Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

Nhân kỷ niệm 110 năm phong trào Đông du (1905 – 2015) NƯỚC NHẬT, NGƯỜI NHẬT DƯỚI CÁI NHÌN CỦA PHAN BỘI CHÂU

Đào Tiến Thi
I- VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ NHẬT BẢN TỪ DUY TÂN MINH TRỊ ĐẾN KHI ĐẦU HÀNG ĐỒNG MINH (1868 – 1945)
Nằm ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản là một quần đảo trong đó có bốn đảo lớn: Hokaido, Honshu, Shikoku, Kyushu. Diện tích: 377.944km2; Dân số: 127.320.000 người (2010). Trong một thời gian dài, chế độ phong kiến Nhật Bản mang tính chất cát cứ, đứng đầu là các tướng lĩnh (tương tự như các lãnh chúa châu Âu thời trung cổ).
Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng văn hoá Trung Hoa nhưng chỉ từ thế kỷ IX trở về trước.
Trong khoảng 1868 – 1945, có thể chia lịch sử Nhật Bản thành hai thời kỳ:
1. Từ 1868 – 1912: Dưới thời vua Minh Trị (Meiji, 1852 – 1912), Nhật Bản đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá đất nước.

clip_image002[4]
Nhật hoàng Minh Trị (1852 – 1912)
Thực chất cuộc Duy tân Minh Trị là cuộc Âu hoá. Tốc độ Âu hoá nhanh đến chóng mặt. Cuộc Âu hoá đã làm được 4 việc lớn: thị trường hoá nền kinh tế; xây dựng nhà nước pháp quyền; cải cách giáo dục; hiện đại hoá quân đội.
Đương thời đã có người nói rằng, sau 45 năm trị vì của vua Minh Trị, Nhật Bản từ một đất nước quê mùa nằm bên lề của thế giới văn minh (phương Tây) đã trở thành một quốc gia hùng cường mà tất cả thế giới phải coi chừng. Và quả thật, với cuộc đại thắng đế quốc Nga (1905), người Nhật đã trở thành “người lớn”, đứng trong “lục cường”, tham gia vào việc phân chia thế giới.
2. Từ 1913 – 1945: Nhà nước Nhật Bản bị toàn trị hoá, phát xít hoá và sụp đổ. Giai đoạn này Nhật tham gia vào hai cuộc thế chiến:
– Thế chiến I, Nhật đứng về phe Hiệp ước, thuộc bên thắng trận, giàu mạnh nhanh chóng.
– Thế chiến II, Nhật tham gia phe Trục (phát xít), xâm lược Trung Quốc, gây chiến với Mỹ ở Thái Bình Dương, chiếm các thuộc địa của Pháp, Anh ở Đông Nam Á. Nhưng rốt cuộc đã thảm bại, bị Mỹ chiếm đóng.
Như vậy thời gian chí sỹ Phan Bội Châu ở Nhật để lãnh đạo Đông Du (1905 – 1908) là thời gian cuối cùng của một nước Nhật huy hoàng, là tấm gương cho các dân tộc phương Đông ngưỡng mộ và học tập.
II- CẢM NHẬN CỦA PHAN BỘI CHÂU VỀ NHẬT BẢN
A- CẢM NHẬN VỀ NỀN CHÍNH TRỊ NHẬT BẢN
1. Giai đoạn ngợi ca Nhật Bản (1900 – 1908)
a) Ngợi ca sức mạnh Nhật Bản
Trước khi xuất dương, Phan Bội Châu cũng chỉ biết sơ lược về Nhật Bản qua sách báo tân thư của Trung Quốc. Khoảng 1904, trước khi xuất dương, Phan Bội Châu có bài hát dặm Kể chuyện năm châu, kể việc nhiều nước lạc hậu nhờ biết duy tân mà trở thành cường quốc. Sau khi nêu gương Nga, Đức, Pháp, Ý, Mỹ, tác giả dành một đoạn 27 câu (dài nhất) cho Nhật Bản:
Nước Nhật Bản anh hùng
Ba mươi năm trở lại
Nghĩ khi đương còn dại
Nước hẹp lại dân hèn
Đường trí xảo chưa quen
Tưởng gây dựng đâu nên
Cũng một phường nô lệ
Cùng một loài nô lệ
Ai ngờ vua Minh Trị
Mới mở cuộc duy tân
Phép thay đổi dần dần […]
Và kết quả là thôn tính nhiều vùng đất Trung Quốc:
Cắt Đài Loan như nhởi
Lấy Bành Hồ như nhởi
Đặc biệt là đánh bại Nga:
Ai to mạnh bằng Nga
Quẳng Liêu Đông mà chạy
Bỏ Phụng Thành mà chạy.
Đầu tháng 6-1905, Phan Bội Châu đến Nhật, đúng lúc cuộc chiến Nhật – Nga vừa kết thúc với thắng lợi tuyệt đối thuộc về Nhật Bản. Trong Á tế Á ca (gửi về nước 1906) mà nhiều nhà nghiên cứu cho là của Phan Bội Châu, tác giả đặt Việt Nam trong bức tranh toàn cảnh châu Á, khi các dân tộc lạc hậu đang trở thành miếng mồi ngon cho các nước đế quốc:
Thịt một miếng trăm dao xâu xé,
Chiếc kim âu chẳng mẻ cũng khôn lành.
Tôi con Pháp, tớ thầy Anh,
Nín hơi Đại Đức, nép mình cường Nga.
Gương Ấn Độ còn xa đâu đó,
Chẳng máu đào, nhưng cũng họ da vàng
Mênh mông một dải Đông Dương,
Nước non quanh quất trông càng thêm đau.
Thế nhưng lại có một nước tiến hành cuộc duy tân, đó là Nhật Bản:
Cờ tự lập đứng đầu phất trước,
Nhật Bản kia vốn nước đồng văn,
Thái Đông mở hội duy tân,
Nhật hoàng là đấng minh quân ai bì?
Tác giả dành 100/203 câu của toàn bài để lược kể cuộc Duy Tân Minh Trị ở Nhật Bản: Kết quả là biến Nhật Bản từ một nước nhược tiểu thành một nước hùng cường, ra tranh tài với các cường quốc. Tác giả đặc biệt hào hứng khi nói về những chiến thắng của Nhật trong cuộc chiến Nhật – Nga:
Trận thứ nhất Cao Ly lừng tiếng,
Khắp toàn cầu muôn miệng đều khen.
