Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 13 tháng 6, 2015

Tổng quan về sự tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ 1986 đến nay

Lã Nguyên
 
1. Mấy nét về tình huống văn hóa – lịch sử. Có thể nói, kể từ sau 1945, lịch sử tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam chưa bao giờ diễn ra sôi nổi như ở giai đoạn từ 1986 đến nay. Góp phần tạo nên không khí đầy hứng khởi này là cả một đội ngũ học giả đông đảo thuộc nhiều thế hệ có khả năng sử dụng ngoại ngữ, tên tuổi của họ từ lâu đã trở nên quen thuộc với độc giả, ví như Phan Ngọc, cố giáo sư Đỗ Đức Hiểu, Lê Hồng Sâm, Đặng Thị Hạnh, Đặng Anh Đào, Dương Tường, Trần Đình Sử, Phương Lựu, Phạm Vĩnh Cư, Lê Huy Tiêu, Đỗ Lai Thúy, Trần Nho Thìn, Lã Nguyên, Ngô Tự Lập, Nguyễn Văn Dân, Đào Tuấn Ảnh, Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Lộc Phương Thủy, Huỳnh Như Phương, Nguyễn Thị Thanh Xuân, Hồ Thế Hà, Lê Nguyên Cẩn, Lê Huy Bắc, Trần Thị Phương Phương, Cao Việt Dũng, Trần Huyền Sâm, Nguyễn Xuân Thạch, Trần Ngọc Hiếu, Cao Kim Lan, Nguyễn Phương Ngọc, Phùng Ngọc Kiên…
Họ tự nguyện làm “phu chữ”, cần mẫn phiên dịch, kiên trì giới thiệu, quảng bá nhiều công trình triết học, mĩ học, ngôn ngữ học, lí luận nghệ thuật có giá trị của các tác gia lừng lẫy tên tuổi để đưa tư tưởng văn nghệ nước ngoài đến với công chúng Việt Nam. Đằng sau đội ngũ học giả ấy, phải kể tới hàng vạn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, đây là lực lượng luôn nhạy cảm với cái mới, rất hăm hở trong việc vận dụng các lí thuyết hiện đại vào việc giải quyết đề tài cụ thể trong nghiên cứu khoa học.
Ở mỗi giai đoạn lịch sử, việc tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam thường nổi lên một số xu hướng chủ đạo. Các xu hướng chủ đạo này được hình thành dưới sự chi phối của tình huống văn hóa – xã hội. Khi nghiên cứu tình huống văn hóa – lịch sử tác động tới quá trình tiếp thu tư tưởng lí luận văn nghệ vào Việt Nam từ năm 1986 đến nay, chúng tôi đặc biệt lưu ý tới các bình diện sau đây:
Thứ nhất: Trên phạm vi toàn thế giới, đây là giai đoạn có tính chất bước ngoặt: Liên Xô sụp đổ, phe xã hội chủ nghĩa tan rã, chiến tranh lạnh kết thúc, các quốc gia dân tộc chuyển qua thời đại toàn cầu hóa như quá trình không thể đảo ngược. Trong bước ngoặt lớn lao này, ở Việt Nam, cơ cấu xã hội có nhiều thay đổi, nhưng thiết chế quyền lực vẫn không hề suy suyển. Hiến pháp sửa đổi năm 1992 và hiến pháp sửa đổi năm 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ghi rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Thứ hai: Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986) đưa ra đường lối “đổi mới” toàn diện đất nước. Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về các văn kiện Đại hội XI khẳng định: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; phát triển kinh tế nhanh, bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; giữ vững ổn định chính trị – xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại[1] (những chữ in đậm do tôi nhấn mạnh – LN). Như vậy, đường lối “đổi mới” của Đảng là nhất quán.
Đọc lại văn kiện của Đảng qua các kì Đại hội VII (1991), VIII (1996), IX (2001), X (2006), XI (2011), ta thấy, tinh thần cốt lõi của đường lối “đổi mới” được thể hiện ở hai nội dung cơ bản: 1) Xóa bỏ hệ thống tập trung bao cấp, xây dựng nền kinh tế – xã hội theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 2) Trong bối cảnh toàn cầu hóa trở thành xu thế không thể đảo ngược, Việt Nam tham gia hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa…
Thứ ba: Ở Liên Xô, Trung Quốc và ngay ở Việt Nam, vị thế của nền lí luận văn nghệ Mác xít truyền thống có nhiều thay đổi. Từ năm 80 của thế kỉ trước, nhất là từ năm 1991, sau khi Liên Xô sụp đổ, người ta thấy có sự lên ngôi của các hệ thống lí thuyết từng bị nhiều chỉ trích (ví như thi pháp lí thuyết của Trường phái hình thức, kí hiệu học văn hoá của Trường phái Tartu – Moskva), sự “hồi hương” của lí luận hải ngoại, sự tiếp thu cởi mở các học phái Âu – Mĩ và M. Bakhtin được đặt ngang hàng với những tác gia kinh điển vĩ đại của nhân loại. Đã thấy xuất hiện nhiều chuyên luận nghiên cứu kĩ lưỡng văn học hậu hiện đại Nga. Bên cạnh những bộ Bách khoa Đại Từ điển truyền thống, trên giá sách của người Nga hiện nay còn có cả Từ điển thuật ngữ hậu hiện đại được biên soạn rất công phu. Trong khi đó, theo dõi nội dung nhiều cuốn giáo khoa, giáo trình dành cho đại học và cao đẳng, hoặc bài vở đăng tải trên những tạp chí văn học lớn nhất của nước Nga trong thời kì này, ta không thể không thừa nhận một sự thật: hệ hình lí luận văn học lấy phản ánh luận Mác – Lênin và giai cấp luận làm điểm tựa ngày đang ngày càng bị lu mờ. Mươi năm trở lại đây, không tìm thấy tạp chí nào còn đăng những bài viết về hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ở nước Nga, hầu như không có trường đại học hoặc cao đẳng nào còn sử dụng các bộ giáo trình của những tác giả rất quen thuộc với độc giả Việt Nam như G.L. Abramovich, L.V. Sepilova, S.M. Petrov, L.I. Timofeev… Ngày nay, trong các trường đại học và cao đẳng ở nước Nga, tài liệu học tập của sinh viên chủ yếu là những bộ giáo trình rất mới của các học giả như V.E. Khalizev, N.D. Tamarchenko, V.I. Chiupa, S.N. Broiman, hoặc tập thể tác giả của Viện Văn học Thế giới (IMLI) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga. Bộ giáo trình do N.D. Tamarchenko chủ biên không hề nhắc tới phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa[2]. Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ chiếm một vị trí vô cùng khiêm tốn trong giáo trình của V.E. Khalizev[3] và bộ bốn tập của IMLI[4]. Một đặc điểm nữa: ở tất cả những bộ giáo trình ấy đều không thấy có phần viết về nguyên lí tính đảng, tính giai cấp của văn nghệ, hoặc phản ánh luận của Lênin. Những chuyển động ấy cho ta thấy rõ: hệ thống lí luận văn nghệ Mác – Lênin truyền thống đã hoàn tất vai trò lịch sử của nó[5].
Ở Trung Quốc, Đại hội văn nghệ toàn quốc diễn ra vào tháng 10 năm 1979 với sự tham gia của 3200 đại biểu đã đánh dấu giai đoạn phát triển mới của văn học và lí luận văn học. Từ đó đến nay, nền lí luận văn nghệ mới của Trung Quốc đã trải qua ba giai đoạn phát triển: 1979 – 1989, 1989 – 1999 và 1999 đến nay. Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn “phản tư”, nhìn lại quá khứ. Giai đoạn thứa hai là giai đoạn học hỏi, tìm cách thay đổi hệ hình lí thuyết. Giai đoạn thứ ba đi vào chiều sâu, tập trung xây dựng một nền lí luận văn nghệ hiện đại mang màu sắc Trung Hoa. Nền lí luận này vẫn tuyên bố sẽ lấy mĩ học Mác xít làm nền tảng, nhưng xem ra, cả giới sáng tác, lẫn giới nghiên cứu đều nhận ra sự bất cập của hệ thống mĩ học ấy.
Ở Việt Nam, tình hình cũng diễn ra tương tự như vậy. Khi công cuộc đổi mới văn nghệ được khởi động, trên các diễn đàn học thuật, người ta truy vấn, thảo luận sôi nổi về hàng loạt nguyên lí quen thuộc của mĩ học Mác xít truyền thống. Cũng từ đây, trong các công trình nghiên cứu của giới khoa học, trong các luận văn, luận án của sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, hệ thống lí luận văn nghệ Mác xít truyền thống không còn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu để tiếp cận đề tài. Ở các lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa cũng không còn là ưu tiên lựa chọn của văn nghệ sĩ.
