Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 12, 2015

Diễn từ của nhà thơ Ý Nhi tại lễ trao giải Cikada 2015

Thưa bà Camilla Mellander,

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền vương quốc Thụy Điển tại Việt Nam

Thưa ông Lars Vargö,

Chủ tịch Ban giám khảo giải thưởng Cikada 2015

Thưa quý vị,

Thưa các bạn thân mến,

Cách đây 40 năm, nhà thơ Italia Eugenio Montale từng đặt câu hỏi: “Thơ còn tồn tại được không trong vũ trụ truyền thông đại chúng?”. Từ bấy đến nay, cái “vũ trụ truyền thông đại chúng” ấy, ngày một phát triển, ngày một bành trướng, lấn lướt và vây chặt cuộc sống của chúng ta. Nhiều khi ta có cảm giác ngạt thở vì chúng, không còn biết ngoảnh mặt đi đâu, không còn biết lắng nghe điều gì. Và dường như áp lực này không dành riêng cho các nhà thơ mà còn ảnh hưởng đến tâm trí các nhà chính trị – những người vốn được coi là sắt đá, cứng rắn. Tôi còn nhớ, trong một cuộc phỏng vấn cách đây vài năm, bà Julia Gillard, lúc bấy giờ đang là Thủ tướng Australia đã có một câu trả lời rất thú vị. Khi phóng viên hỏi bà có quan tâm đến sự đồn đoán về ngày tận thế không, bà đã trả lời, đại ý: Có, nhưng tôi e rằng K-pop sẽ hủy diệt thế giới trước khi ngày tận thế đến.

Nhưng như chúng ta thấy, Thơ vẫn tồn tại. Không tranh chấp, không giành thị phần, không có phương tiện để quảng cáo, Thơ tồn tại một cách tự nhiên, một cách hữu lý như tất cả những gì tồn tại trong thế giới của chúng ta. Vì sao ư? Vì nỗi đau khổ và niềm hy vọng của con người. Tôi không nhớ ai đã nói câu nói vừa quyết liệt vừa tha thiết này nhưng chắc chắn đây là câu nói của một nhà thơ thực thụ: một bài thơ là sự phát triển của một tiếng kêu. Chúng ta có thể diễn giải sự đúc kết này bằng một câu nói khác: Khi nào tiếng kêu của con người còn thì thơ còn. Sự nghèo đói, chiến tranh, những cuộc di dân, những vụ thảm sát, bão lũ, động đất, sóng thần… vẫn từng ngày từng ngày diễn ra trên hành tinh này, ngay trước mắt chúng ta. Và con người, với bản năng sống mãnh liệt, với niềm khao khát tự do, hạnh phúc, đã không ngừng tìm cho mình một con đường, một nơi chốn, không ngừng xây dựng, không ngừng hy vọng, bất chấp hiểm nguy, bất chấp cả cái chết. Không chỉ tiếng kêu thương mà cả tiếng gào thét phẫn nộ, cả tiếng cười, cả tiếng reo ca sẽ là nơi bắt đầu của những bài thơ. Do một đặc ân được ban tặng riêng cho họ, chỉ các nhà thơ mới nghe thấy tiếng kêu ấy và có thể sáng tạo nên những bài Thơ.

Năm 2001, tôi có dịp dự trại mùa hè do Trung tâm William Joiner thuộc trường Đại học Massachusetts (Boston, Hoa Kỳ) tổ chức. Trong thời gian này chúng tôi có hai lần đọc thơ tại Santa Fe và Boston. Mỗi buổi đọc thơ đều có đông người tham dự. Thú thực, tôi có phần ngạc nhiên vì sự im lặng của đám đông khi nghe chúng tôi đọc và những tràng vỗ tay dài khi kết thúc mỗi bài thơ. Ở cả hai nơi đều có cuộc trao đổi ngắn khi buổi đọc thơ kết thúc. Tôi còn nhớ mãi một nhóm người đứng đợi chúng tôi tại cửa ra vào của hội trường. Họ tặng tôi những món quà nho nhỏ như một cây bút bi, một tấm bưu ảnh, có người còn gửi tặng mẹ tôi một bức tranh khắc gỗ những bông hoa màu tím do anh tự làm. Một phụ nữ trung niên nói với tôi, chị thích bài thơ Tự do tôi vừa đọc (qua lời dịch trực tiếp của nhà thơ Nguyễn Bá Chung). Họ bảo khi thơ tôi in ở Hoa Kỳ, họ sẽ tìm mua. Bịn rịn mãi tôi mới có thể chia tay họ. Đó là những người đến từ Bosnia. Họ tìm thấy trong thơ tôi – thơ của một người Việt Nam, nơi vừa trải qua cuộc chiến tranh tàn khốc – sự đồng cảm.

