Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

NGẪU HỨNG TRẦN TIẾN

(27 tạp bút)

Tập hợp bài trên báo Tuổi trẻ và mạng Quechoa

clip_image002

Ngẫu hứng Trần Tiến 1

clip_image003

Anh Tiến kể chuyện Lập nghe...

NQL: Trong một lần trà dư tửu hậu, tui đã ra đề bài cho Trần Tiến, nói Ngẫu hứng Trần Tiến”, đó,  anh viết đi. Tưởng là anh viết nhạc, té ra anh viết văn xuôi. Cứ viết xong đoạn nào anh lại nhấc máy đọc cho nghe đoạn đó, đến nay đã được vài bốn đoạn. Những đoạn văn xuôi rất có hồn, bởi vì nó rất thật, càng thú vị hơn khi biết anh viết ra nó trong cơn say.  Đúng như Dương Thu Hương đã từng khen sau khi đọc văn xuôi của anh, nói giời ơi, sao ông không viết văn lại mò đi viết nhạc.

Tui lần lượt đăng các mẩu  Ngẫu hứng Trần Tiến” của Trần Tiến, đến khi nào Trần Tiến không viết nữa thì thôi. Bản quyền của Trần Tiến, ai muốn đăng lại, cóp lại đều phải xin phép Trần Tiến.

Cái áo bông sột soạt em ạ, cái áo bông mẹ may cho anh mặc đến trường trong ngày mùa đông buốt giá, vừa đi vừa sột soạt. Anh là “cán sự” Văn hồi phổ thông, chả hiểu sao gọi là thế. Anh đi thu bài của bạn bè nộp cho thày, có thế thôi, gọi là cán sự. Hôm ấy đi khắp lớp, vừa đi vừa sột soạt, cả lớp cười bò, ngượng thật. Mẹ được lão bộ đội già tặng mẹ sấp vải lính, chắc hắn định “cưa” người mẹ nguyện suốt đời ở giá nuôi anh. Mẹ may cái vỏ áo bông mà không có bông. Trong đó mẹ nhét đầy báo Nhân dân, Hà nội mới. Chắc ngày ấy chỉ có 2 tờ thế thôi em giai nhỉ.

Âm nhạc thời tuổi thơ, chả có dân ca, dân kẹo. Chỉ có chiêc áo bông vừa đi vừa sột soạt

Mẹ chắc thương anh nhất nhà, cũng chẳng hiểu vì sao, anh cả lấy roi đánh anh có một lần thôi, mẹ mắng hoài. Cả đời nuôi tám đứa con nên người, mẹ chưa bao giờ đánh con, chỉ có bố đánh mẹ thôi. Mà cũng chỉ có một lần anh nhìn thấy, nhưng nhớ hoài không quên. Sau này anh mới biết, chuyện đó là thường của thời ấy. Mẹ gọi anh: Cu đểnh đồi Nồng của mẹ đâu rồi.
Anh đi tìm mãi cái đồi Nồng tuổi thơ mà chẳng còn ai nhớ nó ở đâu nữa.
Mẹ anh mất, anh đang ở cuối nước, nơi có người Chà Và sinh sống. Những người Chà Và tìm cách đưa anh về sớm nhất để nhìn mẹ lần cuối…

Mẹ ơi, sớm nay xuân về/ Mẹ trông ra ngoài hiên vắng/ Mẹ mong đứa con xa nhà/ Rồi mùa xuân, anh ấy sẽ về”.

Mẹ sinh ra anh trong cuộc chạy loạn năm 47, trong tiếng bom đạn xối xả trên ngọn đồi ấy. Bố giận Tây lắm, mới đặt tên con là Trần Việt Tiến. Mà anh thì chỉ là một nhạc sỹ quèn, chả được cái tích sự gì. Làm sao mà giúp nước… Tiến. Ôi dào…

Anh Hiếu kể : Bọn Tây đi càn bắt được nhà mình, em thì cứ khóc dằn dặt, thằng da đen chạy đến tát em một cái. Mẹ trợn trừng định đánh lại. Bố bảo im, không được làm thế. Bố tìm thằng quan ba gì đó, xì xồ tiếng Pháp, đại loại là: Nước Pháp văn minh mà đánh trẻ con à. Thằng da đen phải cúi đầu xin lỗi Trần Việt Tiến. Hí….

