Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

VĂN HỌC MIỀN NAM 54-75 (61): Văn Học Miền Nam 1954-1975: Đường Về Gian Nan

Phùng Nguyễn

Tham luận

LTG: Dưới đây là toàn văn bài tham luận dành cho cuộc Hội thảo Văn Học Miền Nam 1954-1975 tổ chức tại quận Cam, California – USA. Chỉ một phần của bài tham luận này được trình bày trong buổi hội thảo vì giới hạn thì giờ dành cho mỗi diễn giả. PN

Tiệm cho thuê sách của gia đình

Vào những ngày đầu tháng 5 năm 1975, một cậu bé 6 tuổi chứng kiến một điều khó quên. 30 năm sau, năm 2005, cậu ghi lại hình ảnh này trong một bài thơ có tựa đề “Tiệm cho thuê sách của gia đình.” Bài thơ được chọn đăng trên mạng Da Màu vào tháng 5 năm 2007 nhân kỷ niệm 32 năm ngày miền Nam đổi chủ.

Khi người ta đem xe ba gác đến dẹp,
bố tôi mở cửa mời mấy người hàng xóm
vào xem và lấy tùy thích.
Những quyển sách chính tay ông chọn
mua về, đóng bìa cho thêm chắc chắn,
đóng dấu của tiệm vào vài chỗ, và
đánh số mục trước khi xếp lên kệ.

Hồi bố tôi đi cải tạo, một số sách muốn trở về.
Vài người hàng xóm tốt bụng đem trả.
Nhưng mẹ tôi từ chối: có những quyển
họ mua lại ngoài chợ trời nhờ nhận ra
cái bìa, những quyển kia, họ đã lấy —
từ hôm ấy — và đọc thoải mái.

Lẩn vào trong bài thơ, nên không
dễ thấy như một cái bìa sách,
Lại thường xa cách hơn một người hàng xóm,
Nhưng tôi, cũng muốn người đọc
giữ luôn một cái gì.

Cậu bé 6 tuổi ngày xưa chính là nhà thơ Lê Đình Nhất Lang, và người chọn sách để mua, đóng thêm bìa cho chắc chắn là nhà thơ, nhà giáo, nhà báo, nhà hoạt động xã hội nay đã quá cố Lê Đình Điểu, một tên tuổi rất quen thuộc trong giới cầm bút ở Hải ngoại. Trong bài thơ này, “Tiệm cho thuê sách của gia đình,” “một cái gì” mà tác giả Lê Đình Nhất Lang muốn chúng ta giữ luôn chứ không chỉ giữ lại, đối với tôi chính là một mảnh, dù rất nhỏ, của một nền văn học đầy hứa hẹn được xây dựng và phát triển trong hơn hai mươi năm ở miền Nam. Nền văn hoc này thường được biết dưới cái tên Văn Học Miền Nam giai đoạn 1954-1975.

Bằng cách “phân tán mỏng” những cuốn sách mà trước sau gì cũng bị tịch thu và thiêu hủy, thân phụ của nhà thơ Lê Đình Nhất Lang đã trên thực tế gởi gấm những mảnh nhỏ của nền văn học này cho những người hàng xóm, những khách quen với hy vọng chúng sẽ được giữ gìn cho một tương lai tươi sáng hơn. Tôi tin rằng không chỉ có chủ các tiệm sách mà còn rất nhiều người khác, những độc giả bình thường ở miền Nam đã bằng cách này hay cách khác giúp giữ gìn những cuốn sách, những tập thơ mà họ trân trọng không cho rơi vào lò thiêu của chế độ. Có thể nói, ngay từ những ngày đầu tiên của chiến dịch nhằm xóa sổ nền Văn Học Miền Nam 54-75 của phe chiến thắng, chính quyền Cộng sản đã gặp phải sự chống đối ngấm ngầm của người miền Nam dưới nhiều hình thức để bảo vệ được chừng nào hay chừng đó tài sản văn học này.

Những bạn đọc hiếm hoi ở phía Bắc

Nỗ lực nhằm bảo tồn Văn Học Miền Nam 54-75 không chỉ giới hạn trong lãnh thổ phía Nam. Vào năm 1977, chỉ hai năm sau ngày chiến dịch “bức tử” Văn Học Miền Nam được phát động, nhà xuất bản Văn Hóa ở Hà nội cho ra đời cuốn “Văn hóa Văn nghệ miền Nam dưới Chế độ Mỹ ngụy” (1) tập I gồm nhiều tác giả để tiếp tục đánh phá nền văn học bất hạnh này. Trong tập sách, người ta tìm thấy đoạn văn dưới đây trong “Lời nói đầu”:

“Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, nhiều chiến dịch đã được phát động nhằm quét sạch ảnh hưởng của thứ ‘văn hóa’ phản động, đồi trụy của chủ nghĩa thực dân mới tại các thành thị và các vùng Mỹ ngụy chiếm đóng trước đây…”

“Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn không thể thỏa mãn với những công việc chúng ta đã làm được. Những đoạn nhạc vàng vẫn truyền đi trên các băng ghi âm một cách bất hợp pháp, những cuốn tiểu thuyết, những tập thơ mang nội dung phản động hoặc đồi trụy vẫn đươc chuyền tay nhau, không những ở các tỉnh miền Nam mà ngay cả ở một số thành phố miền Bắc.”

Đoạn trích dẫn trên đây giúp khẳng định là nhà cầm quyền CS đã không hoàn toàn thành công trong ý đồ ngăn chặn sự lan tỏa của văn hóa miền Nam, đặc biệt là âm nhạc và văn chương. Việc “những cuốn tiểu thuyết, những tập thơ mang nội dung phản động hoặc đồi trụy vẫn được chuyền tay nhau, không những ở các tỉnh miền Nam mà ngay cả ở một số thành phố miền Bắc” cho thấy trong số chiến lợi phẩm mang về từ miền Nam trong những ngày tháng đầu tiên sau chiến tranh không chỉ có đài, đồng hồ không người lái, và xe đạp mà còn có một món hàng quý hiếm khác, đó là những tác phẩm của nền văn chương đa dạng và dựa trên nền tảng tự do sáng tạo của miền Nam. Tôi tin chắc các độc giả hiếm hoi và may mắn ở phía Bắc đã nhanh chóng làm một cuộc so sánh văn chương giữa hai miền dựa trên những trải nghiệm mới mẻ họ có được sau khi đọc một số tác phẩm của các ngòi bút miền Nam. Điều đáng tiếc là họ phải đọc trong lén lút, và nhận định của họ có nhiều phần đã được giữ lại cho chính mình!

