Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 3 tháng 3, 2015

NGHĨ VỀ THỜI MINH TRỊ DUY TÂN

(VÀI SUY NGHĨ VỀ BÀI Tốc độ xoay chuyển vận mệnh đất nước: Kỳ tích của các anh hùng thời Minh Trị duy tân)

Nguyễn Văn Khoa

_____________________

Đây là bài khai triển một số ý kiến đã được phát biểu tại SALON VĂN HÓA CÀ PHÊ THỨ BẢY Saigon, trong buổi Gặp gỡ & Đối thoại với GS Trần Văn Thọ, ngày 10-1-2015. Phiên bản đầu của bài phái sinh này đã được phổ biến trên Diễn Đàn Forum (Pháp), số Xuân Ất Mùi. Phiên bản thứ hai, đăng ở đây, có một số chỉnh sửa và bổ túc.

Cùng với bài này, mời các bạn cùng đọc, ở phần giới thiệu của AMVC, bài gốc của

GS Trần Văn Thọ Tốc độ xoay chuyển vận mệnh đất nước: kỳ tích của các anh hùng thời Minh Trị duy tân

và một bài liên quan của

GS Vĩnh SínhThử tìm hiểu thêm về chuyến đi công vụ ở Hạ Châu của Cao Bá Quát

đã được công bố từ 2003 trên Diễn Đàn, sau đăng lại trên trang mạng Vietsciences.

Nguyễn văn Khoa

_____________________ 

Trước hết xin cám ơn người «ngoại đạo»[1] trên bục đã cho một bài thuyết trình rất hay, với nhiều chi tiết mà loại người «ngoại đạo cấp hai» như tôi chưa bao giờ được nghe.

Tuy nhiên, bài học lịch sử này lại khiến tôi băn khoăn, vì nó làm đảo lộn một số nếp suy nghĩ đã từng nghe hầu như suốt đời học trò. Đấy là những suy tư về ba mối tương quan qua lại mà chúng ta vẫn quen gọi là «biện chứng»: 1) tương quan giữa chiến thắng và chiến bại trong chính trị; 2) tương quan giữa vai trò của cá nhân và vai trò của quần chúng trong lịch sử;  3) tương quan giữa lịch sử và triết lý lịch sử (hay giữa quá khứ và tương lai) trong hành động.

*

1 – Biện chứng thứ nhất : tương quan giữa thắng và bại trong chiến tranh với chính trị.

Chúng ta vẫn có thói quen đánh giá tích cực chiến thắng, và tiêu cực chiến bại. Bài thuyết trình này khiến tôi băn khoăn, ngớ ngẩn tự hỏi:

– Trong hai trận hải chiến năm 1863 giữa phiên Satsuma với chiến thuyền Anh và giữa phiên Choshu với chiến thuyền Mỹ - Pháp - Hà Lan, nếu may mắn mà các phiên này thắng thì sao? Liệu nước Nhật sẽ  bước vào những thay đổi tư duy đã dẫn đến cuộc cách mạng của thời Minh Trị Thiên hoàng chăng?

– Trong các trận hải chiến cuối thế kỷ 19 giữa Nhật với Trung Hoa (1894-1895), và đầu thế kỷ 20 giữa Nhật với Nga (1904-1905), nếu không may mà Nhật bị đánh bại, thì liệu nước Nhật có rơi vào chủ nghĩa quân phiệt sau đó chăng?

(Ở đây, xin mở một dấu ngoặc. Ta vẫn thường nghe : không ai LÀM lịch sử với chữ «nếu» cả – xin nhường câu trả lời cho những người làm lịch sử. Chỉ xin phản biện như kẻ học sử: không ai HIỂU hay VIẾT sử được, nếu không lập luận với chữ «nếu», bởi vì đấy là cách duy nhất để sử gia nhận thức được tầm quan trọng của một sự kiện hay một biến cố – chẳng hạn: nếu quân Pháp thắng ở trận Điện Biên Phủ thì sao?)