Trước Eugenio Montale 15 năm, một nhà thơ khác, Saint-John Perse (nhà thơ Pháp) cũng từng lo ngại: “Càng ngày càng thấy rõ sự tách rời giữa hoạt động thơ ca với cuộc sống xã hội bị nô lệ vào vật chất”.Từ bấy đến nay, khoảng cách giữa hoạt động thơ ca và xã hội tiêu dùng như ngày một rộng ra. Không ít người đã lo rằng thơ không còn đất sống, thơ sẽ bị tận diệt. Nhưng, bằng một cách nào đó, thơ vẫn tồn tại. Chính Saint-John Perse đã có lời biện giải cho sự bất diệt ấy: “Nhà thơ tồn tại trong con người sống nơi hang động, nhà thơ lại sẽ sống trong con người thời hạt nhân vì chất nhà thơ đó là phần không thể thiếu của con người… Thơ hiện đại dấn thân vào một sự nghiệp mà càng đeo đuổi thì càng khiến con người được hoàn toàn là chính mình. Như để minh chứng cho nhận định của ông, các nhà thơ, từ châu Âu đến châu Mỹ, từ châu Phi đến châu Á, châu Đại dương vẫn không ngừng làm thơ, xuất bản thơ, các tạp chí Thơ vẫn được trân trọng, các sinh hoạt văn học dành riêng cho thơ vẫn được tổ chức, các giải thưởng văn chương vẫn vinh danh các nhà thơ. Chỉ tính riêng giải Nobel dành cho văn học, từ 1960 đến nay đã có gần hai mươi nhà thơ được đón nhận. Tôi có thể kể ra đây những tên tuổi tương đối quen thuộc với người đọc Việt Nam: Saint-John Perse, Pablo Neruda, Harry Martinson, Eugenio Montale, Czeslaw Milosz, Joseph Brodsky, Octavio Paz, Wislawa Szymborka… và gần đây nhất, vào năm 2011, Tomas Tranströmer. Tôi muốn được nhắc lại rằng, sự tồn tại của Thơ trong thế giới đương đại không phải là một thách đố, một cố gắng đương đầu, mà là lẽ tự nhiên, là sự cần thiết.

Gần đây, tôi nhận được cuốn sách Thơ cần thiết cho ai? của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, một người Canada, gốc Việt. Trong tập sách này Nguyễn Đức Tùng giới thiệu 10 nhà thơ đương đại Hoa Kỳ và Canada – theo anh, là tinh hoa của thơ Bắc Mỹ. Viết về các nhà thơ đương đại, Nguyễn Đức Tùng trước hết, khẳng định sự tồn tại của thơ trong đời sống hôm nay. Đương nhiên, ta không thể tìm thấy một câu trả lời gọn ghẽ, giản đơn cho câu hỏi Thơ cần thiết cho ai?. Nhưng lần theo cách dẫn giải của tác giả, có thể nhận thấy, thơ đã “nhập” vào người đọc trong những khoảnh khắc, những tình huống, những trạng thái tình cảm đặc biệt như khi vừa có cuộc chia tay đau đớn với người phụ nữ mình từng yêu thương, khi trở về ngôi nhà cũ đã trở nên hoang lạnh và nằm ngủ trước khung cửa đóng, khi một mình lái xe trên đường giữa những cánh đồng cỏ xanh điểm hoa cúc vàng, khi chợt nhìn thấy một pho tượng đẹp giữa công viên, khi ngồi một mình ở tiệm cà phê giữa một ngày tháng 6 lạ lùng, trời đang nắng bỗng lạnh bất ngờ, tuyết rơi trắng xóa, khi đang trải qua “những tháng ngày tối đen hun hút, trượt đi dưới chân như băng vỡ”, khi đang lâm vào cảnh “chán nản, thua sạch, mất hết” và mong đợi một sự bình yên… Bất chấp thời gian, bất chấp những đặc điểm địa lý, những khác biệt văn hóa, bất chấp những cách tân, các khuynh hướng, các trường phái, thơ vẫn là nơi chốn con người có thể tìm đến như tìm đến một vẻ đẹp, một niềm vui, một sự an ủi, một thanh lọc, một gợi mở.

