Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 10 tháng 3, 2015

BÙA VÀ BẰNG

Lại Nguyên Ân: Nhân việc người ta thậm chí còn công nhiên hướng dẫn mọi người treo "ấn đền Trần" như thế nào trong phòng ốc nhà mình, xin mời các bạn đọc bài này của PHAN KHÔI, ký bút danh THÔNG REO trên báo Trung Lập ở Sài gòn, năm 1931:

Có người Tây nói chuyện rằng : “Con ma An Nam không sợ gì bằng cái bùa, cũng như con người An Nam không chịu gì bằng chịu cái bằng”.

Nói vậy là nói xấc phải không ? Duy có ai giàu lòng tự ái quá thì mới cho là xấc. Còn tôi, tôi tưởng họ nói vậy là nói thật đó.

Mới rồi tôi thấy một việc, luôn đó tôi nhớ đến những việc khác rồi tôi tin lời ấy là lời thật.

Hiện nay ở Sài Gòn, người ta có bán một thứ tem, hay là con cò, hay là con niêm, mà theo tiếng Pháp thì kêu bằng “timbre antituberculeux” ; nếu dịch ra tiếng ta, nên kêu là “con cò hoặc con niêm trừ lao” vậy.

Thứ con cò như con cò dán thơ thì làm sao mà trừ bịnh ho lao đặng ? Số là ở bên Pháp từ năm 1918 đã lập ra một hội kêu là “Quốc dân trừ lao hội” (Comité national de défense contre la tuberculose). Thứ con cò nầy là do hội ấy in phát ra.

Họ bán con cò ấy lấy tiền làm các công việc trị bịnh ho lao, như là lập nhà thương riêng cho người lao, sắm thuốc men cùng làm các việc phòng ngừa trước.
“Con cò trừ lao” là nghĩa như vậy, chớ không phải dùng chính con cò ấy mà trừ được bịnh lao đâu.

Không lẽ là năm nào năm nào cũng cứ đi ngửa tay xin tiền của công chúng, nên người ta mới bày ra thứ con cò ấy để bán lấy tiền. Kẻ mua con cò ấy về cũng chẳng làm được việc gì có ích; duy đem mà dán phụ trên bao thơ, coi như là một vật trang sức, cũng để tỏ ra mình đã làm việc nghĩa thế thôi.
Nói tóm lại, mình bỏ tiền ra mua con cò ấy cũng như mình quyên tiền cho “Hội trừ lao”, chớ chẳng có ý nghĩa gì khác.

Nguyên ở bên Pháp thì vậy đó ; mà sang đến bên ta, con cò ấy nó lại thành ra “cái bùa” !
Trong những tấm cáo bạch, người ta viết bằng Quốc ngữ, lại không kêu bằng “con cò trừ lao” mà kêu bằng “cái bùa trừ lao”.
Độc giả chư quân, đố ai biết họ làm như vậy có ý gì ?

Tôi xin láu miệng nói hớt mà nghe: Bởi An Nam mình đau gì cũng cho là có ma hết, mà hễ con ma An Nam thì sợ bùa. Họ biết cái lẽ ấy rồi nên họ mới nói “cái bùa” đặng cho nhiều người mua.

Quả nhiên tôi thấy có một người vào mua bùa ấy tại một tiệm ở Chợ Cũ, trong khi đưa ra hai cắc lấy một tập 20 con niêm thì có hỏi rằng: “Cái bùa nầy, trong cáo bạch nói vậy đó mà không biết có hay thật không ?”

Nghe câu hỏi đó, tôi biết anh nầy không hiểu gì hết, anh nầy lầm rồi, anh nầy yên trí đây là cái bùa trừ con ma ho lao rồi! Tôi đoán chắc rằng đây rồi anh ấy đem về dán nơi cửa buồng người bịnh, hoặc đốt ra mà cho người bịnh uống !

Thành ra mất cả ý nghĩa ! Người An Nam ấy mua bùa trừ lao, không phải là làm phước, mà là để chữa bịnh ; không phải để cứu người, mà để trị mình !

Mà có lẽ, nếu không kêu nó là cái bùa, thì chẳng ai mua. Người ta tin có ma thì mua bùa về trừ ma, chớ ai biết đâu chuyện làm phước làm đoan !

Tôi mới nhớ luôn đến cái bằng năm 1920, cái bằng có ông Albert Sarraut ký tên, phát cho những người mua vé quốc trái.

Cái bằng ấy, cho đến ngày nay có nhiều nhà còn lồng nó vào kiếng mà treo lên giữa nhà. Lâu lâu lại đem phơi một lần, sợ nó mốc rồi mục ra.

Ở bên Pháp, nhà nước vay của dân chỉ phải phát cái khế cho họ cầm làm tin mà thôi, chớ có việc gì mà bằng mà thị ?
Nhưng ở An Nam thì người ta thích bằng lắm. Bất kỳ việc gì, hễ cho họ cái bằng đặng họ lồng kiếng treo lên làm gia bửu thì bảo gì họ cũng nghe hết.

Người ta mua cái bằng có ký tên Sarraut bằng 50 đồng bạc mà chơi, chớ có ai mua quốc trái đâu, có ai cho nhà nước vay đâu, đời thuở nào dân lại cho nhà nước vay, là cái gì ? Bởi nghĩ vậy cho nên 12 năm nay không biết bao nhiêu số quốc trái trúng rồi mà không thèm lãnh ! Đó có thể nói tại cái bằng đã làm choáng mắt họ đi.

Bùa và bằng, có công hiệu là thế. Còn thứ bùa nào nữa, còn thứ bằng nào nữa thì rủ nhau ra cả mớ đi cho vui !
THÔNG REO
trong mục "Những điều nghe thấy",
Trung Lập, Sài gòn, s.6626 (29.12.1931

Nguồn: https://www.facebook.com/