Vì sao vị thế của mĩ học và lí luận văn nghệ Mác xít truyền thống lại có sự thay đổi như vậy?
Thật đơn giản, ai cũng thấy, mĩ học và lí luận văn nghệ Mác xít truyền thống được kiến tạo trên nền tảng của nghệ thuật lãng mạn và hiện thực chủ nghĩa. Số phận của nó gắn chặt với số phận của sáng tác nghệ thuật thuộc loại hình viết – đọc. Vậy mà từ nửa sau thế kỉ XX, các xu hướng sáng tác hiện đại và hậu hiện đại chủ nghĩa, nghệ thuật đa phương tiện ngày càng chiếm thế ưu thắng trong đời sống văn hóa trên phạm vi toàn thế giới. Cùng với sự phát triển của kĩ thuật số, trong thời đại giao lưu, hội nhập quốc tế, chủ nghĩa hiện đại và hậu hiện đại, hình thức nghệ thuật đa phương tiện tràn vào cả những nước như Trung Quốc, Việt Nam. Cho nên, Giáo sư Trương Quýnh hoàn toàn có cơ sở để nói về những thách thức mà lí luận văn nghệ Mác xít phải đối mặt. Ông viết: “Ngày nay, lý luận văn nghệ Mác xít phải đối mặt với những thách thức ở hai phương diện: Thách thức thứ nhất là văn nghệ thế giới đa dạng hoá dưới điều kiện toàn cầu hoá, bao gồm đa dạng hoá về lý luận văn nghệ và đa dạng hoá về thực tiễn văn nghệ. Đặc biệt là sự thách thức của lý luận và thực tiễn văn nghệ của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại. Thách thức thứ hai là khoa học kỹ thuật cao do truyền thông điện tử và văn nghệ mang tới, làm cho văn học đi vào thời đại sáng tác điện tử và truyền thông kỹ thuật số”[6]. Nhiều học giả Việt Nam cũng có những nhận xét tương tự như vậy. Chẳng hạn: “Ở Việt Nam, từ khi đổi mới và hội nhập với thế giới, lý luận văn học và mĩ học Mác xít tuy vẫn được xác định là cơ sở lý luận nền tảng, nhưng không còn giữ vị trí độc tôn, duy nhất đúng như nhiều chục năm hậu bán thế kỉ XX nữa”. Hoặc: “… Từ những năm chín mươi của thế kỷ 20 đến nay, hệ thống lý luận về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa và cùng với nó là phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, sau hơn bảy mươi năm tồn tại và phát triển, đã không đủ sức trụ vững ngay trên mảnh đất quê hương của nó. Dường như nó đã hoàn tất sứ mệnh lịch sử của mình để nhường chỗ cho những quá trình văn học khác đang nhen nhóm và thay thế”[7] .
Nói tóm lại, giờ đây, ai cũng nhận ra, lí luận văn nghệ và mĩ học Mác xít truyền thống không thể giữ được vị thế vốn có vì nó đã trở nên xơ cứng, bất cập trước thực tiễn khoa học và sáng tạo nghệ thuật của thời đại.
Ba bình diện nói trên tạo thành tình huống văn hóa – lịch sử. Nó vừa là thiết chế quyền lực, vừa là khung tri thức, quyết định toàn bộ xu hướng tiếp nhận các các tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ 1986 đến nay. Khảo sát các công trình dịch thuật, giới thiệu, các tiểu luận, chuyên luận của giới nghiên cứu, các luận văn, luận án của học viên cao học, nghiên cứu sinh liên qua tới chủ đề đang trình bày ở đây, chúng tôi thấy nổi lên ba xu hướng lớn:
Thứ nhất: Xu hướng tiếp nhận các hệ thống mĩ học và lí luận văn nghệ Mác xít phi truyền thống.
Thứ hai: Xu hướng mở rộng biên độ giá trị, tiếp nhận tinh hoa tri thức của nhân loại để xây dựng nền lí luận văn nghệ Việt Nam hiện đại.
Thứ ba: Đưa lí thuyết hiện đại vào thực tiễn ngiên cứu và phê bình văn nghệ, tạo được nhiều đột phá.
Xin trình bày những nét đại quát về ba xu hướng nói trên.
 
2. Tiếp nhận các hệ thống tư tưởng văn nghệ Mác xít phi truyền thống. Giống với Trung Quốc, ở Việt Nam, tư tưởng chính thống luôn khẳng định nhiệm vụ từng bước xây dựng một nền lí luận văn nghệ “hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, lấy mĩ học Mác xít làm nền tảng”. Nhưng, như đã nói, trước thực tiễn nghiên cứu khoa học và sáng tạo nghệ thuật, nền lí luận văn nghệ Mác xít truyền thống đã trở nên xơ cứng, bất cập. Muốn tiếp tục làm hạt nhân kiến tạo lí thuyết, mĩ học và lí luận văn nghệ Mác xít không còn cách nào khác, ngoài con đường tự đổi mới. Con đường gần nhất, tốt nhất, giúp mĩ học và lí luận văn nghệ Mác xít truyền thống tự đổi mới là tiếp nhận hệ thống tư tưởng mĩ học và lí luận văn nghệ Mác xít phi truyền thống.
Khái niệm “mĩ học Mác xít truyền thống” được chúng tôi sử dụng để chỉ hệ thống mĩ học là lí luận nghệ thuật chính thống từng tồn tại ở Liên Xô và các nước Đông Âu trước khi phe xã hội chủ nghĩa tan rã, Liên Xô sụp đổ (1991), ở Trung Quốc trước “cải cách mở cửa” (1979) và ở việt Nam trước “đổi mới” (1986). Mĩ học Mác xít phương Tây và mĩ học Mác xít từng tồn tại ở Liên Xô trước 1991 như những hệ thống lí thuyết văn nghệ phi chính thống, chỉ thể hiện quan điểm của cá nhân, của một nhóm, hay một trường phái sẽ được chúng tôi gói chung vào khái niệm “mĩ học Mác xít phi truyền thống”.
Mĩ học Mác xít phi truyền thống có lịch sử dài lâu không thua kém là bao so với lịch sử mĩ học Mác xít truyền thống. G.N. Pospelov và Iu.M. Lotman chắc chắn là những nhà ngữ văn học Mác xít. Ngay cả với “Nhóm Bakhtin” giờ đây, chỉ cần đọc cuốn Chủ nghĩa Freud: Lược khảo phê phán, hoặc Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ (1929) của V.N. Voloshinov cũng đủ để không ai còn nghi ngờ lập trường Mác xít của họ. Ở cuốn trước, Voloshinov đã đứng trên lập trường của chủ nghĩa Mác để phê phán chủ nghĩa nghĩa Freud và đặt nền tảng triết học cho tâm lí học. Trong cuốn thứ hai, V.N. Voloshinov cũng đứng trên lập trường Mác xít để phê phán “chủ nghĩa chủ quan cá nhân” và “chủ nghĩa khách quan trừu tượng” như hai xu hướng phổ biến trong lịch sử ngôn ngữ học. Cho nên, lịch sử mĩ học Mác xít phi truyền thống ở Nga có thể được tính từ những năm đầu tiên của thế kỉ XX cùng với triết học ngôn ngữ, nhân học (“personnalisme”) và triết học văn hóa của những nhân vật lẫy lừng, như M.M. Bakhtin, V.N. Voloshinov, P.N. Medvedev, L.V. Pumpjanskij, M.I. Tubjanskij, I. I. Kanaev, I. I. Sollertinskij (“Nhóm Bakhtin”). Từ những năm 1960 đến hết những năm 1980, nó tiếp tục phát triển cùng với kí hiệu học văn hóa của trường phái Tartu – Moskva, lí thuyết về tiến trình văn học của V.F. Pereverzev, N.G. Pospelov, V. Khalizev, lí thuyết thi pháp huyền thoại và cổ mẫu truyện kể của E.M. Meletinski…
Cũng như vậy, không thể nghi ngờ lập trường Mác xít của György Lukács, Karl Korsch và Antonio Gramsci , ba nhân vật được xem là những người đầu tiên đặt nền móng cho tư tưởng mĩ học Mác xít phương Tây. Cho nên, lịch sử tư tưởng mĩ học Mác xít phương Tây thực sự hình thành ngay sau Cách mạng tháng Mười Nga. Sự phát triển của nó gắn liền với tên tuổi của hàng chục tác gia kinh điển, ví như Walter Benjamin, Max Horkheimer, Galvano Della Volpe, Herbert Marcuse, Henri Lefebvre, Theodor W. Adorno, Jean-Paul Sartre, M. L. Goldman, Louis Althusser, Lucio Colletti…
Dòng Mác xít phi truyền thống đã sáng tạo cho nhân loại một di sản triết học, mĩ học, nghệ thuật học, phê bình nghệ thuật đồ sộ, vô giá. Ngày nay, đông đảo các nhà nghiên cứu, phê bình văn nghệ, hàng vạn sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của chúng ta có thể đọc trực tiếp một phần nhỏ di sản ấy qua các bản dịch tiếng Việt. Vào những năm 1980 của thế kỉ trước, khi độc giả Việt Nam được đọc các chuyên luận của nhà Mác xít chính thống nổi tiếng M.B. Khrapchenco[8], thì đồng thời họ cũng được làm quen với bộ Dẫn luận nghiên cứu văn học của G.N. Pospelov[9]. Một chuyên luận khác của tác giả này cũng đã được dịch ra tiếng Việt: Những vấn đề phát triển lịch sử của văn học[10]. Nhờ sự nỗ lực vượt bậc của các dịch giả, công chúng nước ta được biết tới nhiều công trình của M.M. Bakhtin và “Nhóm Bakhtin”, ví như Những vấn đề thi pháp Đôxtôepxki[11], Lý luận và thi pháp tiểu thuyết[12], Sáng tác của François Rabelais và nền văn hóa dân gian trung cổ và Phục hưng[13], Vấn đề thể loại lời nói[14]. Đó là những tác phẩm kinh điển, có ý nghĩa quan trọng bậc nhất đối với khoa học ngữ văn toàn thế giới. Ngay trong năm nay đây, việc xuất bản lần thứ hai bản tiếng Việt cuốn Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ của V.N. Voloshinov[15] đã trở thành một sự kiện gây nhiều tiếng vang trong đời sống học thuật. Nhiều công trình quan trọng của Trường phái kí hiệu học văn hóa Tartu – Moskva cũng đã được Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy, Lã Nguyên, Trần Đình Sử, Đỗ Hải Phong tổ chức biên dịch cách công phu[16].