Thưa quý vị, cũng chính từ cuốn sách này, tôi còn được biết, Billy Collins vẫn có thể sống bằng tác quyền thơ, không cần làm thêm công việc khác và trong buổi đọc thơ của Patrick Lane tại Vancouver, căn phòng có 300 chỗ ngồi đã chật cứng, có những người phải đứng dọc hành lang để xin chữ ký. Xem ra, “cuộc sống xã hội bị nô lệ vào vật chất” không thể giết chết thơ. Ngược lại là khác, bởi vì thơ chính là “thuốc giải độc cho kỹ thuật và thị trường”, theo Octavio Paz (nhà thơ Mexico). Xin đừng lo lắng cho Thơ. Dù cho trong 1000 người chỉ còn hai người yêu thơ (theo W. Szymborska) thì so với số người trên trái đất hiện nay, vẫn còn khá đông. Vả chăng, chỉ có ích cho một người, Thơ đã xứng đáng để tồn tại.

Thưa quý vị, trong bài viết nhỏ này, tôi muốn dừng lại một chút ở Joseph Brodsky. Do những điều kiện xã hội của mình, tôi quan tâm nhiều đến những ý kiến bàn về vai trò của văn chương trong sự phát triển của một xã hội cũng như vai trò công dân của nhà thơ trong xã hội ấy. Tôi vẫn nghĩ, có thể nhiều người không cần thơ mà họ cần trước hết lương tri của nhà thơ, tiếng nói của nhà thơ.