Sa trường xung đột mấy phen,
Ngọn cờ Áp Lục, tiếng kèn Liêu Đông.
Châu Lữ Thuận mơ mòng khói bạc,
Thành Phụng Thiên ngơ ngác non xanh.
Hải quân một trận tan tành,
Thái Hoa cắt núi, Đông Thanh xẻ đường…
clip_image004[4]
Quân Nga thua chạy trong trận Phụng Thiên (Đông Bắc Trung Quốc)
(Nguồn: Wikipedia)
b) Ngợi ca nền dân quyền Nhật Bản
Ngay khi mới đặt chân lên đất Nhật, cụ Phan đã cảm nhận cuộc sống ở Nhật khác hẳn Việt Nam. Phan viết trong Hải ngoại huyết thư (HNHT, 1906):
– Người dân Nhật Bản được chăm sóc về y tế, đi lại: “Tôi đi sang nước lớn ở Biển Đông, dưới nước đi thuyền, trên bộ đi xe, thấy trong thuyền trong xe có bao pháp độ được đặt ra để đãi người nước họ: giá vé rẻ, đối xử lịch sự, cung cấp ăn uống đầy đủ, có y tá chăm sóc khi tật bệnh, lúc ngồi lúc nằm khi đi khi lại, đâu đâu cũng sạch sẽ gọn gàng, vẫy gọi tiếp dẫn, việc gì cũng đều nhân từ… Dùng đạo người để đối đãi với con người hẳn phải là như thế”.
– Cách kính dân của Nhật hoàng khác hẳn cách “thân dân” của các vua phong kiến ngày trước: “Vua nước Nhật Bản kính dân như thầy, như cha, thương dân như mẹ như con, nuôi nấng con côi, giúp đỡ người tật bệnh; bệnh viện trường học, không có cái gì là không dành phần trước cho dân, rồi sau mới đến mình…. Ngay các việc giảng hoà, khai chiến, hành quân, thu thuế, điều binh,… không việc gì là không do nghị viện nhân dân quyết định”. (HNHT)
Việt Nam quốc sử khảo (VNQSK, 1908), viết sau khi đã ở Nhật mấy năm, Phan Bội Châu càng nhận rõ sức mạnh của nền dân quyền. Khi khảo cứu về dân quyền nước ta, Phan chí sỹ nhận thấy nền dân quyền nước ta cũng đã có mầm mống từ thời Trần nhưng lại hao mòn dần và kéo theo là thế nước yếu dần cho đến khi dân quyền hết cũng là lúc nước mất. Nhật Bản thì ngược lại, mạnh dần lên do dân quyền được đề cao: “Nhật, Anh, Đức, Pháp, Mỹ đều là những nước cường quốc, tức đều là những nước mà dân quyền được đề cao. Hình pháp, chính lệnh, thuế khóa, tiêu dùng đều do nghị viện quyết định, mà nghị viện đều do nhân dân tổ chức nên, chính phủ không được can thiệp vào. Hằng năm đến kỳ nghị viện họp, các nghị viên tụ tập đông đủ. Chính phủ phải trình bày dự án trước nghị hội. Nghị hội tức là nhân dân. Những điều nhân dân cho là phải, chính phủ không thể không làm; những điều nhân dân cho là trái, chính phủ không được làm. Tuy rằng sắc chiếu của hoàng đế rất là đáng tôn trọng, nhưng nếu nghị viện không đồng ý thì cũng phải thu hồi mệnh lệnh đó” (VNQSK).
2. Giai đoạn bàng quan với Nhật Bản (1909 – 1918)
Giai đoạn này hầu như Phan Bội Châu không đề cập gì đến Nhật Bản. Có lẽ vì:
– Mất một năm nương náu ở Thái Lan và bốn năm ngồi tù trong nhà lao Quảng Đông.
– Nhật chuyển nhanh sang giai đoạn đế quốc chủ nghĩa, lại là đồng minh của Pháp trong Thế chiến I, không thể là bạn của Việt Nam nữa.
– Phan bận thành lập Việt Nam Quang phục Hội (1912), mô phỏng Quốc dân Đảng và nhà nước Trung Hoa Dân quốc. Ngọn cờ Trung Quốc đã thay cho ngọn cờ Nhật Bản.
3. Giai đoạn đề phòng cuộc xâm lược của Nhật bản (1919 – 1940)
Đế quốc Nhật Bản phát triển đến đỉnh điểm. Đông Nam Á trở thành miếng mồi “thèm rỏ rãi” (chữ của Phan) của đế quốc Nhật. Phan Bội Châu chuyển hướng đấu tranh, từ dựa vào Nhật để chống Pháp, nay kêu gọi “Pháp – Việt đề huề” để chống lại nguy cơ xâm lăng từ Nhật Bản.
Nhật Bản kia là một nhà nham hiểm nhất trong thế giới, cũng là một bác nhanh chân nhất trong trường đi săn”. (Pháp Việt đề huề chính kiến thư)
Trong Dư cửu niên lai sở trì chi chủ nghĩa (Chủ nghĩa mà tôi ôm ấp chín năm nay, 1921), Phan Bội Châu nêu chủ trương từ bỏ phương pháp bạo động chuyển sang đấu tranh ôn hoà, bất bạo động. Dựa vào Pháp để chống nguy cơ Nhật Bản.
Từ đây cho đến 1940, trong hàng loạt bài báo, thư từ, trả lời phỏng vấn khác, Phan Bội Châu luôn coi Nhật Bản là một đế quốc nguy hiểm, vì đế quốc này đang trên đà hưng thịnh nhưng lại nghèo tài nguyên, cho nên buộc nhảy ra để tranh giành thuộc địa. Phan nhận định, cuối cùng thế nào Nhật cũng sẽ tranh giành quyền bá chủ thế giới với Mỹ[1].
B- CẢM NHẬN VỀ CON NGƯỜI VÀ VĂN HOÁ NHẬT BẢN
Phan Bội Châu niên biểu là tập tự truyện ghi lại cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, trong đó có chủ yếu nói về thời gian ở Nhật, và có nhiều ghi chép, nhận xét về con người và văn hoá Nhật Bản. Ngoài ra các nhận xét về Nhật Bản còn nằm rải rác ở nhiều tác phẩm khác, kể cả lúc rời khỏi Nhật Bản đã lâu. Có thể chia các cảm nhận lẻ tẻ, rải rác đó thành ba phương diện:
– Cảm nhận về tinh thần tự cường của người Nhật
– Cảm nhận về dân trí và văn hoá Nhật.
