Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 16 tháng 12, 2014

ĐÒ ƠI

Đò ơi là truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Quang Lập, khi anh chuyển từ làm thơ sang viết văn xuôi. Lúc ấy Lập đang là lính nghĩa vụ đóng quân ở Đà Nẵng, sau khi tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Một ngày kia anh mang bản thảo đến tòa soạn tạp chí Đất Quảng, có vẻ bẽn lẽn ngượng ngùng đôi chút, như hầu hết những người lần đầu viết truyện và muốn công bố.

Truyện đã được in ngay trong số báo mới nhất. Và Lập rất hào hứng gởi tiếp Tiếng lục lạc, cũng một truyện đặc sắc khác, khiến cả người biên tập lẫn người đọc Đất Quảng đều rất vui mừng nhận ra một nhà văn xuôi có thực tài đang được trình làng.

Chỉ mấy năm sau, 1989, Nguyễn Quang Lập đã có tiểu thuyết Những mảnh đời đen trắng, mà trong đó, anh mô tả rất sâu sắc những bi kịch của xã hội đương thời và cảnh báo một tương lai không đáng vui mừng nếu người cầm quyền không nhìn lại và “cập nhật” chính mình cho đồng bộ với yêu cầu của thời đại.

Đúng như một nhà văn đầy ý thức công dân, Nguyễn Quang Lập đã “xông vào” một đề tài khó, và anh đã tiếp tục như vậy cho đến hôm nay, luôn trung thành với chọn lựa của chính mình…

Ngô Thị Kim Cúc

Truyện ngắn

Nguyễn Quang Lập

hiep-dam-co-lai-do-1Người lái đò cắm sào đẩy con thuyền tiến thêm chừng một sải nước rồi nhảy xuống, neo thuyền vào một gốc cây bần mọc chìa ra ngoài mé nước. Nắng chưa tắt hẳn, hãy còn vài giọt bấu víu trên những ngọn cây bần. Phía bên kia sông, một dải nước sáng vàng lấp loáng chạy dài ra cửa sông, trong khi phía bên này, dòng sông đã sẫm màu hoàng hôn. Một vài con bìm bịp đã cất tiếng gọi bạn, đó là âm thanh duy nhất trường tồn trên bến sông này.

Người lái đò đó leo lên bờ, đứng trên một mô đất cao, chống nạnh ngó trân trân về phía bên kia bờ sông, ông đứng yên như một pho tượng đúc sẵn hàng giờ liền. Và khi nắng tắt hẳn, dòng sông trở lên phẳng lặng, chuyển sang màu nâu nhạt thì ông lẩn vào hàng trăm cây bần mọc rậm rạp ở đây. Đến gần có thể nhầm đó là một cây bần chết, rụng lá đã lâu ngày.

Ông đứng như vậy để làm gì? Không ai biết. Hình như đó là một công việc bắt buộc thường nhật của ông trước khi kết thúc một ngày lao lực trên sông nước. Đã mười sáu năm, không sót một buổi chiều nào ông không chôn chân mình nơi mô đất quen thuộc đấy. Và cũng chỉ một dáng dấp, một hướng nhìn đau đáu mong chờ, thấp thỏm ấy, mười sáu năm rồi không đổi.

Điều gì khác chăng, có lẽ cái bức tượng sống ấy bị lớp bụi thời gian bám vào làm cho nặng nề già nua, và người đời dường như đã quên có bức tượng sống ấy trên đời...

Một chiều mưa phùn, dòng sông vốn đã tĩnh lặng u buồn, qua làn mưa ngầu đục đã trở nên hiu quạnh, xa xôi. Một đoàn ca nô chở đầy lính Pháp từ cửa sông chạy xộc vào. Những người dân chài lưới ven sông cho đó là chuyện bình thường chẳng ai để ý đến chúng. Nào ngờ đó là một sơ hở nghiêm trọng dẫn đến cái chết ba trăm nhân mạng xưa nay vẫn cắm cúi làm ăn, ít ai ý thức được rằng mình đang dẫm chân trong cuộc chiến tranh ghê gớm nhất nửa bán cầu này.