Em nhắc anh kể chuyện gì có tư tưởng ư.

Anh làm gì có tư tưởng. Tư tưởng của anh toàn là bọn lếu láo truyền cho. Mác-Lê không nói làm gì. Bọn Niết-sờ, Ca- mút sờ rồi Gôtama-sờ… thì hay đấy, nhưng họ lại là nguyên nhân của chiên tranh, bởi những thằng học trò, hoặc quá khích, hoặc lợi dụng.

Những ngày trẻ dại, anh em mình ngốc nhỉ. Lao vào chủ nghĩa “Tưởng bở ” như con thiêu thân. Thần tượng ngày ấy của anh là ai, em biết không. Paven Coọc-sa-ghin…Ha ha…

Vậy mà bây giờ anh lại cực đoan, không có thần tượng. Buồn cho thế giới không còn thần tượng. Họ đi chùa, sám hối, thậm chí mang bom thánh chiến, chắc cũng do… thói quen có tư tưởng.

À, anh có một thằng em, lủng lẳng trong quần. Mỗi lần anh nói chuyện nhạc nhiếc, phim phiếc, triết chiếc, tư tưởng tư tiếc  là nó đi chơi chỗ khác em ạ. Đến giờ cần đến nó. Thật khổ.

Hoạ sỹ Lê Văn Hiệp yêu thằng em lãng mạn, môi giới cho một em, con bà Thái Thị Liên, vợ ông nhà thơ Đặng Đình Hưng. Năm ấy  anh ngốc như chưa ai ngốc thế. Nàng tiễn anh lên đường đi Sầm Nưa, chiến khu của Lào. Anh viết bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu bài hát tặng nàng.

Mùa hè ấy, mặt trời như nóng bỏng hơn/ Cây cỏ như xanh tươi hơn….

Toàn bộ thi ca, nhạc nhẽo được gửi trở lại chân núi Phu-Khen.
Đêm đó là đêm diễn cho ông Suphanuvong và Đảng CS Lào. Anh mang thư của nàng (hiếm lắm mới chuyển được sang Lào,ngày đó) lên đỉnh núi, xé ra, hồi hộp mong tin nàng. Chẳng có gì, chỉ có thư của mình. Thằng ngu…..

Ông Đỗ Nhuận hoảng hốt đi tìm anh về hang biểu diễn.

Anh bước từ đỉnh núi xuống, và chưa bao giờ hát hay đến thế.
Đó là mối tình đầu của anh. Chuyện con gái Hoàng thân xin chính phủ Việt nam cưới anh không được là vì thế thôi. Cũng may. Làm nhạc sỹ thích hơn làm Phò mã.

Có một lần, anh nhục như con chó.

Anh sốt rét ác tính. Đơn vị phải đi. Đường chín Nam Lào mà. Mặt trận mở ra rồi đóng lại, chỉ  một vài hôm là chuyển đi. Anh bị người ta vứt xuống hố chôn. Có cậu y tá yêu nhạc anh, thương anh, nên không nỡ chôn. Trời chưa cho chết.
Không còn gì trên người. Anh cứ đi, đi không được thì bò, đuổi theo đơn vị. Đường giao liên mất dấu vì bom. Anh lạc vào rừng đầy bom nổ chậm, vậy mà không chết mới hay. Chuyện đó sau này, nơi anh bò đến xin cứu, họ mới nói anh hay.

Bò đến được ánh đèn rất xa, nơi có con người. Té ra một trạm dây trần của lính ta. Anh gục xuống và thiếp đi. Không biết bao lâu tỉnh dậy, thấy mình vẫn nằm trước cửa hầm. Lính tưởng mình thám báo VNCH không cứu. Xác chết sống lại, làm gì có giấy tờ.

Lính tra khảo. Mình đành khai báo: “Anh là Trần Tiến, tác giả bài ca Thanh niên ra tiền tuyên đây. Họ còn không tin, bắt hát… “Chết mẹ. Trần Tiến thật”. Sau này, cũng lại họ kể lại, vì cha ấy có giọng trầm trầm… mới tin và mới cứu.

Thế là, sau này, anh càng già, giọng càng như gà thiến. Anh phải cố giả giọng trầm trầm để có người đãi rượu đấy. Hè hè…