                  Lúc no

                  người ta không nhớ tới cái ăn

                  lúc khỏe người ta quên thuốc

                  trong hạnh phúc

                  người ta sẽ thôi nghĩ về sự may mắn

                 

 

                  Nhưng với chị

                  ngay cả khi không còn tù ngục

                  tự do vẫn như một ám ảnh

                  một giày vò

                  một khát vọng.

 

          Đắc đạo

 

                  Dương Bích Liên uống rượu

                  lặng im

                  và vẽ

 

                  Đã vượt qua mối vướng bận đời thường

                  đã vượt qua

                  mối vướng bận vinh quang

                  đã vượt qua nỗi lo sợ âm thầm

                  khi phải đứng

                  riêng về một phía

 

                  Dương Bích Liên uống rượu

                  lặng im

                  và vẽ

 

                  Những đối cực

                  đã tuyệt vời hài hòa trên mặt vải

                  những tiếng kêu bi thương

                  cuồng nộ

                  đã tan

                  trong lặng thinh kỳ bí

                  và rượu

                  đã thay cho mọi loài ngũ cốc

 

                  Rồi ra đi

                  như một vì sao

                  chợt tắt

                  giữa bao la

 

          Quê hương

 

                  Rồi ta về

                  ngày thơ ngây

                  trái mận, trái mơ

                  con giống đêm rằm

                  đèn trung thu sáng nến

                  phượng nở âm thầm trên mái rêu

 

                  Rồi ta về

                  nghe gió

                  thiếp lặng giữa vòm cây

                  như tiếng gọi trong chiều

 

                  Rồi ta về

                  trông sóng

                  trên mặt nước hồ trong

                  còn chuyến đi bền bỉ tới bờ

 

                  Rồi ta về

                  mưa phùn

                  lộc biếc

 

                  Rồi ta về

                  phố xưa cô vắng

                  sông lớn âm thầm thắm đỏ

 

                  Rồi ta về

                  tìm qua ô cửa

                  một chút gì bóng dáng đời ta

                  một chút gì

                  như đốm nắng trên tường vôi cũ

                  một chút gì như tiếng chim khuyên

                  nơi vườn hoang

 

                  Rồi ta về

                  cuộn trốn giữa yêu thương

                  như đứa trẻ

                  cuộn mình

                  trong chăn ấm chiều đông

 

                  Ôi quê hương

                  quê hương

                  mắt trũng sâu chờ đợi

                  ta khóc

                  ngập lòng trên lối về

 

          Vườn

 

                  Không có giọng nói của anh

                  ánh nhìn của anh

                  tiếng cười của anh

                  để những đốm nắng cuối cùng của mùa hạ

                  những chiếc lá đầu tiên của ngày thu

                  có thể cháy lên thành ngọn

 

                  để khuôn mặt người đàn bà vừa ngang qua

                  có thể

                  huy hoàng dưới vành khăn nâu

 

                  để chiếc nhẫn ai đánh rơi

                  được nhặt lại

                  và dịu dàng chói sáng

 

                  Để con tàu trẻ thơ chạy quanh các luống hoa

                  thành chuyến tốc hành

                  đưa người đến miền cây lá khác

 

                  Để cỏ

                  có thể xanh tựa hồ nước mắt

                  để dấu chân người

                  im giữ niềm bí mật

 

                  Để em

                  có thể nghe nơi vòm dẻ đang nhuốm vàng kia

                  lời nguyện cho nỗi yên hàn.

 

                 

VIẾT VỀ THƠ Ý NHI

HOÀNG HƯNG

 

 

"VƯỜN" CỦA Ý NHI

Cuối một ngày tất bật, cuối con đường tấp nập, ta gặp một khu vườn. Khu vườn lặng lẽ như không thể có trong sự ồn ã của thành phố phương Nam này. Lặng lẽ của con sóng "còn chuyến đi bền bỉ tới bờ", của đoá hoa quì "tựa ngọn đèn ai thắp trong vườn / mong bước chân về", của động tác "thắp ngọn đèn qua đêm chiến tranh / như thắp một nén hương", của chiếc nhẫn hẹn ước "tuột khỏi vòng tay [ngón tay thì đúng hơn?]/ lẩn mình cùng sỏi đá"... Đây là khu vườn của ký ức. Người đàn bà ở bên kia đỉnh dốc mong tìm nơi "vòm dẻ nhuốm vàng kia / lời nguyện cho nỗi yên hàn" mà ký ức không thể yên hàn, ước nguyện "ra đi / như người đàn bà đi khỏi mối tình của mình" mà kỷ niệm không sao cất bước. Vì đã có một mối tình đi qua không bùng nổ không dông bão mà in dấu rất sâu trong "ánh chớp số phận", có lẽ cho đến hết cuộc đời vẫn còn làm chị "lặng lẽ nói cười lặng lẽ nát tan". May chăng thoát khỏi nỗi buồn u ẩn kia là những "đôi khi" bắt gặp lẽ vô cầu của chiếc gàu cứ thả mình trong sự va đập, của đứa trẻ bán xực tắc mải mê trong tiếng gõ..., là lúc "được bao phủ bởi thứ ánh sáng mơ hồ" của cái quán phi-thời-gian nào đó. Và khi ấy ta gặp lại mộng ước của tuổi 15 "được ra đi / ra đi mãi / về phía dãy núi màu lam sẫm".

