Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 11 tháng 12, 2014

ĐI VỀ NƠI HOANG DÃ (KỲ 12)

Tiểu thuyết

Nhật Tuấn

Hai mươi lăm

Những giọt mưa đầu tiên đã rơi xuống nỗi lo lắng của bọn tôi khi đỉnh Hùa Ca vẫn mù mịt đâu đó mà năng xuất hàng ngày lại quá ì ạch. 1500 mét... 1200 mét... 800 mét... Con số ông toán trưởng đưa ra sau mỗi lần cộng sổ buổi chiều làm thằng học giả càng thúc chúng tôi phát cây nhanh hơn nữa, ngủ trưa ít đi và buổi chiều về muộn hơn.

Tuy nhiên cái mớ bùng nhùng dây leo cứng như chiếc đũa, ken đặc như mắt lưới ngay trên sườn núi đá dốc chẳng để chúng tôi tiến nhanh hơn được nữa mặc dầu suốt ngày thằng nào thằng nấy luôn chân luôn tay vùng vẫy như con ruồi mắc mạng nhện. “chịu thôi, tao chịu thôi, hết tỉ rồi...”, thằng cấp dưỡng đã phải la lên khi thằng học giả toét còi thúc đi làm sau một lần nghỉ trưa ngắn ngủi. Nó vứt dao, vứt thước nằm lăn trên đám rễ cây bùng nhùng, mắt nhắm nghiền, miệng thở hồng hộc. Thằng học giả cắm cúi phát cây phía trước, được một quãng, nhận ra chỉ có mình nó đang dấn tới, nó đành quay lại chỗ thằng cấp đường đang nằm.

“Dậy làm tiếp đi chứ, mày không nghe thấy tao thổi còi à?”

“Tao mệt...”

“Ai mà không mệt, tao còn mệt hơn mày nhưng phải cố gắng, biết chưa? Thôi, dậy đi...”

Thằng cấp dưỡng bật dậy:

“Cố gắng cái con c..., mày là cái đéo gì mà thúc tao? Định làm toán trưởng hả?”

Thằng học giả không nổi cáu như tôi tưởng, ngược lại, nó cười nhạt:

“Mày không bệnh tật ốm đau, không què chân sứt tay, giữa lúc, công việc đang căng, mày định lãn công phải không?”

May quá, tôi không nhanh tay giữ lại chắc thằng cấp dưỡng đã ném cả con dao vào mặt thằng học giả. Tuy nhiên hai đứa vẫn lăn xả vào nhau đấm đá, vật lộn ngay trên sườn núi dốc làm ông toán trưởng phải quăng cả bản đồ lẫn địa bàn chạy tới quát tháo lôi hai đứa ra. Tối hôm đó, ông tức tốc họp kiểm điểm. Thằng học giả gào lên:

“Phá hoại sản xuất! Tôi đề nghị kỷ luật đồng chí cấp dưỡng về tội phá hoại sản xuất...”

Ông toán trưởng xem ra muốn dàn hòa, đang lúc thiếu người, ông không thể bắt thằng cấp dưỡng ngồi nhà viết kiểm điểm, bởi vậy ông chỉ phân tích qua loa về tính nóng của cả hai đứa, nhắc nhở nhiệm vụ kế hoạch đang khẩn trương phải tập trung tất cả cho sản xuất rồi ông cho giải tán. Tôi phải kéo thằng cấp dưỡng cách xa thằng học giả không hai đứa lại cãi nhau nữa.

“Mẹ kiếp, biết thế này thằng hộ pháp cứ để nó chết mất xác hồi ngã vách đá lại bớt được một thằng giả dối”.

Lời phàn nàn của thằng cấp dưỡng làm tôi bật cười, quả thật cái mặt nạ của thằng học giả trương ra với anh em lộ liễu quá làm tôi nhân một lúc vui chuyện không thể nào không hỏi nó:

“Sao hồi này mày phấn đấu hăng thế? Có thực bụng không đấy?”

Nó cười nhạt:

“Thực hay không mày hỏi làm gì? Có điều chắc chắn tao sẽ quất chúng mày phải tới được đỉnh Hùa Ca trước mùa mưa”.

“Để làm gì thế?”

“A, thằng này quên cả nhiệm vụ chính trị Ban chỉ huy đã giao rồi hả?”

“Không, tao không quên, tao không quên cả cái hố thẳm trong lòng mày”.

Hai mắt nó tròn xoe, ngây ngô, trong một thoáng tôi thấy lại cái vẻ lờ đờ ngày trước rồi rất nhanh, nó cười khảy:

“Thôi nói làm gì thời lãng mạn đó. Tao khuyên mày phải có đầu óc thực tế rồi cũng phải tính chuyện xin đi đại học chứ, không lẽ cầm dao cả đời sao?”

Tôi không biết trả lời nó thế nào, đành chỉ thở dài:

“Con búp bê làm mày thay đổi quá. Đời thiếu gì con gái, cần quái gì con đó mà phải phẫn chí sống giả dối đi thế?”

“Mày nói đúng, tao cần quái gì con đó, vài năm nữa tao sẽ trở về trên một địa vị làm nó phải tiếc chảy máu mắt vì đã bỏ tao. Còn sống giả dối hay thành thực cũng thế cả thôi. Cái chính là mục tiêu, phải, mục tiêu mới là cái cao hơn hết.”

Đôi mắt nó rực lên một vẻ làm tôi hiểu rằng chính nó đang rất thành thực với những lời nó nói. Không hiểu sao tôi lại nhớ tới một câu trước đây nó vẫn lảm nhảm: thời xưa trên mặt đất vốn chẳng có đường nào cả, sau đó nhiều người đi qua lại nên mới thành đường mà thôi. Tôi buồn nhói nghĩ rằng không biết bao nhiêu người đã đi vào con đường như thằng học giả? Không hiểu trong các cuốn sách người ta đã nói tới chưa? Nhân lúc nó đang thành thực, tôi hỏi điều đó, nó đập đập vào vai tôi cười cợt:

“Trên đời này chuyện gì sách vở chẳng nói đến. Cái mày vừa hỏi đó, người ta gọi là... chủ nghĩa cơ hội.”