Chín chiếc ca nô Pháp vừa bại trận thảm hại ở QK trở về. Trước mắt chúng cảnh thanh bình trên sông nước của những người dân chài lưới là một nghịch cảnh vô lý cần phải xoá bỏ. Súng nổ. Hàng vạn viên đạn xả vào những người dân lương thiện kia. Không một ai kịp ẩn nấp...

Mới đó mà đã ba mươi năm.

Năm ấy người lái đò mới mười ba tuổi. Ông không hiểu sao ông lại không hề trúng một viên đạn nào. Ông đứng chết giấc trên dọi cát cho đến khi đoàn ca nô đã lùi về QV mới sực tỉnh. Ông cúi xuống nhặt hòn đá chạy như điên dại về phía đoàn ca nô. Ông dồn sức ném hòn đá về phía đó. Bây giờ mỗi lần nhớ lại cái hành động điên dại đó ông lại cười gằn, văng ra một tiếng chửi khô khốc: “Ngu!”.

Từ buổi chiều đó ông còn lại một mình trên đời, không cha mẹ anh em bà con cật ruột. Ông bỏ nghề chài lưới về bến sông làm người chở khách đò ngang. Đưa khách qua sông, cái nghề buồn tẻ chán ngắt đối với những ai yêu mến sự xê dịch. Còn ông, ông coi đó là công việc không thể chối bỏ. Đến nỗi ông nghĩ rằng ông không thể chết được nếu còn khách quá giang.

Ngày ngày, từ túp lều cất tạm đơn sơ giữa mấy khóm dứa lưng chừng con đê, ông bước ra bến cắm cúi chèo. Tên thật của ông dường như đã chìm xuống dưới đáy sông, mọi người đều hờ hững gọi ông là Bác lái đò. Người ta gọi ông bằng cái tên đó không phải khi ông ngoài năm mươi mà lúc ông đang là một chàng trai lực lưỡng…

Quãng sông này rất rộng, rộng hơn bất cứ quãng sông nào người ta thường dùng để sang ngang suốt dải đất miền Trung, đã một thời gắn bó với tên tuổi của ông. Ấy là thời máy bay Mỹ đang oanh tạc ở khắp nơi trên miền Bắc Việt Nam. Quãng sông mà ông đã sống chết cùng với nó có cái tên mà người ta thường dùng trong cuộc chiến để chỉ những nơi cực kỳ ác liệt: Tọa độ lửa.

Tên tuổi người lái đò đã chìm lấp dưới đáy sông được người đời vớt lên đặt trang trọng trên các mặt báo trung ương và địa phương: “Bùi Việt Pháo, người anh hùng trên sông nước”, “Người lái đò kiên cường Bùi Việt Pháo”... Thậm chí có một nhà báo nào đó quá hưng phấn gọi ông là “Người đảng viên trung kiên Bùi Việt Pháo”, dù ông chưa hề có tên trong một tổ chức đoàn thể nào. Ông chỉ là xã viên hợp tác xã H, vậy thôi.

Đối với ông, cái chết chẳng có nghĩa lý gì. Sở dĩ ông dầm trong sóng nước và bom đạn mà không chết chỉ vì người đời còn cần đến ông. Chừng nào ông chỉ là thằng vô tích sự thì ông sẽ chết, chết một cách lặng lẽ như mảnh ván thuyền chìm xuống đáy sông này.

Người ta kể lại rằng, vào một đêm, đâu vào khoảng giữa năm 1968, có một vị tướng cùng một đoàn các sĩ quan trung cao cấp qua sông. Khi ông vừa đẩy thuyền đi được vài chục sải bước thì máy bay Mỹ đột nhiên thả pháo sáng. Con thuyền của ông khác nào một vệt mực đen giữa tờ giấy trắng tinh.

Các phi công Mỹ đã phát hiện ra con thuyền, chúng bắt đầu quần lượn. Mọi người đều nghĩ rằng ông sẽ dừng thuyền cho họ nhảy xuống sông bơi ngược lại. Nhưng không, ông vẫn cắm cúi chèo.

