Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 7 tháng 12, 2014

Phạm Xuân Nguyên như tôi chém gió

Trung Trung Đỉnh

clip_image002Phạm Xuân Nguyên (thứ 3 từ trái sang) cùng các văn, nghệ sĩ. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN.

Nếu có một cuộc bình chọn “ai là người ham chơi nhất trong làng văn nghệ Việt Nam”, chắc Phạm Xuân Nguyên sẽ đắc cử. Hắn không những ham chơi mà còn “ham” cả chức quyền, bằng chứng là hắn đang làm Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, một cái hội cũng coi là có danh giá, nhiều màu sắc, nhiều cung bậc, dù lại là dân Hà Tĩnh, đến giờ giọng vẫn còn đầy trọ trẹ.

Một cái hội đáng lẽ tỉnh thành nhất các tỉnh thành, với những tên tuổi văn chương lớn cùng những tác phẩm đa dạng giàu bản sắc văn hóa dân tộc và cũng là nơi điểm danh các danh tác đặc sắc nhất của thời đại. Hội Nhà văn Hà Nội, hội nhà văn của các nhà văn xuất sắc nhất của đất Hà thành ngàn văn văn vật, của Thủ đô tráng lệ và tươi sáng của chúng ta. Nhưng… nay thì… nó gần như không phải thế. Nó đã thành ra tỉnh lẻ hàng gần nhất các tỉnh lẻ. Không có một tờ báo hay tờ tạp chí cho riêng mình để nói cho mình một tiếng nói cho nó dõng dạc, nghiêm nghị. Cũng ban nọ bệ kia nhưng nhìn vào nó vẫn cứ lôm côm, không có một nề nếp ngăn nắp nào khiến người đời thấy nó vừa gần gũi thân thương như nhà của mình. Của đáng tội, cái Hội này nó quê mùa hơn cả nhà quê từ ngày cụ nhà văn Tô Hoài không còn làm nữa, chứ đâu phải tội do Chủ tịch Phạm Xuân Nguyên. Nếu bạn bước chân vào Hội Nhà văn Hà Nội, bạn chả được nghe thấy tiếng người Hà Nội đâu, mà toàn nghe giọng Thanh - Nghệ - Tĩnh. Kể ra đấy là do cái nét đặc thù riêng của dân Hà Nội ta lâu nay được mệnh danh là “vùng kinh tế mới” của khu Tư chứ sao lại đổ hết lên đầu Phạm Xuân Nguyên. Nguyên là dân khu Tư đặc sệt. Trước Nguyên là ông Chủ tịch trẻ Hồ Anh Thái cũng dân xứ Nghệ một trăm phần trăm. Nói đi thì phải có nói lại, ấy là do có nếp sống mới văn minh dân chủ vậy. Nếu có cuộc bình chọn về sự chịu khó, cần cù, thông minh nhất Việt Nam mình mọi thời đại, có lẽ Phạm Xuân Nguyên cũng sẽ được bầu vào danh sách cho ban chung khảo bình chọn. Từ một cậu nông dân nhà quê ở Hà Tĩnh, đi bộ đội, trong thời gian làm lính, chả hiểu hắn là loại lính gì mà có đủ thời gian để tự học cho mình ba ngoại ngữ: Nga, Anh và Pháp. Tất nhiên là thứ ngoại ngữ đọc không thông nhưng dịch thì rất thạo, một thứ ngoại ngữ tự học không cần nói, không cần nghe, chỉ cần viết và đọc “trong bụng”. Ngồi xem phim của ba nước Nga, Pháp, Anh có chữ phụ đề với hắn, hắn dịch thẳng ra tiếng Việt cho nghe. Hắn dịch lưu loát, tất nhiên, mà không chỉ lưu loát, cái sự thông dịch của y mới thực sự là thông dịch: Không một chút ngập ngừng so đo tính toán như nhiều người. Nói như Nguyễn Quang Lập thì chỉ cần buông mỗi câu: Phục! Còn cái loại đánh giá dài dòng như tôi thì phải thêm từ: Sát đất.

clip_image004

Phạm Xuân Nguyên (phải) và tác giả bài viết. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN.