“Liệu rồi có ngăn chặn được nó không?”

“Ha ha, tao chỉ hỏi mày liệu có dám tố cáo tao giả dối không? Và cái chính mày có mổ được bụng tao ra chứng minh được chuyện đó không?”

Tôi phải thành thực nhận rằng cả hai việc đó tôi đều không làm được, nhưng tôi không phải là tất cả, nhất định sẽ có người làm được. Thằng học giả lại cười dài và chính cái điều đó làm tôi bỗng nổi xung, xô tới thộp lấy ngực áo nó đẩy dần ra mép một vực sâu hun hút. Sự giận dữ làm tôi hoa mắt, tay chân khỏe lên gấp bội làm thằng học giả hoảng hốt, hét vào tai tôi:

“Mày điên rồi, dừng lại không chết cả đôi giờ.”

Đôi mắt nó vừa van xin vừa kinh hoàng giống hệt đôi mắt con chó hoang người ta trói gô vứt trong nhà ăn ngày trước làm tôi dừng sững. Lát sau, khi tôi buông ra, nó sửa lại quần áo và giọng khàn hẳn đi, nó nói:

“Mày giết tao ăn thua gì, có hàng ngàn hàng vạn đứa như tao mày giết sao nổi.”

Có lẽ đó là lần thành thực cuối cùng của nó giành cho tôi. Từ đó về sau, càng ngày nó càng rúc sâu vào trong vỏ ốc kín bưng đến nỗi nhiều lúc tôi cũng đâm ngờ có lẽ mình lầm lẫn chăng, nó sống đúng như nó nói năng hằng ngày chứ chẳng đeo một cái mặt nạ nào đâu, nhất là từ sau cái tai nạn xảy đến với ông toán trưởng. Hôm đó vào buổi chiều ông đã cộng xong sổ đo dài, tính toán trên bản đồ rồi vui vẻ báo tin đỉnh Hùa Ca không còn cách xa nữa, cứ với tốc độ đang đi, trong vòng một tuần lễ nữa sẽ tới nơi, ông nói xong, với tay lên cao để gạt một cành cây chắn lối trước mặt. Đúng lúc ấy ông kêu lên thất thanh, nhoáng cái như một tia chớp xanh tôi nhìn thấy một con rằn nhỏ loằn ngoằn mất hút sau tầng lá dầy. Tôi nhảy vội tới đỡ lấy ông đang khuỵu người, mặt tái nhợt, toát mồ hôi đầy trán và ở cổ tay có một vềt đỏ tía chỉ nhỏ bằng cái đầu đũa. Tôi vội hét lên:

“Thôi chết, ông toán trưởng bị rắn xanh cắn rồi...”

Chao ôi, cái trường hợp xấu nhất vẫn ám ảnh ông hóa ra đã xảy tới bởi con vật nhỏ bé nấp trên cành cây sẵn sàng bổ vào những ai chạm tới nó. Số phận con người thật kỳ lạ tại sao tai nạn lại không rơi vào bọn tôi, những thằng luôn đi trước, húc đầu vào đủ mọi thứ bụi cây, đương đầu trước hết với mọi thứ rắn rết, mà lại rơi vào ông toán trưởng, người đi sau cùng khi vệt đường đã được phát quang, chịu ít hiểm nguy nhất? Có tiếng động trong bụi rậm, một con chim đen tuyền bay vút lên, cất giọng lảnh lót: “Có số đaấ... Có số đấấ... ấấy...” Nó biến mất sau khi chỉ còn là một chấm đen trên bầu trời xám vợi huyền bí.

Ngay chiều hôm đó, bọn tôi phát quang một vạt đất bằng, chặt cây dựng chiếc lán tạm, đặt ông toán trương nằm trên chõng tre lót đủ thứ chăn và đốt lửa xung quanh xua đi vắt, muỗi. Thằng học giả nói rằng lúc đó nếu tôi không nhanh tay buộc chặn ngay vết cắn để nọc độc chạy đi khắp người hẳn là ông đã chết tức khắc. Phương thuốc duy nhất bọn tôi có thể chữa trị cho ông là thay nhau ghé miệng mút ra cho ông máu độc đang mỗi lúc làm bàn tay ông đỏ tím lại. Lúc này mọi bất đồng giữa ba đứa tôi dường như tiêu tan trong không khí im lìm, trang nghiêm trước cái huyền bí của con người đang chậm rãi tiến tới: cái chết.

Ông nằm đó, mắt nhắm nghiền, miệng nhăn nhúm như đang trải qua những cơn ác mộng, chìm đắm trong nỗi đau riêng của ông, dửng dưng với cả ba khuôn mặt đang cúi xuống nhìn ông với ánh mắt lo âu. Thằng học giả luôn tay bắt mạch, thỉnh thoảng lại đặt chiếc khăn mặt lên miệng ông và thổi vào đó hơi thở của nó. Phải nói rằng chỉ trong lúc nguy cấp này, nó mới phô được bản lĩnh của nó. Nó cắt đặt công việc, sai phái tôi và thằng cấp dưỡng, đứa nào đứa này răm rắp tuân theo cứ y như nó là ông toán trưởng vậy.

Lúc này bọn tôi chẳng bụng dạ đâu mà nhớ tới cái đỉnh Hùa Ca xa mù kia nữa, tất cả đều tụ tập quanh ông, cố gắng mút máu độc, thổi hơi cho ông. Sức lực cường tráng của ba thằng con trai lộc ngộc hợp lại liệu có đẩy lui được cái chết đang ngấm dần vào cơ thể già nua của ông không? Chịu không thể nào biết được khi suốt ngày suốt đêm ông im lìm, bất động, chẳng có biểu hiện nào của sự sống ngoài cái mạch đập rất nhỏ nhoi của trái tim già nua đang thoi thóp. Bởi ông cứ nằm như thế nên cái máy vô tuyến điện của ông cũng chết rũ trong góc lán. Tôi chỉ tay vào đó bảo thằng học giả:

“Mày đánh điện cho Ban chỉ huy biết đi.”

