Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 23 tháng 6, 2015

Những Kẻ Thích Ăn Thịt Đồng Loại

Truyện ngắn
Khiêm Nhu
khiêmnhuKhiêm Nhu tên đầy đủ là Nguyễn Thị Khiêm Nhu, sinh năm 1987 tại Dak Lak
Tốt nghiệp khoa Sáng tác & Lý luận Phê bình Văn Học- Đại học Văn Hóa- Hà Nội.
Đã in truyện trên một số báo, tạp chí trong nước và hải ngoại.
Tác phẩm:
-Chết ngạt trong nhà kính (tập truyện, NXB Hội Nhà văn, 2009)
-Ngôi nhà không cửa sổ (tập truyện, NXB Trẻ, 2013).
Chị đang sống và làm việc tại Sài Gòn.
Quan niệm của chị về sáng tác: “Với tôi, viết văn, tức là trả nợ nơi mình chôn nhau cắt rốn và cả nơi mình tha hương”.



Trận mưa đêm qua khiến hai mươi lăm người ở Thung Lũng Già Nua bị sét đánh. Chết cháy và đen như quỷ. Trong số đó có con mụ Trung, người có thể xem là kẻ thù của gia đình họ. Bao nhiêu năm nhưng hận thù vẫn ăn sâu vào máu của họ. Họ lặn lội xa xôi, mưa gió để vào được thành phố này thông báo với tôi. Thông báo xong họ lại về, ngay tức khắc.
Tôi ngồi, thần người, hình dung đoạn đường họ đã đến đây và về, cũng đoạn đường đấy. Mà sao tôi thấy lạ quá, bây giờ nó đâu còn như xưa nữa, phải thay đổi ít nhiều chứ…
Tôi hỏi Phả, thấy thế nào? Không biết. Sao lại không biết? Thì ngổn ngang. Chẳng biết nên vui hay buồn nữa. Có lẽ buồn nhiều hơn vui. Tôi im lặng.
Tối nay, Phả sẽ ngủ lại đây. Tối nay anh sẽ uống say. Mà kiểu say của anh giống giả vờ quá, tôi chưa bao giờ tin anh say. Anh không biết say. Anh không say giống họ, lâu lắm tôi mới gặp họ, cho dù họ chỉ đến để thông báo cái chết của mụ Trung mấy phút, nhưng đủ cho tôi nhớ về làng quê ấy. Mỗi lần say, họ lại vác dao đến nhà mụ Trung. Phả cũng sinh ra từ Thung Lũng Già Nua và uống những giọt rượu đầu tiên tại Thung Lũng đó. Có lẽ cái chết của mụ Trung sẽ khép lại những hồi ức đau buồn của Phả.
Nghĩ thế nhưng trong đầu tôi, thân thể to béo của mụ ta cứ lượn qua lượn lại với cái cằm vênh vênh, và giọng nói rin rít trong miệng nghe thật keo kiệt. Không biết khi chết xuống âm phủ, mụ có li lai xe xích từng xu một nữa không. Chắc là không đâu, ai lại mặc cả với cửa địa ngục làm gì.
Phả mở tủ lạnh, tu một mạch một chai bia. Rồi chai nữa. Đã nhiều lần, nằm bên cạnh anh, tôi nghe thấy tiếng cười của anh vang khắp nhà, khoái chí, hả hê khi bàn tay anh cầm đuốc đốt cháy trụi ngôi nhà họ- trong giấc mơ. Đã có thời gian, ngày nào anh cũng ra sức nguyền rủa họ. Và hôm nay, họ đã chết cháy như anh đã từng rủa sả thì anh chẳng tỏ ra vui mừng chút nào.
Anh uống một vốc thuốc ngủ liều mạnh nhưng lại nôn ra hết. Anh lại tỉnh hơn, cứ ngồi và thở dài, lại vớ một chai bia. Tôi ngăn anh đừng uống nữa, tôi cố ngon ngọt và ôm anh, nhưng càng ôm, anh càng đẩy tôi ra. Rồi anh đẩy tôi nằm xuống giường. Lúc này, tôi hiện lên trong mắt anh hẳn cũ mòn, cáu bẩn và nhếch nhác lắm.