-Quay ngược thuyền lại- Vị tướng nói như ra lệnh.

Người lái đò quay lại nhìn vị tướng rồi chẳng nói chẳng rằng tháo tung dây buộc buồm dự phòng cho những chuyến đò dọc. Ông chẳng còn kịp giải thích cho mọi người hiểu rằng chỉ lát nữa bến thuyền xuất phát sẽ nát như tương vì bom Mỹ, rằng ở đây không ai hiểu các quy luật ném bom bằng ông, rằng trên mặt sông trống trải này cũng có nhiều vùng mù, đưa thuyền lọt vào đó coi như an toàn trăm phần trăm. Buồm được gió căng phồng, thuyền bắt đầu lao dọc dòng sông với một tốc độ tăng dần theo một góc áng chừng ba mươi độ.

-Tại sao lại làm thế hả? Hả?

Tất cả đều nhao nhao phản đối hành động liều lĩnh của ông. Người lái đò không đáp lại, ông nghiến răng điều khiển con thuyền. Máy bay Mỹ cắt bom. Những khối lửa và nước bốc lên đổ ập xuống. Con thuyền chòng chành như muốn lật úp xuống.

-Quay lại đi! Hạ buồm!- Vị tướng quát. Trong tình huống cực kỳ nguy hiểm ấy vị tướng quên mình đang “thuộc quyền chỉ huy” của người lái đò. Và khi con thuyền bị một khối nước hất cao, vị tướng hét to:

-Quay lại đi! Có quay lại không? Đồ ngu!

Người lái đò đứng vụt dậy, ông quay người kéo căng dây buồm, ngoái cổ lại, gầm lên :

-Ông mới là đồ ngu!

Rồi như vận động viên thuyền buồm cấp kiện tướng, ông bình tĩnh điều khiển con thuyền vượt qua nửa con sông lọt vào “vùng mù” của các phi công Mỹ. Chúng điên cuồng quần lượn, thả hàng lượt pháo sáng, cuối cùng chúng bỏ bom một dọc dài bên xuất phát rồi bỏ đi. Người lái đò mỉm cười rung đùi thong thả hạ buồm cho thuyền luồn qua bãi bần cập bến an toàn. Vị tướng bước lên bờ, đi được một đoạn, ông gật gù với các trợ lý của mình:

-Té ra không phải lúc nào mình cũng làm tướng được các ông ạ. Thằng cha ấy khá đấy chứ nhẩy!

Không biết câu chuyện hư thực ra sao. Cũng có thể đó chỉ là một trong rất nhiều huyền thoại về ông. Bây giờ chiến tranh qua lâu rồi, chẳng ai nhắc đến cái tên Bùi Việt Pháo nữa, người ta trở lại cái tên nguyên thuỷ của ông: Bác lái đò. Chiến tranh càng lùi xa về dĩ vãng thì tên thật của ông càng chìm sâu khuất lấp dưới đáy sông. Nhưng đối với ông, điều đó thực chẳng có ý nghĩa gì hết.

***

Gần khuya, người lái đò mới chui vào túp lều lá mía. Túp lều quá ọp ẹp, xiêu vẹo. Thế mà nó vẫn đứng hết năm này qua năm khác. Ngay cả cơn bão số mười năm ngoái thổi bay hàng chục ngôi nhà lớn nhỏ ở xã H, riêng nó chỉ rung lên chút thôi. Có lẽ bờ đê và bãi bến đã che chở cho nó. Nó như là bóng dáng của lão lái đò: cũ kỹ, già nua, đơn độc...

Người lái đò lục suất cơm mà hợp tác xã cho người nấu nướng cẩn thận đưa ra tận nơi cho ông. Ông gắp mấy con tôm to để riêng ra rồi với tay lấy xị rượu ở góc lều, cũng của hợp tác xã dành cho, bắt đầu nhấp từng ngụm rượu một. Khi rượu đã ngấm, ông nhai vội mấy miếng cơm rồi nằm gác chân lên một thanh gỗ nhỏ, cất tiếng hát.

