Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2015

Svetlana Alexievich (Nobel Văn học 2015): CHUYỆN ĐỔ MÁU VÀ KHỦNG KHIẾP ĐANG DIỄN RA

Tiểu luận này được đăng trên báo Frankfurter Allgemeine của Đức vào tháng Ba năm 2014, viết về cuộc khủng hoảng Krym. Tác giả của nó, Svetlana Alexievich, một nhà văn - nhà báo chuyên về thể loại văn chương phóng sự, tác giả của những tập sách “Chiến tranh không có gương mặt phụ nữ”, “Những bé trai trong hòm kẽm”, “Lời nguyện cầu Chernobyl”, “Thời của second-hand”...
(Phạm Ngọc dịch từ tiếng Nga)
Chỉ số tín nhiệm của Putin đang tăng. Trước khi chiếm Krym 27% dân chúng hài lòng với hành động của Tổng thống, còn hiện nay là 67%. Sau những năm dài hạ mình, mọi người đều muốn “một cuộc chiến thắng lợi nhỏ”. Mọi người phấn chấn rửa hận cho năm 1991. Thật ngạc nhiên là kể cả giới trẻ cũng bị nhiễm niềm kiêu hãnh đế quốc ấy. “Putin quả là một tay mugic ưu tú - lần đầu tiên tôi nghe thấy ở nhà ga Moskva. - Sevastopol là thành phố của Nga. Krym phải là của chúng ta”.
Người ta nói: Putin là... chính thể chuyên chế... Song chính thể chuyên chế không phải từ trên trời rơi xuống. Chuyện phải nói là tập thể lãnh đạo của chính quyền Putin. Krym là một đề tài nhức nhối. Trước thế kỉ XVIII nó thuộc về người Tartar, từ thế kỉ XVIII đến XX - thuộc về Nga. Vì thế Krym là của chúng ta, trong một cơn say Khrushyov đã tước nó khỏi chúng ta một cách phi nghĩa và ban tặng cho Ukraina. Biết bao nấm mồ người Nga ở đó! Và những í kiến thật cực đoan: từ “giải cứu đồng bào chúng ta” cho đến “cần phải trút lên đầu bọn bố láo ấy vài quả bom nguyên tử”.
Cách Quảng trường Đỏ không xa tôi quan sát cảnh tượng này: hai thanh niên với băng-rôn: “Khách qua đường! Bạn sẵn sàng chôn cất bao nhiêu con cái, anh em, láng giềng cho vừa để Krym trở thành một phần lãnh thổ Nga?” Trước mắt tôi mọi người gọi những bạn trẻ ấy là bọn phát xít, bọn chủ nghĩa dân tộc Ukraina, bọn tay sai của Mĩ. Người ta chửi bới. Những phụ nữ lớn tuổi nhổ vào bọn họ. Xé tan khẩu hiệu. Những người đàn ông vận áo khoác ngắn phanh nút, thánh giá to tướng lủng lẳng trên ngực, dẫn cảnh sát đặc nhiệm đến: “Bắt hết bọn mất trí này về đồn rồi ta sẽ xử chúng theo kiểu Lynch”. Xe cảnh sát đến áp giải những bạn trẻ ấy đi...
Putin đặt cược vào những bản năng bất lương và đã thắng. Thậm chí nếu mai đây không còn Putin nữa, ta còn biết trông chờ vào ai?
Tôi đã có mặt tại hai cuộc mít-tinh: một ủng hộ chiến tranh và một phản đối chiến tranh. Cuộc mít-tinh chào mừng chiến thắng Krym tập hợp được 20 ngàn người với khẩu hiệu: “Tinh thần Nga bất diệt!”, “Quyết không nhả Krym cho bọn Mĩ!”, “Ukraina - Tự do - Putin”. Lễ tạ ơn, tu sĩ, ảnh Chúa, những bài phát biểu nhiệt thành - thật là cổ kính. Cơn hoan hô bùng lên sau phát biểu của một diễn giả: “Quân đội Nga đã chiếm được tất cả những cứ điểm chiến lược then chốt tại Krym. Cơ quan chính quyền địa phương, doanh trại quân đội Ukraina đã bị phong tỏa. Nhà ga, sân bay, nút giao thông liên lạc trong tình trạng kiểm soát...” Tôi nhìn quanh: sự giận dữ và căm thù tràn ngập trên những gương mặt. Làm thế nào mà tất cả những điều này lại có thể kết hợp được với áo quần sang trọng, ô tô hiện đại, quán cà phê sành điệu và những chuyến nghỉ mát đắt tiền tại Miami hay Italia?
Tại cuộc mít-tinh phản chiến tập trung khoảng vài ngàn người, họ đi và hô khẩu hiệu: “Hòa bình cho thế giới! Nói không với chiến tranh!”, “Lũ mất trí! - từ vỉa hè người ta hét vào họ. - Kẻ thù của nước Nga! Muốn NATO lập căn cứ ở Sevastopol à?” Đứng cạnh tôi là hai người và tôi thấy tia máu vằn lên trong mắt họ...