Anh nằm xuống giường, thở hồng hộc như chó rừng. Hơi thở anh làm tôi sợ. Tôi nhỏm người dậy trấn an anh. Tôi muốn hôn lên đôi môi anh, một nụ hôn thật khẽ thôi, nhưng anh vẫn thở hồng hộc.
Anh đứng lên và rời khỏi quán. Rời khỏi ngôi nhà này. Phải rồi, đây là ngôi nhà của chúng tôi, từ lâu.
Chỉ có mỗi tôi.
Mưa lắc rắc từ lúc nào. Lũ gián từ bếp bò ra. Vòi nước chảy rả rích.
Chiếc giường như muốn gãy, lắc lư, hay bởi tôi đang say sẩm, chênh vênh. Tôi vẫn đang nằm cơ mà. Lúc này, tôi nhìn vào gương. Tấm gương bám đầy bụi. Thấy thương mình kinh khủng, chưa bao giờ tôi thấy thương mình đến thế. Làn da thì cóc cáy, bẩn thỉu, khô rạn. Phả mới rời khỏi nơi này, nhưng thấy nhớ quá. Tôi đã yêu Phả nhiều, yêu cả những thù hận của anh. Cứ nghĩ tình yêu của mình, của một mình tôi, sẽ thay đổi Phả ư, tôi đã lầm. Tham vọng điên rồ. Tôi ré lên một cơn dài. Chiếc giường này sẽ gãy mất, tôi cố loạng quạng bước xuống giường.
Khóa vòi nước lại. Nước lênh láng khắp nhà.
Mưa rơi nặng hạt, giày xéo mặt đất. Những hạt mưa đá khiến hàng cây mới trồng hôm qua rách nát, tả tơi. Họ chóng vánh chiếm được mảnh đất đó, rồi chóng vánh san lấp, chóng vánh xây lên những thứ vô tội vạ, chóng vánh trồng những cái cây lá đỏ đỏ vàng vàng không chủ đích, không quy hoạch. Ôi trời, kiểu gì mai họ cũng đến, lại cuốc xẻng, lại đào bới mấy thứ đang thành rác rưởi lên rồi nhét xuống lòng đất đủ loại cột, cọc, bê tông, cây xanh cho mà xem. Cầu trời cho mưa lớn hơn nữa, dữ dội hơn nữa. Tôi thích nhìn họ làm những công việc đó lắm, thật dã tràng, thật mất dạy, khốn nạn.
Mưa lộp độp trên mái nhà.
Phả đi đâu giữa mưa thế này, suýt nữa thì tôi quên mất anh.
Tôi phải leo lên tàu đi về mảnh đất đó. Tôi muốn nhìn những người già vì sau này Phả chết đi, tôi sẽ già và cô độc. Tôi muốn dự đám tang tập thể những con người bị sét đánh hôm qua. Mong sao cái chết của họ là do luận phạt của trời. Chỉ vậy thôi. Tôi chưa đến ba mươi, nếu dòng nước tôi đang uống mỗi ngày không sớm đem lại cái chết mình. Ngày nào ở đây cũng có người chết, và chết rất trẻ, tôi chưa sẵn sàng đón nhận nó. Chưa sẵn sàng chút nào.
Nếu muốn sống lâu, tôi chỉ cần quay về Thung Lũng Già Nua, bằng một chuyến tàu. Nhắm mắt và ngủ một giấc trong tiếng còi và tiếng người nói chuyện, trong tiếng vô tuyến truyền hình, phát ra toàn những tiếng cười, nhiều khi rất vô duyên. Khi tàu dừng lại ở ga xép, những khuôn măt cau có, khổ sở xếp hàng dài hiện ra trước mắt, tức là tôi đã đến nơi chôn nhau cắt rốn của mình một cách an toàn.
Chỉ nghĩ đến thôi, mũi tôi đã xộc lên mùi quặng, mùi đất sét ở những toa chở hàng. Hai cái mùi đó quyện vào nhau, bao giờ cũng tanh tanh, như máu người. Những hôm trời nắng nóng, mùi máu cứ ngồn ngộn, đặc quánh. Biết đâu, anh đang ở tên tàu, về thăm cái Thung Lũng đó, nghĩ thế nên tôi khoác vội chiếc áo mưa lao đến nhà ga.