Ông không thuộc một bài hát nào hết, ông chỉ hát đi hát lại mỗi câu thuộc từ thời chống Pháp với làn điệu dân ca của riêng ông:

-Ai (ờ) đưa (ư hư… ừ) con sáo (mà) qua (á á a) sông (tòm tòm cắc)

Để cho (ó o ò) con (mà) sáo (í ì i) sổ lồng (úi trời là) bay ngang!

(Tòm tòm cắc!Tùm!)…

Tiếng hát của ông nhỏ dần, rời rạc dần rồi lịm tắt. Ấy là khi ông đã ngủ say.

Nhưng có rất nhiều đêm, tỉ như đêm nay chẳng hạn, sau khi hát chán chê, ông ngồi bó gối nhìn chăm chăm vào ngọn đèn. Ông nhìn mãi... đột nhiên ngửa cổ cười khậc khậc và gầm lên: “Ngu”.

Mới nghe có thể nhầm ông hoài niệm về cái thời ca nô Pháp chạy qua sông và cái chết của ba trăm người dân chài lưới... Nhưng không, có một nỗi đau ghê gớm đang gợi thức cho ông. Đúng hơn, ông đang đau xót nhớ về một tội lỗi của mình.

Ông có năm mươi hai năm sống lương thiện và một giờ gây tội ác. Ông cho đó là tội ác ghê tởm nhất mà tổng số những điều thiện ông có không sao bù đắp nổi. Chuyện đó xảy ra chính trong túp lều lá mía này.

…Vào khoảng nửa đêm, gió bỗng nhiên chuyển hướng, mạnh dần lên. Và mưa. Và sấm chớp. Người lái đò chui vào lều, lấy chăn trùm kín đầu. Mặc cho mọi đột biến ngoài túp lều, ông rỉ rả hát cái câu hát muôn thủơ của ông. Quá quen với rất nhiều cơn bão kiểu này, ông chẳng lo sợ gì, nhưng bao giờ ông cũng buồn.

Ngoài túp lều gió giật từng cơn, mưa dập xuống sông vỡ tan như tiếng nứa vỡ. Mái lều làm bằng lá mía rung bần bật, ướt đẫm, nhỏ từng giọt xuống một góc chiếu.

Tiếng bìm bịp tắt ngấm, khắp nơi ồn ào một thứ âm thanh hỗn tạp. Bỗng thấy mình trống trải, cô đơn, ông nhắm nghiền mắt thương nhớ về một kỉ niệm xa lắc...

Cô gái có khuôn mặt trắng hồng, mái tóc dày buông xuống quá gấu áo, đôi mắt tươi sáng và nụ cười. Ôi chao, cái nụ cười làm cho ngực ông nhói lên... Cô gái ngồi ở mui thuyền, thò tay xuống vốc nước hắt lên áo ông. Cười. Vầng trăng vỡ tan rồi chập lại lấp lánh... “Hò ơi… ví dầu cha mẹ em có đánh chín chục, một trăm… roi, đánh xong rồi (mà) em đứng dậy… ơ… hờ… một hai (là) em vẫn theo… ơ… chàng!”…

Con thuyền nghiêng ngửa giữa dòng. Bàn tay trắng muốt đặt vào ngực ông. Vầng trăng đảo nửa vòng... “Đừng!... Liều!”. Vầng trăng bỗng trồi lên, bay chơi vơi trên mặt nước sương mù:... “Có thương không?...Thiệt thương không?”. Con thuyền quay vòng tròn, trôi vô hướng... “Ghét ghê... này! Đừng anh...”. Lại một lần nữa vầng trăng chao. Gió nổi. Bao nhiêu là gió. “Thôi anh. Kìa...!”.

Thế mà đã qua rồi. Qua lâu rồi. Qua từ lúc nào ông cũng không biết nữa...À ơi... lạnh lùng thay láng giềng ơi… (chứ) Láng giềng lạnh ít… ơi… à… sao tôi lạnh nhiều…”.

-Đò ơi… đò!