Tôi chơi với Nguyên cũng khá lâu, nhưng mật thiết có lẽ tính từ ngày Nguyễn Quang Lập từ Quảng Bình ra. Nguyên chơi thân với Lập từ bao giờ thì tôi không biết, nhưng thấy cung cách Lập tinh tướng với Nguyên thì tôi bắt thèm. Đôi khi gặp thấy ơn ớn, chờn chợn, nhưng quả thật là nó suồng sã thân thiết đến mức trên cả mày tao nhiều. Chả biết thế gọi là gì. Nguyên chấp nhận tất cả hay dở đúng sai, thậm chí sai bét nhè của Lập một cách vô điều kiện. Cãi nhau vỡ trời, tưởng như đào đất đổ đi rồi, nhưng cuối cùng, gút lại, kết luận lại là Lập đúng Nguyên sai, mọi người sai. Bạn bè văn nghệ chơi với nhau chỉ có cái tình văn nghệ mới ra thế được.

Có lần tôi nói đùa với Phạm Xuân Nguyên rằng, “Mày đi vắng vài ba ngày cánh VTN, LNA tịt ngóm khoản thời sự văn nghệ. Mấy cha ấy có thời chuyên hóng tin Tây ta đều từ cái miệng Nguyên phát mà ra. Nguyên giao du với giới văn nghệ, báo chí rộng. Từ Bắc chí Trung Nam, từ miền biển lên miền ngược, từ đồng bằng lên miền sơn cước. Đâu đâu Nguyên cũng có bạn. Mà là bạn thiết. Bạn có thể bù khú bù khau đánh chén không phải giữ ý nề hà. Nguyên đọc nhiều Đông Tây kim cổ. Nguyên cũng là tay có trí nhớ đặc biệt. Hắn nhớ hàng trăm số điện thoại. Nhớ hàng trăm bài thơ từ thời nảo thời nào. Chủ biên một tòa báo xã hội, văn hoá văn nghệ mà chịu được hắn, dùng hết tài lẻ của hắn thì chắc chắn hơn cả một ban phòng. Nhưng trên thực tế hắn ở đâu thì ở, làm gì thì làm, không thể ai ràng buộc được hắn, kể cả công việc. Công việc trọng đại, nghiêm chỉnh của mình thì mình phải tự mà lo. Cộng tác với Nguyên, tin tưởng tuyệt đối với Nguyên, có thể thành công tốt đẹp, có thể thất bại hoàn toàn. Vì cái cá tính ham chơi, cả nể, cười xoà của hắn mà sinh sôi ra cả. Hắn viết nhiều tiểu luận phê bình, cả đọc sách, phát biểu trong các cuộc hội thảo chuyên đề, lúc nào cũng phải có ý mới, ý ngược ngược với người đề xướng cho đám đông, bây giờ gọi là phản biện xã hội. Hắn không tự ái, tự cao, sẵn sàng gân cổ phanh phui. Hết chuyện lại có thể chén chú chén anh, không giận hờn vặt, không thù lâu nhớ dai. Nguyên chơi với bạn chí cốt, chí tình, cảm giác lỏng lẻo nhưng đầy đặn. Hắn lỏng đến mức, nhiều khi tôi phải tự hỏi, không hiểu chơi với Nguyên cỡ như mình chơi bấy nay có thể gọi là bạn thân không nhỉ? Chuyện riêng tư kể với hắn. Chuyện công việc kể với hắn. Lúc buồn nhất của mình hắn có mặt. Lúc vui thì khi có khi không. Bạn chung của hai thằng một đống. Đi đâu xa xa thường cũng hơi hơi nhớ hắn một tí. Có lúc khó chịu với hắn cực kỳ, chỉ muốn đánh nhau. Có chai rượu ngon thì thế nào cũng nhớ hắn. Tôi là người viết, chơi với hắn là người làm nghiên cứu lý luận phê bình bao năm nay, nhưng chả mấy khi chúng tôi nói chuyện văn chương. Có chăng cũng chỉ khen chê quyển này, người viết nọ, không tranh luận nảy lửa. Có lúc biết hắn đang chê, đang coi thường mình. Có lúc mình cũng chê bai, coi thường hắn. Cả hai thằng đều không thấy có tố chất gì của người lãnh đạo chỉ huy. Thế mà không hiểu sao lại làm này làm nọ. Không to nhưng cũng có trọng trách nho nhỏ liên quan đến nhiều người, cần phải có trí lực. Lúc vui thì sao cũng được. Nhưng khi có chuyện, có “vấn đề” gay cấn, thì kể cũng lóng ngóng, phải trông vào số đông, tập thể chứ còn biết làm sao chừ! Mà lẽ phải đâu phải lúc nào đám đông cũng đúng! Đành tặc lưỡi, cho đó có khi do tội của ông tướng bà số mình nó thế vậy!