Tôi như chết đứng ở sân ga. Mưa bão, tàu hoãn một tuần. Trời ơi, một tuần có bảy ngày, người ta đợi mình bảy ngày mới chôn sao, xác họ sẽ thối rữa mất. À, không. Họ đâu đón tiếp mình, họ cần gì đợi tôi, đợi Phả, buồn cười thật.

***
Phả về, mang theo một gói đất sét nhỏ, màu xám và một gói quặng, cũng màu xám nhưng thô ráp và cứng chứ không dẻo như đất sét. Tôi cầm lấy, trên tay mình. Tôi như nghẹn đi, chẳng nói được lời nào. Nước mắt tôi ràn rụa, chảy thành giọt rơi xuống gói đất sét nhỏ. Ngước mắt lên nhìn Phả, tôi lại khóc. Phả rồi cũng bỏ tôi đi. Phả sẽ chết. Ở thành phố này mỗi con người đã được ấn định trước về cái chết, về số phận. Tôi muốn ôm lấy Phả, chỉ một phút thôi, để đứng vững hơn, nhưng Phả không muốn. Phả lùi, âm thầm lê bước chân của mình như không cho tôi thấy sự xa lánh của anh đối với tôi. Phả muốn uống để say, và để nhớ lại những chuyện đau buồn. Con người anh dị ứng với niềm vui thì phải.
Tôi ngước mắt nhìn Phả. Phả vẫn đứng yên, anh gỡ gói đất sét khỏi tay tôi. Cái gói màu xám này như được làm mềm bởi nước mắt của tôi sao. Khóe mắt anh như long lanh, tôi không dám nhìn lâu, vì lúc nào anh cũng vời vợi buồn. Anh khóc. Nước mắt tôi không đủ làm loãng những hạt đất sét, phải rồi.
Mai anh sẽ sửa cái quạt cho em. Lời nói của Phả khiến tôi sực tỉnh. Tôi nhìn lên trần nhà, những cánh quạt vẫn quay nhưng chậm. Loẹt xoẹt. Kin kít.
Ngày lễ mình sẽ đi đâu chơi? Phả lắc đầu, tại sao ngày lễ cứ phải đi chơi. Phả nhìn ra con đường trước mặt. Hàng cây lũ người kia mới trồng, cao lêu nghêu, trụi hết lá. Họ đã chấm dứt công việc dã tràng của mình bằng những cây thân gỗ chứ không như những lần trước, những loại cây cảnh lá đỏ đỏ vàng vàng. Họ giấu diếm sự ăn cướp của mình thật khéo léo. Họ giăng lên những cây thân gỗ mới bứng đâu đó về bao nhiêu là cờ hoa, biểu ngữ, áp phích quáng cáo, mới cũ, đủ phong cách. Tấm áp phích quảng bá một cuộc thi hoa hậu. Những tờ giấy trắng dán lên cây khi ngang dọc khi ngay ngắn. Những cô ca sĩ dài ngoằng, tung bay phần phật theo tấm vải rực rỡ, lòe loẹt và nhập nhằng chính tả. Họ là những kẻ ăn cướp, mà dòng họ kia thì chẳng biết là hèn nhát hay sao mà chỉ đứng yên nhìn mồ mả nhà mình tan hoang.
Mọi thứ đâu đến nỗi như Phả ngày nào cũng cẳn rẳn phàn nàn chứ, tôi muốn đi chơi, để giống mọi người. Nếu không ra khỏi cái quán nhỏ này, tôi sẽ điên mất. Lạc lõng. Ngoài cái quán nhỏ này, ngoài cái chợ, tôi chẳng đi đâu, không chùa chiền, không lễ hội, không quần áo đẹp, không ước mơ… Ngày lễ, tôi sẽ ra khỏi nhà, khỏi cái bếp nóng nực này để được giống mọi người. Phải rồi, tôi phải giống họ, phải trở nên giống họ, những con người lạc quan và kiêu hãnh nhất hành tinh này.
Chỉ một lát mà Phả đã uống chục chai bia. Anh uống để chết sao? Anh biết được ngày mình chết nên chẳng còn thiết sống. Cũng phải thôi. Nếu là tôi, tôi cũng thế.