Salvatore Quasimodo (nhà thơ Ý), trong một phát biểu đã nói rất rành mạch về mối quan hệ giữa Chính trị và Thơ ca: “Mâu thuẫn giữa nhà thơ và nhà chính trị thường là hiển nhiên trong mọi nền văn hóa… Trong thế giới đương đại, nhà chính trị có thể theo một loạt quan điểm khác nhau nhưng một sự hòa hợp giữa nhà thơ và nhà chính trị sẽ mãi mãi là bất khả,bởi lẽ, một người quan tâm đến trật tự nội tâm của con người, người kia lo sắp xếp con người vào vòng trật tự. Nhiều nhà thơ khác, đặc biệt là các nhà thơ sống trong những đất nước chậm phát triển, đang phải phấn đấu để đưa con người đến Tự do, Dân chủ cũng đã nói rất thuyết phục về điều này. Nhưng, một cách tự nhiên, tôi cảm thấy gần với những suy nghĩ của J. Brodsky hơn cả. Xin quý vị lắng nghe: “Sự bất bình, mỉa mai hay thờ ơ mà văn học nhiều khi thể hiện đối với nhà nước thực chất là phản ứng của cái trường tồn, nói đúng hơn, là cái vô biên, đối với cái nhất thời, cái hữu hạn. Ít ra, cho đến khi nào nhà nước cho phép mình can thiệp vào công việc của văn học thì văn học cũng có quyền can thiệp vào công việc của nhà nước… Triết lý của nhà nước, đạo lý của nó chưa nói đến thẩm mỹ của nó luôn luôn làhôm qua, ngôn ngữ, văn học luôn luôn là hôm nay và nhiều khi đặc biệt trong một hệ thống chính trị bảo thủ chính thống nào đó thậm chí làngày mai’”Và, “Con người không có tương lai nào khác ngoài tương lai do nghệ thuật phác thảo ra…” Và nữa: Nếu chúng ta lựa chọn những người cầm quyền dựa trên cơ sở kinh nghiệm đọc của họ chứ không phải trên cơ sở các chương trình chính trị, thì trên trái đất sẽ ít đau khổ hơn nhiều… Điều đầu tiên cần hỏi kẻ ứng cử nắm giữ số phận chúng ta không phải là ông ta hình dung chính sách đối ngoại ra sao mà ông ta có thái độ thế nào đối với Stendhal, Dickens, Dostoevski… Đối với một người đọc kỹ Dickens thì việc nổ súng bắn vào đồng loại dù nhân danh bất kỳ tư tưởng nào cũng khó hơn nhiều người không đọc Dickens. Văn học hiện diện như một liều thuốc giải độc hữu hiệu chống lại bất kỳ mưu toan nào... Tôi hiểu, nếu không có một ý thức sâu sắc về sứ mạng của văn học như thế chắc chắn J. Brodsky đã không thể vượt qua những năm tháng tù tội ngay trên quê hương mình và cuộc sống lưu vong nhiều bất trắc sau đó. Nếu không có niềm tin vào những gì văn học có thể đem lại cho cuộc sống, ông không thể sáng tạo nên những vần thơ trác tuyệt để lại cho chúng ta. Tôi ngưỡng mộ tư tưởng của J. Brodsky nhưng khi đọc ông, tôi không khỏi băn khoăn: Làm sao ở những đất nước còn lạc hậu, nghèo nàn, thiếu tự do, văn chương có thể có một quyền năng như thế, làm sao có thể “thẩm định” các nhà lãnh đạo theo cái chuẩn của Brodsky? (Họ đâu có biết Dickens là ai, có khi lại nhầm ông với một ai đó nguy hại cho họ cũng không chừng). Nếu may mắn được gặp hoặc được trao đổi với J. Brodsky, tôi sẽ nhờ cậy ông nhưng giờ đây, khi không còn cơ hội ấy, tôi đành phải tự tìm lời đáp cho chính mình.

Thưa quý vị,

Khi nhận được thư thông báo của bà Đại sứ về giải thưởng Sikada 2015 dành cho tôi, tôi đã hồi đáp để cám ơn, trong đó tôi đã viết, đại ý: Bà đã đem đến cho tôi một tin vui nhiều ý nghĩa. Trước hết, đó là một niềm vui bất ngờ, mà như mọi người đều biết, một niềm vui bất ngờ bao giờ cũng giàu cảm xúc hơn một niềm vui ta biết rằng sẽ đến. Hơn nữa, tin vui này lại đến từ Thụy Điển, đất nước của tự do, của lòng nhân ái, của sự tôn trọng con người và của những giá trị văn hóa lớn. Tôi cũng nói với bà rằng, mặc dù khoảng cách địa lý giữa Thụy Điển và Việt Nam là rất lớn, tôi và nhiều người Việt Nam không có cảm giác xa lạ với đất nước của bà. Tôi có thể nói rất nhiều về đất nước Thụy Điển nhưng trong bài viết nhỏ này, tôi chỉ xin nói đến vai trò đặc biệt của văn học trong sự nối kết các dân tộc.

