Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 30 tháng 11, 2015

Về việc dạy Sử trong nhà trường (9)

Văn Việt: Cuộc thảo luận về dạy Sử trong nhà trường phổ thông mà Văn Việt mở ra nhân sự kiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất “tích hợp” môn Sử, đã nhận được những ý kiến nhiều chiều. Thiết nghĩ đến nay cuộc thảo luận có thể kết thúc, nhất là sau khi Quốc hội đã ra nghị quyết “không cho phép bỏ môn học Lịch sử”. Dù cách hiểu ý tưởng “tích hợp môn Sử” của Bộ Giáo dục và Đào tạo còn khác nhau, song những phản ứng mạnh mẽ của công luận ít ra cũng cho thấy thái độ tích cực của người dân đối với việc bảo vệ truyền thống chống ngoại xâm, giữ vững độc lập chủ quyền quốc gia, đặc biệt trong hoàn cảnh đất nước đang bị Tàu Cộng xâm lấn từng ngày bằng nhiều thủ đoạn vừa tinh vi vừa trắng trợn. Hơn nữa, điều hết sức quan trọng là không ít người đã nhấn mạnh yêu cầu giáo dục lịch sử một cách trung thực và khoa học ngay từ những lớp nhỏ, không chính trị hóa - tuyên truyền hóa môn học này như đã thể hiện trên hai vấn đề nổi bật: Sử Đảng lấn át Sử Nước, sử chống xâm lược Tàu đương đại bị cố tình coi nhẹ thậm chí “lờ đi” vì… “đại cục”!? Hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo và cấp thực sự có quyền quyết định về Giáo dục là Bộ Chính trị Đảng Cộng sản ý thức được những yêu cầu chính đáng ấy để nghiêm túc trong việc biên soạn chương trình và sách giáo khoa môn Sử sắp tới.
Văn Việt xin chấm dứt cuộc thảo luận với bức thư sau của một nhà nghiên cứu văn học & ngôn ngữ đang làm việc tại NXB Giáo dục.
Thư gửi Ban Biên tập Văn Việt
Kính gửi Ban Biên tập Văn Việt
Nhân Hội Sử học và dư luận ồn lên chuyện dự thảo chương trình môn Sử, Văn Việt có đề xuất cuộc thảo luận. Đến nay có lẽ gần chục bài viết và tôi nghĩ Ban Biên tập nên có tổng kết nhỏ. Riêng tôi thấy chuyện này phức tạp hơn bề nổi của nó mà nhiều người đã nói. Không cẩn thận, chính chúng ta dễ hùa theo dư luận mà đi sai vấn đề.
1. Nếu đọc văn bản dự thảo chương trình (DTCT) rõ ràng không có chuyện tích hợp Sử vào môn Giáo dục công dân (cấp trung học cơ sở) và Công dân với Tổ quốc (cấp trung học phổ thông). Đấy là những môn cốt lõi thuộc lĩnh vực giáo dục Đạo đức - Công dân, trong khi kiến thức lịch sử ở các lớp dưới khi chưa tách môn, được học ở các môn học cốt lõi thuộc lĩnh vực giáo dục Khoa học Xã hội, cụ thể là môn Cuộc sống quanh ta (các lớp 1, 2, 3); Tìm hiểu Xã hội (các lớp 4, 5); Khoa học Xã hội (cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, nếu theo học Khoa học Tự nhiên). Cấp trung học phổ thông mà học sinh định hướng theo học Khoa học Xã hội (gọi theo cách cũ là ban Khoa học Xã hội) thì mới tách thành Lịch sử, Địa lý.
Có cứ gì môn Sử mà tất cả các môn được sắp xếp lại theo chiều hướng vừa học kiến thức chung, tổng hợp ở các lớp dưới và các môn không thuộc nhóm chuyên ngành theo đuổi, vừa chuyên môn hóa ở các môn thuộc  nhóm chuyên ngành theo đuổi (tức là chia ban Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội). Nếu môn Sử trở lại như cũ thì phá vỡ hệ thống này và chương trình trở lại như trước, trong khi ai cũng mong cải cách giáo dục theo hướng thiết thực, tránh nặng nề, tránh học cái chuyên sâu không cần thiết.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vốn hèn, nếu bị áp lực quá, họ lại bỏ cái hay vừa manh nha, theo cái dở thì càng dở hơn.