– Cảm nhận về con người Nhật.
1. Về tinh thần tự cường của người Nhật
Phan Bội Châu so sánh chủ quyền của Việt Nam với Nhật Bản trong lịch sử: chủ quyền của Việt Nam khi mất khi còn và nhìn chung cứ yếu dần, trong khi đó chủ quyền Nhật Bản trong suốt lịch sử không suy suyển: “Tôi thường lấy làm lạ: Nhật Bản ba hòn đảo cỏn con ấy mà suốt 3000 năm nay, chủ quyền vẫn như một ngày”. (VNQSK)
Và điều quan trọng hơn: ý thức về chủ quyền của người Nhật hơn hẳn người Việt Nam: “Nhật Bản ngày xưa nước không bằng nước ta; sản vật hàng hoá, tiền tài giàu có không bằng một phần trăm nước ta, nhưng nhà vua gửi thư cho Tuỳ, Đường, thì vẫn xưng là “Thiên tử nơi mặt trời mọc kính hỏi thăm Thiên tử nơi mặt trời lặn”. Than ôi, người ta sao tôn quý được như vậy, mà ta lại ti tiện nhường này! Đem so sánh thì thật là đau xót! Huống nữa về sau lại còn tệ hơn thế. Đó là thời đại ở trong thì tự xưng là đế, còn ở ngoài thì phải xưng là thần”.
Một biểu hiện ý thức tự cường khác của người Nhật là tinh thần chịu đựng gian khổ. Một lần Phan Bội Châu gặp Đại tướng Phúc Đảo (hiệu trưởng Chấn Võ Học hiệu) hỏi rằng liệu Việt Nam có đánh được Pháp không thì Phúc Đảo lấy kinh nghiệm Nhật đánh nhau với Nga mà bảo rằng: đối với quân đội, quan trọng nhất là phải có tinh thần “nhẫn lao nại khổ” (kiên trì và chịu đựng gian khổ). Lính Nhật ăn củ cải muối với bánh mì đen, chứ ăn thịt bò, uống sữa như lính Nga thì nước Nhật Bản “đất nghèo, dân đói” làm sao cung ứng nổi.
Phan kết luận: “Tục ngữ có câu: “Ở đời không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”. Ta muốn văn minh thì văn minh đến. Nước Nhật Bản duy tân bốn mươi năm mà văn minh đến cực điểm. Nước ta sau vài chục năm hoặc vài kỷ [kỷ: 12 năm] nữa thì sẽ là thời kỳ hèn yếu qua đi, thời kỳ lớn mạnh đã đến chăng?”
2. Về dân trí và văn hoá Nhật
Khoảng tháng 3-1906, Phan Châu Trinh cũng đến Nhật. Ở Nhật một tháng, trước khi từ biệt, Phan Châu Trinh bảo Phan Bội Châu: “Trình độ quốc dân Nhật Bản như thế, mà trình độ quốc dân ta thì như thế, không nô lệ sao được!” (Niên biểu).
Trong bài “Sự đáng thương về dân trí nước ta” (VNQSK), nhân nói về dân trí nước ta mà tác giả so sánh với dân trí Nhật Bản: “Nền cộng hoà của nước Pháp, nước Mỹ là do dân trí mà có; nền lập hiến của Nhật, Anh, Đức cũng do dân trí mà ra. Ở Nhật, Thiên hoàng phải ban chiếu lập hiến, là vì không ngăn nổi ý dân. Cho nên “Dân trí có công với dân quyền lớn vậy thay”.
Phan Bội Châu đau xót thừa nhận dân trí Việt Nam rất thảm hại, cho nên không có dân quyền là tất nhiên. Phan đặt những cái ngu ngốc, tăm tối của người Việt, bên cạnh cái khôn ngoan, cái văn minh của người Nhật:
– Người VN khi giàu thì tìm cách chôn của cải xuống đất. Còn người Nhật đưa tiền vào ngân hàng, mở thương điếm, thế là “của ta nhưng cả một nước giữ đỡ”.
– Ngay khi đến Nhật, Phan đã nhận thấy người Nhật tin nhau. Trong HNHT, Phan viết: “Người Tây và người Nhật hết sức tin nhau, họ gửi nhau nghìn muôn lạng vàng, tuy ở cách xa nhau ngoài ức vạn dặm mà kẻ nhận một mảy may cũng không suy suyển, người gửi một mảy may cũng không nghi ngại.”.
Trong VNQSK, cuốn sách viết sau khi đã ở ở Nhật mấy năm, Phan càng thấy điều đó: “Tôi thường thấy người Nhật Bản lúc bàn tính công việc quan trọng, họ không tin vợ con anh em mà chỉ tin những người cùng cộng tác với mình. Họ tin cậy nhau hơn ruột thịt như thế, lẽ nào công việc lại không thành?”
– Người Nhật có tinh thần đại đoàn kết. Phan giải thích việc Nga thua Nhật thắng: “Súng ống của quân Nga nhiều gấp trăm lần Nhật Bản, mà Nga bại Nhật thắng […] Ấy là vì: “Nước Nhật Bản kia khi chống với giặc ngoài thì cả nước như một người […] Người nước ngoài muốn bắt họ làm nô lệ, làm bầy tôi, trừ phi chém phăng cả toàn dân một nhát, còn thì không làm sao bắt được” (VNQSK).
Cũng trong VNQSK, nhân nói về hôn nhân, ma chay, thờ cúng của người Việt, mà Phan Bội Châu lại có dịp so sánh với người Nhật.
Về hôn nhân: VNQSK tả tỉ mỉ quá trình một đôi trai gái kết hôn, đại thể các bước nghi lễ khá giống Việt Nam (dạm hỏi, đưa dâu, đón dâu), nhưng không có chuyện mời khách, thách cưới, đặt tiệc, ăn uống linh đình.