Riêng phần mĩ học Mác xít phương Tây gần như chưa được dịch ra tiếng Việt là bao. Cho đến nay, qua tra cứu, chúng tôi mới tìm thấy bản dịch cuốn Văn học là gì của J.P. Sartre[17] và một chương (chương III) cuốn Đặc trưng mĩ học (T.II) của György Lukács[18]. Dĩ nhiên, không thể căn cứ vào tình trạng dịch thuật để đưa ra nhận xét cuối cùng về sự tiếp thu di sản mĩ học Mác xít phương Tây vào Việt Nam. Vì mươi lăm năm trở lại đây, độc giả Việt Nam, nhất là giới trẻ, đang có xu hướng chuyển từ tiếng Nga sang tiếng Anh và tiếng Pháp. Lớp độc giả này hoàn toàn có thể trực tiếp tiếp thu văn hóa Tây Âu qua các văn bản gốc.
Di sản mĩ học Mác xít phi truyền thống còn tìm đến với khoa học xã hội – nhân văn Việt Nam theo ngả đường quảng bá, giới thiệu. Ngày nay, trước tác của M. Bakhtin, V.N. Voloshinov, P.N. Medvedev, Iu.M. Lotman đã được đưa vào chương trình giảng dạy ở nhiều trường đại học và cao đẳng có đào tạo ngành văn. Hàng vạn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh Việt Nam dễ dàng thâm nhập vào nhiều tác phẩm thuộc loại “khó đọc” của họ, ví như Những vấn đề thi pháp Đôxtôepxki, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Sáng tác của François Rabelais và nền văn hóa dân gian trung cổ và Phục hưng, Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ, nhờ hệ thống bài giảng của các giảng viên, nhất là qua những bài “giới thiệu” sách, những tiểu luận của Phạm Vĩnh Cư[19], Trần Đình Sử (“Lời giới thiệu” sách Những vấn đề thi pháp Đôxtôepxki), Ngô Tự Lập (“Lời giới thiệu” sách Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ), Lã Nguyên[20]…Ngoài ra, cũng phải kể tới một số công trình nghiên cứu viết về M. Bakhtin của những học giả người nước ngoài đã được dịch ra tiếng Việt, ví như Lịch sử văn học như là sự sáng tác và nghiên cứu: trường hợp Bakhtin[21] của M.L. Gasparov, Di Sản Bakhtin[22], Mikhil Bakhtin – Nguyên lí đối thoại[23] của Tz. Todorov, hoặc Một nền thi pháp học sụp đổ[24] của J. Kristeva. Đó là những học giả lớn, có uy tín quốc tế, độc giả Việt Nam chắc chắn muốn lắng nghe ý kiến của họ, vì thế tư liệu và kết luận trong các công trình nghiên cứu vừa nhắc tới ở trên tất yếu sẽ chi phối xu hướng tiếp nhận của giới nghiên cứu, phê bình văn nghệ nước ta đối với di sản của M. Bakhtin.
Hiện nay, cuốn Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây của Phương Lựu là tập giáo trình dài hơi hơn cả dành cho bộ phận mĩ học Mác xít phi truyền thống[25]. Cuốn sách dày 343 trang, chia thành 14 chương, chương đầu mô tả tổng quan lịch sử và cấu trúc của chủ nghĩa Mác phương Tây, 13 chương còn lại giới thiệu tư tưởng triết học, mĩ học của 13 học giả và môn phái lớn: “Chủ nghĩa hiện thực vĩ đại” của G. Lukacs, “chủ nghĩa hiện thực vô bờ bến” của R. Garaudy, “chủ nghĩa hiện thực hiện đại” của E. Fischer, “chủ nghĩa lãng mạn mới” của H. Lefefbvre, “chủ nghĩa hiện đại” của T.W. Adorno, lí thuyết văn nghệ “Mác xít – phân tâm” của E. Fromm, lí luận văn nghệ “Mác xít – hiện sinh” của J.P. Sartre, lí luận văn nghệ “Mác xít – cấu trúc” của L. Goldman, lí luận văn nghệ “Mác xít – thực tiễn” ở Nam Tư, chủ nghĩa “bá quyền văn hóa” của A. Gramsci, chủ nghĩa “duy vật văn hóa” của R. Williams, mĩ học “sản xuất văn hóa” của T. Eagleton và giải thích học văn hóa của F. Jameson.
Với những công trình dịch thuật và giới thiệu như thế, mĩ học Mác xít phi truyền thống đã mang đến cho nền lí luận văn nghệ Mác xít truyền thống Việt Nam hệ chủ đề hoàn toàn mới mẻ, góp phần làm thay đổi diện mạo của nó. Quả vậy, nhìn lại cuộc đời hoạt động của K. Marx và F. Engels, ta dễ dàng nhận ra, ở giai đoạn đầu, di sản của họ được mở ra bằng những công trình triết học. Ở giai đoạn sau, di sản của họ được khép lại bằng kinh tế học và chính trị học. Chủ nghĩa Mác truyền thống chủ yếu phát triển di sản của Marx và Engels ở giai đoạn sau. Chủ nghĩa Marx phi truyền thống lại chủ yếu tiếp thu và phát triển di sản của Marx và Engels ở giai đoạn đầu. Phát triển di sản của Marx và Engels ở giai đoạn sau, mĩ học Mác xít truyền thống xoáy vào vấn đề phản ánh luận nghệ thuật, vấn đề về bản chất xã hội của văn nghệ, về mối quan hệ giữa văn nghệ với hạ tầng cơ sở, nền tảng kinh tế, với chính trị và tư tưởng hệ. Tiếp thu và phát triển di sản của các vị kinh điển chủ nghĩa Mác ở giai đoạn đầu, mĩ học Mác xít phi truyền thống lấy nghệ thuật làm đối tượng nghiên cứu chính yếu. Nó nghiên cứu bản chất và đặc trưng của nghệ thuật trong mối quan hệ với văn hóathượng tầng kiến trúc. Một loạt công trình của “Nhóm Bakhtin”, ví như Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ của V.N. Voloshinov, Sáng tác của François Rabelais và nền văn hóa dân gian trung cổ và Phục hưng, Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki, Vấn đề thể loại lời nói, Tiểu thuyết như một thể loại văn học… của M.M. Bakhtin đã đặt ra nhiều vấn đề về bản chất kí hiệu học của các hiện tượng tư tưởng hệ, vai trò của văn hóa dân gian đối với tư duy hiện đại, đặc trưng cấu trúc và lịch sử của tiểu thuyết, vai trò của thể loại đối với tiến trình văn học… Nhìn vào nhan đề các chương trong chuyên luận của Phương Lựu như đã giới thiệu ở trên, ta càng thấy rõ hơn hệ vấn đề của mĩ học Mác xít phương Tây cũng phong phú, đa dạng biết chừng nào!