Tiếng gọi đò bất chợt mọc lên giữa đêm mưa bão. Người lái đò uể oải chui ra khỏi lều. Gió giật, áo ông bay phần phật. Một bóng người đứng ở mép sông, tấm áo mưa trùm kín từ đầu đến chân.

-Ai đó? Vô đây!

Người lái đò giơ cao đèn bão ngang tầm mắt. Bóng người đó chuyển động chậm chạp về phía ông.

-Cháu ở đường 12 mới về... Muốn qua sông...- Tiếng một phụ nữ cất lên trong trẻo. Dưới quầng sáng đỏ quạch của đèn dầu, ông nhận ra một cô gái khoảng hai mươi nhăm tuổi. Khuôn mặt hơi dài, ướt đẫm nước mưa.

-Muốn cũng không được. Chị vào lều trú tạm, khi mô lặng gió tôi đưa qua.

Nói rồi ông chui vào lều, để lại cô gái đứng như trời trồng giữa cơn gió. Một lát sau chị lặng lẽ chui vào lều. Chị ngồi xuống mép chiếu, vắt áo mưa ngoài cửa lều che gió, khẽ thở dài:

-Ôi dào... mưa với gió! Nếu không có chiến tranh người ta đã làm một cái cầu qua đây rồi.

-Cầu mô cho thấu, sông ni rộng hơn một cây số- Vừa nói, ông vừa ném cái chăn chiên về phía chị- Trùm vào người cho nó ấm. Muốn ngủ thì cứ ngủ.

Chị đón tấm chăn, vui vẻ quấn hết vào người, ngồi tựa vào vách lều.

-Bác biết cữ này mưa gió còn lâu không?

-Tùy... tùy ông thiên lôi.

-Ông trời cứ thế này đến sáng thì gay, bác nhỉ?

-Ừ.

Người lái đò uể oải trả lời, ông cúi xuống tìm xị rượu dự trữ giấu ở dưới tấm gỗ mục. Bây giờ đã hết tôm tươi, chỉ còn mấy con cá khô nướng. Ông xé nhỏ, bỏ vào miệng nhai nhóp nhép. Chợt nhớ đến người khách ông ngẩng lên:

-Chị đã cơm nước chi chưa? Còn cơm nguội đó, nhiều lắm.

Người khách buồn ngủ ríu mắt, nghe ông hỏi, nhìn ông cười gắng:

-Dạ cám ơn bác. Cháu ăn rồi.

Người khách ngửa cổ ngáp, rồi không chịu được cơn buồn ngủ đang đến, chị ngoẹo đầu thiếp đi.

Người lái đò trở lại thú vui thường nhật của ông: Uống rượu từng ngụm nhỏ, nhai hết mấy con cá khô... và rỉ rả hát. Ngoài kia gió vẫn giật liên hồi. Mưa mỗi lúc một to hơn. Ông hát mãi cho đến khi tai ông chỉ còn nghe tiếng u u. Ông ngủ, ngáy như sấm.

Mái lều tự nhiên trổ một lỗ nhỏ, những giọt mưa lọt qua rơi đúng vào cổ ông. Ông mở mắt nhìn, chưa hiểu lý do vì sao mình thấy lạnh. Chợt ông thấy một gương mặt phụ nữ đang tươi tắn mỉm cười- có lẽ người khách đang có một giấc mơ vui- những sợi tóc mai rung rung.

Ông quay mặt đi cố nhớ vì sao lại có một gương mặt phụ nữ ở đây? Và lờ mờ nhớ ra. Ông nhắm mắt thở đều. Nhưng bấy giờ ngọn đèn bão lại làm cho ông chói mắt. Ông mở to mắt nhìn chằm chằm ngọn đèn. Ngọn đèn tỏa ra thứ ánh sáng yếu ớt, vàng nhợt. Khuôn mặt phụ nữ đang cười. Mấy giọt nước mưa còn đọng lại hai bên cánh mũi và đuôi mắt chợt lóng lánh.