Ở miền Nam, sau khi các khu chợ trời mọc ra trên vỉa hè các con đường nằm gần trung tâm Sài gòn như Tôn thất Thuyết, Huỳnh Thúc Kháng,v.v.. một thời gian, các sách báo bị cấm đoán của miền Nam bắt đầu xuất hiện trở lại một cách rải rác dưới dạng ngụy trang. Nằm khép nép bên dưới các tạp chí tiếng Anh tiếng Pháp vô hại có khi là một tập truyện xuất bản trước tháng 4/75, quăn queo, bìa trước bìa sau bị lột sạch. Nhưng bất kể hình dạng thảm hại của nó, một tác phẩm được tìm đọc là một tác phẩm còn sống.

Theo gót lưu vong

Sách báo miền Nam cũng theo chân cộng đồng người Việt lưu vong lang thang khắp bốn phương trời. Có thể trong nhúm hành lý ít ỏi được phép mang theo của những người di tản đầu tiên bằng cầu không vận của Mỹ, có cả vài cuốn sách gối đầu giường của họ. Sách cũng theo chân người ra đi ở những đợt tị nạn khác theo các chương trình ODP, HO và có thể ngay cả cùng các thuyền nhân cho dù rất hiếm hoi vì điều kiện hiểm nghèo của cuộc hành trình. Và chính là ở bên ngoài tổ quốc, những công trình nhằm bảo tồn Văn Học Miền Nam 54-75 có cơ hội được thực hiện thường xuyên và đôi khi với một qui mô tầm cỡ.

Một khi an toàn ở các xứ sở tự do, những cuốn sách sống sót qua cơn hồng thủy được san sẻ một cách công khai. Bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu đọc tác phẩm Việt ngữ của cộng đồng tị nạn, việc in lại các tác phẩm thuộc Văn học miền Nam ở nước ngoài của một vài nhà xuất bản đầu tiên ở Hải ngoại, cho dù động cơ chính có thể là lợi nhuận, cần được xem là một hình thức bảo tồn nền văn học này một cách hữu hiệu. Khi chủ nhân của các nhà xuất bản danh tiếng của Sài Gòn xưa đến được bến bờ tự do, họ bắt đầu xây dựng trở lại các cơ sở xuất bản để hỗ trợ không chỉ việc in ấn và phát hành các tác phẩm trước 75 mà còn các tác phẩm mới ra lò của các cây bút thuộc dòng văn học non trẻ ở Hải ngoại. Một trong những tên tuổi quan trọng bậc nhất trong ngành xuất bản Hải ngoại phải kể đến ông Lá Bối Võ Thắng Tiết, người đã thành lập và điều hành nhà xuất bản Văn Nghệ trong nhiều năm.

Khai dòng

Những người cầm bút thuộc Văn Học Miền Nam thời kỳ 54-75, khi đến được nước ngoài luôn mong mỏi có được cơ hội cầm bút trở lại. Các tạp chí văn học đầu tiên ở xứ người đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp khơi ra một nhánh mới từ giòng sông VHMN đã bị chặn đứng một cách đột ngột mấy năm trước đó, đáp ứng nhu cầu thể hiện tâm tư của cộng đồng người Việt lưu vong qua ngả văn chương.

Tạp chí Văn Học Nghệ Thuật số đầu tiên do hai nhà văn Võ Phiến và Lê Tất Điều chủ trương, ra mắt tháng 4/78, đúng 3 năm sau ngày mất nước, trang trọng in hàng chữ “tạp chí văn nghệ đầu tiên của người Việt hải ngoại” ở trang bìa. Trong thư tòa soạn của số đầu tiên, những người chủ trương cho thấy sự cần thiết của một diễn đàn văn chương cho cộng đồng người Việt lưu vong ở Hải ngoại. Họ khẳng định:

“Khó quan niệm một cộng đồng sống đầy đủ mà lại ngưng cảm nghĩ, mà bị cưỡng bức vào sự câm nín, không có được những thể hiện nghệ thuật tư tưởng.”

Sự ra đời của Văn Học Nghệ Thuật, tiền thân của tạp chí Văn Học, và các tạp chí văn chương khác như Văn, Hợp Lưu, Khởi Hành v.v… đáp ứng được nhu cầu văn chương ngày càng lớn này. Cùng với thời gian, có thêm nhiều những cây bút của Văn Học Miền Nam 54-75 gia nhập cộng đồng tị nạn, ảnh hưởng của nền văn học này lên nội dung Văn học Hải ngoại là điều không thể chối cãi.

Trên cyberspace

Sự phổ cập hóa của Internet bắt đầu từ những năm 90 đóng một vai trò không nhỏ trong việc lưu trữ tư liệu văn học Việt Nam, trong đó Văn Học Miền Nam chiếm một số lượng quan trọng. Trong một bài viết (2) về những hoạt động văn học của giới trẻ Hải ngoại trên liên mạng vào năm 1996, tôi có đề cập đến những hoạt động này như sau:

“Trong một vài năm gần đây, cùng với sự phát triển với tốc độ chóng mặt của Internet, một số trang mạng đã dành một phần đất hậu hĩ cho việc chưng bày và lưu trữ thơ, văn, nhạc phẩm, và phó bản họa phẩm của văn nghệ sĩ Việt Nam thuộc nhiều triều đại.“

Công cuộc số hóa các tác phẩm thuộc Văn Học Miền Nam và Văn học Hải ngoại ngày càng phổ biến trên liên mạng. Ở những năm sau này, bạn đọc có thể tìm thấy một số tác phẩm của nhiều tên tuổi quen thuộc của Văn Học Miền Nam trên các trang mạng Đặc Trưng, Viet Mesenger v.v…

Trong số các công trình lưu trữ và phổ biến các tác phẩm của Văn Học Miền Nam trên liên mạng phải kể đến chương trình “Sách xuất bản tại miền Nam trước 1975” (3) do nhà văn Phạm Thị Hoài, người chủ trương Tủ sách talawas thực hiện. Đây là một công trình khá dài hơi, kéo dài 4 năm trời từ 2004 – 2008 với 95 đầu sách của một số các tác giả quan trọng của nền văn học này.