“Chịu, cái đó chỉ mình ông toán trưởng biết sử dụng.”

“Mấy hôm nay không phát tín hiệu chắc Ban chỉ huy đang lo cuống, sợ cả toán đã ngã hết xuống vực”.

“Các ông ấy chẳng nghĩ thế đâu, chắc chỉ đoán do hỏng máy thôi. Chờ ông toán trưởng tỉnh lại, đánh đi mấy tín hiệu cấp cứu là xong”.

“Nhỡ ông ấy cứ mãi thế này thì sao?”

Thằng học giả nhìn tôi rồi hạ một câu chắc nịch:

“Thì mày phải đi Mù Cang đánh điện, mua thêm gạo và thực phẩm.”

“Không được, lúc này tao không thể rời ông ấy được.”

Nó sa sầm mặt, giọng lạnh băng:

“Đây là nhiệm vụ, nhiệm vụ bao giờ cũng cao hơn tình cảm. Sáng mai mày phải đi.”

Nó bỏ đi chỗ khác không để tôi nói thêm một lời. Đêm hôm đó tới phiên tôi thức đêm canh chừng ông toán trưởng.

Tình trạng ông vẫn vậy, không xấu đi cũng không khá hơn, ông cứ nằm đó không hề biết tôi ngồi bên, thỉnh thoảng nắm cổ tay bắt mạch, sửa lại đầu ông ngay ngắn trên gối và đuổi những con muỗi lăm le sà xuống khuôn mặt tái xám của ông. Trong cái đêm rất có thể là đêm cuối cùng tôi còn ở gần, ông cũng chẳng đặn dò, trối trăng được nửa lời. Chiếc khăn tay cô nàng nhỏ nhắn tặng tôi đang buộc nơi cổ tay ông kia, rất có thể chẳng cứu được ông mặc dù nó được rút ra từ ngực áo tôi ngay sau lúc ông bị rắn cắn. Tôi có thể làm gì hơn cho ông được nữa? Một ý nghĩ vụt lóe làm tôi đập thằng học giả dậy. Nó mở mắt hốt hoảng:

“Chuyện gì thế? ông ấy đi rồi à?”

“Không, tao vừa nảy ra một ý nghĩ, sớm mai tao sẽ đi Mù Cang.”

Thằng học hơi càu nhàu:

“Nhất định mày phải đi rồi.”

“Không tao nghĩ ra rồi ở Mù Cang tuy không có bác sĩ nhưng may ra tìm được thuốc chữa rắn cắn trong dân gian.”

Thằng học giả có vẻ đã hiểu được ý tôi, nó hết cả buồn ngủ, nhảy trên võng xuống đất:

“Ý kiến mày hay đấy. Giá nghĩ sớm được thì tốt. Thôi ngủ đi lấy sức mà đi, tao thức canh cho.”

Tuy nhiên cái viễn ảnh tìm được phương thuốc thần kỳ và nỗi hồi hộp được gặp lại cô nàng nhỏ nhắn làm tôi không sao chợp mắt, đành trở dậy cùng thức với thằng học giả. Tôi hỏi khẽ:

“Mày đoán thử liệu ông ấy qua khỏi được không?”

“Tao sợ rằng... lúc mày quay về ông ấy đã đi rồi.”

“Nếu vậy kinh khủng quá, hai năm nay ông ấy không gặp mặt vợ con.”

Thằng học giả quay đi, lén gạt giọt nước mắt rồi cúi xuống cầm tay ông toán trưởng lên bắt mạch… Cái hình ảnh đó quả thực làm bao nhiêu ý tưởng lo âu về nó bấy nay vẫn ám ảnh tôi tự dưng tiêu tan đi hết cả. Nó không hoàn toàn giả dối như tôi vẫn tưởng, ít ra là trong giọt nước mắt nó vừa nhỏ xuống người ông toán trưởng. Chính vì thế tôi răm rắp nghe mọi dặn dò, cầm tiền của nó và ngay từ lúc trời còn tối, tôi đã nắm nhẹ vào tay ông toán trưởng tạm biệt, đốt một bó đuốc thật lớn mò mẫm bước đi trong vệt mòn giữa đêm rừng...