Trở lại với cái thói quen đánh giá của ta. Nó hoàn toàn hiểu được. Nếu chiến tranh đúng là «sự tiếp nối của chính trị bằng những phương tiện khác», thì chiến thắng bao giờ cũng mở toác hoác cánh cửa chính trị, bởi vì nó cho phép kẻ thắng trận từ nay thực hiện những mục tiêu của mình, và kẻ chiến bại hầu như chỉ còn hai ngả đường: quy phục hoặc trốn chạy.

Thế nhưng lịch sử cũng đầy những chuyện bên thắng cuộc (chiến tranh) trở thành bên bại cuộc (chính trị), và ngược lại. Bởi vì thắng hay bại trong chiến tranh, nhất là trong nội chiến, chỉ là màn đầu của một bi hài kịch. Vấn đề còn nguyên – và đấy là vấn đề chính trị. Hiểu tình hình sao cho đúng, và lấy những quyết định nào cho đúng với đòi hỏi của tình hình, để đất nước có thể tiến lên?

Cái vĩ đại của sự kiện «vô huyết khai thành» là nó tránh được hoàn cảnh kẻ thắng người thua trong một cuộc nội chiến vừa mới bắt đầu. Nó đã giải quyết vấn đề chính trị bằng biện pháp chính trị, không cần đến «những phương tiện khác». Không có kẻ thắng người thua, thì không có kiêu đảng hay hận đảng, để rồi cả hai đều trở thành ngu đảng trước tương lai và vận mệnh của đất nước Nhật.

*

2 – Biện chứng thứ hai : tương quan giữa vai trò của cá nhân và vai trò của những nhân tố phi cá nhân khác trong lịch sử

Điều có vẻ như nghịch lý của thời Edo suy tàn là cuộc diễu hành đầy ấn tượng của những con người kiệt xuất trong lịch sử Nhật Bản đương thời vừa được kể lại: Yoshida Shoin, Takasugi Kensaku, Saigo Takamori, Ohkubo Toshimichi, Sakamoto Ryoma, Katsu Kaishu, Saigo Takamori … Cứ theo một quan niệm nào đó về ký sử – từ thế kỷ 19 sang suốt thế kỷ 20, còn được xem là thế kỷ của sử học và triết lý lịch sử – thì đây là những bóng ma.

Cùng với sự mở rộng lịch sử từ địa hạt chính trị sang các lĩnh vực khác, lịch sử từ nay không còn là tập hợp những tiểu truyện của các vĩ nhân nữa, bởi vì vĩ nhân hay anh hùng thật ra chỉ là những con rối của các lực lượng kinh tế và xã hội. Vĩ nhân (anh hùng) chết rồi! Hắn đã bị thay thế, bởi các lực lượng khách quan to lớn – «Tinh thần Phổ quát» (Hegel), «lực lượng sản xuất» (Marx), «quần chúng» (Lenin), v. v… –, thậm chí bởi những thúc đẩy từ tiềm thức, khi sử gia không muốn hay không thể sổ toẹt vai trò của cá nhân.

«Quần chúng là hàng triệu người. Mà chính trị bắt đầu nơi nào có hàng triệu người; chính ở nơi có hàng triệu người, chứ không phải hàng nghìn, mà chính trị trở thành vấn đề nghiêm túc»[2]. Còn gì nghiêm túc hơn dự tính thay đổi vận mệnh của cả một quốc gia? Thế mà ở Nhật, lúc ấy,  nó lại là sự nghiệp của một số người đếm được trên đầu ngón tay!