Tối hôm đó, hai chúng tôi thức trắng một đêm. Cố nài nỉ nhưng Phả vẫn không chịu dẫn tôi đi chơi vào ngày lễ. Thì đành vậy, tôi lọ mọ vào bếp từ ba giờ sáng. Tôi mở bài hát anh thường nghe nhưng hai mắt vẫn mở thao láo. Anh lại mở tủ lạnh và uống, tôi không ngăn được. Tôi làm đủ việc chỉ để chờ trời sáng. Những khúc xương. Những miếng thịt. Chất bảo quản. Gia vị. Rau cỏ. Hai mắt tôi hoa lên, chẳng nhìn rõ.
Tôi gọi cô bé giúp việc, sực nhớ nó đã đã xin nghỉ lễ một tuần.
Chán chê, gần sáng, tôi lại lôi đống chén đĩa ra lau. Lau đi lau lại. Chẳng hiểu sao, từ khi nào, nhìn cái gì cũng nửa vời, dở chừng, chẳng sạch sẽ thơm tho, chỗ nào cũng lúc nhúc mầm bệnh.
Nồi nước dùng bốc khói nghi ngút và sôi sùng sục khiến tôi thấy dễ thở phần nào. Kiểu gì hôm nay ông khách khó tính đó cũng sẽ ghé quán tôi. Thế thì, tôi sẽ nấu cho ông một món đặc biệt, khiến ông thật hài lòng.
Tiếng còi của xe cứu thương quang quác, như muốn đánh thức cả khu phố dậy. Tôi đi tới đi lui, sao mà trời lâu sáng thế. Mưa. Lại mưa. Mưa bất ngờ đến mức chẳng kịp trở tay. Bình thường tôi cũng gan lỳ lắm chứ không như hôm nay. Hoang vắng. Kinh hoàng. Tôi bắt đầu thấy lạnh.
Tôi nếm lại nồi nước dùng thêm lần nữa. Chắc phải đến chục lần, nếm đi nếm lại mà chẳng thấy ổn chút nào. Mặn. Lờm lợm. Khai khai. Thum thủm… Thêm một chút bột siêu ngọt nào. Tôi ném vào nồi nước một vốc thật lớn rồi thử lại. Chẳng ra sao cả. Thêm chút nước xem sao. Lại vẫn không ổn. Nồi nước bốc hơi ngun ngút phả vào mặt tôi đủ thứ mùi của gia vị.
Tôi ngồi vắt chân lên ghế, nghếch mắt xem ti vi, thực ra tôi đang nhìn Phả. Lúc này, anh không uống nữa. Chắc ngần ấy chai bia đã làm anh nhớ đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Anh bấm điện thoại. Tôi nhổm dậy, đưa anh một một vỉ thuốc ngủ Seduxen liều cao. Anh cầm lấy và bóc hai viên còn lại trong vỉ cho vào miệng, và lại hí híu vào cái điện thoại.
Ánh mặt trời bắt đầu ló dạng. Hôm nay là ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ, nhưng đường còn vẫn vắng lắm, người qua lại thưa thớt.

***
Phả vẫn ngủ ngon lành. Tôi lay mãi nhưng anh chẳng biết gì.
Bàn tay của anh giống hệt bàn tay của bố tôi, mềm và thon như tay con gái. Anh hay đùa, bàn tay này sẽ khiến nhiều phụ nữ đau khổ. Tôi chỉ nhớ bố mình qua bàn tay mà thôi. Lúc ông chết, mặt mũi ông sưng húp, chẳng ai nhận ra, may mà bàn tay còn nguyên. Hai ngày liền, tôi cứ ngồi ỳ ở giường ông nằm, nắm lấy hai bàn tay của ông. Lúc đótôi đã hiểu về cái chết, tôi những muốn nắm lấy tay ông thật lâu, ngày này qua ngày khác để hơi lạnh ngấm vào mình và mình sẽ có thể chết theo ông một cách dễ dàng, êm ái. Nhưng nào có phải.
Tôi yêu Phả cũng vì Phả có bàn tay giống bố tôi. Sự so sánh này nhiều lúc khiến tôi có cảm giác chúng tôi ruột rà với nhau. Dần cũng quen. Cũng phải thôi, vì con người có chung thủy tổ mà.
Nghĩ cuộc đời bố tôi thật bất hạnh. Khi còn sống lúc nào cũng mang tiếng mang tội với dòng họ là không sinh được con trai. Rồi tộc họ từ ông, làm một cái đơn giấy trắng mực đen để đuổi ông ra khỏi dòng họ. Hình dạng, màu sắc của con dấu và những ngón tay điểm chỉ tôi vẫn còn nhớ mang máng. Giỗ chạp, tết nhất họ tộc cấm không cho chúng tôi tới thắp nhang, thờ cúng.