Hai mươi sáu

Trong cái đêm nằm bên cái miếu cổ giữa nghĩa địa hoang bên ngoài làng, đợi chờ cô vợ ông xã đội, thằng hộ pháp nhìn thấy cả một bầu trời đầy sao trên đầu. Thật chẳng giống những đêm ở rừng chỉ thấy những ngôi sao lẻ loi qua khe lá, thằng hộ pháp dở nguợc dở xuôi, nằm kiểu nào, ngước nhìn lên cũng toàn thấy sao là sao. Tuy nhiên những hình ảnh vũ trụ đó tuyệt nhiên chẳng gây được cho nó một suy nghĩ trừu tượng nào ngoài câu hỏi cụ thể cứ mỗi lúc một nhức buốt trong đầu: cô ta có tới như đã nhắn không? Nó biết có hàng tá sự việc có thể xảy ra làm hỏng kế hoạch của nó: thằng chồng đốc chứng lôi cô lên giường từ chập tối, một đám khách bất ngờ làm cô chẳng có lý do nào từ chối việc nấu nướng phục dịch, cơn trúng gió đột ngột đến với lão chồng già vốn đã mắc cái bệnh đau cột sống lại cả gan cưới về một cô đã trẻ lại ngày một mơn mởn... Tóm lại trong đầu thằng hộ pháp đã nẩy ra một mớ những chuyện có thể ngăn cản cô ta lén chồng tới với nó rồi mãi nó mới đối diện với cái điều kinh khủng nhất: chính cô ta không muốn tới. Nó ngồi bật ngay dậy nhìn về phía con đường đất mờ mờ, loằn ngoằn qua đám ruộng hoang, ừ nhỉ, rất có thể cô ta đổi ý lắm chứ? Cái ý nghĩ đau đớn ấy như một con rắn nhỏ xíu ngóc cổ lên phun phì phì trong quả tim thằng hộ pháp. Ánh trăng khuya lạnh lẽo bỗng dưng làm cả không gian như trống vắng hẳn, tiếng cú rúc trong đêm thỉnh thoảng lại vẳng tới từ những ngôi mộ lô nhô trải ra xa tít. Thằng hộ pháp nằm úp mặt xuống nền đất lạnh cố xóa đi hình ảnh cô gái bằng cách nghĩ tới cuộc sống trên đỉnh núi mà nó vừa đào thoát. Bằng giờ này chắc ông toán trưởng vẫn loay hoay bên tấm bản đồ tính toán xem còn bao nhiêu đường đất nữa tới được cái đỉnh Hùa Ca khốn kiếp ấy, còn ba thằng kia chắc vẫn vây quanh đống lửa tưởng tượng ra đủ các thú vui dưới đồng bằng và thả sức bàn tán về nó với cô vợ ông xã đội. Hình ảnh thằng liên lạc với cái túi xắc cốt kè kè bên vai bất chợt làm nó khó chịu. Không, xưa nay nó chưa hề ăn cắp của ai đến một cây kim sợi chỉ, cái số tiền đó buộc phải mượn tạm thôi, mai kia nhất định nó sẽ trả lại không thiếu một đồng. Lúc này Ban chỉ huy chắc đã nhận được điện báo tin nó đào ngũ, chỉ nay mai nhất định xã nhận được giấy báo và nếu nó không chuồn nhanh chắc chắn sẽ rơi vào tay lão xã đội, liên lụy đến cả gia đình ông anh. Chao ôi bao nhiêu là chuyện rối bời ruột gan làm nó tối mắt chẳng nhận được ra niềm hạnh phúc đang chờ đợi đã thấp thoáng đi tới trên con đường đất mờ mờ dưới ánh trăng lạnh kia. Mãi tới lúc cô gái hốt hoảng nhận ra nó nằm úp mặt còng queo dưới đất cô vội ngồi thụp xuống, cất tiếng gọi khe khẽ, nó mới choàng dậy ôm chặt lấy tình yêu bấy lâu khao khát. Con rắn nhỏ biến mất trong tim nó và thay vào đó là một dòng nước ngọt ngào chảy tràn trề trên mảnh đất khô cằn trong lòng nó.

Chao ôi không biết đây là thực hay mơ đây, đôi mắt, cái miệng, làn da quen thuộc của cô đây rồi nhưng nó vẫn còn muốn cô cắn vào nó một cái thật đau để được biết rằng cô gái đang trong vòng tay nó là có thực.

“Sao ra muộn thế?”

“Lại còn trách người ta. Ra được là may mắn lắm đấy. Nó giam chẳng khác chi giam tù.”

Thằng hộ pháp lại ghì chặt cô gái vào lòng như muốn lấy cái thân hình khổng lồ che chở, đùm bọc cô. Mặt trăng đã chui ra khỏi đám mây tròn xoe nhìn xuống đôi trai gái nơi trần thế đang dở khóc dở cười giữa đám xương khô chôn dưới những mồ mả vây quanh.

“Lần này về anh đưa em đi đây. Mình sẽ đi tới nơi thật hoang vu, không người, tha hồ tự do sống với nhau, tít tận Mù U ấy em ạ. Em có đi với anh không?”

Cô gái không trả lời, gục đầu vào lòng nó khóc rấm rứt. Thằng hộ pháp thấy lòng quặn lên thương cô và nó không biết cách an ủi nào hơn là lại ôm chặt lấy cô hôn như mưa xuống khắp thân mình. Thế rồi bỗng dưng có một cái ngoài tưởng tượng làm nó sững lại, đẩy cô ra, nhìn cô bằng cặp mắt tròn xoe:

“Em chửa hả?”

Cô gái kéo áo xuống, bật khóc:

“Anh ơi, em khổ lắm, có sung sướng gì đâu, nó cưỡng em...”

Nước mắt cô giàn giụa trên đôi bàn tay gân guốc của nó, chảy thẳng vào tim, làm tắt ngọn lửa giận bốc cao trong lòng nó.

Có tiếng cú rúc từ ngôi mộ nào đó làm cô hoảng sợ ôm chặt lấy nó. Than ôi, một bức tường cong cong đã dựng lên giữa hai người làm thằng hộ pháp không thế nào đi xa hơn những nụ hôn buồn bã đặt lên mặt cô. Nó cố níu kéo một tia hy vọng cuối cùng:

“Được mấy tháng rồi?”

Cô gái cúi mặt ngượng ngùng:

“Mới non ba tháng thôi.”

Thế là hết, hết căn nhà gỗ trên bản Mù U, hết cái giường có hai con rồng chầu, hết những buổi sáng đánh trứng gà cho cô điểm tâm... Bây giờ cô chẳng thể làm gì hết ngoài cái việc chờ đợi làm mẹ. Lòng lạnh buốt, nó nói giọng tê tái:

“Mai sớm anh phải đi rồi.”

“Anh vừa về sao đã vội đi?”

Nó cố trấn tĩnh kể lại cô nghe mọi chuyện, từ cái bản Mù U hoang phế với dự định xây dựng thiên đường dưới hạ giới đến việc ăn cắp tiền thằng liên lạc nhảy xe ngựa, xe ô tô trốn về đây.

“Chết, nếu vậy anh phải đi ngay, để họ bắt được thì khổ...”

Cô lại ghì chặt lấy nó, oà khóc. Nó cứ đứng như vậy, bàn tay thô kệch vuốt ve mái tóc mềm của cô, mắt trừng trừng nhìn đống lửa lập lòe sau rặng tre quanh làng. Mẹ kiếp, cái phận số của nó đểu thật, dồn đuổi người ta đến nước này thì thôi, còn nói gì chuyện trời có mắt.

“Anh khắc tặng em con dao thật sắe, chẳng may đánh rơi dọc đường mất rồi.”

