Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Lo ngại về những phiên tòa xét xử “công khai” sẽ ngày càng ít được công khai

Bình Luận Án

Trần Hồng Phong

22-12-2014

clip_image001

Quang cảnh một phiên tòa lưu động ở Hà Nội. Bất kỳ ai đều được vào dự khán, một phiên tòa công khai đúng nghĩa (ảnh minh họa).

Từ lâu và theo quy định của pháp luật hiện hành, nói chung chỉ trừ những vụ án có vấn đề về thuần phong mỹ tục phải xử kín, thì các phiên tòa đều phải được xét xử công khai. Mọi người dân đều có quyền tự do vào dự khán, theo dõi việc xét xử mà không bị bất kỳ sự ngăn cản nào. (Ngày trước, cũng chính xuất phát từ việc tò mò vào theo dõi các phiên tòa xét xử ởTP.HCM, tôi dần thấy yêu thích nghề luật sư).

Không chỉ xét xử công khai cho mọi người vào tham dự, Nhà nước còn chủ động tổ chức các phiên tòa tăng tính công khai hơn nữa, gọi là “phiên tòa lưu động”. Theo đó đem về xét xử ngay tại địa phương nơi xảy ra vụ án, ở những nơi đông người, nhắm khuyến khích người dân theo dõi phiên tòa, theo dõi việc xét xử. Mục đích là để “tuyên truyền pháp luật”, qua việc xét xử và tuyên hình phạt có thể góp phần “răn đe” và “phòng ngừa” tội phạm nói chung. Người dân qua việc dự khán các phiên tòa sẽ hiểu biết hơn về pháp luật, sẽ “sợ” mà không dám phạm tội.

(Thậm chí hồi tôi học lớp 10 (năm 1982), địa phương tôi ở có vụ thi hành án tử hình bà con nườm nượp rủ nhau đi coi xử bắn. Khi đó tôi cũng đi coi, rồi hình ảnh những chiến sỹ công an bắn vào ngực các phạm nhân, máu bay tung tóe. Hình ảnh có người sợ đến té đái, ỉa cả ra quần khi bị cột vào cột gỗ trước khi bị bắn … đã ám ảnh và làm tôi không ngủ được suốt cả tuần).

Nhưng gần đây, có vẻ mọi chuyện đang theo chiều hướng ngược lại. Những phiên tòa công khai hình như đang ngày càng ít được công khai hơn. Hay nói chính xác hơn là đang có sự hạn chế việc tham dự và đưa tin về phiên tòa xét xử hơn. Việc hạn chế này vừa diễn ra trên thực tế, lại vừa có những văn bản nội ngành quy định (không phải là luật) và mới đây nhất là việc có thể thông qua Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân.

Quả thật vài năm gần đây trong nhiều vụ án hình sự lớn, hay đặc biệt là trong những vụ án có hơi hướng chính trị (theo quan điểm của tôi), xét xử về các tội danh như: Tội chống phá Nhà nước CHXHCNVN, tội lợi dụng quyền tự do dân chủ … – dù là những vụ án mà mặc dù dư luận rất quan tâm, báo chí (cả trong lẫn ngoài nước) đều đưa tin, nhưng hầu như tòa án rất hạn chế việc cho người dân vào dự khán. Thông tin trên báo chí chính thống thì đa phần chỉ đưa kết quả xét xử, mức hình phạt, hoặc quan điểm kết tội của Viện kiểm sát. Còn thì người dân không thể biết phiên xử diễn ra như thế nào, thái độ của bị cáo ra sao, quan điểm bào chữa, tự bào chữa của các bị can, bị cáo như thế nào?

Theo quan điểm của tôi, thì ngoại trừ việc sẽ sửa lại luật tố tụng hình sự, hiện nay việc xét xử đều nên và phải bảo đảm nguyên tắc công khai đúng nghĩa và đúng luật. Vả lại nếu xét xử mà hạn chế quyền dự khán của công dân, thậm chí cấm cản, mọi việc lại không được minh bạch rõ ràng, thì chỉ làm cho mọi việc thêm tù mù, khó hiểu mà thôi. Thậm chí kết quả xét xử hay việc xét xử có thể bị nghi ngờ/băn khoăn về tính khách quan, tính công minh, đúng pháp luật. Và có điều gì đó không được sòng phẳng giữ kết tội và bào chữa – vốn là một nguyên tắc luật định. Xét về pháp luật thì rõ ràng là không đúng.

Thiết nghĩ bất luận thế nào, thì kết quả xét xử cần phải bảo đảm tiếp cận với sự thật và công lý. Nếu đạt được những bản án “khẩu phục tâm phuc” thì đúng là … lý tưởng!

Dưới đây là những nội dung chính trong bài báo “Đã có thẻ nhà báo thì cần gì giấy giới thiệu để dự tòa“ đăng trên báo Lao Động ngày 22-12-2014 – liên quan đến những điều tôi trình bày ở trên.

Theo đó, được biết QH đang xem xét bản dự thảo “Pháp lệnh xử lý hành chính các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Tòa án nhân dân” (gồm 8 chương, 57 điều), quy định về xử lý các hành vi cản trở hoạt động tố tụng của Toà án nhân dân, Toà án quân sự các cấp kể từ khi Toà án thụ lý vụ việc để giải quyết theo thẩm quyền cho đến khi có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án.

Một trong những nội dung được các đại biểu thảo luận đó là hành vi cản trở tại phiên tòa xung quanh quy định nhà báo đến phiên tòa phải có giấy giới thiệu và thẻ nhà báo.