Về việc thờ cúng, người Nhật thờ cúng rất đơn giản. Ngày giỗ cha mẹ người ta chỉ mua hoa, lấy giấy viết tên hiệu cha mẹ rồi đặt lên bàn thờ, trong nhà yên tĩnh nghiêm trang để tỏ vẻ thành kính. Phan nói một cách hài hước: “Tôi sống với người Nhật ba, bốn năm mà không được bữa rượu cúng tế nào cả. Thật cũng tự lấy làm buồn”. (VNQSK)
Về việc tang ma, người Nhật Bản cũng có vẻ giống người Việt về thủ tục viếng và chôn cất, nhưng khác người Việt ở chỗ: trong khi người Việt làm ma một cách tất bật, linh đình và có tính phô trương thì người Nhật lại lặng lẽ, trang nghiêm. Phan Bội Châu kể, đại ý: Ngày đưa tang, họ hàng, bạn bè đứng trước cửa nhà người chết hoặc đứng hai bên đường, khi đưa người chết ra thì đi theo. Trên đường ra nghĩa địa, họ không khóc, không cười, không nói, hoàn toàn im lặng để tỏ lòng thương tiếc. Họ ăn mặc đẹp, đeo huy chương để tỏ lòng kính trọng người chết. Khi chôn họ đứng vòng quanh mộ im lặng. Chôn xong, lại xếp hàng vái lễ và tang chủ đáp lại, sau đó giải tán. Con cái muốn tỏ ra có hiếu với cha mẹ thì đăng báo xin góp một khoản tiền lập công ty hay hội xã hội.
Tóm lại, ở cả ba tục ma chay, cưới xin, thờ cúng, bề ngoài người Nhật giống người Việt mà thực lại khác hẳn người Việt: người Việt nhân các việc này mà khoe khoang, mà ăn uống linh đình, vừa giả dối vừa lãng phí. Còn người Nhật thì họ thành tâm, nghiêm túc, tiết kiệm.
Dân trí gắn liền với giáo dục, vì giáo dục tạo ra dân trí. Từ 1905, nhân đọc Lời tựa cuốn Chính sách thôn tính Trung Quốc của người Nhật Bản, Phan Bội Châu thấy câu “Nước Việt Nam bị Pháp Lan Tây diệt, mà người Việt Nam còn lấy việc đỗ tiến sỹ làm vinh quang”, mà giật mình. Thì ra cái hoạ mất nước của ta bắt đầu từ cái hoạ khoa cử. “Cái nguy hại của khoa cử thật là hơn cả gươm súng”. Theo Phan, gươm súng làm chết về thân thể, người khác có thể thấy mà tránh, còn khoa cử thì làm chết lòng người, “về lâu về dài, đủ diệt cả giống nòi”. Rất may cho Nhật Bản, không có tệ khoa cử[2], “Khắp nước Nhật không có một người xuất thân khoa cử. Không có cái “vinh quang” của tiến sỹ” (Nhân đọc lời tựa cuốn sách Chính sách thôn tính Trung Quốc của người Nhật Bản).
Sau khi ở Nhật mấy năm, Phan Bội Châu có dịp tìm hiểu kĩ hơn, thấy giáo dục của họ khác hẳn Việt Nam. Giáo dục Nhật Bản không chia văn võ, ai cũng phải đọc sách và ai cũng ra trận được. Còn giáo dục Việt Nam thì ban đầu cũng không chia văn võ, nhưng về sau đã chia ra 2 hạng là văn sỹ võ nhân. Nhưng tai hại chưa phải do chia riêng hai hạng ấy mà là từ đấy bắt đầu cái tệ khoa cử. Các triều đình chuyên chế thực chất không dùng khoa cử để đào tạo nhân tài mà là dùng khoa cử làm cái bẫy để thu hút tất cả hào kiệt trong tay mình, để sử dụng họ như một công cụ. Cho nên có bọn võ nhân “không đọc nổi một chữ”, còn loại văn sỹ thì chỉ chuyên chú chữ nghĩa, đến mức “thành một vật chết không biết cái gì nữa”. Hậu quả là “võ chẳng thành võ, văn chẳng thành văn”. Tuy nhiên, theo Phan, bọn văn sỹ mới thực sự là vô dụng: “Tiết nghĩa, khí khái trong văn chương, trước thuật thì có, còn bàn về việc góp phần chỉnh đốn trời đất, quét trừ giặc dữ, thì đại để đều do bọn võ nhân, chứ không phải phường quần dài áo rộng kia. Bọn đó còn bàn gì được chuyện thiên hạ”. (VNQSK)
3. Về con người Nhật Bản
a) Về các chính khách Nhật
Nhờ sự giới thiệu của Lương Khải Siêu mà ngay khi đến Nhật, Phan Bội Châu đã gặp được hai chính khách vào bậc nhất Nhật Bản hồi đó: Bá tước Đại Ôi Trọng Tín và Tử tước Khuyển Dưỡng Nghị. Thời gian ở Nhật, Phan còn có mối quan hệ với Đại tướng Phúc Đảo Yên Chính, Hiệu trưởng Chấn Võ Học hiệu.
· Bá tước Đại Ôi Trọng Tín
Đại Ôi Trọng Tín (Okuma Shigenobu, 1838 – 1922) là cựu thủ tướng Nhật (hai khoá), công thần của thời kỳ Duy tân Minh Trị, lúc Phan Bội Châu đến Nhật, ông đang là Chủ tịch Đảng Tiến bộ. Trong lần gặp đầu tiên, sau khi nghe Phan Bội Châu bày tỏ, Đại Ôi nói: “Lấy dân đảng Nhật Bản giúp cho các ngài thì được, nếu lấy binh lực giúp các ngài thì nay là thì giờ chưa tới nơi. Hiện tình thế chiến tranh ở đời bây giờ chẳng phải vấn đề riêng ở Pháp với Nhật, mà là vấn đề Âu – Á đua hơn thua nhau. Nhật Bản muốn giúp cho quý quốc thì tất phải tuyên chiến với Pháp. Pháp – Nhật tuyên chiến thì chiến cơ động cả hoàn cầu, lấy sức Nhật Bản ngày nay mà tranh với toàn châu Âu thì thiệt chưa đủ sức, các ngài có thể ẩn nhẫn được mà chờ cơ hội ngày sau được không?
Nghe tình cảnh khổ đau của người Việt Nam, Đại Ôi rất cảm thông. Ông gợi ý Phan việc trước hết là làm sao “cổ động được nhân sỹ trong nước, phần nhiều bỏ nước ra nước ngoài, khiến cho con mắt, lỗ tai mới mẻ một lần, vô luận đến nước nào, làm công việc gì, đều có thể thay được không khí hô hấp, tinh thần không mắc lấy cái khổ chết nghẹt, đó là một việc khẩn cấp nhất ở trong đường cứu vong vậy”. (Nói nôm na theo cách bây giờ là, chỉ có đi ra nước ngoài, người Việt Nam mới có thể “thay đổi não trạng”).