Cô gái ngước lên, nhẹ nhàng hôn đôi mắt giận dữ của nó:

“Thôi, anh đừng nghĩ ngợi trách móc nữa, mình cứ ở hiền thế nào cũng gặp lành, dù có thế nào, bao giờ em cũng là của anh.”

Từng lời nói của cô lơ lửng trong nó như những quả bóng bay nhiều màu. Lẳng lặng bế bổng cô trên đôi cánh tay lực lưỡng, thằng hộ pháp chậm rãi bước đi trên con đường nhỏ qua các mồ mả, các vũng nước tối trên cánh đồng hoang phế và khi dẫm chân lên cái bực cổng đầu làng nó đứng dừng lại. Ngày xưa khi nó còn là đứa bé nghễu nghện trên mình trâu mỗi chiều đi về qua nơi này, cô gái lúc đó đã là một thiếu nữ mỗi lần xắn quần gánh mạ ngoài đồng trở về vẫn thường ngồi nghỉ lại bên đường phe phẩy chiếc nón, ngước cặp mắt lá răm lên nhìn nó. Khối lượng và màu sắc của đôi chân trần làm nó vừa khó chịu vừa tò mò, không thể nào không ngoái nhìn khiến cô gái nhoẻn một nụ cười khuyến khích. Có ai ngờ mười năm sau cả cái thân hình ngà ngọc ấy đang nằm gọn trong vòng tay của nó mà vẫn không thuộc về nó như cái ngày xa xôi ấy.

“Thôi em về...”, lời nói cuối cùng, nụ hôn và vòng tay ghì xiết cuối cùng, nó nhẹ nhàng đặt cô xuống đất lạnh, lặng lẽ nhìn theo cho đến khi bóng cô khuất hẳn sau một tiếng chó sủa trăng. Bây giờ đến lượt nó một mình một bóng xệch xạc trên con đường vắng, thoang thoảng mùi hoa cau và dưới mặt ao sáng người có tiếng cá đớp khẽ. Như một kẻ mộng du, trong đầu vẫn lơ lửng những quả bóng màu, thằng hộ pháp tìm về được tới ngôi nhà rách của người anh khi trời tang tảng sáng. Tiếng gõ rụt rè trên cánh liếp làm người đàn ông gầy ốm choàng tỉnh, hoảng hốt kéo cái thân hình lạnh toát của đứa em vào trong căn buồng tối. Người chị dâu vội vã cuốn lại mớ tóc, đẩy đứa con vào mé giường trong, hỏi líu lưỡi:

“Chú có sao không? Cô ấy đâu?”

Nó lắc đầu không trả lời, lôi trong gậm giường ra chiếc ba lô, ấn vào bàn tay răn reo của người anh xấp giấy bạc và bước lại gần giường nhìn đứa cháu vẫn nằm còng queo ngủ.

“Chú định đi ngay hả? Khoan chờ chị bắc nồi cơm ăn uống cho no đã.”

“Trời chưa sáng, tôi đi bây giờ cho kín đáo. Anh chị yên tâm, cố mà sống đừng bỏ đi đâu, tôi sẽ gửi tiền về.”

Nó vùng ra khỏi một cuộc chia tay nữa, lại vẫn nước mắt, lại vẫn những lời dặn dò. Không, thế nào rồi nó cũng trở về, nhất định là thế, đất làng càng đói nghèo càng không thể dứt bỏ mà đi. Nó khoác ba lô lên vai, quảy quả bước đi trong lúc cả làng còn đang mê mệt trong giấc ngủ về sáng. Một con chó hoang lẵng nhẵng chạy theo ra tận bên ngoài rặng tre trên con đường đất đỏ kéo một vềt dài qua những cánh đồng loang loáng nước. Phía trước, một vầng sáng đỏ ối đang hiện ra đằng chân trời rọi vào lòng nó những tia ấm áp. Nó sẽ đi về nơi hoang dã, nơi những đỉnh núi xam xám đang ẩn mình sau những làn mây hồng nhạt kia. Lại những ngày mưa rừng, những đêm gió núi thổi bùng ngọn lửa hắt lên một vách đá nào đó những cái bóng chập chờn. Thế nhưng sau những ngày vừa qua giờ đây thằng hộ pháp đã trở nên con người khác, già dặn hơn, chín chắn hơn, một ý thức trách nhiệm mới nảy nở khiến khi gặp lại tôi cảm giác như nó đã già đi mấy tuổi và bây giờ thực sự nó mới là một người đàn ông.

Hai mươi bảy.

“Đồng chí toán trưởng bị rắn cắn. Vẫn giữ quyết tâm tới đỉnh Hua Ca trước mùa mưa như Ban chỉ huy đã giao nhiệm vụ.”

Ký tên: Hiếu

Bước ra khỏi phòng bưu điện, tôi chưa hết ngỡ ngàng về bức điện tôi vừa đánh đi theo đúng từng chữ như thằng học giả đã ghi ra giấy. Cô gái ngồi trong quầy lo lắng:

“Ông ấy có sao không?”

“Tôi... không biết, gần đây có ai bán thuốc trị rắn cắn không?”

Cô gái lắc đầu, chuyển bức điện ra phía sau, rồi cũng như tôi, cô cũng có vẻ băn khoăn về việc bệnh tình nạn nhân không được báo đi, mãi khi tôi sắp bước khỏi phòng, cô mới gọi với:

“Trạm xá ở đây không có thuốc đó đâu, anh phải vào bản hỏi các cụ già.”

Tôi gật đầu cảm ơn, nghĩ mãi không hiểu thằng học giả thảo bức điện ấy với dụng ý gì khi ông toán trương đã nằm xuống mà nó vẫn dám cam đoan thực hiện đúng kế hoạch.

“Chắc chắn tao sẽ quất chúng mày tới bằng được đỉnh Hua Ca trước mùa mưa”, tôi thoáng nhớ tới lời nó và chợt hiểu nó không nói chơi. Thôi kệ mọi mưu đồ của nó, trước mắt tôi phải tìm bằng được thuốc cho ông toán trưởng.