Ngoài ra cũng có thể kể thêm các chuyên đề về Văn Học Miền Nam 54-75 của tạp chí Da Màu, Gió-O, chuyên đề Võ Phiến và toàn bộ “Văn Học Miền Nam: tổng quan” của Võ Phiến trên tạp chí Tiền Vệ, và vô số các tác phẩm đủ thể loại thuộc thời kỳ 54-75 trên các trang mạng, blog cá nhân trong và ngoài nước. Nằm rải rác trên cõi bao la của liên mạng, các tác phẩm văn học này là một phần di sản quan trọng của Văn Học Miền Nam chưa được khai thác đúng mức.

Một trường hợp đặc biệt

Nhà văn Trần Hoài Thư là một trường hợp đặc biệt bởi vì các tác phẩm do ông, cùng với sự đóng góp của một nhóm bạn thân, sưu tập và ấn hành xuất hiện trong cả hai dạng, số hóa và bản in do chính tay ông in ra và gởi đến bạn đọc qua đường bưu điện. Có thể nói Trần Hoài Thư là người đầu tiên trong cộng đồng người Việt hải ngoại áp dụng thành công phương pháp “In theo yêu cầu,” tương tự như “Print On Demand” mà Người Việt Books áp dụng cho các sách xuất bản gần đây. Bài phỏng vấn “Trò chuyện cùng Trần Hoài Thư về Thư Ấn Quán & Thư Quán Bản Thảo” (4) của nhà văn Trần Doãn Nho trong chuyên đề Văn Học Miền Nam trên tạp chí Da màu mô tả khá rõ quan niệm, mục tiêu, và các hoạt động của nhà văn Trần Hoài Thư liên quan đến công cuộc bảo quản và phục hồi di sản văn chương miền Nam.

Tạp chí Thư Quán Bản Thảo và Tủ sách Di sản Văn chương miền Nam là 2 công trình quan trọng nhất của nhà văn Trần Hoài Thư. Thư Quán Bản Thảo chính thức phát hành đầu năm 2001, cho đến nay gần tròn 14 năm. Số 62 là số mới nhất, phát hành tháng 12 năm 2014 với chủ đề “Khởi Hành và Tôi.” Theo nhà văn Trần Hoài Thư, mỗi số Thư Quán Bản Thảo thường dành khoảng 100 trang cho một tác giả chọn lọc của Văn Học Miền Nam. Ví dụ chủ đề Nguyễn Bắc Sơn (số 20), Nguyễn Nho Sa Mạc (số 26), Hoài Khanh (24), Phan Nhự Thức (số 27), v.v… Điều này cho thấy mục đích giới thiệu [lại] các tên tuổi thuộc Văn Học Miền Nam là một phần quan trọng của Thư Quán Bản Thảo. Về Tủ sách Di sản Văn chương miền Nam, nhà văn Trần Hoài Thư đã hoàn tất hai bộ sách đồ sộ, mỗi bộ gồm hàng ngàn trang. Bộ Thơ miền Nam gồm 5 tập và bộ Văn Miền Nam gồm 4 tập. Trong cả hai bộ sưu tập thơ văn này, các sáng tác với chủ đề chiến tranh chiếm một tỷ lệ không nhỏ.

Trong thời gian gần đây, bên cạnh một ngân khoản eo hẹp, nhà văn Trần Hoài Thư vừa phải chăm sóc vợ hiền bị bạo bệnh, vừa chăm sóc sức khỏe của chính mình nhưng không thấy ông chậm lại chút nào trong kế hoạch in ấn và phát tán tác phẩm miền Nam thời 54-75… Xin cầu chúc ông sức khỏe và nghị lực để tiếp tục gởi đến chúng ta những tác phẩm giá trị và quí hiếm của một thời.

Xa mặt cách lòng

Hồi tháng 8 năm ngoái (2013), trong khi thu thập tài liệu cho chuyên đề “Nguyễn Xuân Hoàng, Trong và Ngoài Văn chương” (5) của tạp chí Da Màu, tôi nhận ra, với một tên tuổi vô cùng quen thuộc như nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, số lượng bài biên khảo dành cho tác phẩm của ông quả thật khiêm nhường. Chợt nghĩ ra ông thuộc về thế hệ của những người làm văn nghệ kém may mắn. Nhóm người này bắt đầu văn nghiệp của họ trong giai đoạn 54-75 ở miền Nam Việt Nam. Nền văn học non trẻ nhưng đa dạng và cởi mở này chưa kịp có thì giờ nhìn lại để đánh giá một cách đầy đủ những thành tựu của tập thể và của mỗi cá nhân tác giả thì đã chết tức tưởi vào một ngày cuối tháng Tư năm 1975.

Chỉ ít hôm sau cái ngày định mệnh này, những người viết, phần đông ở vào độ tuổi sung mãn nhất của họ, bỗng dưng nhận ra ngòi bút trong tay mình bị cướp giật đi và thay vào đó là gông cùm xiềng xích. Trong số họ, có nhiều ngưới sẽ không bao giờ có cơ hội cầm bút trở lại. Những người khác, sau nhiều năm tù tội, cố gắng về lại với chữ nghĩa trong những điều kiện vô cùng khó khăn…

Khi một số người viết thoát ra được nước ngoài thì nguyên khí đã tiêu hao rất nhiều, đặc biệt giới phê bình nghiên cứu hầu như không còn mấy. Về sau, có thêm những tên tuổi mới tham gia lãnh vực này, nhưng lực lượng vẫn còn quá mỏng so với khối lượng tác phẩm dồi dào của miền Nam. Trong một tình thế như vậy, việc đánh giá tác giả tác phẩm thuộc nền văn học miền Nam 54-75 nói chung trở nên vô cùng khó khăn. Đó là ở Hải ngoại.

Ở trong nước thì gần như tuyệt vọng. Không có độc giả, không có điểm sách, phê bình, một nền văn học dễ dàng rơi vào quên lãng. Sau 40 năm, nếu lớp trẻ trong nước hoàn toàn không biết đến tên các tác giả tiêu biểu của nền Văn Học Miền Nam 54-75, chúng ta không nên lấy làm ngạc nhiên.