Nhân Khuyển Dưỡng Nghị hỏi Phan Bội Châu đã tổ chức được đảng cách mạng nào chưa thì Đại Ôi bảo: “Các ngài nếu đem được đảng nhân của các ngài ra đây, nước Nhật Bản thu dụng được hết, hay là các ngài bây giờ ưng ở Nhật Bản, chúng tôi sẽ vì các ngài mà sắp đặt chỗ ở, lấy một cách ngoại tân ưu đãi các ngài, sinh kế cũng không phải lo gì, chuộng nghĩa hiệp, trọng ái quốc là tính đặc biệt của người Nhật Bản[3].
· Tử tước Khuyển Dưỡng Nghị
clip_image006[4]
Khuyển Dưỡng Nghị (1855 – 1932)
Khuyển Dưỡng Nghị (Inukai Tsuyoshi, 1855 – 1932) là cựu Văn bộ đại thần (Bộ trưởng Giáo dục – Khoa học – Văn hoá), đương kim Tổng lý Đảng Tiến bộ, sau làm thủ tướng Nhật (1931 – 1932), cánh tay phải của Đại Ôi, cũng là một chính khách chí nghĩa chí tình với Phan Bội Châu.
Khuyển Dưỡng Nghị là chính khách Nhật Bản đầu tiên mà Phan được gặp do sự giới thiệu của Lương Khải Siêu. Chính Khuyển Dưỡng Nghị đã đưa Phan đến gặp Đại Ôi.
Ngay từ lần gặp đầu tiên, Phan Bội Châu đã có cảm tình với Khuyển Dưỡng Nghị. Niên biểu viết: “Ngày 18, đáp xe lửa từ Hoành Tân lên Đông Kinh, đến chào Khuyển Dưỡng Nghị tiên sinh, (ngài) khí tượng siêu phàm, nói năng rành rọt trôi chảy, có phong độ như một thư sinh, mới đầu tiếp xúc không biết là đại thần của một nước. Vừa mới gặp, tiên sinh đã kính cẩn mời cùng ngồi, không có sự phân biệt chủ khách. Rồi tiên sinh cầm bút viết lời đàm thoại; người hỏi, người trả lời trong tình thân mật, cởi mở”.
Khuyển Dưỡng Nghị là vị chính khách Nhật giúp Phan nhiều nhất. Có thể nêu mấy chi tiết mà Phan kể trong Niên biểu:
– Khi Tôn Trung Sơn từ Mỹ về Nhật, chính Khuyển Dưỡng Nghị đã mời hai nhà ái quốc Việt và Hoa đến nhà riêng để giới thiệu hai người với nhau.
– Khoảng cuối năm 1906, số học sinh sang Nhật đã trên 100 người, việc học lẫn việc ăn ở đều khó khăn: trường công họ nhận hạn chế, còn trường tư vì không có giấy giới thiệu của chính phủ, họ không dám nhận. Phan Bội Châu đến nhờ Khuyển Dưỡng Nghị. Khuyển Dưỡng Nghị dắt Phan đến Đại tướng Phúc Đảo Yên Chính, Tham mưu trưởng Lục quân kiêm Hiệu trưởng Chấn Võ Học hiệu. Với sự giúp đỡ của của 2 ông Khuyển và Phúc, cuối cùng học sinh Việt Nam tuy không vào được Chấn Võ Học hiệu nhưng đều được vào học ở Đông Á Đồng văn Thư viện (một kiểu trường THPT dân lập).
– Cuối 1907, số học sinh Việt Nam lên đến trên 200, thì cũng thời gian đó chính phủ Nhật bắt đầu thực hiện hiệp ước Pháp – Nhật (ký 10-7-1907), ra lệnh giải tán học sinh Việt Nam. Lệnh giải tán rất gắt gao. Học sinh Nam Kỳ rất nóng về nhưng tiền không có. Khuyển Dưỡng Nghị lại hết lòng giúp đỡ. Ông vận động Nhật Bản Bưu thuyền Hội xã cấp 100 vé tàu đi Hương Cảng (trị giá 2000 đồng Yên Nhật), còn riêng Khuyển Dưỡng Nghị tặng 2000 đồng.
· Đại tướng Phúc Đảo Yên Chính
Phúc Đảo Yên Chính (chưa rõ tên phiên âm La tinh và năm sinh năm mất) là Tham mưu trưởng Lục quân kiêm Hiệu trưởng Chấn Võ Học hiệu, một quân nhân cao cấp, một người vừa rất bình dị vừa rất cứng rắn.
Ở phần đầu khi nói về tinh thần tự cường của người Nhật, chúng tôi đã kể đoạn Phan Bội Châu hỏi Phúc Đảo vì sao Nhật thắng Nga, Phúc Đảo giải thích lý do Nhật thắng Nga là do tinh thần “nhẫn lao nại khổ” của lính Nhật. Vừa lúc đó, người phục vụ bưng một mâm khoai nướng lên, Phúc Đảo mời Phan ăn và tự mình nhúp một củ, ăn luôn cả vỏ. Ông nói: “Chúng tôi là quân nhân, nếu sợ vỏ khoai không dám ăn, thì làm sao giữa trận đánh mà ăn thịt được bọn giặc nữa?”.
Như đã nói ở đoạn trên, khi Khuyển Dưỡng Nghị đến nói với Phúc Đảo về việc nhận thêm học sinh Việt Nam, thì Phúc Đảo rất nguyên tắc. Ông nói: “Tôi với các người giao kết với nhau chỉ là lấy tư cách cá nhân mà tỏ ra tình bạn thân thiết thì được. Bởi vì chính phủ một nước đế quốc tất không thể hiển nhiên đề huề với một cách mạng đảng nước khác, đó là lệ thường ngoại giao, không đời nào thay đổi được. Và trước kia thu dụng bốn học trò các ngài ở Chấn Võ Học hiệu là phá cách đã nhiều lắm rồi”. Nhưng sau đó Phúc Đảo cũng giúp cho một lối thoát: tìm cách đưa tất số học sinh mới đến vào Đông Á Đồng văn Thư viện, trường này thuộc Đông Á Đồng văn Hội. Ông nói: “Đông Á Đồng văn Hội là Dân Đảng tổ chức nên, chính phủ không cần hỏi tới nơi (ý nói chính phủ không gây khó dễ), thì là hay rồi”.