Tôi mừng rỡ nhận ra rằng bây giờ tôi đã có cái cớ thật hết sức chính đáng để gặp cô nàng bán cơm nhỏ nhắn.

Đúng thế, nếu không có cô dẫn đi và nói giúp bằng tiếng dân tộc, làm sao tự tôi tìm được vào bản kiếm thuốc cho ông toán trưởng? Tôi rẽ qua chợ mua tặng cô một món quà nho nhỏ trong khi cái tặng phẩm cao quý định dâng cô tôi vẫn chưa nghĩ ra. Quả thực sau lúc bối rối rút phắt chiếc khăn lụa đỏ thêu chỉ vàng cô tặng tôi để buộc cho ông toán trưởng chỗ rắn cắn, tôi cứ áy náy như có điều gì không phải với cô. Tất nhiên rồi tôi sẽ giặt sạch, lại cất nó lên túi ngực nhưng như thế nó đã bị chen vào cái gì đó chẳng thuộc riêng tôi và cô nữa. Tôi thơ thẩn đi dọc theo các hàng tạp hóa bày đủ các mặt hàng sặc sỡ chọn mãi mới mua được chiếc gương nhỏ để mỗi lần mang ra soi rất có thể cô lại nhớ tới tôi chăng? Quán cơm bữa trước đóng cửa im ỉm làm tôi thất vọng. Có chuyện gì đó đã xảy ra với cô chăng? Bao nhiêu hồi hộp, bồn chồn, bao nhiêu lời lẽ sắp sẵn bỗng dưng tiêu tan cả, tôi cứ đứng như bụt mọc trên nền đất khô cứng lổn nhổn những cục phân dê. Một bà cụ lưng còng, chống gậy, từ nhà bên lập cập bước tới:

“Cháu hỏi cô Sao phải không? Cô không bán hàng ở đây nữa đâu, hàng cơm chuyển sang sản xuất rồi. Nhà cô ở phía kia, gần cây đào to cuối bản đấy.”

Tôi đặt vào bàn tay khô quắt của cụ gói bánh ngọt, cụ cảm ơn và buông một tiếng thở dài:

“Ôi dà, người già khổ lắm cháu ơi...”

Có lẽ đến tuổi đó tôi cũng kêu lên như cụ, nhưng lúc này, tôi vội bước theo con đường hai bên lấm tấm hoa mò o đỏ tươi, những nhà sàn cao ráo sạch sẽ, bên dưới chứa đầy củi, những con lợn xinh xinh đuổi nhau trên nền đất nghiêng, rải rác những đống ngô mới bẻ bốc lên mùa chua chua dưới ánh nắng gay gắt. Khi nhìn thấy cây đào to lớn, vượt lên trên những bụi ớt thấp lè tè, trống ngực tôi đập thình thịch, nhà cô kia rồi, cô có ở đấy không, liệu cô còn giữ nỗi giận trong đêm trăng xòe bữa trước không? Mặc cho cái đầu cứ nghĩ lung tung, đôi chân cứ đưa tôi đi và bên tai tôi bỗng vang lên từ phía trong hàng giậu giọng cô dường như đang trò chuyện với ai đó.

“Mày ăn đi chứ? Sao mày cứ nhìn tao? Ăn đi cho cái chân còn đứng dậy được, cái đuôi còn ve vẩy được. Tao lại dẫn mày ra suối kỳ cọ cho hết con ve con vắt...”

Tôi ghé mắt qua kẽ lá, trời ơi, cô nàng nhỏ nhắn của tôi đang ngồi vắt vẻo trên khúc gỗ trước con trâu đang nằm ủ rũ, chắc nó ốm, bỏ ăn nên nàng phải dỗ dành thế.

“Ăn đi, cỏ này tao mới cắt ngoài đồng, phải lội qua ba con suối, trèo qua ba quả đồi, tìm từ lúc còn sương cho đến khi nắng gắt mới được vạt cỏ thế này. Ăn đi cho cái vai còn kéo được cày, còn kéo được mía, kẻo không cứ nằm mãi thế này, người ta sẽ giết mày, xẻ thịt mang bán ngoài chợ. Phà ơi *... cái miệng tao không nói được tiếng mày, nhưng cái bụng tao thương mày lắm trâu ơi...”

Ôi giọng của nàng mới trong trẻo và ngọt ngào làm sao tôi cứ đứng nín thở cho từng lời từng lời lọt vào tai mãi tới khi nàng nhận ra tôi, kêu lên một tiếng, chạy tọt vào nhà.

Tôi bước lại khúc gỗ nàng vừa ngồi. Con trâu ngước đôi mắt lờ đờ lên nhìn như thể chờ tôi nói với nó nhưng lời như nàng vừa nói. Nhưng còn nói gì được nữa, vì nó già yếu đã mất đi sức mạnh vốn là cái người ta cần và do vậy nó được quyền tồn tại, giờ đây, giá trị của nó chỉ còn được tính bằng số cân móc hàm mà nay mai chắc chắn người ta sẽ làm việc đó dù cô nàng nhỏ nhắn của tôi có ép được nó ăn hết bằng kia cỏ mật. Tôi xoa xoa tay lên đầu nó và đứng dậy để đón nụ cười đầu tiên nàng ban cho tôi với cái vẻ thân thiết tôi cảm thấy rất rõ qua gương mặt đỏ bừng.

“Em tưởng anh không quay lại nữa.”