Nelly Sachs, nhà thơ Do Thái, đã nói rằng: “Nhờ yêu tác phẩm của Selma Lagerlöf mà cũng sinh yêu lây đất nước của bà. Từ nước Đức, Nelly Sachs đã lựa chọn Thụy Điển để sinh sống, học tập, làm việc và nhận giải Nobel văn chương trong tư cách một nhà thơ Thụy Điển. Có thể coi trường hợp của N. Sachs là một trường hợp đặc biệt nhưng cái bệnh “yêu lây” một đất nước xa lạ nhờ vào các tác phẩm văn học là việc có thật và khá phổ biến. Tôi sẽ không yêu nước Nga đến thế nếu không có Mikhail Lermontov, A. Puskin, Anton Tchekhov, Ivan Bunin, B. Pasternak, Marina Tsvetaeva, Anna Akhmatova, Vasily Makarovich Shukshin… Tôi sẽ không yêu nước Pháp đến thế nếu không có V. Hugo, Arthur Rimbaud, André Malraux, Alphonse Daudet, Albert Camus, Samuel Beckett, Saint-Exupéry, Patrick Modiano… Chính Orhan Pamuk, với Tên tôi là đỏ, Tuyết, Istanbul đã đưa dẫn ta đến với đất Thổ kỳ lạ của ông, Alejo Capentier, G. G. Marquez, Mario Vargas Llosa làm cho Mỹ Latin không còn xa lạ nữa… Và, không chỉ riêng Nelly Sachs, tôi và nhiều người Việt Nam cũng “yêu lây” Thụy Điển qua S. Lagerlöf với Truyện cổ Gösta Berling Những cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils được dịch sang tiếng Việt. Trong khi Czesław Milosz (nhà thơ Ba Lan) nói rằng ông chịu ảnh hưởng sâu sắc thi pháp của S. Lagerlöf thì chúng tôi lại cùng hiệp sĩ Gösta Berling và cậu bé Nils chìm đắm trong những truyền thuyết, những lễ hội đốt lửa, hội múa hạc mùa xuân, những đêm giáng sinh huyền bí, những thành phố tráng lệ dưới nước, những vùng đầm phá rộng lớn, những vụng biển ngập ánh trăng và những cuộc trò chuyện đầy thi vị giữa con người với nhau, giữa con người với muông thú, với cỏ cây… để nhận ra vẻ đẹp tâm hồn Thụy Điển. Đó là những tâm hồn khoáng đạt, giàu tưởng tượng, yêu tự do và có một đời sống tâm linh sâu sắc. Văn học không phải là phương cách duy nhất để người ta thấu hiểu một dân tộc, một vùng đất nhưng đó là phương cách tinh diệu nhất, nó tạo nên mối giao hòa, sự gắn kết của những tâm hồn. Từ rất lâu rồi Giorgos Seferis (nhà thơ Hy Lạp) đã nhắc đến “Tấm lòng hào phóng Thụy Điển” và Ivan Bunin – nhà văn Nga lưu vong – người nhận giải thưởng Nobel vào năm 1933 đã khẳng định: “Tình yêu tự do là biểu tượng dân tộc chân chính của Thụy Điển.

Thưa quý vị,

Như quý vị nhận thấy, tôi đã trích dẫn khá nhiều những câu nói, những nhận định của các nhà thơ. Tôi tin những gì họ nói. Đối với tôi, lời nói của họ là một bảo lãnh.

Cuối cùng, tôi xin trở lại với giải thưởng Cikada 2015 được trao tặng cho tôi hôm nay (Cikada /Con ve là tựa đề một tập thơ của Harry Martison, xuất bản năm 1953). Tôi vinh hạnh khi đứng bên cạnh các nhà thơ Minzuta Noriko (Nhật Bản), Ko Un (Hàn Quốc), Shun Kyung-rim (Hàn Quốc), Bei Dao (Trung Quốc)… Họ là những nhà thơ đồng thời là các học giả và là những nhà hoạt động xã hội xuất sắc, đã đóng góp rất nhiều cho sự tiến bộ của dân tộc mình và có nhiều ảnh hưởng với thế giới. Đặc biệt, Minzuta Noriko còn dành rất nhiều công sức cho ngành Phụ nữ học nói chung và Văn học của phụ nữ nói riêng.

Tôi hiểu, một giải thưởng không chỉ là sự vinh danh mà còn là một khích lệ, một nhắc nhở, hơn thế, một ràng buộc. Bởi vậy, lúc này trong lòng tôi không chỉ có niềm vui mà có cả nỗi lo âu, khi nghĩ đến những gì mình còn cần phải làm.