Về sau, trước áp lực của chính phủ Nhật buộc phải trục xuất học sinh Việt Nam, Phúc Đảo vẫn mở cho Phan một lối thoát. Phúc bảo: “Việc này do mệnh lệnh của ngoại vụ hai nước, chúng tôi không có thế lực tranh, nhưng chẳng qua đó chỉ là chính sách tạm thời thôi. Các học trò nếu tan ra ở các địa phương Nhật Bản, làm người khổ công cầu học, ước trong khoảng một năm chúng tôi sẽ nghĩ được cách khác mà khiến cho các anh khôi phục được nguyên trạng”. Thực tế cũng có một số học sinh ở lại được theo cách này: Lương Ngọc Quyến, Hoàng Đình Tuân, Nguyễn Quỳnh Lâm, Đinh Doãn Tế,…
b) Về trí thức Nhật Bản
Hai người trí thức Nhật có nhiều dấu ấn với Phan và cũng tỏ ra nhân cách rất trí thức (độc lập, không theo đuôi chính quyền) là Cung Kỳ Thao Thiên và Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang.
· Cung Kỳ Thao Thiên
Cung Kỳ Thao Thiên (Miyazaki Toten) là một trong số trí thức sáng lập Đông Á Đồng văn Hội, ông thường ân cần thăm hỏi Phan Bội Châu về tình hình Việt Nam. Ông không tin chính phủ Nhật có thiện chí giúp Việt Nam. Có lần ông bảo Phan Bội Châu: “Thế lực một mình nước Việt Nam tất không đánh đổ được người Pháp, thế thì cầu giúp với nước láng giềng cũng là lẽ phải. Nhưng mà Nhật Bản làm gì giúp cho các người được. Nhật Bản chính trị gia tất thảy đều giàu về dã tâm mà nghèo về phần nghĩa hiệp”.
· Bác sỹ Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang
clip_image008[4]
Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang (1867 – 1910)
Bác sỹ Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang (Asaba Sakitaro, 1867 – 1910) sống ở làng Higashi tỉnh Tĩnh Cương (Shizuoka), khá xa trung tâm. Ông tính nhân hậu và khẳng khái. Có lần ông nói với Phan Bội Châu: “Bọn nó (các chính khách Nhật Bản) đối với các ngài chính là nghề tay trái của bọn âm mưu dã tâm mà thôi”.
Thiển Vũ là một ân nhân lớn của Phan Bội Châu mà Phan tôn kính gọi là người “đại nghĩa hiệp”.
Nguyên trước đó, vào lúc khó khăn, một du học sinh Việt Nam là Nguyễn Thái Bạt phải đi ăn xin. BS.Thiển Vũ gặp Nguyễn Thái Bạt liền đem về nhà nhận làm con nuôi rồi cấp học phí cho vào học ở Đồng văn Thư viện.
Vào lúc du học sinh Việt Nam bị trục xuất không thương tiếc khỏi Nhật mà không có tiền về, tức là ở tình thế tuyệt vọng nhất, Phan Bội Châu liều viết một cái thư ăn xin đưa cho Nguyễn Thái Bạt cầm về. Thư gửi đi sáng, chiều Phan đã nhận được tiền, một số tiền cực lớn: 1.700 đồng yên Nhật Bản. (Theo nhà sử học Chương Thâu, lương tháng của một hiệu trưởng trường tiểu học lúc đó chỉ 18 yên), với kèm một lá thư ngắn gọn: “Hiện nay tôi vơ vét trong nhà chỉ sẵn có bấy nhiêu, chờ sau tôi có kiếm được số bạc nữa, nếu như các ngài còn cần thì đánh giấy lại mau”. Số tiền trên giúp Phan Bội Châu không chỉ đưa du học sinh Việt Nam về nước mà còn trang trải một số việc khác[4].
Năm 1918, tức 10 năm sau trở lại Nhật Bản, Phan Bội Châu đến thăm BS. Thiển Vũ thì ông đã qua đời. Nhà chí sỹ Việt Nam cảm động nghĩ ngay đến việc xây bia tưởng niệm (chúng tôi sẽ kể tiếp ở phần sau).
Bia tưởng niệm BS. Thiển Vũ có đoạn: “Chúng tôi vì việc nước, chạy sang đất Phù Tang. Ông thương chí chúng tôi, giúp khi khốn khó, không mong báo đáp. Ông có thể so sánh với người hào hiệp đời xưa.
Than ôi! Nay ông không còn nữa. Mênh mông trời bể, lòng này khôn tỏ, mới khắc cảm tưởng vào đá []
Đến nay chí chúng tôi chưa thành, mà ông thì không còn nữa. Lòng chúng tôi đau xót vô cùng. Ức vạn năm sau cũng không hề nguôi. (Lời dịch của Chương Thâu)
c) Về công chức và thường dân Nhật Bản
Có người nói nhìn vào cách ứng xử của con người trên đường phố thì cũng đủ biết dân trí nước ấy thế nào. Một số câu chuyện mà Phan Bội Châu kể trong Niên biểu mà bản thân tác giả ngẫu nhiên gặp trên đường bôn ba ở Nhật Bản không những gây ngạc nhiên cho Phan thời bấy giờ mà còn gây ngạc nhiên cho chính chúng ta hôm nay. Dưới đây là một vài câu chuyện:
· Chuyện Lương Lập Nham gặp cảnh sát Nhật
Tháng 9 (âm lịch), 1905, khi Đông du chưa khởi xướng nhưng đã có 9 người Việt Nam nghe tin Phan Bội Châu xuất dương mà cũng tìm sang Nhật. Mùa đông bắt đầu, tuyết xuống như mưa, cái đói cái rét bủa vây những người Việt Nam nơi lữ khách. Lương Lập Nham (tức Lương ngọc Quyến, sau này lãnh đạo cuộc binh biến Thái Nguyên, 1917) phải nghĩ cách đi ăn mày. Sáng sớm, anh nhịn đói đi bộ từ Hoành Tân, tối đến Đông Kinh, vào ngủ trước một đồn cảnh sát. Đêm cảnh sát ra hỏi, không biết tiếng Nhật cho nên cũng không sao trả lời được. Sau cảnh sát lấy giấy bút ra trao đổi thì biết đây là một thiếu niên Việt Nam bị “lạc đường”. Cảnh sát cho tiền tàu để trở lại Hoành Tân, thế là đạt mục đích của Lương. Lương dùng số tiền đó để đi xin việc[5].