Có thể nhận xét khái quát: phát triển di sản của Marx và Engels ở giai đoạn sau, mĩ học Mác xít truyền thống của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã trở thành khoa học thực tiễn. Tiếp thu và phát triển di sản của các vị kinh điển chủ nghĩa Mác ở giai đoạn đầu, mĩ học Mác xít phi truyền thống đã trở thành khoa học hàn lâm. Tiếp nhận hệ vấn đề khoa học hàn lâm để bổ sung vào hệ vấn đề của khoa học thực tiễn, tuy chưa nhiều, nhưng diện mạo của nền lí luận văn nghệ Mác xít Việt Nam thực sự đã đổi mới về cơ bản.
 
3. Mở rộng biên độ giá trị, tiếp nhận tinh hoa tri thức của nhân loại. Như đã nói, từ sau 1986, sự tiếp thu tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam diễn ra trong bối cảnh toàn cầu hóa và nước ta tham gia hội nhập vào mọi quan hệ quốc tế ngày càng sâu rộng. Điều kiện tiên quyết để hội nhập quốc tế là ngoài hệ giá trị dân tộc, chúng ta phải thừa nhận hệ giá trị chung của nhân loại. Tình huống này làm thay đổi về cơ bản nguyên tắc vận hành của nền lí luận văn nghệ Việt Nam. Đến lượt mình, nguyên tắc vận hành này lại tác động tới xu hướng tiếp thu, dịch thuật, quảng bá của nó đối với các các tư tưởng văn nghệ từ nước ngoài. Trước 1986, nền lí luận văn nghệ Việt Nam là hệ thống tri thức đơn trị, đóng kín. Nó chỉ phiên dịch và giới thiệu các tác phẩm mĩ học và lí luận văn nghệ Mác xít chính thống từ Liên Xô và Trung Quốc. Với mĩ học và tư tưởng văn nghệ phương Tây, nó chỉ giới thiệu, chứ không phiên dịch, và giới thiệu chủ yếu là để phê phán[26]. Sau 1986, nền lí luận văn nghệ của chúng ta trở thành hệ thống tri thức liên ngành nhờ mở rộng phạm vi đối tượng nghiên cứu. Nó tìm cách nới lỏng các biên độ giá trị để tiếp nhận thật tinh hoa văn hóa nhân loại. Động thái này bộc lộ rõ nét qua hoạt động dịch thuật và quảng bá hai khu vực lịch sử tri thức: mĩ học cổ điển, cả phương Tây, lẫn Đông, và lí luận văn nghệ hiện đại, chủ yếu Nga và phương Tây ở thế kỉ XX.
3.1. Tiếp nhận tinh hoa mĩ học cổ điển. Khái niệm “cổ điển” ở đây bao hàm di sản mĩ học của nhân loại từ thời cổ đại cho đến hết thế kỉ XIX, cả phương Đông, lẫn phương Tây.
Với Việt Nam, nói tới mĩ học cổ điển phương Đông, trước hết phải kể đến mĩ học và thi học cổ điển Trung Hoa. Nhìn lại lịch sử tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài, có thể thấy, tư duy lí thuyết của Việt Nam không phải bao giờ cũng hứng thú với tư tưởng mĩ học của Trung Hoa nói riêng và phương Đông nói chung. Quả vậy, từ thế kỉ X cho tới hết thế kỉ XIX, mĩ học cổ điển Trung Hoa ảnh hưởng toàn diện, trực tiếp tới hệ thống tư tưởng văn nghệ cổ điển Việt Nam. Nhưng ở nửa đầu thế kỉ XX, khi Nho học thất thế, cánh Tây học Việt Nam hướng về châu Âu, chủ yếu là Pháp, tìm kiếm ở đó những tư tưởng mĩ học mới mẻ để hiện đại hóa nền văn nghệ dân tộc. Ở nửa sau thế kỉ, tư duy lí thuyết của chúng ta lại dựa vào mĩ học Mác xít của Liên Xô và Trung Quốc để xây dựng nền lí luận văn nghệ cách mạng Việt Nam. Phải tới khi “đổi mới”, nghĩa là từ 1986, hứng thú với mĩ học cổ điển Trung Hoa mới hồi sinh. Hàng loạt công trình dịch thuật, giới thiệu, khảo cứu của Nguyễn Đức Vân, Phan Ngọc, Trần Đình Sử, Lê Tẩm, Nguyễn Khắc Phi, Phương Lựu, Mai Xuân Hải, Nguyễn Thị Bích Hải… đã nói lên sự hồi sinh ấy.
Từ di sản đồ sộ của mĩ học và thi học Trung Hoa, có hai kiệt tác đã được dịch ra tiếng Việt: Văn Tâm điêu long của Lưu Hiệp và Tùy viên thi thoại của Viên Mai. Cuốn trước do Phan Ngọc dịch, lúc đầu công bố trên tạp chí Văn học nước ngoài (số 3/1996), về sau được một số nhà xuất bản khác nhau in lại[27]. Cuốn sau do Nguyễn Đức Vân dịch từ năm 1972, nhưng đến năm 1999 mới công bố ở nhà xuất bản Giáo dục. Lí luận văn học, nghệ thuật cổ điển Trung Quốc của Khâu Chấn Thanh do Mai Xuân Hải dịch[28] cũng là một văn bản quan trọng, bởi vì cuốn sách đã hệ thống hóa, giới thiệu độc giả 100 luận điểm (“100 điều”) lí thuyết về nhiều lĩnh vực, bao gồm cả văn, thơ, nhạc, kịch, họa, thư pháp, rút ra từ nhiều kiệt tác, như Nhạc kí của Công Tôn Ni Tử (thế kỉ 5 – 4 trước Công nguyên), Văn phú của Lục Cơ (thế kỉ 3 – 4), Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, Thi phẩm của Chung Vinh (thế kỉ 5 – 6).
Trong số những công trình giới thiệu, khảo cứu, chúng tôi đặc biệt chú ý tới cụm chuyên luận dành cho văn thơ cổ điển Trung Hoa, ví như Về thi pháp thơ Đường của Nguyễn Khắc Phi và Trần Đình Sử (Nxb Đà nẵng, 1997), Thơ văn cổ Trung Hoa – Mảnh đất quen mà lạ của Nguyễn Khắc Phi (Nxb Giáo dục, 1999), Thi pháp thơ Đường của Nguyễn Thị Bích Hải (Nxb Thanh Hóa, 1995), Nghệ thuật ngôn ngữ thơ Đường của Cao Hữu Công và Mai Tổ Lân (do Trần Đình Sử và Lê Tẩm dịch, Nxb Văn học, 2000). Ngoài ra, phải nhắc tới cuốn Tư tưởng văn học trung Quốc cổ xưa của I.S. Lisevich do Trần Đình Sử dịch (Nxb ĐHSP tp. Hồ Chí Minh, 1993). Cũng không thể quên bộ Triết học phương Đông do Chu Lập Văn chủ biên, gồm 4 tập, dày hơn 3000 trang, dành cho 4 phạm trù “Đạo”[29], “Lí”[30], “Tính”[31] và “Khí”[32] đã được một tập thể học giả biên dịch rất công phu. Như ta biết, ở thời cổ – trung đại, với kiểu tư duy nguyên hợp, “văn – sử – triết – luận bất phân”, chính những công trình nghiên cứu như thế không chỉ soi sáng các vấn đề quan niệm văn nghệ của Trung Hoa, mà còn soi sáng các vấn đề quan niệm văn nghệ của Việt Nam trong suốt mười thế kỉ thời trung đại. Nhưng ở Việt Nam, cho đến nay, công trình có tính chất giáo khoa thư dày dặn nhất, trình bày trực tiếp toàn bộ lịch sử mĩ học và thi học điển Trung Hoa vẫn là cuốn Tinh hoa lí luận văn học cổ điển Trung Quốc của Phương Lựu. Chuyên luận gồm 8 chương, chương đầu giới thiệu tổng quan lịch sử và cấu trúc của lí luận văn học cổ điển Trung Quốc, các chương còn lại trình bày quan điểm văn học của các phái Nho, Đạo, Mặc, Pháp gia và các tác gia, tác phẩm lỗi lạc, ví như Lưu Hiệp với Văn tâm điêu long, Bạch Cư Dị, Kim Thánh Thán bàn về tiểu thuyết, Lí Ngư bàn về kịch, Viên Mai với lí thuyết thơ cổ điển[33].