Thật ra, cá nhân hay quần chúng, mỗi bên đều có vai trò của mình trong tiến trình lịch sử – và tất nhiên là chúng phải khác nhau. Cho dù cái ý kiến «người ta có thể viết lịch sử của châu Âu bằng quy chiếu về ba người khổng lồ Napoléon, Bismark và Lenin» là một khẳng định tào lao đi nữa, thì bên ngoài mọi đánh giá nào khác ngoài tầm quan trọng của đương sự trong lịch sử, vĩ nhân hay anh hùng vẫn không chỉ là «những nhãn hiệu dán tên tuổi của họ lên sự kiện» (Tolstoi), trừ phi chúng ta thêm vào câu nói trên một ý không phải của tác giả,như một cách nhận nợ. Giống như ta đã nhận nợ với Pasteur, Fleming, Alzheimer, … trong lịch sử y học vậy.

(Ở đây, xin mở một dấu ngoặc thứ hai. Khi được ca tụng quá đáng[3], Newton vẫn còn đủ tỉnh táo để phát biểu: «Tôi chỉ là tên lùn đứng trên vai những người không lồ»[4] và, qua ẩn dụ ấy, nhận nợ với bao thế hệ các nhà vật lý và công trình nghiên cứu khoa học đi trước hoặc đồng thời. Vậy, trên cơ sở hợp tác tập thể xuyên thời gian và không gian đó của khoa vật lý học, nếu không có Newton này, thì ắt cũng sẽ có một Newton khác chăng? Có thể lắm; tất cả vấn đề là bao lâu sau, ở đâu? Và những gì đúng cho Newton, tất nhiên cũng sẽ đúng cho Einstein và các nhà khoa học khác).

Nếu hiểu vĩ nhân hay anh hùng như một cá nhân xuất sắc, vừa là sản phẩm, vừa là tác nhân của tiến trình lịch sử, vừa là biểu tượng, vừa là kẻ dựng lên các lực lượng xã hội có khả năng thay đổi quan điểm của cả một thế hệ người, thay đổi diện mạo của cả một vùng đất, thì mấy  thần dân Nhật kể tên ở trên đúng là anh hùng. Họ khác xa với những con vật hy sinh của loại chuyên gia xách động quần chúng cho một cuộc chiến tranh thần thánh mù mờ, với hy vọng được ghi vào sổ liệt sĩ hay sách tuẫn đạo, hoặc được gọi lên thiên đường – loại anh hùng mà người ta có thể bịa ra cả cuộc đời khi cần thiết.

Nhắc lại vai trò của cá nhân trong lịch sử, do đó, không chỉ là một sự công chính theo nghĩa «trả lại cho César cái gì của César», mà còn là nhắc nhở kẻ lãnh đạo chính trị cũng như thành phần trí thức, bất kỳ ở đâu và vào thời nào, về trách nhiệm không thể thoái thác, trốn tránh của họ, trước bổn phận bảo vệ lãnh thổ - lãnh hải, chủ quyền - độc lập và sự nghiệp phát triển quốc gia.   

*

3 – Biện chứng thứ ba : tương quan giữa lịch sử và triết lý lịch sử trong hành động.

Phải chăng những Yoshida Shoin, Takasugi Kensaku, Saigo Takamori, Ohkubo Toshimichi, Sakamoto Ryoma, Katsu Kaishu, Saigo Takamori … đều là «kẻ sĩ» hay «sĩ phu» của một nước Nhật chịu ảnh hưởng đáng kể của Nho giáo trong suốt thế kỷ thứ XIX?

Nếu Saigo Takamori, Ohkubo Toshimich, Katsu Kaishu … ủng hộ Mạc Phủ và chỉ chuyển sang khuynh hướng «tôn vương» khi thấy phải đoàn kết chung quanh Thiên hoàng như biểu tượng cho sự thống nhất dân tộc trước họa ngoại thuộc, thì cái ý thức trung quân của họ phảng phất tính chất thực dụng cơ hội, chứ không nặng tính nguyên tắc  «không quân thần phụ tử đếch ra người» của những nhà Nho triệt để kiểu Nguyễn Công Trứ. Sakamoto Ryoma là kẻ vất kiếm hơn là ném bút chuyển sang đọc sách luật và chính trị quốc tế. Yoshida Shoin, Takasugi Kensaku là những nhà tư tưởng, song cái ý tưởng «phải học tập nước ngoài mới có ngày thắng được nước ngoài» thì lại giả định một sự mất tin tưởng vào truyền thống văn hóa nghìn năm của Nho gia, đủ triệt để để quay lưng lại với nó.