· Chuyện người phu xe Nhật đưa Phan Bội Châu đi tìm Ân Thừa Hiến
Một hôm nhà cách mạng Trung Hoa Lương Khải Siêu nói với Phan Bội Châu, rằng ở Đông Kinh có nhiều lưu học sinh người Vân Nam; Vân Nam là hàng xóm với Việt Nam, mà lúc này người Vân Nam lại đang ghét người Pháp. Lương giới thiệu Phan với một lưu học sinh Vân Nam xuất sắc tên là Ân Thừa Hiến nhưng chỉ vẻn vẹn ba chữ họ tên với một địa chỉ là Chấn Võ Học hiệu. Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ đến Chấn Võ Học hiệu tìm, nhưng Ân Thừa Hiến đã ra trường. Tuy nhiên có người cho biết Ân còn tạm trọ ở một lữ quán nào đó chờ sang năm học tiếp. Hai người thất vọng, vì giữa Đông Kinh mênh mông biết lữ quán nào mà tìm. Nhưng người phu xe Nhật Bản cúi đầu nghĩ một lúc rồi bảo: “Các ngài cứ chờ ở đây để tôi đi tìm chỗ ở của bạn các ngài cho”. Trong lúc chờ, Phan và Tăng càng lo sợ vì nghĩ không thể nào tìm được đã đành mà tiền xe thì làm sao đủ trả! Chờ từ 2 giờ đến 5 giờ chiều thì người phu xe quay lại đón. Ông ta chở hai người khách Việt đi một tiếng đồng hồ đến một quán trọ có biển đề “Thanh Quốc Vân Nam lưu học sinh Ân Thừa Hiến”, thật mừng ngoài sức tưởng tượng. Khi trả tiền xe thì lại được giá rẻ bất ngờ: hai hào năm xu. Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ cảm động, rút hẳn một đồng bạc ra biếu nhưng người phu xe dứt khoát không nhận. Ông rút ra một quyển sổ nhỏ ghi mấy dòng chữ Hán để giải thích: “Chiếu theo quy luật Nội vụ sảnh đã định, thì từ ga Đông Kinh đến nhà này, giá xe chỉ có ngần ấy; vả lại, ý ta nghĩ các người là người ngoại quốc, yêu mến nước Nhật mà đến, vậy nên ta hoan nghênh các người, chứ không phải hoan nghênh tiền đâu. Bây giờ các người cho tiền quá lệ thì là khinh bạc người Nhật Bản đó”.
Phan và Tăng vừa cảm kích vừa tủi thân. Phan viết: “Than ôi, trí thức trình độ dân nước ta xem với người phu Nhật Bản chẳng đáng chết thẹn lắm sao!” (Niên biểu).
· Chuyện dân làng Higashi tỉnh Tĩnh Cương giúp Phan Bội Châu dựng bia
Khi Phan Bội Châu lo tính việc xây bia tưởng niệm BS. Thiển Vũ, vì bất ngờ nên Phan sợ số tiền đem theo không đủ, liền cùng người bạn là Lý Trọng Bá đến gặp người thôn trưởng, đem câu chuyện về BS. Thiển Vũ và ý định làm bia của mình ra kể. Phan định gửi tạm 100 đồng ở nhà thôn trưởng, trở về kiếm thêm rồi quay lại sau. Thôn trưởng nghe xong rất cảm động – cảm động vì thôn họ có một người nghĩa hiệp đến thế và vì có một người Việt Nam chí tình đến thế. Ông bảo Phan sẽ vận động dân làng cùng lo, không cần về lấy thêm tiền nữa.
clip_image009[4]
Phan Bội Châu (thứ 3, trái sang) và các chức sắc làng trong ngày khánh thành bia
Thôn trưởng họp dân làng, kể lại tấm gương nghĩa hiệp của BS. Thiển Vũ và ý định giúp hai người Việt Nam xây bia[6], dân làng nhiệt liệt hưởng ứng. Đại thể, tiền xây bia thì hai ông người Việt lo, xây to nhỏ tuỳ ý[7], còn công sức thì dân làng giúp. Ngày khánh thành họ mời cả khách các làng xung quanh đến, tất cả chi phí đều do dân làng lo liệu.
III- MẤY SUY NGHĨ
1. Nền chính trị Nhật Bản tuỳ lúc mà tốt hoặc xấu. Còn các chính khách Nhật mà Phan Bội Châu tiếp xúc thì Phan đặt ra các góc nhìn khác nhau, tuỳ ở tư cách quốc gia, đảng phái hay cá nhân. Về tư cách quốc gia, nhìn chung họ không đáp ứng được mục đích của nhà chí sỹ họ Phan (không thể khác được vì họ phải thực thi hiến pháp và ý chí của nghị viện), nhưng với tư cách đảng phái và cá nhân, họ đã giúp đỡ Phan Bội Châu và du học sinh Việt Nam thật chí tình chí nghĩa.
Riêng về chính phủ Nhật, nếu Nhật Bản từ Duy tân mà trở nên cường thịnh, rồi sau đó do quá tham vọng mà thành phát xít, thì thái độ của Phan Bội Châu cũng đi từ ngưỡng mộ, học tập đến bàng quan rồi cuối cùng là chống lại. Ngay ở giai đoạn ngưỡng mộ, thực ra Phan Bội Châu cũng không ảo tưởng vào Nhật Bản[8]. Chính vì thế, giai đoạn đầu cụ sang Nhật kể tội người Pháp nhưng về sau, trước nguy cơ bành trướng của đế quốc Nhật Bản, Cụ lại kêu gọi “Pháp Việt đề huề” để chống Nhật. Cụ đã ứng xử theo phương châm “Không có bạn vĩnh viễn cũng như không có thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn” (Thủ tướng Anh Winston Churchill).