Sau 1986, tư duy lí luận Việt Nam còn hướng tới mĩ học cổ điển phương Tây. Cuốn Nghệ thuật thi ca của Aristote do nhóm Lê Đăng Bảng, Thành Thế Thái Bình, Đỗ Xuân Hà, Thành Thế Yên Báy dịch, xuất bản lần đầu năm 1964 (Nxb Văn hóa – Văn nghệ), năm 1999 được tái bản chung với Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp[34]. Lần đầu tiên giới nghiên cứu và đông đảo bạn đọc được tiếp xúc với Những tùy bút về hội họa của Điđơrô qua bản dịch tiếng Việt của Phùng Văn Tửu. Cùng với mĩ học Khai sáng, người đọc còn được làm quen với mĩ học cổ điển Đức. Năm 1999, Phan Ngọc hoàn tất công việc dịch thuật và cho xuất bản bộ Mĩ học (2 tập) của Hêghen[35]. Hàng loạt tác phẩm của I. Kant, ví như Phê phán lí tính thuần túy[36], Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và mục đích luận)[37] do Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải cũng được tổ chức xuất bản.
Tiếp nhận tinh hoa của mĩ học cổ điển, nền lí luận văn nghệ Việt Nam đang từng bước kiến tạo kho tri thức một cách có hệ thống, gắn kết với nguồn cội, cắm rễ sâu xa vào các tầng vỉa văn hóa lịch sử.
3.2. Tiếp cận mĩ học, lí luận, phê bình và nghiên cứu văn học của Nga và các nước Âu – Mĩ thế kỉ XX. Chúng tôi tạm chia các công trình dịch thuật, giới thiệu, khảo luận xuất hiện sau 1986, dành cho mĩ học và nghiên cứu văn học Âu – Mĩ thế kỉ XX thành sáu loại sau đây:
Thứ nhất: Văn tuyển. Loại sách này tuyển chọn, phiên dịch một số tiểu luận, hoặc một số chương trong chuyện luận của một số học giả, hoặc một số trường phái, rồi ghép lại với nhau làm thành “quyển”, thành “bộ”, tạo ra ấn tượng về bức tranh toàn cảnh của lí luận phê bình văn học thế giới thế kỉ XX. Công trình văn tuyển tiêu biểu nhất hiện nay là bộ Lí luận – phê bình văn học thế giới thế kỉ XX[38] (tập I & II), do Lộc Phương Thủy làm Chủ biên, với sự tham gia của cả một đội ngũ đông đảo các nhà nghiên cứu, như Phạm Vĩnh Cư, Đào Tuấn Ảnh, Trương Đăng Dung, Trịnh Bá Đĩnh, Ngân Xuyên, Đỗ Lai Thúy, Lê Huy Bắc, Phong Tuyết, Trần Hải Yến, Trần Hồng Vân, Nguyễn Phương Ngọc, Hoàng Tố Mai, Huyền Giang, Khương Việt Hà, Nguyễn Văn Nguyên… Bộ sách tuyển dịch, trích dịch văn bản của 44 tác giả, trong đó có nhiều tên tuổi lẫy lừng, từ lâu đã trở nên quen thuộc với giới học thuật Việt nam, ví như V.B. Sklovski, V.I. Propp, R. Garaudi, M. Bakhtin, R. Jakobson, M. Lotman, M. Foucault, R. Barthes, J. Derrida, G. Genette, U. Eco, S. Freud, C.G. Jung, M. Heidegger, R. Ingarden, thuộc tám khuynh hướng, trường phái lí thuyết lớn: Trường phái hình thức Nga, Phê bình Mác xít, Phê bình mới, Chủ nghĩa cấu trúc và kí hiệu học, Chủ nghĩa hậu cấu trúc, Chủ nghĩa hậu hiện đại, Phê bình phân tâm học và Phê bình hiện tượng luận.
Thứ hai: Giáo trình. Loại sách này thường trình bày dưới dạng tổng quan tư tưởng triết học, mĩ học và nghệ thuật của một loạt khuynh hướng, trường phái lí luận, phê bình văn học; ở mỗi khuynh hướng, trường phái, nó lại giới thiệu một vài chân dung khoa học tiêu biểu, rồi tập hợp lại với nhau, làm thành “quyển”. Với nội dung đại lược như thế, nó chính là giáo trình lịch sử lí luận, phê bình. Kiểu mẫu của loại giáo trình này là hàng loạt công trình của Phương Lựu. Chẳng hạn, năm 1995, ông viết Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại[39] giới thiệu năm trường phái: Trường phái văn hóa – lịch sử, Văn học so sánh, trường phái tâm lí học, chủ nghĩa trực giác, Phân tâm học Chủ nghĩa cấu trúc. Bốn năm sau, năm 1999, ông cho xuất bản Mười trường phái lí luận, phê bình văn học đương đại phương Tây[40]. Và đến năm 2001, ông giới thiệu thêm 12 trường phái nữa, rồi gộp với 10 trường phái ở cuốn trước làm thành sách Lí luận, phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX[41]. Cuốn Lý luận văn học so sánh,[42] hay Phương pháp luận nghiên cứu văn học [43]của Nguyễn Văn Dân cũng là những tập giáo trình lịch sử các trường phái lí thuyết văn học phương Tây đang được sử dụng làm tài liệu dạy – học ở nhiều trường đại học, cao đẳng.
Thứ ba: Tuyển tập, nửa lược khảo, nửa biên dịch. Tức là loại sách này thường có hai phần, phần đầu khảo lược lịch sử hình thành, phát triển, tư tưởng thẩm mĩ, quan niệm nghệ thuật của một trường phái hay một khuynh hướng lí luận, phê bình nào đó, phần sau tuyển dịch văn bản của một số tác gia tiêu biểu. Có thể xem Phân tâm học và văn học nghệ thuật do Đỗ Lại Thúy biên soạn với sự cộng tác của nhiều dịch giả[44], Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học của Trịnh Bá Đĩnh[45], hay Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lí thuyết do Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến tổ chức biên soạn[46], hay Xã hội học văn học của Lộc Phương Thủy, Nguyễn Phương Ngọc, Phùng Ngọc Kiên[47] là những công trình tiêu biểu cho loại tuyển tập như vậy.
Thứ tư: Các bản dịch công phu, đòi hỏi dịch giả đầu tư nhiều công sức và trí tuệ để đưa đến cho độc giả Việt Nam những công trình nghiên cứu có giá trị học thuật cao, ví như Mimesis của E. Auerbach[48], Phương Đông và phương Tây của N. Konrat[49], Độ không của lối viết[50], Những huyền thoại[51], S/Z[52] của R. Barthes, Lí luận văn học của R. Wellek và A. Warren[53], Đông phương luận của E. Said[54], Bản mệnh của lí thuyết của A. Compagnon[55], Hoàn cảnh hậu hiện đại của J-F Lyotard[56], Thi pháp văn xuôi[57], Văn chương lâm nguy[58] của Tz. Todorov, Mỹ học Folklor của V. Guxep[59], Tuyển tập V.I. Propp[60], Thi pháp của huyền thoại của E.M. Meletinsky[61], Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại của L. Petrescu[62]
Thứ năm: Các công trình nghiên cứu chuyên sâu. Loại này ở Việt Nam hiện chưa nhiều, nhưng vì thế, nó có giá trị đặc biệt. Xin nêu vài tác phẩm tiêu biểu trong tầm quan sát của chúng tôi: Tiểu thuyết Pháp hiện đại – Những tìm tòi đổi mới của Phùng Văn Tửu (Nxb Khoa học Xã hội, 1990), Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương Tây hiện đại của Đặng Anh Đào, (Nxb Giáo dục, 1995), Tác phẩm văn học như là quá trình của Trương Đăng Dung (Nxb Khoa học Xã hội, 2004), Trường phái hình thức Nga của Huỳnh Như Phương (Nxb ĐHQG tp. Hồ Chí Minh, 2007)…
Thứ sáu: Vô số tiểu luận và các bản dịch tiếng Việt đã được đăng tải trên nhiều tạp chí, báo viết và báo mạng mà ở đây chúng tôi không thể liệt kê.