Trong một bài viết (6) nhằm giới thiệu chính cuộc hội thảo văn học này trên blog VOA Tiếng Việt, nhà lý luận văn học Nguyễn Hưng Quốc cũng chia sẻ nỗi bi quan này:

Nói một cách tóm tắt, nền văn học miền Nam giai đoạn 1954-75, cho đến nay, ít nhất với độc giả trong nước, vẫn là một nền văn học bất hạnh: sau khi bị tịch thu và bôi nhọ, nó tiếp tục bị chôn vùi vào quên lãng.

*

Những người quan tâm đến vận mạng của nền Văn Học Miền Nam, tuy vậy, đã không chịu đầu hàng, Những công trình lớn nhỏ nhằm cứu vãn và phục hồi Văn Học Miền Nam và những sinh hoạt như chính cuộc hội thảo này giúp nền văn học này không bị rơi vào quên lãng. Hơn thế nữa, họ còn mong muốn Văn học miền Nam được công khai trở về với tổ quốc, được đặt vào một vị trí xứng đáng với tầm vóc của mình trong dòng lịch sử của văn học dân tộc. Tuy nhiên, đường về của Văn Học Miền Nam 54-75 nói chung và của mỗi tác giả/tác phẩm thuộc giai đoạn này nói riêng là con đường gian nan, đầy những chông gai. Những chướng ngại trên con đường về, theo tôi, trực tiếp hoặc gián tiếp đến từ chính sách bôi nhọ, trù dập, khủng bố của chính quyền Cộng sản trong nhiều thập kỷ qua. Trong bài nói chuyện hôm nay, tôi xin phép điểm qua một số các chướng ngại này cùng với các sự kiện văn học có liên quan đến chúng.

Dĩ Bắc vi trung tâm?

Trong bài phỏng vấn “Ðặt lại giá trị văn học miền Nam 1954-1975 trong lịch sử văn học Việt Nam” (7) do báo Người Việt thực hiện, nhà văn Phạm Phú Minh đã có một phát biểu quan trọng. Ông phát biểu như thế này:

Nói chung đảng Cộng Sản có một đường lối văn nghệ [khác] được chỉ thị từ Liên Xô và Trung Cộng, và tất cả những gì không phù hợp với đường lối này thì đều bị phê phán là lạc hậu, phản động, bị cấm đoán và tiêu hủy; các nhân vật văn hóa như Phạm Quỳnh, Nguyễn Tường Tam đều bị miệt thị nặng nề. Ngay bài “Bình Ngô Ðại Cáo” của Nguyễn Trãi khi in lại trong cuốn Lịch Sử Việt Nam cũng bị Trường Chinh và Tố Hữu gạch bỏ một câu vì không phù hợp thế giới quan của đảng Cộng Sản. Họ không cần những gì dân tộc Việt Nam hãnh diện là những “thành tựu” của mình về văn hóa, họ chỉ cần những gì phù hợp với đảng Cộng Sản để xây dựng một thế giới khác theo trí tưởng tượng (bệnh hoạn) của họ. Và đó là thảm họa cho văn hóa nước Việt Nam của chúng ta.

Nói cách khác, các nền văn học “không cộng sản” không được phép có mặt trong một đất nước bị thống trị bởi đảng Cộng sản. Sau tháng 4 năm 75, Văn Học Miền Nam giai đoạn 54-75 hoàn toàn bị loại ra khỏi sinh hoạt văn học của cả nước. Với sự vắng mặt của Văn Học Miền Nam từ sau 1975, văn học miền Bắc trong cùng giai đoạn, còn được gọi là văn học “Cách mạng,” đương nhiên lên ngôi chính thống, trở thành dòng văn học trung tâm của cả nước.

Không có đối tượng để so sánh, cái tư thế múa gậy vườn hoang dễ đưa đến tâm lý vô địch, và cái mặc cảm tự tôn này lâu ngày trở thành một thứ tâm lý chung, được chấp nhận một cách tự nhiên bởi phần đông những người làm văn học “chính thống” trong nước. Với họ, Văn học Việt Nam đồng nghĩa với hoặc có xuất xứ từ nền văn học “Cách mạng” của miền Bắc. Trên thực tế, sự nhập nhằng trong cách sử dụng các cụm từ “Văn học Cách mạng” (tức là Văn học miền Bắc) và “Văn học Việt nam” của đa số tác giả thuộc giới phê bình văn học chính thống trong nước là một dấu hiệu của tâm lý kể trên.

Những điều như thế không thoát khỏi sự lưu ý của các người cầm bút gốc gác miền Nam hiện đang sinh sống trong nước hoặc Hải ngoại. Trong thời gian gần đây, tôi nghe được hai cụm từ thú vị từ hai người bạn văn để diễn tả cái “hội chứng” này, “Dĩ Bắc vi trung (tâm)” và từ thứ hai, một cách rắc rối hơn, “Bắc kỳ Chủ nghĩa.”

Xung đột của những thế giới bịa đặt

Chính sách nhằm hủy diệt các thành tựu văn hóa, văn học “không Cộng sản” ở miền Nam không phải chỉ bắt đầu sau tháng 4/75. Ngay từ những năm 50, nhà cầm quyền Hà nội đã phát động nhiều chiến dịch nhằm bôi nhọ văn học miền Nam, trong đó có việc phân vùng văn học với những tên gọi đầy ác ý. Về lâu về dài, những tên gọi này trở nên quen thuộc và được sử dụng rộng rãi trong cả nước, gây ảnh hưởng tiêu cực lên cách nhìn của giới cầm bút nội địa, ngay cả những người có cảm tình và thiện chí với nền văn học miền Nam.

Trao đổi giữa nhà văn Nhật Tiến và nhà thơ Hoàng Hưng của văn đoàn Độc Lập gần đây là một thí dụ điển hình. Vào khoảng tháng 7 năm 2014, nhà thơ Hoàng Hưng đại diện văn đoàn Độc lập trong nước gởi điện thư mời nhà văn Nhật Tiến (và một số các ngòi bút của Văn Học Miền Nam ở hải ngoại) tham gia một tiết mục mới có tên “Văn học Đô thị Miền Nam 1954-1975.” Hoàn toàn dị ứng với cụm từ “Văn học Đô thị Miền Nam,” nhà văn Nhật Tiến đã phản ứng một cách mạnh mẽ. Trích điện thư của nhà văn Nhật Tiến:

Cái từ ngữ “Văn Học Đô Thị Miền Nam” khiến tôi không khỏi nhớ đến guồng máy tuyên truyền của miền Bắc ở vào thời kỳ cuộc chiến VN chưa chấm dứt. Họ đã gọi các sinh hoạt trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa là “ trên các tỉnh và Đô thị Miền Nam”, với ý nghĩa là “bọn Mỹ Ngụy chỉ co cụm trong các thành phố và không thể lui tới các các Nông thôn ở miền Nam, vì tất cả đã đồng loạt nổi dậy và đã đứng dưới ngọn cờ của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam”.