Phan Bội Châu là con người cực kỳ nhạy bén. Đặt chân lên đất Nhật, cụ đã thấy ngay chủ trương cầu viện là ấu trĩ. Với mô hình một nhà nước đa nguyên, pháp quyền, mấy vị chính khách đâu phải cứ có cảm tình là giúp được Việt Nam. Vả lại, với một Việt Nam lạc hậu như thế, hy vọng gì đánh Pháp. Vì vậy, cụ đã chuyển ngay từ chủ chương cầu viện sang cầu học. Đông du – phong trào đưa thanh niên sang Nhật học tập – hoàn toàn không có trong chủ trương lúc ra đi, nhưng đã được tiến hành rất say sưa và đầy tin tưởng.
2. Khác với các nhận xét đối lập nhau về nền chính trị Nhật ở những giai đoạn khác nhau, những nhận xét về con người và văn hoá Nhật Bản của Phan Bội Châu lại gần như nhất quán. Người Nhật giữ lại nhiều nét văn hoá truyền thống nhưng đồng thời cũng học tập phương Tây một cách quyết liệt. Qua các ghi chép của Phan, ta thấy hiện lên ở đây một dân tộc Nhật Bản vừa mang truyền thống Á Đông, rất gần gũi với Việt Nam, lại vừa rất phương Tây, rất hiện đại.
3. Trở đi trở lại trong nhiều thời điểm và nhiều hoàn cảnh trên đất Nhật, từ quan sát thể chế chính trị đến các sinh hoạt văn hoá, từ gặp gỡ các chính khách cho đến trí thức, công chức, thường dân, cuối cùng có thể thấy khao khát của Phan Bội Châu về một mô hình cho đất nước ta. Phan tin tưởng một nước Việt Nam hùng cường trong thời hiện đại không phải là điều khó, mà cốt yếu là phải xây dựng một chế độ dân chủ, pháp quyền, để trong đó mỗi công dân, chứ không ai khác, là người làm chủ đất nước:
Người dân ta của dân ta
Dân là dân nước, nước là nước dân.
(Hải ngoại huyết thư)
ĐTT
Tháng 1 – tháng 5/2015

[1] Nhiều dự báo sau này đã đúng: Chiến tranh Nhật – Mỹ bùng nổ 11-1941; tháng 10-1940, Nhật vào Đông Dương, từng bước thay thế Pháp và 9-3-1945, làm đảo chính, hất cẳng hoàn toàn Pháp.
[2] Trong bài Giúp độc giả khi đọc cuốn sách Nước Nhật Bổn ba mươi năm duy tân của ông Đào Trinh Nhất trên tạp chí Sông Hương số 32 ngày 27-3-1937, Phan Khôi giải thích: “Người Nhật theo đạo Khổng nhưng không theo cái học khoa cử, không bắt chước làm những kinh nghĩa, thi, phú, là những thứ văn chương vô dụng. Sỹ phu họ không bị những cái bả vinh hoa của cử nhân, tiến sỹ làm mê muội đi. Đầu óc của họ thuở nào đến giờ vẫn trong sạch, cho nên khi thấy có Tây học thì họ nhận biết là đáng theo mà theo ngay”.
[3] Thực tế về sau, Đại Ôi cũng không làm được như mình nói, nhưng việc một chính khách bậc nhất của một nước lớn thân ra tiếp Phan Bội Châu, một nhân vật chưa hề có tiếng tăm gì, ở một nước nhỏ xa lạ, với một thiện chí như thế cũng là một ngoại lệ hiếm có.
[4] Có tiền, Phan Bội Châu bôn tẩu khắp nơi có các đảng cách mạng Trung Hoa, Nhật Bản và nhiều nước láng giềng khác để liên kết, lập ra các tổ chức: Đông Á Đồng minh Hội, Điền Quế Việt Đồng minh Hội, Vân Nam Học sinh Hội. Phan nộp vào quỹ Điền Quế Việt Đồng minh Hội 250 yên. In được 3000 bản Hải ngoại huyết thư bằng ba thứ chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ và Việt Nam quốc sử khảo 1000 bản, ngoài ra còn in Trần Đông Phong truyện.
[5] Tìm được việc làm ở Dân báo Báo quán, một tờ báo của đảng cách mạng Trung Hoa.
[6] Thôn trưởng nói: “Ông Thiển Vũ đem cái gan ruột nghĩa hiệp ra trợ giúp cho một người nước khác, đã vun trồng danh giá cho người thôn ta nhiều lắm rồi. Người thôn ta há có lẽ nhường một người ấy làm quân tử thôi ư? Hiện nay hai ông Phan, Lý xông pha gió sóng, vượt đường bể muôn dặm, quý trọng người thôn ta, mà vì ông Thiển Vũ dựng bia kỷ niệm. Các ông ấy đối với dân thôn ta, nghĩa khí chân tình đến như thế, chúng ta đối với họ mà hững hờ lơ lửng, anh em trong thôn ta không nhục hay sao? Tôi tưởng chẳng những thôn nhân ta nhục mà cũng nhục đến quốc dân Nhật Bản ta nữa vậy [] Hy sinh cái tiền lao lực của ta để hoàn thành một cái kỷ vật cho người nghĩa hiệp, cũng là thiên chức của dân Nhật Bản ta to lắm đó” (Niên biểu).
[7] “Tấm bia báo ân” được dựng lên vào thời điểm này (1918) là một tấm bia lớn bằng đá liền khối, cao khoảng 2,7m, rộng 0,87m đặt trên bệ xây xi măng và có nhà bia trùm lên trên bia. Toàn bộ nhà bia và bia cao đến trên 3,7m, thật là một tấm bia to cao quá cỡ” (Chương Thâu: Tấm bia Báo Ân Asaba Sakitaro phản ánh sâu sắc tình hữu nghị Việt – Nhật thời cận đại).
[8] Chúng tôi không đồng ý với nhà sử học Vĩnh Sính, cho rằng Phan Bội Châu mang nặng chủ nghĩa tình cảm và nguyên lý ứng xử lỗi thời của người xưa: kẻ thù của kẻ thù là bạn ta – cho nên hết nhờ Nhật chống Pháp thì lại đến nhờ Đức, rồi nhờ Nga, Trung Quốc, tức là rất cả tin vào những nước coi là “bạn”, coi họ là “những đồng minh muôn thuở”. Đúng là Phan Bội Châu có dùng đế quốc này để chống đế quốc kia nhưng đây chỉ là sách lược chứ không phải chiến lược. Sách lược thì luôn thay đổi và thực tế Phan đã luôn luôn thay đổi.