Rốt cuộc, nếu người hành động nào cũng bị thúc đẩy bởi một số giá trị – dù những giá trị đó có được ý thức hay không, có đan kết với nhau thành hệ thống hay không – thì những giá trị làm động lực dấn thân của họ là gì?

Nho giáo chăng? Nếu chịu tác động của Nho giáo, tôi e rằng họ dễ rơi vào sự cám dỗ của một phiên bản địa phương của hệ tư tưởng «về nguồn» hay hệ tơ tưởng «bản sắc dân tộc»hơn (cái thứ triết lý cho rằng: văn hóa của ta không tồi cũng không dở, dù ngày nay ta đang suy đồi, nhưng đấy chỉ là vì ta không chịu trau dồi cái hay, cái giỏi, cái đặc sắc của mình; do đó, nếu muốn tự phục hưng, ta phải tìm về những giá trị đầu nguồn, tìm lại bản sắc dân tộc chính thống). Và đây lại là hệ luận của một thứ triết lý lịch sử đặt thời vàng son của mình ở sau lưng (tận thời Nghiêu, Thuấn, Văn Vương, Võ Vương xa xôi, bàng bạc tính hoang đường, chất huyền thoại), và của một thứ siêu hình học xem đời người (cả cá nhân lẫn nhân loại) như dòng sông: dòng sông càng chảy, nước mỗi ngày càng vẩn đục, cho nên muốn tìm lại chất nước trong, nước sạch, thì phải trở lui đến tận nơi phát nguồn…[5]

Nếu không phải là từ Nho giáo, thì những động lực đó phát xuất từ đâu, ngoài lòng yêu nước, hiển nhiên đến độ không cần bàn cãi? Nếu xem mạng lưới vận động của các «sĩ phu», kiếm khách đã nêu tên ở trên như một văn bản mà phân tích, ta sẽ thấy chúng hiện lên khá rõ. Phải có trí tuệ mới biết trọng tri thức và nhất là tri thức thực dụng, để cùng phát biểu và nhất trí với nhau: «phải học tập nước ngoài mới có ngày thắng được nước ngoài». Phải có dũng cảm mới dám gác bỏ sĩ diện hão, để quay lưng lại với một truyền thống đã được tin tưởng từ lâu đời. Nhưng trí và dũng là những giá trị con người cũng có mặt trong nhiều hệ thống (Hy Lạp cổ đại và Phật, chẳng hạn) và trên nhiều bậc thang giá trị khác (đứng thứ 4 trong hệ thống của Khổng giáo).  

Nếu đào sâu hơn nữa mạng lưới hành động của họ, đào sâu hơn nữa những cải cách của Thiên hoàng sau đó, ta sẽ tìm thấy hai giá trị nữa: danh dự ý chí. Chúng không thơm tho như các bộ chữ «tam cương», «ngũ thường», v. v… vàng khè của Nho gia, và có thể chỉ có màu đất sét, nhưng là đất sét thuần túy Nhật Bản. Nó đã khiến cho người Nhật cảm nhận mấy phát súng đại bác của đô đốc Matthew Calbraith Perry năm 1853 như một cái tát. Cái tát giáng vào mặt đất nước Nhật, lịch sử Nhật, văn hóa Nhật,  tầng lớp có trách nhiệm lãnh đạo quốc gia Nhật và thành phần có bổn phận bảo vệ lãnh thổ - lãnh hải Nhật… cho đến lúc đó. Và họ đã đáp trả bằng những giá trị cũng thuộc hàng đầu trên bậc thang giá trị văn hóa của nước họ.