Gió thổi ngọn đèn khẽ lay, những giọt nước mưa bỗng chuyển dộng... Phất phơ những sợi tóc mai... Ngọn đèn trước mắt ông bỗng nhoè dần... Tiếng sóng vỗ. Gió. Túp lều như chao đảo. Bỗng mọc lên một vầng trăng vỡ tan ra rồi chập lại, lấp lánh lấp lánh...

Trước mắt ông gương mặt người phụ nữ bỗng nhạt nhòa trong ánh sáng mơ hồ của ký ức xa xôi... Thốt nhiên vọng về tiếng hát “Hò ơi… ví dầu cha mẹ có đánh chín chục, một trăm roi, đánh xong rồi (mà) em đứng dậy… ơ hờ… một hai (là) em vẫn theo… ơ… chàng”.

Vầng trăng vẫn trồi lên bay chơi vơi giữa mặt nước sương mù. Con thuyền vẫn nghiêng ngửa giữa dòng. Vầng trăng đảo nửa vòng, lại nửa vòng trăng chao...

Người phụ nữ khẽ cựa mình, đưa tay vuốt nhẹ tóc, rồi ngủ yên. Một giọt nước từ trán lăn xuống khoé môi, sáng vàng lóng lánh... “À ơi… lạnh lùng thay láng giềng ơi… (chứ) láng giềng lạnh ít… ơi à… sao tôi… mà tôi… ư… lạnh (ơ) nhiều…”.

Ông lao về phía khuôn mặt tươi tắn đang cười. Ông ghì chặt. Một tiếng kêu thất thanh. Ngoài túp lều mưa bão vẫn đầy trời.

***

Đồ chó!

Người lái đò bừng lỉnh. Tiếng chửi vừa ném xuống mặt ông hình như bay ra từ phía góc mái lều. Ông sững sờ ngồi dậy. Ngoài kia vẫn tiếng bìm bịp đập với tiếng sóng. Tiếng kêu kiên nhẫn, sầu não của loài chim ấy đêm nào cũng vọng về làm cho ông ngày mỗi mệt mỏi, rã rời. Ông nằm xuống gối đầu lên hai tay mình, cố quên đi tiếng vọng vừa phát ra. Ông thở đều đều lẩm nhẩm đếm từng tiếng sóng...

Đồ chó!

Người lái đò ngồi bật dậy, ông hoảng hốt sờ soạng khắp lều. Ông ngồi ngẩn ngơ không biết mình muốn tìm gì. Ông thấy sợ. Ngồi co ro vào một góc lều, trông ông giống như một con mèo đói rình mồi. Ông biết tiếng chửi ấy là của người đàn bà kia. Mười sáu năm về trước, tiếng chửi ấy đã ném vào mặt ông cùng với những cái tát điên dại của chị.

Đêm nay là đêm thứ bao nhiêu tiếng chửi ấy vọng về ông cũng chẳng còn nhớ nữa. Ông có cảm giác tiếng chửi ấy dường như lưu trữ khắp nơi, nó thường trực ở bất cứ nơi nào ông tìm đến để kiếm sự yên tĩnh.

Sau cái đêm dữ đội ấy, ông như một kẻ câm. Ông lặng lẽ cắm cúi chèo, chèo và chèo. Bom đạn Mỹ cứ giáng xuống còn ông cứ chèo. Đôi khi ông cầu trời cho một mảnh bom nào đó cắm sâu vào ngực. Thế mà suốt tám năm chiến tranh phá hoại ông không hề bị một vết xước.

Tin tức về số phận người đàn bà ấy, qua những người đi đò như một mạch nước ngầm âm thầm chảy qua đời ông. Người ta kể rằng, ở xã N. vợ ông chủ tịch xã có thai với một thằng vô lại nào đó đã bị ông chủ tịch xã ruồng bỏ. Cô ta ẵm đứa con vô thừa nhận chưa tròn tháng tuổi lang thang phiêu bạt khắp nơi. Giờ không biết về đâu.

Sau người ta lại kháo rằng, tự cô ta trốn đi, đâu như trốn theo người tình thì phải. Ông chồng của cô căm lắm, thề tìm được cái thằng chung chạ với vợ ông thì ông sẽ chém ra ba khúc vứt xuống sông.