Đọc các công trình dịch thuật, giới thiệu, các tiểu luận, chuyên luận, nhất là sau khi khảo sát các luận văn, luận án của nghiên cứu sinh, học viên cao học, chúng tôi thấy, từ 1986 đến nay, sự tiếp nhận các tư tưởng văn nghệ nước ngoài thường tập trung vào các trọng tâm sau đây:
- Trường phái hình thức Nga và hình thái học sáng tạo nghệ thuật,
- Thi pháp học,
- Tự sự học,
- Phân tâm học và văn học nghệ thuật,
- Mĩ học tiếp nhận,
- Xã hội học – lịch sử nghệ thuật,
- Nghiên cứu so sánh văn học,
- Kí hiệu học và lí thuyết diễn ngôn,
- Chủ nghĩa cấu trúc trong khoa học nhân văn,
- Chủ nghĩa hậu hiện đại trong văn nghệ.
Xin rút ra một kết luận thế này. Tất cả các lí thuyết văn nghệ đều được kiến tạo theo một mô hình nào đó. Chẳng hạn, khi nghiên cứu phân loại, người ta nhận ra, ở nửa đầu thế kỉ XX, các hệ thống lí thuyết văn nghệ thường được kiến tạo theo hai mô hình phổ quát: mô hình khoa học mô hình nhân học. Cấu trúc luận, “phê bình mới”, một số trường phái xã hội học theo hướng tân thực chứng luận… thuộc mô hình khoa học. Phê bình hiện sinh, phê bình phân tâm, phê bình huyền thoại và mĩ học tiếp nhận thuộc mô hình nhân học. Việc cấu trúc luận, hình thái học sáng tạo nghệ thuật, thi pháp học, kí hiệu học, lí thuyết diễn ngôn, mĩ học tiếp nhận cùng nổi lên như những trọng tâm khoa học ở Việt Nam từ 1986 đến nay chứng tỏ, nền lí luận văn nghệ của chúng ta đang mở rộng biên độ giá trị để tiếp nhận toàn bộ tinh hoa tri thức của nhân loại.
 
4. Từ lí thuyết hiện đại đến thực tiễn nghiên cứu, phê bình. Tiếp nhận và tiếp biến. Việc tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ 1986 đến nay dẫn tới hai hệ quả trực tiếp. Thứ nhất: Nó góp phần làm thay đổi hệ hình tri thức và nguyên tắc kiến tạo lí thuyết của lí luận văn nghệ Việt Nam. Thứ hai: Nó tạo ra nhiều đột phá trong việc tìm kiếm các hướng tiếp cận hiệu quả, mang tính cách tân đối với thực tiễn sáng tác văn nghệ. Nói cách khác, việc tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam đã thực sự tạo nên sự tiếp biến. Ngành nghiên cứu, phê bình văn học, nghệ thuật ở nước ta đã gặt hái được nhiều thành công đáng khích lệ trong việc biến tri thức hiện đại thành phương pháp luận khoa học.
Chúng tôi tạm đưa ra bốn tiêu chí sau đây để đánh giá sự thành công của một hướng tiếp cận được vận dụng trong nghiên cứu, phê bình văn nghệ Việt Nam. Thứ nhất: Công trình nghiên cứu không có dấu hiệu minh họa thô thiển cho môt tư tưởng lí thuyết nước ngoài. Thứ hai: Hướng tiếp cận mới xác định được đối tượng nghiên cứu riêng, nói lên góc độ cách tân của nó. Thứ ba: Nó tạo ra một hệ thống khái niệm, thuật ngữ, phạm trù bằng tiếng Việt đủ sức mô tả đối tượng chiếm lĩnh khoa học và kết quả nghiên cứu. Thứ tư: Nó xác lập được được hệ thống thao tác phân tích phù hợp với đối tượng chiếm lĩnh khoa học (Hêghen: “Phương pháp là cái tương đồng với đối tượng”). Xin dẫn những công trình nghiên cứu văn học theo hướng thi pháp học của Trần Đình Sử để nói rõ hơn về luận điểm vừa nêu.
Không kể các tiểu luận đăng báo và trên nhiều tạp chí, Trần Đình Sử có ba chuyên luận gây được tiếng vang trong dư luận, tạo ảnh hưởng lớn tới nghiên cứu văn học Việt Nam, nhất là giới nghiên cứu học đường: Thi pháp thơ Tố Hữu (Nxb Tác phẩm mới, 1987), Thi pháp văn học trung đại Việt Nam (Nxb Giáo dục, 1998) và Thi pháp Truyện Kiều (Nxb Giáo dục, 2002).Tên gọi của các chuyên luận tự nó đã nói lên hướng tiếp cận văn học của nhà nghiên cứu. Ống xứng đáng được gọi là nhà thi pháp học Việt Nam.
Trần Đình Sử đưa ra khái niệm “hình thức quan niệm”. Ông phân biệt “hình thức quan niệm” với “hình thức cảm tính” và xem nó là đối tượng nghiên cứu chính yếu của thi pháp học. Ông cho rằng, chỉ khi nào lấy “hình thức quan niệm” làm đối tượng chiếm lĩnh, thi pháp học mới có thể “nghiên cứu hình thức nghệ thuật như những hiện tượng có qui luật”[63].
Có thể thấy, quan niệm của Trần Đình Sử về “hình thức” như là đối tượng nghiên cứu của thi pháp học khác xa với quan niệm về “hình thức” trong thi pháp học cổ điển. Văn học cổ – trung đại thuộc loại hình nghệ thuật từ chương. Thi pháp của văn học từ chương là thi pháp của cái điển phạm. Ứng với nghệ thuật điển phạm, thi pháp học cổ điển, từ Aristotle tới Boileau, xem hình thức nghệ thuật là các phương thức, phương tiện tu từ dùng để “trang sức” cho bình diện nội dung. Khái niệm “hình thức quan niệm” của Trần Đình Sử cũng không giống với khái niệm “hình thức” trong thi pháp học của chủ nghĩa cấu trúc. Chủ nghĩa cấu trúc xem “hình thức” là “cái biểu đạt” gắn chặt với “cái được biểu đạt” tạo thành một cấu trúc khép kín. Toàn bộ ngữ nghĩa của văn bản nghệ thuật do tương quan nội tại giữa các yếu tố trong cấu trúc khép kín ấy quy định, chẳng liên hệ gì với thế giới bên ngoài. Khái niệm “hình thức quan niệm” trong thi pháp học của Trần Đình Sử càng không có mấy liên hệ với khái niệm “hình thức” từng tồn tại mấy mươi năm trong nghiên cứu văn học Mác xít truyền thống của chúng ta. Nền nghiên cứu văn học Mác xít này khẳng định sự thống nhất hữu cơ giữa nội dung và hình thức, nhưng khi phân tích văn bản bao giờ nó cũng ưu tiên nội dung, lấy nội dung làm đối tượng nhận thức chính yếu. Chẳng những thế, trong quan niệm của nó, cái nội dung này là hiện thực đời sống xã hội bên ngoài được nghệ sĩ phản ánh vào tác phẩm. Ở đây, hình thức nghệ thuật cũng chỉ là phương thức, phương tiện biểu đạt, quan hệ giữa nội dung và hình thức giống như hệ giữa “bình” với “rượu”. Chả thế mà có một thời chúng ta chủ trương sáng tạo nghệ thuật theo kiểu “bình cũ rượu mới”. Rốt cuộc, từ thi pháp cổ điển, thi pháp học cấu trúc, cho tới nghiên cứu văn học Mác xít truyền thống, khi phân tích văn bản, dù muốn hay không muốn, đều tách hình thức ra khỏi nội dung.
Thi pháp học của Trần Đình Sử là một chi nhánh của thi pháp học hiện đại có nguồn cội từ hình thái học sáng tạo nghệ thuật của Trường phái hình thức và mĩ học Mác xít phi truyền thống Nga. Khái niệm “hình thức quan niệm” của ông có ít nhiều gần gũi, nhưng không đồng nhất, với các khái niệm “hình thức mang tính nội dung” của L.I. Timofeev, “hình thức thế giới quan” của G.D. Gachev. Ở một chừng mực nào đó, nó cũng gần gũi với khái niệm “bức tranh thế giới bằng ngôn từ” như là một cấu trúc biểu nghĩa trong kho “dự trữ diễn ngôn” theo quan niệm của lí thuyết diễn ngôn hiện đại. Nhìn chung, đọc các công trình nghiên cứu của Trần Đình Sử, ta thấy “hình thức quan niệm” thực ra là mô hình thế giới được kiến tạo bằng ngôn từ nghệ thuật. Mô hình thế giới ấy không đối lập với hiện thực bên ngoài, nhưng cũng không đồng nhất với nó, vì đó trước hết là ngôn ngữ của các hệ hình giá trị. Nó chính là hình thái tồn tại của nội dung. Lấy “hình thức quan niệm” làm đối tượng chiếm lĩnh, lần đầu tiên trong lịch sử nghiên cứu của nước ta, Trần Đình Sử đã tìm được công cụ khái niệm giúp khắc phục tình trạng lưỡng phân, đối lập, chia tách nội dung với hình thức khi phân tích văn bản nghệ thuật.