Động lực của các chí sĩ Nhật, như vậy, có thể chẳng dính dáng gì đến Nho giáo cả. Danh dự và ý chí là những giá trị thuần túy Nhật Bản, không phải của Trung Hoa[6], và chính chúng đã giải thích, vừa cái  phản ứng quyết liệt trước thách thức chết người của lịch sử, vừa cái vận tốc xoay chuyển vận mệnh của nước Nhật.

Nói cách khác, nước Nhật đã thay da đổi thịt được, và trong thời gian kỷ lục 15 năm, chính là nhờ họ chỉ chịu ảnh hưởng của Trung Hoa hời hợt hơn chúng ta tưởng, hoặc nhờ họ đã thoát được ảnh hưởng của Trung Hoa sớm hơn một số nước bị Hán hóa khác[7].


[1]  Trong bài phát biểu, GS Trần Văn Thọ khiêm tốn tự nhận là «người ngoại đạo» trong lĩnh vực Nhật học, với ý muốn xác định ông không phải là chuyên gia nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Nhật.

[2] «Les masses se comptent par millions; or, la politique commence là où il y a des millions ; c’est là où l’on compte des millions, et non des milliers, que la politique devient sérieuse» (Lenin, V. I. - Báo cáo tại Đại hội VII Đảng Cộng Sản Nga, 7-3-1918). Văn bản này được in lại trong hầu hết mọi tuyển tập của tác giả, bằng mọi thứ tiếng.

[3]  Một thí dụ: «Nature and Nature's laws lay hid in night: God said, "Let Newton be!" and all was light» = «Tự nhiên và quy luật của tự nhiên nằm ẩn trong bóng tối, Thượng Đế bảo : “Hãy để Newton sinh ra”, và tất cả đều sang tỏ» (Alexander Pope, 1688-1744).

[4] Từ câu văn tiếng La tinh được gán cho Bernard xứ Chartres (triết gia, nhà thần học Pháp ở tk 12): «nanos gigantum humeris insidentes» = «Chúng ta là những tên lùn đứng trên vai người khổng lồ (Người xưa)», nên chúng ta thấy được nhiều hơn và xa hơn họ. Newton đã dùng lại ẩn dụ này trong bức thư ngày 5-2-1676 gửi Robert Hooke: «If I have seen further it is by standing on the shoulders of giants = Nếu tôi thấy xa hơn, đấy là nhờ đứng trên vai những người khổng lồ», hàm ý sự thành công của ông đã được xây dựng trên bao công trình thực hiện trước đó.

[5]  Triết lý lịch sử của Tây phương hoàn toàn trái ngược. Dù ở Kitô giáo hoặc trong triết lý của Comte, Hegel hay Marx, thời vàng son hứa hẹn luôn luôn nằm ở phía trước, bởi tất cả đều cùng chia sẻ một niềm tin siêu hình vào sự tiến bộ, nghĩa là vào cái ý tưởng rằng ngày hôm qua không tốt bằng ngày hôm nay, và ngày nay không tốt bằng ngày mai, bất chấp sự thiếu vắng chứng cớ tiến bộ thuyết phục trong nhiều lĩnh vực.

[6] Về danh dự, tôi chưa từng nghe một văn quan, võ tướng, hay bộ trưởng nào của Trung Quốc, hoặc của một nước bị Hán hóa nào khác, vì không làm đầy đủ nhiệm vụ, bị dân chửi, thấy mất danh dự và biết nhục nhã mà mổ bụng tự sát hết cả.

