Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 18 tháng 12, 2014

Minh triết "dân vui, nước mạnh" và quyền lực đích thực

Phạm Khiêm Ích

Bác Nguyễn Khắc Mai yêu cầu tôi viết phản biện bản báo cáo "Minh Triết như là nghệ thuật chính trị và giá đỡ quyền lực" của TS.Lê Công Sự. Tôi rất ngần ngại, nhưng không từ chối được. Vì vậy, tôi viết mấy lời chia sẻ với TS.Lê Công Sự theo tinh thần cầu đồng tồn dị.

1. Trước hết tôi trân trọng ý tưởng tốt đẹp của tác giả khẳng định mạnh mẽ "mối quan hệ giữa Minh Triết với quyền lực và chính trị, theo đó Minh Triết như là nghệ thuật làm chính trị và giá đỡ cho quyền lực, nếu quyền lực đó muốn tồn tại lâu dài" (Tr.2)

Để làm rõ nội dung cơ bản này của bản báo cáo, tác giả đã tiến hành khảo sát tư tưởng của một số triết gia cổ đại cả phương Tây lẫn phương Đông.

Qua việc phân tích các tác phẩm tiêu biểu Republic (Nền cộng hòa) của Plato và Politic (Chính trị học) của Aristotle, TS.Lê Công Sự khẳng định những giá trị minh triết trong các tác phẩm này là những khuôn vàng thước ngọc cho các chính khách đương thời xây dựng nên một mẫu hình nhà nước cổ điển Hy Lạp, La Mã chẳng những có giá trị đương thời mà còn có ý nghĩa lâu dài trong lịch sử.

Ở phương Đông, tác giả đã dành nhiều trang phân tích những tư tưởng triết học của Khổng Tử, Lão Tử và Hàn Phi Tử để khẳng định vai trò quyết định của những tư tưởng ấy đối với đường lối cai trị đất nước. Tác giả chú trọng đặc biệt đến đường lối nhân trị và đường lối pháp trị, hai đường lối khác nhau, có khi dung hòa với nhau, hoặc đối lập nhau, nhưng đều "hàm chứa nhiều giá trị minh triết" (Tr.6, Tr.8)

Phần cuối bản báo cáo, tác giả nhìn thẳng vào tình hình hiện tại, phân tích những biến động của thế giới trong suốt thế kỷ qua với những cuộc chiến tranh khốc liệt nhất, khủng hoảng môi trường nghiêm trọng nhất, phát sinh nhiều căn bệnh hiểm nghèo nhất.

Tình trạng trên đây, theo tác giả là do hai nguyên nhân:

- Ý thức hệ giai cấp, dẫn đến cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống xã hội.

- Nhân loại bận rộn với những sự kiện lịch sử hiện thực mà quên vấn đề minh triết.

Để khắc phục những nguyên nhân này phải thiết lập một nền giáo dục tích hợp những giá trị văn hóa Đông - Tây. Đồng thời phải thay thế các hệ tư tưởng bằng việc thiết lập một lĩnh vực tinh thần mới, lĩnh vực của Tâm Linh Trắng (White Spirituality) của Minh quyển (Sophiosphere).

Điểm lại một số nét tiêu biểu trên đây, tôi muốn khẳng định rằng đây là báo cáo khoa học công phu, đặt và giải quyết vấn đề khá mạch lạc, có chất lượng cao.

2. Điều tôi rất băn khoăn là bản báo cáo chưa trả lời một câu hỏi căn bản: Thế nào là "quyền lực" và minh triết có thể và cần phải "làm giá đỡ" cho thứ quyền lực nào? Đây là câu hỏi không thể không trả lời rõ ràng, bởi nó nằm ở trung tâm bản báo cáo có tên gọi ngắn gọn là "Minh triết và Quyền lực".

Theo tôi hiểu, ngày nay có rất nhiều quan niệm khác nhau về quyền lực, cũng như cách thức phân loại các quyền lực: quyền lực xã hội, quyền lực chính trị, quyền lực nhà nước, rồi cả quyền lực cứng, quyền lực mềm, quyền lực thông minh, … Nhưng có hai thứ quyền lực ghê gớm nhất được nói đến hàng ngày. Đó là bạo lực và tiền bạc.

Những kẻ độc tài từ xưa đến nay đều say sưa ca ngợi bạo lực, coi đó như là quyền lực thiêng liêng bất khả xâm phạm. Mao Trạch Đông nói thẳng là "súng đẻ ra chính quyền", "chính quyền trên đầu ngọn súng". Ông ta đề ra phương châm kỳ quặc cho phụ nữ Trung Quốc "bất ái hồng trang, ái vũ trang"[ không thích trang điểm, chỉ thích chiến đấu - BVN].