Qua cái từ ngữ được quý anh sử dụng “Văn Học Đô thị Miền Nam”, chúng tôi như đã bị đánh thức dậy bởi cái mùi vị khinh bỉ, miệt thị, kể cả những hận thù do chính rất nhiều thành phần có tính cách văn hóa đến từ miền Bắc mang lại… (8)

Không muốn đổ dầu vào lửa, nhưng thật tình mà nói, cụm từ “Văn học Đô thị Miền Nam” không có một hậu ý tử tế nào hết. Cho đến gần đây, trường Đại học Đà lạt vẫn còn tuyển sinh cho một khóa học mang tên “Văn học đô thị miền Nam” với phần tài liệu học tập gồm đến 9 cuốn trong danh sách “Đả ngụy thập lục thư,” 16 cuốn sách đấu đá Văn Học Miền Nam dữ dội nhất. Một vài cuốn tiêu biểu:

  • Văn hóa văn nghệ miền Nam dưới chế độ Mỹ ngụy – nhiều tác giả, NXB Văn hóa Hà Nội
  • Nọc độc văn học thực dân mới Mỹ – Trần Trọng Đăng Đàn, NXB TP. HCM
  • Cuộc xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam - Lữ Phương, NXB Văn hóa, Hà Nội
  • Những tên biệt kích của chủ nghĩa thực dân mới trên mặt trận văn hóa tư tưởng – Nhiều tác giả, NXB Văn hóa, Hà Nội

Cách phân vùng văn học mang tính thù nghịch, đầy ác ý của nhà cầm quyền Cộng sản không chỉ phổ cập trong nước mà còn được xuất khẩu qua trung gian một số trí thức thiên tả ở các trường Đại học trên thế giới, đặc biệt ở Mỹ. Xin giới thiệu cùng quý vị bài viết bằng tiếng Anh “The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction” của nhà thơ, học giả Nguyễn Bá Chung trên đặc san Manoa Journal số 14 của trường Đại học Hawaii, ấn hành năm 2002. Học giả Nguyễn Bá Chung là một trong những người điều hành trung tâm William Joiner thuộc viện Đại Học Massachusetts ở Boston, một tổ chức có ảnh hưởng lớn trong giới hàn lâm Mỹ, đặc biệt về các khía cạnh văn học liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Bài viết nói trên của ông đã được Ban biên tập Da Màu dịch và phổ biến dưới cái tựa Đường Về Diệu Vợi: Tha Hương, Tự Kiểm và Tái Thiết (9)để bạn đọc tiện đường tham khảo.

Dưới đây là một vài trích đoạn trong tiểu mục “Xung đột của các thế giới và thế giới quan” của tác giả Nguyễn Bá Chung mà tôi cho rằng có khả năng giải thích phản ứng của nhà văn Nhật Tiến như ở trên:

Tại làm sao văn chương của miền Nam Việt Nam chỉ phản ánh suy tư và quan tâm của chỉ 20% dân số — những người sống an toàn trong đô thị, cách ly những bom những pháo và những đe dọa thường xuyên của lằn đạn réo? Sài gòn và nhiều thành thị khác của miền Nam vào thời điểm đó [trước 1975] giống như những hòn đảo thanh bình và tiện nghi trong một biển lửa mà chúng [những hòn đảo] ngoảnh mặt làm ngơ.

Được bảo vệ bởi lực lượng quân sự Hoa Kỳ và nuôi sống bởi viện trợ hào phóng của Mỹ, những thành phố này mang dáng dấp của những tô giới thượng lưu trong vùng đất nghèo khổ của những đất nước kém mở mang. Phần lớn văn giới thành phố chỉ quan tâm đến những vấn đề thích hợp với một xứ sở không chiến tranh, hoặc ít nhất, không phải chiến đấu cho sự sống còn của mình. Không giống như đồng bào của họ ở thôn quê, sinh mạng của những nhà văn nghệ sĩ này chưa bao giờ bị đe dọa. …

Trong nhiều phương diện, tác giả thành thị bị sập bẫy bởi một lịch sử không do chính họ lựa chọn: họ không thể toàn tâm ủng hộ những người tuyên bố đang chiến đấu nhân danh họ [chính quyền Sài Gòn] hoặc họ hoàn toàn cách ly với [chính quyền Sài Gòn]. Họ cũng không thể rời bỏ sự an toàn của đô thị để tham gia lực lượng du kích trong rừng, mà cũng không thể thẳng thừng chối bỏ và lên án những người vào bưng chiến đấu bởi vì không một ai có thể phủ nhận được nhiệt tình, cống hiến, và hy sinh của phía bên kia hay sự đồi trụy của phe họ! …

Xin lưu ý cách tác giả gán ghép những giá trị thấp kém cho “văn giới thành phố,” cách dàn dựng các thế giới nông thôn và thành thị với những phẩm chất đối nhau chan chát giữa các thế giới bịa đặt này: nhiệt tình, cống hiến, hy sinh của một bên so với đồi trụy, thậm chí hèn nhát của phía bên kia! Chỉ còn thiếu mỗi từ “phản động!”

Không chỉ có hậu ý chính trị, tôi tin rằng cụm từ Đô thị trong “Văn Học Đô Thị Miền Nam” còn được dùng để đặt nền văn học này vào một vị trí thứ yếu so với nền văn học Cách mạng của miền Bắc. Bằng cách đóng khung địa bàn hoạt động của Văn Học Miền Nam vào bên trong ranh giới các thành phố, họ muốn biến nó trở thành dị dạng, teo tóp như mảnh da lừa của Balzac! Trong khi đó, văn học miền Bắc cùng thời kỳ được mô tả như là một khối văn học Cách mạng nguyên vẹn cộng thêm các mảng văn học vệ tinh ở phía Nam, văn học Giải phóng và văn học yêu nước ở Đô thị miền Nam. Một bản đồ văn học sử vẽ theo cách sắp đặt không mấy lương thiện này nhất định sẽ cho thấy vị trí áp đảo của VH cách mạng, tức Văn Học miền Bắc so với Văn Học Miền Nam.