Chắc trên đời này chẳng có dòng họ nào độc ác và điên khùng như dòng họ chúng tôi. Ông buồn chán và suốt ngày trốn ra ngoài Thung Lũng. Có lẽ vì thế mà ông lâm bệnh nặng và chết sớm hơn những người khác.
Ngày ông chết, tôi đang tung tăng đi học về, người hàng xóm chạy ào tới, cha mày chết tươi ở nhà rồi kìa. Giọng nói bà hàng xóm xấu bụng rộn ràng đắc thắng làm sao. Hẳn cái chết của bố tôi không mang lại niềm vui cho bà ta nhưng tại sao bà ta lại nói thế, tôi không hiểu.
Suốt ba ngày đám tang, mẹ tôi than trách ông sao ra đi mà chẳng nói gì, bà chỉ muốn đi theo ông mà thôi, chẳng thiết sống chút nào nữa. Bà hàng xóm xầm xì, chết rồi để con bé cho ai, không lẽ để cho tôi chắc. Bà ta không có con, nhưng lại chẳng yêu thích gì trẻ con. Gặp trẻ con là mặt bà ta nhăn nhúm như ngửi phải mùi mắm thối. Ông chồng bà ta thì tính tình cũng chẳng kém vợ, hoàn toàn là một mụ đàn bà thứ hai trong gia đình đó.
Thi thể bố tôi được quấn chặt trong một tấm vải trắng, trắng tinh và sạch sẽ, rồi một tấm vải trắng khác, rồi một tấm vải xanh.
Suốt mấy tuần liền, tôi chẳng bước chân ra đường, chẳng đi học, chẳng nói năng gì. Bố tôi cũng chẳng hiện về với tôi lần nào. Lễ bốn chín ngày, chỉ có hai mẹ con chúng tôi và tấm ảnh trên bàn thờ. Mụ hàng xóm không qua hóng chuyện hay giả vờ hương khói như hôm đám tang. Tầm mười một giờ trưa, trời nắng như vỡ đầu, bỗng xuất hiện một người đàn bà dẫn theo đứa bé trai tầm năm sáu tuổi đứng trước cửa nhà tôi với dáng vẻ ngần ngại. Một người lạ! Đúng là tôi chưa gặp bà ta lần nào, nhưng đứa bé thì trông quen quen, cứ như đã gặp ở đâu rồi.
Người khách lạ có vẻ chân thành lắm. Bà ta thắp nhang và vái lạy như thể ruột rà với người chết khiến tôi ứa nước mắt. Lưỡng lự hồi lâu, rồi bà ta mới lấy hết can đảm lên tiếng với mẹ tôi. Trong lúc đó, thằng bé vẫn ngơ ngác, thậm chí còn có vẻ sợ hãi khi nhìn tôi, dù tôi chỉ nhỉnh hơn nó một chút. Nó, đứa con riêng của bố tôi.
Đứa bé đó đã chấm dứt nỗi đau của người đàn ông là bố tôi, kẻ đã không thể cho ra đời một đứa con trai, như điều tối thiểu của tất cả đàn ông trong họ tộc. Tôi choáng váng, vừa vui mừng lại vừa tủi thân.
Thế mà, nó chỉ sống được với mẹ con tôi có mấy ngày. Mệnh nó yểu quá. Nó về, có lẽ chỉ để cứu vãn danh dự cho bố tôi rồi ngay sau đó, ra đi mãi mãi. Nếu nó không giống hệt bố tôi, thì có lẽ chỉ mấy ngày ngắn ngủi ở cạnh, nó chẳng thể để đọng lại trong tôi bất cứ điều gì.
Hôm nay tôi nhớ cái thung lũng đó quá. Lúc tôi ra đi, thung lũng xác xơ. Một trận lũ đã cuốn phăng và lấp hết tất cả dưới bùn đất. Mồ mả, nhà cửa, trâu bò, lợn gà, và cả những người già nữa…
Tôi đớn hèn, sợ hãi, tôi không dám trở về nơi mình sinh ra. Một thung lũng thưa vắng bóng người. Nó thưa vắng bởi sự già nua và những nỗi sợ vô hình khác không rõ ràng, phân minh.