2. Có ai nghĩ tại sao vấn đề trên lại được “lề phải” xới lên vào lúc này, cùng với bài Nam quốc sơn hà trong sách giáo khoa? (Trong khi chương trình dự thảo đã ban hành ba tháng nay và văn bản bài Nam quốc sơn hà đã nằm trong sách giáo khoa như thế từ hơn nửa thế kỷ nay). Tôi rất ngờ có bàn tay đạo diễn của những tay làm tuyên truyền nhà nghề, những tay chuyên nghề lèo lái dư luận xã hội. Kinh nghiệm nhiều lần hễ Biển Đông dậy sóng (Tàu Cộng gây sự lớn) là y như có ngay một vụ “xì căng đan” nội bộ nào đó, thông thường là của ngành Giáo dục hay Y tế. Họ ném một tàn lửa vào một trong hai ngành này vì hai ngành dễ thu hút dư luận và cũng dễ bị dư luận ném đá hội đồng nhất. Lửa bùng lên, thiêu hết (hoặc tạm quên) mọi chuyện bức xúc khác. Lần này vừa sau vụ Tập Cận Bình sang. Trước và trong khi Tập sang, lề phải rùm beng ca ngợi Tập và Tàu Cộng, nhưng sau đó họ thấy lố quá và đau quá nữa (đặc biệt qua hai sự kiện: đàn áp dã man biểu tình và chuyện Tập sang Sing nói ngược 180 độ), cho nên những tay tuyên truyền nhà nghề đã chữa thẹn, lấy lại sĩ diện hão “tinh thần dân tộc” cho dân ta bằng cái việc đề cao lịch sử, môn Sử, hạch sách Bộ Giáo dục và Đào tạo về chương trình, hạch sách văn bản bài Nam quốc sơn hà trong sách giáo khoa. Việc này đánh trúng vào “lòng tự hào” của dân Việt Nam, cho nên sóng “yêu nước” nổi dậy như cồn. Mọi nỗi xấu hổ quỳ gối trước Tàu Cộng bỗng được quên đi!
3. Có bác ủng hộ mấy tuyên ngôn “dũng cảm” của mấy giáo sư sử học. Chẳng lẽ các bác không hiểu họ! Nhìn chung trí thức xã hội chủ nghĩa là các trí nô, nhưng không có giới nào làm trí nô thảm hại như giới sử học. Ai cắt xén lịch sử, ai “sáng tác” lịch sử, nếu không là chính trùm sử học Mác xít? Sử dạy trong nhà trường buộc phải viết theo họ (và tất nhiên theo cả sự chỉ đạo sát sao của Tuyên giáo), chứ làm sao khác được? Thế mà họ lại lu loa sách giáo khoa thế nọ thế kia. Chỉ xin dẫn chứng một chi tiết này: về cuộc chiến biên giới 1979 với Tàu Cộng, SGK Lịch sử 9, một cuốn sách chưa đầy 200 trang, sau khi bị chỉ đạo cắt mãi, cũng dám để được 8 dòng; trong khi đó bộ Lịch sử VN, 4 tập, 3.296 trang mà cũng chỉ dám để có 8 dòng! Ấy là chưa kể từ khi Tàu Cộng gây hấn trắng trợn (2011), giới nào cũng ít nhiều có người lên tiếng, nhưng giới sử học, ngoài vài ý kiến yếu ớt của ông Dương Trung Quốc, Vũ Minh Giang, thì gần như im lặng. Xem đó đủ biết tinh thần “yêu nước”, tử vì đạo (sử) của họ.
TB: Tôi tuy làm ở ngành Giáo dục, nhưng chỉ là người làm thuê (lương được trả bằng cách đếm số mình chữ biên tập), không có chức tước, bổng lộc gì (nếu vào hệ thống để chia chác cũng không khó, nhưng tôi từ chối ngay từ ngày đầu nhận công tác và trong suốt gần 40 năm qua). Cho nên tôi không có gì dính quyền lợi mà phải bênh vực ngành Giáo dục, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nhưng cái gì họ đúng thì cũng bảo là đúng. Xã hội bây giờ rất lạ, hễ nói đến Giáo dục, Y tế, coi như là cái gì thối nát nhất! Đành rằng nó thối nát, nhưng không phải là thối nát nhất. Mà ngược lại, chính hai ngành này có thể còn lương thiện hơn cả (so với các ngành). Vì nó phải cư xử trực tiếp với con người ở vào lúc không thể quá nhẫn tâm, đó là con người còn bé/ còn trẻ và con người bệnh tật. Anh Lê Phú Khải nói đúng: Người ta cứ tấn công vào Giáo dục chẳng qua là cái lối sống sợ kẻ mạnh, bắt nạt kẻ yếu mà thôi.
Kính thư
Đào Tiến Thi