(Chú thích của Bình luận án blog: Theo quy định hiện hành, nếu là Pháp lệnh thì không cần biểu quyết để thông qua tại Quốc Hội mà chỉ cần Ủy ban thường vụ QH đồng ý là thông qua).

Trong bài báo nêu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 22-12-2014 khi cho ý kiến và xem xét thông qua Pháp lệnh trên như sau:

- Pháp lệnh rất quan trọng, làm sao đảm bảo tính nghiêm minh của phiên tòa. Đã quy định xử phạt thì phải nói rõ về hành vi vi phạm và những căn cứ để xử phạt phải nói rõ. Điều 9 nội quy phiên tòa ai đặt ra, quy định thế nào hay mỗi tòa đặt một nội quy, đây có phải căn cứ để xử phạt không? Hôm nay các đồng chí nói nội quy nhưng tôi và thường vụ chưa biết nội quy thế nào? Căn cứ Pháp lệnh mới ra nội quy chứ?

- Nhà báo tham dự phiên tòa có nhất thiết phải có thẻ nhà báo mới được vào đưa tin về diễn biến phiên tòa hay không? Việc phóng viên có thẻ nhà báo thì nghiễm nhiên được vào phiên tòa để đưa tin vì chỉ cần xuất trình thẻ tại sao lại quy định thêm phải có giấy giới thiệu? Thẻ nhà báo to hơn giấy giới thiệu tại sao còn hỏi giấy giới thiệu?.

- Quy định về phiên tòa như vậy nếu nhà báo không chấp hành mà cố tình vào thì bị phạt, như vậy có phải là hành vi cản trở phiên tòa chưa? Quy định như vậy, ông thẩm phán đang làm, tôi vào như mọi người thì có gì mà cản trở. Gác cổng không có thẻ thì không cho vào thì thôi chứ sao lại xử phạt?

– Về quy định buộc rời khỏi phòng xử án, tạm giữ người, áp giải, khám người, khám đồ vật, khám nơi cất giấu phương tiện vi phạm, Chủ tịch Quốc hội nói: “Tôi chưa hiểu chỗ này. Quy trình thủ tục để thực hiện như thế nào vì khác nhau lắm. Buộc rời là một hành vi, tạm giữ thì giữ ở đâu, giữ mấy ngày, ai ra lệnh tạm giữ; áp giải thì lực lượng nào, tạm giữ tang vật có kiểm kê không, cất ở đâu, có trả không? Khám người kiểu gì. Viết như thế này đơn giản quá.Tôi cảm thấy sự chuẩn bị lơ mơ lắm”.

- Lẽ ra Ủy ban Pháp luật vì đáng lẽ phải đóng góp vào dự thảo trước khi đưa ra Thường vụ để quy định rõ hơn. Thế nào là cản trở, hành vi gì thì cản trở; làm thế nào để minh bạch, rõ ràng với người dân.

Và dưới đây là ý kiến của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình:

- Về cơ sở pháp lý, Pháp lệnh dược xây dựng trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng luật. Hiến pháp 2013, khoản 2 điều 14 quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Pháp lệnh này được dự thảo trên cơ sở Luật xử lý vi phạm hành chính, một phần của Bộ Luật tố tụng dân sự.

- Báo chí đến tác nghiệp thì khác, phải có thẻ và mang công cụ, phương tiện phải an toàn và tính uy nghiêm của phiên tòa, thì phải chấp nhận nội quy. Chính hội nhà báo yêu cầu khi xây dựng nội quy công an, kiểm sát, hội nhà báo yêu cầu. Nhiều nước ra phiên tòa phóng viên không được mang phương tiện. Việc đưa vào là cần thiết. 

- Quy định các xử phạt hành chính: Luật tố tụng dân sự không thể quy định xử phạt hành chính được nên không thể chờ đưa mức phạt, hành vi vào Luật khi sửa. Luật hành chính đã ban hành và dành quyền này cho văn bản dưới luật. Nếu dừng lại thì không thực hiện được nghị quyết của QH.

Đáp lại, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói:

- Tòa án xét xử công khai thì nhà báo và dân chúng được vào. Nhưng do điều kiện vật chất chỉ bố trí số lượng nhất định trong phiên tòa thì phải thu xếp. Tòa có thể chủ động mời, còn số lượng còn lại có thể theo dõi trên màn hình. Phóng viên có thẻ nhà báo thì được tham dự chứ quy định thêm giấy giới thiệu để làm gì? Phạt sinh ra cãi nhau, phức tạp và có đích đáng không? 

- Những vấn đề này cần thảo luận thêm để làm rõ những quy định trên chứ không thông qua tại phiên họp này.

Nói chung là tôi ủng hộ quan điểm của ông Nguyễn Sinh Hùng.

Về vấn đề nhà báo tham dự phiên tòa, gần đây tôi cũng có một bài viết đăng trên báo điện tử Một thế giới. Bài dưới đây:

Quyền của nhà báo sao lại phải xin?

———————–

Quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự:

Điều 18. Xét xử công khai

Việc xét xử của Toà án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này quy định.

Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Toà án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai.

Điều 19. Bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án

Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp của họ, người bảo vệ quyền lợi của đương sự đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, đưa ra yêu cầu và tranh luận dân chủ trước Toà án. Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho họ thực hiện các quyền đó nhằm làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

https://anhbasam.wordpress.com/2014/12/24/3220-lo-ngai-ve-nhung-phien-toa-xet-xu-cong-khai-se-ngay-cang-it-duoc-cong-khai/