Xin nói thêm là văn đoàn Độc Lập sau đó đã phản ứng một cách tích cực, hai chữ “Đô thị” trong mục “Văn học Đô thị miền Nam” được gỡ bỏ để chính thức trở thành “Văn học miền Nam 1954-1975” trên trang mạng của văn đoàn này. Đây là một điều đáng khích lệ, nhưng một con én khó làm thành mùa Xuân. Ảnh hưởng tiêu cực của chính sách bôi nhọ Văn Học Miền Nam của nhà nước CS, cho đến nay, vẫn xuất hiện nhan nhản trong các sinh hoạt văn hóa và giáo dục trong nước.

Không có chỗ cho Tự do học thuật

Trong vòng mươi năm trở lại đây, có một số thay đổi nhỏ trong cái nhìn của giới làm văn học trong nước, đặc biệt về những thành tựu trong lãnh vực dịch thuật và phê bình nghiên cứu của văn học miền Nam. Trích dẫn dưới đây từ bài viết “Dấu ấn phê bình văn học phương Tây trong văn học sử miền Nam giai đoạn 1954 – 1975” (10) của Lý Hoài Thu và Hoàng Cẩm Giang thuộc viện Văn học Việt Nam cho thấy một cái nhìn tuy khái quát nhưng khá chính xác về nền văn học nhân bản của miền Nam:

… văn học miền Nam dưới chế độ Việt Nam cộng hoà… lại đào sâu vào hình ảnh con người tự do cá nhân… đồng thời đã tiếp xúc với những trường phái mới mẻ nhất của văn học Tây Âu như trường phái Tiểu thuyết mới, Phê bình mới, Hiện sinh chủ nghĩa…

Mặt tiêu cực, tuy vậy, vẫn còn hiện diện hầu như ở khắp mọi nơi. Cho đến nay, đa số sinh viên đại học/cao học vẫn tiếp tục áp dụng cụm từ “Văn học Đô thị” và cách phân vùng văn học bất lợi cho miền Nam trong các luận văn tốt nghiệp của mình. Gần đây, một bộ sách gồm hàng ngàn trang có tựa “Văn học Việt nam nơi miền đất mới” đã cố tình nêu sai tên/bút hiệu của một số tác giả tiêu biểu của miền Nam bên cạnh các sai lầm đáng nghi ngờ khác mà nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh đã chỉ ra trong bài viết “Văn học miền Nam qua một bộ ‘văn học sử’ trong nước” (11). Nói chung, tiếng nói của những người có thiện cảm với Văn Học Miền Nam vẫn chưa đủ mạnh để khiến cán cân dư luận nghiêng về phía họ.

Về phía chính quyền Cộng sản, trong khi không còn công khai “đuổi tận giết tuyệt” tác giả và tác phẩm của miền Nam như trước, vẫn có những động thái cho phép chúng ta hoài nghi động cơ của những thay đổi trong cung cách đối xử của họ với Văn Học Miền Nam. Có nhiều phần là chúng chỉ nhằm phục vụ nhu cầu chính trị theo từng giai đoạn của nhà cầm quyền. Một trong những sự kiện văn học gần đây, được biết đến dưới cái tên “luận văn Nhã Thuyên” cho thấy họ vẫn chưa thật sự thay đổi chính sách văn hóa hà khắc của mình. Xin trích và rút gọn vài đoạn từ bài viết “Nhân ‘Trường hợp Võ Phiến’ nhìn lại sự kiện ‘Luận văn Nhã Thuyên’” (12) của tác giả đã đăng trên tạp chí Da Màu:

Một cách ngắn gọn, câu chuyện bắt đầu với loạt bài của Chu Giang Nguyễn văn Lưu trên báo Văn Nghệ TP HCM cuối tháng 5/2013 nhằm lên án luận văn thạc sĩ “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa" (13) của Đỗ thị Thoan tức nhà văn Nhã Thuyên và chuỗi tiểu luận “Những tiếng nói ngầm” (14) đăng trên tạp chí Da Màu của cô. Luận điệu truy chụp của Chu Giang nhắm vào Nhã Thuyên và nhóm Mở Miệng (gồm Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Nguyễn Quán), bắt đầu với cái tựa "Một luận văn kích động sự phản kháng và chống đối," được nhanh chóng phụ họa bởi các bài viết khác trên các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, và hàng loạt những cái loa tuyên truyền khác của nhà cầm quyền. Vào đầu tháng 11 năm 2013, hiệu trưởng Nguyễn Văn Minh ra quyết định thu hồi bằng thạc sĩ khoa học ngữ văn của Nhã Thuyên và buộc Phó Giáo Sư Tiến sĩ Nguyễn thị Bình, người đỡ đầu cho bản luận văn phải về hưu non.

Theo tôi, ban tuyên giáo và các quan chức văn hóa giáo dục của nhà nước đứng trong hậu trường đã thắng lớn trong vụ này. Bằng cách trừng phạt thầy trò Nhã Thuyên, họ đã gởi ra một tín hiệu không thể lầm lẫn về những hậu quả nghiêm trọng mà những kẻ toan tính “xé rào” sẽ phải gánh chịu. Hành động mang tính răn đe, dọa dẫm này xem ra vô cùng hiệu quả, và nạn nhân, bên cạnh Nhã Thuyên và phó giáo sư Nguyễn Thị Bình còn có các cây bút của văn học miền Nam giai đoạn 1954-1975.

Văn chương miền Nam giai đoạn 54-75, qua những tên tuổi như Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu… trong vài năm sau này đã được xuất hiện trong một số những luận văn hậu đại học của sinh viên khoa văn trong nước. Sau vụ “luận văn Nhã Thuyên” việc lựa chọn tác phẩm của các cây bút từng “có vấn đề” của Văn Học Miền Nam thời kỳ 54-75 làm đề tài trở thành một hành động mạo hiểm và dính líu đến quá nhiều người để có cơ may trót lọt. Trong một tình thế như vậy, Tố Hữu, Lưu Trọng Lư, hoặc một nhà văn cung đình nào đó là một lựa chọn thông minh và an toàn.