Ngày nay các chế độ chuyên chế công khai chủ trương và cổ vũ cho "quyền lực tuyệt đối"của nhà nước, mà một nhà nghiên cứu đã nêu lên 6 đặc trưng chủ yếu của nó:

- Tính chất toàn trị, muốn kiểm soát không những mọi hoạt động mà cả cách suy nghĩ và tình cảm của con người.

- Siết chặt hệ thống kiểm duyệt trong mọi phương tiện truyền thông đại chúng.

- Ưa thích sử dụng bạo lực và khủng bố tinh thần dân chúng và để triệt hạ mọi sự bất đồng chính kiến.

- Ưu tiên phát triển quân sự, dùng nó như một nguồn sức mạnh chính để duy trì chế độ.

- Giành quyền quản lý kinh tế vào trong tay nhà nước.

- Tính chất dân tộc cực đoan.

Đối với thứ quyền lực này, chẳng minh triết nào có thể làm "giá đỡ" cho nó được, hơn nữa nó cũng chẳng cần bất cứ thứ minh triết nào cả. Vì vậy, tôi muốn đề nghị bổ sung và cụ thể hóa chủ đề thảo luận Minh triết và quyền lực thành Minh triết "dân vui, nước mạnh" và quyền lực đích thực. Hai khái niệm này tôi mượn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh 88 tuổi vừa qua cơn đột quỵ và của học giả Hoàng Ngọc Hiến mà tôi hình dung ông vẫn hiện diện trong Lễ kỷ niệm 7 năm thành lập Trung tâm Minh triết hôm nay và có lẽ trong mọi cuộc thảo luận về minh triết của chúng ta.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã dành cả một quyển sách nói về quyền lực đích thực (NXB Tri Thức 2008). Theo Thiền sư: "Xã hội chúng ta được xây dựng trên một khái niệm rất hạn hẹp về quyền lực, đó là giàu có, sung túc, thành công nghề nghiệp, danh tiếng, sức khỏe, sức mạnh quân sự và quyền năng chính trị. Tôi xin đề nghị một thứ quyền lực khác, một thứ quyền lực vượt bậc, quyền lực giúp ta thoát khỏi sự ám ảnh của mê đắm, sợ hãi, tuyệt vọng, sự trấn ngự của kỳ thị, sân hận, ngu dốt; quyền lực giúp ta đạt được hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại. Đây là một thứ quyền lực mà bất cứ ai sinh ra cũng có quyền hưởng, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo, mạnh yếu". Thiền sư gọi đây là thứ quyền lực đặc biệt, "một thứ quyền lực đích thực, đó là tự do, an ninh và hạnh phúc, mà tất cả chúng ta đều mong muốn, nơi đây, ngay bây giờ, cho chính chúng ta, cho gia đình, cộng đồng, xã hội và cho cả hành tinh".

Không những phải có quan niệm đúng về quyền lực, mà còn cả về "nghệ thuật sử dụng quyền lực". Nhiều nhà lãnh đạo kinh tế hay chính trị luôn tranh giành quyền lực và hình như họ không bao giờ thấy đủ. Sự tham lam và tranh giành quyền lực thường dẫn tới lạm dụng quyền lực, sử dụng quyền lực sai lầm. Đấy là nguyên nhân đầu tiên gây nên bao nhiêu đau khổ. Cần khẳng định mạnh mẽ rằng: "Đường lối sử dụng quyền lực không phải là vấn đề tâm linh, mà là chuyện sống chết của cả một quốc gia. Những nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị là những người có rất nhiều quyền lực trong xã hội. Họ nắm định mệnh của chúng ta bằng nhiều cách. Chúng ta phải tìm cách giúp họ sử dụng quyền lực một cách khôn ngoan". Cần nói rõ với họ rằng những quyết định của họ có thể không được đa số dân chúng trong nước hay trên thế giới ủng hộ. Chúng ta cần giúp họ tránh sử dụng sai lạc và hủy diệt quyền lực mà chúng ta đã tin tưởng giao phó cho họ. Nhân dân cần phải giám sát họ. Quyền lực đích thực, quyền lực tâm linh, có thể coi là để giám sát quyền lực chính trị và kinh tế.

Quyền lực đích thực rất cần có một "giá đỡ" vững chắc. Đó là Minh triết "dân vui, nước mạnh". Học giả Hoàng Ngọc Hiến có ý kiến rất sâu sắc: "Dân giàu, nước mạnh" đó là văn minh. "Dân vui, nước mạnh" đó là văn hóa. Dân giàu, dân vui thì nước mới thực sự mạnh. Các sức mạnh văn hóa có vai trò quyết định làm cho "dân vui, nước mạnh". Từ ngàn xưa tâm thế "vui cười" đã là sự lựa chọn của Minh triết Việt…"Không có minh triết "dân vui, nước mạnh", thì dân có thể "giàu", nước có thể "mạnh", nhưng khó mà nói là có hạnh phúc"

Như thế là cả quyền lực đích thực và Minh triết "dân vui, nước mạnh" đều có chung một cốt lõi, đó là hạnh phúc "hạnh phúc ngay trong giờ phút hiện tại" của đông đảo nhân dân.

