Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

Tiếp cận mẫu người văn hóa từ Ba làn sóng văn minh

Đỗ Lai Thúy

Trước hết, phải thừa nhận rằng, xã hội Việt Nam mới chỉ trải qua hai làn sóng là nền văn minh nông nghiệp kéo dài hàng nghìn năm và văn minh công nghiệp vừa chớm đến, còn làn sóng thứ ba, văn minh tin học, thì còn đang vỗ ở đâu đấy xa bờ. Tương ứng với hai làn sóng trên là hai văn hóa nông thôn và đô thị, hay văn hóa nông nghiệp và công nghiệp.

1. Trước đây, ngoài cách tiếp cận văn hóa theo các triều đại vua chúa của sử gia phong kiến, chúng ta chỉ có duy nhất cách tiếp cận theo năm hình thái kinh tế xã hội. Nhưng đây là mô hình phát triển xã hội của châu Âu, vừa đầy đủ vừa điển hình, tuy không khỏi mang tính quyền uy của Âu tâm luận. Áp dụng vào phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, mô hình này không khỏi không có nhiều khập khiễng. Ví như, xã hội Việt Nam không trải qua thời kỳ chiếm hữu nô lệ, còn chế độ phong kiến thì khác xa chế độ phong kiến phương Tây. Còn nói đến đô thị thì cũng cứ phải đèo thêm những định ngữ như phương Đông trung đại. Lệ thường, một khi ngoại lệ quá nhiều thì quy luật không còn là quy luật nữa. Bởi thế, Marx và những nhà nghiên cứu theo Marx phải cầu viện đến một ngoại lệ lớn nhất và cuối cùng là phương thức sản xuất châu Á, tuy khái niệm này tương đối mơ hồ.

2. Tiếp cận ba làn sóng văn minh nông nghiệp, công nghiệp và hậu công nghiệp (tin học, trí tuệ) cũng là cách tiếp cận kinh tế xã hội, bởi, xét cho cùng, động lực và cũng là tiêu chí nhận diện của mỗi làn sóng là sức sản xuất xã hội. Có điều cách tiếp cận này mềm dẻo hơn và, do đó, thích hợp hơn với văn hóa, một đối tượng thích chối từ những phân loại cưỡng bức. Ba làn sóng có biên giới mở hơn, bởi lẽ nó không nối tiếp nhau (như các hình thái), mà gối tiếp nhau cả trong thời gian lẫn không gian, vừa bám sát được một thực thể sống động, vừa mô tả được trạng thái phát triển không đồng đều của văn hóa. Dưới đây, như một ví dụ, chúng tôi thử sử dụng mô hình ba làn sóng, như một giả thuyết làm việc, vào nghiên cứu mẫu người văn hóa trong văn hóa Việt Nam.

3. Trước hết, phải thừa nhận rằng, xã hội Việt Nam mới chỉ trải qua hai làn sóng là nền văn minh nông nghiệp kéo dài hàng nghìn năm và văn minh công nghiệp vừa chớm đến, còn làn sóng thứ ba, văn minh tin học, thì còn đang vỗ ở đâu đấy xa bờ. Tương ứng với hai làn sóng trên là hai văn hóa nông thôn và đô thị, hay văn hóa nông nghiệp và công nghiệp. Và, đứng về mặt phát triển con người, như là nguồn gốc và mục đích của văn hóa, thì từ hai làn sóng ấy xuất hiện hai mẫu người văn hóa (ít nhiều mang tính phổ quát, tuy ở Việt Nam còn ít nhiều lưỡng thể như các nàng tiên cá, tiên – cá) là con người tập đoàn và con người cá nhân.