Cái nơi đấy, hình như chỉ có sự già nua là tồn tại mà thôi.

***
Hai đứa đi trăng mật ở miền quê, hy vọng chuyến đi sẽ làm chúng tôi trở nên khăng khít với nhau hơn. Nhưng nhìn mặt anh cứ buồn buồn nên tôi chẳng dám nói gì.
Sắp đến nơi, tôi mới hỏi anh, sao chúng ta lại nghỉ ở thành phố Trẻ, Phả cười, là vì bạn anh muốn thế. Thật biết pha trò, tôi chẳng thể hỏi gì thêm.
Lượn lờ khắp thành phố đến nửa đêm mới kiếm được cái khách sạn ổn ổn. Phả đùa, nếu tối nay không kiếm được khách sạn thì chúng ta sẽ ở đâu. Tôi cười. Sực nhớ cả ngày hôm nay, chúng tôi chưa hôn nhau lần nào, thậm chí là nắm tay nhau, tôi ngả đầu vào vai chồng mình thủ thỉ. Hai đứa cùng cười.
Thành phố Trẻ này cái gì cũng thổi phồng lên so với cái nó thực sự có. Không lẽ vừa đến nơi lại quay về, Phả làu bàu. Tôi đưa mắt nhìn lên trần nhà, quạt thì gãy cánh, trông như sắp rơi xuống đầu mình. Sàn nhà thì vừa cũ vừa bẩn. Đến cái thảm chùi chân cũng tệ hại, rách bươm.
Nếu không có cửa lưới chống muỗi thì không biết đêm nay chúng tôi sẽ ăn ngủ kiểu gì. Anh vào nhà tắm, xả nước. Tôi mở máy tính. Thói quen mới của tôi là viết những đoạn nhật ký ngăn ngắn trên máy. Nhiều lúc anh than phiền tôi vì thói quen này, tốn quá nhiều thời gian cho cái máy tính, nhưng tôi chẳng bỏ được. Mà chính tôi cũng không hiểu, mỗi lần nhìn anh buồn, trầm tư, tôi lại cố suy đoán nội tâm của anh. Khi nào tôi cũng muốn biết chồng mình đang đau khổ thế nào, để tìm cách chia sẻ.
Đêm tân hôn mà cãi nhau thì suốt đời sẽ cãi nhau mất, nghĩ thế nên tôi tắt máy. Tôi quên béng là đang viết dở. Cũng vừa lúc anh tắm xong. Hóa ra bây giờ đã là vợ chồng, nhưng chúng tôi vẫn thấy lạ lẫm và xa xôi.
Thôi thì mang cả bụi bặm của khu phố nghèo lên giường mà ngủ vậy. Tôi rón rén mở quà cưới ra xem. Phả bảo, ngủ đi, giờ này còn đi mở quà. Đúng là đàn bà, cứ thấy quà là mắt sáng rỡ.
Một bộ váy ngủ màu đỏ, lúc tặng tôi cô bạn đã bảo, mặc cái này vào, bảo đảm thằng chồng dù cù lần nhất thế gian cũng phải tan chảy. Tôi xếp nó vào hộp quà và buộc lại nơ.
Ngồi soi sương và trang điểm một lát, khi tôi quay ra thì Phả đã ngủ rồi. Nhưng anh vẫn lên tiếng bằng cái giọng ngái ngủ, sao cứ loay hoay mãi thế, ngủ đi cho xong…
Thì ra đêm tân hôn của tôi chỉ có thế.
Sau này, cô bạn tôi cứ hỏi về tác dụng của bộ váy ngủ, tôi bảo một chút nồng nàn, một chút buồn bã, hệ quả là đứa con đang mang trong bụng đây… Nghe thế, cô ta chỉ lắc đầu.

***
Phả đã nghĩ đến sợi dây thừng. Khi người ta cùng quẫn, người ta sẽ cần đến sợi dây thừng. Anh đã cùng quẫn thực sao! Anh còn có một ngôi nhà nhỏ để chui ra chui vào, thậm chí còn có nhiều cô gái, tuy không sẵn sàng chết nhưng sẵn sàng qua đêm và uống cùng anh cho đến lúc say bí tỉ. Anh lại còn cả một ký ức để sống và tự giày vò…
Những cây phượng bắt đầu ra lá non. Cứ như vì mùa xuân cuối cùng của anh nên ông trời đã vẽ tặng anh một bức tranh tuyệt đẹp để làm quà. Ôi, anh lại nghĩ quẫn rồi… Cần phải đến bác sĩ tâm thần. Phải rồi. Và chúng tôi đi. Ngay hôm đó.