Những bài hay (bài số 3 trong "Năm lời cho bài hát", "Đôi khi", "Vườn 2", "Ra đi"), những câu hay trong tập thơ 29 bài mới ra của Ý Nhi (NXB Văn học) làm ta cảm động một cách dịu dàng, thầm kín, giọng tâm tình nhẹ mà đằm của "người đàn bà ngồi đan" làm nên nhạc điệu bên trong của những câu thơ tự do không vần. Chị đâu cần "tập làm thơ lục bát" để bị bẫy vào những khuôn sáo không xứng với chị! Và những khi chạy theo tứ thơ, ham triết lý hơn là để cảm xúc (cảm xúc không nhất thiết là nước mắt) dẫn dắt thì "người đàn bà ngồi đan" có nguy cơ biến thành... nữ sĩ thanh lịch giữa một xa-lông thơ.

 

THƠ Ý NHI*

Ba mươi năm, 8 tập thơ đã in, chọn lại trên 130 bài, cuối cùng Ý Nhi trình diện công chúng một chân dung của mình dường như đã định hình vững vàng đến mức chỉ có một biến cố ghê gờm lắm mới có thể làm biến đổi trong tương lai.

Chân dung ấy, hơn chục năm đầu còn lẫn lộn trong một kiểu trang điểm và y phục chung của lớp thiếu nữ đem trái tim được nuôi bằng văn Pa-u và thơ Becgôn đi vào cái thực tế lạ lùng – gian lao mà đầy lãng mạn – của đất Bắc thời chiến, đã đột ngột tách ra khác hẳn trong bối cảnh phức tạp của đời sống hậu chiến. Cô thiếu nữ mơ mộng trở thành “người đàn bà ngồi đan”. Đọïc lại bài thơ mang tên ấy sau gần hai mươi năm, tôi vẫn ngạc nhiên vì sự trầm tĩnh lạ thường của người đàn bà như cô lập trong thế giới riêng của mình giữa những biến động và hiểm họa của thời cuộc khi ấy. “Người đàn bà ngồi đan bên của sổ/vẻ vừa nhẫn nại vừa vội vã/nhẫn nại như thể đó là viêc phải làm suốt đời/vội vã như thể đó là lần sau chót”. Lặng lẽ ngồi, bí ẩn như bản thân đời sống, bình thản như cuộn len dưới chân – quả địa cầu của chúng ta đang chậm rãi lăn trong vũ trụ, chứa đựng trong nó một thực tại mang tính nước đôi muôn thuở: cái gì cũng có thể là điều ngược lạïi với chính nó.

Thi pháp thơ Ý Nhi phơi bày trong bài thơ chủ chốt ấy của đời thơ chị. Kìm nén hoặc để nguội hết những cảm giác tức thời, những cảm xúc bột khởi, thờ ơ với đời sống bản năng, thơ Ý Nhi là một kiểu trữ tình gián cách, những ký ức đã tinh lọc; không ít bài thơ của chị vững chãi trên một cấu tứ khúc chiết, để bật ra ở cuối kết một chiêm nghiệm dễ được đồng cảm. Đây là một lối thơ hiếm trong trào lưu quen thuộc lâu nay của thơ Việt Nam ồn ào, kể lể, dàn trải tâm tình. Cũng hiếm như lựa chọn thể thơ tự do không vần, lắm lúc văn xuôi một cách triệt để của chị. Vì đó là thứ trữ tình của cái ngày thường, rũ bỏ ảo tưởng lãng mạn, “vừa đun nấu trên ngọn lửa bếp dầu chút thức ăn ít ỏi vừa nghĩ đến vẻ đẹp thực chất của bữa ăn”. Chị có xu hướng cảm nhận cuộc đời trong tính hai mặt nghịch lý của nó: Mùa thu có thể là “vòm trời xanh dịu” hay “cơn bão lớn”, tiểu sử của một con người có đầy đủ “lừa dối, phản trắc” và “tin cậy, yêu thương”, tới “ngõ cụt” và “cũng đã tới biển “. Chị nhạy cảm với “cái vạch nhỏ xíu/của thủy chung và phản trắc, của tan vỡ và hy vọng, của hằn thù và tha thứ”.

Không phải lúc nào Ý Nhi cũng làm chủ được chỗ đứng mong manh trên “cái vạch nhỏ xíu” giữa cảm và nghĩ, giữa câu thơ giản dị và lời nói thiếu âm vang. Ngược lại, tôi tiếc cho một năng lực linh cảm và làm xao động lòng người – mà người ta thường coi là thế mạnh của phụ nữ – chưa được chị khai thác đầy đủ. Những giây phút “linh cảm điều lớn lao sẽ xảy ra trong thời khắc ấy” của mùa thu, những bất chợt “ước ao một tiếng gõ bất thường sau cánh cửa”, những đau đớn cuối cùng phải buột ra của người đàn bà khi “đi khỏi mối tình của mình” vụt nhớ lại giây phút định mệnh “trong ánh chớp của phận số/em đã kịp nhìn thấy anh” để rồi phải “lặng lẽ nói cười/lặng lẽ nát tan”, những “đôi khi” tâm trạng buông thả đến vô cầu “như chiếc gàu thả sâu trong lòng giếng/cứ va đập/ va đập mãi vào bờ đất/ cho đến hồi/chỉ còn lại một vốc nước nhỏ... như đứa trẻ bán hủ tiếu rong/tay cứ gõ hoài hai thanh gỗ mỏng/rồi lắng nghe cái âm thanh khô giòn quen thuộc ấy/ta đã quên chuyến đi/đã thôi chờ đợi/ tiếng gọi của khách hàng”.

* NXB HỘI NHÀ VĂN 2000