4. Thực ra, trước khi làn sóng văn minh nông nghiệp xuất hiện thì nhân loại đã trải dài trong săn bắt và hái lượm. Và, có lẽ, vì tính chất trời yên bể lặng phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, phi sản xuất này mà A.Toffler không coi giai đoạn này làn sóng. Nhưng đây là thời đại của huyền thoại. Mà huyền thoại là một cái gì đó cao rộng hơn văn hóa: với người nguyên thủy, đó là cuộc sống của họ, còn với chúng ta, đó là một thứ siêu văn hóa, tồn tại thường hằng và đậm nhạt trong mỗi văn hóa cụ thể. Ở Việt Nam, có thể, trước đụng độ với văn hóa Hán, hệ thống huyền thoại đã sớm bị đánh vỡ nên chỉ còn những mảnh vụn găm vào thân thể của cổ tích, truyền thuyết, thần phả, dã sử. Con người huyền thoại với tư cách là một mẫu người văn hóa, hẳn vì thế, đã bị “tha hóa” thành con người thần linh, nhân vật chủ thể của tín ngưỡng dân gian.

5. Trong đời sống tâm linh Việt, tín ngưỡng dân gian tồn tại lâu dài và có vai trò hết sức quan trọng. Nó không chỉ góp phần cản trở sự ra đời của tôn giáo bản địa, mà còn “khúc xạ” các tôn giáo ngoại lai, kể cả các tôn giáo lớn thế giới, biến các triết học cao siêu thành các quy tắc đạo đức, biến các đấng giáo chủ thành những vị thần bảo trợ có khả năng ban phúc giáng họa. Sở dĩ như vậy là bởi công xã nông thôn, hậu thân của công xã nguyên thủy ở Việt Nam, do chế độ ruộng đất công, có một sức sống lâu dài. Các làng tiểu nông như một cấu trúc khép kín, tự trị chỉ thực sự hình thành từ thời Lê Thánh Tông khi số ruộng tư của nông dân tăng lên đáng kể, khi đại gia đình vỡ ra thành các gia đình hạt nhân (hoặc hạt nhân mở rộng) cho phù hợp với việc canh tác trên những thửa ruộng, do địa hình không bằng phẳng và do chia gia tài – ruộng, đã trở thành manh mún. Hơn nữa, phản ứng với chính quyền Nho giáo tập quyền cũng làm cho làng xã co cụm lại. Như vậy, con người công xã đã biến thành con người làng xã.

6. Con người làng xã cũng là một mẫu người văn hóa thuộc dạng con người tập đoàn, nhưng nó khác với những mẫu người: tập đoàn khác như con người vô ngã, con người quân tử, con người tài tử ở chỗ nó có ý nghĩa phổ quát với hai đặc điểm trường tồn là tính cộng đồng và tín ngưỡng dân gian. Tính cộng đồng của con người làng xã hầu như kế thừa nguyên vẹn từ con người công xã và vẫn được duy trì nhờ chế độ công điền công thổ. Nó cản trở sự phát triển của ý thức cá nhân trong con người tập đoàn, cản trở sự phát triển của ý thức tư hữu, hoặc làm xiên xẹo ý thức này để trở thành tiểu kỷ, từ đó kìm hãm sự hình thành văn hóa đô thị. Còn tín ngưỡng dân gian với tư duy ma thuật của nó cũng cản trở sự hình thành tôn giáo bản địa và làm biến dạng các tôn giáo ngoại nhập, khiến tư duy tôn giáo, tư duy triết học và cả tư duy khoa học khó hình thành. Hai đặc điểm này của con người làng xã trở thành căn tính trong mỗi người Việt Nam, kể cả khi đất nước đã bước sang loại hình con người cá nhân.

7. Con người tập đoàn là sản phẩm của văn hóa nông nghiệp, tức làn sóng thứ nhất trong ba làn sóng văn minh. Ngoài con người làng xã ra, nó còn ba mẫu người văn hóa nữa là con người vô ngã, con người quân tử và con người tài tử. Các mẫu người này được hình thành trên cơ sở cấu trúc của văn hóa Việt Nam: văn hóa bản địa, lớp phủ văn hóa Phật giáo, lớp phủ văn hóa Nho giáo thời thuần nông và thời chớm thương mại. Các lớp văn hóa này ở thời điểm phát triển cao nhất của nó đã tạo ra những thời đại văn hóa (tức thời đại lớn – Bakhtin), như thời đại văn hóa Phật giáo, thời đại văn hóa Nho giáo thuần khiết và thời đại văn hóa Nho giáo hỗn dung. Từ tinh thần của các thời đại này đã kết tinh thành các mẫu người văn hóa nói trên.