Để loại bỏ các tác giả, tác phẩm, và trào lưu văn học đại diện cho những giá trị ngược lại với văn học “cách mạng,” nhà cầm quyền đã không ngần ngại chà đạp lên các quyền căn bản nhất của ngành giáo dục, trong đó có “tự do học thuật.”

Nội dung chính trị sai lầm

Đã có một số các sáng tác văn học của miền Nam giai đoạn 1954-1975 được phép đến với độc giả trong nước qua hệ thống xuất bản dưới sự kiểm soát của nhà nước Việt Nam. Những tác phẩm này đều phải trả một cái giá nhất định, đó là chấp nhận đánh mất sự toàn vẹn của tác phẩm khi cho phép đứa con tinh thần của mình trải qua quá trình “kiểm duyệt.”

Nói đến kiểm duyệt thì không thể không nhắc đến một vài sự cố náo nhiệt gần đây có liên quan trực tiếp đến việc xuất bản sách ở VN. Nổi bật là vụ Thomas Bass, tác giả của The Spy who Loved Us, một cuốn sách về điệp viên Phạm Xuân Ẩn, người hùng của chế độ Cộng sản. Phải mất đến gần 5 năm trời, cuốn sách nhằm đánh bóng Phạm Xuân Ẩn mới qua lọt được cửa ải “biên tập” để ra mắt độc giả Việt Nam với đầy dẫy thương tích, ngay cả cái tựa cũng bị đổi thành Điệp viên Z21. Kẻ thù Tuyệt vời của Nước Mỹ trong khi đúng ra phải dịch là Điệp viên yêu chúng ta. Chiến tranh Việt Nam và trò chơi nguy hiểm của Phạm Xuân Ẩn. Cũng chính trong quá trình biên tập dài dằng dặc này, Thomas Bass đã thu thập khá đầy đủ tài liệu để lột trần bộ mặt thật của hệ thống kiểm duyệt/tự kiểm duyệt trong nước qua loạt bài phóng sự điều tra “Swamp of the assassins” (15) với giọng văn tinh quái nhưng đầy thuyết phục của ông. Bài viết được chuyển ngữ và đăng trên mạng Pro&Contra của nhà văn Phạm Thị Hoài gần đây.

Ngoài ra, mạng Pro&Contra còn đi xa hơn, thiết lập một bảng đối chiếu (16) giữa bản dịch không cắt xén và bản được “biên tập” bởi các biên tập viên trong nước. Từ bảng đối chiếu, chúng ta có thể phân biêt giữa biên tập mang tính học thuật/chuyên môn và kiểm duyệt chính trị. Phần biên tập thật ra không có gì đáng than phiền. Những tranh cãi về sự chính xác giữa các từ ngữ “khí tài/quân cụ,” “chiến tranh qui ước/chiến tranh thông thường,” v.v… là điều bình thường trong quá trình làm tốt hơn một dịch phẩm. Vấn đề nằm ở chỗ “nội dung chính trị sai lầm” của những phần bị sửa đổi hoặc cắt bỏ, vốn chiếm hơn 80% tổng số. Nếu định nghĩa của “nội dung chính trị sai lầm” là tất cả những gì không có lợi cho Cộng sản, chế độ kiểm duyệt của Cộng sản được dựng lên là để bảo đảm “nội dung chính trị sai lầm” không bao giờ được lọt vào mắt người đọc. Và trong khi guồng máy kiểm duyệt nằm sờ sờ ra đó, nhà cầm quyền, một cách khôi hài, luôn tìm cách phủ nhận sự hiện diện của hệ thống này.

Trong bài viết của Thomas Bass nhắc đến ở trên, ông có nói đến luật xuất bản trong nước như sau:

Ông Long gửi kèm cho tôi Luật Xuất bản của Việt Nam dày khoảng 22 trang, trong đó có Điều 5.2 quả thật qui định rất rõ ràng và bình dị thế này: “Nhà nước không kiểm duyệt các tác phẩm trước khi xuất bản.” Phần còn lại của luật thì lại dành để qui định ngược với Điều 5.2 vừa nói, ví dụ như liệt kê những thứ bị cấm trong hoạt động xuất bản.

“Về mặt luật pháp, ở Việt Nam không có kiểm duyệt,” ông Long tiếp tục, “nhưng các giám đốc, các tổng biên tập các nhà xuất bản đôi khi được yêu cầu phải loại những chỗ nhạy cảm hoặc thậm chí họ rụt rè đến mức không dám xuất bản (như trường hợp của chúng ta đây). Hành động kiểu đó chúng tôi gọi là tự-kiểm-duyệt, và đây chính là nút thắt rắc rối nhất của ngành xuất bản tại Việt Nam.”

Như vậy, quyền sinh sát nằm trong tay công an văn hóa nhưng công việc “tùng xẻo” tác phẩm thì chính tác giả hoặc các biên tập viên chuyên nghiệp của nhà xuất bản phải đảm nhiệm. Tuy vậy, ngay cả một dàn biên tập viên kinh nghiệm, mẫn cán nhất cũng không thể bảo đảm một cuốn sách được biên tập cẩn thận, được cấp giấy phép, được in ra và bày bán ở các hiệu sách KHÔNG bị tịch thu vài ngày, vài tuần, hoặc vài tháng sau đó vì bỗng nhiên công an văn hóa cảm thấy cuốn sách trở nên “có vấn đề.”

Một cuốn sách ngoại ngữ nhằm ca tụng một người hùng của chế độ mà còn phải trải qua những truân chuyên như thế, việc những tác phẩm của Văn Học Miền Nam và cả Văn Học Hải ngoại được lọt lưới kiểm duyệt mà không bị trầy trụa gì hết là chuyện khó thể xảy ra.

Có thể nói, hệ thống kiểm duyệt/tự diểm duyệt hiện hành ở Việt Nam là một trong những chướng ngại lớn nhất trên đường về lại quê hương của Văn Học Miền Nam theo ngả “chính thống.”