Vẻ hồn nhiên tươi mát của nàng trong bộ váy và áo chẽn ngắn mới thay làm nàng còn đẹp hơn cái hình ảnh tôi vẫn tưởng tượng trong những lúc nghĩ về nàng. Tôi ấp úng nói câu gì đó làm nàng lại cười và cúi xuống xách chiếc ba lô, dẫn tôi leo cầu thang lên nhà sàn. Hình như nàng đã có lời trước, nên cha nàng, một ông già quắc thước đang ngồi vót nan bên bếp lửa giữa nhà niềm nở đưa tôi chiếc ghế gỗ và với cái ấm tích đằng sau cột rót nước mời. Tôi ngồi trò chuyện với ông, mắt luôn nhìn vào chén trà nhưng tôi vẫn như thấy được nàng nhảy nhót như con chim nhỏ hết trên nhà lại xuống sân, bận rộn trong niềm vui không giấu được đang rạng rỡ trên mặt nàng. Bữa cơm chiều đơn sơ có món măng luộc chấm muôi, đĩa thịt rừng khô và chén rượu trắng nấu bằng sắn bên bếp lửa hồng luôn rọi thành hai đốm sáng trên mặt nàng có lẽ là bữa cơm đầm ấm nhất chưa từng có kể từ khi tôi rời trại cô nhi bước chân vào đời sống xã hội. Một tình cảm ấm áp không biết nên gọi nó là gì cứ dâng lên trong tôi, mới mẻ và đầy lạ lẫm. Chưa bao giờ tôi nhận ra một cách thấm thía rằng con người ta sinh ra là để sống trong hòa hợp, vị tha chứ không phải rút ẩn vào trong ốc đảo cô độc của từng người. Dưới mái nhà sàn và ngọn lửa đang reo vui kia, tôi như được sống trong một nhân loại khác, ở đó, mỗi tiếng cười của ông già, mỗi lời nói của cô gái đều ngân vang trong lòng ta một âm điệu mới khiến ta cảm giác như được nghỉ ngơi trong yên ổn thinh không và chỉ còn lâng lâng một khao khát làm đẹp tâm hồn con người.

Buổi tối ông già đốt bó đuốc đi đâu đó tìm các vị thuốc trị rắn cắn, tôi và nàng ngồi hai bên bậu cửa sổ ở giữa trải dài trên sàn nhà một khung ánh trăng mờ ảo, tôi nói với nàng về những đêm nằm võng ngửa mặt lên trời ngắm nghía không chán mắt những vật thể li ti cùng tên với nàng - những ngôi sao, tôi kể nàng nghe về con chó không chịu rời mộ chủ nhà khi cả làng đã bỏ đi, về đỉnh núi Hua Ca mà chúng tôi đang cố sức đi tới cho kịp trước mùa mưa...

“Phà ơi, nàng kêu lên, anh lên đỉnh núi Hua Ca? Cao lắm, sát tầng mây kia đấy. Hua Ca có nghĩa là “đầu quạ”, nghe nói ở cái mỏ của nó phun ra một dòng nước, nếu hai người cùng uống nước đó trong một cái chén thì không bao giờ quên được nhau...”

“Thật không? Em nói thật không?”

“Thật chứ, ông nội em kể lại cho bố, bố lại kể cho em. Nhưng phải thực bụng với nhau mới uống được, người nào không thực uống vào chết ngay.”

Tôi nói với nàng nếu vậy nhất quyết tôi sẽ tìm bằng được lên đỉnh Hua Ca lấy một chai nước về tặng nàng để mai kia uống chung với ai đó. Phà ơi, nàng kêu lên và lắc đầu rối rít, nhỡ người ta chẳng thực bụng với mình, bắt người ta uống, chết thì phà bắt tội. Cái vẻ chất phác, chân thành trong nỗi lo của nàng làm tôi can đảm hẳn lên tôi với lấy bàn tay nàng hỏi lạc giọng:

“Anh cùng uống với em có được không?”

Bàn tay nhỏ nhắn của nàng ngoan ngoãn nằm trong bàn tay thô kệch của tôi, nàng nhìn tôi nghiêm trang:

“Anh có thực bụng muốn “nên nhau” với em không?”

“Anh muốn, anh muốn lắm, nếu nói sai anh ăn nhằm phải lá ngón mà chết.”

“Đừng anh đừng thề, em tin anh, anh cứ lấy chai nước trên đỉnh Hua Ca mang về đi.”

Đôi bàn tay của tôi và của nàng nắm chặt lấy nhau trong cái khung ánh trăng vàng óng và huyền ảo. Trước mặt tôi vẫn là cây đào nhễ nhại sáng trên nền trời đen sẫm của rặng núi đá hùng vĩ nhưng kể từ giờ phút này, vẫn cây ấy vẫn núi ấy, nhưng trong mắt tôi chẳng còn là cây ấy và núi áy nữa, dường như cái dáng vẻ mới mẻ, khác lạ sẵn có của nó, tôi chỉ vừa mới nhận ra kể từ lúc bàn tay nhỏ nhắn của nàng run rẩy trong tay tôi. Tôi đã biến thành người khác, hẳn là như vậy nên lúc cha nàng trở về, trong tay cầm gói thuốc trị rắn cắn, tôi tới ôm chầm lấy ông mừng rỡ.

“Phà ơi, cháu may lắm đấy, đi hết năm nhà không ai có rễ cây này, lại đi hết mười nhà cũng chẳng có, đã tưởng phải về không, mai lên núi tìm, may quá, gặp ngay ông cụ Páo bên bản Ban sang chơi, mới sai thằng cháu cưỡi ngựa về lấy.”

Ông lôi từ trên gác bếp xuống vài thứ cành và lá khô kỳ cạch rang, giã mãi đến khuya mới được thứ bột đen mà ông dặn tôi phải cho ông toán trưởng trong uống ngoài xoa tới khi nào vềt cắn không còn tím tái nữa mới thôi. Sáng hôm sau từ lúc còn tối đất, nàng đã đưa chân tôi tới tận cửa rừng, tôi phải giục nàng quay về nàng mới chịu dừng lại đứng nhìn theo tôi khoác chiếc ba lô nặng chịch đi khuất sau rừng cây rậm rạp. Thôi em về, nhất định anh sẽ trở lại, tôi đã nói với nàng như thế, nàng không nói gì cả, chỉ nhìn tôi đăm đăm với ánh mắt mà suốt dọc con đường đã quen thuộc với tôi, hầu như không lúc nào tôi không nhìn thấy nó, cái ánh mắt dịu buồn và đày lo lắng cho tôi ấy. Tôi đã biến thành người khác, chắc thế, nên tôi đã làm lại cái việc phi thường ngày trước một cách chẳng khó khăn gì, với cái ba lô hơn nửa tạ trên vai, tôi mải miết leo trèo, vạch rừng mà bướt nên trời chưa tối hẳn, tôi đã về tới nơi trú quân. Nỗi lo tính mạng ông toán trưởng làm tôi cuống lên khi gặp thằng cấp dưỡng đang lúi húi chặt củi ngoài đầu dốc:

“Sao? ông toán trưởng sao rồi?”