Ý chí cũng không có trong «ngũ thường» của Trung Hoa. Ở người Nhật, nó được biểu thị bằng cái quyết tâm làm việc gì cũng phải đến nơi đến chốn, nếu thua kém thì phải cố bắt cho kịp, nếu có thể thì qua mặt (một giai thoại: trong thập niên 1960, đội tuyển bóng đá Việt Nam Cộng Hòa tiếp đổi tuyển Nhật tại Saigon, đội Nhật tặng tuyển VN một đôi giầy bóng đá tí hon, tượng trưng cho nền bóng đá còn phôi thai của họ; ngày nay vị trí của mỗi đội ở đâu trên bảng xếp hạng quốc tế? – chiến tranh không thể giải thích tất cả).

Mặt khác, nếu có một giá trị nào mà Trung Hoa và Nhật Bản cùng chia sẻ – chữ «lễ» chẳng hạn –  thì cũng nên phân biệt : cái «lễ» của Trung Hoa biểu thị sự tôn kính tôn ti trật tự chính trị - xã hội, cái «lễ»của Nhật Bản biểu thị sự tôn trọng người khác, trong giao tiếp hàng ngày giữa những cá nhân bình đẳng.

Sự sạch sẽ cũng là một đặc trưng của văn hóa Nhật. Sạch sẽ về tinh thần (hãy nhìn cách cư xử của người Nhật sau thảm họa sóng thần) cũng như trong đời sống vật chất (không xả rác hay khạc nhổ bừa bãi trong nhà, ngoài ngõ; tự dọn dẹp phần rác rưởi mà họ đã thải ra ở những nơi công cộng có họ đến góp mặt).

Việc nghiên cứu tường tận những giá trị và bậc thang giá trị của người Nhật bằng tiếng Việt – hiện còn rất thiếu sót, thậm chí không có – là vô cùng cần thiết, nếu ta muốn học hỏi và bắt kịp quốc gia văn minh này.

[7]  Từ chuyến đi công vụ ở Hạ Châu (1844), Cao Bá Quát có lúc cũng «Giật mình khi ở xó nhà, Văn chương chữ nghĩa khéo là trò chơi». Song tuy thấy rõ «Từ độ tàu Tây hơn ngựa Hán», vẫn chỉ biết gãi đầu tự hỏi: «Sóng cuồng muôn dặm tính sao đây»? Có lẽ vì song song với cái ý thức «Mũ áo Trung nguyên đã đổi màn» sĩ phu Việt Nam đương thời vẫn còn đeo thêm, cùng lúc, cái não trạng lủng lẳng 4 chữ – tất nhiên cũng là chữ vàng – «đồng văn, đồng chủng» với người Trung Quốc! Thế nên khi Thiên triều còn đang lom khom bò dậy sau cơn chao đảo, thì chư hầu «nghìn năm lệ thuộc» vẫn chỉ biết tiếp tục cái trò chơi ghép chữ vô tích sự, tiếp tục vinh danh các thánh nhân, văn hào, thi bá của tên chủ nô, thay vì tìm phương kế thoát ly nó vĩnh viễn. Thế nên, để đáp lại 80 phát súng của chiến thuyền Pháp ở vịnh Sơn Trà (Đà Nẵng, năm 1841 – nghĩa là trước cả vụ Perry uy hiếp Nhật ở Edo hơn một thập niên), chỉ biết nằm mơ tưởng tới ngày có một ngọn «gió Đông» (!) nào đó của Chu Du (!) thời xa xưa tạt vào, «Đuổi bạt tàu Tây chạy ngút ngàn!» Xem: Vĩnh Sính, Thử tìm hiểu thêm về chuyến đi công vụ ở Hạ Châu của Cao Bá Quát, 2003.

Ngày nay, ngoài hai chiếc cùm «đồng văn, đồng chủng» ở chân, còn có thêm một cái gông «đồng chí» ở cổ; trong khi Trung Quốc chỉ cầu Mỹ chịu bắt tay, hòng thôn tính bọn tiểu nhược quốc láng giềng! May mắn thay cho đất nước!

Nguồn: http://amvc.fr/Damvc/Khoa/KHXH/VaiSuyNghiVe.htm