Văn Học Miền Nam là một di sản, tất cả những gì chứa đựng trong đó đến từ quá khứ và cần được giữ nguyên trạng bởi vì chúng thể hiện tri thức, tư duy, tình cảm, phong cách diễn đạt của người viết trong một khung không gian và một khung thời gian nhất định. Bên cạnh giá trị văn chương, chúng còn mang giá trị lịch sử. Bằng cách thay đổi nguyên bản, ngay cả chỉ là những tiểu tiết, có thể gây nên những thiệt hại không nhỏ cho việc tiếp nhận và đánh giá tác phẩm bởi độc giả và các nhà nghiên cứu văn học. Càng có nhiều tác phẩm xuất bản trong nước qua hệ thống kiểm duyệt nêu trên, khả năng các tác phẩm mà “nội dung chính trị sai lầm” đã được lọc bỏ này được sử dụng như là tài liệu chính thức cho mục tiêu phê bình/nghiên cứu càng lớn thêm. Lý do khá đơn giản: các tác phẩm đã bị kiểm duyệt này được phát tán rộng rãi trong nước, được lưu trữ tại các thư viện trung ương và địa phương, và do đó, có thể được xem là bản chính thức, tin cậy được. Nguy cơ Văn Học Miền Nam được đánh giá dựa trên các tác phẩm bị đẽo gọt theo tiêu chí của nhà cầm quyền Cộng sản trở nên thật hơn bao giờ hết.

“Về hay không về” theo ngả “chính thống,” trong trường hợp này, có thể là một câu hỏi không dễ trả lời!

Về một bản đồ văn học

Xin nói thêm một điều trước khi chấm dứt bài nói chuyện.

Trong cuộc trao đổi giữa nhà văn Nhật Tiến và nhà thơ Hoàng Hưng về danh xưng “Văn học Đô thị miền Nam” mà tôi nhắc đến trước đây, nhà thơ Hoàng Hưng có băn khoăn về vị trí của giòng “văn nghệ ở rừng” (tức là “mảnh văn học Giải phóng miền Nam” theo cách gọi của nhà cầm quyền Cộng sản) trong toàn cảnh văn học ở miền Nam. Ở phần phản hồi, nhà văn Nhật Tiến lý luận rằng ngay cả Mặt trận Giải phóng miền Nam cũng chỉ là công cụ của Cộng sản Bắc Việt, và “sự kiện này đã chứng tỏ rằng trên mọi phương diện dù là văn hóa hay giáo dục, quân sự hay chính trị, và có xuất xứ từ những con bài do chính họ đẻ ra, khi cần, tất cả cũng vẫn bị sổ toẹt. Như thế, làm gì có một thứ văn học trung thực ở vùng MTGPMN, cần phải được gìn giữ.” (8)

Sự phủ nhận rất dứt khoát, rất mãnh liệt cái mảnh văn học “ở rừng” và “không trung thực” này của nhà văn Nhật Tiến khiến tôi khâm phục nhưng đồng thời… băn khoăn. Bởi vì tôi không cảm thấy yên tâm phán xét công trình văn học của bất cứ cá nhân hay tập thể nào dựa trên những tiêu chí chính trị đối nghịch. Đây chính là điều mà người Cộng sản đã áp dụng để xua đuổi Văn Học Miền Nam ra khỏi biên giới đất nước trong quá khứ và tiếp tục cho đến bây giờ.

Không biết quý vị nghĩ sao, riêng tôi thường nghĩ về Văn Học Miền Nam 54-75 như là một thực thể văn học bao gồm tất cả những gì bị nhà cầm quyền Cộng sản chối bỏ, xua đuổi, thậm chí tìm mọi cách để hủy diệt. Nghĩ cho cùng, những điều bị chối bỏ này chính là những giá trị đáng ganh tị của Văn Học Miền Nam, không phải hay sao?

Tuy nhiên, tôi không chắc lắm là Văn Học Miền Nam 1954-1975 KHÔNG bao gồm những gì được người Cộng sản tiếp nhận. Nền văn học này sinh ra và lớn lên dựa trên những giá trị tự do, nhân bản mà chúng ta trân trọng. Ở vào thời vàng son của nó, Văn Học Miền Nam đã có đủ tự tin và bao dung để chứa chấp không chỉ Võ Phiến mà còn cả Vũ Hạnh!

Vâng, Võ Phiến và Vũ Hạnh.

Xin cám ơn tất cả.

Phùng Nguyễn
12.07.2014

Ghi Chú:

(1). Nhiều Tác giả: Văn Hóa Văn Nghệ Miền Nam dưới Chế Độ Mỹ Ngụy. Nhà xuất bản Văn Hóa, Hà Nội Việt Nam 1977

(2) Phùng Nguyễn: Đôi Điều Về Những Hoạt Động Văn Học Của Tuổi Trẻ Hải Ngoại Trên "Liên Mạng.” - Tạp chí Văn Học số 120 tháng tư 1996

(3) Tủ sách talawas: Sách xuất bản tại miền Nam trước 1975

(4) Trần Doãn Nho: Trò chuyện cùng Trần Hoài Thư về Thư Ấn Quán & Thư Quán Bản Thảo

(5) tạp chí Da Màu: Chuyên đề “Nguyễn Xuân Hoàng, Trong và Ngoài Văn chương”

(6) Nguyễn Hưng Quốc: Về Văn Học Miền Nam 1954-1975

(7) Phạm Phú Minh: Ðặt lại giá trị văn học miền Nam 1954-1975 trong lịch sử văn học Việt Nam

(8) Nhật Tiến: Có hay không một nền văn học đô thị miền Nam

(9) Nguyễn Bá Chung: The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction. Manoa Journal – Volume 14, Number 1, 2002. Có thể đọc thêm bài phản biện ‘Đọc "The Long Road Home: Exile, Self-Recognition, and Reconstruction" của Nguyễn Bá Chung”’ của tác giả trên mạng Da Màu

(10) Lý Hoài Thu và Hoàng Cẩm Giang: Dấu ấn phê bình văn học phương Tây trong văn học sử miền Nam giai đoạn 1954 – 1975

(11) Nguyễn Vy Khanh: Văn học miền Nam qua một bộ ‘văn học sử’ trong nước

(12) Phùng Nguyễn: Nhân ‘Trường hợp Võ Phiến’ nhìn lại sự kiện ‘Luận văn Nhã Thuyên’

(13) Nhã Thuyên: “Vị trí của kẻ bên lề: thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa

(14) Nhã Thuyên: “Những tiếng nói ngầm

(15) Thomas Bass: “Swamp of the assassins

(16) Pro&Contra: “Những chỗ bị kiểm duyệt sửa đổi và cắt bỏ trong bản dịch cuốn Điệp viên Z21. Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ của Thomas A. Bass