Tiếp cận văn học từ góc độ phản ánh luận và tư tưởng hệ, nghiên cứu, phê bình văn học Mác xít trước 1986 sử dụng bộ máy khái niệm xã hội học để mô tả và định giá đối tượng nghiên cứu, như đề tài, chủ đề, tư tưởng chủ đề, điển hình, tính nhân dân, tính giai cấp, tính Đảng, trào lưu, phương pháp sáng tác… Nó dùng phương pháp ngoại quan để chiếm lĩnh đối tượng. Thao tác quan trọng nhất được nó sử để định giá thẩm mĩ là đối sánh hiện thực mô tả trong tác phẩm với hiện thực bên ngoài được hình dung như một bức tranh thế giới phân vai “địch – ta, mới – cũ, quần chúng – cán bộ”…
Tiếp cận văn học từ góc độ sử thi pháp học, Trần Đình Sử mô tả và định giá đối tượng nghiên cứu bằng những phạm trù “cái”, ví như “Hình thức quan niệmThế giới nghệ thuậtQuan niệm nghệ thuật về con ngườiLoại hình tác giả- Không gian nghệ thuậtThời gian nghệ thuật”. Một số phạm trù, khái niệm vốn có nguồn cội từ nước ngoài, qua phiên dịch và nhất là qua cách sử dụng của ông, chúng đã được Việt hóa, được giới nghiên cứu chấp nhận như những khái niệm thuần Việt, ví như “Thể tài văn học”, Thể tài dân tộc – lịch sử”, Thể tài thế sự, Thể tài đời tư”, “Thơ điệu ca”, Thơ điệu ngâm”, Thơ điệu nói”. Thao tác quan trọng nhất được sử dụng thuần thục trong các công trình nghiên cứu thi pháp của Trần Đình Sử là nắm bắt lớp ngôn từ và hệ thống phương thức phương tiện nghệ thuật tạo thành “hình thức quan niệm”. Chẳng hạn, để chứng minh, Tố Hữu là nhà thơ của lí tưởng, Trần Đình Sử phát hiện lớp từ miêu tả màu sắc chói sáng được nhà thơ sử dụng rộng rãi, tạo ra một thế giới “bốc cháy”, “tự phát sáng”. Hoặc để chứng minh vũ trụ trong thơ Tố Hữu ứng với “thời gian lịch sử” và “không gian con đường”, ông khai thác lớp động từ mô tả tư thế con người lúc nào cũng như đang “đi”, “đang bay”, “bay lên”…
Sẽ khó có được thi pháp học của Trần Đình Sử nếu không có thi pháp học của Trường phái hình thức Nga, của trường phái M. Baktin, hay trường phái Tartu – Moskva. Nhưng Trần Đình Sử không mô phỏng, bắt chước bất kì ai trong số họ. Ông tiếp thu các lí thuyết hiện đại, biến chúng thành tri thức, sử dụng chúng như công cụ khám phá chất liệu là văn học dân tộc để sáng tạo ra thi pháp học mang hồn vía của riêng mình.
Về hướng tiếp cận thi pháp học trong nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam, chúng tôi sẽ còn trình bày chi tiết hơn trong một phần khảo sát riêng. Ở đây, chỉ phân tích một thí dụ với những tiêu chí cụ thể để rút ra nhận xét khái quát: Từ sau 1986, trên cơ sở tiếp thu tư tưởng văn nghệ nước ngoài, nghiên cứu, phê bình văn nghệ Việt Nam đã tạo ra một số mũi đột phá như sau:
- Thi pháp học,
- Xã hội học – lịch sử,
- Nghiên cứu so sánh văn học,
- Kí hiệu học và lí thuyết diễn ngôn,
- Phân tâm học và văn học nghệ thuật,
- Chủ nghĩa cấu trúc, giải cấu trúc và hậu hiện đại.
*
Ba mươi năm, từ ngày “đổi mới” đến nay, là một chặng đường đủ dài, cần nhìn lại để đúc rút kinh nghiệm lịch sử. Và khi nhìn lại, ta thấy quá trình tiếp nhận tư tưởng văn nghệ nước ngoài vào Việt Nam từ sau 1986 đang vận hành theo một nguyên tắc mới. Trước 1986, nó vận hành theo nguyên tắc thu hẹp và thắt chặt. Sau 1986, nguyên tắc vận hành chủ đạo của nó là nới lỏng và mở rộng. Vận hành theo nguyên tắc ấy, nền lí luận, phê bình văn nghệ Việt Nam được kiến tạo giống như một bức tranh, tuy còn nhiều mảng mờ, điểm tối, nhưng cũng đã lộ rõ những vùng sáng, mở ra hướng đi tới trong tương lai.
LN
Đồng Bát, Tháng 5/2015

[2] Xem: N.D. Tamarsenko (Chủ biên), V.I. Tiupa, S.N. Broiman, Lí luận văn học (hai tập). Academa, M, 2004 (tiếng Nga)
[3] Xem: V.E. Khalizev, Lí luận văn học. Cao đẳng, M, 1999 (Tiếng Nga)
[4] Iu. Borev (chủ biên), Lí luận văn học (4 tập). IMLI RAN, Di sản, M, 2001 (tiếng Nga).
[5] Về vấn đề này xin xem: Lã Nguyên, Số phận lịch sử của nền lí luận văn học xô viết chính thống//Nghiên cứu Văn học, số 9/2008, tr. 62-79.
[6] Trương Quýnh. Lí luận văn nghệ mác-xít đối diện với thách thức// Bản dịch tiếng Việt của Lê Huy Tiêu, Nghiên cứu Văn học, số 4/2013.
[7] Xem: Phan Trọng Thưởng, Từ thực tiễn lí luận đến yêu cầu xây dựng hệ thống lí luận văn nghệ Việt Nam// Báo Nhân dân, ngày 15/8/2014.
[8] Xem: a) M.B. Khrapchenco, Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học, (Lê Sơn và Nguyễn Minh dịch), Nxb Tác phẩm mới, 1978; b) M.B. Khrapchenco, Sáng tạo nghệ thuật, hiện thực, con người (Duy Lập dịch). Nxb Khoa học Xã hội, 1984.
[9] Xem: G.N. Pospelov (Chủ biên). Dẫn luận nghiên cứu văn học (hai tập, Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Nguyễn Nghĩa Trọng dịch), Nxb Giáo dục, 1985.
[10] Bản dịch tiếng Việt của Lê Lưu Oanh và Nguyễn Nghĩa Trọng, tuy chưa xuất bản vì lí do bản quyền, nhưng từ lâu, cuốn sách đã trở thành tài liệu học tập của sinh viên ngữ văn và được nhiều người biết đến qua nguồn: https://lythuyetvanhoc.wordpress.com/2012/11/10/g-n-poxpelop-nhung-van-de-phat-trien-lich-su-van-hoc/
[11] M. Bakhtin, Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki (Trần Đình Sử, Lại Nguyên Ân, Vương Trí Nhàn dịch; Trần Đình Sử viết lời giới thiệu). Nxb Giáo dục, 1993.
[12] M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết (Phạm Vĩnh Cư tuyển chọn, dịchgiới thiệu). “Trường Viết văn Nguyễn Du”, 1992.
[13] M.M. Bakhtin, Sáng tác của François Rabelais và nền văn hóa dân gian trung cổ và Phục hưng (Từ Thị Loan dịch, Hoàng Ngọc Hiến hiệu đính). Nxb Khoa học xã hội, H., 2006.
[14] M. Bakhtin. Vấn đề thể loại lời nói (Lã Nguyên dịch)//Lã Nguyên. Lí luận văn học – Những vấn đề hiện đại. Nxb Đại học Sư phạm, 2012, tr. 7 – 54.
[15] V.N. Voloshinov, Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ (Ngô Tự Lập dịch giới thiệu). Nxb ĐHQG Hà Nội, 2015.
[16] Xem: a) Iu.M. Lotman, Cấu trúc văn bản nghệ thuật (Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy dịch). Nxb ĐHQG Hà Nội, 2005; b) Iu.M. Lotman, Kí hiệu học văn hóa (Lã Nguyên, Đỗ Hải Phong, Trần Đình Sử dịch). Nxb ĐHQG Hà Nội, 2015.
[17] J.P. Sartre, Văn học là gì (Bản dịch tiếng Việt của Nguyên Ngọc). Nxb Hội Nhà văn, 1999, 396 trang.