“Chết rồi, chết ngay từ hôm mày đi rồi”.

Cái giọng tỉnh khô của nó làm tôi ngờ ngợ, nếu ông toán trưởng chết thực chắc cái mặt nó không tươi tỉnh như thế kia, tôi vội túm lấy ngực nó:

“Mày nói thực đi, tao cho mày gói cơm nếp ăn với thịt gà luộc”

Thằng cấp dưỡng toét miệng cười:

“Đưa gói cơm đây, chờ tao ăn xong rồi về, chẳng đi đâu mà vội. Ông ấy không chết đâu, tỉnh rồi, ăn được bát cháo thịt hộp rồi.”

Rồi nó vừa nhai nhồm nhoàm vừa kể lể:

“Mày đi sáng sớm thì đến trưa ông ấy ngồi dậy được.

Hai hôm nay thằng học giả phục dịch ông ấy còn hơn bố nó ở nhà. Nào mút máu độc ở tay ông ấy ra, nào cõng đi ỉa đái lấy cả xà phòng thông đít cho ông ấy khỏi táo bón. Đánh được máy VTĐ về Ban chỉ huy rồi, chẳng hiểu thằng kia xui ngon xui ngọt thế nào ông ấy vẫn khăng khăng bảo nhất định cánh mình sẽ tới được đỉnh Hua Ca trước mùa mưa...

Tôi cắt ngang lời nó:

“Về chuyện này tao lại thống nhất với thằng học giả.”

Miếng thịt gà đang được nhai trong miệng thằng cấp dưỡng chợt sững lại:

“Hả, mày nói gì thế? Mày định chạy đua với nó hả? Lại thêm một thằng điên nữa rồi.”

Tôi không thể giải thích cho nó tôi cần lên đỉnh Hua Ca để lấy chai nước phun từ mỏ con quạ làm quà tặng cho nàng. Nghe chuyện đó chắc nó cho tôi điên nặng hơn thằng học giả. Ôi, cho dù cái công việc phát cây hàng ngày của bọn tôi quả thật là đơn điệu nhưng nó lại làm rối tung cuộc sống của mỗi thằng khiến chẳng ai còn chia xẻ được với ai như nhưng ngày xưa kia nữa.

Ông toán trưởng mừng rỡ khi tôi khoác ba lô bước vào lán trong lúc thằng học giả đang kê bát nước lên miệng ông. Mặc dù ông đã vượt qua được cơn hiểm nghèo, nhưng tôi vẫn vội rút trong túi ra gói thuốc đưa ông. Thằng học giả nhanh tay đỡ lấy, mở ra xem xét rồi lắc đầu:

“Thuốc men gì toàn bồ hóng cả thế này. Không biết rõ công thức pha chế, uống vào có khi oan gia. Thủ trưởng chẳng cần uống, ít bữa nữa sẽ khỏi.”

Tôi hiểu ngay nó không muốn tôi chia sẻ với nó cái công cứu sống ông toán trưởng. Tôi không giận, chỉ thấy buồn cười và bảo ông rằng thuốc này do một ông già miền núi làm ra theo kinh nghiệm dân gian đã cứu thoát được nhiều người bị rắn độc cán. Thật lạ, không hiểu bằng cách nào thằng học giả đã lấy được lòng tin của ông nhanh chóng đến thế? Ông đưa gói thuốc cho nó cất đi để dành... lần sau lỡ chẳng may trong toán có ai bị rắn cắn. Tôi nói theo kiểu tường trình rằng tôi đã điện về Ban chỉ huy đúng như thằng học giả đã ghi, tôi đã mua về được hơn nửa tạ gạo, vài cân thịt lợn cùng một số thực phẩm khác. Thằng cấp dưỡng bước vào khoe vừa kiếm được mớ lá lốt, nó sẽ giã thịt làm món chả rán và canh xương ăn tươi một bữa như lần trước.

Nỗi hứng chí của nó bị thằng học giả dội ngay cho gáo nước lạnh:

“Ấy chớ, thịt phải kho mặn hết để ăn dần lấy sức đi tuyến.”

Ông toán trưởng gật gù:

“Phải đấy, mình không có người tiếp phẩm, chịu khó ăn dè vậy.”

Tôi bấm vào vai thằng cấp dưỡng, lôi thốc ra ngoài kẻo nó chửi toáng lên. Thôi đừng nổi nóng, tôi bảo nó, mày sắp được về phép xây nhà rồi, gây sự với thằng đó làm gì rách việc ra, nó bắng nhắng vậy thôi nhưng bên trong nó vẫn là thằng tốt. Thằng cấp dưỡng bĩu môi:

“Mày tưởng nó tử tế lắm hả? Ngay với ông toán trưỏng nó vờ vịt ngoài mặt đấy thôi, sau lưng ông nó vẫn riễu: “Tao hút hết máu độc cho ông lão ấy bỏ cái thói hám quyền hành.” Tao mới bảo nó: “Vậy mày thì không hả?” Mày biết nó trả lời thế nào không, nó bảo: “A....... loại bớt được thằng nào hay thằng đó.”

“Nó nói đùa thôi, chấp làm gì.”

“Mày cứ chờ đấy. Rồi nó sẽ trèo cả lên đầu mày mà leo cho coi.”

Tôi không quá lo xa như thằng cấp dưỡng, nhưng ám ảnh về một nguy cơ nảy nở hàng ngàn hàng vạn những thằng học giả chui luồn vào mọi ngóc ngách xã hội giống như đàn mối đục ruỗng thân cây làm tôi trằn trọc mãi dưới bầu trời đêm chi chít sao.