Nguyên là một tay lười, lười nhất là việc gom bài để in sách. Hắn giúp người ta làm luận văn thạc sĩ, tiến sĩ thì được. Nhưng lo cho hắn thì hắn cứ ườn ra đó. Có cái việc gom lại các bài viết của hắn để in thành sách mà hắn bây ra. Chỉ có cái Viện Văn học người ta mới chấp nhận được hắn. Có lẽ vì hắn có tài, có nhiều tiềm năng chưa dùng đến, chứ tuyệt nhiên hắn không phải là người khéo léo, cao thủ gì. Hắn chơi quả “khôn ngay khéo đầy” hoá ra hay, được nhiều người chấp nhận. Nguyên có thói tật không hiểu đấy là tốt hay xấu. Tôi biết hắn có ghét một vài người. Ghét cay ghét đắng, nói đến tên người ấy là hắn đã nhăn mặt, ngoảnh đi, không bàn luận. Tôi thì tôi thấy thế là hay, là thật. Hắn là vua cả nể, sai hẹn. Lỡ hẹn là “nghiệp vụ” chuyên môn của Nguyên. Nhưng không thấy người đời phong cho hắn cái biệt danh là cuội, là hão, là lừa đảo mà chỉ cáu, chỉ trách, thậm chí điên tiết quát tháo hết nước hết cái cho hả, rồi thôi. Hắn sai hẹn, có thể dời cả ngày giỗ, ngày cưới theo ý tưởng của hắn. Kể cũng lạ, tất cả các bạn tôi chơi với Nguyên đều có chung cái nhận xét về Nguyên gần gần giống nhau. Cáu tiết thì có nhiều, nhưng không thấy ai ghét bỏ. Mọi người đều nói, Hội Nhà văn Hà Nội có Phạm Xuân Nguyên khởi sắc vui vẻ, tươi tắn, trẻ trung, sinh động hẳn lên, không còn cảnh nhìn nhau hằm hằm, ghè ghè, chả văn chương nghệ thuật tí nào của các Hội văn học nghệ thuật nhiều địa phương.