Tôi được biết giải thưởng Cikada lập nên vào năm 2004, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Harry Martinson, với ý nghĩa “ghi nhận những đóng góp thông qua các vần thơ ca ngợi sự thiêng liêng của cuộc sống”. Cùng với Eyvind Johnson, Harry Martinson đã nhận giải thưởng Nobel vào năm 1974. Trong lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thụy Điển, có đoạn viết: “Họ đại diện cho những nhà văn xuất thân từ người lao động đi vào văn học và làm giàu cho văn học bằng chính số phận phức tạp của mình”. Mỗi người, đều đã vượt qua những tháng năm gian khó của mình để tận hiến cho văn học với rất nhiều tác phẩm văn chương giá trị, bao gồm nhiều thể loại. May mắn cho tôi khi tác phẩm quan trọng của ông – trường ca Aniara – đã được ấn hành tại Việt Nam cách đây vài năm. Một con tàu chở 8.000 người đào thoát khỏi trái đất đang bị nhiễm xạ nguyên tử và bị đe dọa bởi những thứ vũ khí quái lạ do trí tuệ con người tạo ra. Con tàu – cỗ quan tài lớn (chữ của H. Martinson) – chất chứa nỗi tuyệt vọng của con người cũng chính là lời cảnh báo nghiêm khắc cho sự hủy hoại thiên nhiên, hủy hoại môi trường sống, là lời lên án đanh thép những tội lỗi của con người. Hơn 60 năm trôi qua, lời cảnh báo này vẫn còn nguyên giá trị. Bản tráng ca bi thảm này của Harry Martinson cũng nói lên tính dự báo và tính tiên tri của thơ.

Tôi chân thành cám ơn Ban giám khảo giải thưởng Cikada, cám ơn Viện Thụy Điển, cám ơn nghệ sĩ Gốm Gunilla Sundström (xin nói giúp với ông rằng tôi vốn yêu nghệ thuật chế tạo gốm – yêu những sản phẩm được làm trực tiếp từ Đất và Lửa), xin cám ơn ngài Styrbjörn Gustafsson, Tổng Biên tập nhà xuất bản Tranan, nơi đã cho ấn hành các tác phẩm văn học Việt Nam, trong đó có thơ của tôi. Xin cám ơn ông Đoàn Tử Huyến, Giám đốc công ty Văn hóa và Ngôn ngữ Đông Tây, người đã hợp tác với Tranan giới thiệu các tác phẩm văn học Thụy Điển cho người Việt Nam và văn học Việt Nam cho người Thụy Điển, xin cám ơn nhà thơ Hoàng Hưng, người đã bỏ rất nhiều công sức cho việc chuyển ngữ trường ca Aniara của Harry Martinson và đã truyền cảm hứng từ pho sử thi khoa học giả tưởng này đến người đọc Việt Nam bằng những bài viết của mình.

Xin cám ơn bà Đại sứ Camilla Mellander, người đại diện của đất nước Thụy Điển, trao vào tay tôi giải thưởng này.

Xin cám ơn quý vị.

Phụ lục:

Ngày 27/11/2015, tại TP HCM, một cuộc cà phê được tổ chức để chúc mừng nhà thơ Ý Nhi.

clip_image002

Nhà văn Nguyên Ngọc, thay mặt anh em Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam, tặng hoa cho nhà thơ Ý Nhi.

clip_image004

Tranh của nhà thơ - họa sĩ Đỗ Trung Quân tặng nhà thơ Ý Nhi

clip_image006

Tối 30/11/2015, lễ trao giải Cikada 2015 được tổ chức tại Đại sứ quán Thụy Điển, Hà Nội.

Bà Camilla Mellander, Đại sứ Thuỵ Điển tại Việt Nam (trái), ông Lars Vargö, Chủ tịch Ban giám khảo giải thưởng Cikada 2015 (phải) và nhà thơ Ý Nhi

clip_image008

Nhà thơ Ý Nhi đọc diễn từ nhận giải Cikada 2015

clip_image010