Cuối cùng, người lái đò hay rằng, người đàn bà ấy tên là Túc. Chị là trung đội trưởng thanh niên xung phong được đơn vị cho về thăm chồng hai ngày. Chẳng ngờ khi về đến nhà anh chồng đi vắng. Chị quay lại đơn vị rồi chín tháng mười ngày sau chị sinh được một đứa con trai. Chị ôm con trốn đơn vị lang thang hơn tháng trong rừng, chị quay về gõ cửa nhà mình thì anh chồng đã đẩy chị ra khỏi ngõ…

Từ đấy đến nay không còn ai nhắc đến chuyện ấy nữa. Đối với tất cả đó có thể là tai biến nhỏ nhoi trong chiến tranh, nhưng người lái đò thì nhớ lắm, nhớ từng chi tiết nhỏ chuyện kể của người đời.

Thế ra mười sáu năm qua, người đàn bà tội nghiệp kia bị bao nhiêu nước bọt của người đời phỉ nhổ vào mặt. Còn ông? Chưa một ai nghĩ ông một là thằng đàn ông khốn nạn. Những năm chiến tranh, ông là một anh hùng trên sông nước. Chính ông đã cứu thoát cho bao nhiêu sinh mạng. Hàng ngàn người đang sống cùng thời với ông mang ơn ông. Hòa bình lập lại, ông là người đàn ông hiền lành, cần cù, không vợ con, không họ bàng thân thích... và ông đã được sống trong sự đùm bọc thương yêu của mọi người.

Chỉ đêm về, khi tất cả âm thanh của cuộc sống đã hoà tan trong sóng nước, khi một mình ông đối diện trong tĩnh lặng u buồn và ngọn đèn dầu đỏ quạch thì tiếng chửi của người đàn bà tội nghiệp kia ở đâu đó lại dồn về...

Mấy tháng sau hoà bình, lấy cớ với ban quản trị hợp tác xã là ông muốn đi đây đó một thời gian, ông cố cất công đi tìm người đàn bà đó. Tìm, nhưng ông cũng khá mơ hồ về mục đích.Tìm để làm gì? Ông không biết, không biết đâu, đừng hỏi ông điều ấy.

Gần ba chục lâm, nông trường, nhà máy xí nghiệp phụ nữ tên là Túc ông đã gặp, đều một lần chồng đều đang rất hạnh phúc. Khi đã cạn tiền, kiệt sức ông trở về với bến đò của ông, lại cắm cúi chèo và chèo. Và chiều chiều ông lại đứng trên mô đất cao ngóng về phía bờ bên kia. Ông ngóng đợi người đàn bà kia trở về. Ông đứng trong nỗi mong chờ tuyệt vọng đã mười sáu năm nay.

Đã gần ba giờ sáng rồi mà người lái đò không hề chợp mắt. Ông uống rượu nhiều hơn mọi đêm. Uống miết mà không thấy say. Đêm nay trong ông đang xảy ra những xáo động ghê gớm.

Chiều qua ông vừa hay tin rằng người chồng của người đàn bà kia đã về ở thị trấn B. Cách bến đò bên kia chừng một cây số. Anh ấy tên là Tâm, trước làm chủ tịch xã N nay về làm phó chủ tịch huyện. Thế là ông sẽ biết người đàn bà ấy ở đâu, nếu như ông liều mạng đến tự thú, ông nghĩ vậy. Nhưng ông sợ. Một cảm giác ghê rợn tự nhiên chạy dọc sống lưng khi nghĩ đến giây lát tìm gặp người đàn ông ấy. Rồi ngày mai cả huyện sẽ biết đến chuyện của ông. Và ông- “Vị anh hùng trên sông nước” sẽ bị coi là một thằng khốn nạn.

-Một thằng khốn nạn! Khơ! Khơ! ...

Người lái đò bỗng bật ra tiếng cười chua chát.