Phạm Xuân Nguyên là dịch giả cho hàng nghìn trang sách. Bản dịch từ tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Anh. Khó như dịch tiểu thuyết của nhà văn Milan Kundera hắn dịch cái vèo. Văn cảnh, ngữ nghĩa đều đúng, đều trúng, đều hay, đọc thấy sướng, thấy đã. Dịch thuật hắn lấy bút danh Ngân Xuyên. Tôi thấy hắn dịch sách như chơi. Không từ điển chồng nọ chồng kia. Không kính lúp ghi âm sao chép. Không tỉ mẩn lọ mọ mà phải gọi đúng tên công việc của hắn là tài tử rộng dài. Đóng góp cho dịch thuật của Ngân Xuyên là đáng nể, đáng phục. Thấy hắn lúc nào cũng sung mãn, không nghiêm trọng, không khó khăn, không cho đó làm điều. Quanh năm Ngân Xuyên nay đây mai đó. Ai ới cũng đi. Ai rủ cũng chiều. Không từ chối. Không cả so đo tính toán nhiều. Mỗi lần cầm điện thoại gọi cho hắn, câu đầu tiên của tôi là: “Đang ở đâu?”. Người di chuyển nhiều như Nguyên là sướng hay khổ? Sướng khổ mà chi! Đi nhiều, đọc nhiều, làm việc nhiều, ấy là hạnh phúc, ấy là niềm vui nỗi buồn, biết răng mà bình. Tôi nhiều lần nghĩ thấy cái cảnh khuya khoắt, hắn từ trên một cái xe bạn bè nào đó tha về trước sân khu tập thể. Hắn lụi cụi mò lên tầng 5, mở cửa căn hộ con con, toàn sách. Cởi trần, nằm dài, bới trong đống sách. Sách bốc hơi sách. Lọ mọ với sách. Ngẫm ngợi, gặm nhấm cái nỗi cô đơn của mình mà rồi cuối cùng thì cũng chỉ biết quẩn quanh với sách. Ngút ngàn sách. Kỳ cạch, cặm cụi đọc, rồi thì viết, rồi thì dịch, rồi thì lại quẩn quanh ba con chữ li ti, chả có cái thú nào hơn cái thú lọ mọ một mình, làm cái việc chỉ mình mới giúp cho mình được mà thôi.

Tôi có lần đã cùng Nguyên đi viếng mộ người em cùng cha khác mẹ của hắn trên nghĩa trang liệt sĩ tận Tây Ninh. Xa xôi, nắng nôi thì không kể mần chi. Nhưng quả thật cái không khí im phăng phắc, nóng hầm hập của nghĩa trang ở biên giới xa gây cho tôi một ấn tượng thật mạnh. Tôi thấy Nguyên mồ hôi đầy mặt đi tìm em. Rồi cắm hoa. Rồi thắp hương. Rồi hai đứa tôi cùng đứng lặng, không nói. Còn nói được gì lúc này, hỡi tuổi trẻ! Tôi cũng có người anh chết trận năm 1969, khi anh mới 23 tuổi đầu, chưa vợ, chưa cả yêu đương… Em trai của Nguyên là chiến sĩ tham gia chiến tranh biên giới Campuchia. Hy sinh cũng còn đầu xanh tuổi trẻ. Có những kỷ niệm kiểu thế này mới hiểu nhau hơn. Lại có lần, năm nào nhỉ, tôi đến Viện Văn học chơi với Nguyên, tình cờ gặp cha con Nguyên vừa ở quê ra. Cô bé con ngày ấy mới ba, bốn tuổi khoe với tôi rằng, bác ơi, con có quê hương rồi đấy, bố con vừa cho con về quê…

Nhiều lúc thấy Nguyên đi dạy cho các trường chuyên văn ở các tỉnh xa, tôi đi ăn theo, được các thầy cô trọng vọng, kính nể, tôi cũng được hưởng lây cái vinh dự tự hào. Tôi đùa với mọi người rằng, tôi đi giúp Nguyên “chém gió”, dịch tiếng Nghệ Tĩnh ra tiếng Việt cho các cháu học sinh học được thoải mái. Nguyên bảo tôi, hay. Ở đời chả nghiêm trọng cái gì. Cái gì nghiêm trọng quá sẽ thành ra “chém gió” cả thôi. Tôi nhất trí cao.

Nguồn: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/pham-xuan-nguyen-nhu-toi-chem-gio-275001.bld