Từ quan niệm về quyền lực và minh triết trên đây, tôi muốn trở lại trao đổi với TS.Lê Công Sự về "nhiều giá trị minh triết" hàm chứa trong tư tưởng pháp trị của Hàn Phi, giúp cho nhà Tần thống nhất được các cát cứ phong kiến về một mối, lập nên một đất nước Trung Quốc rộng lớn như ngày nay. "Tư tưởng đó đồng thời tạo tiền đề để lý luận cho sự ra đời của lý thuyết về nhà nước pháp quyền xuất hiện như một bước ngoặt cách mạng làm thay đổi cán cân quyền lực chính trị. Dân chủ và nhân quyền được đặt lên vị trí hàng đầu, người dân trở về với vai trò "động vật chính trị" như Aristotle nói".

Đánh giá về nhân trị và pháp trị là vấn đề lớn, phức tạp, khó có thể trình bày đầy đủ trong bài phản biện này. Tôi xin dẫn lời một số chuyên gia Trung Quốc và Việt Nam để nói rằng gắn pháp trị với nhà nước pháp quyền là sai lầm nghiêm trọng, một đằng là chuyên chế, một đằng là dân chủ.

Học giả Phùng Hữu Lan trong cuốn "Lược sử triết học Trung Quốc" nói rằng: … thật là sai lầm nếu ta liên hệ tư tưởng pháp gia với môn luật học. Theo từ ngữ hiện đại, cái mà học phái này rao giảng chính là lý thuyết và phương pháp để tổ chức và lãnh đạo. Nếu ai muốn tổ chức và lãnh đạo quần chúng, sẽ thấy rằng lý thuyết và thực hành của pháp gia vẫn còn hữu ích, nhưng chỉ khi nào họ muốn đi theo hướng độc tài chuyên chế" (bản dịch của Lê Anh Minh, NXB Khoa học xã hội, 2013, Tr.170).

Còn nói rằng tư tưởng pháp trị "tạo tiền đề lý luận cho sự ra đời của lý thuyết về nhà nước pháp quyền …" thì thật ngược đời. Các triết gia Trung Quốc chỉ biết đến nhà nước pháp quyền Âu - Tây từ giữa thế kỷ thứ XIX. Các học giả Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê viết: "… sau cuộc Nha phiến chiến tranh, đa số các triết gia Trung Hoa tán thưởng văn minh Âu - Tây, muốn đạp đổ chính thể chuyên chế mà lại đề cao pháp trị, tôn trọng quy tắc phân quyền, tách rời quyền lập pháp, quyền tư pháp và quyền hành chính để bênh vực nhân dân mà áp chế quân chủ. Nhưng chính sách pháp trị của họ, khác hẳn chính sách quân chủ chuyên chế của Thương Ưởng, Hàn Phi, Lý Tư và giống chính sách dân chủ pháp trị của những chính thể Âu Châu hiện nay" (Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê. Đại cương triết học Trung Quốc. Quyển hạ. Sài Gòn, Cảo Thơm 1966, tr.605-606).

Ngày nay chúng ta thảo luận về Minh triết và quyền lực trong điều kiện mới, khi cả minh triết lẫn quyền lực đều đã biến đổi căn bản. Tri thức đã trở thành một quyền lực mới. Quyền lực - tri thức khác hẳn với các hình thức quyền lực trước đó - quyền lực bạo lựcquyền lực của cải. (Xem Alvin Toffler. Powershift)

Minh triết và triết học, cũng như khoa học nhân văn nói chung đã phát triển sang giai đoạn mới. Giáo sư Mikhail Epstein trong cuốn sách mới đây "The Transformative Humanities.A Manifesto" (Bản Tuyên ngôn về khoa học nhân văn biến đổi - 2012) khẳng định sự ra đời của Triết học và Minh triết mới có tên là Polysophianism.

Đây là những lĩnh vực nghiên cứu liên ngành, không thể thiếu trong nghiên cứu khoa học hiện nay. Tiếp thu những thành tựu này chúng ta có nhiều thuận lợi hơn bao giờ hết để đặt và giải quyết những vấn đề minh triết quan trọng ở nước ta hiện nay.

P.K.I.

http://boxitvn.blogspot.com/2014/12/minh-triet-vui-nuoc-manh-va-quyen-luc.html