[18] György Lukács, Đặc trưng mĩ học (chương III, T.2; Bản dịch tiếng Việt của Trương Đăng Dung)//Nghiên cứu Văn học, số 10/2005, tr. 8 – 42.
[19] Ngoài các bài giới thiệu sách Lý luận và thi phấp tiểu thuyết, Sáng tác của François Rabelais và nền văn hóa dân gian trung cổ và Phục hưng, Phạm Vĩnh Cư còn một số tiểu luận đáng chú ý về M. Bakhtin, như M. Bakhtin với lí luận tiểu thuyết, Sơ yếu về Bakhtin. Xin xem: Phạm Vĩnh Cư, Sáng tạo và giao lưu. Nxb Giáo dục, 2007, tr. 487 – 503.
[20] Xem: Lã Nguyên, M. Bakhtin: Nhà triết học, nhà nghiên cứu văn học. Tạp chí Văn hóa Nghệ An, nguồn: http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhin-ra-the-gioi/m-bakhtin-nha-triet-hoc,-nha-nghien-cuu-van-hoc.
[21] M.L. Gasparov, Lịch sử văn học như là sự sáng tác và nghiên cứu: trường hợp Bakhtin (La Khắc Hòa dịch)// Nghiên cứu Văn học, số 12/ 2005, tr. 91 – 100.
[22] Tz. Todorov, Di Sản Bakhtin (La Khắc Hòa dịch)// Nghiên cứu Văn học, số 7/2006, tr. 54 -62.
[23] Tz. Todorov, Mikhail Bakhtin – Nguyên lí đối thoại (Đào Ngọc Chương dịch). Nxb ĐHQG tp Hồ Chí Minh, 2004.
[24] J. Kristeva,. Một nền thi pháp học sụp đổ (Lã Nguyên dịch)// Nghiên cứu văn học, số 7/2011, tr. 3 – 28.
[25] Phương Lựu, Tư tưởng văn hóa văn nghệ của chủ nghĩa Mác phương Tây. Nxb Thế giới, 2007.
[26] Về vấn đề này, xin xem: Hoàng Trinh, Phương Tây, văn học và con người (hai tập). Nxb Khoa học xã hội. Tập 1 in năm 1969, tập 2 in năm 1970.
[27] Ví dụ: Lưu Hiệp, Văn tâm điêu long. Nxb Văn học, H., 1997.
[28] Khâu Chấn Thanh, Lí luận văn học, nghệ thuật cổ điển Trung Quốc. Nxb Giáo dục, H., 1994.
[29] Trương Lập Văn (Chủ biên), Triết học cổ điển phương Đông – Đạo (Hồ Châu, Tạ Phú Chinh, Nguyễn Văn Đức dịch). Nxb Khoa học Xã hội, H.; 1998.
[30] Trương Lập Văn (Chủ biên), Triết học cổ điển phương Đông – Lí (Tạ Phú Chinh, Nguyễn Văn Đức dịch). Nxb Khoa học Xã hội, H.; 1998.
[31] Trương Lập Văn (Chủ biên), Triết học cổ điển phương Đông – Tính (Nguyễn Duy Hinh dịch). Nxb Khoa học Xã hội, H.; 2001.
[32] Trương Lập Văn (Chủ biên), Triết học cổ điển phương Đông – Khí (Hoàng Mộng Khánh dịch). Nxb Khoa học Xã hội, H.; 2000.
[33] Xem: Phương Lựu, Tinh hoa lí luận văn học cổ điển Trung Quốc. Nxb Giáo dục, H., 1989.
[34] Aristote, Nghệ thuật thi ca; Lưu Hiệp, Văn tâm điêu long. Nxb Văn học, H., 1999.
[35] Hêghen, Mĩ học (bộ 2 tập). Nxb Văn học, H., 1999.
[36] I. Kant, Phê phán lý tính thuần túy (Bùi Văn Nam Sơn dịchchú giải). Nxb Văn học, H., 2004
[37] I. Kant, Phê phán năng lực phán đoán (Mỹ học và mục đích luận) (Bùi Văn Nam Sơn dịch chú giải). Nxb Tri thức, H., 2007.
[38] Lí luận – phê bình văn học thế giới thế kỉ XX (Lộc Phương Thủy chủ biên), T.I & T.II. Nxb Giáo dục, H., 2007.
[39] Phương Lựu, Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại. Nxb Văn học, H., 1995.
[40] Phương Lựu, Mười trường phái lí luận, phê bình văn học đương đại phương Tây. Nxb Giáo dục, H., 1999.
[41] Phương Lựu, Lí luận, phê bình văn học phương Tây thế kỉ XX. Nxb Văn học, 2001.
[42] Nguyễn Văn Dân, Lý luận văn học so sánh (in lần thứ 5). Nxb Khoa học Xã hội, H., 2011.
[43] Nguyễn Văn Dân, Phương pháp luận nghiên cứu văn học. Nxb Khoa học Xã hội, H., 2004.
[44] Phân tâm học và văn học nghệ thuật (Đỗ Lai Thúy (chủ biên), Huyền Giang, Ngô Bình Lâm, Ngân Xuyên, Đỗ Đức Thịnh, Thiệu Bích Hường dịch các tiểu luận của S. Freud, C.G. Jung, J. Bellemin-Noёl, G. Bachelard, G. Tucci, V. Dundes, V. Vyshestsev). Nxb Văn hóa Thông tin, H., 2004.
[45] Trịnh Bá Đĩnh, Chủ nghĩa cấu trúc trong văn học (427 trang, phần đầu, 84 trang, là một công trình nghiên cứu, phần còn lại dịch văn bản một số tiểu luận của R. Jakobson, C. Lesvi-Strauss, Iu. Lotman và Tz. Todorov). Nxb Hội Nhà văn, 2011.
[46] Văn học hậu hiện đại thế giới – Những vấn đề lí thuyết (Lại Nguyên Ân, Đoàn Tử Huyến biên soạn). Nxb Hội Nhà văn, 2003.
[47] Lộc Phương Thủy, Nguyễn Phương Ngọc, Phùng Ngọc Kiên, Xã hội học văn học. Nxb ĐHQG Hà Nội, H., 2014.
[48]E. Auerbach, Mimesis (Phùng Ngọc Kiên dịchgiới thiệu). Nxb Tri thức, 2014.
[49] N. Konrat, Phương Đông và phương Tây (Trịnh Bá Đĩnh dịch). Nxb Giáo dục, H., 1997.
[50] R. Barthes, Độ không của lối viết (Nguyên Ngọc dịch). Nxb Hội Nhà văn, H., 1998.
[51] R. Barthes, Những huyền thoại (Phùng Văn Tửu dịch). Nxb tri thức, H., 2008.
[52] R. Barthes, S/Z (Lê Nguyên Cẩn dịch)// Lê Nguyên Cẩn, Tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hóa. Nxb ĐHQG Hà Nội, tr. 577-872.
[53] R. Wellek và A. Warren, Lí luận văn học (Nguyễn Mạnh Cường dịch). Nxb Văn học, H., 2009.
[54] E. Said, Đông phương luận (Lưu Đoàn Huynh, Phạm Xuân Ri, Trần Văn Tụy dịch, Trần Tiễn Cao Đăng hiệu đính). Nxb Tri thức, H., 2014.
[55] A. Compagnon, Bản mệnh của lí thuyết (Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào dịch). Nxb ĐHSP Hà Nội, 2006.
[56] J-F Lyotard, Hoàn cảnh hậu hiện đại (Ngân Xuyên dịch, Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu). Nxb Tri thức, 2007.
[57] Tz. Todorov, Thi pháp văn xuôi (Đặng Anh Đào, Lê Hồng Sâm dịch). Nxb ĐHSP Hà Nội, 2004.
[58] Tz. Todorov, Văn chương lâm nguy (Trần Huyền Sâm dịch). Nxb Văn học, 2013.
[59] V. Guxep, Mỹ học folklore (Hoàng Ngọc Hiến dịch). Nxb Đà Nẵng, 1999.
[60] Tuyển tập V.I. Propp (nhiều người dịch), T.I. Nxb Văn hóa Dân tộc, H., 2003.
[61] E.M. Meletinsky, Thi pháp của huyền thoại (Trần Nho Thìn, Song Mộc dịch). Nxb ĐHQG Hà Nội, H., 2004.
[62] L. Petrescu, Thi pháp chủ nghĩa hậu hiện đại (Lê Nguyên Cẩn dịch). Nxb ĐHSP Hà Nội, 2013.
[63] Trần Đình Sử, Thi pháp thơ Tố Hữu. Nxb Tác phẩm mới, 1987, tr. 12.