8. Đô thị Việt Nam chậm xuất hiện. Trung Hoa vào thời Xuân Thu Chiến Quốc đã có những đô thị lớn như Hàm Đan (700tr.CN). Còn đô thị xứng là đô thị đầu tiên của Việt Nam hẳn là Thăng Long (1010). Đô thị Việt Nam đã chậm lại yếu. Bởi lẽ chất đô bao giờ cũng lấn át chất thị, chất hành chính luôn luốn lấn át chất thương mại. Chỉ vào thời đại văn hóa Nho giáo hỗn dung thì lần đầu tiên ở Việt Nam mới có vài đô thị thương mại như Phố Hiến, Hội An, và phần nào Thăng Long. Văn hóa đô thị tuy mới xuất hiện nhưng đã cho ra đời nhiều thể loại mới: tuồng, chèo, hát nói, truyện nôm, ngâm khúc… Theo tôi, một thời đại văn hóa mới bao giờ cũng cho ra đời những thể loại mới, bởi thể loại là một thành trì thẩm mỹ khó đánh chiếm. Như vậy, văn hóa đô thị, dù là phương Đông trung đại, dù là nhỏ bé đến đâu, nhưng như một chất vi lượng, nó vẫn có khả năng làm thay đổi cả một văn hóa nông thôn đậm đặc chất cung đình và tiểu nông. Con người tài tử là con người tập đoàn có ý thức cá nhân tương đối phát triển là vì vậy.

9. Con người cá nhân như là sản phẩm của làn sóng thứ hai: nền văn minh công nghiệp, của văn hóa đô thị hiện đại ở Việt Nam, có lẽ có được định hướng từ năm 1862, năm mất về tay Pháp ba tỉnh miền Đông Nam bộ. Từ đây đánh dấu một hiện tượng văn hóa mới: giã từ nền văn hóa cổ điển phương Đông để học theo nền văn hóa hiện đại phương Tây. Chính vì vậy mà những tri thức Tây học đầu tiên này chủ trương liên hiệp Pháp Việt, dung hòa văn hóa phương Đông và khoa học phương Tây, kết hợp luân lý và nghệ thuật. Có thể nói, đây là khu vực ngoại ô của văn hóa đô thị hiện đại. Những nhân vật văn hóa xuất hiện ở lớp văn hóa đệm này thời kỳ 1862-1913 như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Tôn Thọ Tường, Nguyễn Trường Tộ… đã đi ngược lại thế hệ của mình, thế hệ những sĩ phu chủ trương vũ trang đánh Pháp, sẵn sàng hi sinh cá nhân mình vì cộng đồng như Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám. Họ rất đơn độc, bởi lẽ họ đi quá sớm so với những người xuất hiện từ 1913 đến 1932 mà lúc này tư tưởng dung hòa đã trở thành chủ đạo như Nguyễn VănVĩnh, Phạm Quỳnh… Cũng như ở con người tài tử, ý thức cá nhân của họ cũng tương đối phát triển, nhưng một đằng là điểm cuối của con người tập đoàn, của văn hóa đô thị phương Đông trung đại, còn đằng kia là điểm đầu của con người cá nhân, của văn hóa đô thị phương Tây hiện đại.

10. Con người cá nhân chỉ thực sự định hình từ năm 1932 đến 1945 ở các đô thị lớn trực trị như Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, nơi có công thương nghiệp tương đối phát triển và một văn hóa đô thị theo hướng phương Tây hiện đại. Đặc biệt ở đây ra đời một tầng lớp trí thức Tây học, thấy rõ sự bất lực của chủ trương dung hòa Đông Tây nên đã kiên quyết đi theo con đường hiện đại hóa kiểu phương Tây. Họ đoạn tuyệt với khảo cứu để đi đến sáng tác, đoạn tuyệt với luân lý để đi đến nghệ thuật. Nhờ vậy, hàng loạt các thể loại văn hóa mới ra đời như hội họa, sơn dầu, tân nhạc, kịch, tiểu thuyết, thơ mới… Họ kịch liệt phê phán lối sống cũ và ca ngợi, cổ động và xây dựng đời mới, phong tục mới, con người mới. Đó là con người tự nhận thức được giá trị riêng của mình, sống như một cá nhân tự do, tự tại.