Bệnh viện tâm thần cách thành phố không xa nhưng đường sá thì tệ không nói nổi. Đi lại khốn khổ như là cách để hành xác bệnh nhân và người thân của họ.
Đến bến xe, tôi và anh gặp một người đàn ông cà thọt cùng với chiếc nạng gỗ. Ông ta bảo mình biết đường đến bệnh viện, và cũng đang trên đường đến đó, trước đây ông từng là quận trưởng… Kiểu nói chuyện của ông ta biểu lộ căn bệnh thèm nói. Gặp người chịu nghe, ông ta cứ huyên thuyên đủ chuyện. Ông ta bảo trước đây ông từng là sĩ quan, bàn tay ông ta đã bắn chết không biết bao nhiêu kẻ thù. Giọng miền Nam của ông đặc sệt như nước da của ông vậy, chẳng thể lẫn vào đâu. Có khi nào ông ta đã bắn những người cùng làng quê chúng tôi không, vì nghe rằng chỉ ở thung lũng đã chôn xác hàng trăm liệt sĩ… Nghe ông ta nói liên tục, tôi thấy chạnh lùng, rùng rợn, nên tìm cách né sang chuyện khác.
Bệnh viện giữ Phả ở lại. Tôi cũng xin nhập viện, tìm đủ mọi lý do nhưng họ một mực từ chối.
Ngay trong buổi trưa đó, tôi lên xe về.
Tôi chẳng biết làm gì nữa vì quá mệt.
Tôi ngủ một mạch đến sáng hôm sau mới tỉnh dậy. Thức giấc thì đã thấy gian bếp gọn gàng một cách lạ thường. Bởi đang có thai, việc gì tôi cũng phải nhờ cô bé giúp việc. Cô bé này có một bạn trai rất chu đáo. Thằng nhóc ấy tên Tình. Tình quán xuyến mọi việc. Từ ngày có Tình, khách khứa vào ra tấp nập hẳn lên. Sáng sớm đã có người gõ cửa chờ được ăn, dù phải chờ lâu họ vẫn rất vui vẻ.
Tôi đâm ra rảnh tay rỗi chân, muốn ngủ nhưng lại không ngủ được. Bác sĩ đã dặn không được dùng thuốc ngủ.
Tôi đếm từng ngày và biết rằng đây đã là những ngày cuối cùng của Phả. Tôi không thể ngăn cái chết đến với anh, đành bất lực nhìn mỗi ngày hai mươi tư tiếng trôi qua quá phung phí.
Mỗi công dân ở thành phố này đều phải thỏa hiệp với thần chết khi tuổi còn rất trẻ.
Tôi mở mắt ra và thấy Tình đang loay hoay bếp núc. Nó chăm chỉ làm đến mức người ngoài nhìn vào cứ nghĩ chúng tôi đang dắt mũi nó. Nhưng nó cười, nói rằng nó có phải bò đâu mà bị dắt mũi.

***
Phả gọi điện về, bảo anh muốn được tôi luyện linh hồn ở mảnh đất đó, và ngăn tôi đừng đến đấy làm gì. Anh dặn tôi hãy chăm con. Tôi chỉ im lặng. Hôm qua tôi đã uống phải một loại thuốc giết người, và đứa con đã trôi tuột ra khỏi tôi.
Khi tôi chạy đến khiếu nại thì bác sĩ đã rời bệnh viện, bà ta vừa nghỉ hưu trưa hôm trước. Tôi chỉ muốn điên. Nhưng tôi không dám nói chuyện này với Phả. Anh sẽ điên, và sẽ chết sớm hơn dự định.
Lát sau điện thoại lại reo. Tình bắt máy. Nó mang cả găng tay đang ướp thịt cầm lấy ống nghe. Rồi nó bảo Phả muốn gặp tôi. Nhìn găng tay nó đeo tôi muốn nôn quá, dù trong bụng tôi chẳng còn đứa bé nữa. Tôi vuốt vuốt cổ.