Bây giờ người đàn bà ấy ở đâu? Có thể cô đã chết vì không chịu được sự sỉ nhục của người đời. Có thể cô ta đáng sống cơ cực cùng với đứa con trai ở một nơi heo hút nào đó... Tại sao cô ta không được sống hạnh phúc? Tại sao?... Ông khẽ lắc đầu, ngửa cổ uống hết số rượu còn lại trong chai. Rồi ông nhớ về cái đêm ấy... Khuôn mặt thanh tú của người đàn bà bỗng nhăn nhó.

Đôi mắt to sáng của chị đỏ rực dữ tợn, man dại:

-Đồ chó!

Một cái vỏ chai đập vào thái dương ông.Vô hồi những cái tát. Người đàn bà vùng chạy ra khỏi lều giữa lúc cao điểm của cơn bão, chị giật tung dây neo thuyền, đẩy thuyền ra sông. Người lái đò ngồi đờ đẫn, rũ rượi một lúc lâu rồi chợt nhớ ra mình phải làm gì, ông chạy ào ra bến. Con thuyền đã rời bến một quãng xa. Ông nhảy xuống sông gắng sức bơi đuổi theo.

Ông bám vào mạn thuyền chực leo lên.

-Buông ra!

-Chị không đi một mình được đâu.

-Mày còn nói được câu ấy à?

-Chị để tôi chèo...

-Buông ra không? Đồ chó.

Người đàn bà vung mái chèo giáng hết sức xuống đầu ông. Ông rú lên, buông mạn thuyền, chìm hẳn xuống dòng sông. Tỉnh dậy, ông ngơ ngác thấy mình nằm trần truồng trơ trọi trên doi cát bên kia cùng với con thuyền đã neo buộc cẩn thận. Ông không cách nào giải thích được tại sao lại như thế. Chỉ có điều là ông nhớ, nhớ ghê lắm...

Bây giờ rượu không còn một giọt. Ông thấy cổ ông ngứa quá. Ông thò tay gãi nhưng tìm mãi không biết cổ mình ở đâu. Ông nhắm nghiền mắt. “Cố mà ngủ, ngủ là chết... chết là hết... là quên hết. Khỏe!”.

Ông thấy người nhẹ hẳn, bập bềnh, bập bềnh...

-Đò ơi… đò! Đò ơi… đò! Đò ơi…!

Tiếng gọi vang lên ào ạt như tiếng sóng nhịp ba vô hồi đập vào bến. Người lái đò ngồi bật dậy, chạy ào ra. Rõ ràng là ông vừa nghe tiếng gọi đò trong vắt của một phụ nữ trẻ. Tiếng gọi ấy lâu nay đã tiềm ẩn trong ngực ông, đó chính là tiếng gọi đò của người đàn bà mà ông đang chờ đợi, làm sao ông nhầm lẫn được.

Ông nhảy lên thuyền hối hả chống thuyền đi. Rồi ông ném cây sào vào lòng thuyền, cầm lấy mái chèo nghiến răng chèo. Mồ hôi ông ướt đẫm. Con thuyền lao trong sương mù với tốc độ hiếm có từ ngày người lái đò chỉ huy nó.

Thuyền cập bến. Một dải cát dài ướt đẫm sương đêm. Tịnh không một bóng người. Người lái đò khuỵu chân, gục đầu xuống bờ cát. Ông biết ông đã nhầm lẫn. Thực ra đó là dư vang ký ức đau buồn của ông vọng về.

Ông gượng đứng dậy, ngửa mặt lên trời, lảo đảo xiêu vẹo như một kẻ trọng thương sắp ngã gục. Nhưng ông không ngã. Ông đi, cứ đi... Rồi ông kinh ngạc thấy mình đang đứng trước của nhà ông Tâm phó chủ tịch huyện. Ông dập cửa. Nghiến răng đập cửa.

Cửa vẫn đóng kín mít. Trong kia, mọi người đang ngủ say, họ mơ hồ nghe tiếng đập cửa nhưng không ai chịu trở mình. Có lẽ họ cho rằng đó là tiếng của những ngọn gió ngoài bờ sông, thỉnh thoảng vẫn dội về...

Ba Đồn 02/ 1986