Giây phút ấy tôi bỗng nhớ lại đoạn phim tài liệu quay cảnh quân Nga tiến vào Krym: những đoàn xe Kamaz, xe moóc quân đội, xe thiết giáp. Những người lính ngồi quanh nắp xe tăng mở toang, máy hát gào to hết công suất. Lời bài hát “Lễ hội đến với ta! Lễ hội đến với ta!” vang vang. Những bạn trẻ từ Ryazan, Tver, Siberia không có tiền đến Krym du lịch, giờ họ đến bằng chiến xa. Tôi từng thấy ở đâu đó rồi - trong cuộc chiến thời Sô-viết ở Afghanistan. Cũng vẫn giọng điệu dối trá và thản nhiên của những kẻ độc tài: “Theo đề nghị của chính phủ Afghanistan, một số lượng giới hạn quân đội Sô-viết được điều động đến... Quân đội của chúng ta đến đó để quân Mĩ không thể vào được... Biên giới của chúng ta đã khóa chặt...” Mười năm sau - vẫn kịch bản cũ được lặp lại ở Abkhazia, Georgia...
Chuyện đổ máu và khủng khiếp đang diễn ra. Cha tôi là người Bạch Nga, còn mẹ tôi là người Ukraina. Nhiều người khác cũng thế. Ba trăm năm qua chúng tôi sống cùng một đất nước. Mọi thứ đều hòa quyện: gia đình, văn hóa. Chúng ta đã cùng trải qua hai cuộc thế chiến. Điều khủng khiếp nhất có thể tưởng tượng ra được - đó là chiến tranh giữa Nga và Ukraina. Trong cuộc chiến ấy sẽ không có kẻ lạ người dưng. Và người chiến thắng cũng không...
Hôm nay bạn bè tôi viết là tại Ukraina đã tiến hành tổng động viên, trên đường phố Kreshatyk (con đường chính ở thành phố Kiev - ND) người ta mặc quân phục rằn ri ngụy trang, vũ khí trùm bạt dù. Trống xuất quân (ngụ í chiến tranh sắp bùng nổ - ND). “Chuẩn bị đi đâu thế?” - “Làm thịt bọn Nga vì Krym”.
Thật khủng khiếp! Không thể hiểu nổi! Như trong tác phẩm của Tolstoi: chẳng ai muốn cuộc chiến này, thế mà nó vẫn cứ xảy ra.
Song thậm chí vào những giờ phút như thế người Ukraina vẫn cười đùa. Họ kể nhau nghe những chuyện tiếu lâm còn nóng hổi. Người ta hỏi Yanukovich: “Sao Putin lại tấn công Ukraina?” - “Vì tôi đề nghị ông ta”. - “Sao ông lại nghĩ ra chuyện ấy?” - “Vì ông ta đề nghị tôi”.
Cựu đại tá KGB tự phỉnh phờ bản thân bằng í nghĩ là ông ta sẽ để lại dấu ấn trong lịch sử như người mở mang bờ cõi nước Nga. Như được ghi trong biên niên sử: “Lãnh thổ Nga là đây và từ đây”. Ai đó ở điện Kremlin cứ ngỡ Donetsk và Kharkov cũng là lãnh thổ Nga. Cư dân Krym có thể bỏ phiếu cho việc sáp nhập vào Nga chẳng cần đến gợi í của Moskva vì ở đó dân Nga chiếm đa số. Tuy nhiên, tuồng như Kremlin thích chơi trò cơ bắp. Dọa dẫm. Kremlin không thể tin rằng diễn biến tại Ukraina không phải là cách mạng dân tộc mà là cách mạng nhân dân. Một cuộc cách mạng chính nghĩa. Người dân Ukraina đã thấy trong những tài sản bị bỏ lại của đám lãnh đạo là những bệ xí dát vàng. Tương tự giai cấp đặc quyền thời Sô-viết, họ nghĩ chính quyền được phép làm mọi thứ và không chịu trách nhiệm gì trước xã hội. Nhưng sau 20 năm người ta đã thay đổi. Từ Maidan thứ nhất sẽ mọc lên Maidan thứ hai. Người ta làm cuộc cách mạng thứ hai, giờ đây còn quan trọng hơn, để giới chính trị không thua nó lần nữa.

Gần nhà tôi ở thành phố Minsk có đài tưởng niệm nghệ sĩ nhân dân Ukraina Taras Shevchenko. Mỗi sáng tôi thấy quanh đài được đặt hoa tươi, thắp nến tưởng niệm. Những ngày đầu, những người đến đây bị lập biên bản và đưa về đồn cảnh sát. Khi đó số lượng người mới có hàng chục, còn bây giờ đã lên tới hàng trăm. Cảnh sát không thể tống giam hết mọi người, cho nên buổi sáng xe đến tịch thu hết hoa. Song tôi biết rằng sáng hôm sau sẽ lại có hoa mới...