11. Hành trình của con người cá nhân Việt Nam, tôi nghĩ, hẳn còn dài, có khi rất dài. Bởi lẽ, Việt Nam hiện nay mới bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Con người cá nhân đã được định hình thời văn hóa hiện đại 1932-1945, còn phải tiếp tục phát triển cao hơn nữa. Nhưng mọi đường đi không phải bao giờ cũng bằng phẳng, mà luôn có quanh co, thậm chí thụt lùi, vì những lý do chủ quan và khách quan nào đó. Sau năm 1945, toàn thể người Việt Nam tham gia kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong hoàn cảnh đặc biệt này những yếu tố của văn hóa nông thôn lại phát triển mạnh mẽ lấn át những yếu tố của văn hóa đô thị lúc này đã trở nên chân không đến đất… Con người cá nhân tự nguyện hy sinh mình vì cộng đồng. Con người cán bộ, một hồi quang của con người tập đoàn vào con người cá nhân, trở thành mẫu người tiêu biểu của giai đoạn văn hóa này.

12. Xã hội Việt Nam chưa bước vào nền văn minh tin học (hậu công nghiệp), nhưng dư hưởng của nó thì đã đến với những đồ dùng kỹ thuật số, công nghệ cao… Bởi thế, chưa thể có mẫu người văn hóa của làn sóng thứ ba. Hơn nữa, trên thế giới mẫu người này cũng mới đang định hướng, chứ chưa định hình. Bởi vậy, chỉ có thể đoán được về nó từ những đường nét tính cách còn rời rạc. Đó có thể là, như tôi tạm gọi, con người cá nhân toàn vẹn, hài hòa. Toàn vẹn vì những giá trị cá nhân được tôn trọng và phát huy triệt để. Cá nhân trở thành hệ quy chiếu của xã hội, của văn hóa, thậm chí của tộc loại. Nhưng cá nhân biết sống hài hòa với người khác. Lúc này tha nhân không phải là địa ngục mà là thiên đường. Đặc biệt, lúc này cá nhân phải trở thành công dân hành tinh, phải suy nghĩ ở cấp độ hành tinh.

13. Tóm lại, tiếp cận văn hóa Việt Nam nói chung và mẫu người văn hóa nói riêng từ ba làn sóng văn minh, theo tôi, có một vài điểm dễ được đồng thuận như sau:
Nếu năm hình thái là hệ quy chiếu của xã hội học thì ba làn sóng là hệ quy chiếu văn hóa học nên “khung” của nó rộng hơn và, do đó, mềm dẻo hơn, vì vậy tóm bắt đối tượng tốt hơn.

Làm nổi bật được tính liên tục và tính đứt đoạn trong diễn trình văn hóa Việt Nam. Đặc biệt làm rõ được đặc trưng gối nhau chứ không phải nối nhau của các mẫu người văn hóa. Vì vậy, khi các thời đại văn hóa đi qua nhưng mẫu người thì vẫn còn lại, chỉ có điều là nó không phải là chủ đạo mà thôi. Đây cũng là đặc điểm của các xã hội cổ truyền ít phân hóa.

Trên thế giới đã trôi qua hai làn sóng và hiện nay là làn sóng thứ ba, nhưng ở Việt Nam chỉ mới thực sự trôi qua một và đang bắt đầu cái thứ hai. Bởi vậy, cách tiếp cận này khiến chúng ta dễ thức nhận được bản thân mình: Ta là ai? Hiện ta đang ở đâu? Ta có những thất thế nào và những lợi thế nào? Để từ đó, ta hội nhập với thế giới ra sao?

Nguồn: Tạp chí Văn hoá nghệ thuật số 2/2006

http://bookhunterclub.com/tiep-can-mau-nguoi-van-hoa-tu-ba-lan-song-van-minh/