Phả mắng té tát vào mặt tôi. Đồ ăn thịt người. Rồi Phả tắt máy. Tôi chẳng có cách nào gọi lại cho Phả. Ở bệnh viện tâm thần quái quỷ đó, người ta cấm người nhà gọi đến cho bệnh nhân. Tôi biết làm sao đây.
Tôi ngồi phịch xuống nền nhà.
Tôi bảo Tình đóng cửa đi, không bán buôn gì nữa. Tôi mệt lắm. Nhưng nó không nghe thấy. Mà khách đang đông thế kia, chẳng lẽ đuổi người ta về. Hơn nữa nó với con bé kia làm bao nhiêu việc không hết, hơi đâu nó bận tâm đến câu nói của tôi.
Bụng tôi không đau, chỉ thấy rỗng, thấy thiếu thốn, đói rách mà thôi. Như chẳng chứa gì, chẳng tim phổi, chẳng hít thở, chẳng lưu thông máu huyết. Tôi không còn ốm nghén. Nhiều người quá, cứ như họ tràn vào quán này để hít hết không khí không cho tôi thở…
Tôi hỏi Tình, có việc gì cho tôi làm không, buồn tay chân quá. Tình bảo, hay kêu tắc xi đi lấy găng tay về cho Tình. Vừa nói, Tình vừa gọi tắc xi quen của nó. Năm phút sau, xe đỗ xịch trước cửa. Tôi cầm ô đi ra. Anh lái xe cũng chẳng buồn hỏi tôi đi đâu.
Anh ta chở tôi đến bệnh viện phụ sản. Chính ở nơi này, tôi đã mất đứa con duy nhất, bé bỏng mà không bao giờ có thể biết mặt mũi nó. Tôi bảo anh ta quay xe về nhưng anh ta im lặng, chẳng nói năng gì.
Từ phòng gác cổng, bác bảo vệ đưa cho tôi một túi, bên trong có những đôi găng tay Tình đã dặn. Tôi mất trí thật rồi. Đây là những đôi găng tay hằng ngày Tình vẫn dùng để ướp tẩm thịt cá, rửa bát đũa, nấu nướng, lau nhà, lau bàn…
Trời đất ơi, ngày nào tôi cũng nghe mùi tanh của máu, nhưng cứ nghĩ đó là mùi của túi đất sét và quặng mà Phả đem về cho tôi trong lần đi về thung lũng Già Nua. Tôi không biết gì cả, cái gì cũng làm theo lời Tình.
Sao Tình lại nghĩ ra việc dùng những đôi găng tay này để làm bếp… Nó chẳng hỏi han tôi lấy nửa lời. Còn con bé, đi chơi mấy ngày không biết đã tìm đâu ra cái thằng người yêu kỳ quái thế kia. Tôi chưa bao giờ xem giấy tờ tùy thân của Tình, vì chỉ nhìn mặt nó tôi đã thấy tin tưởng…
Những đôi gang tay đã được ngâm thuốc tẩy nhưng tôi vẫn cảm thấy mùi máu trên đó, cả vết máu và những dấu vân tay. Quá ớn lạnh, tôi vứt toẹt xuống đường.
Làm sao đây? Ai cứu tôi? Những người khách đang đợi. Họ cần ăn. Thành phố này không thể ngưng hoạt động được… Bụng tôi đau quá.
Anh lái xe tấp lại bên đường nhảy xuống, nhặt mớ găng tay lên.
Xe tiếp tục lăn bánh.
Những dãy nhà chung cư trải dài hai bên đường vắng ngắt, tắt ngúm đèn đóm. Chỉ có ánh sáng phát ra từ chiếc tắc xi trong đêm đen kĩu kịt.
Tôi cảm tưởng như mình đang tham gia một trò chơi không thể đoán trước, đang giải một mật thư nào đó…
Xe chạy qua đoạn đường vắng ngắt.
Tối om.
Xa quá. Đi mãi chưa về tới nhà…
Rồi anh lái xe bỗng đạp ga, lao như điên. Tôi bảo đi chậm chút đi, làm ơn. Tôi mới sẩy thai hôm qua.
Ánh lái xe gắt, thế để người ta chết đói cả lũ à.
Sài Gòn, Mùa Thu 2014